Thứ Hai, 26 tháng 1, 2009

ĐỔI NGHỀ !

Doi Nghe


À ơi . . . !
Mưa chợ Đông Ba mưa qua Gia Hội
Ai về thành nội ai đợi Văn Lâu
Giọt mưa còn nặng nỗi sầu
Sông Hương muôn thuở còn sâu ân tình

(Ai ra Huế đi cyclo giúp tui)












-->đọc tiếp...

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2009

BÁNH ÍT, HỒN QUÊ




Mấy mươi năm làm kẻ thị thành, tôi đã biết nhận quà từ người khác và tặng quà cho người khác, những chai rượu ngoại, những hộp bánh ngoại gói trong giấy kính thắt nơ lịch sự, sang trọng và đầy trân trọng. Nhưng chính những cái bánh ít bỏ trong cái giỏ đệm bàng của chị Thủy thật sự làm cho tôi nao dạ nao lòng.

BÁNH ÍT, HỒN QUÊ

Chị Thủy ở Mỹ Tho gởi con lên nhà tôi đi học. Mỗi lần thăm con, chị mang lên một giỏ quà, lần nào cũng có trái cây và vài ba chục bánh ít. Trái cây tôi không quan tâm nhưng bánh ít thì lần nào cũng vậy, tôi chọn ngay một cái nhưn đậu, một cái nhưn dừa, lột ra ăn ngấu nghiến như trẻ con mặc cho bột dính miệng, dính tay. Bánh ngon là một chuyện, nhưng khó tả nổi cái cảm giác nao nao, nhớ thương về cánh đồng thời tuổi nhỏ.

Hồi ấy, mỗi mùa ruộng mẹ tôi thường dành một công (1000 m2 ) đất cấy nếp để làm bánh cho ngày tết, ngày rằm, ngày giỗ ông bà. Cuối năm, khi gió bấc thổi về, đồng lúa ngả màu vàng rờn rợn sóng, mỗi sáng tôi lội ra thăm đám nếp canh chờ bông nếp đỏ đuôi, giống như thứ trái cây vừa mới hườm hườm chín. Mẹ xách vòng gặt ra đồng gặt nếp non, chị tôi lột dừa khô, tôi bơi xuồng đi mượn cái cối bồng, lòng nôn nao, mường tượng đến mẻ cốm dẹp. Hạt nếp đỏ đuôi đổ vô chảo, rang đều cho vừa chín tới rồi đổ ra cái cối bồng - cối làm bằng một khúc cây to, khoét một lổ tròn, sâu chính giữa – dùng chày vồ quết mạnh tới khi vỏ nếp bể ra giòn nát, ruột nếp nén lại dẹp lép mỏng tanh. Cốm dẹp trộn với đường mía, dừa nạo là món ăn độc đáo, thơm lừng mùi nếp mới, ngòn ngọt vị mía đường cộng với cái béo béo của dừa khô.

Cánh đồng quê tôi, cánh đồng Chó Ngáp, mẹ tôi hay gọi là cái xứ đồng khô cỏ cháy. Mùa hạn, nhìn mút tầm mắt chỉ thấy rạ khô, cỏ khô và nắng, xa lắc xa lơ mới có một khu vườn. Gần Tết, chúng tôi băng đồng, chạy về khu vườn ấy, mót từng tàu lá chuối. Chúng tôi giành nhau chí chóe: “Bụi chuối nầy tao thấy trước, của tao !” Ở nhà, mẹ tôi đang còng lưng xay nếp (đã ngâm nước trước một đêm), tay trái cầm cây muỗng, múc từng muỗng nếp đổ vào cối đá, tay phải cầm cán cối quay đều. Bột nếp được hứng trong cái bao vải ú trắng, cái bao ấy được gọi chết tên là cái bao bồng bột. Sau khi xay xong, bao bồng bột được giằn giữa hai thớt cối, để qua đêm cho nước rỏ khô mới đem bột ra nhồi làm bánh. Bánh ít thường được làm hai loại, bánh nhưn đậu và bánh nhưn dừa. Bánh nhưn đậu thì bột pha đường, màu nâu, đối kháng âm dương cả về màu sắc lẩn hương vị: nhưn lạt, bột ngọt. Tương tự bánh nhưn dừa thì bột lạt, màu trắng, nhưn ngọt màu vàng sẩm. Tôi vẫn không quên hình ảnh mẹ tôi ngồi bắt bánh: bóc bột, bóp cho nó dẹp lại, bỏ nhưn vô, vo tròn, cho vào chiếc lá chuối xếp thành hình chóp nón, túm lại. Khi lửa nồi bánh cháy bừng lên, anh em tôi kéo nhau đến ngồi bó gối, há hốc quanh bếp lửa, hồi hộp đợi chờ. Khi mẹ tôi giở nắp nồi ra cho hơi khói bốc lên rồi đậy lại, gọi là lấy hơi, mùi thơm bốc lên ngào ngạt, chúng tôi nhìn những chiếc bánh ngả màu nâu mà bụng dạ cồn cào, thèm khát. Khi mẹ tôi giở nắp nồi lần thứ hai chúng tôi nhốn nháo mừng reo bánh chín. Đứa đòi bánh nhưn đậu, đứa đòi bánh nhưn dừa. Bốc ra, vừa thổi vừa ăn, bột dính đầy tay đầy miệng, vậy mà sung sướng, mà đã cơn thèm.

Phần bột còn dư, mẹ tôi nhồi với đường rồi ém vô dĩa, hấp chín, phơi trên mái nhà cho khô cứng, gọi là bánh tổ. Sau Tết khoảng mười ngày, nửa tháng, mẹ tôi cắt bánh tổ từng lát mỏng, chiên mỡ, lớp bột khô phồng lên, ăn vừa ngọt vừa thơm. Mẹ tôi cười chua xót: “Tội nghiệp con nhà nghèo, giữa đồng khô cỏ cháy, ăn cái gì cũng thấy ngon !”

Giữa đồng khô cỏ cháy, nghèo khó, chiến tranh, ngày giỗ của mỗi nhà là ngày hội tụ của dòng họ, của xóm làng. Trước đám giỗ ba bốn ngày, mẹ tôi phải thức khuya dậy sớm, ngâm nếp, ngâm đậu, xay bột, nạo dừa làm bánh ít. Khách đến, mỗi người mang theo một chai rượu nho hoặc rượu Anit, đặt lên bàn thờ cúng người đã khuất. Khi về, chủ nhà hồi lại một bọc bánh ít làm quà gọi là kiếng. Bởi vậy, mỗi đám giỗ, mẹ tôi phải gói hai ba thúng táo bánh. Ngược lại, mỗi lần mẹ tôi đi đám giỗ, tôi ở nhà nơm nớp chờ. Khi thấy bóng dáng bà lom khom từ xa, tôi băng đồng chạy, bất chấp đất nẻ hay lỗ chân trâu để đón lấy gói quà tòng teng trên tay mẹ. Đám giỗ ở những gia đình khá giả hoặc trúng mùa, ngoài bánh ít, có khi còn thêm mấy cái bánh bò, bánh da lợn, bánh kẹp cuốn, bánh bông lan. Nhưng bánh ít vẫn là món quà không bao giờ thiếu. Hồi ấy chúng tôi có một nhóm bạn cùng đi thả rập cua. Hừng đông, mỗi thằng một chiếc xuồng bơi đi, thả rập xong là gom lại, kể chuyện tiếu lâm hoặc chơi tu lơ khơ. Hễ nhà thằng nào có đám giỗ là biết chắc ngày hôm sau, dưới khoang xuồng thằng đó cũng có một bọc vài ba chục cái bánh ít để chia nhau. Chỉ có vậy thôi mà lấy làm oai, mà hãnh diện, mà được coi trọng suốt cả ngày.

Một hôm về Mỹ Tho, chị Thủy đưa tôi đến thăm lò bánh ít của bà Bảy Kim ở xóm đình Mỹ Phong. Gọi là lò bánh, nhưng vẫn không khí đầm ấm như cảnh gói bánh cho ngày giỗ của một gia đình khá giả ngày xưa. Năm ba người gói, hai người hấp, ba người xếp bánh. Bà Bảy năm nay đã 74 tuổi, vẫn ngồi xếp bánh vô bao, không có vẻ gì là một bà chủ. Bà nói hồi xưa, bà khéo tay, chuyên đi gói bánh cho bà con trong xóm. Về sau, nhiều gia đình gởi tiền cho bà làm như một dịch vụ, cái dịch vụ ấy phát triển dần, bà làm bánh theo đơn đặt hàng, có ngày phải làm hàng ngàn cái bánh ít. Bánh cho đám giỗ, bánh cho cúng rằm, bánh làm quà cho người thân, bánh cho thương lái mang lên Sài Gòn bỏ mối, bánh cho mấy chị hàng rong khắp các phố phường. Thì ra bánh ít vẫn còn tồn tại giữa nghìn trùng những nhãn hàng bánh Tây, bánh ta nổi tiếng. Phải chăng vì nó chứa đựng cái hồn quê trong ký ức con người.

