Thứ Tư, 25 tháng 2, 2009

HÀNH TRÌNH VƯỢT LÊN SỐ PHẬN




Cháu Lê Thị Hoàng Oanh xin được chụp ảnh với nhà thơ Đỗ Trung Quân (Nhà văn Trần Thôi và Võ Đắc Danh ăn theo)

“Đau đớn quá anh ơi !”. Đó là tin nhắn của đạo diễn Lê Nguyễn Khôi Nguyên từ Vĩnh Long khi đang quay chương trình VƯỢT LÊN SỐ PHẬN. Ban đầu, tôi mời Khôi Nguyên cộng tác với vai trò quay phim vì anh là một ống kính tài hoa. Nhưng sau đó có sự thay đổi vì Nguyên đã từng làm đạo diễn và đang học đại học đạo diễn sắp ra trường. Một gã đầu đinh, tính khí giang hồ, phải thì chơi tới cùng, không phải thì thôi. Một tính cách như thế, tôi không thể ngờ rằng Nguyên có thể mềm lòng đến bật khóc khi tiếp cận với những nhân vật của mình đến mức phải buông tay máy. Nguyên gọi điện nói: “Anh ơi, làm sao có tiền ngay để giúp đứa bé đang bị bướu máu, chậm một ngày là khổ một ngày đối với người ta . . .”. Hôm sau, nhà văn Trần Thôi, tác giả kịch bản gọi điện: “Ông Nguyên xuất tiền túi mua hai chiếc xe đạp cho hai học sinh nghèo ở Long Hồ, ổng bắt tôi đi lựa và bỏ lên xe lôi chở vô cho ổng . . .”

Hôm sau, chúng tôi xuống hiện trường, nhìn hai chiếc xe đạp trong nhà ông Bảy Cưởng mà Nguyên vừa tặng hai đứa cháu ngoại ông, bé Khánh Linh và Vũ Linh, tôi nghĩ không thể nào không hành xử như thế bởi hai đứa bé hàng ngày đi học phải lội bộ trên con đường hơn ba cây số. Hai đứa trẻ mất mẹ, cha bỏ đi biệt xứ, sống với ông bà ngoại mà bà ngoại thì đang nằm trong bệnh viện, ông ngoại hàng ngày ngồi còm lưng nắn từng chiếc cà ràng đem bán để kiếm cơm. Cảnh nghèo khổ như thế trên đất nước nầy không ít, nhưng, trong cảnh nghèo khổ ấy mà hai chị em Linh vẫn bám lớp bám trường để ấp ủ một tương lai, đó chính là câu chuyện mà chúng tôi muốn kể. Linh đang học lớp 11, tôi hỏi cháu định chọn ngành gì trong năm sau, cháu nói sẽ thi vào ngành điều dưỡng. Tôi hỏi vì sao, cháu nói vì đi nuôi bà ngoại trong bệnh viện, thấy mấy cô điều dưỡng dễ thương quá, cháu thích. Nguyên nói nhỏ với tôi, bé Linh bệnh yếu tim, mỗi ngày hai lượt đi về hơn sáu cây số, có hôm về đến nhà là nằm vùi, mặt mày xanh mét, có chiếc xe đạp cũng đỡ cho nó.

Trong ngôi nhà lá rách nát giữa khu vườn tạp, mồ mả vây quanh, hai vợ chồng già. Người chồng bị mù nằm trên ván, bà vợ đi bán vé số mới về. Đó là cha mẹ của cháu Lê Thị Hoàng Oanh, học sinh lớp 10 trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngôi trường nổi tiếng của Vĩnh Long. Nhà rách nát, nhìn đâu cũng thấy màu khói bám vì nấu nướng bằng củi tạp – một mức sinh hoạt mà hiện nay tưởng như không còn tồn tại – và, một sự tồn tại đến không ngờ nữa là nguồn nước sinh hoạt được lấy từ con mương nhỏ sau hè, một con mương được chắn hai đầu bằng bờ đất và hai đầu bên kia là nước thải của các nhà vệ sinh trong xóm.Hỏi sao không gắn đồng hồ nước, chị Ánh, mẹ cháu Oanh nói, có đăng ký nhưng chi phí hơn hai triệu đồng, gia đình không có khả năng.

