HƯƠNG RỪNG CÀ MAU
SƠN NAM
Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên nầy sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
-Kiến nghĩa bất vi vô dõng giã
Tới Cà Mau - Rạch Giá
Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khi mù như sương
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương ?
Tiễn người về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút
Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò . . . ơ theo nước chảy chan hòa
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
PC:Bài thơ nầy dựa theo bản gốc do nhà văn Sơn Nam chép tay tặng nhà thơ Huỳnh Kim tại Cần Thơ năm 2000
ĐI LÃNH NHUẬN BÚT VỚI NHÀ VĂN SƠN NAM
Đúng hẹn để nhận bài cho báo Tết, tôi gọi điện thoại đến nhà truyền thống quận Gò Vấp xin gặp nhà văn Sơn Nam. Bên kia đầu dây, ông trả lời ngắn gọn: “Cho hẹn lại sáng mai nghen, sáng nay mắc ra báo Công an mượn tiền xài, hiện giờ trong túi chỉ còn mấy chục đồng”. Tôi nói: “Vậy thì tía ở đó đợi con vào chở tía đi”
Khi ngồi sau lưng tôi trên chiếc honda, ông nói: “ Sáng nay có mấy cô ký giả trẻ đến hạch hỏi mấy tiếng đồng hồ, trả lời muốn khan cổ họng mà chẳng có đồng xu. Nhưng kể ra cũng tội nghiệp tụi nó, sinh viên từ miền Tây mới ra trường, đang thử việc, không có bài hay thì chủ báo không ký hợp đồng nên ráng giúp tụi nó”.
Phỏng vấn, kể chuyện là phải trả tiền, gần như đó là nguyên tắc của ông – một người cả đời chỉ sống bằng nghề viết – Bởi những tư liệu mà ông có được, ông cũng phải tốn tiền. Ong kể, ngày xưa, ngay từ khi ông viết Lịch sử khẩn hoang miền Nam, sở dĩ ông có nhiều tư liệu quý là vì mỗi khi vào thư viện ông đều tặng phong bì cho thủ thư nên họ rất nhiệt tình. Ong nói cụ Vương Hồng Sễn là một người rất sòng phẳng trong chuyện ấy, mỗi khi đến nhà cụ để đọc và ghi chép tài liệu hoặc nhờ cụ trả lời một vấn đề gì, trước khi ra về, dù ít hay nhiều cũng phải để lại một cái bao thư. Lý giải về sự sòng phẳng ấy, ông nói rằng, mình viết bài đăng báo được lãnh nhuận bút thì không lý do gì bắt người khác phải cung phụng cho mình.
Tôi kể cho ông nghe rằng cách nay ba ngày, trong một tham luận đọc tại hội nghị những người viết văn trẻ của thành phố, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín có nói về một nền văn học ăn lương, đại khái rằng có những người suốt đời được trả lương để làm văn học nhưng chưa hẳn là có lợi cho văn chương. Nghe xong, ông cười có vẻ tâm đắc lắm: “ Cái thằng đó hay à ! Nói vậy là nó loại trừ tôi ra”
Cả một đời gắn bó với văn chương, ông đã tự mình làm nên một Sơn Nam cho nền văn học – nói theo nghĩa một nền văn học ăn lương của Nguyễn Trọng Tín – bây giời, khi ông ngồi sau lưng tôi đi đến một Tòa báo để mượn tiền xài, tôi chợt ngậm ngùi nhận ra ông thiếu đi nhiều thứ so với một thường dân : Cả đời không biết chạy xe, dù là xe đạp, tròn năm mươi năm qua sống trên đất Sài Gòn, ông chỉ biết đi bộ, đi xe buýt, xích lô và xe honda ôm; không có nơi tiếp khách dù là khách của ông ngày nào cũng có; không có điện thoại, dù là điện thoại bàn; cho đến bây giờ, ông vẫn viết bằng tay hoặc chiếc máy chữ mini mà tuổi thọ của nó cũng xấp xỉ tuổi nghề của ông.
