Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

NẶNG NỢ VỚI TRẦU CAU




Dì Hai My, hơn nửa thế kỷ bán trầu ở chợ Bà Điểm









Thân tặng anh Thanh Nguyên, người Bà Điểm đang sống ở Canada



“Anh phụ em rồi nên không đến nữa, để phiên chợ buồn héo hắt lá trầu xanh . . .”.Nghe xong câu vọng cổ, dì Ba Em ngậm ngùi nói, cuộc đời dì cũng là một cuộc đời buồn mặc dù không phải bị phụ tình như cô gái bán trầu trong bài ca. Dì Ba kể rằng, năm 13 tuổi, dì đã ra ngồi bán trầu trước cổng chợ Bà Điểm, tính đến bây giờ đã gần 60 năm. Tôi nhẩm tính, 60 năm với 20 ngàn gánh trầu của 20 ngàn phiên chợ, oằn nặng một đời người, chai sạn đôi vai. Dì Ba nói rằng hồi ấy chợ Bà Điểm còn đốt đèn dầu mù u, dầu cá, những sạp hàng lót bằng tre,lợp bằng lá dừa nước, gần chợ có ba bến xe ngựa, một bến đi Gò Mây, một bến đi Thới Thượng, một bến đi Hóc Môn. Năm 19 tuổi, cũng trong một phiên chợ, tình cờ dì quen một chàng trai rồi nên vợ nên chồng. Về Thới Thượng làm dâu được một năm dì mới hay chồng mình là “Việt cộng nằm vùng”, bị bại lộ, ông bỏ nhà theo kháng chiến rồi hy sinh, để lại cho dì một người con trai. Dì trở lại chợ Bà Điểm tiếp tục bán trầu nuôi con, thủ tiết thờ chồng. Người con trai ấy lớn lên chưa kịp báo hiếu cho mẹ thì lại chết vì tai nạn giao thông. Thế là dì Ba còn lại một mình, quạnh hiu trong căn nhà, thui thủi với gánh trầu mỗi ngày ra chợ. Dì nói hàng năm vào mùa cưới, mỗi ngày dì sắp năm bảy mâm trầu cau cho khách, những lúc têm trầu xếp vào mâm, dì thầm nguyện cầu cho đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc. Chính niềm vui ấy làm cho dì quên đi sự cô quạnh của đời mình. Tôi hỏi bán trầu có khá lắm không, dì nói hồi xưa mỗi ngày bán vài chục giỏ trầu, mấy thiên cau, giờ thì mỗi ngày bán được vài ba ký trầu, một trăm quả cau là đắt lắm rồi, kiếm cũng được vài chục ngàn đồng. Được cái là vào mùa cưới, có ngày kiếm được mấy trăm ngàn, gặp những khách hàng có tình có nghĩa,thấy mình xếp khéo, xếp đẹp, họ thưởng thêm. Gần 60 mươi năm bán trầu, dì Ba nghiệm ra rằng, đối với dì, trầu cau chỉ là chuyện mưu sinh, nhưng với cuộc đời, nó là sự ngọt ngào, thanh thản, là nguồn vui trong những câu chuyện của người già, là niềm tin cho hạnh phúc lứa đôi của những chàng trai, cô gái. Có những cặp vợ chồng giờ con đàn cháu đống, gặp lại dì bày tỏ niềm vui, nhắc lại mâm trầu cau ngày xưa dì sắp cho họ làm lễ cưới. Đó chính là niềm an ủi lớn lao cho cái nghiệp bán trầu.

Tôi lang thang trong sự mường tượng qua lời kể của dì Ba rằng chợ Bà Điểm ngày xưa là một thế giới của trầu cau, là nơi hội tụ của hàng trăm gánh trầu mỗi sáng. Nhưng bây giờ tìm kiếm mãi chỉ có bốn sạp trầu của dì Ba Em, dì Hai Trị, dì Ba Thẳng nằm khiêm tốn trước cổng chợ, và phía bên kia đường, khuất trong những kiot thời trang là sạp trầu nhỏ bé của dì Hai My với mấy buồng cau lơ phơ và vài bọc trầu héo úa.

Khác với vẻ khắc khổ của dì Ba Em, dì Hai My như một bà tiên đôn hậu, ở tuổi 74, tóc trắng màu mây nhưng gương mặt tươi tắn, hồng hào. Tôi nói chắc hồi xưa dì Hai đẹp lắm. Dượng Hai cười bảo: “Đúng rồi, dì Hai mầy hồi xưa đẹp hạng nhì ở Mười Tám Thôn Vườn Trầu, còn người đẹp thứ nhất là ai thì tao không biết. Tao đeo bả gần ba năm, bạn bè bảo tao bỏ cuộc đi, không vô nổi con nhỏ đó đâu, nhưng tao kiên trì, cuối cùng bả cũng cho tao cưới”. Dì Hai kể rằng, khi đám cưới xong, cả hai vợ chồng đều đi làm mướn. Khi làm cỏ, lúc hái trầu. Rồi năm đứa con lần lượt ra đời, dì nghĩ, làm mướn thế nầy thì không thể nào ngóc đầu lên nổi, lấy gì nuôi con ăn học. Thế là dì chuyển sang mua bán trầu cau. Cứ ba giờ rưỡi sáng dì thức dậy gánh trầu ra chợ. Có lẽ nhờ cái duyên ăn nói ngọt ngào mà dì mua may bán đắt, cứ vài phiên chợ là dì mua được một chỉ vàng. Hồi ấy, cái thời vàng son của trầu cau thì vàng lại rẻ, đất cũng rẻ, cho nên chẳng mấy năm dì mua được một công đất cho dượng Hai trồng được một vườn trầu. Trầu cau sinh ra đất, đất lại sinh ra trầu cau. Thắm thóat đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày dì gánh trầu ra chợ. Bây giờ dì Hai đã trở thành một người khá giả, năm người con của dì đều học hành đến nơi đến chốn, có cơ nghiệp riêng, được dì cấp đất, xây cho nhà cửa khang trang nối liền một dãy. Hỏi tại sao dì vẫn bán trầu, dì nói: “Tụi nó cứ năn nỉ dì ở nhà an dưỡng, nhưng nghỉ thì nhớ chợ, nhớ trầu không chịu nổi. Hừng đông, con dâu Ut đưa ra chợ, tiếp má dọn hàng, đến chín giờ nó ra dọn chợ, rước về. Dì có 15 đứa cháu nội, 2 đứa cháu ngoại, ngoan lắm, tiền bán trầu dì để dành thưởng cho đứa nào có giấy khen, đứa nào đậu đại học thì dì thưởng đậm”.

Cùng nặng nợ với trầu cau nhưng mỗi người có một tâm sự, một hoàn cảnh khác nhau. Dì Ba Thẳng ngậm ngùi kể, nhà dì có hai thiên rưỡi trầu – tức 2500 nọc – có thể nói đây là vườn trầu đẹp nhất ở Bà Điểm hiện nay nhưng nó đang đứng trước sự phá sản vì bị lỗ. Nhà có hai vợ chồng già với đứa con khờ, không ai chăm sóc nên phải thuê mướn nhân công. Chi phí lao động ngày càng cao mà trầu thì càng ngày càng rớt giá. Mỗi phiên chợ dì bán hai đôi trầu được sáu bảy chục ngàn đồng, trong khi tiền mướn hái hết 15 ngàn đồng, chưa kể các chi phí khác như mua phân, bón phân, tước nước, làm cỏ . . . Mỗi năm dì vay ngân hàng 10 triệu đồng để đầu tư cho vườn trầu rồi hàng ngày chắt chiu từng phiên chợ trả nợ. Với bốn công đất vườn của dì hiện nay trị giá cả chục tỷ đồng, nhưng bán thì không đành, phá trầu thì không nỡ, mà mỗi ngày không ra họp chợ thì lại nhớ trầu cau không chịu được. Thôi thì đành lây lất vậy.

Anh Cao Văn Hai, chủ tịch xã Ba Điểm dẫn chúng tôi đến thăm vườn trầu của chị Ba Yến, một vườn trầu một thời nổi tiếng ở ấp Trung Lân. Nhưng bây giờ nó giống như một vườn du lịch bởi nhiều loại cây kiểng thay chổ cho trầu. Chị Yến nói vườn trầu nhà chị hồi xưa cứ mười ngày hái một lứa, mỗi lứa sắm mười lượng vàng. Nhưng bây giờ thì ngược lại, một sự ngược lại khó tin, tức mỗi năm chị phải bỏ ra gần năm lượng vàng để tu bổ vườn trầu mà chẳng thu lợi đồng nào. Giải thích lý do, chị nói, Bà Điểm bây giờ như cái ốc đảo giữa bốn bề đô thị, nước không thoát được nên trầu bị úng, mà bỏ trầu thì mảnh vườn sẽ vô hồn, sợ buồn tủi vong linh của tổ tiên. Ngôi nhà chị là ngôi nhà thờ, ngày trước có đến năm chị em ở chung, cũng nhờ trầu cau mà con cháu được ăn học nên người, cũng nhờ trầu cau mà mỗi thành viên trong gia tộc có vốn liếng ra Sài Gòn lập nghiệp. Ngày giỗ ông bà là ngày hội tụ con cháu ở khắp nơi. Việc đầu tiên khi đặt chân tới đây là đi thẳng ra phía sau ngắm nghía vườn trầu. Một thói quen giản dị mà thiêng liêng, vì vậy mà chị phải gìn giữ vườn trầu bằng mọi giá.

Anh Tư Diệp – chồng chị Yến – kể ngày xưa, cứ đến hừng đông là khắp các đường thôn, từng tốp, từng tốp người gánh trầu ra chợ. Ngoài những con đường cái, từng đoàn xe ngựa lọc cọc nối nhau, lắc lư những giỏ trầu cau xuôi về hướng Sài Gòn. Cứ nhớ lại những hình ảnh ấy mà lòng nghe nuối tiếc. Chủ tịch Hai cũng vậy, anh vốn sinh ra và lớn lên trong hương vị của trầu cau, giờ cứ nơm nớp, phập phồng khi thấy những chiếc xe ben gồng mình chở cát đá làm chấn động đất đai, lúc ấy, nhìn vườn trầu, nhìn hàng cau anh nghe lòng đau nhói. Ơ đời, người ta có thể bỏ ra tiền tỷ tỷ để tái tạo những gì đã mất, trong khi khát vọng lớn nhất của anh, của những người dân Bà Điểm là muốn giữ lại những gì đang có, lẽ nào lực bất tòng tâm !




-->đọc tiếp...

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2008

Bài Văn Của Út Cưng




Viết một đoạn văn thuyết minh nêu cảm nhận của em về tệ nghiện thuốc lá ở nước ta.

BÀI LÀM

Trong thế giới hiện đại của loài người,chúng ta không ngừng tạo ra những công trình nghiên cứu giúp ích cho đời sống cũng như góp phần tạo nên sự phồn vinh cho xã hội.Tuy nhiên,sự hiện đại hóa chính là một con dao hai lưỡi.Bên cạnh những lợi ích mà các công trình nghiên cứu mang lại,nó còn mang đến cho ta nhiều tệ nạn xã hội không lường.Điển hình chính là tệ nghiện thuốc lá,đặc biệt ở thanh thiếu niên.Theo thống kê cho biết,số người tử vong do thuốc ở VN đang báo động.Đối với nhiều người,hút thuốc lá có thể là một thói quen hay sở thích,họ không hiểu được sự nguy hiểm của thuốc lá.Đương nhiên rồi!Vì nó không gây cho người hút bất cứ cơn đau hay dấu hiệu ngoài da nào cả,thuốc lá sẽ dần dần xâm nhập vào phá hủy các cơ quan trong cơ thể gây nên một số bệnh nghiêm trọng như ung thư phổi ,hoại tử,các bệnh về hô hấp…Có một số người cho rằng hút thuốc là quyền của họ,nhưng họ không có quyền gây bệnh cho những người xung quanh,những người bị ảnh hưởng khói thuốc cũng dẫn đến các bệnh tương tự .Đặc biệt có tới 85%-90% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính đều có tiền sử hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc từ người thân,bạn bè đồng nghiệp.

Ở nhiều nước trên thế giới,đã có biện pháp hạn chế thuốc lá như:đánh thuế cao,ở california, mức thuế thuốc tăng 6% một bao,tức mức thuế trung bình mỗi bao là 6,55 USD,biên pháp nầy cũng đang được tiến hành ở các tiểu bang khác.Tuy nhiên ,tại VN ước tính của tổ chức y tế thế giới là nước có mức tiêu thụ thuốc nhanh siêu tốc có khả năng 10% dân số hiện nay,tức là hơn 7 triệu người sẽ chết do các bệnh liên quan tới thuốc lá.

Tuy vậy,theo một hướng chủ quan ,đã có nhiều lời kêu gọi chống thuốc lá.Ví dụ như trên bao thuốc Marbooro được in những hình ảnh đáng sợ về hiện tượng lỡ loét,về các bệnh đường hô hấp.

Hãy chung tay cùng chống lại lưỡi dao vô hình ấy.Vì có thể chính người thân mình nằm trong 85% những người mắc bệnh ấy.

ÚT CƯNG





-->đọc tiếp...

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2008

ĂN CHÁO ONG VÒ VẼ





Đầu tháng bảy âm lịch năm nay, tôi trở về nhà chú Chín tôi ở Rạch Lùm để dự ngày giỗ nội .

