Thứ Hai, 30 tháng 6, 2008

PHÍA SAU LÀ BÓNG MẸ





-Cái may mắn của tụi em là có được người cha, người mẹ quá tuyệt vời !

Ngồi trong quán cà phê Góc Phố, Phụng cứ lập đi lập lại câu ấy đến ba bốn lần. Rồi anh kể, những năm học cấp ba ở Định Quán, Phụng có một người bạn thân cùng xóm lại cùng lớp, buổi tối hai đứa thường đi bộ ra thị trấn học thêm, cách nhà gần năm cây số, đêm nào về cũng đến nửa khuya, đường vắng, sợ ma. Có lần trên đường về, hai đứa phát hiện một người đàn ông say rượu nằm xảy bên đường, chiếc xe đạp vứt trong đám cỏ, hóa ra đó là cha của bạn mình. Phụng giúp bạn khiên cha về nhà rồi mới trở ra chạy chiếc xe về cho bạn.

Lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba . . . rồi nhiều lần Phụng chứng kiến cảnh ấy suốt ba năm học phổ thông cuối cấp, Phụng cảm thấy thương bạn vô cùng. Nhiều đêm trên đường về, người bạn ấy vừa khóc vừa tâm sự với Phụng: “Mầy nghèo nhưng có phước hơn tao, cha mẹ mầy làm tất cả để cho anh em mầy ăn học, còn cha tao đã thế lại cứ bắt tao phải nghỉ học để ở nhà làm ruộng”.

Phụng không tiết lộ danh tánh người bạn của mình, nhưng anh cho biết, khi anh vào đại học thì người bạn ấy thi rớt, phải học trung cấp. Mấy năm sau, anh ta vừa làm vừa học đại học, bây giờ đã trở thành một người thành đạt, giàu có ở Sài Gòn.

Phụng kể câu chuyện ấy để đi đến một kết luận rằng: “Nếu em rơi vào hòan cảnh ấy, chưa chắc gì em đã vượt qua. Cái may của em là có được người cha, người mẹ quá tuyệt vời !”

Tôi hiểu vì sao Phụng không nói về mình, bởi với anh, tất cả đều do cha mẹ tạo nên, ngay cả cái công ty do anh sáng lập và làm chủ bây giờ – công ty kỹ thuật điện và tự động hóa Cosin – trong tâm thức của anh nó cũng bắt đầu từ ý chí và giọt mồ hôi của cha và mẹ.

Nhưng ngược lại, với mẹ anh – dì Tư Cúc, ở Định Quán dì có cái tên là dì Bốn bán chuối – dì không hề biết công ty của Phụng tên gì, ở đâu và làm nghề gì. Dì chỉ biết rằng cả năm người con trai của dì đã tốt nghiệp đại học và điều quan trọng nhất là tất cả đều trở thành người tử tế.

Hôm ấy, buổi sáng trước khi gặp Phụng, chúng tôi đã tìm đến nhà anh, một mái tranh nghèo khuất sau hậu vườn, giáp với cánh đồng lúa gọi là đồng Cây Trâm, nằm sâu trong làng Thượng, dưới chân những ngọn đồi. Dì Tư kể rằng, 25 năm trước, khi dì mới đến đây dựng chòi lập nghiệp, khu đất nầy chỉ là đám cỏ tranh, vậy mà bây giờ nó giống như một khu vườn cổ kính, những ngọn dừa cao ngút trời xanh, những gốc xòai đã hóa thành cổ thụ, và, những đứa con nheo nhóc đã nên người. Câu chuyện của đời người mà cứ như một giấc mơ. Dì nói: “Ông bà mình có câu tha phương cầu thực, còn tôi với nhà tôi thì tha phương để cầu chữ cho con”.

“Tha phương cầu chữ”, câu nói nghe lạ tai những gẫm ra thì đúng vậy. “Nếu tha phương cầu thực thì tôi đã ở Gia Kiệm hoặc Dầu Giây để được bà con giúp đỡ, họ sẽ cho đất và giúp vốn kinh doanh, bây giờ có thể giàu, nhưng chuyện học hành của mấy đứa nhỏ không biết ra sao, vì hồi ấy ở ngòai đó cách trường học hơn mười cây số, mà cái lý do chúng tôi dắt díu nhau từ miền Trung vào đây là để tìm chổ cho con cái học hành chớ đâu chỉ tìm kế sinh nhai”

Khác với bà mẹ của Mạnh Tử ngày xưa, khi cất nhà ở gần nghĩa địa, thấy con mình suốt ngày học theo cung cách của đám tang, bà dời nhà đến gần chợ, lại thấy con mình suốt ngày học cân đong đo đếm, bà bèn dời nhà đến gần trường để Mạnh Tử học lể giáo nho phong. Dì Tư Cúc, ngay từ đầu đã nghĩ đến việc đi tìm trường cho con học chữ bởi ở quê dì – Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam – cách xa trường gần mười cây số. Khi đứa con trai đầu lòng học xong lớp một, dì bắt phải ngồi thêm một năm nữa cho đủ sức để lội đường xa, phải đi đò qua con sông Vàng mà mùa lũ thì dòng sông chảy như thác đổ. Con đi học, cha mẹ ngồi nhà thắt thỏm đợi chờ. Lên lớp sáu thì phải qua đồi qua suối đến mười cây số, lên lớp chín phải qua bốn con sông, mười lăm cây số. Nhìn sáu đứa con, dì Tư cứ nghĩ, rồi đây chúng sẽ bỏ học như những đứa trẻ trong làng. Đất Quảng vốn nghèo khó bao đời, nếu không có con chữ mở đường thì không thể tìm lối thóat cho tương lai. Nhưng đi về đâu ? Lấy gì để sống ? Đó là những câu hỏi mà vợ chồng dì cứ hỏi nhau mà không tìm ra lời giải. Sáu đứa con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ còn ẳm trên tay, như vậy là tám miệng ăn. Nhìn đi nhìn lại trong nhà không có gì đáng giá ngòai chiếc máy may. Mấy sào ruộng thì đã vào hợp tác xã, ở lại lao động thì được chia phần, ra đi thì coi như bỏ, hai sào đất vườn thì chỉ có mì với khoai lang và vài lọai cây ăn trái, có bán cũng chẳng ai mua, ngôi nhà thì xiêu vẹo, tháo dỡ ra chỉ bán được vài chục tấm tol.

Sau khi bán chiếc máy may được mấy chỉ vàng, dì Tư làm một chuyến đi tiền trạm vào Đồng Nai tìm kiếm người thân ở Gia Kiệm, Dầu Giây. Đến đây, dì bán vàng mua lúa gởi lại cho bà con rồi về quê đưa cả gia đình vào Dầu Giây ở tạm. Ông Minh, chồng dì sau khi đi khảo sát, được người em họ giới thiệu mua ba sào đất hoang với giá rẻ ở Cây Trâm, làng Thượng để lập vườn. Ông nghĩ, ở đây cách trường học bốn năm cây số, muốn gần hơn nữa cũng không được vì càng gần thị trấn thì giá đất càng cao. Thôi thì đành vậy, miễn sao con cái được đi học thì dù cho ông bà có bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng đành lòng. Vợ chồng dì Tư tuy không nhiều chữ nghĩa để tìm ra những triết lý sâu xa trong cuộc sống, nhưng theo cách nghĩ đơn giản của dì là, khi sống có hy vọng, có niềm tin thì có được cái sự an tâm, sự an tâm ấy nó giúp cho vợ chồng dì xem thường mọi khó nhọc trong cuộc mưu sinh đi tìm chén cơm manh áo.

Với ba sào đất hoang mọc đầy cỏ tranh ấy thì chính cỏ tranh đã được làm nên một mái nhà – mái nhà tranh. Ông Minh lên rừng đống cây làm cột làm kèo, đốn tre nứa làm phên vách. Chẳng mấy hôm, họ dựng lên một ngôi nhà tươm tất, đàng hòang hơn cả ngôi nhà cũ ở ngòai Trung. Lúa gạo đã dự trữ từ tiền bán chiếc máy may đủ để ăn qua mùa giáp hạt, con cá cọng rau thì tìm kiếm trên đồng. Nhưng niềm vui lớn nhất của ông bà là bốn đứa con lớn đã được đến trường. Trần Quang Phúc học lớp sáu ở ngòai thị trấn, Trần Thị Kim Loan, Trần Quang Phụng, Trần Quang Phước học tiểu học ở gần nhà, trên đồi Đất Đen.

Công việc đầu tiên của ông Minh là đi tìm đất thuê làm ruộng. Hết mùa ruộng, ông lên đồi tìm mượn những sào đất bỏ hoang để tỉa đậu, trồng khoai. Phần dì Tư, để có đồng ra đồng vô cho cuộc sống hàng ngày, dì quảy gánh lên các ngọn đồi tìm mua từng quày chuối xanh về vú chín rồi mang ra chợ bán. Dì nhẩm tính, cứ mỗi nải chuối mua tận gốc, bán tận ngọn thì lời được năm trăm đồng, một phiên chợ từ năm giờ sáng đến mười giờ trưa, có khi kiếm được vài chục ngàn đồng. Nghĩ đơn giản thế, nhưng để có được vài chục ngàn đồng, bốn giờ sáng dì phải thức dậy, gánh một gánh chuối oằn vai trên đọan đường gần năm cây số, mười giờ trưa lội bộ trở về, cơm nước xong lại quảy gánh lên đồi, gần chục cây số nữa, băng qua từng ngọn đồi, lên dốc rồi xuống dốc, lùng mua từng quày chuối, chiều lại gánh về. Mùa nắng thì như lửa đốt, mùa mưa thì bấm ngón chân bám từng bước đường trơn, mỗi khi lên dốc thì gánh chuối ghị đôi vai về phía sau, xuống dốc thì gánh chuối ghị đôi vai về phía trước, mỗi lần chợt chân, quăng gánh, từng quày chuối lăn lóc xuống chân đồi, phải mò mẩm từng bước đi nhặt lại. Hôm nào cũng như hôm nào, khi gồng gánh qua khỏi ngọn đồi cuối cùng thì trời chập chọang tối, băng qua cánh đồng, về đến nhà thì hàng xóm đã lên đèn. Nhưng mỗi khi về đến nhà, thấy đàn con chụm đầu bên ngọn đèn dầu, đứa say sưa làm bài tập, đứa đọc ê a, dì cảm thấy trào dâng niềm hạnh phúc, quên đi bao nỗi nhọc nhằn, mệt mõi. Ăn vội chén cơm, dì đổ gánh chuối ra, cắt tỉa, phân lọai, chắt chiu từng nải một như chắt chiu niềm mơ ước của mình. Cứ mãi mê làm như thế, có khi đến quá nửa đêm, chợp mắt một chút, khi nghe gà gáy sáng lại giật mình thức dậy, lui cui gánh hàng ra chợ.

Trong mắt của những người hàng xóm, nghị lực của vợ chồng dì Tư được xem như một tấm gương. Nhưng với vợ chồng dì, cuộc sống ở đây vẫn tốt hơn ở ngòai quê cũ, con cái được đi học và được làm ra tiền để nuôi con ăn học như thế nầy, quả là một hạnh phúc lớn lao. Sáu năm sau – tức năm 1989 – kể từ ngày về đây dựng chòi lập nghiệp, vợ chồng dì Tư đã mua được sáu sào ruộng, ba sào rẫy, trong sân vườn lúc nào cũng đầy ắp đàn gà, đàn vịt, đàn heo, những cây dừa, cây xòai đã bắt đầu ra trái cũng là lúc anh Trần Quang Phúc trúng tuyển vào đại học kinh tế. Hôm ấy ông Minh đang hì hục trên đồng thì dì Tư chạy ra báo tin. Mừng quá, ông chạy tắt đường đồng về nhà, cầm tờ giấy báo trúng tuyển của con mà hai tay rung rung, hai giọt nước mắt chảy dài . . . Thế là niềm hy vọng, khát khao của ông bà đã được con cái đáp lời, thế là đã không uổng công cho thân cò lặn lội sớm hôm.

Thế nhưng khi Phúc vào đại học thì vợ chồng dì Tư phải đối diện với một bài tóan mới: chi phí cho một sinh viên học đại học một năm, dù có tiết kiệm tối đa cũng phải mất một trăm giạ lúa, nghĩa là với sáu sào ruộng làm hai vụ, trừ đi chi phí sản xuất, còn lại cũng chỉ đủ cho Phúc học một năm. Trong khi đó, nếu tính từ bây giờ thì bình quân hai năm nhà dì sẽ có một đứa con vào đại học. Để giúp cha mẹ giải bài tóan ấy, cô con gái thứ hai Trần Thị Kim Loan tình nguyện nghỉ học để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và phụ với cha mẹ nuôi em. Không còn cách nào khác, vợ chồng dì Tư phải ngậm đắng nuốt cay mà chấp nhận đề nghị của con mình. Loan vừa đi dạy học kiếm tiền, vừa lo việc nhà, vừa chăm sóc một đàn em.

Hai năm sau, vào lúc nửa đêm, Trần Quang Phụng từ thị trấn lội bộ về, anh gọi cả nhà thức dậy và soi đèn pin cho mọi người xem giấy báo trúng tuyển vào khoa điện tử trường đại học Bách khoa. Rồi một năm sau nữa, vợ chồng dì Tư đang suốt lúa mướn ngòai đồng thì một người hàng xóm đến báo tin, Trần Quang Phước trúng tuyển vào đại học y khoa với số điểm cao nhất khu vực I. Hai ông bà bỏ ngang công việc làm mướn với một trạng thái mất hồn. Mừng vui ! Ừ thì không vui sao được ! Nhưng đang nuôi hai đứa sinh viên, nợ nần chồng chất, giờ biết lấy gì để nuôi đứa thứ ba ?

Dì Tư kể rằng, những năm ấy heo, gà, vịt lớn lên không kịp chi phí cho con, dì phải đi vay từ trong làng ra chợ, vay bất kỳ ai có thể vay được với lãi suất ba phần trăm một tháng. Từng gánh chuối chất nặng thêm cho mỗi buổi chợ dài thêm nhưng vẫn không đủ tiền đóng lãi. Đến khi Trần Quang Vũ tốt nghiệp phổ thông, vợ chồng dì Tư khuyên Vũ nên hõan lại một năm hãy thi vào đại học, chờ cho Phụng ra trường để bớt thêm một mối lo. Vũ nói hõan thì hõan, nhưng thi thì thi chơi vậy thôi. Ai ngờ, Vũ lại đậu vào đại học kiến trúc. Nợ nần chồng lên gia đình dì Tư như lổ mội xì vô ruộng, ém chổ nầy thì xì ra chổ khác, rồi đến lúc không còn xoay xở nổi, đành phải bán tốc ba sào rẫy, sáu sào ruộng, bán cả lúa non đang trổ đòng đòng.