Lê Thị Hoàng Oanh tan học về, cô bé xuất hiện làm tôi ngỡ ngàng: trắng tinh,xinh đẹp, hồn nhiên trong chiếc áo dài màu trắng. Nhà thơ Đỗ Trung Quân không cầm được nước mắt khi nghĩ rằng bao nhiêu năm rồi Oanh phải tắm giặt với một nguồn nước mà những cô gái cùng trang lứa với cháu chưa chắc gì đã dám rửa tay. Sau khi trao quà của chương trình, Quân móc bóp lấy ra ít tiền đưa cho cháu: “Chú đọc kịch bản, thấy cháu chưa bao giờ biết ăn hủ tíu, thậm chí ăn xôi mà cũng không dám ăn xôi mặn, chỉ dám ăn xôi ngọt mỗi gói một ngàn. Bây giờ chú có một đề nghị: Chiều nay cháu đi chợ mua thịt cá về làm một bữa cơm đãi ba mẹ cháu thay chú, phần còn lại chú thưởng cho tinh thần hiếu học của cháu bằng những tô hủ tíu, những gói xôi mặn . . .” Cô bé lại cười rất hồn nhiên.

Mỗi nhân vật là một số phận, nhưng trong mỗi số phận ấy toát lên một câu chuyện của ý chí, của nghị lực, của lòng nhân ái làm lay động tấm lòng người đi kể chuyện – những tác giả kịch bản, những đạo diễn, những quay phim. Đạo diễn Trần Quế Ngọc khi đi quay bộ phim “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” ở Đồng Xoài, nhìn cảnh ông ngoại chăm sóc đứa cháu bại liệt từ thuở lên bốn cho đến khi cháu học lớp 11, hàng ngày ông đưa đón cháu lên xuống chiếc xe lăn, chị đã khóc và vét đến đồng bạc cuối cùng của mình để trao cho nhân vật. Cũng như tác giả kịch bản Mai Hân, khi đi viết về chị Tùng ở Bình Chánh, một người mẹ bán cá, vừa mang bệnh ung thư nhưng phải cam chịu để nuôi ba đứa con ăn học. Chị Mai Hân vừa vận động bạn bè góp tiền cho chị Tùng, vừa xuất tiền túi ra cho chị, và, trong một buổi chiều chạng vạng, chị đã mua hết phần cá còn lại của chị Tùng để sáng hôm sau chị yên tâm nhập viện . . .

Những câu chuyện của các nhân vật với những người làm phim cứ thế hòa quyện, gắn chặt vào nhau, chia sẻ cùng nhau những bài học làm người, biết yêu thương và vượt lên số phận.

-->đọc tiếp...

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2009

Giới thiệu chương trình VƯỢT LÊN SỐ PHẬN




Ông Lê Văn Khôi và cháu ngoại Nguyễn Lê Hoài Trung, nhân vật trong phim TÔI ƠI ĐỪNG TUYỆT VỌNG.Chủ biên: Võ Đắc Danh. Kịch bản: Khải Đơn, Biên tập & lời bình: Võ Đắc Dự, Đạo diễn: Trần Quế Ngọc, Quay phim: Nguyễn Văn Bách,Dựng phim Lê Minh Bảo, Đọc lời bình: Thy Mai, Dẫn chương trình:Đỗ Trung Quân.


VƯỢT LÊN SỐ PHẬN là chủ đề của một chuyên mục ký sự nhân vật đăng vào thứ hai hàng tuần trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, đồng thời cũng là chương trình truyền hình phát vào 21 giờ tối thứ hai hàng tuần trên VTV9 – dự kiến vào đầu tháng ba sắp tới.