Bà nội tôi vốn là người tu tại gia, ăn chay trường,nên đám giỗ chỉ cúng toàn đồ chay. Cuộc sống ngày càng khó khăn nên việc cúng quải ông bà cũng càng đơn giản. Chú tôi cũng không mời ai cả, chỉ có bà con trong thân tộc tự giác đến, mỗi người mang đến một ít rau cải, trái cây, gom lại nấu thành vài món đồ chay như : đậu đũa hầm dừa, đu đủ kho, canh khoai nấu dừa, dầu dừa xào bắp cải… rồi dọn ra bốn mâm, con cháu ra đứng xếp hàng mỗi người thắp một nén nhang tưởng niệm. Sau đó, hai mâm được dọn ra hai bộ ván nhà trên, một bên dành cho cánh đàn ông thuộc hàng chú bác, một bên dành cho cánh thanh niên trong cánh anh em con chú con bác chúng tôi. Còn lại hai mâm dọn ra nhà sau cho cánh đàn bà, con nít .

Đang lúc uống rượu cườm cườm, bỗng có tiếng dượng Ba tôi từ mâm bên kia gọi sang :

-Ê, thằng Sanh , năm nay, thằng Tư Ngạn nó về rồi đó nghe mậy .

Hai Sanh buông đũa quay sang nói :

-Nó về thì kệ nó chớ, ăn thua gì với tôi. Tưởng ai chớ thằng Tư Ngạn, tôi chấp nó câu trước tôi nửa ngày .

-Ai mà chẳng biết nó câu dỡ hơn mày, tao muốn nói đây là để tụi mình cảnh giác cái tật câu trộm đìa của nó.

-Thằng nào câu trộm đìa thì bị khất nhượng ráng chịu chớ dượng lo gì.

Ở xứ này có hai người câu cá rô nổi tiếng là Tư Ngạn và Hai Sanh. Hai Sanh là con bác Năm tôi, còn Tư Ngạn là dân miệt trên về đây lập nghiệp. Nói là lập nghiệp chớ thật ra sự nghiệp của Tư Ngạn chẳng có gì ngoài chiếc cần câu cá rô để nuôi vợ và tám đứa con. Cách đây năm năm, vào tháng chạp, Tư Ngạn câu trộm đìa ông Tám Trân bị bắt quả tang. Hôm ấy nếu không có mấy người thợ gặt xung quanh đến can kịp thì chắc Tư Ngạn đã bị hai đứa con trai ông Tám Trân nhận nước dưới đìa.

Từ đó, hễ mỗi lần Tư Ngạn vác cần câu ra khỏi nhà thì bị người ta hỏi:

- Ê, bữa nay định câu đìa ai đó mậy ?

Tư Ngạn cúi đầu xấu hổ. Cái tài câu cá rô đã từng là niềm kiêu hãnh của anh bây giờ đã trở thành xấu hổ. Sau cái tết năm ấy, vào một buổi sáng, người ta phát giác ra cái chòi của Tư Ngạn trống hoang, nằm hả họng bên bờ lung chuối.

Còn lại một mình Hai Sanh độc quyền nổi tiếng ở xứ Rạch Lùm.

Sau sự kiện Tư Ngạn là một niềm vinh quang đối với Hai Sanh sau cuộc thách đố với dượng Ba tôi .

Sáng hôm ấy, dượng Ba tôi qua nhà Hai Sanh mua cá về nấu cơm cho công gặt, ông nói :

-Thằng Tư Ngạn mắc cỡ quá nên nó bỏ xứ rồi, còn mày, muốn ở xứ này thì đừng có câu trộm đìa người ta nghe mậy.

Dượng Ba tôi nói chơi nhưng làm Hai Sanh bị tự ái, anh nói như thách :

-Xin lỗi dượng, tôi đành câu đìa là một ngày mười ký lấy lên chớ không phải vài ba ký quèn như thằng Tư Ngạn đâu .

-Nói trời hoài mậy .

-Tôi nói thật, dượng dám thách cho tôi câu đìa dượng hôn. Tôi câu xong rồi dượng cho tát, nếu còn được một ký cá rô, tôi để xứ này cho dượng ở .

Dượng Ba tôi vốn mê đá gà nên cũng ham thách đố .

Chiều hôm ấy tại nhà chú Chín tôi, cuộc thách đố được giao kèo có nhiều người chứng kiến: Nghĩa là sáng ngày mai, Hai Sanh sẽ ra câu đìa dượng Ba tôi, hai ngày sau, gặt hái xong dượng Ba tôi thuê máy tát đìa, nếu trong đìa còn hơn một ký cá rô thì Hai Sanh sẽ trả lại toàn bộ số cá câu được, còn nếu đúng như Hai Sanh nói, nghĩa là còn dưới một ký cá rô thì chẳng những anh hưởng trọn phần cá câu được mà dượng Ba tôi còn phải chịu thêm cho anh con cá lóc lớn nhất dưới đìa .

Sáng hôm sau, Hai Sanh bắt đầu câu cá trong sự hồi hộp của mọi người. Đến hai giờ chiều,anh xách hai thùng cá vô nhà, chị tôi lấy cân ra cân được mười ba ký rưởi. Hai Sanh rọng đó chờ, đến hai ngày sau, dượng Ba tôi tát đìa lên chỉ toàn cá lóc, cá trê và cá bổi. Cả nhà dượng Ba tôi cố gắng quần bắt đến nhão nhừ, chỉ được bảy con cá rô .

Sáng hôm sau, chị Hai chở hai thùng cá rô sang trả lại cho dượng Ba tôi nhưng ông không nhận nên chị chở luôn ra chợ huyện bán lấy tiền sắm đồ Tết cho con. Chiều hôm ấy, dượng Ba tôi lựa hai con cá lóc lớn nhất mang qua nhà Hai Sanh , ông nói :

-Con này tao thua tao trả, còn con này tao thưởng cho mày. Đồ cái thằng sát cá!- Vợ thằng Hai đâu, bây lên cò nhỏ hai con cá này rồi luộc hèm cho tụi tao nhậu một bữa coi .

Năm năm trôi qua, sự kiện ấy vẫn còn để lại trong lòng Hai Sanh một niềm kiêu hãnh, mặc dầu cái tài câu cá của anh không làm cho cuộc sống của anh khá hơn năm năm trước. Phải, làm sao khá hơn được khi lượng cá đồng mỗi năm một giảm mà gia đình anh mỗi năm thêm một miệng ăn .

Hôm nay, dượng Ba tôi báo tin Tư Ngạn trở về, niềm tự hào trong Hai Sanh bỗng bốc lên. Anh uống cạn ly rượu rồi nhổm ngưòi lên nói :

-Nè dượng Ba, dượng có gặp thằng Tư Ngạn, dượng nói với nó là câu đìa thì phải câu như tôi vậy mới oai, chớ câu kiểu nó thì đừng có về xứ này nữa .

-Sanh à – Dượng Ba tôi nói- Ở đây bà con không hà, mày nói thiệt coi mày có câu mồi thuốc hôn ?

-Không, tui thề danh dự với dượng là tui chỉ câu bằng trứng kiến vàng hoặc ong vò vẽ non, nếu tui có câu mồi thuốc cho ôn binh đại an vật tui cũng được .

Anh Tư Đức, con cô Tư tôi khều Hai Sanh nói :

-Mày nói ong vò vẽ non tao mới nhớ, sau vườn chú Chín có cái đồn bự quá trời .

-Thiệt hôn? Ở chỗ nào ?

-Trên nhánh xoài ở đầu ao cây lụa .

-Đồn mấy lỗ châu mai ?

-Bảy lỗ.

-Vậy là ngon rồi, tối nay mình đánh đồn nấu cháo ong non đãi thằng Năm một trận. Thằng Năm , mày biết ăn thứ đó chưa ?

Tôi trả lời :

-Dạ chưa biết .

-Chưa biết thì tối nay ăn cho biết. Ong vò vẽ non mà nấu cháo với nước cốt dừa thì tao nói thiệt với mày, thấy mà hổng ăn thì chết còn sướng hơn .

Bỗng có tiếng thằng Út la vang ngoài vườn :

-Ba ơi , xe tăng, xe tăng !

Rồi nó ôm vô con rùa vàng chừng hơn một ký lô, làm cho cả nhà xôn xao. Bác Năm tôi nói :

-Tháng này mà lên bờ làm ổ đẻ .

Hai Sanh cải :

-Đâu phải ba, tại bà nội thấy mình nhậu đồ chay tội nghiệp nên bà khiến nó lên nạp mạng đó chớ- Rồi anh quay vào trong gọi chị Hai-má thằng Lành đem con rùa đi làm nồi da xáo thịt, nhanh lên ?

Mấy phút sau, chị Hai mang ra cái lò nhỏ hừng hực than, cái mu con rùa lật ngữa lên, đặt trên lò làm cái nồi nấu thịt. Hai Sanh mời mấy ông già sang chơi, nhưng bác Năm tôi nói :

-Mình chơi kiểu này xỉn rồi làm sao tối nay đánh đồn được tụi bây ?

-Tối nay không được thì tôi mai chớ gì- Anh Tám Bành con Bác Hai tôi nói :

Hai Sanh hỏi tôi :

-Chừng nào thằng Năm mày về ?

-Dạ sáng mai em về .

-Vậy thì không được . Để tao tính coi, bây giờ mà nghỉ chơi chờ đến tối thì phí quá, còn chơi nữa thì tối xỉn mất mẹ rồi. Lâu lâu thằng Năm về mà không đãi nó nồi cháo ong thì uổng lắm. Bây giờ, mình mở chiến dịch đánh đồn giữa ban ngày .

Chị Hai đứng ở cửa buồng nói ra :

-Tài khôn nữa à, bữa hổm bị mấy chục vít chưa tởn hả ?

-Bữa hổm tại tui chưa có kinh nghiệm, bữa nay tui biết cách rồi. Bà yên chí .

-Tui đã nói không được nghen, cái thứ xỉn xỉn vô rồi hăng máu có ngày bỏ mạng .

Hai Sanh vừa nhảy xuống đất vừa nạt vợ :

-Đàn bà mà biết cái quái gì- Anh quay sang chúng tôi- Tụi bây, thằng nào ra tháo cây sào quần áo làm móc- Hai Sanh lấy chiếc chiếu cột túm một đầu. Xong , anh bảo chị Hai :

-Bà đi bắc nồi cháo lên đi, biểu đứa nào lột trái dừa khô nạo sẵn cho tui .

Chi Hai đành phải làm theo .

Hai Sanh ôm chiếc chiếu và vác cây sào ra vườn. Đến ngồi gần ổ ong, anh trùm chiếc chiếu lên đầu và lội xuống ao. Lúc ấy không còn nhìn thấy Hai Sanh mà chỉ thấy giữa ao một đầu chiếu túm lại nhô lên mặt nước .

Mấy đứa con nít kéo ra đứng ở đầu ao hồi hộp chờ xem. Tư Đức nắm tay tôi nói :

-Tao với mày lại xích đằng kia coi mới đã .

Chúng tôi núp dưới đám sậy cách tổ ong chừng ba chục mét. Tư Đức co hai bàn tay đưa lên mắt và nói :

-Mình làm phóng viên quay phim nghen .

Cái ổ ong bằng hai cái thúng táo vàng quánh và quằn quện như da cọp trên nhánh cây, chừng vài chục con ong bò ra bò vào ở mấy lổ cửa .

Hai Sanh nhón người lên đặt cây móc cẩn thận, chắc chắn ở kèo ong rồi anh thu người nhỏ lại trong chiếc chiếu. Xong , anh giật mạnh cây móc, nhánh xoài oằn xuống, đàn ong túa ra đen nghịch một vùng trời. Cái kèo ong cứ đùng đưa, đùng đưa không chịu gãy. Đàn ong tủa xuống vây quanh Hai Sanh. Thoáng chốc, chúng bu nghẹt trên đầu chiếu. Hai Sanh như không hay biết gì cả ,anh cứ ghịt mạnh cần móc và cái ổ ong cứ đùng đưa .

Bất giác, tôi nghe cái bốp trên mí mắt phải, rồi một cái nữa trên lưng. Tôi hốt hoảng và biết ngay chuyện gì xảy ra, tôi co giò chạy. Tư Đức cũng tức tốc chạy theo, anh vừa chạy vừa la.

-Chết mẹ, nó đánh, nó đánh !

Mấy đứa con nít ở đầu ao bên kia vỗ tay hô đồng thanh: Vô ! Vô ! Vô ! Vô cà tha !

Anh Tư Đức quát:

-Đứa nào đi bứt cọng môn nước cho tao! Vô cái gì mà vô, người ta đau chết mẹ mà tụi bây vui lắm hả?

Chúng tôi thoa môn nước lên chỗ ong đánh và chạy lại đầu ao nhìn Hai Sanh, bỗng thấy anh đang cựa quậy trong chiếc chiếu, cái ổ ong vẫn còn nguyên đó và cây móc thì treo lủng lẳng trên nhánh xoài. Đàn ong đớp nghẹt trên đầu chiếu.

Chiếc chiếu bỗng hụp lên ụp xuống rồi trườn một đường dài dưới ao, vạt bèo qua hai bên mé. Trườn được một đoạn, Hai Sanh bỏ chiếu, lặn một hơi dài rồi nhảy qua bờ ao, luồn qua đám lau sậy, đàn ong vẫn đuổi theo.

Chừng năm phút sau, Hai Sanh chạy về, hai mí mắt sưng húp, anh vừa thở vừa nói:

-Đù mẹ, cái nhánh xoài dai quá mà mình lại giựt theo bề xuôi nên giựt hoài không gãy. Hồi nảy tao cột đầu chiếu không kỹ nên mấy con ong nó chui vô làm tao hết năm sáu vít .