Ông Minh nói: “Làm nông dân mà không có ruộng thì đã xót xa, ray rứt. Khi mua được ruộng, cảm thấy mình như được đổi đời, thấy mình mới đúng nghĩa nông dân. Nhưng khi bán ruộng để trả nợ, nhất là bán cả lúa non, lòng tôi đau như cắt. Thế rồi nằm đêm nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình bán ruộng để đầu tư cho con cái học hành, nghĩ vậy thì nghe nó bớt đau”. Dì Tư nói: “Học phí bình quân cho mỗi sinh viên khỏang 50 triệu đồng, cứ xoay đầu nầy, xở đầu kia, đến năm 2001, khi Trần Quang Việt, đứa con trai cuối cùng trúng tuyển vào đại học Bách khoa, nhà tôi còn nợ hơn một trăm triệu đồng. Cũng may, tụi nó khi học đến năm thứ hai là bắt đầu đi dạy kèm để tự nuôi thân, rồi mỗi đứa lần lượt ra trường, đứa lớn nuôi đứa nhỏ, rồi dành dụm tiền lương mang về trả nợ”.

Tôi hỏi thăm từng người con trong gia đình, dì Tư kể: “Thằng Phúc có cái may, hồi nhỏ tôi đã làm giấy cho chú ruột của nó, sau nầy chú ấy xuất cảnh, dẫn nó đi theo, qua Mỹ học tiếp, giờ mới ra trường, hôm rồi mang tiền về xây nhà, nhưng mấy anh em nó bàn tính với nhau, trả cho hết nợ, còn chuyện xây nhà để năm sau mấy đứa em nó lo. Thằng Phụng bây giờ mới thành lập công ty riêng; thằng Phước trở thành bác sĩ nhưng lại thích đi vùng sâu vùng xa, hết Kiên Giang rồi tới Bình Dương, hết Bình Dương lại sang Bà Rịa; thằng Vũ giờ là kiến Trúc sư, làm việc ở Sài Gòn; thằng Việt là kỹ sư cơ khí, làm ở khu công nghiệp Biên Hòa. Con Loan lấy chồng về Biên Hòa, mở tiệm may, cuộc sống khá giả nhưng mỗi lần nghĩ tới nó tôi và ba nó vẫn thấy xót xa, vẫn nghĩ như mình chưa làm tròn trách nhiệm với con trong việc học hành”.

Cách đây sáu năm, tức là lúc Trần Quang Việt mới vào đại học, nợ nần đang chồng chất, nhưng một lần về quê, thấy người em trai đang nghèo khổ, tật nguyền, có đứa con trai đang học lớp mười mới vừa bỏ học. Ông Minh đắn đo suy nghĩ, mình thì sắp kiệt sức rồi, đem nó vào thì chồng lên vai thêm gánh nặng, mà để cho nó bỏ học thì không nỡ lòng nào, cháu họ cũng như con. Thôi thì cố lên chút nữa để cứu lấy một cuộc đời. Và đứa cháu ấy tên là Trần Sĩ Phú, bây giờ là sinh viên năm cuối ngành điện tử đại học Bách khoa.

“Con cái thành đạt, nợ nần cũng đã trả xong, dì còn mơ ước gì nữa không ?” Tôi biết mình hỏi một câu rất thừa, nhưng cũng không thể nào không hỏi thế. Dì Tư lắc đầu cười: “Không. Hôm tết tụi nó bàn nhau xây lại ngôi nhà, tôi nói ừ thì cứ xây, nhưng đơn giản thôi, cha mẹ già rồi, ở có bao nhiêu mà làm cho tốn kém. Có đứa thì nói cha mẹ già ở đây hẻo lánh quá, không tiện, muốn đưa về Sài Gòn, có đứa thì lại nói mảnh đất nầy quá nhiều kỷ niệm thiêng liêng, không muốn bán. Tôi với ông nhà tôi cũng nghĩ như thế, chính nơi đây vợ chồng tôi đã thực hiện những mơ ước của mình”.

Tôi mời dì Tư ra đứng trước sân để chụp một tấm hình. Dì nói: “Đúng rồi, tôi cũng muốn chụp với cái mái tranh nầy để làm kỷ niệm, vài tháng nữa nó đâu còn”.

-->đọc tiếp...

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2008

CÓ MỘT NGƯỜI CHỊ NHƯ THẾ







Ở bờ bắc sông Tiền, thuộc xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có một người phụ nữ tên Trần Thị Ngọc Ánh – một người phụ nữ bình thường mà câu chuyện về chị được làng xóm truyền nhau như là cổ tích. Rằng năm 1971, khi Ánh chưa chào đời thì cha mẹ đã ly hôn. Ánh lớn lên trong căn chòi xiêu vẹo, nghèo đói triền miên. Mùa nước nổi hai mẹ con bơi xuồng đi nhổ từng cọng bông súng, hái từng bông điên điển sống qua ngày. Mẹ Ánh, một người đàn bà còn trẻ đẹp nên không thể không bước thêm bước nữa. Ánh không hiểu gì, chỉ thấy có một người đàn ông tới lui giúp đỡ hai mẹ con trong lúc thiếu áo đói cơm. Khi Ánh lên sáu tuổi thì đứa em trai ra đời, đặt tên là Phan Hồng Xuyên, theo họ cha. Rồi hai năm sau nữa, khi Phan Hồng Ngân tiếp tục chào đời thì một sự cố xảy ra, Anh mới hiểu rằng mẹ mình đã sống không chính thức với một người đàn ông đã có gia đình. Thế là mẹ với cha kế lại chia tay. Cuộc sống vốn đói nghèo giờ mang thêm gánh nặng. Học xong lớp bốn, Ánh phải bỏ học để giữ em cho mẹ đi làm thuê kiếm sống.

Năm 1979, sau trận lũ lớn là dịch rầy nâu đã làm cho mùa màng mất trắng, làng xóm xác xơ, đói nghèo chồng chất, nhiều gia đình kéo nhau bỏ xứ ra đi, một mình mẹ Ánh không thể nuôi nổi ba đứa con, rồi ngôi nhà sập không có tiền cất lại. Mẹ con Ánh phải kéo nhau sang tá túc bên nhà ông ngoại. Thế nhưng tình cảnh ấy cũng chưa phải đến tột cùng, mẹ Ánh bị xơ gan, nằm liệt giường ba năm không có tiền thang thuốc, bà qua đời khi Ánh mười ba tuổi.

Ngay từ nhỏ, Ánh đã là một người chị biết thương em, hết lòng vì em, có đồ ăn,Ánh luôn dành cho hai đứa em ăn trước, khi nào dư mới đến lượt mình. Khi mẹ mất, bé Xuyên bắt đầu vào lớp một, rồi hai năm sau đến lượt bé Ngân. Sống với ngoại nhưng gia đình ngoại rất nghèo, mấy dì mấy cậu cũng sống chung trong cảnh nghèo túng ấy, Ánh phải luộc khoai, hấp bánh bò đội đi bán từ làng nầy qua xóm khác để có tiền cho hai đứa em ăn học. Cứ thế, thời gian trôi qua trong gian khó nhọc nhằn. Khi Xuyên lên lớp bảy, Ngân lên lớp năm thì nhà ngoại cũng chật hẹp vì mấy cậu mấy dì đã lập gia đình, ông bà ngoại thì tuổi già sức yếu, ba chị em Ánh xin được ra riêng với sáu công ruộng và một nền nhà, xem như của phụ ấm dành cho con cháu. Ngày Ánh cất nhà, ông ngoại cho bộ cột tre, sườn tre và một số cây ván trong vườn. Nhà dựng lên rồi, có chổ che nắng che mưa nhưng thiếu từ nồi niêu soong chảo cho đến mùng mền chiếu gối. Ánh phải đi làm thuê để sắm từng món đồ dùng. Mùa hạn thì đi gặt mướn, ngày nào không ai mướn thì đi giủ rơm. Đến những nơi người ta vừa suốt lúa xong, để lại những đống rơm như núi giữa đồng, giủ cả ngày, giủ từng nắm rơm để mót vài hạt lúa, góp nhặt như thế mỗi ngày cũng kiếm được năm mười ký lúa, bán được vài chục ngàn đồng. Mùa mưa, nhà nông bắt đầu sạ lúa thì Ánh lân la tìm mối để đội lúa giống ra đồng. Đội một bao từ nhà ra ruộng, tùy theo đoạn đường dài hay ngắn mà tính tiền công.

Có những chiều đi học về, Xuyên và Ngân bất chợt nhìn thấy chị mình đội trên đầu bao lúa giống, nước chảy ròng ròng từ đầu xuống tấm thân gầy guộc, từng bước đi nặng nhọc, liêu xiêu trên bờ ruộng, hai em đã khóc. Nhiều lúc Xuyên định nghỉ học để giúp chị, cùng chị lo cho Ngân học hành đến nơi đến chốn. Nhưng Ánh bảo, chị đã chấp nhận hy sinh đời chị để thay đổi đời em, dù phải cạp đất mà ăn, nhất định hai em phải vào đại học. Quả vậy, cạp đất ăn là cách ví von của ông bà xưa để chỉ cái tận cùng nghèo đói, không đến nỗi phải cạp đất ăn nhưng gần mười năm dài, ba chị em Ánh phải ăn cơm với rau luộc chấm nước muối. Vậy mà Xuyên và Ngân vẫn học hành tử tế, những tờ giấy khen của hai em mang về cuối học kỳ hay cuối năm chính là niềm hạnh phúc của Ánh, là động lực cho chị tiếp tục hy sinh trong sự thanh thản đến lạ thường.

Khi Ánh bước qua hai mươi tuổi, đã có nhiều người đi hỏi cưới, có người trực tiếp tỏ tình, có người cậy người mai mối. Trong những chàng trai ấy, cũng có người làm cho Ánh xao lòng, khát khao hạnh phúc. Nhưng đêm đêm, nhìn Xuyên và Ngân miệt mài sách vở bên ngọn đèn dầu leo lét, Ánh hình dung khi mình đi lấy chồng, hai đứa em chẳng khác nào hai con gà con mất mẹ, đói rách và dang dở chuyện học hành, tương lai chúng sẽ về đâu. Nghĩ vậy, Ánh đành gát lại hạnh phúc của riêng mình. Hiểu được sự hy sinh của Ánh với hai đứa em trai, anh Trần Văn Trọ ở bên bờ bắc sông Tiền muốn sẻ chia gánh nặng cùng với Ánh, anh nói rằng nếu chấp nhận thương anh, Ánh khỏi phải về nhà chồng mà anh sẽ sang ở với Anh để cùng lo cho Xuyên và Ngân ăn học. Nhưng Ánh không tin, chị cho rằng khi thương thì cái gì người ta cũng hứa, khi vào cuộc rồi mới biết.

Cứ thế, Ánh âm thầm, gầy guộc như tấm thân cò lặn lội đồng sâu qua bao mùa nước nổi. Rồi đến một ngày, nhận được tin Xuyên trúng tuyển vào đại học, Ánh đã khóc, khóc vì trời không phụ lòng mình, nhưng cũng khóc vì đứng trước một nỗi lo quá lớn: chi phí cho một sinh viên không đơn giản như một học sinh phổ thông ở quê nhà. Ruộng thì liên tiếp mất mùa vì lũ lụt, lúa, heo càng ngày càng rớt giá. Đi bán khoai lang, bán bánh bò, cây mướn, làm cỏ mướn, đội lúa, đội phân, cắt lúa, lượm lúa bông, giủ rơm . . . cái điệp khúc ấy quần quật từ hừng đông đến khi cúm núm kêu chiều, năm nầy qua tháng nọ đã kiệt sức tàn hơi thì làm sao có thể đưa hai đứa em bước qua cổng trường đại học. Anh quyết định cố đất lấy tiền, vừa trang trải chi phí cho hai đứa em, vừa ra chợ huyện học may để có cái nghề ổn định.

Hai năm sau, khi Ngân trúng tuyển vào đại học thì Ánh đã trở thành một thợ may với đủ phương tiện để mở tiệm tại nhà.

Cuối năm 2004, Ánh được mời đi dự Đại hội khuyến học toàn quốc tại Hà Nội với tư cách là đại biểu xuất sắc. Được mời lên báo cáo, nhưng chị chỉ biết khóc mà chẳng nói được câu nào, chị nói khóc vì không ngờ rằng mình đã thành công. Bây giờ thì hai đứa em của Ánh đã trở thành giáo viên cấp ba. Xuyên dạy toán ở trường Trung học phổ thông Tam Nông, Ngân dạy lý ở trường Trung học phổ thông Thanh Bình. Ngôi nhà cũ sau nhiều xác lá, giờ lợp lại mái tôn. Ánh năm nay đã tròn ba lăm tuổi. Làng xóm cứ nghĩ rằng hy sinh cho đời em xong rồi đời chị thành gái lỡ thời. Nhưng bất ngờ, sau khi Ngân ra trường được mấy hôm thì anh Trọ từ bên kia sông Tiền bơi xuồng qua nhà Ánh. Sau khi nói lời chúc mừng Ngân Bái tổ vinh quy, anh Trọ nói với Ánh rằng chín năm qua, cha mẹ đã nhiều lần giục anh đi cưới vợ, nhưng anh đã âm thầm chờ đợi cái ngày nầy.

Không còn lý do gì để từ chối, lại càng không thể từ chối một tình yêu, một tấm lòng đã vì mình mà chờ đợi đến chín năm. Ngày cưới của họ chỉ vài mâm cổ đơn sơ với sự chia vui của thân tộc, láng giềng ở hai đầu xóm. Nhìn những bức ảnh cưới, chúng tôi hiểu Xuyên và Ngân đã mừng vui, hạnh phúc đến dường nào. Nói về chị mình, Xuyên chỉ nói gọn một câu: “Chị là chị mà hơn cả chị. Chị cũng chính là mẹ mà còn hơn cả mẹ. Tụi em rồi cũng sẽ có vợ, nhưng điều quan trọng là làm cho vợ em hiểu được chị em để sống với chị một cách đàng hoàng”.

-->đọc tiếp...

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2008

ĐỜI CHỢ - CHỢ ĐỜI





Khi tôi từ giả ra về, chị Ba Hường ngập ngừng nói :“Ngày mai, tôi muốn nhờ chú đi chụp giùm tôi mấy tấm hình đám cưới”. Tôi hỏi đám cưới ai, chị nói đám cưới con trai của anh Tư. Anh Tư, chồng chị, đã bỏ chị ra đi hơn bốn tháng nay. Giờ tổ chức đám cưới cho con cũng không mời chị. Chỉ có tấm thiệp lạnh lùng của chú rể “mời cô” đến dự tiệc tại tư gia, cách nhà chị chừng hơn cây số. Chú rể ấy, ngày xưa cũng đã từng đập phá nhà chị, hành hung chị giữa chợ khi chị làm vợ bé anh Tư. Nhưng mọi chuyện đã qua, vợ anh Tư cũng đã qua đời. Cả cái phường Linh Trung nầy ai cũng biết chuyện ấy, ai cũng xem chị với anh Tư như vợ như chồng chính thức hơn chục năm qua. Chị nghĩ, lẽ ra trong ngày cưới của con trai anh Tư, chị phải đứng vào vị trí chủ hôn để làm hết trách nhiệm của một người mẹ kế. Nhưng anh Tư đã không để cho chị làm việc đó. Nhưng may thay, bên nhà gái mời chị đi đưa dâu. Chị nhớ ngày xưa, ba người là bạn bè thân thiết. Rồi cuộc đời đẩy đưa, chị trở thành vợ anh Tư, hạnh phúc có, đắng cay có, tủi nhục có, và cuối cùng là tan vỡ. Chị cũng không ngờ hôm nay hai người kia lại trở thành thông gia. Có một điều gì đó trong sâu thẳm của tình bạn, tình yêu thôi thúc chị không thể đứng ngoài cuộc trong ngày vui của hai đứa trẻ.

