NGƯỜI NÔNG DÂN KỂ CHUYỆN
VĨNH HUY (thực hiện)
Thật khó để có một cuộc đối thoại sòng phẳng với Võ Đắc Danh. Ở con người này có cái quyết liệt đến cực đoan khi bước lên khỏi đám đông, bảo vệ những gì mình viết. Nhưng, cũng có sự nhúng nhường đến tưởng chừng như rất nhu nhược trong quan hệ đời thường.
Không màu mè, đỏm dáng dù đã được cảnh báo sẽ hỏi những chuyện nhạy cảm, Võ Đắc Danh khi ngồi ở vị trí bị người khác phỏng vấn, vẫn rất thẳng thắn, đau đáu, trăn trở trước những vấn đề của người nông dân như chính trang viết của anh.
.Xét về sức mạnh thông tin, một bài báo sẽ cho người đọc cảm giác tin tưởng nhiều hơn bút ký. Vì sao anh lại chọn bút ký, một thể loại có tính chất văn học, rất dễ bị nghi ngờ hư cấu để chuyển tải những sự thật về nhân vật của mình?
+Bút ký suy cho cùng thì cũng là thông tin thời sự như bài báo thôi. Nó tuy là một thể loại văn học nhưng tuyệt đối không có chuyện hư cấu. Tất cả đều phải là sự thật. Chỉ cần hư cấu vài chi tiết là mất giá trị ngay. Mình sẽ hổ thẹn với chính mình. Bạn đọc sẽ mất niềm tin. Sức thuyết phục không còn nữa.Có hai lý do để tôi thích chọn thể ký: thứ nhất, đó là một sở trường ngay từ khi bước vào nghề, thứ hai, ngôn ngữ văn học dễ làm lay động lòng người, kể cả người thiện lẫn người ác. Có khi chỉ cần mô tả thân phận con người thì chân dung cái ác tự thân nó hiện ra. Phía sau các sự kiện, các vấn đề của báo chí, bao giờ nó cũng lắng lại những câu chuyện, những chất liệu quý của văn học. Tôi có thói quen lang thang đi tìm những chất liệu ấy cho những câu chuyện kể của mình như một người nông dân kể chuyện.
.Có người nói mạng anh lớn, chứ nếu không thì đã đi tù lâu rồi vì cái kiểu viết “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”…
+Tôi bị nhiều tai nạn lắm. Nhiều lần tưởng đã tiêu rồi. Nhưng qua được hết có lẽ là vì cái tâm. Khi mình đặt bút đánh cái ác cũng là vì một tấm lòng thương người. Khi nó giẫy lên quật lại mình thì mình cũng phải dùng cái sự chân tình để xử sự lại. Tôi nghiệm ra bài học đó từ biến cố của bài viết Thảm họa Khánh Bình Tây, năm 2002. Một tuần sau khi báo đăng, người ta cho mời tôi lên làm việc. Họ nói mày viết sai sự thật rồi, phải xử mày thôi. Đêm đó có mấy nhà báo đi nhậu trong quân khu 9 về cũng cảnh báo: “đợt này mày tiêu rồi...” làm tôi cũng nghĩ mình sắp tiêu thiệt. Nhưng không dè khi gặp, tôi chỉ nói vắn tắt mấy câu: Tôi với các anh, tuy ở hai vị trí khác nhau nhưng cùng một mục tiêu là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Tôi nghĩ các anh hiểu ý nghĩa đó sâu sắc hơn tôi vì các anh bảo vệ bằng cả xương máu của mình.Chỉ nói đại khái như thế mà hai bên chia sẻ được với nhau . . .
.Chuyện anh bị thu hồi thẻ nhà báo vì bài phiếm luận: “Kính thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo” thì dân trong nghề nghe nhiều rồi nhưng có một điều người ta không hiểu lý do vì sao anh đã được “bật đèn xanh” làm thủ tục cấp lại thẻ nhưng anh không làm?