Chị Hai chạy ra bứt môn nước thoa cho anh, ánh mắt chị nhìn chồng có vẻ vừa thương vừa giận :

-Tui đã nói mà không chịu nghe.Một hồi nữa ông vô ăn hết cái nồi cháo trắng cho tui.

Ba anh em tôi nhìn nhau, mặt đứa nào cũng sưng vù, nặng trịch và nhức nhối .Hai Sanh nhìn lại cái ổ ong, đàn ong đã bay về vây quanh như mừng cho sự an toàn sau trận đánh. Hai Sanh lên án :

-Chưa yên đâu con, tao hẹn với mày cho chuyến câu cá rô sắp tới.

Chúng tôi trở vô nhậu tiếp nửa con rùa còn lại , Hai Sanh nói :

-Tại mình nóng ruột mới nông nổi này, chớ đánh nó ban đêm chỉ cần nửa lít đầu lửa là tôi diệt gọn.

Sáng hôm sau, tôi từ giã Rạch Lùm, mang về cái mặt không giống ai, cái mặt sưng vù, nặng nề và nhức nhối. Chỉ vài ngày nữa, nó trở lại bình thường, nhưng kỷ niệm thì chắc không thể nào quên được .

-->đọc tiếp...

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2008

CHIỀU CHIỀU RA ĐỨNG NGÕ SAU





Chị Hoa kể rằng, quê chị ở Đại Ngãi, Sóc Trăng, một xóm cù lao nằm bên bờ tây con sông Hậu. Cũng như bao nhiêu cô gái nghèo ở miền quê hẻo lánh nầy, lớn lên chị lấy chồng, sinh con, cày sâu cuốc bẩm, tiếp nối cuộc đời tần tảo của bao thế hệ đi qua. Năm bốn mươi tuổi, chồng chị đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh, để lại cho chị năm đứa con, năm công đất ruộng với căn chòi trống trơ, xiêu vẹo bên bờ sông. Thế nhưng cuộc sống ấy sẽ chẳng có gì đáng nói, đáng bàn nếu như chị không bước thêm bước nữa. Mà thật ra, chị cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bước thêm bước nữa, có lẽ đó là định mệnh.

Năm 1987, chị đi nuôi bệnh cho người em trong Quân y viện 121 Cần Thơ, chị thấy bên chiếc giừơng đối diện có một bệnh nhân nam bị mù đôi mắt, cụt một cánh tay, anh ta nằm đó suốt cả tuần mà chẳng hề có người thân chăm sóc. Cảm thấy chạnh lòng, chị đến giúp đỡ và hỏi thăm, anh tên là Nguyễn Văn Mộc – Mười Mộc – thương binh nặng, quê ở kinh xáng Thọ Mai, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Anh nói rằng anh cũng có vợ, có con, một trai hai gái, có nhà cửa, vườn ruộng thênh thang. Nhưng vợ anh thì hung dữ, con cái thì hổn hào, anh thì mù lòa, què cụt, không làm chủ được gia đình. Cả nhà lúc nào cũng xem anh như là của nợ. Tới bữa cơm thì dằn mâm xán chén, mắng chó chửi mèo, đến lúc anh ngã bệnh thì chẳng ai thèm ngó tới. Trong cơn tuyệt vọng, một đứa cháu hàng xóm thương tình đưa anh đến quân y . . .

Từ đó, chị trở thành người chăm sóc cho anh, mỗi ngày một thiết thực hơn, cụ thể hơn, gần gủi hơn . . . nhưng, theo cách giải thích của chị thì tất cả chỉ là sự bình dị của một thứ tình người.

Ba tuần sau, em chị xuất viện, chị về quê. Lúc ấy, chị cảm thấy lo lắng cho anh một mình ở lại. Còn anh chỉ ngồi im lặng thở dài. Làm sao mà chị biết được anh nghĩ ngợi gì bởi anh không còn đôi mắt. Về nhà, thỉnh thoảng ngồi một mình chị lại nhớ đến anh, tội nhiệp cho hoàn cảnh của anh, lo lắng cho cuộc sống của anh không có người chăm sóc. Có khi sáng ra chị chợt nhớ anh rồi tự hỏi: giờ nầy có ai đi mua tô cháo cho anh ? Hoặc ai sẽ giặt quần áo cho anh ? Người đâu mà bất hạnh đến tột cùng ?

Thế rồi gần một tháng sau, bất ngờ một buổi trưa, anh xuất hiện trên chiếc tàu đò ghé vào bến sông nhà chị, tay cầm chiếc gậy dò dẫm trên sân. Chuyện người mù có thể lên xe xuống ngựa đi khắp mọi nơi thì chị đã từng nghe, từng thấy. Nhưng sự xuất hiện của anh làm cho chị vừa bối rối, vừa tủi tủi, mừng mừng. Chị cảm nhận được cuộc đời mình bắt đầu từ hôm nay sẽ có sự đổi thay, còn đổi thay như thế nào thì chị không thể lường trước được. Đêm ấy, chỉ có ngọn đèn dầu với bình trà chứng kiến cuộc hôn nhân. Dường như cố gắng lắm anh mới nói được có mỗi điều: Hoa à, anh muốn được chung sống với em, anh không thể sống thiếu em. Chị không từ chối, cũng không bằng lòng ngay mà chỉ nói: Anh thì tăm tối, tật nguyền, em thì quá nghèo làm sao nuôi được anh. Anh trấn an chị: Em đừng lo, nghèo thì sống nghèo, mỗi tháng anh góp vô cho mẹ con em mấy trăm ngàn tiền lương thương binh của anh, coi như tạm ổn, mọi chuyện từ từ rồi tính.

Họ thành vợ thành chồng từ hôm ấy.

Một tháng sau, anh Mộc đưa chị về Thọ Mai, anh nói trước nhất là về thăm lại con cái, xóm làng, sau là để nói chuyện dứt khoát với người vợ cũ cho mọi chuyện rõ ràng. Nhưng vừa về đến nơi thì bà Bảy – vợ anh Mộc – đã nổi cơn thịnh nộ. Mà thật ra, bà không có lý do gì để trách mắng anh và cả chị Hoa, bà chỉ chửi xuyên chửi xéo theo kiểu mắng chó chửi mèo. Chị Hoa ôn tồn nói: Lúc anh Mộc bệnh không có người chăm sóc, em giúp đỡ anh ấy. Nay nếu chị còn thương ảnh thì em trả ảnh lại cho chị, em không có ý định giựt chồng của chị đâu. Đêm ấy chị đến xin ngủ nhờ ở ủy ban xã. Nửa đêm, mẹ con bà Bảy xô anh Mộc ra sân rồi trói lại và xúm nhau đánh đập, cũng may là bà con lối xóm và chính quyền ra tay ngăn cản. Chị Hoa về quê được mấy ngày thì anh Mộc cũng tìm đến. Anh nói, để triệt tiêu con đường sống của anh, bà Bảy đã làm đơn tố cáo anh là thương binh giả, vì vậy mà huyện Cái Nước tạm ngưng cấp lương cho anh để chờ xác minh, cho nên anh cần một số tiền làm lộ phí để về Rạch Gía làm lại hồ sơ. Trước tình cảnh ấy, chị Hoa phải cầm cố năm công ruộng để dẫn anh đi ròng rả mấy tháng trời từ Kiên Giang đến Cà Mau tìm các cơ quan và đồng đội cũ của anh để làm lại hồ sơ. Cuối cùng, số tiền truy lảnh được cũng chỉ đủ để chuộc lại đất. Cuộc sống cứ nương nhờ vào năm công ruộng và mấy đồng lương thương binh thì không thể nào ngóc đầu dậy nổi. Một hôm, anh bàn với chị về giấc mộng đổi đời, anh nói xứ Năm Căn là xứ rừng vàng biển bạc, ở đó anh có người em kết nghĩa hồi chiến tranh, bây giờ đang nuôi tôm ở Viên An. Cách đây hai năm, anh ta có hứa với anh rằng nếu anh chịu về thì anh ta sẽ sang nhượng lại một miếng vuông, khi nào làm có tiền thì trả lại. Vậy là anh chị quyết định khăn gói ra đi, dẫn theo hai đứa con gái nhỏ, bé Lùn sáu tuổi và bé Hận bốn tuổi. Thế nhưng khi tìm đến Năm Căn thì anh bị hụt hẫng giữa xứ lạ quê người, do mấy năm trời không liên lạc được với nhau nên người em kết nghĩa đã sang miếng đất nuôi tôm cho người khác. Nhưng rồi giữa cái xứ sở đầy phóng khoáng nầy, sự may mắn lại đến với anh, ban giám đốc lâm ngư trường Tắc Biển cấp cho vợ chồng anh 5,5ha đất nuôi tôm kết hợp với trồng rừng, lại được vay mười triệu đồng để thuê mướn xẻ kinh mươn, đắp bờ bao, làm miệng cống. Chị Hoa đào đất đắp nền, đốn cây, đốn lá dựng lên căn chòi nhỏ.

Đến năm 1993, anh Mộc được chính quyền địa phương cấp mười triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa. Để giảm chi phí, anh quyết định mua vật liệu về để chị Hoa tự xây. Chị Hoa chưa bao giờ biết làm thợ hồ, nhưng nhờ có anh bên cạnh, anh bảo đến đâu chị làm đến đó, cuối cùng ngôi nhà cũng được hình thành dù tường vôi lổm chổm, đường nét chẳng giống ai. Có nhà, có vuông nhưng gặp những năm tôm chết liên tục, nợ nần cứ luôn đeo đẳng, anh Mộc lại bị những vết thương cũ tái phát, hết nằm bệnh viện huyện lại lên bệnh viện tỉnh, chị Hoa phải bỏ vuông, bỏ nhà theo chăm sóc cho anh. Cuối năm 1997, anh Mộc qua đời.

Thế rồi trong cái cảnh góa bụa bơ vơ giữa xứ lạ quê người, nỗi buồn đau chưa cạn, sự nghèo túng chưa kịp qua đi thì bà Bảy xuất hiện, bà dẫn theo hai đứa con gái, thằng con trai và thằng rễ ngang nhiên đến chiếm nhà chiếm vuông, đánh đập chị Hoa rồi quăng hết quần áo của mẹ con chị ra ngoài. Chính quyền địa phương đến can thiệp mấy lần cũng không được, công an huyện đến bắt mấy mấy đứa con của bà Bảy về xử phạt hành chánh, chúng vẫn chứng nào tật nấy.

Cuối cùng, chị Hoa đành phải ra đi. Nhưng nỗi oan ức làm chị không thể nào rời bỏ cái xóm kinh rừng ấy được. Chị gởi hai đứa con ở nhà người quen rồi lang thang ra Cà Mau tìm chỗ kêu oan. Tình cờ có một người nghe được tâm sự của chị nên dẫn chị đến Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh. Ở đây chị được giúp đỡ tận tình, Trung tâm cử nhân viên đi xác minh chứng cứ rồi làm thủ tục khởi kiện dân sự. Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hiển xét xử sơ thẩm, chị Hoa thắng kiện, gia đình bà Bảy chống án.Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, chị Hoa lại thắng kiện nhưng mẹ con bà Bảy vẫn tiếp tục chiếm nhà, chiếm vuông dù đội thi hành án của huyện đã đến lập biên bản cưỡng chế hai lần.

Ông Huỳnh Văn Khương, chánh tòa dân sự Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hiển cho biết: Có lẽ phải khởi tố hình sự, bắt giam mẹ con bà Bảy về tội chống đối pháp luật. Rồi ông lại thở dài nói: Cái gốc là do thiếu văn hóa nên người ta mới xử sự theo cái kiểu luật rừng như vậy !

Chúng tôi rời con rạch Ông Như vào một buổi chiều mưa tầm tã, mưa ở rừng ngập mặn Năm Căn vốn đã buồn lại càng buồn hơn trước tình cảnh của mẹ con chị Hoa. Chị vẫn ngồi bệt dưới sàn nhà như tượng đá, lưng tựa vào cánh cửa, tay chống lên cạnh hàm, mắt đăm chiêu nhìn về phía ngôi nhà và miếng vuông của mình cách đó vài trăm mét. Anh chủ nhà cho chị ở đậu nói, chiều nào chị cũng ngồi như thế. Tôi chợt nghiệm ra, vì vậy mà dân gian mới có bài hát ru em buồn đến não lòng:

Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê cũ ruột đau chín chiều

Ruột đau ruột thắt gan teo

Vì bởi tôi nghèo nên mới tới đây

PC: Cách nay hơn hai năm, một quan chức ở Cà Mau gọi điện cho tôi hay, chị Hoa đã được trả lại sự công bằng, chị bán vuông được 50 lượng vàng, trả nợ xong và trở về quê cũ.

-->đọc tiếp...

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2008

ĐỜI CHỢ - CHỢ ĐỜI





Khi tôi từ giã ra về, chị Ba Hường ngập ngừng nói :“Ngày mai, tôi muốn nhờ chú đi chụp giùm tôi mấy tấm hình đám cưới”. Tôi hỏi đám cưới ai, chị nói đám cưới con trai của anh Tư. Anh Tư, chồng chị, đã bỏ chị ra đi hơn bốn tháng nay. Giờ tổ chức đám cưới cho con cũng không mời chị. Chỉ có tấm thiệp lạnh lùng của chú rể “mời cô” đến dự tiệc tại tư gia, cách nhà chị chừng hơn cây số. Chú rể ấy, ngày xưa cũng đã từng đập phá nhà chị, hành hung chị giữa chợ khi chị làm vợ bé anh Tư. Nhưng mọi chuyện đã qua, vợ anh Tư cũng đã qua đời. Cả cái phường Linh Trung nầy ai cũng biết chuyện ấy, ai cũng xem chị với anh Tư như vợ như chồng chính thức hơn chục năm qua. Chị nghĩ, lẽ ra trong ngày cưới của con trai anh Tư, chị phải đứng vào vị trí chủ hôn để làm hết trách nhiệm của một người mẹ kế. Nhưng anh Tư đã không để cho chị làm việc đó. Nhưng may thay, bên nhà gái mời chị đi đưa dâu. Chị nhớ ngày xưa, ba người là bạn bè thân thiết. Rồi cuộc đời đẩy đưa, chị trở thành vợ anh Tư, hạnh phúc có, đắng cay có, tủi nhục có, và cuối cùng là tan vỡ. Chị cũng không ngờ hôm nay hai người kia lại trở thành thông gia. Có một điều gì đó trong sâu thẳm của tình bạn, tình yêu thôi thúc chị không thể đứng ngoài cuộc trong ngày vui của hai đứa trẻ.