Tôi mang máy ảnh theo chị bước vào nhà gái trong lúc đang cử hành hôn lễ. Chị cười tươi đến đứng cạnh anh Tư. Rồi chị theo đoàn đưa dâu sang nhà trai, cũng đứng cạnh anh Tư, chị mở hộp nữ trang ra, lấy từng món đeo cho cô dâu. Nhưng đằng sau cái niềm nở, ân cần như người mẹ ấy, tôi hiểu chị đang nuốt vào lòng từng giọt đắng cay. Sau phần tặng quà cho cô dâu và chú rể, theo yêu cầu của chị, tôi cầm cái hộp đựng hai chiếc nhẫn cưới bước đến trao cho anh Tư và nói: “ Nhân ngày vui của hai cháu, em có món quà nhỏ xin tặng cho anh chị”. Anh Tư miễn cưỡng cầm lấy và ngạc nhiên không hiểu chuyện gì. Nhưng tôi hiểu chị Hường khát khao chiếc nhẫn cưới dù tuổi chị sắp xỉ sáu mươi, ba đời chồng nhưng chưa một lần đám cưới.

Sáng hôm sau chị gọi điện cho tôi, chị nói suốt đêm qua chị không ngủ được, đời sao phủ phàng với chị quá. Rồi chị hỏi: “Liệu anh Tư có quay về với chị không em ?” . “Chắc ảnh sẽ về thôi”, “Sao em biết ?”, “Vì em tin ở lòng tốt của chị sẽ kéo ảnh quay về”. “Ừ, chị cũng hy vọng anh Tư suy nghĩ lại”.

Mấy ngày sau, chị rủ tôi đi thăm trung tâm nhân đạo Quê Hương ở Dĩ An, chị nói, mỗi lần đi làm từ thiện, chị thấy như vơi bớt nỗi buồn. Hôm ấy, chị nấu hơn hai trăm tô phở bò mang lên cho trẻ mồ côi. Nhìn những đứa trẻ ăn uống ngon lành, bổng dưng chị nói, tuổi thơ của đời chị, tuổi thơ của tám đứa con của chị, làm gì được ăn một tô phở bò ngon như vậy, dù là đời cha mẹ chị và đời chị đều đi bán thịt bò. Rồi chị kể, năm chị mang thai đứa con thứ ba thì hai đứa con đầu bệnh nặng, người ta gọi là đau ban khỉ, nhà không còn một đồng xu dính túi. Chị ẳm con đến nhà người chị họ mượn tiền. Cạnh nhà người chị có một tủ kem chuối, hai đứa bé khóc thét đòi ăn. Không nở để con nhịn thèm, chị mua hai cây kem rồi nói: “Không có tiền lẻ, chút xíu tôi trở ra trả”. Nói vậy rồi chị vào nhà, không ngờ người chị họ không cho mượn tiền. Chị đành bấm bụng ẳm con trốn nợ. Dù chỉ là hai cây kem, nhưng gần bốn chục năm qua, với chị Hường, đó là món nợ mà chị không thể nào trả nổi.

Mười hai tuổi, một buổi đến trường, một buổi gánh thịt bò ra chợ. Mười sáu tuổi, chị đã sa vào cạm bẫy ái tình. Chỉ vì một lời hứa thoát nghèo, chỉ vì giấc mơ thoát khỏi căn nhà ổ chuột lầy lội, nheo nhóc bảy tám chị em, trong một phút ngây thơ, chị đã trao thân cho người đàn ông goá vợ. Một ngả rẽ không thể tượng tượng được trong đời một cô nữ sinh trung học, xinh xắn, dịu dàng lại trở thành kế mẫu của con chồng. Khi hiểu ra thì mọi chuyện đã rồi, đành ngậm đắng nuốt cay. Chồng chị không mẹ, không cha, không nhà, không cửa. Ngày ngày chị tần tảo với gánh thịt bò, vừa nuôi con chồng, vừa nuôi chồng trốn lính. Hai năm sau, anh bị bắt lính, chị phải vay nợ chạy lo cho anh được giữ lại căn cứ hải quân ở Nhà Bè. Những đứa con lần lượt ra đời trong cảnh nghèo túng, ở nhà thuê, nhưng anh chồng thì lại lao vào con đường ăn chơi sa đọa. Mười sáu năm lấy chồng, giật mình nhìn lại mình đã tám đứa con nhưng chưa có một ngày hạnh phúc. Sáng đầu chợ, chiều cuối chợ, đêm về nằm lăn giữa đàn con nheo nhóc dưới sàn nhà bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Nhưng, như thế cũng chưa phải là nỗi khổ đau tận cùng của chị. “Mười mấy năm làm vợ – chị nói – cuộc sống đã biến chị thành người đàn bà lãnh cảm trong chuyện vợ chồng. Cực nhọc,lo toan chất chồng trước cuộc mưu sinh đầy bế tắt, đêm về thì con cái vây quanh. Ông chồng thì càng ngày càng lún sâu vào con đường trụy lạc, mắc bệnh xã hội, ghẻ lở đầy người, tóc tai xơ xác. Chị càng né tránh thì ảnh càng nổi cơn ghen. Không chịu nổi những trận bạo dâm cuồng loạn, những trận đánh đập dã man, chị đành phải đâm đơn ra toà ly dị. Hôm ấy, sau khi tòa tuyên án, chị thuê hai chiếc xích lô chở tám đứa con về nhà mẹ ruột. Người mệt vì đói, mệt vì khổ, đau đớn, rã rời vì những vết thương còn hằn sâu sau những trận đòn. Chị nằm gục đầu trên bộ ván. Mẹ chị dùng nước nóng lau rửa những vết thương, nấu cháo cho chị ăn. Và, hai mẹ con ngồi khóc.”

Sáng dậy, chị ra chợ mua tô phở hai mươi xu, xin nhiều nước súp rồi mang về trộn với cơm nguội, múc ra tám chén chia cho tám đứa con. Sau đó chị đạp xe lên chợ Bà Chiểu, tìm người quen bảo lãnh để mua chịu vài ký thịt bò mang về chợ Trương Minh Giản, tìm một chổ trống ngồi bán. Ngày sau trả nợ cho ngày trước, chắt mót từng đồng, rồi buôn bán lớn dần lên, tìm mối lái, mua bò mổ thịt, phân phối cho tiểu thương các chợ. Nhưng thời kỳ ngăn sông cấm chợ, việc giết mổ trâu bò bị xem là tội buôn lậu, tội phá hoại sức kéo, phải trốn trui trốn nhuỗi, bị bắt, bị tịch thu, chị không nhớ nỗi mình phải bao phen làm lại từ đầu. Nhưng, cái vốn lớn lao mà chị tích lũy được là chữ tín trên thương trường, từ tay nghề pha lóc thịt cho đến các mối quan hệ với thương lái, với các chợ đầu mối và giới tiểu thương. Khi kinh tế mở cửa, chị ra Linh Trung mua một khu đất rộng trong vườn cao su, dựng lên một căn chòi để từ đó, lưu giữ đàn bò mua từ biên giới về để vỗ béo rồi đưa vào nhà máy Vissan gia công, phân phối thịt cho các chợ đầu mối. Công việc làm ăn đang lên thì đùng một cái, chị bị giựt nợ. Hôm ấy, cũng như những chuyến đi thường lệ, chị sang biên giới Campuchia, khi đàn bò từ bên kia lùa sang, chị giao tiền cho thương lái, vài ngày sau tàu của họ chở bò cặp bến sông Sài Gòn. Nhưng lần nầy, chị chờ mãi, chờ mãi trong vô vọng. Tất cả vốn liếng tích lũy mấy năm trời, hàng trăm triệu đồng tiền vay bạc hỏi đã ra đi không trở lại.

Chị nói với anh Tư: “Tôi giao khu đất nầy lại cho anh trông coi, tôi đi”. Anh Tư ngạc nhiên hỏi: “Chị đi đâu ?”. “Đi Uc, trốn nợ”. “Tôi sẽ giữ gìn cho chị, đi đâu rồi cũng phải quay về, chị đừng bỏ tôi !”. Chị hiểu anh Tư yêu chị nhưng không dám nói ra vì anh đã có vợ có con. Anh Tư vốn là một nông dân thật thà chất phác. Nhiều lúc nhìn anh điều khiển đôi bò cày xới từng luống rẩy, chị thầm nghĩ, giá ngày xưa chị gặp một người chồng chân chất như anh, biết đâu cuộc đời chị sẽ bình yên, hạnh phúc chốn thôn trang, không phải bôn ba, nghiệt ngã giữa chợ đời. Khi về đây, chị quen với anh Tư, anh Quý – giờ là sui gia với anh Tư – ba người trở thành bạn bè thân thiết, các anh đã giúp đỡ chị canh giữ đàn bò giữa vùng đất hoang vu, phức tạp mà nếu không có sự che chở của các anh, chị không thể đương đầu nổi với những hiểm hoạ luôn rình rập.

Bây giờ, khi chị nói tiếng ra đi, ánh mắt anh Tư đượm lên một nỗi u buồn, tuyệt vọng với bao nhiêu tình cảm dồn nén từ bấy lâu nay. Thôi thì cho nhau một lần, một lần rồi có thể không có ngày gặp lại. Anh Tư đưa chị từ khách sạn về nhà, chị ngượng nghịu không dám nhìn con. Và, chị phát hiện ra chiếc áo bà ba của chị bị cháy một vòng tròn bởi trong cơn xúc động, anh Tư đã vô tình ném nó lên tàn thuốc lá.

Mười sáu năm dâu bể, chị vẫn còn giữ chiếc áo ấy như một báu vật của tình trường.

Sang Uc, người em gái của chị đã sắp xếp cho chị một cuộc hôn nhân. Chị từ chối vì không có tình yêu. Người em quát: “Tám đứa con rồi, danh giá gì, yêu đương gì ? Vấn đề là được định cư, được bảo lãnh cho mấy đứa nhỏ sang đây để thoát cảnh đói nghèo”. Chị chấp nhận, bởi đó là cách lựa chọn cuối cùng. Nhưng kết hôn rồi, chị vẫn như người vô hồn vô cảm trong quan hệ với chồng. Người chồng tốt bụng ấy cùng chị chạy lo thủ tục bảo lãnh con, nhưng gặp rắc rối vì con chị quá đông. Một hôm anh nói: “Sống ở đây mà tâm hồn em cứ để ở quê nhà thì khổ cả hai, thôi thì em về với con đi, khi nào làm được thủ tục bảo lãnh cho con thì quay lại, và lúc ấy, nếu em cảm thấy yêu anh thì mình làm đám cưới”.

Chị về nước, anh Tư đưa chị đến thăm căn chòi cũ. Hoang vắng, xác xơ, buồn thảm, cỏ che kín lối đi, dưới chân cỏ quấn đầy da rắn lột. Trên vách chòi còn treo chiếc áo mưa. Anh Tư đạp cỏ xếp thành tấm thảm, chị lấy chiếc áo mưa lau sạch bụi trải lên. Đêm ấy, anh Tư ngồi quạt muỗi cho chị bằng nón lá. Nhưng với chị, có lẽ đó là đêm hạnh phúc nhất đời mình. Chị quên hết tất cả mọi khổ đau của hơn hai chục năm qua và không cần biết mọi khổ đau đang đón chờ phía trước. Nếu tạo hóa ban cho mỗi đời người có một đêm hạnh phúc thì đêm của chị là đây.

“Vợ anh mang một chứng bệnh trầm kha, đã bao nhiêu năm rồi không gần gũi được, và cũng không biết sống chết ngày nào. Nếu không lấy được em thì anh cũng phải lấy người khác. Nhưng, anh không thể sống thiếu em !”

Anh Tư bán được một lô đất, kẻ có vốn, người có nghề nghiệp, có thị trường, hai người dựa vào nhau gây dựng lại đường dây mua bán thịt bò. Một hôm, nửa đêm khuya khoắt, anh Tư chạy đến tìm chị trong trạng thái hốt hoảng, hai bàn tay anh đầy vết máu: “Bả đâm anh, anh đỡ, mũi kéo xốc vào bàn tay”. Chị lấy nước nóng lau tay cho anh Tư, rồi dùng miệng hút từng giọt máu ứ, máu bầm. Rồi chị khóc, chị nghĩ, cái thân làm bé thì mình sẵn sàng chịu khổ, nhưng không ngờ tai họa lại trút vào anh. Chị nói tiếng chia tay, nhưng anh Tư bảo không sao, chị Tư nói nếu chị muốn sống yên ổn với anh Tư thì mỗi tháng phải cung cấp cho chị Tư một triệu đồng. Anh Tư thương lượng, cô Hường nghèo lắm, phải nuôi tám đứa con, lấy của nó sáu trăm ngàn thôi, chị Tư đã đồng ý.

Chị Hường nói, đã chấp nhận làm bé thì chấp nhận mọi điều kiện của vợ lớn, chị không chỉ đồng ý một triệu đồng mà còn gánh thêm một phần trách nhiệm, tận tâm chăm sóc thuốc men khi chị Tư nằm viện. Nhưng, cái sự đời, cái giá của người vợ bé không dễ dàng như chị tưởng. Đến một ngày, không còn chịu nổi tủi nhục vì những trận đòn diễn ra giữa chợ, những trận đập phá nhà cửa, chị lên Tịnh xá Ngọc Hạnh xin xuống tóc quy y. Sau khi nghe chị kể rõ ngọn ngành, nhà sư bảo chị: “ Nếu cô đi tu mà bỏ lại phía sau tám đứa con khốn khổ thì chỉ thêm tội mà thôi. Hãy quay về với trần đời, chấp nhận khổ hạnh để làm tròn bổn phận của người mẹ, nếu có điều kiện thì giúp đỡ người nghèo khổ, Đức Phật sẽ chứng giám cho cô”.

Chị quỳ xuống tạ ơn và cho nhà sư cắt một mớ tóc tượng trưng rồi lau nước mắt ra về. Chị cảm thấy hối hận vì trong giây phút yếu lòng mình đã tìm sự giải thoát mà quên cả đàn con. Gần ba chục năm qua, chị đã trải qua bao cay đắng thăng trầm, bao lần gục ngã, chị gượng dậy cũng vì một động lực duy nhất là tám đứa con, cũng vì để cho con chị được sống tốt, được học hành tử tế. Nhà sư đã nói đúng, nếu đi tu mà bỏ lại phía sau tám đứa con khốn khổ thì chỉ thêm tội mà thôi !

*

Cuộc tình “Già nhân nghĩa, non vợ chồng” giữa chị với anh Tư kể như kết thúc, công việc kinh doanh thị bò của chị cũng được kết thúc khi khu đất của chị lọt vào dự án khu chế xuất Linh Trung. Trong lúc bế tắt chưa biết đời mình sẽ đi về đâu thì chị nhận được giấy mời lên quản lý dự án nhận tiền đền bù 240 triệu đđồng. Một khu đđất vườn cao su hoang phế, hồi ấy chị mua chỉ có sáu chỉ vàng, thật ra là mua để làm nơi lưu giữ đàn bò, diện tích bao nhiêu chị cũng không hề biết. Cầm số tiền khá lớn trên tay, chị đi mua đất. Nghĩ mình con đông, bây giờ mua đất để xây nhà trọ, sau nầy con cái lớn khôn, ít ra mỗi đứa cũng có một cái nền nhà. Nhưng nhà trọ xây chưa xong thì có người đến hỏi mua lại đất với giá cao hơn, thậm chí cao gấp mấy chục lần, chị lại bán đất, rồi đi mua lại đất.