Hồi tòa soạn báo Văn nghệ thành phố còn ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mỗi sáng ông từ nhà tới đó ngồi uống café trong căn-tin đến 9 giờ, đó là khoảng thời gian ông tiếp khách. Hay nói đúng hơn đó là văn phòng giao dịch của ông để giao và nhận bài cho các cơ quan báo chí trong nước, và cả nước ngoài. Khi báo Văn nghệ dời đi cũng là lúc ông bỏ nhà đi lang thang vì chuyện cơm không lành, canh không ngọt. Từ đó văn phòng giao dịch của ông dời về quán café trong khuôn viên nhà truyền thống quận Gò Vấp, gần chục năm nay. Bây giờ ông đã trở về với mái ấm gia đình, nhưng địa chỉ văn hóa của ông vẫn còn chỗ cũ. Mỗi sáng, lúc 7 giờ 30, ông lên xe honda ôm từ Bình Thạnh ra Gò Vấp cũng giống như người ta đi đến cơ quan. Ơ đó có một cô nhân viên thư viện chuyên làm công việc chữa bản thảo cho những bài viết của ông, bởi do tuổi cao , mắt mờ, tay rung nên ông hay gõ sai nốt chữ. Ai muốn gặp ông qua điện thoại thì cứ gọi vào số máy của nhà truyền thống, nhân viên ở đây rất vui vẻ hỏi người gọi tên gì, ở đâu để chạy ra sân báo cho ông. Ơ đây, ngoài những biên tập viên của các cơ quan báo chí tìm đến ông đặt bài, nhận bài, trả nhuận bút, còn có những sinh viên báo chí, du lịch, ngữ văn, những nghiên cứu sinh đang làm luận án Tiến sĩ cũng tìm đến ông như để tra cứu một quyển từ điển sống, một kho địa chí văn hóa sài Gòn và đồng bằng Nam bộ.
Tôi mạo muội hỏi ông: “ Nhà xuất bản Trẻ mua đứt bản quyền của tía bao nhiêu ?”. Ong nói: “ Đây là chuyện tế nhị mà cả hai bên đã cam kết rằng không ai được nói ra”. Rồi ông lại cười giòn và tấm tắt khen bài tham luận của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín mà tôi vừa kể với ông.
Đến Tòa soạn báo Công an, ông có vẻ thất vọng khi biết anh Trần Tử Văn đi vắng. Ra trước sân, ông trầm ngâm đứng lặng. Tôi hỏi ông cần khoảng bao nhiêu, ông nói khẽ: “ Càng nhiều càng tốt, mấy đứa nhỏ đang gặp khó khăn, chứ bản thân tôi thì hề hấn gì”. Tôi đang nghĩ đến số nhuận bút bên Thời báo Kinh tế sài Gòn, nhưng khi nghe ông nói “ mấy đứa nhỏ đang gặp khó khăn” thì tôi biết ngay rằng nhuận bút của một vài bài báo sẽ chẳng có nghĩa lý chi, phận mình mới chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, cái nhà còn chưa có ở . . . Nhìn ông già còm cõi, tem hem, môi rung, mắt mờ, chân yếu trong cơn tuyệt vọng trước nợ áo cơm giữa chốn phồn hoa đô hội mà tôi muốn rơi nước mắt. Một nhà văn bậc thầy, một tinh hoa của dân tộc mà thân phận như thế nầy sao ? Lòng tôi xót xa tự vấn.
Trong lúc đầu óc tôi đang bối rối thì ông già giục đi. Tôi hỏi đi đâu, ông bảo sang Hãng phim Giải phóng. Đi dọc đường, ông nói rằng ở bên đó ông còn mấy ngàn đô-la nhưng không biết nó đã về tới bên nây chưa hay là còn bên Mỹ. Tôi chở ông đi như sự cầu may.
Nhưng thật bất ngờ, khi vừa dừng trước cổng thì anh Trần Khải Hoàng, phụ trách tài vụ vừa dắt xe ra, gặp ông, anh mừng rỡ: “ Trời ơi, tía ! Vô đây con gởi tiền, con đợi tía mấy ngày nay !”
Anh Hoàng cho biết, một đạo diễn người Mỹ gốc Việt đã chuyển thể truyện ngắn “Mùa len trâu” của ông thành phim truyện nhựa, họ trả nhuận bút cho ông ba ngàn đô-la, tạm thời họ ứng trước cho ông một ngàn, số còn lại sẽ trả sau khi phim phát hành hai tháng. Anh Hoàng nhờ tôi chuyển chứng từ cho anh Phạm Sĩ Sáu ở nhà xuất bản Trẻ, bởi về mặt thủ tục, số tiền nầy phải trả cho nhà xuất bản Trẻ vì bên ấy đã mua đứt bản quyền của nhà văn Sơn Nam.