Mấy mươi năm làm kẻ thị thành, tôi đã biết nhận quà từ người khác và tặng quà cho người khác, những chai rượu ngoại, những hộp bánh ngoại gói trong giấy kính thắt nơ lịch sự, sang trọng và đầy trân trọng. Nhưng chính những cái bánh ít bỏ trong cái giỏ đệm bàng của chị Thủy thật sự làm cho tôi nao dạ nao lòng.

-->đọc tiếp...

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2009

TRỞ LẠI ĐỈNH MỒ CÔI




Ca sĩ nghiệp dư Minh Triển vừa trở lại Đỉnh Mồ Côi

Kể xong câu chuyện Cổ Tích Trên Đỉnh Mồ Côi, tôi vẫn còn ray rứt trước hai câu hỏi không tìm ra lời đáp: Thứ nhất, liệu anh Bông có lấy vợ được không ở cái tuổi bốn lăm ? Người phụ nữ, dù có rộng lượng đến đâu cũng không thể ưng một người chồng đang nuôi 11 đứa con nheo nhóc. Thứ hai, chuyện học hành của 11 đứa trẻ ấy rồi sẽ ra sao giữa đỉnh núi cao hoang vu, heo hút, đường đến trường quanh co, năm ba cây số, dốc núi dựng đứng, trập trùng ? Tôi đã gởi vào đoạn kết câu chuyện một nỗi lo cùng với một niềm tin mong manh, rằng : “ Khi bà Tiên qua đời, liệu anh tiều phu có lo cho những thiên thần bé nhỏ ấy học hành đỗ đạt hay không ? Những câu chuyện cổ tích bao giờ cũng đi đến một kết thúc có hậu. Nhưng dân gian thường hay lý giải sự bế tắt bằng những phép màu. Và tôi hy vọng trong câu chuyện nầy, sẽ có một phép màu nào đó đến với anh Bông. Phép màu ấy chính là cái tâm, là lòng nhân ái đang ẩn chứa đâu đây, trên cõi đời nầy”.

Và, cái phép màu ấy đã đến với anh Bông và những đứa trẻ mồ côi sau khi câu chuyện được kể trên Sài Gòn Tiếp Thị.

Một buổi tối, Dì Ba gọi điện cho tôi, nói như nữa đùa nửa thật: “Con biết không, mấy ngày qua có nhiều cô từ miền Trung đến miền Tây, rồi cả bên Mỹ gọi điện cho thằng Bông để chia sẻ, bày tỏ tình cảm, nhã ý muốn lên đây làm mẹ của mấy đứa nhỏ, giờ con tính sao ?”

Gần một năm sau tôi trở lại Đỉnh Mồ Côi thì Câu Chuyện Cổ Tích đã có nhiều thay đổi đến không ngờ. Con đường lên đỉnh núi đã được tráng xi măng để xe gắn máy dễ dàng lên xuống, anh Bông cho biết, ngay tuần đầu sau khi câu chuyện được lên báo, nhiều tổ chức, cá nhân đã mang tiền lên giúp sức, kẽ ít người nhiều, trước hết là giúp anh làm con đường bê tông để giảm bớt nỗi nhọc nhằn khi lên xuống núi. Mới đây, một nhóm thanh niên gọi là nhóm chim gồm 36 người do dược sĩ Trần Anh Tuấn dẫn đầu từ Đòng Nai lên chơi , chở lên ba tấm nệm Kim Đan, mấy thùng đồ chơi trẻ em và 14 triệu đồng tặng cho đám trẻ.Có một câu chuyện rất cảm động mà dì Ba nói rằng dì sẽ giữ bí mật cho đến khi nào tôi trở lại để dì dành cho tôi một sự ngạc nhiên. Hôm ấy, có một chàng trai tên là Minh Triển từ Mỹ trở về, một thân một mình trèo lên đỉnh núi, khi tới nơi, anh ôm những đứa trẻ vào lòng rồi bật khóc. Anh nói, đọc câu chuyện trên mạng tưởng người ta hư cấu, không ngờ sự thật là như vậy. Minh Triển cũng không nói gì thêm, trước khi ra về, anh gởi cho dì Ba 300USD cùng với lời hứa sẽ tìm cách giúp dì với anh Bông lo cho mấy đứa nhỏ học hành. Mấy tuần sau, Triển gọi điện qua nói với dì Ba: “Con xin phép được làm con nuôi của má, làm em của anh Bông, làm chú của 11 đứa trẻ để con được góp sức chăm lo cho tụi nó”. Thì ra, trong chuyến đến thăm lần ấy, Triển đã khảo sát dưới chân núi Cấm có trường học dạy từ lớp một đến lớp 12. Anh đề nghị anh Bông xuống chân núi mua đất xây nhà cho các cháu có chỗ ở gần trường để học hành, công việc tiến hành tới đâu Triển gởi tiền về tới đó. Đến nay, ngôi nhà đã được hoàn tất, chiều ngang 9 mét, chiều dài 20 mét, một trệt một lầu, phía sau có 1.000 mét vuông đất vườn. Anh Bông cho biết, Triển gởi về tổng cộng 45.000USD. Ngôi nhà 360 mét vuông, mỗi đứa một phòng ngủ riêng, đó là ý tưởng của Minh Triển vừa tập cho các cháu sinh hoạt độc lập, vừa dự phòng khi chúng lớn lên có đủ không gian để sinh hoạt cá nhân.

Minh Triển là ai ? Tôi gởi lại địa chỉ mail cho anh Bông với hy vọng sẽ liên lạc với con người khá bí ẩn nầy.

Anh Bông lấy ra cho chúng tôi xem hơn mười lá thư của các chị, các cô gởi về, không chỉ từ mọi miền đất nước mà cả những lá thư cách nửa vòng trái đất. Mỗi người kể một hoàn cảnh, một tâm sự khác nhau. Nhưng thật đáng trân trọng vì hầu hết những lá thư đều bày tỏ lòng trân trọng với anh Bông. Ai cũng muốn chung vai gánh vác với anh một phần trách nhiệm. Một chị ở Hà Nội tâm sự rằng, chị lấy chồng gần năm năm nhưng không có khả năng sinh con, bị chồng bỏ đi lấy vợ khác, chị sống trong những ngày tuyệt vọng thì tình cờ đọc được câu chuyện về anh, bỗng dưng chị khát khao muốn được làm mẹ của những đứa con anh, được bồng ẵm, được chăm sóc chúng như con ruột của mình. Một chị ở Cali thì đặt thẳng vấn đề kết hôn với anh và bảo lãnh cho những đứa con anh du học. Tôi hỏi Bông tính sao, anh cười hiền: “Mình chẳng biết tính sao cả, đã thề sống độc thân để nuôi tụi nó rồi, giờ lấy vợ, liệu người ta có thương tụi nó bằng mình không, nói thì nói vậy chớ chạm vào thực tế mới biết, không khéo sẽ đỗ vỡ hết, sẽ nát bét hết . . .”

*

Mấy ngày sau, tình cớ tôi nhận được mail của Minh Triển, anh tâm sự khá dài. Ngoài những điều như dì Ba và anh Bông kể, Triển còn cho biết tuổi thơ của anh ở Trà Vinh đã trải qua những tháng ngày cơ cực, mồ côi cha từ bé, phải nghỉ học sớm để mưu sinh. Năm 13 tuổi, Triển theo một chuyến tàu đánh cá ra khơi và không ngờ rằng minh đặt chân lên đất Mỹ. Tuổi thơ lưu lạc, khao khát tình thương. Khi lên tới Đỉnh Mồ Côi, Triển như thấy bóng dáng thân phận mình qua từng đứa trẻ. Về Mỹ, anh quyết định gom đến đồng bạc cuối cùng của mình dành dụm bao nhiêu năm để làm một điều gì đó nhằm giảm bớt nỗi bất hạnh cho những đứa trẻ ấy, Triển cảm thấy như được bù đắp cho những mất mác của chính tuổi thơ mình.

Đầu năm nay, Triển về nước, anh rủ tôi cùng anh trở lại Đỉnh Mồ Côi. Khi anh vừa bước vào nhà, những đứa trẻ đồng thanh reo mừng “ba Triển !”. Triển ôm hôn từng đứa, hỏi thăm từng đứa như một người cha đi xa vừa gặp lại những đứa con ruột thịt của mình. Triển cho biết, với một ngôi nhà như thế chỉ mới là điều kiện cần cho chúng, còn điều kiện đủ để chúng học hành đến nơi đến chốn là cả một vấn đề, một chặng đường dài mà anh phải tính, phải lo. Hiện tại, anh đã lập Hội từ thiện ở Cali và vận động được một ít tiền. Trong chuyến về nầy, anh sẽ xây dựng một lộ trình chi tiêu vừa hợp lý, vừa minh bạch để mang về bên ấy trình cho Hội. Hy vọng rằng – Triển nói – những đứa con của em sẽ được học hành tử tế.

-->đọc tiếp...