Đây không phải là một chương trình truyền hình từ thiện xã hội được thiết kế theo một format mà chúng ta đã từng xem. Cũng là những con người thật việc thật, nhưng mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật ngồn ngộn chất liệu đời sống là một hình tượng nghệ thuật được chuyển tải bằng ngôn ngữ của phim tài liệu bởi những nhà văn, nhà báo, đạo diễn và những nhà quay phim chuyên nghiệp.

VƯỢT LÊN SỐ PHẬN cũng không nhằm kể lể sự nghèo khổ của mỗi nhân vật để kêu gọi lòng thương hại của cộng đồng. Mỗi bộ phim là một tác phẩm nghệ thuật nhằm tôn vinh những tình cảm, phẩm chất, lòng nhân ái, bản lĩnh, nghị lực và ý chí vượt khó của những con người thiếu may mắn. Nhưng ở họ có rất nhiều điều đáng để chúng ta học tập.

Khi xây dựng ý tưởng cho chương trình nầy, chúng tôi liên tưởng đến một hình ảnh quen thuộc ở vùng bán đảo Cà Mau, một vùng đất có hệ sinh thái rất đặc biệt là mỗi năm có hai mùa mặn ngọt, hệ thống sông ngòi chằng chịt, phương tiện đi lại chủ yếu bằng xuồng ghe. Khi đến mùa nước mặn, các nhánh sông đều được ngăn lại để giữ ngọt cho đất trồng lúa, người ta gọi là đắp đập. Chính vì vậy mà nỗi ám ảnh lớn nhất của người đi đường là kéo xuồng qua đập. Sức yếu, thế cô, xuồng chở nặng, gặp con đập thì đành phải ngồi chờ, cầu may có ai đó qua đường để giúp họ một tay, nếu không có người giúp thì đành chịu, không cách nào để ra sông lớn.

Người nghèo trên đất nước ta chiếm một tỷ lệ khá cao. Nhưng, không phải ai cũng nhận thức được thân phận mình, không phải ai cũng có ý chí vượt ra sông lớn. Và, không phải ai có ý chí cũng đều có đủ nghị lực, đủ điều kiện để vượt ra sông lớn.

Một chị Tùng ở Bình Chánh, sống nghề bán cá và gia công bó chổi lông gà để nuôi ba đứa con ăn học. Chẳng may mắc bệnh ung thư, chính quyền địa phương giúp chị sáu triệu đồng chữa bệnh. Khi vào viện nhận lịch mổ, chị đứng trước sự lựa chọn: căn nhà sắp sập, nếu cứu được mình mà nửa đêm nhà sập, con chết thì mình sống với ai ? Cuối cùng chị trốn viện để đem tiền về sửa lại căn nhà. Một ông Khôi ở Bình Phước nuôi đứa cháu ngoại vừa mồ côi, vừa bệnh tật. Hàng ngày, ông đẩy xe lăn đưa cháu đến trường. Khi bé Trung học đến cấp ba, phải ra Đồng Xoài thuê nhà trọ, ông bỏ quê ra ở cùng với cháu. Đáp lại tình thương của ông, Trung luôn là học sinh xuất sắc, ngược lại, ông luôn xem Trung là niềm tự hào của mình . . .

Mỗi gia đình, mỗi cuộc đời có một số phận khác nhau. Và cứ mỗi một câu chuyện như thế, chúng tôi đã học ở nhân vật của mình một bài học làm người. Khi tiếp cận với họ, chúng tôi luôn tự hỏi: Nếu chẳng may mình rơi vào những hoàn cảnh như vậy, liệu mình có đủ nghị lực và phẩm giá để sống một cách tử tế như họ không ? Và, chúng tôi muốn chuyển những câu hỏi đầy trăn trở ấy đến các bạn qua mỗi trang viết, mỗi bộ phim ngắn mà chúng tôi đang thực hiện. Chúng tôi giúp họ và kêu gọi các nhà hảo tâm giúp họ, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng đôi khi tôi nghĩ khác, không phải chúng ta giúp họ mà là chúng ta trả tiền học phí cho những bài học vô giá về số phận, về lòng nhân ái, về nghị lực, về phẩm giá . . . nói chung là những bài học làm người.