“Có lẽ ông trời không cho tôi kinh doanh đất mà bắt tôi làm chủ chợ” – chị nói – Hôm ấy, tình cờ đi ngang nhà máy giầy Việt Lập ở Bình Dương, thấy có một lô đất trống, chị nghĩ, ở đây có hàng ngàn công nhân mà không có chợ. Chị hỏi mua lô đất với ý nghĩ, sẽ xây tại đây một dãy hàng quán cho các con ra đây buôn bán. Nhưng rồi từ ý tưởng xây một dãy hàng quán chuyển sang xây chợ Việt Lập. Chợ Việt Lập ra đời, thu hút hàng trăm tiểu thương, lại vướng phải cơ chế, chính sách, mâu thuẩn xảy ra, buộc phải giải tán. Nhưng, cái ý tưởng xây dựng chợ từ đó đã trở thành tâm huyết của chị Hường. Hình ảnh chị em tiểu thương cứ luôn ám ảnh chị, làm sống lại hình ảnh của cha mẹ chị, của cả cuộc đời gian lao, nhọc nhằn của chị gắn liền với những thăng trầm của đời chợ qua những chặng đường lịch sử. Là chị sáng sáng ra chợ tìm một chổ trống xin phép chị em cho để xịa thịt bò; là chị, hừng đông ra bến xe miền tây tìm mua từng ký thịt của các bà các chị nai nịt trong người thời ngăn sông cấm chợ, mua xong, tiền vừa kịp trao tay thì bị tịch thu vì “hàng lậu”; là chị, ngồi bán ở vỉa hè mà lòng nơm nớp lo sợ bởi tiếng còi của nhà chức trách . . .

Thất bại ở chợ Việt Lập, chị về Thủ Đức mua đất xây dựng chợ Linh Trung. Biến những chị em lớp nghèo thành thị trở thành tiểu thương chuyên nghiệp không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng chị Hường đã làm nên điều ấy. Trước hết là miễn thu tiền mặt bằng sáu tháng, ai thiếu vốn thì cho mượn vốn, ai không biết buôn bán thì chị dạy cho buôn bán. Ai nghèo khổ đến tận cùng hoặc khuyết tật thì miễn luôn tiền mặt bằng, cấp luôn tiền vốn, thậm chí cấp cả tiền ăn trong những tháng đầu. Hàng thực phẩm, ai bán ế chị ra mua lại. Rau cải, chị mang cho các chùa, thịt cá, chị mang cho các viện mồ côi, nhà dưỡng lão, bệnh viện tâm thần.

Trong chương trình “Người Đương Thời”, chị Hường đã dựng trên sân khấu một lớp kịch, một phiên chợ mà trong đó, chị đóng vai một người bán hàng khó tính, đanh đá, trả treo. Kết thúc lớp kịch, chị nói: “Bà con thấy chưa, nếu làm tiểu thương mà ăn nói như tôi thì chỉ còn có nước mang đồ về cho chồng con ăn chớ bán cho ai ”. Đó là câu chuyện của một lớp kịch, một trong hàng trăm tình huống mà chị Hường đã từng mang ra giảng dạy cho tiểu thương. Và, ngay trong chợ Linh Trung, không thể kể hết những câu chuyện về chị. Tôi đã gặp chị Thủy, chủ hàng thịt ở đây với một câu chuyện đầy kịch tính: Trưa hôm ấy, một cô công nhân đến quầy chị Thủy mua mười ngàn đồng thịt, chị Thủy chặt không đúng chổ mà cô công nhân đã lựa nên cô bỏ đi, Thủy nắm áo lại và tát một bạt tay. Cô gái khóc sướt mướt. Bất ngờ chị Hường bước tới. Khi biết chuyện, chị tát chị Thủy một bạt tay kèm theo mấy lời răn dạy. Chị Thủy ngồi khóc. Đến chiều, chị Hường nằm nhà ngẫm nghĩ, quầy thịt xảy ra sự cố như vậy, chắc con nhỏ ngày nay bán ế. Chị ra chợ, đúng là quầy thịt chị Thủy còn hơn chục ký, chị Hường mua hết mang về làm một nồi kho tàu, hôm sau chị mang lên làm quà cho làng cô nhi Long Thành. Từ ấy đến nay, chị Thủy không bao giờ thiếu nụ cười với khách. Tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng Yến, anh Vũ Thành Công, hai người khuyết tật đang làm chủ hai quầy kinh doanh đĩa hát, anh Công cho biết, anh bị khuyết tật bẩm sinh cả hai tay lẩn hai chân, không thể ngồi xe lăn. Buồn chán cho thân phận, nhiều lúc anh nghĩ đến tự tử nhưng cũng không thể tự mình đi mua thuốc uống. “Cô Hường đã mang lại cho tôi sự sống – anh nói – cô cho hẳn một mặt bằng với hai triệu đồng làm vốn, những tháng đầu, mỗi tháng cô cấp cho ba trăm ngàn tiền ăn, có hôm cô nấu cơm mang ra cho tôi. Sự cưu mang của cô, ân nghĩa của cô cứ làm cho tôi luôn luôn nghĩ rằng mình phải sống thế nào cho ra sống”.

Hỏi chuyện giúp người, chuyện làm từ thiện, chị lắc đầu: “Mình giúp người ta mà kể lể thì còn ý nghĩa gì nữa”. Nhiều tiểu thương kể rằng, năm nào cũng vậy, cứ chiều ba mươi tết là chị Hường đi rảo các chợ dưa hấu quanh Thủ Đức, ai còn tồn bao nhiêu chị mua hết rồi mang lên biếu cho các chùa, các trại dưỡng lão, các viện mồ côi, nhà thương điên. Khi tôi đem chuyện ấy ra hỏi thì chị nói: “Có gì đâu, mình giúp cho bà con bán hết hàng để về quê ăn tết, chú có buôn bán mới thấu hiểu cái cảnh chiều ba mươi tết mà còn ngồi bên một đống dưa. Mình giúp họ, cũng vừa giúp cho trẻ mồ côi, người bệnh, người nghèo có dưa ăn tết”

Hỏi chuyện anh Tư, chị nói, sau những chuyện không vui ấy xảy ra khoảng một năm thì chị Tư qua đời, chị không dám đi dự đám tang nhưng cho người mang đến con heo quay và một mâm hàng mã, chị cầu mong, nơi suối vàng chị Tư sẽ cảm thông cho thân phận người phụ nữ với nhau mà đừng trách chị. Sau ngày xả tang chị Tư, anh Tư đã tìm đến chị nối lại tình xưa nghĩa cũ. Nhưng, sự đầm ấm, mặn nồng không còn được như xưa. Cũng như nhiều nơi khác, sau những cơn sốt đất, người nông dân ngoại thành bổng chốc đổi đời, sự giàu sang đã làm cho lòng người thay đổi. Anh Tư có những cuộc ra đi biền biệt, tìm nguồn vui bên những cô gái trẻ, thỉnh thoảng quay về, rồi lại ra đi. Phần chị cứ an phận làm ăn, tích cóp được ít tiền thì đi làm từ thiện, chị xem đó là nguồn vui, là sự thanh thản của tâm hồn. Hỏi chị còn dự định gì không, chị cho biết hiện nay đang có mấy dự án xây dựng chợ ở Bình Dương, lấy kinh nghiệm của chợ Linh Trung lên đó để giúp cho chị em phụ nữ nghèo trở thành tiểu thương. Đó là mục tiêu lâu dài của chị.

Tôi nhìn lên bức tường, thấy mấy dòng thư pháp: “Cánh cò cõng nắng cõng mưa. Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”. Chị nói, đó là quà sinh nhật của con gái Ut vừa tặng chị. Rồi chị khoe, tất cả những đứa con của chị đều thành đạt, khá giả, nhưng điều đáng mừng là chúng nó sống tử tế, biết thương người.

-->đọc tiếp...

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2008

CHỒNG TRƯỚC CHỒNG SAU




Chị, Tiến sĩ văn hóa, 43 tuổi, có nhiều công trình nghiên cứu và đang giảng dạy ở các trường đại học. Chồng trước của chị, Bác sĩ chuyên khoa I. Chồng sau của chị là một phó Giáo sư Tiến sĩ tóan học. Thế nhưng câu chuyện về họ, lẽ ra không phải là câu chuyện của những người có nhiều chữ nghĩa. Song, chính câu chuyện về họ đã cho thấy rằng, khái niệm về văn hóa ứng xử nhiều khi không đồng nghĩa với khái niệm về học vấn.

1.

Tôi sinh ra và lớn lên ở thị xã Trà Vinh, một gia đình bình thường trong một thị xã bình thường, không có gì nổi bật. Ba má tôi có ba đứa con, tôi và hai đứa em trai. Ba tôi cưng con gái, má tôi cưng con trai, đó cũng là lẽ thường tình. Hồi trước năm 1975, nhà tôi có hai tiệm vàng ở Trà Vinh do ba má tôi cai quản và một tiệm bán hàng điện máy ở Sài Gòn do người chú tôi cai quản. Sau năm 1975, cơ nghiệp của gia đình tôi thu hẹp lại thành một tiệm tạp hóa nho nhỏ. Đến mười năm sau, nương theo cơ chế của nhà nước, ba tôi hợp tác với ngành văn hóa thông tin mở ra cửa hàng vật phẩm văn hóa, chủ yếu là bán các mặt hàng kim khí điện máy. Nói chung,qua những thăng trầm của nền kinh tế đất nước, gia đình tôi vẫn là một gia đình tương đối khá giả, không phải bươn chải nhiều.

Năm 1980, học xong lớp chín, má tôi bắt tôi phải nghỉ học. Má nói con gái học tới đó đủ rồi, con trai mới cần học hành đến nơi đến chốn. Tôi khóc vì ham học. Ba tôi cố gắng thuyết phục má tôi nhưng vẫn không được. Cuối cùng ba tôi nhờ chú tôi ở Cần Thơ qua nói giúp, má tôi đồng ý. Năm 1984, tôi đậu vào khoa ngữ văn đại học sư phạm Cần Thơ. Thương con, không muốn con phải ở nhà trọ nên ba tôi sang Cần Thơ mua căn nhà gần chợ Tham Tướng cho tôi ở, có cả người giúp việc, có cả xe cup 70 màu đỏ. Phải nói rằng thời ấy, một sinh viên từ tỉnh sang Cần Thơ mà có nhà riêng, có người giúp việc, có xe gắn máy như tôi là một chuyện hiếm hoi, chẳng bao lâu tôi trở thành đối tượng dòm ngó của mọi người. Hiểu được điều ấy, tôi phải cất xe gắn máy, đi xe đạp để sống hòa đồng với bạn bè.

Khi tôi đậu vào sư phạm thì Đức cũng đậu vào y khoa. Sinh viên năm đầu có những buổi sinh họat chung, nhất là các phong trào văn nghệ. Dù phải áy náy khi nói về mình nhưng phải thừa nhận rằng hồi ấy tôi là một cô gái đẹp, lại hát hay nên tôi được nhiều bạn trai ngưỡng mộ, trong đó có Đức. Tôi quý trọng Đức vì tôi hiểu anh ta theo đúng nghĩa là con nhà nghèo học giỏi. Quê Đức ở Thất Sơn, một vùng quê nghèo khó, cha mẹ ly thân, Đức là con trai út trong một gia đình khá đông anh em. Trừ người chị thứ ba, tất cả đều có vợ có chồng. Thỉnh thỏang Đức thường hay nhắc đến mẹ và chị Ba của mình, hay người thay nhau lên núi hái rau kim thất về nuôi heo để dành tiền cho Đức ăn học. Một hôm, Đức khoe với tôi rằng anh vừa mua được chiếc xe đạp để chạy xe ôm, giảm bớt nỗi lo cho mẹ và chị của mình. Tôi vừa cảm động, vừa mừng cho Đức. Những năm của thập niên tám mươi, phải nói rằng sinh viên Cần Thơ chạy xe đạp ôm đã thành một đặc trưng của thành phố miền tây, Đức đã một thời hòa mình trong đó. Có một buổi chiều, Đức bước vào nhà tôi với nét mặt phờ phạc để báo một tin buồn: “Chiếc xe đạp của anh bị ăn trộm mất rồi !”. Tôi mời Đức vào nhà, ba tôi từ Trà Vinh cũng vừa mới sang thăm. Thật ra, ba tôi đã tình cờ gặp Đức đến nhà tôi nhiều lần. Ông vừa thương Đức, cũng vừa lo sợ tai tiếng cho tôi, nên lần nầy, vô tình từ phía nhà sau tôi nghe ông nói: “Nếu cháu thương nó thật tình thì đưa người lớn sang đây, đám cưới xong rồi thì ở đây mà đi học, bác nuôi luôn hai đứa”.

Mùa hè năm 1986, chúng tôi làm đám cưới. Đám cưới được tổ chức rình rang cả ba nơi: Cần Thơ, Thất Sơn và Trà Vinh. Ở Trà Vinh, ba tôi thuê một nhóm thợ nấu ở Chợ Lớn xuống làm dê, làm bò, làm heo đãi đằng suốt sáng thâu đêm. Tối hôm ấy, trong lúc tiệc tùng đang vui thì ba tôi biến mất. Như một sự linh tính, tôi chạy lên sân thượng – nơi hai cha con tôi thường lên đó ngồi tâm sự – thì thấy ba tôi đang ngồi khóc một mình. Tôi hỏi, ba tôi nói: “Ba thương con nhất trong cuộc đời nầy, vì con, ba sẵn sàng hy sinh tất cả. Gả con cho thằng Đức, ba mừng lắm, mừng vì nó nghèo, nghèo đến mức không còn gì để nghèo hơn nữa, nghèo mà có học, lại hiền lành. Ba sẵn sàng nuôi nó ăn học và tạo cho nó một sự nghiệp đàng hoàng, để sau nầy, lở nó có phụ cái tình đối với con thì cũng còn cái nghĩa, mà phụ cái nghĩa thì cũng còn cái ơn. Ba hy vọng như vậy, và ba tin như vậy.” Sau đó ba tôi bảo tôi gọi Đức lên sân thượng, ông nói với Đức: “Nếu cần, ba có thể cho con hết tài sản của ba, ba không hề tiếc. Nhưng con không được xử tệ với con gái của ba, không được làm cho nó khóc dù chỉ một giọt nước mắt. Con nhớ không, con có dám hứa không ?”

Đức im lặng gật đầu.