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2009

RƠM RẠ DẠI KHỜ




BÀI ĐĂNG TRÊN GIAI PHẨM XUÂN ACB



Hồi ấy, chị Vân thường rủ tôi ra đồng giữ trâu với chị, chị nói đi một mình sợ ma, rủ tôi đi cho vui. Đó là những ngày sau tết, lúa đã vô bồ, còn lại cánh đồng mênh mông gốc rạ. Vào những buổi trưa nắng, chị Vân bảo tôi cột trâu lại, còn chị tìm đến một cái gò cao, lựa một đám gốc rạ còn xanh, chị lấy dao cắt một lõm đủ hai người nằm rồi trãi dưới đất một lớp rạ khô, phần rạ tươi, chị phủ lên che nắng. Khi tôi cột xong mấy con trâu thì chị Vân cũng vừa làm xong cái chòi rạ. Chị nhìn tôi cười mĩm: “Giống cái túp lều lý tưởng hôn ?”. Rồi không ai bảo ai, chị nằm xuống trước, tôi nằm theo sau, cạnh chị. Thỉnh thỏang, chị lại nhìn sang tôi cười mĩm, tôi cũng cười, rồi cả hai chìm trong giấc ngủ trưa. Có hôm tôi thức trước, chị Vân vẫn còn ngủ say, chị nằm thẳng người, hai tay úp lên ngực, hơi thở cứ đều đều. Lúc ấy trời đã xế dài, những tia nắng dìu dịu trùm lên cánh đồng rạ khô vàng rực, mênh mông. Chị Vân ngồi bật dậy, lại nhìn tôi cười rồi lại vỗ lên đầu tôi: “Ngủ ngon hôn, thằng nhóc !”

Chúng tôi lùa trâu đến một cái đìa lớn giữa đồng, từng người bạn mục đồng cũng lần lượt lùa trâu đến. Tôi đứng dưới cầu thang múc từng thùng nước chuyền lên cho chị Vân đổ vào thau cho trâu uống. Như một thói quen, khi đàn trâu uống nước no nê thì đến lượt con người tắm rửa. Cả gái, cả trai cứ để nguyên quần áo, tắm xối xả trên bờ đìa. Trong bộ bà ba đen đẫm nước bó sát người, chị Vân gánh hai thùng nước đi tắt đường đồng về nhà, tôi ngồi trên lưng trâu lững thững theo sau. Đôi gánh oằn vai, chị đi trong bóng chiều thấp thóang.

Tôi về nhà, cơm nước xong thì trời chạng vạng, hàng xóm lên đèn, trăng rằm tháng giêng cũng lấp lánh ở đầu sông. Tôi sang nhà chị Vân, hai chị em ra ngồi dưới cây rơm, bắt đầu công việc quấn hai con cúi dài để làm bếp un xua muỗi cho bầy trâu. Quấn xong, chị Vân đốt lửa, tôi lấy nước rưới lên con cúi cho lửa rơm đừng cháy, cho khói bốc lên ngun ngút, từng làn khói trắng cuồn cuộn, mịt mờ phủ lên cả bầy trâu, mùi khói rơm đầu mùa nghe thơm nồng như mùi lúa mới. Chúng tôi lại ngồi tựa dưới chân rơm. Bấc giác chị Vân xoa đầu tôi, chị hỏi tôi mấy tuổi, tôi nói mười lăm. Chị bảo: “Nhỏ hơn chị hai tuổi, mà sao mầy khờ quá !”. Tôi chưa hiểu chị nói gì, rồi chị kể: “Cùng tuổi với mầy, nhưng thằng Tư nó cặp bồ với con Xuân, thằng Hòa cặp với con Gấm, mùa nước mặn đuổi năm rồi, chúng nó đi giăng lưới, ban đêm tụi nó ngủ chung xuồng. Con Xuân, con Gấm cũng lớn hơn tụi nó hai ba tuổi . . .”

Tôi cúi đầu hổ thẹn, thẹn cho cái phận nghèo hơn là thẹn cho cái sự khờ khạo của mình. Tôi nghĩ chị Vân thương tôi như một đứa em, một đứa em nghèo khổ mà chị cần giúp đỡ. Hồi ấy, tôi luôn mặc cảm với bạn bè trong xóm vì nhà mình ít ruộng lại không có trâu, nhà nông mà không có trâu thì đương nhiên là nhà nghèo. Mấy công ruộng nhà tôi, những công việc ngòai sức người đều dựa vào đàn trâu của chị Vân. Mùa cày mùa trục thì bác Năm – ba chị – tính tiền công, đến mùa gặt, cộ lúa vào sân cũng tính tiền công, nhưng trâu đạp lúa thì bác không tính tiền, nhưng bù lại tôi phải giữ trâu trả công cho bác trong một hai tháng trước và sau tết. Bác Năm quy ước với ba mẹ tôi là vậy, nhưng chị Vân ít khi để tôi giữ trâu một mình, ngay cả những ngày trâu đạp lúa, bác nói chỉ cho mượn trâu, tôi tự đánh trâu trên nhã lúa, nhưng chị Vân lúc nào cũng có mặt, thay phiên làm công việc ấy với tôi.

Ban đêm, khi cho trâu ngừng đạp để bắt bó, ra rơm, thay vì đốt đèn măng-xông thì chị Vân rủ tôi xuống bờ sông đốt lửa, chị nói mình chịu tốn công mà khỏi hao dầu. Tôi ôm từng ôm rơm quăng xuống nước, chị mồi lửa và lấy sào tre đẩy từng đống lửa trôi bồng bềnh, sáng rực một khúc sông. Cứ thế, không biết từ mùa lúa nào, việc gì tôi cũng làm cùng chị, việc gì chị cũng gọi tôi. Ngay cả những khi ra đồng cộ lúa, chị cũng rủ tôi lên chiếc cộ trâu ngồi với chị. Những buổi tối nướng bánh phồng đãi khách, chị cũng gọi tôi sang đốt rơm, chị kẹp bánh phồng chao tới chao lui trên ngọn lửa. Khi giê lúa, chị là người đứng trên giàn giê, chị lại bảo tôi đứng cạnh để chuyền từng thúng lúa lên cho chị. Cũng chính lần ấy, lần đầu tiên trong đời tôi phát hiện ra chị Vân là người con gái đẹp. Hôm ấy chị mặc bộ bà ba màu đen, cái dáng cao cao, chị đứng trên giàn giê lúa cũng cao cao, từng cơn gió lùa qua, chị nghiêng vành thúng, lúa hột tuôn xuống, lúa lép bay bay, bụi rơm bay bay, tà áo chị cũng bay bay, ngược theo chiều gió là một cơ thể đẹp, những đường nét cong cong của vòng eo, vòng ngực căng tròn. Tôi cứ nhìn ngẩn ngơ mà quên chuyền lúa lên cho chị. Bất giác chị quay xuống, dường như bắt gặp ánh mắt của tôi, chị vội đưa tay níu nhanh vạt áo, mặt đỏ bừng. Tôi lại cúi đầu hổ thẹn, tiếp tục chuyền lúa lên mà không dám nhìn chị nữa.

Và, tôi không ngờ khi mình không còn “dại khờ” như chị nghĩ thì đó lại là mùa lúa cuối cùng tôi được gần gũi chị. Mùa sa mưa năm ấy, mẹ tôi đưa tôi ra chợ, từ giã rạ rơm để làm gã thư sinh giữa chốn thị thành. Khi tôi biết được tình yêu thì hình ảnh người con gái trong tôi là chị. Là chị với những giấc ngủ trưa trong chòi rạ giữa đồng, là chị với đôi thùng nước, chiếc đòn gánh oằn vai đi giữa đồng rạ khô trong bóng chiều thấp thóang, quần áo ướt mem bó sát thân gầy, là chị ngồi dưới cây rơm quấn từng con cúi làm bếp un trâu, là chị ngồi đốt rơm sáng bừng cả một khúc sông, là chị với những đường nét cong cong, ngực căng tròn đứng trên giàn giê lúa . . . Nhưng năm sau, nghỉ hè, tôi về quê thì chị đã đi lấy chồng xa. Mùa sa mưa, cây rơm – chổ tôi với chị hay ngồi quấn con cúi – đã rủ mục, những chiếc nấm rơm bung trắng một vùng tròn.

Hơn ba mươi năm, cuộc đời đưa đẩy tôi thành kẻ ly hương mà chưa được một lần gặp chị, chắc tóc chị bây giờ cũng lớm đớm như tôi. Nếu tình cờ đọc được những dòng nầy, chắc chị sẽ cười thầm và mắng thầm trong bụng: “Cái thằng quỷ, sao hồi xưa mầy khờ quá vậy !”

-->đọc tiếp...