+Thật ra thì tôi đã làm một lần theo đề nghị của một người quen ở Hà Nội, làm theo thủ tục thông thường “đến hẹn lại lên”. Nhưng sau đó không thấy hồi âm. Theo tôi hiểu thì người ta muốn trong hồ sơ phải kèm theo cái bản tự kiểm.Tại sao tôi phải làm cái điều đó khi mà đến giờ tôi vẫn không nghĩ tôi đã viết sai?. Có thể tôi đã phê phán hơi nặng nề nhưng sáu năm qua đã cho thấy những dự án như hệ thống nhà máy đường, cảng cá, ngọt hóa bán đảo Cà Mau…đã không hiệu quả, làm thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng tiền của dân. Lẽ ra nếu sòng phẳng thì họ phải thừa nhận tôi viết đúng và trả lại thẻ nhà báo chứ không phải kêu tôi đi xin cấp lại thẻ như thế.
.Hầu hết đề tài của anh xoay quanh thân phận người nông dân. Anh chủ trương đi con đường đó hay hoàn cảnh nó kéo anh?
+Tôi xuất thân là nông dân nên rất dễ đồng cảm với thân phận của nông dân. Lúc mới vào nghề tôi chọn nông dân để viết vì nó gần gũi với mình nhưng bây giờ thì nông dân chọn tôi để giúp họ kêu cứu cho những oan ức, bất công.
.Trong hàng ngàn nông dân đáng thương như anh nói, không loại trừ có những người bị “oan Thị Mầu”. Có lần nào anh bị chính nhân vật của mình phản bội mình chưa ?
+Tôi không có thói quen cân nhắc thêm những gì mình viết sau khi đã cho đăng. Cái gì trước khi đặt bút viết tôi đã điều tra rất kỹ, trăn trở cũng rất nhiều. Có thể chính quyền người ta cho rằng không đúng với đường lối, chủ trương nhưng tôi thấy rất thanh thản lương tâm vì mình đã lôi ra được ánh sáng những góc khuất của sự thật. Một sự thật mà bạn đọc rất khó tìm thấy trong những báo cáo,những phát biểu trên các diễn đàn chính trị.
Anh có vẻ như dị ứng với quan chức, người giàu. Đâu phải cứ nghèo là đáng thương, còn giàu và có chức quyền là làm bậy…
+Tôi và những người được xem là quan chức ấy cùng có chung một quá khứ. Sau khi ba tôi và các anh tôi hy sinh, gia đình tôi vẫn tiếp tục nuôi chứa cán bộ, những người đồng đội của ba và anh tôi. Tôi nhớ có một lần, vào lúc nửa đêm, một nhóm cán bộ chạy vào nhà tôi sau một cuộc giao tranh, có những người vừa bị thương, vừa đói. Mẹ tôi vừa chăm sóc vừa làm gà nấu cháo đãi họ, trong đó có ông Đ, một cấp trên của ba tôi. Hôm ấy ông xúc động nói: “Sau nầy cách mạng thành công, phần lớn là nhờ những người dân tốt bụng như chị.” Chiến tranh kết thúc, ông Đ tìm đến thăm gia đình tôi, thấy ông đi xe hơi, có cận vệ đi cùng, mẹ tôi hỏi bây giờ ông giữ chức vụ gì, ông nghiêm túc nói: “Chị đừng hỏi thế, người cách mạng dù ở cương vị nào cũng là đầy tớ của nhân dân mà thôi”. Từ đó tôi không có dịp gặp ông. Gần hai chục năm sau, tình cờ tôi thấy một đoàn biểu tình ( nay gọi là khiếu kiện đông người) kéo đến trước cổng cơ quan ông, căng biểu ngữ đòi gặp ông để giải quyết chuyện đất đai, ông không tiếp mà cho cảnh sát ra giải tán. Tôi về nhà kể lại câu chuyện ấy cho mẹ tôi nghe. Sau giây phút trầm ngâm, bổng dưng mẹ tôi cười khẩy: “Vậy là nói láo !” Tôi nghĩ câu chuyện ấy đã khái quát được những điều không thể cứu vãn được trong mối quan hệ giữa đầy tớ với nhân dân.