Sau đám cưới mấy hôm, chúng tôi trở về Cần Thơ trang hoàng lại ngôi nhà hạnh phúc. Đức dọn đồ đạc từ nhà trọ về sống với tôi. Ba tôi kinh doanh hàng kim khí điện máy cho nên thoáng chốc, căn nhà tôi đầy đủ những tiện nghi sang trọng. Mùa tựu trường năm ấy, chúng tôi bước vào năm thứ tư. Đức không còn phải lao vào cuộc mưu sinh như trước. Hàng ngày, anh lấy xe gắn máy chở tôi đi học. Tan trường, chúng tôi về nhà thì đã có mâm cơm dọn sẵn. Có thể nói, đó là năm hạnh phúc nhất của đời tôi. Mùa hè năm ấy, cũng là năm học cuối cùng, tôi sinh được một bé gái. Sau hai tháng, chúng tôi phải gởi cháu về quê nội để làm luận văn tốt nghiệp. Lúc bấy giờ, ba tôi đã lo sẵn hai chổ làm cho chúng tôi ở Trà Vinh, Đức được nhận vào khoa ngoại bệnh viện đa khoa, tôi được về dạy tại trường cấp ba thị xã. Cuộc sống sẽ bình yên, sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu nếu Đức không có sự biến đổi sau nầy.

2.

Ra trường được hai tháng sau thì ba tôi đã mua cho chúng tôi một căn nhà ngay trung tâm thị xã, ý định của ba tôi là để cho Đức mở phòng mạch sau khi làm việc đủ thời gian theo quy định của nhà nước. Tuy có nhà cửa ổn định, nhưng lương của hai vợ chồng bác sĩ và giáo viên mới ra trường giữa thời bao cấp, lại phải nuôi thêm một đứa con, nếu không có sự chu cấp của ba tôi, hẳn sẽ vô cùng chật vật. Thời ấy, nhờ những mối quan hệ cũ trên thị trường cho nên ba tôi, ngoài việc buôn bán chính thức các mặt hàng kim khí điện máy, ông còn mua bán vàng bạc, đá quý, hột xoàn. Cho nên, ngoài việc chu cấp hàng tháng cho chúng tôi, thỉnh thoảng ông dúi vào tay tôi một vài món nữ trang, bảo tôi giữ gìn để phòng thân.

Cuối năm 1989, ba tôi qua đời sau một cơn bạo bệnh. Cái chết của ba tôi đã làm cho gia đình tôi, ngoài nỗi đau còn kéo theo sự hụt hẫng, tôi mất hẳn một chổ dựa cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Lúc bấy giờ tôi mới thấy rằng Đức là người quan trọng nhất bên cạnh cuộc đời tôi. Và, khi tôi thật sự dựa vào Đức, thật sự quan tâm tới Đức thì tôi mới bắt đầu cảm nhận ở Đức có những biểu hiện xuất phát từ bản chất làm cho tôi phải choáng váng. Cái choáng váng đầu tiên đối với tôi là hôm ấy, Đức gài bẩy được một con chuột trong nhà, thay vì giết nó đi theo sự thông thường, Đức mang dụng cụ phẩu thuật ra cắt, xé cơ thể con chuột thành từng mảnh, mặc cho nó la hét, rên rỉ, giảy giụa trong máu me, trong đau đớn, nhưng Đức vừa làm, vừa cười sung sướng, nụ cười như thoả mãn với hành vi tàn bạo của mình. Nhìn con chuột chết trong sự quằn quại, nhìn nụ cười của Đức, tôi phải tối mặt bỏ đi. Tôi cố lý giải rằng Đức là bác sĩ chuyên khoa ngoại, nên phải chăng, việc Đức xé sống con chuột có liên quan đến nghề phẩu thuật của mình. Nhưng, nụ cười sung sướng của Đức trước sự giãy giụa của con chuột cứ luôn ám ảnh tôi.

Có một lần, sau chuyện ái ân của vợ chồng, bổng dưng Đức khoe với tôi rằng anh vừa phá trinh một cô gái trẻ. Tưởng anh nói đùa, mặc dù không ai có thể đùa như thế, nhưng Đức kể, hôm ấy, có một bệnh nhân đang chờ mổ, ông ta có cô con gái rất xinh, Đức gạ gẫm, anh ta sẽ thay lịch mổ và bảo đảm cứu mạng cha cô vì anh yêu cô, muốn được gần gũi với cô. . . cuối cùng, cô gái đã chấp nhận điều kiện ấy. Tôi lại thêm một lần choáng váng. Nếu như Đức nói ra điềi ấy như một lời thú nhận ăn năn thì tôi sẽ nhẹ nhõm hơn. Đằng nầy, Đức lại thản nhiên, vô cảm, xem đó như một lẽ thường tình, thậm chí Đức còn tỏ vẽ tự hào như đạt được một mục tiêu trong cách sống. Trong khi tôi đang nặng nề, chưa tìm ra cách phản ứng về câu chuyện thất nhân tâm của Đức thì một hôm, bất ngờ có một chiếc xe đậu trước cửa, người ta áp giải Đức vô nhà, công an, thanh tra y tế, quản lý thị trường, nhân viên kiểm nghiệm dược phẩm . . . Họ buộc Đức phải giao nộp một loại thuốc gì đó, nếu không, họ sẽ khám xét nhà. Đức ngoan ngoãn mở tủ lấy ra chai thuốc impicilin, người ta lập biên bản niêm phong rồi chở Đức đi. Tôi gọi điện thoại đến một người quen trong bệnh viện, thì ra, Đức gạ bán thuốc giả cho một bệnh nhân mổ ruột thừa khiến người ta bị nhiễm trùng . . . Tôi đã sử dụng tất cả các mối quan hệ tình xưa nghĩa cũ của ba tôi và những bạn bè đồng nghiệp của tôi để dàn xếp, để cứu Đức khỏi dòng tù tội, khỏi bị đuổi việc. Nhưng, điều quan trọng hơn là tôi muốn kéo Đức trở về con người lương thiện, một thầy thuốc đúng nghĩa với hai chữ lương y.

Mọi chuyện rồi cũng trôi qua. Đúng hai năm hành nghề, Đức được phép mở phòng mạch tại nhà. Tôi nghĩ, lỗi của Đức trước đây một phần do tôi vì tôi thiếu quan tâm đến việc chi tiêu của Đức, tiền lương không đủ giao du với bạn bè nên Đức mới nhắm mắt làm liều, “bần cùng sinh đạo tặc” như ông bà ta từng nói. Từ nay, có phòng mạch rồi, cuộc sống sẽ thoải mái hơn, tôi hy vọng Đức sẽ hành nghề một cách đàng hoàng như tôi mong muốn.

Một hôm, có một ông lão từ Càng Long mắc bệnh u xơ tiền liệt tuyến, phải dẫn ông thông tiểu ra ngoài. Ông ngồi đợi ở phòng mạch hơn một giờ. Thấy bệnh nhân già yếu, lặn lội đường xa nên tôi gọi điện thoại cho Đức. Khi Đức vừa bước vào nhà, ông lão hỏi: “Tôi muốn thay ông thông tiểu, bao nhiêu tiền thưa bác sĩ ?”. Đức hất hàm hỏi lại: “Có lấy thuốc không ?”. Ông lão nói: “Dạ tôi chỉ lấy một liều uống trưa nay thôi”. Đức bảo một trăm ngàn. Ông lão run rẫy nói: “Thưa bác sĩ, tôi đi tàu đi xe ra đây, giờ chừa đủ tiền về, tôi chỉ còn có bốn chục ngàn”. “Bốn chục ngàn thì làm theo kiểu bốn chục ngàn. Không có tiền mà cũng bày đặt tới đây !”. Đức vừa nói vừa quơ tay giựt mạnh ông thông tiểu, ông già nẩy người, một dòng máu tuôn xuống đất.

Bệnh nhân ra về, tôi vừa khóc vừa nói với Đức: “Mình đâu phải thiếu tiền, cái ống thông tiểu chỉ có năm ngàn đồng, chẳng lẻ mình không thể làm phước cho ông già nghèo khổ ấy được sao ?”. Đức im lặng. Nhưng đó lại là sự im lặng vô cảm, để rồi một sai lầm khác tiếp theo: Ở Trà Vinh có một bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng trùng tên với Đức, nhưng anh ấy đã chuyển về Sài Gòn. Vậy là, Đức lợi dụng sự nhầm lẫn của những bệnh nhân thiếu hiểu biết để mạo nhận mình là bác sĩ nhãn khoa. Tôi ngăn cản thì Đức bảo rằng, em mà biết gì về y học, bệnh mắt thông thường, thầy lang còn chữa được, huống chi anh là bác sĩ. Nhưng, đi đêm có ngày gặp ma, một bệnh nhân gặp sự cố, phải chuyển lên Sài Gòn múc bỏ một tròng mắt, người nhà phát hiện sự mạo danh của Đức nên phát đơn kiện. Một lần nữa, tôi phải vừa van lạy, vừa bỏ hai tuần lên Sài Gòn nuôi bệnh, vừa tốn mấy cây vàng để đền bù thiệt hại, gia đình nạn nhân mới chịu bãi nại cho Đức.

Một bệnh nhân tử vong sau ca mổ do một bác sĩ đồng nghiệp của Đức phụ trách. Nhưng Đức lại xem đó là một tin vui: “Lẽ ra đó là ca mổ của anh, nhưng biết thế nào bệnh nhân cũng chết nên anh đã khéo léo đề nghị đổi lịch mổ sang cho hắn”.

Trong một chuỗi sự cố ấy, nỗi tủi nhục, thất vọng đã khiến tôi một lần tự tử. Nhưng Đức đã kịp phát hiện và đổ nước muối vào miệng tôi để tôi ói thuốc ra. Trong tận cùng của sự đau khổ dày vò, tôi nghĩ dù sao Đức cũng là người chồng do tôi lựa chọn, dù sao Đức cũng là cha của hai đứa con gái của tôi. Con gái nhờ đức cha. Sợ hậu quả sẽ gieo xuống đời con mình, tôi vừa kiên trì, vừa hy vọng Đức sẽ khôi phục lương tâm của người thầy thuốc. Nhưng, sống với Đức tôi cứ luôn phập phồng, sờ sợ, mất hẳn sự an tâm, lúc nào cũng có cảm giác như cái ác trong con người Đức luôn đe doạ đời sống gia đình.

3.

Người ta nói nước chảy đá mòn. Tôi tin vào điều ấy khi nhìn thấy sự kiên nhẫn của mình bắt đầu lóe lên một niềm tin và hy vọng. Ngoài công việc giảng dạy ở trường, tôi dành hết thời gian cho gia đình, vừa chăm sóc con cái, vừa theo dõi công việc của Đức ở bệnh viện để chia sẻ, động viên, tư vấn các mối quan hệ đồng nghiệp của anh, lại vừa giúp anh quản lý phòng mạch. Đức có đặc điểm là im lặng mỗi khi làm sai. Cho dù đó là sự im lặng vô cảm nhưng cũng là cơ hội cho tôi được giải bày, tâm sự, sẻ chia những điều cần thiết. Có lẽ nhờ vậy mà Đức đã thay đổi dần, cuộc sống bắt đầu trở lại sự bình yên như tôi mong muốn.

Có thể, tôi sẽ giữ được chồng cũng như giữ được hạnh phúc gia đình nếu tôi không phải là một con người ham học.

Năm 1992, tôi tiếp tục thi vào khoa ngữ văn trường Đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ có bằng đại học nên tôi được miễn chương trình đại cương để rút ngắn được hai năm. Sau khi tốt nghiệp, tôi tiếp tục chương trình cao học. Tháng tư năm 1997, tôi nhận bằng thạc sĩ loại xuất sắc và được tuyển thẳng vào nghiên cứu sinh để làm luận án tiến sĩ .

Trong hoàn cảnh phải đi đi về về như vậy, tôi gởi đứa con gái lớn về quê nội, để đứa nhỏ lại nhà và thuê một người giúp việc trông nom. Những năm đầu, phải nói rằng tôi không có điều gì phải phàn nàn ở Đức. Mỗi lần tôi về đều được nghe Đức kể những chuyện vui ở cơ quan, chuyện con bé ở nhà và cho tôi xem quyển sổ ghi chép thu chi của phòng mạch. Đầu tuần, trước khi đi, Đức giao tiền cho tôi để cuối tuần tôi mua thuốc mang về theo yêu cầu của Đức ghi sẵn trong toa. Tất nhiên, không phải tôi vui với đồng tiền của Đức làm ra, tôi vui vì tôi hy vọng rằng sự thay đổi của Đức bây giờ sẽ bắt đầu cho một niềm vui khác, lớn hơn. Đó là niềm vui của vong linh ba tôi, một người đã vui đến trào dâng nước mắt vì được gả đứa con gái yêu quý của mình cho chàng sinh viên nghèo, “nghèo đến mức không còn gì để nghèo hơn nữa. Nếu nó phụ tình con thì cũng còn cái nghĩa. Nếu nó phụ cái nghĩa thì cũng còn nhớ đến cái ơn”.

Hôm ấy, tôi từ Sài Gòn về đến nhà thì Đức còn trong bệnh viện. Tình cờ, anh thợ sửa đồng hồ ngoài chợ tìm đến đưa cho tôi chiếc đồng hồ nữ còn mới tinh, thấy tôi ngạc nhiên, anh nói: “Bác sĩ Đức nhờ tôi thâu sợi dây đồng hồ cho chị”. Tôi giả vờ cảm ơn và nhận chiếc đồng hồ từ tay người thợ rồi chết lặng như trời trồng. Nhưng tôi cố bình tĩnh. Một lát sau Đức về, tôi mang chiếc đồng hồ ra và cũng hết sức tỏ ra bình tĩnh để kể lại lời nói của anh thợ. Nhưng Đức vừa giựt phắc chiếc đồng hồ trên tay tôi vừa nói: “Cái nầy tôi mua cho bồ tôi chớ đâu phải cho em”. Nói rồi, Đức nổ máy xe chạy đi mất hút. Tối hôm ấy Đức không về.

Chiều hôm sau, theo sự mách bảo của một chị bác sĩ trong bệnh viện, tôi tìm đến nhà trọ gặp cô gái ấy. Tôi đã dùng hết lời lẽ ngọt ngào để khuyên nhủ cô ta, rằng em hãy trả lại hạnh phúc cho gia đình chị, rằng em còn trẻ đẹp, có thừa khả năng để lấy một người chưa có vợ con. Nhưng cô ta bình tĩnh và rất thản nhiên: “Em không chia sẻ tình cảm của ai cả, em chỉ là gái làm tiền, bán nhan sắc lấy tiền, ai mua em cũng bán, có gì đâu mà chị phải ghen”.

Thái độ và cách ứng xử của cô ta đã làm cho tôi câm miệng trong nhục nhã, ê chề. Đêm hôm ấy tôi định nói với Đức rất nhiều nhưng cuối cùng thì chẳng biết phải nói gì. Thôi thì cứ im lặng và khóc. Sáng hôm sau, tôi trở lên Sài Gòn, mặc dù tôi biết không còn đầu óc đâu để học hành, nhưng ở lại thì càng thấy nặng nề, trống vắng. Hai tuần sau tôi lại quay về. Vẫn trong tâm trạng rối bời, vô vọng. Về đến gần nhà, tôi hy vọng rằng Đức sẽ không im lặng như mọi lần mà ít ra anh phải nói với tôi một lời gì đó, dù rất nhỏ, dù nói dối để tôi có thể tạm yên tâm. Nhưng trời ơi ! Đức đã đem cô gái ấy về ở trong nhà ! Tôi vừa bước vô thì cô ta, thay vì phải bước ra thì cô lại đi thẳng lên lầu bằng thái độ bình thản chẳng khác chủ nhà. Tôi chỉ nói được một câu: “Anh có thể làm như vậy được sao ?” Đức bình thản nói: “Để chứng tỏ rằng cô ta đến với tôi không phải vì tiền. Vả lại có sao đâu, ba tôi ngày xưa cũng đem má tôi về ở chung với bà lớn, chuyện bình thường”.