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2009

DỬNG DƯNG CÙNG BÓNG TỐI





Căn nhà lụp xụp ẩn sau bờ tre giữa giồng cát mịt mờ gió bụi, nắng trưa như thiêu đốt cả xóm làng. Thạch Rươl - người đàn ông 51 tuổi - đang nằm võng dưới gốc bàng trú nắng. Nghe tiếng xe gắn máy dừng lại trước sân, anh đứng dậy và bước đi lọang chọang vào nhà, hai tay quờ quạng tìm cánh cửa. Bất chợt tôi gặp tấm bảng nhỏ trên vách với dòng chữ “ Tổ ấm tình thương, gia đình Phật tử, mùa Vu lang 1994”. Tôi chợt nghĩ, nếu không có căn nhà tình thương nầy thì không biết gia đình anh sẽ sống ở đâu bởi cả nhà anh có đến bốn người mù, chỉ còn mỗi vợ anh và đứa con trai 11 tuổi là sáng mắt. Thạch Rươl cho biết, cách nay khỏang bảy tám năm, bỗng dưng mẹ anh bị mù. Ban đầu đôi mắt mờ dần, hơn hai năm sau thì tối hẳn. Rồi tiếp theo đến lượt anh và hai đứa con anh cũng thế. Đứa con trai anh năm nay 28 tuổi, vừa mù vừa bệnh tâm thần, đã bỏ nhà đi lang thang không biết nó đang ở phương trời nào, sống chết ra sao ? Còn Thạch Thị Huệ, năm nay 22 tuổi, may mắn hơn thằng anh vì nó chỉ mù một mắt, được một sư cô dẫn lên Sài Gòn cho ở mướn. Nhưng cũng vì một mắt mà nó chỉ được trả lương mỗi tháng bốn trăm ngàn đồng. Tôi hỏi hàng ngày lấy gì sống, Thạch Rươl nói vợ anh ra rẫy làm mướn, còn anh với thằng con trai vác lưới ra biển kéo cá, kéo tôm. Chị trưởng ấp nói thêm: “Tội lắm, cha vừa vác lưới, vừa vịn vai con lần dò từng bước hơn hai cây số, vấp ngã mấy lần mới ra tới biển, mò mẫm, lặn hụp cả ngày kiếm được vài chục ngàn đồng”.

Đi qua bờ ruộng chừng hơn trăm mét, cũng dưới lùm tre là căn chòi đổ nát của hai mẹ con ông Thạch Cô, cả hai đều bị mù, cũng không ruộng đất. Tôi hỏi ông sống bằng gì, ông chỉ tay về phía cánh đồng xa xôi và nói: “ Vợ tôi với mấy đứa nhỏ đi làm mướn”. Mẹ ông, bà Thạch Kel cho biết: “Thấy vậy chớ sắp có nhà mới rồi chú ạ, miếng đất kế bên đó, mấy chú trên xã chuẩn bị cất cho cái nhà tình thương, mừng quá !”

Bà Dương Thị Thao, 82 tuổi, sống một mình trong căn chòi chật hẹp bị che phủ bởi đám tre gai. Bằng giọng nói run run với cái nhìn chơi vơi như thẳm sâu trong bóng tối, bà kể:“Cách nay khỏang năm năm, tự dưng một con mắt bị mờ dần,rồi từ từ nó tối hẳn, một năm sau thì đui hết hai con”. Tôi hỏi bà sống bằng gì, bà nói thì cứ ngồi ở đây, hàng xóm cho gì ăn nấy. Anh bạn tôi dúi vào tay bà tờ giấy bạc, bà chắp hai bàn tay lên ngực, ngước mặt lên trời: “Nam mô a di đà Phật !”

Có lẽ hạnh phúc hơn những người mù mà chúng tôi đã gặp ở đây là cô Kim Phượng. Năm 20 tuổi, Phượng yêu một chàng trai cùng làm thuê trong xóm rẫy. Một mối tình chân quê đang đằm thắm ngọt ngào thì đùng một cái, mùa khô năm 2000, cả ấp Đại Bái phát lên dịch đau mắt, hàng chục người bị mù, đôi mắt của Kim Phượng cũng chìm dần trong bóng tối. May thay, tình yêu không chết theo đôi mắt của cô. Chàng trai ấy đã xin phép cha mẹ cô cho anh rước cô về, dựng một túp lều nhỏ ngòai đê biển, ngày ngày anh đi làm thuê làm mướn để nuôi cô.

Có một điều rất lạ, dường như chẳng thấy ai tỏ ra than thân trách phận hay buồn đau về sự tăm tối của mình, họ cứ thản nhiên như việc gì đến phải đến. Bà Tư Thanh kể: “Năm đó bỗng dưng tôi nghe hai con mắt nó xốn xốn, đau đau, ông thầy thuốc ở xóm trên bảo về lấy trái chuối hột đập cho dập ra, đem nhúng dấm rồi đắp lên, tôi làm theo thấy hết đau nhưng sau đó không thấy đường luôn”

Chị Lý Thị Liên, trưởng ban nhân dân ấp Đại Bái A, xã Lạc Hòa cho biết, ấp của chị có 81 người mù, đại đa số là phụ nữ trong tuổi lao động. Hỏi có ai giải thích về nguyên nhân, chị nói không nghe rõ lắm, có người nói do nguồn nước, có người nói do môi trường vệ sinh không bảo đảm, có người lại nói do củ hành tím gây ra, chẳng hiểu đâu là nguyên nhân chính. Anh Lâm Au, chi hội Chữ thập đỏ xã Lạc Hòa cho biết, từ năm 2000 đến nay, các tổ chức từ thiện của Việt kiều Mỹ, Uc, Canada đã trực tiếp liên hệ với anh để đưa bà con mù lên Sài Gòn điều trị đến chín lần, mỗi lần vài chục người, chuyến gần đây nhất trước tết nguyên đán là 63 người, tổng cộng có trên 260 người thóat mù, chưa kể các tổ chức từ thiện trong nước trực tiếp xuống xã đưa bà con lên Trung tâm y tế huyện xóa mù cho hơn 80 người nữa. Như vậy, Lạc Hòa đã xóa mù cho hơn 300 người.Trong đợt khám sàng lọc tuần qua, Lạc Hòa có 60 người sẽ được tiếp tục xóa mù trong tháng tới, còn lại khỏang 240 người không còn khả năng điều trị.

Theo bác sĩ Vương Văn Quang, giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Vĩnh Châu thì Lạc Hòa và Vĩnh Hải là hai xã có tỷ lệ bệnh nhân mù cao nhất trong huyện ( nếu không muốn nói là trong cả nước ). Chúng tôi hỏi con số bệnh nhân mù trong tòan huyện là bao nhiêu ? Bác sĩ Quang nói rằng chưa có cuộc điều tra xã hội học để kết luận về thực trạng cũng như chỉ số gia tăng mỗi năm là bao nhiêu, chỉ biết rằng từ năm 2002 đến nay Vĩnh Châu đã kết hợp với các tổ chức y tế và từ thiện trong và ngòai nước để xóa mù cho hơn 1300 người, nhưng chủ yếu là mổ đục thủy tinh thể và mây thịt, còn các nhóm mù khác vẫn chưa có giải pháp. Bác sĩ Quang cũng cho biết thêm, từ năm 2000, sở y tế tỉnh Sóc Trăng đã có một công trình nghiên cứu về thực trạng và các yếu tố liên quan đến bệnh mắt ở Vĩnh Châu, nhưng đến nay, giữa kết quả nghiên cứu và thực trạng đời sống của người dân có liên quan đến bệnh mù chừng như vẫn còn khỏang cách.


-->đọc tiếp...

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2009

TRÍCH NGANG NGƯỜI MIỀN TÂY




BÀI ĐĂNG TRÊN BÁO XUÂN PHÁP LUẬT

Học giả Nguyễn Hiến Lê trong tập bút ký Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười, ngay khi viết lời tựa, ông đã kể lại hai câu chuyện bình dị mà với ông, ông xem như chuyện lạ: Vào những năm của thập niên ba mươi, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chánh Hà Nội, ông được phân công vào Đồng Tháp Mười làm công tác đo đạc. Một đêm nọ, tình cờ ông ghé đụt mưa dưới mái hiên căn nhà lá bên bờ kinh Phong Vĩ, lúc ấy khoảng hai giờ khuya. Trong khi ông sợ làm phiền chủ nhà thì bà cụ trong nhà bật quẹt, mở cửa bước ra, mời ông vào nghỉ. Ông áy náy vì căn chòi chỉ sáu mét vuông,hai bà cháu phải cuốn mùng, nhường chỗ cho ông ngồi và kiên quyết giữ ông lại cho đến khi trời tạnh. Câu chuyện thứ hai, một lần ông ghé qua vườn quýt ở Tân Thuận, bà chủ nhà tuy nghèo nhưng kiên quyết giữ ông lại để đãi một bữa cơm do chính tay bà nấu, và khi ông xuống ghe thì thấy ở dưới ghe đã có sẵn mấy chục trái quýt và hai nải chuối.