Trên đường đi, ông Sơn Nam tỏ ra phấn chấn: “ Thằng xuất bản Trẻ nầy chơi ngon, bản quyền tôi đã bán cho nó rồi, vậy mà số tiền nầy nó vẫn để cho tôi hưởng trọn, không lấy tiền cò mặc dù hợp đồng do nó ký”
Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu cho biết: Mục tiêu của nhà xuất bản Trẻ trong việc mua bản quyền của ông là để sưu tầm, tập hợp và hệ thống lại các tác phẩm của một nhà văn lớn, tránh tình trạng xé lẻ, chạy theo lợi nhuận rồi xuất bản chồng chéo nhau của những người làm sách trên thị trường. Việc hệ thống lại theo từng chủ đề sẽ tạo nên dấu ấn Sơn Nam và dấu ấn lịch sử, văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng mua bản quyền rồi thì hai vấn đề khá phức tạp đặt ra đối với anh – Người chịu trách nhiệm khai thác để tài và giao dịch quyền tác giả – Thứ nhất, làm cách nào để tìm được hàng chục tác phẩm của nhà văn đã bị thất lạc, nói một cách nào đó thì mặc dù nhà văn đã bán bản quyền nhưng trong tay ông không có cuốn sách nào để bán ( Chỉ có hơn mười đầu sách do một độc giả tặng lại cho ông ). Cái khó thứ hai là làm cách nào để cân đối cho nhà văn Sơn Nam mỗi tháng có một khỏang tiền đủ sống từ nay cho đến cuối đời, khi ông gát bút. Việc mua bản quyền thực chất chỉ là mua quyền xuất bản, còn trên mỗi đầu sách, phải trả nhuận bút cho tác giả từ bốn đến tám phần trăm. Đó là cách tính tóan như một giải pháp giúp đỡ nhà văn.
Không họ hàng thân thuộc, thậm chí không phải gốc gác miền nam, nhưng nhà thơ Phạm Sĩ Sáu cực với nhà văn Sơn Nam còn hơn cực với cha ruột của mình. “Tía ơi tía xài vừa phải thôi, tiết kiệm lại một chút, lở tháng sau sách ra trể thì làm sao con lo kịp tiền cho tía”. Có lần tôi thấy Phạm Sĩ Sáu vừa đưa tiền, vừa nói với Sơn Nam như vậy. Anh biết tánh ông, cũng chẳng phải ăn xài sang trọng gì, chủ yếu là cho tiền, mua tập vở, quần áo cho trẻ em nghèo trong Gò Vấp. Phạm Sĩ Sáu kể, những lần cùng đi với ông đến dự tiệc cuối năm ở các tòa báo, cuối giờ là thấy ông lui cui gom hết bánh mứt, thịt quay, cơm chiên, chả giò . . . cho vào bọc xốp để mang về cho trẻ con nghèo trong xóm.
Khi dừng lại một vỉ hè để uống café,ông nói: “Tôi còn mấy chuyện hây lắm, nhưng về già mới viết được”. Nghe ông nói thế, tôi bật cười. Nhưng rồi tôi bổng giật mình chợt nghĩ : ông có lẫm cẫm rồi chăng ? Gần tám mươi tuổi rồi mà ông còn nghĩ “về già mới viết”.
Tôi nhìn kỹ ông và nhận ra làn da ông hơi mọng nước, đôi môi rung rẩy nhiều hơn. Nhớ lại hồi sáng tôi phải dìu ông đi từng bước chậm xuống cầu thang ở báo Công an thành phố.
Lạy trời và lạy trời . . . !
Sài Gòn, tháng 12 năm 2003
( Trích từ tập bút ký THẾ GIỚI NGƯỜI ĐIÊN - NXB Trẻ tái bản năm 2008 )
17 nhận xét:
Bữa nay đọc lại bài này của anh thấy bùi ngùi hơn...
Đọc bài này ngậm ngậm ngùi quá, nhớ nhiều về khoảng thời gian anh viết bài này. Cả đại ca Hổ Phụ nữa.
Xin chia buồn với tất cả những người Nam Bộ và ngoài Nam Bộ nhưng yêu mảnh đất ấy!
Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam - ông già Nam Bộ với những tác phẩm tuyệt với về quê hương Nam Bộ mến yêu. Cầu mong linh hồn Ông đời đời yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng.
Ngày xưa ba tôi cũng thích đọc sách của nhà văn Sơn Nam . Xin thắp nén nhang tiễn ông .
Nhà văn Sơn Nam có nói, đại ý : nếu viết văn mà giàu thì mấy ông Ba Tàu ở Chợ Lớn đã viết văn hết rồi!.