Thay vì trước đây, mỗi lần Đức vấp phải sai lầm, tôi có ý kiến thì anh lại ngồi im lặng. Còn lần nầy thì tôi chỉ biết im lặng. Im lặng để chờ sự phản ứng ở chính mình. Những ngày sau đó, ngay cả trang nhật ký tôi cũng không đủ can đảm để mô tả lại mấy ngày ngắn ngũi sống chung với một cô cave được xem là vợ bé của chồng mình. Ngày thì đi lang thang, đêm thì ẳm con sang ngủ nhà người giúp việc. Và khóc.

Tôi chợt nhớ đến lời mời của một trường đại học mà tôi đã từng từ chối. Tôi sẽ đến đó xin lỗi họ để nhận việc làm, sẽ mua nhà ở, sẽ mang con đi, sẽ tiếp tục học hành, sẽ vĩnh viễn xa Đức . . .

Trưa hôm ấy, tạm gởi con cho chị giúp việc, tôi lên đường làm chuyến đi tiền trạm để thực hiện một tâm huyết mà tôi cho rằng đó là lối thoát duy nhất của mình. Nhưng khi đến bến bắc Mỹ Thuận, trong lúc chờ phà, bổng dưng bao nhiêu tâm huyết của tôi bị chùng xuống, và trong tận cùng của nổi khổ đau, bổng dưng tôi nhớ đến ba tôi, nhớ đến quảng đời sinh viên tươi đẹp, rồi chợt nhìn lại mình với một thực tại đầy tuyệt vọng, tôi tự hỏi mình sống để làm gì. Trong cơn bấn loạn ấy, tôi đã lao mình xuống sông Tiền.

Khi được cứu sống thì tôi cũng trở thành vật lạ cho hành khách qua đường vây lại đứng xem. Tôi bước lên phà trong hàng trăm ánh mắt vừa thương cảm pha lẫn sự tò mò. Lúc ấy, tôi vừa khóc vừa muốn chui nhanh vào một chiếc xe nào đó để trốn tránh mọi người. Tôi gỏ cửa một chiếc xe du lịch, anh tài xế lắc đầu bảo xe nầy chở sếp, nhưng ông sếp ngồi trong xe mở cửa bảo tôi lên. Tôi ngồi nép một bên với bộ quần áo ướt mem và khóc cho đến khi xe vào cửa ngõ Sài Gòn. Lúc bấy giờ, ông sếp mới hỏi tôi đến đâu và khéo léo bắt chuyện hỏi vì sao tôi tự tử.

Trước một con người lịch thiệp, tế nhị và chân tình như thế, tôi không thể không nói thật câu chuyện của mình. Nhưng tôi chỉ nói ngắn gọn câu chuyện sau cùng, rằng tôi đang học ở Sài Gòn, khi về nhà thì gặp chồng mình thản nhiên mang cô gái khác về chung sống, lại là một cave, rằng tôi lên đây để nhận việc làm, để tìm một lối thoát. Khi tôi xuống xe, ông trao cho tôi tấm danh thiếp và căn dặn, nếu có gì khó khăn, cứ gọi điện cho ông.

4.

Sau khi nhận việc làm ở một trường đại học, tôi thuê một căn phòng trọ trên đường Tần Phú rồi về Trà Vinh rước đứa bé lên theo. Ngoài công việc ở nhà trường, tôi đi dạy thêm ở các trung tâm luyện thi, vừa lao vào nghiên cứu đề tài “Thiên nhiên trong ca dao dân ca trữ tình Nam bộ” để hoàn thành luận án tiến sĩ. Trong lúc tôi đang khốn khó giữa đất Sài Gòn thì chú tôi xuất hịện, ông trao cho tôi một số vàng khá lớn, bảo rằng trong những ngày lâm bệnh, ba tôi đã gởi cho ông và căn dặn đừng cho tôi biết, đến lúc nào cuộc sống của tôi gặp phải khó khăn thì giao lại cho tôi. Nhờ vào đó mà tôi đã mua được đất đai, nhà cửa ở Sài Gòn.

Có một điều, cho đến bây giờ tôi vẫn không tự lý giải được là vì sao trong những ngày đầu lên Sài Gòn tôi vẫn còn thương Đức, vẫn khát khao làm lại một mái ấm gia đình, vẫn còn tin ở Đức một sự hồi tâm. Đêm nào tôi cũng gọi điện thọai về nhà khóc than, tâm tình với Đức, mong anh suy nghĩ lại, mong anh sửa sai, và nếu còn thương em thì lên đón mẹ con em về, em sẵn sàng bỏ qua chuyện cũ. Rồi một ngày, anh xuất hiện, anh cười tươi bảo tôi về với anh. Tôi mừng vui đến tuôn nước mắt, tôi bỏ tất cả những gì đã làm được ở Sài Gòn, kể cả con đường du học đang mở ra trước mắt để về quê với Đức.

Về quê, tôi được nhận vào giảng dạy tại trường cao đẳng sư phạm, vừa tiếp tục công trình nghiên cứu. Được vài tháng, Đức lại hiện nguyên hình một con người như cũ. Tôi không dám nghĩ đến chuyện Đức bị biến thái về nhân cách, nhưng không thể không gợn người khi nghe anh kể về chuyện làm tình với cô nầy cô nọ một cách thản nhiên. Tôi thầm nghĩ, có lẽ do môi trường sống, do mối quan hệ bạn bè. Nhiều đêm anh tổ chức nhậu tại nhà, tôi ở trên lầu nghe lóang thóang câu chuyện của bạn anh: “Tao không thể như mầy được, vợ không thể học cao hơn chồng”. Hoặc đàn bà là thế nầy, đàn bà là thế khác. Nhưng Đức chẳng những không tỏ ra phản ứng mà ngược lại, anh cao hứng đồng tình.

Tôi quyết định đưa Đức lên Sài Gòn với hy vọng anh sẽ đổi thay ở một môi trường mới. Cũng không phải khó khăn khi tôi xin với lãnh đạo sở y tế Trà Vinh cho Đức đi học chuyên khoa một, thậm chí cũng không mấy khó khăn khi tôi chạy lo kỳ thi đầu vào cho Đức. Cũng như hồi mới cưới nhau, Đức lên Sài Gòn với mọi thứ đã có sẵn, một ngôi nhà khang trang để làm tổ ấm cho hai vợ chồng và hai đứa con, một ngôi nhà cho thuê, mấy lô đất để dành. Nhưng tôi không hiểu tại sao Đức lại không xem những điều kiện ấy là nền tảng cho cuộc sống gia đình để giữ gìn hạnh phúc. Một hôm, tình cờ sọan lại đồ đạc trong nhà, tôi phát hiện một sắp hàng chục tấm ảnh sex của Đức chụp lúc đang làm tình với một cô gái lạ mà bối cảnh là ngôi nhà cũ dưới Trà Vinh. Tôi kinh tởm đến bàng hòang, nhưng nghĩ đây là chuyện cũ nên lờ đi. Một hôm đi làm về, bất giác tôi thấy Đức với hai đứa con gái đang ngồi xem phim sex. Tôi hốt hỏang la lên thì Đức bình thản nói: “Có sao đâu, đối với phương Tây thì đây chẳng những là chuyện bình thường mà còn rất cần thiết để giáo dục tình dục cho tuổi mới lớn”. Tôi kiên nhẫn ngồi giải thích với Đức và hai đứa con rồi buộc Đức phải mang mấy cuốn băng đi tiêu hủy. Đức bình thản làm theo. Dường như ở Đức chỉ có một thái độ bình thản khi làm mọi thứ trên đời, kể cả cái hôm tôi bắt quả tang Đức đang làm tình với cô cave trong nhà, cạnh căn phòng của hai đứa con trong khi đứa nhỏ đang ngồi bên ấy học bài. Sau giây phút khóc lóc, tôi tĩnh táo lại và nói: “Thôi thì ra tòa ly dị”. Đức cũng bình thản nói: “Ừ, ly dị thì ly dị nhưng phải cho anh ở nhờ đến khi học xong, chớ biết ở đâu bây giờ”.

Ra tòa, Đức không tỏ ra buồn, cũng không tỏ ra vui. Tôi không hiểu đó là thái độ thản nhiên hay vô cảm. Anh thừa nhận chuyện ngọai tình của mình như một lẽ đương nhiên: “Tôi nghĩ đàn ông ai cũng ngọai tình, đó là chuyện bình thường, nhưng không ngờ vợ tôi lại coi nó nghiêm trọng đến như vậy”. Khi tòa hỏi đến tài sản, anh nói: “Tôi không có tài sản riêng, cũng không có tài sản chung. Nhà cửa hiện có là của riêng vợ tôi”. Tòa quyết định, chuyện tài sản do hai người tự giải quyết, Đức nuôi đứa con gái lớn, tôi nuôi đứa nhỏ, mỗi tháng Đức trợ cấp 1,5 triệu đồng do anh tự nguyện.

Ly dị xong, tôi vẫn cho Đức ở chung, vẫn nấu cơm, vẫn giặt, ủi quần áo cho anh, thậm chí vẫn cho anh mượn tiền xài khi cần thiết. Gần một năm sau, Đức học xong, trở về Trà Vinh và lấy vợ. Còn tôi cũng đã lấy chồng. Lúc bấy giờ ngôi nhà cũ tôi vẫn cho thuê. Một hôm, Đức tìm gặp tôi than vãn: “Anh đang gặp khó khăn về chổ ở. Ngôi nhà cũ, em cho anh một nửa, còn một nửa bán lại cho anh”. Tôi hỏi giá bao nhiêu, Đức nói khỏang ba mươi lượng vàng, nếu tôi cho Đức một nửa thì còn lại mười lăm lượng, Đức sẽ trả trong ba năm. Nghĩ mình ba bốn ngôi nhà ở Sài Gòn, trong khi Đức đang ở nhà thuê. Dù sao cũng bao năm là vợ là chồng, hơn nữa Đức đang là cha của hai đứa con tôi. Tôi bằng lòng. Đức hỏi mượn thêm hai mươi triệu làm vốn mở phòng mạch, tôi cũng bằng lòng. Nhưng sau khi tôi về quê làm thủ tục pháp lý theo yêu cầu của Đức thì anh lại trở mặt, đòi lấy trọn ngôi nhà. Đức kiện ra tòa đòi tôi phải sang tên cho anh với lý do: ngôi nhà là tài sản chung, tôi đã đồng ý cho anh một nửa thì một nửa còn lại là của anh. Tòa án thị xã mời tôi về lấy lời khai, sau một thời gian thụ lý, không hiểu vì lý do gì, họ dùng bút xóa sửa chữ tài sản riêng thành chữ tài sản chung rồi ra quyết định thi hành án, buộc tôi phải giao nhà cho Đức. Tôi phát đơn kiện lại, tòa án tỉnh ra quyết định hủy án. Tưởng sự việc đến đây sẽ mang lại cho tôi sự công bằng. Nhưng không ngờ hai năm sau, tòa án tỉnh lại ra quyết định buộc tôi phải chia cho Đức một nửa ngôi nhà. Đội thi hành án mang lên Sài Gòn số tiền tương đương 15 lượng vàng ép tôi phải nhận. Cuối cùng coi như tôi vẫn cho Đức một nửa ngôi nhà mà không một chút nghĩa ơn. Ngược lại, Đức rêu rao với bàng dân thiên hạ rằng ngôi nhà do anh tích lũy bằng công sức của một người thầy thuốc để tạo nên, nhưng tôi đã dùng mối quan hệ với chính quyền để đứng tên riêng và chiếm của anh một nửa. Trong cùng một lúc, tôi bị tước đọat tài sản đã đành, tôi không tiếc rẻ, nhưng lại phải mang thêm nỗi oan khiêng trước pháp đình và nặng nề hơn là nổi oan trong nhân tình thế thái. Và, cũng chính trong lúc nầy, tôi lại phải quay sang đối phó với sự phản bội, lọc lừa của người chồng sau.

5.

Chia tay với Đức một thời gian, cuối năm ấy, tôi bán mấy lô đất để mua một ngôi nhà trong con hẻm rộng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận Ba để dọn về đó ở cùng hai con gái, ngôi nhà cũ ở Gò Vấp tôi vẫn cho Đức ở trọ trong thời gian đi học. Vài tháng sau, đất đai sốt giá, tôi tiếp tục bán và mua thêm ngôi nhà trên đường Hồ Văn Huê, Phú Nhuận. Chính trong thời gian nầy tôi gặp Tín để rồi phải chuốc lấy thêm một bi kịch thứ hai.

Một buổi sáng cuối năm 2000, có mấy tời báo đưa tin thầy Tín bị mưu sát hụt. Những dòng tin ngắn cùng với bức ảnh chụp gương mặt Tín bị sưng phù đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẩy. Lúc bấy giờ tôi đang giảng dạy ở các trường đại học trong thành phố nên có quen biết anh. Và ngay sáng hôm ấy khi bước tới cổng trường thì đã nghe dư luận xôn xao. Tín là phó Giáo sư tóan, vợ anh, chị Dung cũng là phó Giáo sư triết học. Theo báo chí đưa tin thì người mưu sát anh là một thạc sĩ, học trò thân tín của vợ anh, đã bị bắt giam sau khi gây án. Lúc bấy giờ chị Dung đang đi thăm con gái du học ở nước ngòai. Dư luận trong giới đồng nghiệp cho rằng chị Dung thuê tên học trò ruột của mình giết anh Tín nhằm chiếm đọat tài sản đang tranh chấp sau khi đã có quyết định ly hôn, bà đi nước ngòai trong lúc nầy để tạo bằng chứng ngọai phạm. Tên hung thủ đã dùng một cục sắt tròn có gai, quấn trong lớp vải, cột vào một tay cầm. Hắn đập mạnh vào mặt Tín trong khi anh đang đi tập thể dục buổi sáng trên đường Nguyễn Trãi. Chẳng may cho hắn, sau khi gây án thì xe hắn bị bể bánh cho nên bà con khu phố tóm được hắn và giao nộp cho công an.

Khỏang mười ngày sau, Tín lái xe du lịch đến nhà tôi, mắt vẫn còn sưng húp: “Nghe mấy đứa sinh viên nói cô vừa mua ngôi nhà nầy, còn một tầng lầu định cho thuê ?”

Hai người sống chung một ngôi nhà, một kẻ vừa thôi chồng, một người vừa thôi vợ, cả hai bầu tâm sự nóng bỏng luôn có cơ hội để trút cho nhau. Mồng hai Tết năm ấy, Tín mời tôi đi du xuân, tôi ngần ngại không đi. Anh chở hai đứa con gái tôi đi Suối Tiên. Chiều về hai đứa nhỏ khoe một sắp hình, tòan chụp những cảnh Tín đang đùa vui với chúng, quấn quýt nhau như cha chơi với con. Dù là vô tình hay cố ý, với những bức ảnh ấy, Tín đã đánh gục trái tim tôi, khơi dậy trong tôi nỗi khát khao một mái ấm gia đình của một thiếu phụ mới ngòai ba mươi tuổi.