Tôi mang máy ảnh theo chị bước vào nhà gái trong lúc đang cử hành hôn lễ. Chị cười tươi đến đứng cạnh anh Tư. Rồi chị theo đoàn đưa dâu sang nhà trai, cũng đứng cạnh anh Tư, chị mở hộp nữ trang ra, lấy từng món đeo cho cô dâu. Nhưng đằng sau cái niềm nở, ân cần như người mẹ ấy, tôi hiểu chị đang nuốt vào lòng từng giọt đắng cay. Sau phần tặng quà cho cô dâu và chú rể, theo yêu cầu của chị Hường, tôi cầm cái hộp đựng hai chiếc nhẫn cưới bước đến trao cho anh Tư và nói: “ Nhân ngày vui của hai cháu, em có món quà nhỏ xin tặng cho anh chị”. Anh Tư miễn cưỡng cầm lấy và ngạc nhiên không hiểu chuyện gì. Nhưng tôi hiểu chị Hường khát khao chiếc nhẫn cưới dù tuổi chị sắp xỉ sáu mươi, ba đời chồng nhưng chưa một lần đám cưới.

Sáng hôm sau chị gọi điện cho tôi, chị nói suốt đêm qua chị không ngủ được, đời sao phủ phàng với chị quá. Rồi chị hỏi: “Liệu anh Tư có quay về với chị không em ?” . “Chắc ảnh sẽ về thôi”, “Sao em biết ?”, “Vì em tin ở lòng tốt của chị sẽ kéo ảnh quay về”. “Ừ, chị cũng hy vọng anh Tư suy nghĩ lại”.

Mấy ngày sau, chị rủ tôi đi thăm trung tâm nhân đạo Quê Hương ở Dĩ An, chị nói, mỗi lần đi làm từ thiện, chị thấy như vơi bớt nỗi buồn. Hôm ấy, chị nấu hơn hai trăm tô phở bò mang lên cho trẻ mồ côi. Nhìn những đứa trẻ ăn uống ngon lành, bỗng dưng chị nói, tuổi thơ của đời chị, tuổi thơ của tám đứa con của chị, làm gì được ăn một tô phở bò ngon như vậy, dù là đời cha mẹ chị và đời chị đều đi bán thịt bò. Rồi chị kể, năm chị mang thai đứa con thứ ba thì hai đứa con đầu bệnh nặng, người ta gọi là đau ban khỉ, nhà không còn một đồng xu dính túi. Chị ẵm con đến nhà người chị họ mượn tiền. Cạnh nhà người chị có một tủ kem chuối, hai đứa bé khóc thét đòi ăn. Không nở để con nhịn thèm, chị mua hai cây kem rồi nói: “Không có tiền lẻ, chút xíu tôi trở ra trả”. Nói vậy rồi chị vào nhà, không ngờ người chị họ không cho mượn tiền. Chị đành bấm bụng ẵm con trốn nợ. Dù chỉ là hai cây kem, nhưng gần bốn chục năm qua, với chị Hường, đó là món nợ mà chị không thể nào trả nổi.

Mười hai tuổi, một buổi đến trường, một buổi gánh thịt bò ra chợ. Mười sáu tuổi, chị đã sa vào cạm bẫy ái tình. Chỉ vì một lời hứa thoát nghèo, chỉ vì giấc mơ thoát khỏi căn nhà ổ chuột lầy lội, nheo nhóc bảy tám chị em, trong một phút ngây thơ, chị đã trao thân cho người đàn ông goá vợ. Một ngã rẽ không thể tượng tượng được trong đời một cô nữ sinh trung học, xinh xắn, dịu dàng lại trở thành kế mẫu của con chồng. Khi hiểu ra thì mọi chuyện đã rồi, đành ngậm đắng nuốt cay. Chồng chị không mẹ, không cha, không nhà, không cửa. Ngày ngày chị tần tảo với gánh thịt bò, vừa nuôi con chồng, vừa nuôi chồng trốn lính. Hai năm sau, anh bị bắt lính, chị phải vay nợ chạy lo cho anh được giữ lại căn cứ hải quân ở Nhà Bè. Những đứa con lần lượt ra đời trong cảnh nghèo túng, ở nhà thuê, nhưng anh chồng thì lại lao vào con đường ăn chơi sa đọa. Mười sáu năm lấy chồng, giật mình nhìn lại mình đã tám đứa con nhưng chưa có một ngày hạnh phúc. Sáng đầu chợ, chiều cuối chợ, đêm về nằm lăn giữa đàn con nheo nhóc dưới sàn nhà bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Nhưng, như thế cũng chưa phải là nỗi khổ đau tận cùng của chị. “Mười mấy năm làm vợ – chị nói – cuộc sống đã biến chị thành người đàn bà lãnh cảm trong chuyện vợ chồng. Cực nhọc,lo toan chất chồng trước cuộc mưu sinh đầy bế tắt, đêm về thì con cái vây quanh. Ông chồng thì càng ngày càng lún sâu vào con đường trụy lạc, mắc bệnh xã hội, ghẻ lở đầy người, tóc tai xơ xác. Chị càng né tránh thì ảnh càng nỗi cơn ghen. Không chịu nổi những trận bạo dâm cuồng loạn, những trận đánh đập dã man, chị đành phải đâm đơn ra toà ly dị. Hôm ấy, sau khi tòa tuyên án, chị thuê hai chiếc xích lô chở tám đứa con về nhà mẹ ruột. Người mệt vì đói, mệt vì khổ, đau đớn, rã rời vì những vết thương còn hằn sâu sau những trận đòn. Chị nằm gục đầu trên bộ ván. Mẹ chị dùng nước nóng lau rửa những vết thương, nấu cháo cho chị ăn. Và, hai mẹ con ngồi khóc.”

Sáng dậy, chị ra chợ mua tô phở hai mươi xu, xin nhiều nước súp rồi mang về trộn với cơm nguội, múc ra tám chén chia cho tám đứa con. Sau đó chị đạp xe lên chợ Bà Chiểu, tìm người quen bảo lãnh để mua chịu vài ký thịt bò mang về chợ Trương Minh Giản, tìm một chỗ trống ngồi bán. Ngày sau trả nợ cho ngày trước, chắt mót từng đồng, rồi buôn bán lớn dần lên, tìm mối lái, mua bò mổ thịt, phân phối cho tiểu thương các chợ. Nhưng thời kỳ ngăn sông cấm chợ, việc giết mổ trâu bò bị xem là tội buôn lậu, tội phá hoại sức kéo, phải trốn chui trốn nhủi, bị bắt, bị tịch thu, chị không nhớ nỗi mình phải bao phen làm lại từ đầu. Nhưng, cái vốn lớn lao mà chị tích lũy được là chữ tín trên thương trường, từ tay nghề pha lóc thịt cho đến các mối quan hệ với thương lái, với các chợ đầu mối và giới tiểu thương. Khi kinh tế mở cửa, chị ra Linh Trung mua một khu đất rộng trong vườn cao su, dựng lên một căn chòi để từ đó, lưu giữ đàn bò mua từ biên giới về để vỗ béo rồi đưa vào nhà máy Vissan gia công, phân phối thịt cho các chợ đầu mối. Công việc làm ăn đang lên thì đùng một cái, chị bị giựt nợ. Hôm ấy, cũng như những chuyến đi thường lệ, chị sang biên giới Campuchia, khi đàn bò từ bên kia lùa sang, chị giao tiền cho thương lái, vài ngày sau tàu của họ chở bò cặp bến sông Sài Gòn. Nhưng lần nầy, chị chờ mãi, chờ mãi trong vô vọng. Tất cả vốn liếng tích lũy mấy năm trời, hàng trăm triệu đồng tiền vay bạc hỏi đã ra đi không trở lại.

Chị nói với anh Tư: “Tôi giao khu đất nầy lại cho anh trông coi, tôi đi”. Anh Tư ngạc nhiên hỏi: “Chị đi đâu ?”. “Đi Úc, trốn nợ”. “Tôi sẽ giữ gìn cho chị, đi đâu rồi cũng phải quay về, chị đừng bỏ tôi !”. Chị hiểu anh Tư yêu chị nhưng không dám nói ra vì anh đã có vợ có con. Anh Tư vốn là một nông dân thật thà chất phác. Nhiều lúc nhìn anh điều khiển đôi bò cày xới từng luống rẫy, chị thầm nghĩ, giá ngày xưa chị gặp một người chồng chân chất như anh, biết đâu cuộc đời chị sẽ bình yên, hạnh phúc chốn thôn trang, không phải bôn ba, nghiệt ngã giữa chợ đời. Khi về đây, chị quen với anh Tư, anh Quý – giờ là sui gia với anh Tư – ba người trở thành bạn bè thân thiết, các anh đã giúp đỡ chị canh giữ đàn bò giữa vùng đất hoang vu, phức tạp mà nếu không có sự che chở của các anh, chị không thể đương đầu nổi với những hiểm hoạ luôn rình rập.

Bây giờ, khi chị nói tiếng ra đi, ánh mắt anh Tư đượm lên một nỗi u buồn, tuyệt vọng với bao nhiêu tình cảm dồn nén từ bấy lâu nay. Thôi thì cho nhau một lần, một lần rồi có thể không có ngày gặp lại. Anh Tư đưa chị từ khách sạn về nhà, chị ngượng nghịu không dám nhìn con. Và, chị phát hiện ra chiếc áo bà ba của chị bị cháy một vòng tròn bởi trong cơn xúc động, anh Tư đã vô tình ném nó lên tàn thuốc lá.

Mười sáu năm dâu bể, chị vẫn còn giữ chiếc áo ấy như một báu vật của tình trường.

Sang Úc, người em gái của chị đã sắp xếp cho chị một cuộc hôn nhân. Chị từ chối vì không có tình yêu. Người em quát: “Tám đứa con rồi, danh giá gì, yêu đương gì ? Vấn đề là được định cư, được bảo lãnh cho mấy đứa nhỏ sang đây để thoát cảnh đói nghèo”. Chị chấp nhận, bởi đó là cách lựa chọn cuối cùng. Nhưng kết hôn rồi, chị vẫn như người vô hồn vô cảm trong quan hệ với chồng. Người chồng tốt bụng ấy cùng chị chạy lo thủ tục bảo lãnh con, nhưng gặp rắc rối vì con chị quá đông. Một hôm anh nói: “Sống ở đây mà tâm hồn em cứ để ở quê nhà thì khổ cả hai, thôi thì em về với con đi, khi nào làm được thủ tục bảo lãnh cho con thì quay lại, và lúc ấy, nếu em cảm thấy yêu anh thì mình làm đám cưới”.

Chị về nước, anh Tư đưa chị đến thăm căn chòi cũ. Hoang vắng, xác xơ, buồn thảm, cỏ che kín lối đi, dưới chân cỏ quấn đầy da rắn. Trên vách chòi còn treo chiếc áo mưa. Anh Tư đạp cỏ xếp thành tấm thảm, chị lấy chiếc áo mưa lau sạch bụi trải lên. Đêm ấy, anh Tư ngồi quạt muỗi cho chị bằng nón lá. Nhưng với chị, có lẽ đó là đêm hạnh phúc nhất đời mình. Chị quên hết tất cả mọi khổ đau của hơn hai chục năm qua và không cần miết mọi khổ đau đang đón chờ phía trước. Nếu tạo hóa ban cho mỗi đời người có một đêm hạnh phúc thì đêm của chị là đây.

“Vợ anh mang một chứng bệnh trầm kha, đã bao nhiêu năm rồi không gần gũi được, và cũng không biết sống chết ngày nào. Nếu không lấy được em thì anh cũng phải lấy người khác. Nhưng, anh không thể sống thiếu em !”

Anh Tư bán được một lô đất, kẻ có vốn, người có nghề nghiệp, có thị trường, hai người dựa vào nhau gây dựng lại đường dây mua bán thịt bò. Một hôm, nửa đêm khuya khoắt, anh Tư chạy đến tìm chị trong trạng thái hốt hoảng, hai bàn tay anh đầy vết máu: “Bả đâm anh, anh đỡ, mũi kéo xốc vào bàn tay”. Chị lấy nước nóng lau tay cho anh Tư, rồi dùng miệng hút từng giọt máu ứ, máu bầm. Rồi chị khóc, chị nghĩ, cái thân làm bé thì mình sẵn sàng chịu khổ, nhưng không ngờ tai họa lại trút vào anh. Chị nói tiếng chia tay, nhưng anh Tư bảo không sao, chị Tư nói nếu chị muốn sống yên ổn với anh Tư thì mỗi tháng phải cung cấp cho chị Tư một triệu đồng. Anh Tư thương lượng, cô Hường nghèo lắm, phải nuôi tám đứa con, lấy của nó sáu trăm ngàn thôi, chị Tư đã đồng ý.