Xin thắp cho ông một nén nhang tiễn biệt.
"về già mới viết được"
sức trẻ của ông già tám mươi thật đáng kinh sợ!
Lại một nhà văn nữa ra đi! Thắp nén nhang tiễn ông- ông già Nam bộ của chúng tôi!
Co chut bui ngui trong phut chia ly...xin thap mot nen huong long tien biet ong
Xúc động tiễn đưa
Cảm ơn anh Danh về hai entry dành cho chú Sơn Nam, nhớ dạo năm 59/60 có thời gian chú sống ở nhà tôi và "có ít công việc" liên quan tới Ba tôi (cùng cánh do ông Sáu Dân phụ trách)...Chú có tật lớn nhất là... lười giặt giũ. Hể Mẹ tôi không có thời giờ giúp là ông lộn trái quần áo hong nắng rồi xếp lại để lần sau mặc tiếp.
Vĩnh biệt một cây cổ thụ về văn hóa Nam Bộ, ông đã theo chân Ba tôi để đi về nơi vĩnh hằng khi chưa kịp ghé lại nhà thắp nén nhang cho giổ đầu của "Bạn già"...
Xin thắp một nén nhang để vĩnh biệt Ông, cây đại thụ của nền văn học Việt Nam.
Em Thanh Mận nè, em mượn blog của bạn comment.Bài thơ anh viết bị nhầm thứ tự rồi. Cái đoạn đó đúng phải là vậy nè anh: "Muỗi vắt nhiều hơn cỏ/Chướng khí mù như sương/Thân không là lính thú/Sao chưa về cố hương?/ Chiều chiều nghe vượn hú/ Hoa lá rụng buồn buồn"...Bài anh hôm nay trên Tuổi Trẻ hay!
Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Cụ Sơn Nam.
Cảm ơn tác giả bài viết cho mọi người một khắc họa cụ thể, dễ rung cảm bởi một Nhà văn bình dị, cần mẫn và trách nhiệm với cuộc sống.
EM CHUA BAO GIO DOC TRUYEN SON NAM. THE NHUNG XEM TV PHONG SU VE NHA VAN SON NAM, EM VO CUNG KINH PHUC CON NGUOI CUA ONG. CAI MA EM AN' TUONG NHAT' CHINH' LA` TINH CACH VO CUNG DAC BIET CUA ONG. LON' TUOI NHU ONG MA` CON` CUOC' BO^ KHAP DUONG PHO SAI GON DE TIM HIEU CUOC SONG, BAY GIO LAI BIET ONG LO CHO TUI NHO? O GO VAP.... ROI KHI NGHE TIN ONG DANG NGUY KICH, EM CHOT THAY CHANH LONG. DU` BIET' TUOI ONG DA~ RAT^' CAO, CUNG~ SE~ CO' NGAY` ONG PHAI? RA DI. NHUNG EM NGHI~ THAT XOT XA BIET' BAO NEU' TREN DOI NAY` MAT^' DI 1 NHA VAN THAT DAC BIET NHU ONG. THAT DAU LONG` KHI ONG NGUY KICH KO PHAI? VI` BENH TAT TUOI GIA, MA` CHI? VI` 1 TAI NAN GIAO THONG, 1 THU' NHUC' NHOI' CUA? XA~ HOI^. LUC' DO' EM DA~ LO LANG' ONG CO' THE^? SE~ KO CON` SONG^' DUOC LAU NUA~. GIO` THI` ONG DA~ RA DI THAT^ ROI`. SANG' NAY DOC BAO TT, THAY 1 TIN, MAC DU` DA~ CHUAN? BI TINH THAN, NHUNG EM VAN THAY SAO BUON` BUON`. THOI THI, CUNG~ NHU BAO NGUOI THUONG TIEC NHA VAN SON NAM, EM XIN CHAN THANH THAP NEN NHANG TIEN~ BIET ONG, TIEN~ BIET 1 NHAN CACH DANG KINH, 1 TAM HON NAM BO^ CAO CA?. VINH BIET 1 NHA VAN VI~ DAI.
bài này của anh đăng báo Tuổi Trẻ xuân 2003, 2004 gì đó rồi, kèm theo tấm hình ông Sơn Nam ngồi xe máy trông rất thảm!
cho em xin lại mấy quyển sách của anh, có cô em xin, hehe!
Bài anh viết trên TT sáng nay rất hay và cũng rất "đểu". Kính và mến nhiều!
Đăng nhận xét