Đêm ấy, sau lễ cưới, Tín lái xe đưa tôi về. Tôi nói với anh: “Cuộc sống của em bây giờ coi như mọi thứ đã đầy đủ, chỉ cần lòng chung thủy của anh”. Tín nhìn tôi xúc động, anh quay xe sang một hướng khác và dừng lại trước một ngôi chùa rồi nắm tay tôi dẫn vào, thắp nhan thề giữ lòng chung thủy.

Mấy ngày sau, tôi chạy lo thủ tục sang tên ngôi nhà ở Hồ Văn Huê thì Tín bàn với tôi: “Mình đã là vợ chồng rồi, phải có trách nhiệm với nhau, hay là thế nầy, 73 lượng vàng còn lại, em cho anh góp vào để hai đứa đứng tên chung”. Mặc dù tôi đã chuẩn bị sẵn 200 lượng vàng để mua ngôi nhà, nhưng nghe Tín nói thế, tôi cũng bằng lòng. Nhưng đến ngày thanh tóan thì Tín rầu rĩ nói: “Con mụ ấy vẫn ngoan cố chưa chịu thi hành án . . . Hay là để anh đi cầm chiếc xe”. Tín lái xe đi, chiều về anh lại rầu rĩ nói: “Khổ cho thân anh, chiếc xe lại nằm trong tài sản phải chia nên con mụ ấy ngăn cản không cho anh cầm cố”. Tôi nói với Tín rằng, thật ra tôi mua ngôi nhà nầy để mai một bán lại kiếm lời, cho nên cứ để một mình tôi đứng tên, mai một có bán thì cũng chỉ một mình tôi làm thụ tục. Nhưng Tín không chịu, anh cho rằng tôi tính tóan thiệt hơn, vợ chồng mà làm như vậy khó coi. Cái gì cũng phải kề vai sát cánh, phước cùng hưởng, họa cùng chia, đạo lý Việt Nam ta xưa nay là thế. Thấy anh có vẽ phật lòng nên khi làm giấy chủ quyền, tôi để anh đứng tên chung.

Hai tuần sau, Tín được chia 140 lượng vàng trong việc thi hành án. Anh tâm sự với tôi: “Bố mẹ anh đã già, nhưng từ hôm anh bị mưu sát đến nay, hai cụ phải ra ngòai thuê nhà để lánh nạn. Bây giờ, nếu đưa hai cụ về đây thì em phải làm dâu tội nghiệp cho em. Chi bằng ta mua cho hai cụ một ngôi nhà khác, em bán ngôi nhà ngòai quận Ba để góp vào, coi như tài sản chung của hai ta. Anh sẽ làm giấy xác nhận hẳn hoi”. Tôi nghe lời Tín bán ngôi nhà 102 lượng vàng để góp vào mua một ngôi nhà trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tín cũng làm giấy tờ ra phường xác nhận cho tôi. Nhưng khi làm giấy chủ quyền thì Tín lại để ông bà cụ đứng tên. Anh giải thích: “Bố mẹ anh là người nhạy cảm và tự trọng, nếu để chúng mình đứng tên thì ông bà cụ sẽ mang mặc cảm ở nhờ nhà con dâu, không nên như thế. Vã lại, em lo gì, mai kia mốt nọ ông bà cụ qua đời thì nó là của mình chớ của ai”.

Mua ngôi nhà Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến ba trăm lượng vàng, Tín mang giấy tờ ngôi nhà Hồ Văn Huê đi thế chấp ngân hàng để vay thêm 73 lượng. Nhưng trong hồ sơ vay vàng, Tín lại ghi mục đích sử dụng là để mua chính ngôi nhà Hồ Văn Huê, mà lại là co số 73, trùng hợp với lần thanh tóan sau cùng của ngôi nhà nầy. Nhưng thật ra, đó là những chi tiết quan trọng mà mãi đến sau nầy, khi mâu thuẩn xảy ra giữa vợ chồng trong quá trình tranh chấp tài sản tôi mới giật mình trước một âm mưu, còn lúc ấy, tôi như kẻ ngây thơ trước những lời ngọt ngào của Tín. Cứ luôn tự hào rằng mình đang sống với một người chồng trí thức và tử tế. Thậm chí, một năm sau, thấy vàng lên giá, tôi mang 65 lượng ra giải chấp cho Tín mà không chút phàn nàn, cũng không buộc anh phải làm giấy tờ xác nhận.

Một hôm, đang ngồi ăn cơm thì bổng dưng Tín tỏ ra trầm tư và than vãn: “Nghĩ cũng buồn cho số phận mình, vợ chồng với nhau mà một người thì thừa tiền gởi ngân hàng, còn một người thì nợ lúc đầu, hàng tháng phải lo cày trên bục giảng kiếm tiền đóng lãi”. Tôi hỏi chuyện gì, Tín tâm sự: “Hồi con gái anh du học, anh phải vay 400 triệu đồng, nhưng khi ly hôn, anh khai trước tòa con mụ ấy không thừa nhận.” Hôm sau, tôi ra ngân hàng rút 400 triệu đồng cho Tín. Anh xúc động đến rưng rưng và tự nguyện lấy giấy viết ra làm biên nhận, hứa trả trong vòng tám năm, mỗi năm 50 triệu đồng và lãi suất một năm là 8,7 phần trăm.

6.

Một hôm, Tín rủ tôi lên Bình Châu mua đất. Anh nói ở đó còn một lô đất hơn ba ngàn mét vuông do bạn anh nhượng lại với giá 180 triệu đồng, anh bảo tôi hùn mỗi người một nửa. Thật ra, tôi nghe lời Tín đi mua cho vui, bởi lúc bấy giờ tôi đang ăn nên làm ra với nghề kinh doanh đất, cho nên giá trị một lô đất như vậy đối với tôi chỉ là chuyện cỏn con. Nhưng chính câu chuyện nầy đã làm cho Tín bộc lộ một phần bản chất của mình: thứ nhất, hồ sơ tôi giao đầy đủ nhưng khi ra giấy chủ quyền thì chỉ một mình Tín đứng tên, thứ hai, một người bạn đã rỉ tai tôi rằng giá thực của lô đất ấy chỉ có 90 triệu đồng. Nghĩa là Tín không phải bỏ tiền ra mà được đứng tên lô đất. Tôi đã hứa với người bạn rằng không tiết lộ chuyện Tín kê giá đất, nhưng bảo anh nếu đứng tên một mình thì trả tiền lại cho tôi. Tín hốt hỏang chạy lên Bình Châu ghi thêm tên tôi vào sổ đỏ. Nhưng với tôi, điều quan trọng là tôi đã mất lòng tin và mang nặng nỗi nghi ngờ. Tôi ngồi ngẫm nghĩ và sâu chuỗi lại: thứ nhất, ngay sau khi làm vợ Tín thì tôi đã mất một nửa ngôi nhà vì cho Tín đứng tên chung; thứ hai, cưới nhau được hai mươi ngày thì tôi mất trọn ngôi nhà Nguyễn Đình Chiễu; thứ ba, một năm sau thì tôi mất thêm 62 lượng vàng để trả nợ cho ngôi nhà của bố mẹ anh; thứ tư, sau đó ít hôm thì tôi mất tiếp 400 triệu đồng, và bây giờ, Tín trắng trợn lừa tôi trong lô đất Bình Châu. Nhân cơ hội nầy, tôi đề nghị Tín ra phường làm giấy xác nhận ngôi nhà Hồ Văn Huê là tài sản riêng của tôi, Tín ngoan ngõan làm ngay mà không một lời phiền trách.

Một hôm, tôi giật mình nhìn lại, vợ chồng sống với nhau mấy năm rồi mà chẳng có con. Tôi đến bệnh viện Từ Dũ xin làm xét nghiệm, người ta bảo phải có đủ vợ đủ chồng mới làm được, tôi về rủ Tín cùng đi. Kết quả là anh bị vô sinh. Điều nầy có thể làm cho tâm lý anh bị chấn động nặng, hay nói đúng hơn là một cú sốc khi anh nghĩ đến đứa con gái đang du học nước ngòai.

Mầm móng bi kịch bắt đầu xảy ra kể từ hôm tôi phát hiện mất cái máy nước nóng trong nhà tắm trên lầu. Cứ tưởng kẻ trộm vào nhà, tôi đi báo công an phường đến làm việc thì bất ngờ chị giúp việc về tới, chị cho biết Tín đã gở nó mang đi. Tôi gọi điện hỏi anh thì anh nói thấy cái nhà tắm trên đó không xài nên anh gở nó mang về nhà bố mẹ. Tôi nhớ bên nhà bố mẹ anh không thiếu mà còn xài lọai đắt tiền. Vậy thì Tín mang đi cho ai ? Tình thế buộc tôi phải tốn một số tiền khá lớn để thuê thám tử theo dõi anh. Và sự thật đã trả lời: Ngòai những cuộc ăn chơi trác tán, những quan hệ bất chính với học trò, với giáo viên đồng nghiệp, Tín thuê hẳn một căn nhà để chung sống với cô bồ nhí trên đường Hòang Hoa Thám, Tân Bình. Tôi không muốn làm rùm beng sợ hổ danh người trí thức, nhưng ngọt ngào, năn nỉ anh thì anh tỏ ra là người nghiêm khắc, chuẩn mực theo lý lẻ của một nhà giáo có đạo đức để chối cãi. Anh cứ cho rằng tôi nghi ngờ rồi vu khống anh, buộc lòng tôi phải làm ra chứng cứ. Tôi đã bắt quả tang và ghi lại bằng hình ảnh rõ ràng. Nhưng mỗi khi nhìn bức ảnh Tín với người tình trần truồng như nhộng thì tôi cảm thấy rùng rợn, thấy nhục nhã, ê chề cho một người thầy ngày ngày đứng từ giảng đường nầy đến giảng đường khác để xây dựng, để đào tạo một đội ngũ trí thức tương lai. Trong cơn cuồng quần tôi liều mình tự tử. Hôm sau thấy mình nằm trong bệnh viện Trưng Vương. Khi xem hồ sơ, biết mình nhập viện lúc ba giờ sáng. Tôi chợt nghĩ, tôi uống mười viên xeduxen trước mắt Tín vào lúc bảy giờ tôi, đến ba giờ sáng anh mới đưa tôi nhập viện, nghĩa là anh thật sự muốn cho tôi chết. Tôi đâm ra hối hận vì mình ngu dại.

Một hôm, tôi đang giảng bài trong trường thì thám tử báo tin, Tín đến tiệm rượu của người học trò cũ để gạ bán tòan bộ số rượu ngọai trong nhà. Đó là hơn một trăm chai rượu nghĩa rượu tình mà số sinh viên đại học, cao học đã tặng tôi và anh vào dịp lễ tết của những năm qua. Tôi gọi điện thọai cho chị giúp việc rồi gọi cho mấy em thám tử cấp tốc mang xe đến nhà chuyển rượu đi nơi khác. Chiều về, nghe tin Tín đang lên công an phường khai báo về việc kẻ trộm vào nhà ăn cắp rượu. Tôi chạy lên công an phường cho hay rằng chính tôi đã chuyển rượu đi nơi khác. Anh nói tủ rượu ấy trị giá một trăm triệu đồng, nếu tôi lấy thì phải trả lại anh năm mươi triệu. Tôi bảo về nhà đi rồi tính sau. Khi về đến nhà, Tín mở khóa rào, bất ngờ anh đập ổ khóa vào mặt tôi, máu tuôn xối xả. Lúc ấy trời chập chọang tối, tôi là làng lên, công an đến lập biên bản thì Tín bỏ đi. Sáng hôm sau, tôi mời anh lên taxi ra tiệm rượu quen với tôi trên đường Hồ Tùng Mậu, tôi khui niêm phong mấy thùng rượu ra nhờ bà chủ định giá. Hóa ra hầu hết là rượu giả, số rượu thật còn lại chỉ đáng giá năm triệu đồng. Tôi lấy hai triệu rưỡi đồng ra đưa cho Tín và mang một nửa số rượu về nhà, cất vào tủ để làm kỷ niệm. Dẫu là rượu giả, nhưng lòng tôn sư trọng đạo của các em sinh viên vẫn là có thật. Cũng như tôi, các em đã không lường được kẻ xấu có thể giả làm người tốt thì rượu thật rượu giả nào có nghĩa lý gì !

Cuối năm ấy – năm 2006 – tôi nộp đơn ra tòa xin ly dị. Nhưng đã hơn một năm nay tòa vẫn chưa xử được vì chưa xác định đâu là tài sản riêng và đâu là tài sản chung giữa hai người. Ngay cả cái giấy xác nhận tài sản riêng của tôi về ngôi nhà Hồ Văn Huê cũng đã bị đánh cắp. Mặc dù nó còn lại bản sao thị thực nhưng trước tòa, Tín vẫn khăng khăng đó là tài sản của anh, nay thì nói tòan bộ, mai lại nói một nửa, lúc thì lý nầy, khi thì lẻ khác. Nhà chức trách không biết tin vào đâu khi sự thật đã bị đánh lận con đen bằng cả một mưu đồ.

Với luật pháp, tôi có thể gởi niềm tin vào công lý, dù biết rằng còn lắm gian nan. Nhưng với cuộc đời, khi vẫn còn tồn tại những thầy thuốc như Đức, những nhà giáo như Tín thì tôi luôn ám ảnh, phập phồng, lo sợ trước những mối nguy cơ đang tiềm ẩn và sẽ tiềm ẩn biết đến bao giờ !?

( Ghi theo lời kể của chị T.T.D )

-->đọc tiếp...

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2008

PHỎNG VẤN 21 THÁNG 6




Võ Đắc Danh:

Không thể nào không viết

Tôi không dám tự cho rằng mình là một người tử tế, nhưng để không đầu hàng, không thỏa hiệp, tôi phải chịu một áp lực khác, lớn hơn, đó là lòng tin của bạn đọc, của đồng nghiệp, nhất là những người cầm bút thuộc thế hệ đàn em, trong đó có những đứa vì quý mến tôi mà đi theo nghề báo

Phong Điệp thực hiện

· Xin trích một đoạn trong bài kí Đất của mẹ, anh mới viết: “Hồi trước, anh từng nói với tôi, “Chỗ anh em cùng họ với nhau, lúc nào tôi cũng coi chú như em ruột. Khi nào chú cảm thấy nhớ quê thì cứ mua vé bay về chơi, mọi thứ tôi lo hết”. Mặc dù tôi chưa lần nào ngẩu hứng về quê như lời anh căn dặn, nhưng tôi vẫn ghi nhớ trong thâm tâm đó là một ân tình.Thế rồi một hôm anh gọi điện cho tôi, nhờ tôi can thiệp với một tờ báo đang “tấn công” anh về chuyện đất đai. Anh nói: “Tôi biết, tác giả của những bài báo ấy dù gì cũng là đàn em của chú, chú nói giúp tôi một tiếng, tôi mang ơn !”Tôi biết tôi từ chối giúp anh trong lúc ấy, có thể là một sự phũ phàng. Nhưng nếu tôi buông một câu nói với người bạn đồng nghiệp của tôi để can thiệp giúp anh thì với mẹ Giàu, không chỉ là sự phũ phàng mà còn là điều ác. Tôi muốn anh hiểu được điều ấy mà chia sẻ với tôi, đừng trách, đừng giận tôi, bởi tôi không thể vì anh mà quay lưng lại với mẹ Nguyễn Thị Giàu, một người mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ.”