Chị Hường nói, đã chấp nhận làm bé thì chấp nhận mọi điều kiện của vợ lớn, chị không chỉ đồng ý một triệu đồng mà còn gánh thêm một phần trách nhiệm, tận tâm chăm sóc thuốc men khi chị Tư nằm viện. Nhưng, cái sự đời, cái giá của người vợ bé không dễ dàng như chị tưởng. Đến một ngày, không còn chịu nổi tủi nhục vì những trận ghen tuông diễn ra giữa chợ, những trận đập phá nhà cửa, chị lên Tịnh xá Ngọc Hạnh xin xuống tóc quy y. Sau khi nghe chị kể rõ ngọn ngành, nhà sư bảo chị: “ Nếu cô đi tu mà bỏ lại phía sau tám đứa con khốn khổ thì chỉ thêm tội mà thôi. Hãy quay về với trần đời, chấp nhận khổ hạnh để làm tròn bổn phận của người mẹ, nếu có điều kiện thì giúp đỡ người nghèo khổ, Đức Phật sẽ chứng giám cho cô”.

Chị quỳ xuống tạ ơn và cho nhà sư cắt một mớ tóc tượng trưng rồi lau nước mắt ra về. Chị cảm thấy hối hận vì trong giây phút yếu lòng mình đã tìm sự giải thoát mà quên cả đàn con. Gần ba chục năm qua, chị đã trải qua bao cay đắng thăng trầm, bao lần gục ngã, chị gượng dậy cũng vì một động lực duy nhất là tám đứa con, cũng vì để cho con chị được sống tốt, được học hành tử tế. Nhà sư đã nói đúng, nếu đi tu mà bỏ lại phía sau tám đứa con khốn khổ thì chỉ thêm tội mà thôi !

*

Cuộc tình “Già nhân nghĩa, non vợ chồng” giữa chị với anh Tư kể như kết thúc, công việc kinh doanh thịt bò của chị cũng được kết thúc khi khu đất của chị lọt vào dự án khu chế xuất Linh Trung. Trong lúc bế tắt chưa biết đời mình sẽ đi về đâu thì chị nhận được giấy mời lên quản lý dự án nhận tiền đền bù 240 triệu đồng. Một khu đất vườn cao su hoang phế, hồi ấy chị mua chỉ có sáu chỉ vàng, thật ra là mua để làm nơi lưu giữ đàn bò, diện tích bao nhiêu chị cũng không hề biết. Cầm số tiền khá lớn trên tay, chị đi mua đất. Nghĩ mình con đông, bây giờ mua đất để xây nhà trọ, sau nầy con cái lớn khôn, ít ra mỗi đứa cũng có một cái nền nhà. Nhưng nhà trọ xây chưa xong thì có người đến hỏi mua lại đất với giá cao hơn, thậm chí cao gấp mấy chục lần, chị lại bán đất, rồi đi mua lại đất.

“Có lẽ ông trời không cho tôi kinh doanh đất mà bắt tôi làm chủ chợ” – chị nói – Hôm ấy, tình cờ đi ngang nhà máy giầy Việt Lập ở Bình Dương, thấy có một lô đất trống, chị nghĩ, ở đây có hàng ngàn công nhân mà không có chợ. Chị hỏi mua lô đất với ý nghĩ, sẽ xây tại đây một dãy hàng quán cho các con ra đây buôn bán. Nhưng rồi từ ý tưởng xây một dãy hàng quán chuyển sang xây chợ Việt Lập. Chợ Việt Lập ra đời, thu hút hàng trăm tiểu thương, lại vướng phải cơ chế, chính sách, mâu thuẩn xảy ra, buộc phải giải tán. Nhưng, cái ý tưởng xây dựng chợ từ đó đã trở thành tâm huyết của chị Hường. Hình ảnh chị em tiểu thương cứ luôn ám ảnh chị, làm sống lại hình ảnh của cha mẹ chị, của cả cuộc đời gian lao, nhọc nhằn của chị gắn liền với những thăng trầm của đời chợ qua những chặng đường lịch sử. Là chị sáng sáng ra chợ tìm một chỗ trống xin phép chị em cho để xịa thịt bò; là chị, hừng đông ra bến xe miền tây tìm mua từng ký thịt của các bà các chị nai nịt trong người thời ngăn sông cấm chợ, mua xong, tiền vừa kịp trao tay thì bị tịch thu vì “hàng lậu”; là chị, ngồi bán ở vỉa hè mà lòng nơm nớp lo sợ bởi tiếng còi của nhà chức trách . . .

Thất bại ở chợ Việt Lập, chị về Thủ Đức mua đất xây dựng chợ Linh Trung. Biến những chị em lớp nghèo thành thị trở thành tiểu thương chuyên nghiệp không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng chị Hường đã làm nên điều ấy. Trước hết là miễn thu tiền mặt bằng sáu tháng, ai thiếu vốn thì cho mượn vốn, ai không biết buôn bán thì chị dạy cho buôn bán. Ai nghèo khổ đến tận cùng hoặc khuyết tật thì miễn luôn tiền mặt bằng, cấp luôn tiền vốn, thậm chí cấp cả tiền ăn trong những tháng đầu. Hàng thực phẩm, ai bán ế chị ra mua lại. Rau cải, chị mang cho các chùa, thịt cá, chị mang cho các viện mồ côi, nhà dưỡng lão, bệnh viện tâm thần.

Trong chương trình “Người Đương Thời”, chị Hường đã dựng trên sân khấu một lớp kịch, một phiên chợ mà trong đó, chị đóng vai một người bán hàng khó tính, đanh đá, trả treo. Kết thúc lớp kịch, chị nói: “Bà con thấy chưa, nếu làm tiểu thương mà ăn nói như tôi thì chỉ còn có nước mang đồ về cho chồng con ăn chớ bán cho ai ”. Đó là câu chuyện của một lớp kịch, một trong hàng trăm tình huống mà chị Hường đã từng mang ra giảng dạy cho tiểu thương. Và, ngay trong chợ Linh Trung, không thể kể hết những câu chuyện về chị. Tôi đã gặp chị Thủy, chủ hàng thịt ở đây với một câu chuyện đầy kịch tính: Trưa hôm ấy, một cô công nhân đến quầy chị Thủy mua mười ngàn đồng thịt, chị Thủy chặt không đúng chỗ mà cô công nhân đã lựa nên cô bỏ đi, Thủy nắm áo lại và tát một bạt tay. Cô gái khóc sướt mướt. Bất ngờ chị Hường bước tới. Khi biết chuyện, chị tát chị Thủy một bạt tay kèm theo mấy lời răn dạy. Chị Thủy ngồi khóc. Đến chiều, chị Hường nằm nhà ngẫm nghĩ, quầy thịt xảy ra sự cố như vậy, chắc con nhỏ ngày nay bán ế. Chị ra chợ, đúng là quầy thịt chị Thủy còn hơn chục ký, chị Hường mua hết mang về làm một nồi kho tàu, hôm sau chị mang lên làm quà cho làng cô nhi Long Thành. Từ ấy đến nay, chị Thủy không bao giờ thiếu nụ cười với khách. Tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng Yến, anh Vũ Thành Công, hai người khuyết tật đang làm chủ hai quầy kinh doanh đĩa hát, anh Công cho biết, anh bị khuyết tật bẩm sinh cả hai tay lẫn hai chân, không thể ngồi xe lăn. Buồn chán cho thân phận, nhiều lúc anh nghĩ đến tự tử nhưng cũng không thể tự mình đi mua thuốc uống. “Cô Hường đã mang lại cho tôi sự sống – anh nói – cô cho hẳn một mặt bằng với hai triệu đồng làm vốn, những tháng đầu, mỗi tháng cô cấp cho ba trăm ngàn tiền ăn, có hôm cô nấu cơm mang ra cho tôi. Sự cưu mang của cô, ân nghĩa của cô cứ làm cho tôi luôn luôn nghĩ rằng mình phải sống thế nào cho ra sống”.

Hỏi chuyện giúp người, chuyện làm từ thiện, chị lắc đầu: “Mình giúp người ta mà kể lể thì còn ý nghĩa gì nữa”. Nhiều tiểu thương kể rằng, năm nào cũng vậy, cứ chiều ba mươi tết là chị Hường đi rảo các chợ dưa hấu quanh Thủ Đức, ai còn tồn bao nhiêu chị mua hết rồi mang lên biếu cho các chùa, các trại dưỡng lão, các viện mồ côi, nhà thương điên. Khi tôi đem chuyện ấy ra hỏi thì chị nói: “Có gì đâu, mình giúp cho bà con bán hết hàng để về quê ăn tết, chú có buôn bán mới thấu hiểu cái cảnh chiều ba mươi tết mà còn ngồi bên một đống dưa. Mình giúp họ, cũng vừa giúp cho trẻ mồ côi, người bệnh, người nghèo có dưa ăn tết”

Hỏi chuyện anh Tư, chị nói, sau những chuyện không vui ấy xảy ra khoảng một năm thì chị Tư qua đời, chị không dám đi dự đám tang nhưng cho người mang đến con heo quay và một mâm hàng mã, chị cầu mong, nơi suối vàng chị Tư sẽ cảm thông cho thân phận người phụ nữ với nhau mà đừng trách chị. Sau ngày xả tang chị Tư, anh Tư đã tìm đến chị nối lại tình xưa nghĩa cũ. Nhưng, sự đầm ấm, mặn nồng không còn được như xưa. Cũng như nhiều nơi khác, sau những cơn sốt đất, người nông dân ngoại thành bỗng chốc đổi đời, sự giàu sang đã làm cho lòng người thay đổi. Anh Tư có những cuộc ra đi biền biệt, tìm nguồn vui bên những cô gái trẻ, thỉnh thoảng quay về, rồi lại ra đi. Phần chị cứ an phận làm ăn, tích cóp được ít tiền thì đi làm từ thiện, chị xem đó là nguồn vui, là sự thanh thản của tâm hồn. Hỏi chị còn dự định gì không, chị cho biết hiện nay đang có mấy dự án xây dựng chợ ở Bình Dương, lấy kinh nghiệm của chợ Linh Trung lên đó để giúp cho chị em phụ nữ nghèo trở thành tiểu thương. Đó là mục tiêu lâu dài của chị.

Tôi nhìn lên bức tường, thấy mấy dòng thư pháp: “Cánh cò cõng nắng cõng mưa. Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”. Chị nói, đó là quà sinh nhật của con gái Út vừa tặng chị. Rồi chị khoe, tất cả những đứa con của chị đều thành đạt, khá giả, nhưng điều đáng mừng là chúng nó sống tử tế, biết thương người.

-->đọc tiếp...

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

GÃ KHÙNG




TÔI KHÔNG CÓ Ý NÊU GƯƠNG NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT ĐỂ ĐỘNG VIÊN CHÚNG TA HỌC TẬP, BỞI SẼ VÔ CÙNG PHI LÝ NẾU CHÚNG TA ĐI HỌC TẬP NHỮNG ĐIỀU HAY LẼ PHẢI Ở MỘT THẰNG KHÙNG. NHƯNG TRONG THỜI BUỔI HÃY CÒN LẮM CHUYỆN NHIỄU NHƯƠNG NẦY, Ở HẮN CÒN CÓ NHIỀU ĐIỀU ĐÁNG ĐỂ CHÚNG TA SUY GẪM !

Suốt cả tuần lễ, cứ mỗi ngày hai lần, ngày nào tôi cũng vào bệnh viện tìm hắn, có khi gặp, có khi không. Mà thật ra, khi gặp hắn thì cũng chẳng hỏi han được điều gì, bởi hắn là một thằng khùng. Vậy là mỗi lần vào bệnh viện, tôi lại ngồi uống cà phê với dì Sáu Trân - chủ căn-tin - người đã từng bảo bọc hai cha con hắn, hoặc trò chuyện với mấy anh bảo vệ, các Y Bác sĩ, kể cả ông Giám đốc bệnh viện để nghe họ kể những câu chuyện về hắn.

Điều làm tôi suy nghĩ là cả trăm cán bộ, nhân viên và Y Bác sĩ trong bệnh viện nầy đều xem hắn một cách thân thiện như người nhà. Hỏi thì ai cũng trả lời một câu ngắn gọn rằng tuy hắn khùng nhưng lại là người tốt. Dì Sáu Trân thỉnh thoảng rầy la hắn như một người mẹ mắng con : Khởi, mầy có chịu đi hớt tóc không ? Hoặc: Ở dơ như thế mà chịu được hả ? Các Bác sĩ trưởng khoa, phó khoa nói rằng khi họ mới ra trường về đây thì đã thấy thằng Khởi ở trong bệnh viện nầy, có nghĩa là hắn đã cư trú ở đây trên mười năm. Nhưng không ai biết hắn họ gì, bao nhiêu tuổi. Qua diện mạo, người ta đoán chừng hắn khoảng ba mươi lăm hoặc bốn mươi, hoặc trên bốn muơi, tùy theo từng lúc, nghĩa là lúc hắn tắm rửa sạch sẽ, mặc áo mới, hớt tóc cao thì trông hắn cở ba lăm, còn lúc hắn ở dơ, tóc quến cục như lông nhím, mặt mày quằn quện, quần áo be bét thì trông hắn cở bốn lăm. Lai lịch của hắn cũng rất mơ hồ, người ta chỉ biết đại khái rằng quê hắn ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Cha mẹ hắn ly dị, cha lấy vợ khác, mẹ lấy chồng khác. Hắn theo mẹ thì không ở được với cha ghẻ, còn theo cha thì không ở được với mẹ ghẻ, đó là lý do để hắn cư trú trong cái bệnh viện nầy.