Thật ra, đó chỉ là những chuyện rất đỗi bình thường trong cách ứng xử, lòng mến khách của người dân miền Tây. Nhưng với Nguyễn Hiến Lê, một trí thức Bắc Hà, ông tỏ ra trân trọng và cảm mến như một nghĩa cử cao đẹp mà ông chưa từng thấy, cho nên, ông nói kể những câu chuyện nầy để mong rằng đồng bào Trung, Bắc hiểu đồng bào miền Nam hơn, và ông cảm thấy xấu hổ thay cho những bạn bè có học thức mà tỏ ra miệt thị những cư dân trên vùng gọi là đất mới nầy.

Đọc Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười, tôi chợt nghĩ, nếu Nguyễn Hiến Lê đã chứng kiến những câu chuyện như tôi đã từng chứng kiến, chắc chắn cụ sẽ xúc động mà viết cả hàng trăm trang sách.

Năm 1985, Minh Hải thành lập Hội Văn học Nghệ Thuật, chúng tôi đưa khách mời đi tham quan huyện Thới Bình bằng một chiếc xe đò. Trên đường về gặp trận mưa to. Đường đất, xe mắc lầy giữa chừng. Khi hết mưa thì trời chập choạng tối. Ai cũng ngà ngà say rượu nên cứ xuống xe mà thả bộ theo con đường đất đỏ, thậm chí vừa đi vừa rót rượu chuyền cho nhau uống, cứ nghĩ đi vài tiếng đồng hồ sẽ về tới Cà Mau. Đến lúc không còn thấy đường đi, tôi ghé vào một ngôi nhà trong xóm xin một bó lá dừa làm đuốc, chợt nghe đói bụng, tôi hỏi chị chủ nhà còn cơm nguội không, cho tôi xin một chén. Chị bưng ra nguyên nồi cơm với một dĩa mắm sống, mình thì cảm động đến đứt ruột, còn chị thì tỏ ra áy náy: “Mấy chú thông cảm mà ăn cho đỡ đói, tại vì bất ngờ quá nên không chuẩn bị, thôi thì có gì ăn nấy”. Ai cũng bắt đầu đói bụng nên xúm lại ăn. Thấy vậy chị chủ nhà chạy qua hàng xóm xin thêm cơm, năm mười phút sau, cả chục gia đình thi nhau mang cơm ra đường, lăng xăng mời gọi, mắm sống, mắm kho, cá kho, thịt kho, cả xóm mang ra cho mấy chục người cùng ăn dưới đuốc lá dừa. Và, khi biết rằng chúng tôi phải lội bộ về Cà Mau thì có ai đó gợi ý nên ngủ lại. Vậy là, cả xóm lại lăng xăng dọn dẹp nhà cửa, trải chiếu giăng mùng cho khách. Đến năm giờ sáng, cả đoàn chúng tôi đón tàu đò về Cà Mau. Cho đến bây giờ, đã hơn hai mươi năm, có lẽ trong chúng tôi nhiều người đã quên một chuyến lỡ đường đêm ấy, ngay cả tôi cũng không còn nhớ cái địa danh của xóm ấy là gì, những người chủ nhà ấy là ai.

Năm 1999, hai vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân xuống Cà Mau. Anh Thân muốn có một chuyến lang thang vùng sông nước. Tôi thuê một chiếc vỏ lãi khá lớn, có mui để che nắng che mưa và mang theo cả xoong nồi, chén dĩa, lò than, gia vị để tự nấu ăn. Khi đến Xóm Mũi, cái xóm nhà tận cùng đất nước, lúc ấy trời sắp tối, chúng tôi cặp vào bến sông chuẩn bị nấu ăn thì chị chủ nhà bước xuống làm quen. Chị nói: “Mấy anh không tới đây thì thôi, đã tới rồi thì chúng tôi coi là khách, hổng lẽ gia đình tôi không lo cho mấy anh chị một bữa cơm, một đêm ngủ đàng hoàng mà phải ăn bờ ngủ bụi”. Tôi thì không lấy làm ngạc nhiên, nhưng đối với nhà văn Nguyễn Quang Thân, ấn tượng của anh cũng không khác gì học giả Nguyễn Hiến Lê khi đến Đồng Tháp Mười.

Trưa hôm sau, chúng tôi rời Đất Mũi, đi theo đường biển qua Đầm Bà Tường. Vào đến giữa đầm thì mặt trời sắp lặn, ráng chiều ửng đỏ trên mặt đầm hòa quyện với hàng ngàn chiếc đèn đó rực lên như một rừng sao. Như không kềm chế được, anh Thân thốt lên: “Trời ơi, đẹp hơn cả Hồ Tây !”. Thấy có một căn nhà sàn vô chủ ở giữa đầm, chúng tôi bày ra bữa cơm chiều. Đang ăn thì bất giác vợ chồng anh chủ nhà bơi xuồng về tới. Chúng tôi đâm ngượng, định lựa lời xin lỗi thì anh chủ nhà lại ngập ngừng xin lỗi ngược lại: “Xin lỗi mấy anh chị, khách tới nhà mà chúng tôi không về kịp để đón tiếp”. Vậy là, chủ với khách cứ tự nhiên mà ngồi nhậu với nhau. Khỏang tám giờ tối, một chị phụ nữ từ trong bờ chèo xuồng ra, nói: “Thấy ở ngoài nầy vui quá, ra chơi”. Uống cạn vài ly, chị nói: “Hổng mấy thuở anh chị từ Hà Nội vô chơi, mời anh chị lên nhà tôi cho biết”. Chúng tôi theo chị lên bờ, thoáng chốc đã nghe tiếng con gà la cái áo, vài phút sau, một dĩa lòng gà xào củ hành được mang ra, lai rai chưa hết thì nồi cháo gà cũng chín tới.

Mấy tháng sau, trên đường đi làm phim Sông Nước Cà Mau, chúng tôi tìm lại anh Nguyễn Việt Hùng - người chủ căn chòi giữa Đầm Bà Tường hôm ấy - để thực hiện những cảnh quay về cuộc sống của anh. Anh Hùng quê ở Kiên Giang, đi bộ đội, xuất ngũ, làm thầu số, phá sản rồi theo vợ về quê, mua lại 80 miệng đó giữa Đầm Bà Tường để mưu sinh. Luật chơi ở cái đầm nầy có một điều rất lạ, mỗi sáng anh đi đổ đó về thì ở nhà đã có năm ba chiếc xuồng từ trong bờ chèo ra chờ sẵn để lấy cá. Sau khi bán tôm, phần cá anh chia đều cho mỗi người trong khi số cá ấy, nếu bán, cũng bằng hoặc hơn số tiền tôm. Hỏi sau vậy, anh nói luật ở đây là vậy, mình chỉ bán tôm, còn cá thì cho những người ở trên bờ. Không ai quy định thế, nhưng dường như ai cũng hiểu rằng cái đầm rộng hàng ngàn hecta nầy là của thiên nhiên ban tặng cho cư dân trong vùng chớ không của riêng ai, người khai thác nguồn lợi thì phải chia sớt cho cộng đồng cùng hưởng.

Trong những ngày lang thang trên sông nước Cà Mau, chúng tôi gặp một nhân vật khá nổi tiếng trên vùng đất nầy, đó là anh Hai Ô Rê, người sáng chế ra chiếc máy kéo xuồng qua đập, một công nghệ hiện đang ứng dụng cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ở một số tỉnh cuối cùng của miền tây Nam Bộ, gọi là vùng bán đảo Cà Mau có một hệ sinh thái đặc biệt, đó là một mùa nước mặn và một mùa nước ngọt. Trước khi vào mùa nước mặn, các con đập đều được đắp lại để giữ ngọt cho vùng lúa bên trong, chính vì vậy mà xuồng ghe từ các con rạch ra sông vào mùa nầy phải kéo ngang qua đập, nỗi nhọc nhằn ấy trở thành nỗi ám ảnh qua bao thế hệ đời người. Năm ấy, anh Hai Ô Rê được cha mẹ cho ra riêng, cấp cho miếng đất cất nhà ngay con đập Hai Hạt. Đến mùa nước mặn, chính quyền địa phương giao cho anh giữ đập, bù lại anh được miễn lao động công ích. Tưởng dễ ăn, ai dè mỗi ngày đêm có hàng trăm chiếc xuồng ra vào qua đập, những cụ già, phụ nữ, trẻ con . . . anh Hai không thể không ra tay kéo tiếp. Bất chợt một đêm nọ, anh nghĩ đến việc chế tạo ra một đường ray úp qua con đập, gắn lên đó một chiếc xe, dùng dây cáp kéo qua kéo lại thông qua một cái trục quay, chuyền qua vô-lăng . . .