Còn với người giàu, nếu nói rằng tôi dị ứng thì cũng không phải. Giàu là một trong những khát vọng, những mục tiêu vươn lên của con người. Tôi từng viết về những người giàu như ông Hùng Cá ở Đồng Tháp, ông Kỳ Phùng ở Đồng Nai, ông Phan Văn Xoàn ở công ty Long Hải, ông Trần Bá Dương ở tập đoàn ô tô Trường Hải, ông Ba Phúc, ông Đặng Đốc ở Cà mau . . . Những con người đi lên từ trong nghèo khó, đi bằng mồ hôi nước mắt, bằng đôi tay và khối óc của chính mình, thật đáng trân trọng. Sự giàu có của họ đồng hành với cái tâm, với nhân cách và trách nhiệm cộng đồng. Đó là những con người từng ngày đang góp phần làm cho cuộc sống nầy tốt đẹp hơn.Nhưng những người như vậy chiếm một tỷ lệ quá nhỏ nhoi so với bọn làm giàu bất chính.
.Có đồng nghiệp nhận xét văn của Võ Đắc Danh có màu sắc chống đối, phản động. Anh nghĩ sao?
+Một xã hội luôn luôn thiếu sự phản biện nên người ta dễ nhầm lẫn giữa khái niệm phản biện và phản động , giữa phản đối và chống đối. Người cầm bút khác với con két là ở chổ biết nói thay người dân tiếng nói phản biện và phản đối trước những quyết sách đi ngược lại với quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của họ.
.Cứ mãi viết về nông dân và thường phải đụng chạm với chính quyền, anh không thấy chán hay mệt mỏi sao?
Nếu chán thì tôi đã không làm. Cái thương và cái giận nó cứ luôn luôn ám ảnh. Thật ra nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mõi vì sự bất lực của mình trước số phận người nông dân. Nhưng dường như đây là cái nghiệp.
Trót mang cái nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẩn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Tôi thấy cụ Nguyễn Du quá đúng.
Đau đáu với nông dân như vậy nhưng vì sao anh bỏ Cà Mau ra đi?
Quê hương, chữ nghĩa, cảm xúc, lòng dạ con người không phụ thuộc vào địa giới hành chánh. Sống ở Sài Gòn để nhìn lại nông dân trên bình diện rộng hơn, thấu đáo hơn.
Liệu có tin được điều đó không khi người ta thấy Võ Đắc Danh bây giờ đi xe hơi ?
Năm ngoái, khi tôi tiễn ông anh ra sân bay để xuất cảnh, anh ấy cũng cảnh báo tôi như vậy: “Tôi thấy cảm xúc của chú đến giờ nầy thì rất hay, nhưng xe hơi, nhà lầu, phòng lạnh có khi làm cho chú trở thành vô cảm”. Tôi cảm ơn những lời nhắc nhở chân tình ấy nhưng cuộc sống vốn có nhiều tầng nhận thức. Tiện nghi bao giờ cũng là điều kiện cần thiết cho đời sống con người. Nhưng khi làm chủ nó, anh xem nó là phương tiện hay đồ trang sức để làm sang cho anh ? Đó mới là vấn đề quan trọng.Phương tiện không làm nên khoảng cách giữa con người với con người ( trừ những kẻ bất lương ).
.So với một Võ Đắc Danh khi còn ở Cà Mau, Võ Đắc Danh đang sống ở Sài Gòn có vẻ như không còn gai góc, quyết liệt như cái thời của Nỗi niềm u minh hạ nữa. Anh có thấy vậy không?
+Chưa bao giờ tôi thấy mình hết hứng thú với con đường mình đã chọn. Những bài viết gần đây của tôi như Canh bạc ở Đức Hòa, Thư Sài Gòn, Đất của Mẹ, Trên đồng bưng sáu xã… vẫn là những cuộc đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác và chia sẻ tận cùng với nỗi đau mất đất của nông dân.
Những ai chơi thân với anh đều có chung một nhận xét, Võ Đắc Danh ở ngoài đời sống rất cầu an, không bon chen danh lợi, thậm chí còn chấp nhận thiệt thòi mà không đấu tranh. Sao vậy?