-->đọc tiếp...

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2009

LÃO KWAN ĐƯỢC ƯU TIÊN NHƯ THẾ NÀO ?




Trưa thứ tư, 11-2, cùng với lão Kwan vào chợ Thái Nguyên. Ngôi chợ vùng cao khá hoành tráng, tìm mãi mới thấy cái WC. Theo thông lệ, phí vệ sinh công cộng mỗi người là 1.000đ, lão Kwan vừa đi ra, định móc tiền trả thì em gái trực nhà vệ sinh reo lên:"Ôi, có phải chú đóng vai thầy giáo của Bảo Nam trong phim Bỗng Dưng Muốn Khóc không ạ ?". Lão Kwan sướng rân người: "Đúng, nhưng bây giờ chú vừa đóng phim bỗng dưng muốn . . . đái". Em gái niềm nở: "Vâng, cháu xin được miễn phí cho chú ạ !" Thế là Kwan tiết kiệm được 1.000đ.
Xem ra, đóng phim cũng có nhiều cái lợi bất ngờ.
-->đọc tiếp...

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2009

MÙA SA MƯA





Hai năm trước, trong chuyến đi chơi Củ Chi, chúng tôi ghé vào một nhà hàng ven sông, bất chợt nhìn vô thực đơn thấy có món rau luộc chấm kho quẹt. Giựt mình gọi thử. Trời ạ ! Nó giống y chang như ngày xưa. Một dĩa rau luộc gồm năm sáu thứ rau đồng, một cái ui đất kho sền sệt nước mắm và tép mỡ. Không còn nghi ngờ gì nữa, hẳn người chủ quán nầy có liên quan ít nhiều đến ký ức của một thời nghèo khó, giờ đem ra bày bán cho dân nhập cư.

Ở quê tôi, vùng bán đảo Cà Mau, vào mùa nước mặn, cá đồng rút về miệt Sông Hậu, Sông Tiền, nhường chỗ cho các loài cá biển. Đến mùa sa mưa, nước phèn đổ xuống các dòng sông, cá biển trở về với biển, cá đồng từ Sông Hậu, Sông Tiền theo nước đục từ đầu nguồn bắt đầu quay trở lại để đẻ trứng, sinh con. Trong cái khúc giao mùa từ hạn sang mưa, từ mặn sang ngọt ấy, khoảng thời gian gần hai tháng, tất cả các dòng sông đều lững lờ một dòng nước phèn trong vắt, nhìn thấy tận đáy, vắng bóng cá tôm. Nếu như cái tiết giao mùa từ ngọt sang mặn, cá đồng chạy từng đàn, chồng chất lên nhau, bắt ăn không hết, phải làm mắm làm khô thì mùa sa mưa, ngược lại, không tìm đâu ra cá. Âu cũng là luật bù trừ. Những ngày tháng ấy, dân xứ tôi hay nói đùa là ăn cơm cục chấm cơm rời. Nhưng bù lại, mùa sa mưa cũng là mùa của nấm rơm, nấm phân trâu và rau đồng. Bây giờ, bạn có thể biết nhiều loại nấm, nhưng chắc rằng chẳng mấy ai thưởng thức được cái vị đậm đà của nấm phân trâu. Xứ tôi, mùa hạn, trâu ăn cỏ đầy đồng, phân trâu cũng đầy đồng. Thông thường thì chẳng ai thèm để ý, trừ khi người ta lấy một ít phân khô để đốt lửa nấu cháo heo hoặc dự trữ một ít để mùa mưa bón cho dây mướp dây bầu. Phân trâu không có mùi hôi mà ngược lại, nó thơm thơm mùi rạ, mùi rơm, mùi cỏ úa. Chỉ sau một trận mưa sòng, sáng ra là cả một cánh đồng rực lên một rừng nấm trắng từ những đám phân trâu. Phải hái nó trước khi mặt trời mọc để giữ những chiếc nấm non tơ, mập ú, tròn trịa như chiếc dù con con trước khi chúng bung ra hình chiếc lọng. Nấm phân trâu xào mỡ, vừa ngọt, vừa béo, vừa thơm, chỉ có thể so với nấm tràm, nấm mối và nấm bào ngư. Nhưng nấm phân trâu bạo phát bạo tàn, chỉ rực lên một hai đêm rồi hết. Nấm rơm tự nhiên cũng thế, chỉ sau vài cơn mưa, hái được vài lần, khi lớp rơm bên ngoài nhão ướt thì cây rơm phủ lên toàn nấm dại.