Bác sĩ Việt nói có lần anh nghe một bệnh nhân quê ở Đầm Dơi kể lại rằng, một hôm ông ta chứng kiến thằng Khởi mang cái tổ ong vò vẽ về nhà để tấn công mẹ ghẻ. Không hiểu bằng cách nào, hắn lấy đất bùn nhém bít các cửa sổ trên tổ ong rồi mang về xóm, cái tổ ong to bằng cái thúng, ai thấy cũng hoảng hồn bỏ chạy, chỉ cần sơ sẩy một chút thì có thể mất mạng biết bao nhiêu người. Cuối cùng chỉ có cha hắn ra dỗ ngọt, năn nỉ hắn cho cái tổ ong vào một cái bao rồi đem nhận nước. Sau đó thằng Khởi bỏ xứ ra đi. Bác sĩ Việt nói rằng thằng Khởi chỉ nổi cơn khi bị người ta xúc phạm hoặc đụng chạm đến thằng con trai của hắn, còn bình thường hắn rất hiền, không quậy phá, không trộm cắp, không xin xỏ của ai. Ngược lại, hắn rất căm ghét bọn móc túi và trộm cắp. Có lần trong bệnh viện xảy ra vụ trộm, hắn cùng với đội bảo vệ rượt bắt, tên trộm cùng đường nhảy xuống ém dưới cái ao lục bình phía sau bệnh viện. Vì đây là cái ao nước thải rất dơ nên mấy anh bảo vệ không dám xuống, thế là thằng Khởi nhảy đùng xuống ao nắm đầu tên trộm lôi lên. Đêm hôm sau, trên đường đi móc bọc, thằng Khởi bị đồng bọn của tên trộm trả thù bằng một trận đòn. Lúc ấy chỉ có một mình hắn chịu đựng.

Hắn có nhiều cách để mưu sinh, ban đêm hắn quảy cái bao đi nhặt phế liệu, sáng sớm mang đi bán cho vựa, xong hắn đến các cửa hàng thu mua thủy sản đứng chờ người ta sai khuân vác, có người thì cho tiền, có người thì cho cá. Cho bao nhiêu lấy bấy nhiêu, hắn không đòi hỏi. Ở bệnh viện, có việc gì nặng nhọc thì có mặt thằng Khởi, kể cả những công việc trong nhà xác. Thỉnh thoảng hắn cũng trúng đậm khi người ta sai hắn dọn dẹp kho hoặc khuân vác thuốc, ngoài tiền công, hắn được hưởng tất cả thùng giấy và chai lọ, có khi hắn bán được mấy trăm ngàn. Có tiền, hắn mua một chiếc xe đạp, hắn đi cua gái, cũng là những cô gái lang thang, tưng tửng ở hè phố, ở công viên. Đời hắn có nhiều mối tình, nhưng có hai mối tình lâm ly bi đát nhất.

Ở Cà Mau hồi ấy có cô Bích mắc bệnh điên vì bị người yêu phản bội. Ban đêm, cô hay đến trước cửa nhà người yêu cũ, cởi hết quần áo và gào thét, khóc lóc gọi tên anh. Gia đình đưa cô vào trại tâm thần trong bệnh viện. Ở đây cô gặp thằng Khởi. Không hiểu sao thằng Khởi lại có uy ở trại tâm thần. Cứ mỗi lần có bệnh nhân lên cơn quậy hoạn thì người ta hay gọi thằng Khởi đến giàn xếp, hắn chỉ cần lườm một cái là tất cả im re. Thế rồi hắn yêu cô Bích, hắn lo cho cô từ ly sữa, ổ bánh mì, dĩa cơm, tô cháo . . . Sau cái tết, cô Bích về nhà và không thấy vào trại, nghe người ta nói cô đã chết. Thế là hắn khóc như đám tang. Cứ nửa đêm, hắn nằm úp mặt trên chiếu, hắn gào thét, hắn rên rỉ, hắn gọi tên cô Bích, ai thấy cũng mũi lòng cho mối tình của một người điên.

Gần một năm sau hắn lấy vợ, cô ấy tên Thanh, cũng mắc bệnh tâm thần, bụng đang mang thai - tất nhiên là không phải bào thai của hắn. Câu chuyện nầy được dì Sáu Trân kể khá tỉ mỉ : Cách nay khoảng bảy tám năm, cô Thanh từ Bạc Liêu trôi dạt xuống, cô bị tâm thần trong lúc đang mang thai, bị chồng bỏ rơi, cô đến gánh nước mướn cho các quán cà phê ở ngang bệnh viện. Một hôm đang ngồi ăn cháo trong căn-tin thì bổng dưng cô ngất xỉu, người ta khiên cô vào trại cấp cứu. Nghe tin ấy thằng Khởi vào thăm, thế rồi hắn yêu, người ta thấy hắn lo cho cô Thanh như chồng lo cho vợ. Khi cô Thanh xuất viện thì cũng sắp đến ngày sinh nở, người ta đưa cô qua khoa sản nằm chờ, thằng Khởi cũng theo qua bên ấy. Trong những ngày chờ sanh, hắn mua chiếu, mua mùng, mua mền, mua gối . . . và hằng đêm hắn ngủ với cô ngoài hành lang khoa sản. Khi cô Thanh sinh ra một thằng con trai, hắn mừng như một người cha, hắn cũng lăn xăng, bận rộn như bao nhiêu người cha khác.

Khoảng cách giữa các khoa trong bệnh viện là những nền xi măng sạch sẽ, dưới những tàng cây cổ thụ, hắn chọn một mái hiên làm nơi tá túc. Hắn đi chợ mua về một cái bếp dầu, vài cái xoong, vài cái chén . . . cô Thanh tuy tưng tửng nhưng cũng còn nhớ công việc làm bếp. Còn hắn lúc nào cũng ôm ấp, nâng niu đứa con như báu vật, hắn đặt tên thằng Cu Đen. Trong lúc ăn cơm, hắn bảo cô Thanh đẻ cho hắn thêm một đứa con gái, cô Thanh gỏ đôi đũa lên đầu hắn, hắn cười . . .

Một hôm, có một bà già và một thanh niên từ Bạc Liêu tìm đến cô Thanh, đó chính là bà nội và cha của đứa bé, họ đòi bắt nó về để nối dõi tông đường. Cô Thanh hốt hoảng ẵm thằng Cu Đen chạy trốn, thằng Khởi đứng ra đối phó, lúc ấy người ta thấy hắn nổi cơn điên, hắn hầm hừ nói : Ai bắt con tui, tui đâm bằng dao cán vàng cho mà coi ! Thấy tình thế không ổn, dì Sáu Trân và mấy anh bảo vệ đứng ra giải quyết, họ nói thằng Khởi đã nuôi đứa bé từ lúc còn trong bụng mẹ, vậy coi như con của nó, không ai có quyền bắt đi. Hai mẹ con người ấy đuối lý đành im lặng ra về. Mấy hôm sau, họ đến ăn cắp thằng Cu Đen vào lúc nửa đêm. Sáng ra, thằng Khởi lầm bầm chửi rủa, cô Thanh dẫn hắn lên xe đò đi Bạc Liêu tìm lại. Ngày sau, họ ẵm thằng bé trở về.

Thằng Khởi sống trong cái hạnh phúc ấy được bốn năm thì cô Thanh đột ngột qua đời, tự nhiên cô ngã lăn ra mà chết, không kịp cấp cứu. Bệnh viện đứng ra lo hòm rương và chôn cất cô, thằng Khởi suốt ngày ngồi ôm con buồn cú rủ, có khi hắn khóc ấm ức, có khi hắn khóc róng lên. Một hôm, mấy anh bảo vệ mét dì Sáu Trân rằng nửa đêm nửa hôm mà thằng Khởi dẫn thằng Cu Đen đi móc bọc. Sáng hôm sau dì Sáu la cho hắn một trận, dì nói thằng nhỏ mới có ba lớn mà mầy không để cho nó ngủ yên lại dẫn đi ban đêm ban hôm làm sao nó chịu nổi ? Sau đó dì Sáu lót một cái giường nhỏ ngay trong phòng của dì và mua một cái mùng cho thằng Cu Đen ngủ trong ấy. Nhưng lại không ổn, đêm nào thằng Khởi cũng mò vô nựng nịu, chọc lét thằng nhỏ, rồi hai cha con cười sặc sụa làm mất giấc ngủ dì Sáu, buộc dì phải trả thằng Cu Đen lại cho hắn. Hằng đêm, hai cha con hắn nằm ôm nhau ngủ trên ghế bố ngoài hành lang, dì Sáu nhìn thấy cảnh ấy mà chạnh lòng, hôm sau dì dọn một góc căn-tin bảo hắn vô đó giăng mùng mà ngủ, được vài hôm, hắn lại trở ra hành lang. Dường như cha con hắn đã quen với sương gió lâu rồi.

Cũng theo dì Sáu Trân kể, có một người đàn bà ở Bến Tre đến năn nỉ thằng Khởi xin thằng Cu Đen, bà ta sẽ cho hắn hai chỉ vàng, hắn quát : Hông à ! Hông à ! Bao nhiêu cũng hổng được ! Cứ thế, bà ta càng năn nỉ, hắn càng lớn tiếng. Nhân viên của làng SOS Cà Mau đến đòi bắt thằng Cu Đen về nuôi, hắn cũng trả lời như thế. Dì Sáu Trân giải thích với hắn : Cho nó vô làng SOS ở, nó sẽ được ăn mặc sung sướng, được học hành,thỉnh thoảng mầy cũng được vào thăm, còn ở với mầy, thằng nhỏ suốt đời vất vả lại dốt nát. Hắn cũng bảo hông à, hông à rồi ôm chặt thằng Cu Đen vào lòng. Mấy hôm sau, người ta ngạc nhiên thấy hắn mua cho thằng Cu Đen bộ quần áo mới, một cái cặp và mấy quyển tập rồi chở nó trên xe đạp đưa nó đi học. Thì ra, không biết bằng cách nào, hắn đã xin cho thằng Cu Đen vào lớp học tình thương ở bên nhà thờ. Hắn không biết xem đồng hồ nhưng có một sự linh tính nào đó khiến hắn đưa rước con rất đúng giờ giấc. Cũng như hắn không biết xem lịch, không biết ngày tháng nhưng dì Sáu Trân nói năm nào cũng vậy, cứ đến ngày hai mươi lăm tết là hắn chở thằng Cu Đen đi thăm mộ cô Thanh. Hắn cũng làm cỏ, cũng đốt nhang, cũng bánh trái như bao nhiêu người khác.

Có lần tôi gặp hai cha con hắn ngồi ăn mì trong Hội chợ Thương mại Cà Mau, tôi hỏi hắn làm gì ở đây, hắn nói : Làm việc ở trong công ty đằng kia, hắn chỉ tay về phía mấy gian hàng. Tôi cảm thấy buồn cười, nhưng vài giờ sau tôi phát hiện ra rằng, hắn đến khuân vác cho mấy gian hàng trong Hội chợ để xin thùng giấy đem đi bán.

Lần sau cùng đi tìm hắn trong bệnh viện, thấy hai cha con hắn ngồi trên ghế đá trước căn-tin của dì Sáu Trân, tôi nói với hắn rằng tôi là nhân viên của làng SOS đến đem thằng Cu Đen về nuôi, hắn hốt hoảng ôm thằng nhỏ vào lòng và nói lia nói lịa : Hông à ! Hông à ! Có hai cha con hủ hỷ hủ hỷ. Tôi lấy máy ra chụp hình, hắn cũng ngồi yên cho tôi chụp. Một lát sau, hắn bảo tôi : Vô bắt nhỏ con gái trong khoa sản kìa, đã lắm, mới sanh bị mẹ nó bỏ, tôi mới mua cho nó chai sữa. Rồi hắn dẫn tôi vào xem, đúng y như lời hắn nói, chai sữa hắn mua còn bên cạnh đứa bé. Bà hộ lý đùa với hắn : Mầy đem con nhỏ nầy ra nuôi luôn đi Khởi, cho có trai có gái. Hắn nói : Nuôi được nhưng không có ai giữ.

Tôi đến từ giã dì Sáu Trân, dì hỏi tôi có cách nào đưa thằng Cu Đen vô làng SOS không, hay là lén thằng Khở bắt đi, chớ để như thế nầy tội nghiệp cho tương lai thằng nhỏ. Tôi hiểu tình cảm của dì Sáu, chính dì đã từng là chỗ dựa cho cha con thằng Khởi suốt mấy năm qua, từng dẫn hắn đi hớt tóc, từng tắm rửa, giặt quần áo cho thằng Cu Đen, cho nên dì xốn xang cho tương lai của nó cũng là điều tất yếu. Nói đi rồi dì cũng suy nghĩ lại : Nói thì nói vậy chớ làm sao cắt đứt tình cha con nó được. Thằng Khởi tuy khùng nhưng nó sống có tình thương, nếu mất thằng Cu Đen, nó không thể nào chịu đựng nổi. Rồi dì lại thở dài : Đành vậy chớ biết làm sao !

PC: Một năm sau, tôi trở lại bệnh viện Cà Mau thì được tin cha con thằng Khởi đi đâu mất. Dì Sáu Trân nói, sau khi bài đăng lên báo, thằng Khởi dù không biết chữ nhưng nó giữ tờ báo ấy như báu vật. Nó âm thầm ra đi không ai hay biết, có lẽ vì nó sợ người ta đưa thằng Cu Đen vào làng SOS.



-->đọc tiếp...

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

Trò chuyện với nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ





TÔI NHƯ KẺ ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG...

Võ Đắc Danh thực hiện

“Tôi có thể viết Nắng lẻ, Mây lẻ, nhưng những thứ ấy không… lạnh, khi tôi đang nói tới cái cô độc hiu hắt của kiếp người”.