Với đời sống cá nhân và quan hệ cá nhân, tôi là một con người khác. Không phải tôi cầu an nhưng tôi rất dị ứng với cái gọi là đấu tranh nội bộ. Với bạn bè đồng nghiệp, bao giờ tôi cũng xem là gà một mẹ, không lý do gì phải bôi mặt đá nhau. Không phải tôi muốn lấy lòng mọi người nhưng bản tánh tôi xưa nay là vậy. Anh em trong cơ quan hay ngoài đời, có gì hiểu lầm thì giải quyết bằng một chầu nhậu là xong. Cái nghiệp của chúng ta đã quá cô đơn, quá nhiều kẻ thù rồi thì dại gì đi chia rẻ anh em với nhau. Tôi sống chỉ cần vợ con thương tôi, bạn bè thương tôi, nông dân thương tôi là đủ. Nhưng để có được trọn vẹn những tình cảm ấy cũng không phải dễ dàng.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
31 nhận xét:
@Dịunhi: "gà cùng một mẹ (vợ) chớ hoài đá nhau..." nhé!
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14004&rb=0103
Em đọc một lèo. Hay quá! Hay quá! Tiếc là bài hơi bị ngắn.
(Nhưng nếu gặp người không biết nhậu thì biết làm sao đây anh?)
mịa!thằng phỏng vấn gọi tía bằng anh.thời buổi loạn!
Võ Đắc Danh vẫn mãi gần gũi và chân tình.
Ở một đất nước mà người viết vì sự thật, được ví như một người hùng của dân nghèo. Xót xa thay. Mong anh vẫn vững tay viết
"dùng cái sự chân tình" để "xử" cái ác, anh có lạc quan quá không?
Bác 39kg ơi, ở Phú Quốc quê tác giả người ta kêu bố vợ bằng Anh, kêu má vợ bằng Chị, còn em gái thì người ta kêu bằng Vợ Tương Lai đó, ngộ lắm đi! Mở ngoặc: cái sự mới mẻ này là dân PQ thứ thiệt chỉ con đó, cũng đáng tin chứ bộ, bác hen! :D
nhiều chỗ "nhạy cảm" quá
há.há..há Thích bác Danh là ở chổ hào sảng Nam Bộ đó nha!. Dzậy mới.."phái" (khoái!)
"Với đời sống cá nhân và quan hệ cá nhân, tôi là một con người khác. Không phải tôi cầu an nhưng tôi rất dị ứng với cái gọi là đấu tranh nội bộ. Với bạn bè đồng nghiệp, bao giờ tôi cũng xem là gà một mẹ, không lý do gì phải bôi mặt đá nhau. Không phải tôi muốn lấy lòng mọi người nhưng bản tánh tôi xưa nay là vậy...".
cái bác blogger 39ký có vẻ như đang ganh tỵ với hạnh phúc của gia đình CHÚNG TÔI quá!. giá mà bác cũng có con gái xinh thì giờ đã có một bài hoành tráng tương tự: Đỗ Trung Quân: "Gã đàn ông xấu trai kể chuyện gái" rùi...
EM CHỌN NHỮNG CÂU EM THÍCH:
Anh em trong cơ quan hay ngoài đời, có gì hiểu lầm thì giải quyết bằng một chầu nhậu là xong. Cái nghiệp của chúng ta đã quá cô đơn, quá nhiều kẻ thù rồi thì dại gì đi chia rẻ anh em với nhau
Khi mình đặt bút đánh cái ác cũng là vì một tấm lòng thương người. Khi nó giẫy lên quật lại mình thì mình cũng phải dùng cái sự chân tình để xử sự lại.
Lẽ ra nếu sòng phẳng thì họ phải thừa nhận tôi viết đúng và trả lại thẻ nhà báo chứ không phải kêu tôi đi xin cấp lại thẻ như thế.
Người cầm bút khác với con két là ở chổ biết nói thay người dân tiếng nói phản biện và phản đối trước những quyết sách đi ngược lại với quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của họ.
- “Chị đừng hỏi thế, người cách mạng dù ở cương vị nào cũng là đầy tớ của nhân dân mà thôi”
- “Vậy là nói láo !”
Tôi nghĩ câu chuyện ấy đã khái quát được những điều không thể cứu vãn được trong mối quan hệ giữa đầy tớ với nhân dân.
Đọc và ngẫm nghĩ, thích cách anh bảo cần phải phản biện. Đúng là thiên hạ thích chụp mũ cho người khác phản động khi nói điều gì không gần với chính sách chủ trương.
Có đúng là Tuổi Trẻ tùng xẻo cái câu "Vậy là nói láo" không nhỉ(!)
Hèn thật, mới bị đánh vài roi mà đã...