Gần một tháng trời lặn hụp, anh Hai đã thành công. Chỉ cần chiếc xuồng rướn lên chiếc xe, anh dùng tay xoay chiếc vô-lăng mấy tua thì chiếc xuồng chạy bon bon qua đập như một phép màu. Anh nghĩ tiếp, thay vì dùng tay thì có thể dùng động cơ. Anh lại thành công. Một chiếc xuồng chở lúa, một chiếc tàu đò chở mấy mươi hành khách vẫn có thể lướt qua con đập một cách nhẹ nhàng. Khách đến tham quan đông nghẹt xem anh Hai vừa biểu diễn vừa thu tiền, mỗi chiếc hai ngàn, năm ngàn, mười ngàn, hai chục ngàn . . . tùy theo trọng tải. Rồi cán bộ thuế xuống kiểm tra thu thuế, rồi bà con ở các nơi kéo đến học nghề, rồi họ làm không thành công, phải rước anh Hai về sửa chữa . . . Vài năm sau, cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng công nghệ của anh Hai để kéo xuồng qua đập. Mỗi con đập đều phải đấu thầu, nhà nước thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Hỏi có ai trả tiền bản quyền cho anh Hai không, anh bảo không, thậm chí họ mời đi khắp nơi để thi công cho họ, cũng chẳng có đồng nào, chỉ giùm rồi uống rượu đế trừ. Thì kệ, chịu chơi là đồ bỏ mà !

“Chịu chơi là đồ bỏ”, câu nầy dường như tôi đã quen thuộc từ lâu.

-->đọc tiếp...

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2009

THƯƠNG NHỚ CHIỀU XƯA




Bài đăng trên báo Xuân Người Lao Động


Tết năm ngoái không về quê, tối Ba Mươi, tôi chạy xe đi dạo một vòng Sài Gòn. Lạ, đêm Ba Mươi Tết của Sài Gòn vắng lặng khác thường. Đường phố thưa người, nhà nhà khóa cửa. Hóa ra Sài Gòn không phải của người Sài Gòn. Người Sài Gòn ai cũng có một miền quê. Bởi thế, ngày Ba Mươi Tết là ngày của những đoàn xe chen nhau từ Sài Gòn đi về mọi nẻo đường đất nước. Tôi lang thang trên đường Lê Hồng Phong rồi rẽ vào một con hẻm, ghé vào nhà anh Hai Bạch, người anh bà con bên ngoại, gốc Cà Mau. Anh Hai Bạch lấy khô trâu ra nướng, hai anh em ngồi uống bia cho đến giao thừa. Mùi khô trâu bốc lên giữa Sài Gòn trong đêm Ba Mươi Tết cứ làm cho hai anh em tôi chìm sâu vào một vùng tuổi thơ trong ký ức. Mùi rạ, mùi rơm, mùi khói đốt đồng, mùi khói un trâu, mùi cá lóc nướng trui quyện trong từng cơn gió bấc.

Năm 1966, trước khi Ba tôi mất một năm, lúc ấy tôi còn là thằng bé chưa biết gì, đầu hớt cua, người hôi trâu khét nắng. Hôm ấy Ba tôi từ chiến trường về, sau một cuộc giao tranh, ông mang về một đùm thịt trâu chừng năm bảy ký, ông nói con trâu Pháo của bác Tư Vạn chết vì mấy viên đạn súng trường xuyên qua bụng, không biết của phe địch hay phe ta. Hồi ấy, xứ tôi có một tập quán rất lạ, hễ trâu chết thì chủ trâu xẻ thịt cho cả xóm cả làng, không bán dù gia chủ rất nghèo. Ba tôi bảo mẹ tôi lấy một ít thịt trâu đem luộc, chấm cơm mẻ ăn, phần còn lại để ông làm khô, dành Tết uống trà. Ba tôi không uống rượu, vả lại hồi chiến tranh, không ai dám uống rượu say, phòng khi bất trắc nên Ba tôi thường làm các loại khô để uống trà. Ông xẻ thịt trâu ra từng lát mỏng, ướp xì dầu, đường, tỏi, ớt rồi lấy dây lạc xỏ từng miếng đem phơi tòng teng trên cây so đũa sau nhà. Một lát sau, nghe tiếng quạ kêu cụt cụt, Ba tôi xách cái nạng giàn thun chạy ra thì một bầy quạ đen bay vút lên trời, mỗi con mang theo một miếng thịt trâu lòng thòng như thách thức, những con không đớp được mồi thì kêu quạ quạ rồi rượt đuổi đồng loại để tranh ăn. Ba tôi đứng nhìn theo mà chửi lầm bầm trong tiếc ngẩn tiếc ngơ. Mấy hôm sau, đến chiều Ba Mươi Tết, Mẹ tôi ngồi gói bánh ích, Ba tôi đi lẩn quẩn trong nhà như suy tính một điều gì. Rồi bất giác, ông xách cái thùng thiếc – cái thùng dâu lửa con sò 20 lít mà người ta hay dùng làm thùng gánh nước – ra đồng và bảo tôi đi theo. Ông nói mình đi bắt cá cạn về ăn Tết. Trên cánh đồng chỗ cạn chỗ sâu, chỗ khô, chỗ còn xăm xắp nước, lúa đang vào mùa chín rộ, một màu vàng rực mênh mông. Ba tôi đứng chắp tay sau lưng như chiêm nghiệm, có một giác quan thứ sáu báo hiệu cho ông biết rằng, trong những đàn cá mắc cạn vì mê ăn nên không kịp xuống đìa sau trận mưa rước cá cuối năm, chỗ nào có nhiều cá trê vàng đang ẩn náu. Như xác định được mục tiêu, ông ra hiệu cho tôi lội băng xuống một cái bàu cạn giữa đất chú Bảy Nhiều. Đúng là ông có giác quan thứ sáu, một cái vũng xăm xắp nước chừng vài trăm mét vuông, cá trê ăn móng nghe chốc chốc. Nghe có tiếng người, chúng chui vào nằm im trong gốc lúa sập. Ba tôi dùng hai bàn tay úp nhẹ lên gốc lúa, rồi từ từ ông moi ra từng con cá trê vàng mập ú, lớn hơn cổ tay. Cứ mỗi gốc lúa như vậy, ông bắt được vài ba con. Đến khi mặt trời ngã màu vàng yếu ớt trên đồng, thùng cá cũng sắp đầy, ông bảo thôi mình về, bắt một hồi nữa làm sao xách nổi.

Về nhà, tôi lấy cục xà bông Cô Ba với cái bàn chải xơ dừa ra bờ ao, tắm gội, kỳ cọ, chà xát cho người trôi hết đất bùn rồi mặc bộ đồ mới, mang dép mới vô nhà thì mâm cơm đón rước ông bà tổ tiên cũng đã dọn ra. Cá trê vàng nấu canh bắp cải, cá trê vàng kho tiêu, cá trê vàng nướng dầm nước mắm gừng. Bữa cơm chiều Ba Mươi Tết chỉ có vậy mà đầm ấm, mà nhớ đời.

Hai mươi năm sau, tuy đã dấn thân vào chốn thị thành nhưng cái nghề bắt cá đồng đối với tôi vẫn được xem là một thứ tài vặt để lấy lòng cô bác nông dân và mấy cô thôn nữ. Dặm cù bắt chuột, đặt trúm, giăng lưới, cắm câu . . . hoặc nấu những món ăn dân dã, đồng quê đã cho tôi một cái tên để bà con gọi là anh nông dân cầm bút. Cũng chính vì cái tài vặt ấy mà tôi đã dính chân với một cô gái ở ven rừng U Minh hạ. Câu chuyện bắt đầu từ việc đi câu những con cá rô thóc, hái những cọng rau đồng khi trời mới sa mưa, đến khi lúa trổ đòng đòng, rủ nhau bơi xuồng ra đồng giăng lưới. Từ cánh đồng lạ trở thành cánh đồng quen, quen đến như trở thành một chốn phải quay về. Và năm ấy, bất chợt tôi băng đồng lội về vào một chiều Ba Mươi Tết. Nhìn cái cảnh năm sáu chị em vừa mới mồ côi mẹ, tôi chợt nhớ ai đó từng đọc mấy câu thơ:

Tết nầy mặc áo bông

Ăn bánh tét bánh phồng

Không còn đâu nữa mẹ xoa mái đầu

Tết đến, nhà xiêu vẹo, mấy chị em ngồi chụm vào nhau, cặm cụi, lần mò gói từng đòn bánh tét một cách khó nhọc. Nhìn ra đồng, lúa đang mùa chín rộ, tôi chợt nhớ buổi chiều Ba Mươi của hai mươi năm trước với Ba tôi, với thùng cá trê vàng. Tôi định trổ tài nhưng ngặt nỗi nước hãy còn ngập dưới chân lúa mênh mông. Từ ngoài đồng xa, có những con mương chi chít dẫn vào vườn. Những con mương ấy gợi cho tôi nghĩ ra cách làm hầm bắt cá. Tôi bơi xuồng chở cái khạp da bò ra ruộng, đặt dưới con mương, lấy đất bùn đắp ngang miệng hầm, vuốt cho thật láng để đón lũ cá trên đồng ruộng đang tìm đường về chốn ao đìa. Cứ vài phút, một con cá lóc, cá rô đi qua, gặp vật cản, chúng nhảy tưng lên và rơi vào cái khạp. Người ta gọi đó là cá nhảy hầm.