Khác với Cánh đồng bất tận, Gió lẻ của Nguyễn Ngọc Tư từ khi đăng tải nhiều kỳ trên Sài Gòn Tiếp thị cho đến khi xuất bản thành sách, đã có nhiều sự cảm nhận khác nhau. Đó cũng là chuyện thông thường trong đời sống văn học, đặc biệt là đối với một tác giả trẻ được xem là người của công chúng như Nguyễn Ngọc Tư. Dù cho cảm nhận ở góc độ nào đi chăng nữa, thậm chí khắt khe, lo ngại thì cũng là một tình yêu, sự quý mến mà công chúng dành cho cô.

Viết cho những gì mình thích

- Ngọc Tư đã đón nhận sự phản hồi từ phía bạn đọc với Gió lẻ như thế nào ?

. Tôi cười khi bạn bảo, đọc lần thứ hai mới hiểu. Tôi cười khi bạn nói, nó giống như bài thơ. Tôi cười khi bạn bảo, nó chẳng giống tôi chút nào. Tôi cười khi bạn nói, sao không viết truyện nào vui vui, gì mà buồn quá… Đứa con này đã ra đường rồi, người ta nhìn nó và cảm nhận nó, đối xử với nó thế nào không còn nằm trong tầm tay tôi.

- Có người nói qua Gió lẻ, thấy Ngọc Tư vượt hẳn lên so với Cánh đồng bất tận về phong cách và ngôn ngữ; có người không đồng tình, cho rằng qua Gió lẻ, Ngọc Tư không còn là đặc sản của một vùng đất đã làm nên Nguyễn Ngọc Tư. Từ phong cách, ngôn ngữ, chi tiết . . . đã mất đi bóng dáng của Cánh đồng bất tận, trong khi hai nhà văn lão thành Sơn Nam và Trang Thế Hy suốt cuộc đời chẳng những không thay đổi mà càng làm đậm thêm phong cách. Ngọc Tư có nghĩ đến điều này?

. Xin hỏi lại, Gió lẻ không còn bóng dáng của Cánh đồng bất tận hay bóng dáng tôi? Bởi nếu cần bóng dáng của Cánh đồng bất tận thì tôi không phải viết một cái bản sao Cánh đồng bất tận. Còn bạn đang nhắc tới bóng dáng tôi thì Cánh đồng bất tận không đại diện duy nhất cho tôi. Mười năm tôi viết những cái mà người ta thích, giờ tôi viết những gì chính mình thích. Cánh đồng bất tận, hai ông Sơn Nam và Trang Thế Hy cũng không thích đâu. Mà, đem tôi so sánh với hai cây đại thụ này thì chẳng phải là … ăn hiếp tôi sao! Cứ mỗi lần cái cây nhỏ này ra một nhánh mới, nhiều người lại kêu lên, nhánh này không ổn, nó làm cho cây nhỏ không giống cái tán của mấy cây kia. Sao bạn nghĩ rằng tôi muốn lớn giống hệt như hai nhà văn mà tôi yêu quý?

- Có chút hiểu lầm ở đây. Bóng dáng Cánh đồng bất tận ở đây là phong cách, là ngôn ngữ, là giọng điệu của Nguyễn Ngọc Tư. Cũng không ai bắt cô phải giống hai nhà văn lão thành của chúng ta. Ý tôi muốn nói có những nhà văn giữ suốt đời một phong cách viết, một giọng điệu kể, trong khi Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tậnGió lẻ là hai Ngọc Tư hoàn toàn khác nhau. Và, theo Ngọc Tư thì viết cái mà người ta thích với viết những gì chính mình thích đã tạo nên hai phong cách đó?

. Bạn thấy có “hai tôi” sao? Lạ thiệt, mấy hôm trước, một người bạn tôi lại bảo với Gió lẻ, tôi chưa thóat được (sao bạn ấy lại nghĩ là tôi muốn thoát?), vẫn là tôi của năm xửa năm xưa ấy. Điều đó có nghĩa, cách cảm thụ của mỗi người có khác nhau. Tôi như một kẻ đẽo cày giữa đường, ai qua cũng ngó nghiêng, chỉ chỏ một tí. Cái tôi thấy buồn không phải vì những lời chân thành của bạn, mà là tôi thấy mất tự do. Nhiều người cứ gào thét đòi tự do sáng tác, nhưng lại băn khoăn trước việc cô ta viết như cô ta thích.

Tự hào, vì đã chịu dời chân khỏi hào quang cũ

- Ngọc Tư muốn nói gì qua hai từ Gió lẻ được dùng để làm nền cho câu chuyện ?

. Tôi thích gió. Nó thơ mộng, bảng lảng, khó nắm bắt. Tôi lớn từ xứ gió, mà gió Nam gió chướng gì cũng đẹp, nên bị ám, viết gì cũng cho gió thổi. Tôi có thể viết Nắng lẻ, Mây lẻ, nhưng những thứ ấy không… lạnh, khi tôi đang nói tới cái cô độc hiu hắt của kiếp người.

- Cánh đồng bất tận đã lôi cuốn mọi tầng lớp bạn đọc, từ tiểu thương, nông dân, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ... Ở đó, người ta thấy một Nguyễn Ngọc Tư gần gũi, mộc mạc mà sâu sắc. Từng chi tiết, từng cử chỉ và từng lời thoại của các nhân vật mang đậm màu sắc của một vùng đất. Nhưng Gió lẻ, nếu so với Cánh đồng bất tận thì có một khoảng cách rất xa, rất kén chọn người đọc, bởi thủ pháp “montage” và sự phù phép về chữ nghĩa ?

. Cho đến câu hỏi này là tôi đã nhìn thấy một bi kịch, là bạn đọc cứ trải chiếu ở cái chỗ Cánh đồng bất tận và muốn tôi ngồi uống rượu mãi ở đó. Trong khi tôi muốn đi và thực sự đã đi rồi. Tại sao tôi cứ luẩn quẩn ở cánh đồng đó trong năm năm, mười năm và hai ba mươi năm nữa, mà không được đi nhậu, ngắm cảnh ở không gian khác. Tôi biết, cái chỗ tôi muốn tới và thích tới không đông đảo người chờ đợi và chúc tụng, nhưng tôi tự hào là mình cũng chịu dời chân khỏi cái hào quang cũ mà đi.

- Không ai muốn Ngọc Tư ngồi nhậu mãi một chỗ. Ngọc Tư có thể nhậu từ trên rừng xuống biển, nhậu từ Bắc vào Nam, hoặc xa hơn nữa, nhưng dù nhậu ở đâu thì cũng nhậu theo kiểu của Nguyễn Ngọc Tư…

. Vẫn cứ khô khoai và rượu nếp? Vẫn cứ xếp bằng trên chiếu? Tháng trước tôi lỡ ngồi ở nước Lào, nên tôi không nhậu được bởi ở đó tìm không ra khô khoai, cũng chẳng rượu nếp. Tháng trước nữa tôi nằm ở Tam Đảo, bạn đi cùng chỉ mang theo rượu mà không có khô khoai, vậy là tôi ngồi không, chết thèm? Tôi muốn tùy nghi, sống và viết, theo đúng như bản chất thất thường vô chừng của mình. Tôi biết không ít người đang băn khoăn bởi ý nghĩ họ đã mất tôi rồi. Nhưng tôi đi đâu đó không có nghĩa là không quay lại. Con cá quẫy để khỏa bèo vì nó cần thở ở một khoảng rộng hơn. Tôi cũng vậy.

Ông già vĩ đại - Có thấy chật chội không?

- Xin hỏi một câu hơi vô duyên, điều gì khiến Ngọc Tư viết Gió lẻ, một câu chuyện dường như không có không gian và cả thời gian ?

. Ủa, có phải phóng sự ký sự đâu mà phải nhất định có không gian thời gian? Tôi đã từng gặp những câu hỏi kiểu như, viết cái truyện đấy thì nguyên mẫu ở đâu? Trời, tôi nói dóc kiếm tiền mà. Lần này tôi nói dóc hơi… quá, giống như kể lại một giấc mơ.

Hồi nhỏ tôi mê phim kiếm hiệp, truyện kiếp hiệp, có mấy anh chàng hiệp khách cứ rày đây mai đó, gặp ai yêu nấy, gặp ai đánh nấy, tôi khóai. Hai năm gần đây, tôi cũng thường hay đi, đi bụi, gặp tối thì ngủ, gặp đói thì ăn. Và thời gian phần nhiều trên xe đò, tôi nghĩ câu chuyện về cuộc đi bất tận của những người không tên tuổi…

- Gamzatov từng nói: “Văn học không có ranh giới, nhưng nhà văn phải có quê hương”. Và chính ông đã làm cho cả thế giới biết đến cái vùng Đaghextan nhỏ bé của ông. Với những tác phẩm đã qua, Ngọc Tư đã tạo nên dấu ấn trong lòng bạn đọc cả trong và ngoài nước về một vùng đất. Có bao giờ cô nghĩ rằng mình sẽ làm đậm thêm dấu ấn đó hay tiếp tục dắt bạn đọc đi nhậu khắp cùng trời cuối đất ?

. Trời, lại một ông già vĩ đại nữa! Tôi không biết bạn nghĩ về lời của ông nhà văn ấy thế nào, nhưng tôi hiểu câu đó theo cách tôi đang làm. Tôi 31 tuổi, điều tôi quan tâm không phải là cái thành tựu vĩ đại mà ông ấy có, tôi chỉ nghĩ, khi ông trạc tuổi tôi, thì ông làm gì và nghĩ gì, vật lộn với cuộc viết lách như thế nào? Tôi muốn biết ông ấy đã từng làm - cách - nào để có được sự vĩ đại đó. Có hoang mang không? Có băn khoăn không? Có mệt mỏi không? Có trống rỗng không? Có dò dẫm tìm đường không?Có thấy chật chội không?

- Xin cảm ơn Ngọc Tư về cuộc trò chuyện này.

(Tạp chí Người Đô Thị)

-->đọc tiếp...

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2008

SƠN TINH ĐÃ TỪNG THỎA HIỆP VỚI THỦY TINH




Người ghi lại câu chuyện này đã thề độc rằng không tiết lộ danh tánh của người cung cấp thông tin, bởi anh ta có liên quan đến vụ án dùng vốn ODA cá độ bóng đá mà bây giờ lại đang là nhà đầu tư chứng khoán vào diện thứ ba của khổ phiếu “FBJ... chân gà”.

Qua các tài liệu lưu trữ từ Sever Công ty máy tính hàng đầu châu Á thái bình dương UUximAX từ đời Hùng Vương thứ mười tám cộng với những hóa thạch thu tại các mỏ than thổ phỉ bung bét ở Quảng Ninh, kết hợp với những ghi chép trong hàng ngàn cuốn sổ tay bằng nhiều mẫu tự, cũng đã hóa thạch phiêu diêu tận sang Tầu, mới thu gom từ trận động đất tại Tứ Xuyên, lòi ra. Anh ta chứng minh rằng mình chính là cháu đời thứ 1085 - UR của Sơn Tinh, tất nhiên không có gì liên quan đến công chúa Mỵ Nương. Và, trên cơ sở những đĩa CD đã hóa thạch ấy, anh ta cho chúng tôi xem những chứng cứ quan trọng liên quan đến tiền bạc, ngà voi, điện thoại di động 3G... và mối quan hệ giữa Sơn Tinh với Thủy Tinh.

Thứ nhất, để có đủ voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao cùng một chiếc Cadillacs làm lễ vật cưới Mỵ Nương, Sơn Tinh đã vay nóng hàng ngàn lượng vàng, cộng 4 cuốn sổ đỏ trong đó có sổ đỏ sòng bạc Dây Dưa và tiệm Matxa - Punn shirt top (kéo áo lên) 5 lầu tận Macao là có giá nhất của một tổ chức xã hội đen với lãi suất ba mươi phần trăm trên tháng. Thứ hai là tờ cam kết giữa Sơn Tinh với Thủy Tinh về việc ăn chia tỷ lệ theo lợi nhuận của các dự án thủy lợi, giao thông và cả dự án lấn biển trồng thanh long ở miền Trung nữa. Những chứng cứ này được thể hiện bằng giấy viết tay (có lăn tay hẳn hoi), được quay thành phim 3D lưu trữ trong 6 chiếc đĩa DVD và còn lưu trữ thêm tại ổ cứng máy chủ quản lý của ngân hàng Thụy Sỹ. Tất cả đều đã chiếu xạ và xử lý bằng công nghệ giả cổ hóa thạch một phần hai phiên bản.