Mịa, biết vậy không mua tờ TTCT, còn dư tiền uống cà phê. Bản gốc này đọc sướng hơn bài trên TTCT đã bị "tùng xẻo". "Vậy là nói láo" trên TTCT đâu có đâu.
sau khi đọc xong entry, tôi đi lục tìm đọc lại bài "Kính thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo" trên báo văn nghệ trẻ số 47 năm 2002, mới hấy rằng thu thẻ nhà báo của bác là đúng quá rồi, không trả thẻ lại cho Bác càng đúng hơn, vì không ai co thì giờ để cứ thu đi, trả lại cái thẻ chẳng có giá trị gì kia cả chục lần nữa, càng làm mất thì giờ của bác. Thôi bác cứ làm nhà báo "chui" viết trên blog cho tụi tôi đọc ké đỡ tốn tiền mua báo. Cảm ơn bác nhiều, mong sẽ đọc được bài của bác dài dài, chúc bác khỏe , cứ đi xe hơi, ở máy lạnh rồi viết, để cho có người "dỏm dỏm" thấy bác càng thêm ngứa mắt, mù luôn càng tốt
[Tôi sống chỉ cần vợ con thương tôi, bạn bè thương tôi, nông dân thương tôi là đủ].
Nay có thêm bloggers thương anh nữa! (cứ đọc qua những comment bên trên thì biết).
Ha ha.. ngưỡng mộ Bác! Bác có cái hào sảng của dân Nam Bộ chân chất. Dạo này cháu chẳng mua báo, vì báo sao mà "náo" quá, chịu không siết. Cứ xem blog của Bác là nắm rõ tình hình thời sự. ^_^
Bác 39 kg có một đề nghị rất hay: Bây giờ cuối mỗi bài báo nên đăng thêm một dòng chữ : XEM BẢN gốc TẠI ĐÂY, kèm link blog tác giả! Sáng kiến này đáng tặng giải thưởng của ai biết chết liền
Bạn Muối: chưa bao giờ tui vô talawas ở VN được, bạn (hoặc ai) có thể chỉ cách giùm biết ơn?
bạn Ti..: đúng quá: thu thẻ là đúng, không trả thẻ càng đúng hơn :)
Trả lời phỏng vấn hay. Để lúc rảnh tui "soi" kỹ xem trả lời như vậy là phản động hay phản biện.
đọc bài "đất của mẹ" bên BÙI TRÚC LINH rồi , rất hay .... cám ơn anh !
Đọc bút ký của anh từ "Nơi ấy bây giờ" đến "Trên đồng bưng sáu xã" em thấy tính tranh đấu của anh vẫn luôn mạnh mẽ.
Mà nè, nhờ em khoá blog với bọn AN anh mới chịu mở blog. Bây giờ giới Bloggers có bíêt bao ngưoơì " yêu " anh rồi đó.
Đi VT không tắm biển mà ngồi vòng xoay nghe kể chuyện để rồi con gái nhân vật được một suất học bổng thiệt là hay.
Hôm nào lên nhậu nhớ chở " bác 39kg " theo nhé, em bồi bổ bác ấy bằng " Độc vật tửu" gia truyền thì bác ấy trở thành "bác 93kg" nhanh thôi.
Cu Đen cũng đang có mấy cái hiểu lầm cần giải quyết với anh đây!
bạn bè thương , anh em thương . Chỉ có Nhà nước hỏng thương
chắc anh phải viết thêm bài " Kính thưa ..." nữa . Bài cũ KT TMH đọc vẫn thấy hay và nóng hổi .
http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=90784
Miền nam cần có những người như anh !
Miền nào cũng cần người như anh
Đọc bài này em lại nhớ về hồi sinh viên có chuyện chung cư 5 tầng không cần WC (khoảng 1992, Dân KTX hâu như ai cũng từng nghe). Kể về nỗi khổ của SV.
Em cũng ko rành NB nào phỏng vấn Bác. Nhưng em luôn ủng hộ Bác.
Nghe VĐD nói chuyện ở hội chợ sách và xem bài PV này tớ chắc như đinh đóng cột, lão này là dân Quảng Nam đồng hương của tớ chứ không phải dân Cà Mau hihi
Đăng nhận xét