Chiều, mặt trời sắp lặn, tôi chở đầy một khoang xuồng cá vô nhà. Mấy chị em trố mắt phục tài sát cá của cái anh chàng dân chợ.

Đêm giao thừa ở bìa rừng U Minh hạ im lặng trôi qua sau một vài tràng pháo chuột. Hai đứa chúng tôi ngồi dưới gốc cây vú sữa già thức canh nồi bánh tét. Một bình trà đậm, một dĩa mứt dừa do cô ấy tự làm từ lúc ban chiều, một gói thuốc gò vấn bằng giấy báo. Bên cạnh có một chiếc võng đan bằng dây chuối mắc qua cành vú sữa. Ban đầu chúng tôi nhường nhau. Rồi hai đứa nằm chung tự lúc nào không biết. Chỉ có vậy thôi. Vậy mà hạnh phúc, vậy mà bình yên, vậy mà ngọt ngào.

Giữa cuộc sống bon chen, một vài ký ức bình dị đôi khi trở thành niềm khát vọng.

-->đọc tiếp...

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2009

MỘT NHÀ BÁO - MỘT ĐỜI NGƯỜI




Nhà báo Trần Tấn Quốc đọc diễn văn khai mạc giải Thanh Tâm năm 1958







Ngày 25-9-1914, bên bờ sông Đình Trung, làng Mỹ Trà đã sinh ra một nhà báo nổi danh, một ký giả kịch trường gắn liền với sự phát triển của sân khấu cải lương Nam bộ. Đó là nhà báo Trần Tấn Quốc.

Trần Tấn Quốc tên thật là Trần Chí Thành, con cụ Trần Tấn Hưng, một nhà Nho, một thầy thuốc Đông y, đồng thời cũng là nhà yêu nước nổi tiếng ở Cao Lãnh, cùng thời với Lưu Quang Bật, Lê Văn Sao, Nguyễn Quang Diêu.

Thời niên thiếu, từ khi còn là học sinh tiểu học ở Cao Lãnh, Trần Tấn Quốc đã có ước vọng trở thành nhà báo trong tương lai. Ông từng ngưỡng mộ và thán phục nghĩa khí và tài năng làm báo của Nguyễn An Ninh và Diệp Văn Kỳ. Nhưng ước vọng ấy tưởng sẽ không thành vì vừa học xong tiểu học, năm 17 tuổi, ông bị kết án 4 năm tù và bị đày ra Côn Đảo vì tham gia rải truyền đơn chống Pháp. Thay vì bốn năm lên sài Gòn tiếp tục học lấy bằng Thành Chung để đi làm báo thì Trần Tấn Quốc lại ngồi tù Côn Đảo.

Được phóng thích trước thời hạn một năm, nhưng khi ra tù, viên chủ quận Cao Lãnh Lê Văn Giáp bắt ông phải ra đình Thần làng Hòa An để thề với thánh thần rằng từ nay không được làm mất an ninh trật tự, phải tuân hành phép quan luật nước. Và trong một năm án treo ấy, mỗi tuần Trần Tấn Quốc phải lên trình diện với hương quản và mỗi tháng phải lên trình diện với chủ quận một lần.

Một hôm, Trần Tấn Quốc đi xem lễ “14 Juillet”, thấy người Pháp bày những trò chơi làm nhục đồng bào mình như: cạp chảo, đập tĩn, leo cột thoa mỡ bò . . . để lấy tiền, ông nổi máu viết một bài báo gởi lên Sài Gòn để tố cáo “ những trò chơi hạ thấp phẩm cách con người, làm tổn thương truyền thống oai hùng của một dân tộc”. Sau bài báo ấy, viên chủ quận nổi trận lôi đình, ra tuyên bố từ nay cấm Trần Tấn Quốc đến chợ, cấm ra khỏi làng bất cứ lý do gì, và mỗi ngày phải đến trụ sở xã Hòa An ký tên vào sổ hiện diện. Quyết định ấy được gởi cho tất cả cò bót và làng xã để thi hành.

Một đêm tối trời, Trần Tấn Quốc bỏ xứ trốn lên Sài Gòn làm báo. Đêm ấy, mẹ ông và người em của ông dùng chiếc xuồng ba lá, bơi theo con nước ròng, vượt sông Tiền chở ông qua Sa Đéc, để từ đó, ông lên chuyến xe đò sớm nhất đi Sài Gòn.

Một chàng trai 22 tuổi, mới học hết lớp Năm trường làng dám bỏ quê lên Sài Gòn làm báo. Đó là một thử thách lớn lao với Trần Tấn Quốc. Một thử thách mà ông nghĩ rằng không thể nào vượt qua được: đối với một phóng viên lúc bấy giờ, mọi thứ quan hệ để thu thập thông tin thời sự từ cò bót, quan thuế, nhà thương, pháp đình, bộ máy chính quyền, các văn bản tài liệu . . . đều dùng tiếng Pháp, trong khi ông chỉ là một học sinh tiểu học quê mùa, thất cơ lỡ vận. Trần Tấn Quốc đứng trước hai ngõ cụt: Trở về thì chắc chắn bị tù, mà ở lại thì lấy gì để sống ?

May thay, có một người tốt cưu mang ông, đó là giáo sư Đinh Nho Hàng, một thầy giáo dạy Pháp văn ở một trường tư thục.

Trần Tấn Quốc vừa học tiếng Pháp, vừa tập tành làm báo. Ở gần nhà giáo sư Hàng có một nhân viên cảnh sát điều tra, Trần Tấn Quốc làm quen và đi theo những lúc anh ta thi hành công vụ. Ba tháng sau, ông viết được một thiên phóng sự “Bọn móc túi ở Sài Gòn” rồi tự mang đến bán cho ông Nguyễn Phan Long, chủ nhiệm tờ nhật báo Việt Nam, tại số 276 Lagrandìere ( tức đường Lý Tự Trong bây giờ ). Phóng sự ấy được đăng bảy kỳ trên báo Việt nam, Trần Tấn Quốc được trả nhuận bút 20 đồng và được nhận vào làm phóng viên chính thức với mức lương 30 đồng mỗi tháng. Đó là tháng 6 năm 1936, Trần Tấn Quốc vừa tròn 22 tuổi.

Được sự giúp đỡ tận tâm của các bậc nhà báo đàn anh như Nguyễn Phan Long, Nam Đình, Đào Trinh Nhất, Trương Lập Tạo, Hòang Tâm . . . Trần Tấn Quốc say sưa vừa làm vừa học. Ba năm sau, ông đã hòan tất chương trình nghiệp vụ báo chí hệ hàm thụ của trường Universelle ở Paris. Chính trường học nầy đã giúp cho Trần Tấn Quốc một quan niệm rõ rệt về nghề viết báo và trách nhiệm nặng nề của một nhà báo.

Chẳng bao lâu, ông đã trở thành một nhà báo lừng danh giữa đất Sài Gòn.

Con đường mang tên Nam Quốc Cang ở quận Một ngày nay chính là bút danh của ba người đồng nghiệp đã đi vào lịch sử báo chí miền Nam: Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Lê Trung Cang ( sau nầy trở thành bút danh của Nguyễn Văn Sinh – một nhà báo đã bị người Pháp ám sát ), những bậc thầy đà từng làm nên các tờ báo: Điển Tín, Tin Điển, Tin Mới, Dư Luận, Việt Thanh, Đuốc Nhà Nam. Ngoài ra, Trần Tấn Quốc còn làm chủ bút và chủ nhiệm các tờ Thần Chung, Công Nhân, Tiếng Dội, Lẽ Sống, Buổi Sáng, Tiếng Dội Miền Nam, Dân Quyền . . .

Trải qua 40 năm làm báo, Trần Tấn Quốc ( với các bút danh: Chí Thành, Trần Chí Thành, Trần Tấn Quốc, Cao Trần Lãnh, Thanh Tâm, Trần Tích Lương, Trần Tử Văn, Thanh Huyền, Anh Thành, Chàng Ba, Nghệ sĩ mù, Cô Hạnh ) đã trải qua bảy chế độ chính trị khác nhau, rất nhiều lần bị đàn áp với nhiều hình thức, nhiều thủ đoạn nhưng ông vẫn tồn tại một cách đàng hoàng và không gia nhập một đảng phái chính trị nào, bởi ông cho rằng, báo chí đối với ông chính là một Đạo.

Năm 1961, nhật báo Tiếng Dội của ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm rút giấy phép “vì lý do chính trị”, ông phải mượn giấy phép của các tờ báo khác để làm. Quá mệt mỏi, ông cuốn gói về quê. Nhưng bảy ngày sau, chính ông Ngô Đình Diệm gởi công điện xuống bảo Trung tá tỉnh trưởng Kiến Phong Đinh Văn Phát tìm cho được Trần Tấn Quốc để mời về Sài Gòn gấp.