Người cháu đời thứ 1085 - UR của Sơn Tinh giải thích: Truyền thuyết nói rằng sau khi Sơn Tinh và Thủy Tinh đấu nhau bất phân thắng bại với đầy đủ các ngón nghề, trong đó hiệp 108 là nhập bia hơi và rượu Bầu đá bầm dập 9 ngày. Sự thể cuộc tỷ thí không được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời bấy giờ. Chỉ biết, vua Hùng vương đời thứ 18 đã phán ngay hôm hai chàng đang sỉn, mắt trắng dã lồi ra: “Sáng hôm sau ai đến trước ngự rồng trước thì được cưới Mỵ Nương”. Thủy Tinh tỉnh rượu chậm, nên đến trễ bị phỗng vợ tay trên bèn nổi giận làm mưa, gió. Vung bậy chất thải Diôxít, gỉ sắt vỏ tàu trước cung điện nhà vua. Sự việc phiền toái và phức tạp này không được phổ biến đến đời sau, chẳng qua do người chép sử làm theo ý chỉ đạo của Mỵ Nương. Bằng chứng là tờ cam kết và chiếc đĩa DVD còn lưu giữ cùng những tài liệu liên quan cho thấy, giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh đã có sự thỏa hiệp (Không loại trừ là lúc đấu rượu hai kẻ cừu tình bỗng nhiên dốc bầu tâm sự, rồi bất chợt nghĩ ra, cả hai đã cùng bị Vua Hùng hành hạ. Nước mắt tuôn lã chã, vòng tay bỗng ôm khít vòng tay. Tâm sự gặp nhau trong mấy phân vuông đồng lận đận. Trận đấu bất phân bỗng thành bữa rượu tao bôi khiến tâm can Sơn - Thủy lay động vô cùng. Cuộc so găng dừng đột ngột, và cảnh chia tay trong lưu luyến diễn ra, - chắc đây là hình mẫu trong những trường đoạn phim Hàn Quốc sau này. Sơn Tinh luống cuống đánh rơi chìa khóa chiếc BMW ba khoang mới đăng ký, làm bọn chồn hương, sư tử, tê tê tìm vàng cả mắt mới thấy).

Có thể tổng hợp và diễn giải một cách tóm tắt là đêm ấy Sơn – Thủy gặp nhau trong một khách sạn sáu sao gần cung điện Hùng vương thứ 18. Để mong một trận sống mái, rồi màn thượng thừa kết thúc là thi triển đấu Game - Võ Lâm Truyền Kỳ trên hai máy tính có bộ vi xử lý Core thực thi 5 ngàn tỷ lệnh mỗi giây. Thì o... hô... hô, mới đến màn bia hơi và rượu bầu, vòng tay cừu tình đã oẳn tà roằn ôm khít... Sơn Tinh cất lời khi hai hàng nước mắt xúc động rơi lã chã: “Moa đã phải vay nóng hàng ngàn lượng vàng cùng 4 cuốn sổ đỏ để chạy chức phò mã, còn toa chỉ mang có mấy con tép rêu, mấy con nghêu, sò, ốc, hến mạt hạng cùng ba chai rượu Làng Vân nút lá chuối ấy thì làm sao nhà vua để mắt”. Thủy Tinh cũng không kém phần thổn thức: “Vấn đề là ai thắng ai giữa hai con đường”. Sơn Tinh bổng đổi sang giọng khác: “Moa và Toa có đấu đá nhau thế nào thì cuối cùng heo vạt móng và chó cũng le lưỡi. Đừng vì một nải chuối xanh, hai chánh nhân quân tử ta lại quyết tử cho mủ dính tay”. Thủy Tinh ngạc nhiên hỏi: “Thế toa thực sự muốn gì trong vụ này?”. Sơn Tinh nói: “Chúng ta hợp tác làm ăn. Moa có nhiều bằng cấp, cổ phiếu, bất động sản để hợp thức hóa chức phò mã, còn Toa phù phép giỏi hơn toa, để biến không thành có, biến có thành không trên các loại sổ sách chứng từ. Vậy hà tất hai ta không lập trình cùng dawloat măn-ly về két nhà mình mà kình nhau vì cái lá diêu bông ? Khi ta đã number one thì bao nhiêu tơ liễu, siêu sao, mà chẳng có. Ôi... moa không thể ngờ mấy trăm năm trở lại đây CPU của toa lại rùa đến thế”. Sơn Tinh còn quay đi nói nhỏ “Thằng đần”. Thủy Tinh ngây ngô trố mắt: “Nhưng toa và moa OK bằng cách nào ?” Sơn Tinh nói: “Đơn giản thôi, sáng mai toa tha hồ mà ngủ, moa dậy sớm mang ĐỒ đến vua. Khi moa và Mỵ Nương làm lễ cưới, toa đến nhậu thật say rồi quậy tưng bừng, làm mưa to gió lớn, nước dâng cao, đổ bừa chất thải đi ô xít, gỉ sắt... (như vụ Vinasin Khánh Hòa vừa rồi) ra cửa cung điện, dâng lũ cuốn trôi hết nhà cửa ruộng vườn, đường xá thì sạt lở, dân tình chen chúc nhau màn trời chiếu đất. . .”. Thủy Tinh vô cùng ngạc nhiên: “Làm thế để làm gì?”. “Thì toa cứ làm theo lời moa, hồi kết sẽ vô cùng có hậu”.

Đám cưới của Sơn Tinh và Mỵ Nương đang vui say thì bất thần giông gió cuồng phong nổi lên, nước lũ dâng cao tràn ngập cả phố phường.

- Thế là thế nào ? – Vua Hùng hỏi.

- Tâu phụ vương – Sơn Tinh đáp – Thủy tinh ghen tức vì không cưới được Mỵ Nương nên nhậu say rồi quậy phá.

- Vậy khanh tính sao ?

- Tâu phụ vương, con sẽ lập dự án chống lại Thủy Tinh.

- Thì làm nhanh lên, nước dâng sắp ngập ngai vàng ta rồi !

- Nhưng muôn tâu phụ vương, dự án nầy rất tốn kém mới có thể chống lại được sức mạnh của Thủy Tinh.

- Tốn bao nhiêu cũng phải làm !

- Nhưng con e rằng số vàng bạc dự trữ trong ngân khố của chúng ta sẽ không đủ để đầu tư cho dự án.

Vua Hùng trầm ngâm một chút rồi bảo:

- Không sao, để chống lại Thủy Tinh bảo vệ muôn dân, bảo vệ mùa màng, cứu lấy nền kinh bang tế thế, ta có thể vay vốn ODA của các nước lân bang. Hoặc cắt giảm một số dự án giáo dục và y tế.

Sơn Tinh triển khai dự án rầm rộ chưa từng có. Từ kinh thành cho đến các vùng nông thôn sâu xa, đâu đâu cũng thấy nào là xáng cạp, xáng thổi, xe ủi, xe cuốc, xe bel, kobe, cần cẩu . . . thi công sáng trời sáng đất. Chẳng bao lâu, đường xá, đê điều, cầu cống, kinh thủy lợi, các cụm tuyến dân cư vượt lũ mọc lên như nấm. Kèm theo đó là một loại khu Rì-sọt, sân gôn mọc tơi tới. Nhiều căn hộ chung cư cao cấp giá triệu đô được mưng lên. Sơn Tinh lái trực thăng đưa vua Hùng đi tham quan, thị sát. Qua các khu Rì-sọt, các khu đô thị mới, những tòa nhà chọc trời, nhà vua ngạc nhiên hỏi:

-Chỗ đó là gì mà uy nghi quá dzậy khanh ?

-Tâu phụ vương, đó là những khu nhà dành cho người có thu nhập thấp.

Nhà vua lấy làm mừng rỡ, vừa đưa tay vuốt chòm râu bạc, lại đưa tay vỗ vỗ vào vai Sơn Tinh mà khen rằng:

- Ôi, trời ban phúc cho ta, ta đã chọn được hiền tài làm phò mã ! Ngươi muốn ta ban thưởng gì thì cứ tâu, ta sẵn sàng chuẩn tấu.

Sơn Tinh khiêm tốn thưa rằng:

- Dạ muôn tâu phụ vương ! Phụ vương đã ban cho con công chúa Mỵ Nương xinh đẹp là phần thưởng lớn nhất đời con rồi, con chỉ mong đền ơn cho phụ vương thôi chớ đâu dám đòi hỏi gì hơn nữa.

Ngẫm nghĩ hồi lâu, vua Hùng nói:

- Hay là ta phong cho con cái danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ... tiền sử ” nghen !

- Dạ, vạn tạ phụ vương !

Sơn Tinh sung sướng định quỳ xuống cabin lạy tạ, nhưng vừa buông tay thì chiếc trực thăng chao đảo. Vua Hùng hốt hoảng nói:

- Đừng con, coi chừng rớt máy bay !

****

Trong khi triều đình đang chuẩn bị làm lễ ăn mừng chiến thắng Thủy Tinh và trao danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ . . . tiền sử” cho Sơn Tinh thì quan cơ mật và quan thống đốc tối cao pháp viện trình lên nhà vua bảng cáo trạng dày 400 trang, rằng: Sơn Tinh đã móc nối với Thủy Tinh để rút ruột công trình. Cậy quyền, cậy thế sau khi được nhà vua sủng ái đã tự CHỈ ĐỊNH THẦU cho mình nhiều công trình không hiệu quả, không nằm trong kế hoạch đầu tư nhà nước 5 năm, 10 năm. Tất cả các công ty, tổng công ty thi công các công trình dự án đường xá, đê điều hầu hết là sân sau của Sơn Tinh được giao cho Thủy Tinh nắm quyền cai quản. Quan cơ mật chứng minh gía thi công mỗi khối đất của các nước lân bang là năm lạng bạc, trong khi đó Sơn Tinh kê khống là mười tám lạng. Lại còn gian dối, những công trình bê tông thay vì đúc bằng cốt thép thì Sơn Tinh lại cho đúc bằng . . . cốt tre tầm vông. Đặc biệt một vài nơi đúc bằng cốt ... mía. Trong khi nhà vua đi vay vốn của nước Tề thì Sơn Tinh lại ôm tiền đi gởi nhà băng bên nước Kiệu . . .

Quan thống đốc tối cao pháp viện mới đọc được một phần tư cáo trạng thì vua Hùng đã ngất xỉu. Mười ngày, mười đêm qua đi một cách nặng nề. Triều đình trong tình trạng u trì, ngưng trệ. Tất cả các tụ điểm vui chơi, văn hóa vắng hoe như chùa bà Đanh. Khi tĩnh dậy, Vua Hùng vương vươn vai, người run rẩy, hét:

- Chém ! Chém !

Công chúa Mỵ Nương quỳ xuống van xin:

- Tâu phụ vương, con biết tội của Sơn Tinh trời không dung đất không tha. Nhưng nếu ta đem ra xét xử công minh thì sẽ gây tai tiếng cho triều đình, lại còn uy tín với các nước lân bang. Vết nhục nầy dẫu có lấy hết nước sông Hồng, sông Lô, sông Đà Rằng cũng không rửa sạch, để lại tấm bia miệng cho muôn vạn đời sau. Con vật đầu xin phụ vương cho xử lý chuyện nầy theo quy ước “Xử lý nội bộ” của triều đình, để con không phải mang tiếng là gái góa chồng, để phụ vương còn mặt mũi mà thay trời trị dân trị nước . . .

- Trẫm . . .

Vua Hùng vừa nói, vừa thở hổn hển, vừa ôm ngực ho sù sụ. Mỵ Nương và các bá quan văn võ hồi hộp chờ sự phán quyết của người.

- Trẫm . . . trẫm chuẩn tấu !

Tất cả đồng thanh:

- Thánh thượng vạn tuế ! Vạn vạn tuế !

Hôm sau, quan cơ mật và quan thống đốc tối cao pháp viện bị bắt giam về tội tiết lộ bí mật quốc gia. Mỵ Nương cũng cảnh báo với các quần thần rằng, ai tiết lộ bí mật nầy, sẽ bị tru di tam tộc. Lễ ăn mừng chiến thắng Thủy Tinh và trao danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ . . . tiền sử” cho Sơn Tinh cũng được tổ chức theo nghi thức quốc lễ. Trước đó ba tháng, Mỵ Nương đã phát động cuộc thi sáng tác ca khúc theo chủ đề ca ngợi Sơn Tinh để chọn một bài hay nhất đem ra trình diễn trong ngày lễ. Bài hát như sau:

Đất nước gấm hoa, đất nước Âu Lạc thái bình, thái thái bình.

Muôn hoa xinh tươi, có một cô Mỵ Nương tuổi xuân vừa đang đôi tám.

Xinh như tiên nga, đẹp như trăm hoa, da nàng trắng tinh, da nàng trắng tinh.

Cho đến một hôm, đâu đó xuất hiện hai chàng, hai chàng.

Vai mang cung tên, đến xin cầu hôn Mỵ Nương công chúa

Hai trai hiên ngang, liệt oanh như nhau, vua Hùng bó tay, vua Hùng bó tay.

Ôi khó làm sao, vua biết phân xử thế nào, thế thế nào

Ta đây Thủy Tinh, có tài gọi mưa kêu gió

Ta đây Sơn Tinh, có tài đốn cây, có tài đốn cây

Cao kiến làm sao, vua mới ra lệnh thế nầy, thế thế nầy

Mỵ Nương con ta, từ lâu thèm ăn thịt chó

Mỵ Nương con ta, thèm đi xe Carilax

Ai đem ra đây con chó đực gồm sáu cái chân

Con chó đực gồm sáu cái chân.

Chiếc xe, chiếc xe... sáu bánh

Màu, màu, màu.... sáu màu.

Sáng sớm hôm sau, Sơn Tinh vớ được một con chó dại, chó chó dại

Cùng, cùng, cùng chiếc xe, chiếc xe là xe trả góp

Đến trước Thủy tinh, dắt tay nàng tiên mơ ước

Đi trong muôn hoa

Muôn chim reo ca buôn lời ái ân

Buôn lời ấn ấn ai

Thôi thôi thôi thôi, Thủy Tinh đến chậm mất rồi, mất mất rồi

Sơn Tinh kia ơi, thù sâu ngàn năm ghi nhớ

Mỵ Nương em ơi, thôi rồi chết ta, thôi rồi chết ta

Ơi hỡi Sơn Tinh, mi giết chết ta rồi, ta ta rồi

Biển khơi bao la, hỏi ta mò đâu ra chó, ra xe, xe sáu bánh.

Vua cha đi ra, Thủy Tinh kêu la

Kêu rằng chết cha, kêu rằng chết cha.

-->đọc tiếp...