Có thể nói, người làm báo là người phải biết đương đầu với mọi áp lực. Xin hỏi, anh có thường xuyên lâm vào những tình huống khó xử như vậy không? Có khi nào anh phải chịu “đầu hàng” hay thoả hiệp?

-Có thể nói ĐẤT CỦA MẸ là một trong nhiều tình huống khó xử mà tôi đã trải qua. Cách đây hai mươi năm, tôi đã gặp một trường hợp tương tự như thế. Đó là anh Sáu Kiên, một quan chức, một nhân vật phản diện trong bút ký NƠI ẤY BÂY GIỜ lại là một người anh bà con trong dòng họ bên ngoại tôi, nhưng tôi cũng phải xử sự một cách sòng phẳng trên trang viết của mình. Tôi không dám tự cho rằng mình là một người tử tế, nhưng để không đầu hàng, không thỏa hiệp, tôi phải chịu một áp lực khác, lớn hơn, đó là lòng tin của bạn đọc, của đồng nghiệp, nhất là những người cầm bút thuộc thế hệ đàn em, trong đó có những đứa vì quý mến tôi mà đi theo nghề báo.

· Vậy tiêu chí viết và sống của anh là gì?

· Một câu hỏi ngắn nhưng hàm ý quá mênh mông, thật khó trả lời. Tôi nhớ có lần, đang lúc lao vào những vấn đề phức tạp, thậm chí có thể nguy hiểm đến bản thân. Bất chợt mẹ tôi nói một câu: “Làm gì thì làm, nguy hiểm mẹ không sợ. Nhưng nhớ không được viết sai dù một câu, một chữ. Viết sai, nếu không nguy hiểm cho mình thì cũng nguy hiểm cho người khác.” Mẹ tôi không phải là người nhiều chữ nghĩa, nhưng lời dạy của bà chính là cái chân lý bất di bất dịch đối với tôi trong cả một cuộc đời cầm bút. Một lần khác, một nhóm bà con nông dân kéo đến nhà tôi nhờ can thiệp chuyện oan ức. Tôi tiếp khách trên lầu nhưng không ngờ mẹ tôi ngồi dưới cầu thang để theo dõi thái độ của tôi. Khi khách ra về, mẹ tôi vui vẻ nói: “Người ta khổ đau mới tìm tới mình, không giúp được gì cho người ta thì ít ra cũng phải có một thái độ chia sẻ như vậy để cho người ta vui, con ạ !”. Đó là bài học thứ hai của tôi trong tác nghiệp. Ngoài ra thì tôi chỉ là một công dân bình thường, thậm chí rất bình thường.

· Tính thời điểm bây giờ, anh có nhớ mình đã viết bao nhiêu bút kí?

· Tôi là người viết chậm, hai mươi lăm năm cầm bút, trừ những thể loại khác thì bút ký của tôi chưa đến con số một trăm. Nhưng tôi không quan tâm đến số lượng mà chỉ lao vào những nhân vật mà mình cảm thấy không thể nào không viết được.

· Hàng ngày, tiếp cận với nhiều người, nhiều thành phần xã hội, nhưng để một trong số họ trở thành nhân vật cho bài bút ký của mình thì cách anh phát hiện ra họ là… ?

· Câu nầy đã có nhiều đồng nghiệp hỏi tôi, và đôi khi tôi cũng tự hỏi mình như thế. Giờ nếu ngồi nghiệm lại từng nhân vật thì thấy rằng mỗi nhân vật đến với tôi một cách khác nhau, một hoàn cảnh khác nhau, thậm chí rất ngẫu nhiên, có khi trong một tiệc nhậu vô tình nghe ai đó kể, có khi trên một chuyến đò hay một chuyến xe . . . Nhưng nói chung là tôi với các nhân vật của tôi gặp nhau ở một tầng sóng nào đó chăng ? Một số phận đang phát ra một tầng số cần được chia sẻ, mình phát ra một tầng số sẵn sàng chia sẽ. Thế là hai bên gặp nhau.Tôi nghĩ dường như là như vậy.

· Mỗi bút kí của anh là một nhân vật, mỗi nhân vật là một số phận. Và khi đã trở thành nhân vật của một tác phẩm văn học thì không thể nói nhân vật nào quan trong hơn nhân vật nào. Tuy nhiên tôi vẫn muốn hỏi: nhân vật nào khiến anh bị ám ảnh nhất?

· Những con người khát khao sự tử tế, khát khao được sống đàng hoàng tử tế nhưng bị xã hội đấy họ vào bước đường cùng.

· Đã có khi nào anh bị bất lực trước nhân vật của mình?

· Đây là một vấn đề có liên quan đến quá trình nhận thức về công việc. Hồi trước, khi mới vào nghề, tôi quan niệm rằng ngòi bút của mình có vai trò “cứu nhơn độ thế” khi nó làm đổi đời một vài số phận. Từ đó tôi say sưa đi tìm kiếm những số phận hẳm hiu để mong làm cho họ đổi đời. Nhưng càng về sau thì tôi càng nhận ra rằng đó chỉ là điều hoang tưởng. Và tôi đã bất lực trước những nhân vật của mình, không cứu rỗi được cuộc đời họ. Nhiều khi tôi muốn bỏ nghề, nhưng khổ nỗi cái nghiệp nó không chịu bỏ tôi. Cuối cùng thì tôi nghiệm ra một chân lý khác, ngòi bút không phải “cứu nhơn độ thế” mà là phản ánh hiện thực, nó làm cho người ta “yêu mến Thạch Sanh” và “căm ghét Lý Thông”, thậm chí, nó có thể cảnh báo rằng, trong đàn con của Mẹ Âu Cơ của chúng ta bây giờ Thạch Sanh thì quá hiếm hoi mà bọn Lý Thông thì hàng đàn hàng đống.

· Hàng loạt các bút kí của anh được mua bản quyền và chuyển thể kịch bản phim tài liệu, phim truyền hình như: Đồng cỏ chát, Thà đui mà giữ đạo nhà, Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Chuyện cũ, Gã khùng , Nỗi niềm sinh tử bên rìa công thổ quốc gia, Đứa con nuôi, Đất lên, tình người xuống Nữ hoàng áo bà ba, Chị Phượng, Ông Kỳ Phùng, Thế giới người điên, Bần nông lên ngôi vua, Bà chúa vỉa hèVõ Đắc Danh cũng đã trở thành một tác giả có thương hiệu. Tuy nhiêu, liệu còn có điều gì anh thấy vẫn chưa hài lòng chính mình?

· Tôi không thích lạm dụng hai chữ “thương hiệu” cho ngòi bút. Thật tình mà nói, nếu cho rằng mình chưa phải là cây bút có uy tín thì có thể bị xem là “khiêm tốn dỏm”. Nhưng sống thật lòng với công việc mới thấy rằng làm cái nghiệp nầy niềm vui và nỗi khổ ngang nhau. Viết xong một bút ký, thấy nhẹ người, thấy thanh thản lương tâm vì mình đã nói thay được cái nỗi đau của đồng loại. Được ông Nguyễn Trí Huân hay ông Trương Vĩnh Tuấn đăng lên báo, được bạn đọc gởi mail, nhắn tin, gọi điện chia sẻ vài câu, mình cảm thấy sướng được ba ngày, cũng có khi năm ngày ( riêng ĐẤT CỦA MẸ thì hai tuần ). Sau đó thì hụt hẫng, trống vắng, thấy sự sống của mình vô nghĩa, mọi trang viết đã qua đều vô nghĩa. Lại lang thang đi nhậu, đi tìm cái mới hơn mà viết, rồi lại thấy thanh thản khi viết xong, lại thấy sướng khi đăng lên báo, rồi lại thấy chán, thấy mình vô nghĩa . . . Lại khát khao. Cứ thế mà sống, mà viết. Tôi chưa bao giờ hài lòng với cái đống đồ cũ của mình, thậm chí cảm thấy mắc cỡ không dám đọc lại.

· Sự sống của mình vô nghĩa, mọi trang viết đã qua đều vô nghĩa” và cảm giác “mắc cỡ không dám đọc lại” những bài viết của mình. Những gì anh vừa nói khiến tôi ngạc nhiên. Anh - dường như đang giận chính mình. Vì sao vậy?

· Cũng có thể là tôi đang giận chính mình. Nhưng nói chính xác hơn là tôi luôn dằn vặt một mặc cảm tội lỗi với những nhân vật của tôi. Sau mỗi một bút ký, tên tuổi tôi ít nhiều được đánh bóng thêm, còn những nhân vật của tôi thì tiếp tục đắm chìm trong tiếng kêu oan vô vọng. Nhiều khi tôi tự hỏi, có phải mình đã làm sang cho mình bằng những thân phận thấp hèn của họ chăng ? Tôi cảm thấy đau lòng, thậm chí thấy ê chề, nhục nhã. Nhưng rồi sau đó gặp một thân phận khác, tôi lại dằn vặt muốn tiếp tục sẻ chia, muốn nói thay họ những điều mà họ không nói được. Cứ thế mà tôi cứ sống trong cái vòng lẩn quẩn buồn vui, cay đắng của cuộc đời, không thể tự tìm cho mình lối thoát nào khác.

· Tôi tin sẽ nhiều người cảm thấy bất ngờ khi biết thông tin này: Võ Đắc Danh – hiện nay - là nhà báo “không thẻ”. Tất nhiên “quyền năng” của nhà báo không sinh ra từ một tấm thẻ vô tri vô giác, mà xuất phát từ chính trái tim, từ khối óc, và từ tài năng của anh ta. Anh có thể nói một chút về chuyện nhà báo có thẻ và không thẻ của mình?

· Chuyện lâu rồi, kể lại thì quá dài dòng. Đại khái là tôi bị Bộ VHTT thu hồi thẻ nhà báo vì bài văn phiếm luận “Kính thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo” đăng trên Văn Nghệ Trẻ hồi cuối năm 2002. Phải thừa nhận rằng bài viết nặng nề quá, hơi “hỗn” khi phê phán những công trình lớn của Nhà nước như hệ thống nhà máy đường, hệ thống cảng cá, hệ thống ngọt hóa bán đảo Cà Mau . . . Đã sáu năm qua, những dự án mà chúng ta phê phán ấy đã sập tiệm, phá hoại của ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng chẳng thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm trước nhân dân. Lẽ ra nếu chơi đúng luật, chơi sòng phẳng thì họ phải thừa nhận rằng tôi viết đúng và trả lại cái thẻ nhà báo cho tôi. Nói chung là mọi thứ đều bị nhận “chìm xuồng”. Tôi bị mất thẻ nhưng không mất trái tim của người làm báo.

· Chúng ta – xét cho cùng ai cũng mang trong mình gốc gác nông dân. Nhưng hiểu được người nông dân thì không phải ai cũng hiểu, nhất là khi nông thôn của chúng ta đang chuyển biến từng ngày từng giờ mà bản thân chúng ta nếu không “ba cùng” với người nông dân thì sẽ thật khó có thể hiểu được họ. Còn anh lại tự nhận mình chỉ là người nông dân cầm bút viết về người nông dân. Xin hỏi có khi nào “anh nông dân Võ Đắc Danh” thấy mình lạc hậu với chính những người nông dân ở miền tây quê anh ?

· Chắc chắn là không. Nếu trở lại làm ruộng, tôi sẽ được tuyên dương “Nông dân sản xuất giỏi” vì tôi đã tiếp cận với khoa học kỹ thuật nhiều hơn. Nhưng có một điều, nếu trở lại làm kiếp nông dân thì tôi sẽ đau khổ nhiều hơn, bởi người ta chỉ khổ đau khi nhận thức được thân phận của mình. Đó là sự tụt hậu, sự thua thiệt, bị phản bội, bị bỏ rơi, bị ngược đãi . . .

· Từng viết hàng trăm bài bút kí, đăng tải hầu khắp các báo lớn từ Nam chí Bắc, nhắc đến Võ Đắc Danh là bạn đọc nhớ đến hàng loạt các bài bút kí gây chấn động; xin hỏi: tự bản thân mình – anh thấy viết bút kí dễ hay khó?

· Với tôi là luôn luôn khó, mỗi bài viết có cái khó khác nhau. Bởi lẻ mỗi nhân vật là một số phận, một hoàn cảnh khác nhau. Khi tiếp cận, mình phải gần gủi, thương yêu họ như thương chính bản thân mình, nhiều khi phải tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ mới cảm nhận hết nỗi đau. Nhân vật của truyện thì đi ra từ trang viết, nhân vật của ký thì ngược lại, từ cuộc đời thực bước vào trang viết, họ đang hiện hữu giữa đời, chỉ cần sơ sẩy một chi tiết cũng có thể gây phiền phức, nhân vật chính diện có thể mất lòng tin về sự trung thực của chúng ta, còn nhân vật phản diện thì có thể kiện chúng ta ra tòa theo luật. Nhưng cái khó lớn nhất là phải trang bị cho mình cái bản lĩnh để không biết sợ, để dám nhìn thẳng vào sự thật, dám gọi đúng tên của từng sự việc, cả điều thiện lẩn điều ác.

· Anh của 25 năm trước khác với anh của ngày hôm nay ở điểm nào?

· Tôi sẽ không hỏi anh/Vì sao rượu xé môi non lòng sầu hiu hắt/Sao đốt đời mình bằng khói thuốc cuồng điên/Anh bây giờ như nắng xế phủ ngoài hiên/Sẽ rơi rụng phía nào ai biết được !”

Đó là những câu thơ của một người bạn gái làm tặng tôi 25 năm trước. Gần đúng như vậy.Bây giờ thì mọi thứ đã khác, một người chồng, một người cha có trách nhiệm. Một người “nông dân cầm bút” luôn đau với nỗi đau của người nông dân.

· Bền bỉ với nghề báo chừng ấy năm, nếm trải đủ những cay đắng, nhọc nhằn; anh có tâm nguyện gì cho riêng mình?

· Với đời sống cá nhân, tôi cũng chỉ là một công dân bình thường như bao công dân bình thường khác. Còn với nghề, tôi xem nó là một cái đạo và sẵn sàng tử vì đạo. Một nhà sư - một vị Thượng tọa của một ngôi chùa lớn ở Sài Gòn - đã tâm sự với tôi rằng mục tiêu phấn đấu của ông ta là để làm một con người bình dị nhất. Tôi nghĩ điều đó rất khó nhưng cũng rất đáng phải làm. Tôi từng nói với con tôi rằng “ cha cố gắng sống tử tế để đời con sống một cách tử tế mà không cần cố gắng.” Con tôi hồn nhiên hỏi: “Tại sao sống tử tế mà phải cố gắng ?” Tất nhiên là tôi phải tốn công giải thích, nhưng tôi rất vui vì con tôi đã hồn nhiên hỏi lại tôi câu ấy. Có nghĩa là nó đã biết sống tử tế như cái sự tự nhiên mà không cần cố gắng.

( Văn Nghệ Trẻ, 22 tháng 6 năm 2008 )

-->đọc tiếp...