Tại Dinh Tổng thống, Ngô Đình Diệm nói với Trần Tấn Quốc: “Tôi mến ông là một nhà báo có tài, tôi quý ông là một cây bút có tiết tháo . . .” . Sau cuộc đàm đạo ấy, đến tháng 5/1961, Trần Tấn Quốc được cấp giấy phép xuất bản tờ nhật báo Tiếng Dội Miền Nam, ông đặt tòa soạn tại tư gia số 216 Gia Long.

Sau vụ đảo chánh Ngô Đình Diệm, Trần Tấn Quốc đổi tên Tiếng Dội Miền Nam thành Dân Quyền, đến ngày 3/7/1965 lại bị chính quyền Nguyễn Cao Kỳ thu hồi giấy phép. Lại buồn chán, ông bán nhà về Cao Lãnh hết hai năm. Cuối năm 1967, Nguyễn Văn Lộc lên làm Thủ tướng, Trần Tấn Quốc được mời lên làm cố vấn về báo chí cho Chính phủ. Sau tết Mậu Thân, ông nghỉ làm cố vấn để tiếp tục làm báo.

Năm 1969, Trần Tấn Quốc ra tờ nhật báo Đuốc Nhà Nam, đối lập chân chính với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Có thể nói đây là tờ báo cực kỳ tử tế và bán chạy nhất ở miền Nam thời kỳ nầy, bị chính quyền tịch thu hai lần vì lý do “dùng luận điệu có lợi cho cộng sản” và “xúi giục người khác xâm phạm an ninh quốc nội”.

Ngày 4/8/1972, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sắc luật 007, buộc mỗi tờ nhật báo phải ký quỹ tại Tổng nha ngân khố 20 triệu đồng ( bằng 500 lượng vàng ). Ngày 3/9/1972, Trần Tấn Quốc ra số báo cuối cùng, trên số báo nầy, ông nói lời tạm biệt với bạn đọc, tuyên bố tự ý đình bản và công kích gay gắt sắc luật 007.

Đầu năm 1973, ông trở lại cộng tác với tờ Điện Tín của Hồng Sơn Đông. Sự có mặt của Trần Tấn Quốc đã làm cho tờ Điện Tín tăng số phát hành đến không ngờ. Điều nầy chứng tỏ uy tín của ông trong lòng độc giả.

Ngày 10/10/1974, người ta thấy Trần Tấn Quốc đi đầu trong đoàn KÝ GIẢ ĂN MÀY, một sự kiện làm chấn động dư luận quốc tế và đi vào lịch sử báo chí Việt Nam. Hai ngày sau, trên báo Điện Tín có bài của ông dưới nhan đề: Lỡ khóc, lỡ cười cho chế độ.

Hoạt động dưới nhiều chế độ chính trị khác nhau, Trần Tấn Quốc không theo một đảng phái chính trị nào, có lẽ chính vì vậy mà ông giữ được khí phách của một nhà báo luôn đứng về phía nhân dân, bản lĩnh và sắc sảo trong lĩnh vực chính trị xã hội, Trần Tấn Quốc còn là một nhà báo có tầm cỡ trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là người có sáng kiến mở ra trang kịch trường trên các báo thời ấy, đây là trang báo ăn khách nhất, và là cầu nối giữa công chúng yêu nghệ thuật sân khấu với diễn viên và những người hoạt động sân khấu. Chính trang kịch trường của ông đã khẳng định danh xưng nghệ sĩ, thay cho những từ ngữ mang tính chất khinh miệt như : xướng ca vô loại, thằng kép, con đào, thằng đờn của thời kỳ ấy. Chính trang kịch trường của ông đã góp phần làm trong sạch môi trường sân khấu khi phê phán những cái xấu, tôn vinh cái đẹp, xóa đi những khoảng cách không cần thiết giữa công chúng và nghệ sĩ.

Năm 1958, sau tám năm mở ra trang kịch trường trên các báo, Trần Tấn Quốc sáng lập giải triển vọng Thanh Tâm nhằm phát hiện và tôn vinh tài năng trẻ trên sân khấu cải lương. Thanh Tâm chính là bút danh của ông và phần thưởng nầy cũng từ đồng tiền của ông chắt chiu bằng nghề báo. Hội đồng tuyển chọn gồm những nghệ sĩ , soạn giả nổi tiếng như: Phùng Há, Bảy Nhiêu, Duy Lân, Kiên Giang, Hà Triều, Viễn Châu, Điêu Huyền và các ký giả: Trần Tấn Quốc, Ngọc Linh, Nguyễn Ang Ca, Lê Hiền, Phong Vân, Bạch Tùng Hương cùng các luật sư, chính khách, nhân sĩ và khán giả.

Nghệ sĩ đầu tiên chiếm huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1958 là Thanh Nga, tiếp theo là Ngọc Giàu, Lan Chi, Bích Sơn, Hùng Minh, Bạch Tuyết, Diệp Lang, Thanh Sang, Lệ Thủy, Phượng Liên.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, giải Thanh Tâm vẫn còn giá trị và những nghệ sĩ được tôn vinh ấy càng ngày càng sáng giá, càng được công chúng ngưỡng mộ.

Có thể nói, Trần Tấn Quốc là một nhà báo hành trình cùng với sự phát triển của sân khấu cải lương Nam bộ. Năm 1975, khi ông về quê bên sông Đình Trung, Mỹ Trà, Cao Lãnh, sọan giả Viễn Châu gởi tặng ông hai câu đối bằng tất cả tấm lòng:

- Công nhân, Tiếng dội, Buổi sáng, Đuốc Nhà Nam, giải Thanh Tâm gắng sức vun bồi, duyên bút mực, nghiệp báo chương, xếp lại hành trang, đất Cao Lãnh bao dài bao nuối tiếc . . .

- Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Lê Thị Phỉ, làng ca kịch góp công tô điểm nợ phấn son, tình sân khấu, tàn rồi mộng ước, sông Đình Trung mấy khúc mấy u sầu . . .

Một con người tài hoa nên cũng rất đào hoa nên đường tình của ông cũng lắm nỗi buồn. Năm 17 tuổi, khi đang là tù nhân Côn Đảo thì mối tình đầu của ông lại là một tiểu thư, con của viên giám thị nhà tù – cô Xuân Hoa, con gái ông Quản Thiên – hai người đã từng hẹn hò nhau trên suối Đá Mòn. Nhưng rồi cô gái ấy về đất liền trước khi ông mãn án. Ông đã lặng lẽ xuống bến tiễn đưa khi con tàu nhổ neo và cũng lặng lẽ ở lại chờ mong với thân phận một người tù.

Mối tình thứ hai là bà Bảy Tới, lúc bấy giờ Trần Tấn Quốc đã thành danh nhưng lại bị phụ mẫu cô Bảy Tới từ chối ông vì cái nghề “viết nhựt trình”. Người phụ nữ ấy chính là mẹ của nữ ký giả Kim Mai, phóng viên báo Buổi sáng. Mối tình thứ ba là cô Ba Liên, một chủ tiệm vải lớn ở chợ Thái Bình. Người thứ tư là bà Lê Thị Tuất, mẹ của nghệ sĩ Kiều Mai Lý.Người thứ năm là nghệ sĩ Thanh Loan, diễn viên chính của đoàn Việt kịch Năm Châu, rồi đoàn Thanh Minh-Thanh Nga. Hai người sống với nhau được 10 năm thì chia tay, nghệ sĩ Thanh Loan vào chiến khu, sau năm 1975, bà trở thành đại biểu Quốc hội khóa 6. bà mất năm 1982, thọ 65 tuổi. Người vợ cuối cùng của Trần Tấn Quốc là Thu Tâm, là một đồng hương, từng làm nhân viên cho ông ở báo Tiếng Dội, nhỏ hơn ông 19 tuổi. Hai người sống với nhau được 10 năm thì bà Tâm qua đời vì bạo bệnh, để lại cho ông người con trai tên là Trần Thế Vinh.

Trần Tấn Quốc từ trần ngày 28/4/1987, hỏa táng tại lò thiêu Tân Xuân bằng 15 lít dầu lửa và 3 thước củi xoài của quê nhà.

Ra đi lặng lẽ, âm thầm từ Cao Lãnh và trở về với Cao Lãnh cũng lặng lẽ âm thầm.

Có thể nói, bốn mươi năm làm báo, Trần Tấn Quốc đã để lại cho đồng nghiệp, cho văn nghệ sĩ Sài Gòn một tấm gương sáng, một nhân cách, một tấm lòng và một tính khí nghề nghiệp cao lớn. Những lời tự sự của ông cũng chính là những lời dạy xứng đáng cho những thế hệ làm báo tiếp theo: “ Người làm báo binh vực cho lẽ phải và công bằng một cách hăng say với tinh thần hiệp sĩ, không cần ai kêu gọi, không màng việc oán trả ơn đền. Nơi nào có tiếng thì thầm than thở của dân là có tai của nhà báo ghé vào, nơi nào có sự lộng quyền ỷ thế, là có mắt của nhà báo ngó tới. Nghề làm báo cao cả như vậy, lý tưởng cao sâu của người cầm bút như vậy, há chẳng đáng gọi là một đạo sao ?”

-->đọc tiếp...