Sau vài trận mưa sòng, cánh đồng trở thành vương quốc của các loài rau. Chẳng biết từ khi nào, trong hành trình khẩn hoang, cha ông ta với sự kiểm nghiệm bằng vị giác đã phân định đâu là rau, đâu là cỏ để cháu con thừa hưởng sự phong phú của rau đồng: rau muống, rau đắng, rau má, rau diệu, rau trai, rau ngổ, cải trời, nhãn lồng, đọt choại . . . Tất cả những thứ ấy gom lại thành một nồi canh, gọi là canh rau tập tàng. Nồi canh rau tập tàng cho vào một con mắm, tạo nên cái hương thơm nồng, cái vị mằn mặn, ngòn ngọt, đậm đà khó tả, khó quên. Mùa sa mưa ở quê tôi lấy món rau tập tàng làm thức ăn chính. Hoặc nấu canh nêm mắm, hoặc luộc chấm mắm kho. Hết mắm hoặc ngán mắm thì kho nước mắm cho sôi lên, sắc xuống sền sệt, nêm đường, bột ngọt, tiêu, củ hành, sang trọng hơn chút nữa là tép mỡ, cứ thế mà cầm cự cho đến khi cá đồng xuất hiện, đầu tiên là cá ròng ròng, cá rô thóc, chúng bị tấn công cho đến lớn dần.

Ngay sau vài trận mưa đầu tiên, đất ruộng bắt đầu xôm xốp, chúng tôi xách cái thùng thiếc với cây dao phay ra đồng, xới nhẹ ven bờ mẫu, nghe tiếng sột soạt là bới lên, lượm một vài con ốc. Gọi đó là ốc đầu mùa. Ốc đầu mùa không nhiều so với khi đồng ngập nước, nhưng sạch và ngon, bụng dạ trắng phau, không nhớt, không rong, không đất, thịt thơm giòn, tinh khiết. Nhưng khổ nỗi đi kiếm cả ngày không đủ một bữa ăn.

Sa mưa cũng là mùa soi ếch. Nước ngập đất nẻ, ngập đìa. Ban đêm, ếch từ các hang cùng ngõ hẻm chui lên, ếch đực ếch cái gọi nhau quệt quệt vang cả các cánh đồng. Đó là mùa yêu đương, mùa giao phối để sinh con đẻ cái. Đèn soi ếch cũng đỏ đồng như ngày hội. Ba tôi ngày xưa rất nổi tiếng với biệt tài soi ếch. Không phải như người ta xách đèn đi tìm theo tiếng ếch, ông tắt đèn, ngồi im một chỗ, miệng kêu quệt quệt y chang như tiếng ếch. Loài ếch tưởng bạn tình nên cứ mon men nhảy tới, vừa nhảy vừa kêu. Khi chúng tới gần, ông bật đèn khí đá sáng lên, thộp đầu từng con bỏ vô bao, không con nào chạy thóat.

Bây giờ, ếch đã được nuôi công nghiệp, ốc lác lẫn lộn với ốc bươu vàng, rau tập tàng được thay bằng rau thập cẩm. Cũng không phải rau mà là bắp cải, đậu bắp, bầu non luộc chấm với nước mắm kho đường thay cho mẻ kho quẹt trong thực đơn của các nhà hàng. Biết là không giống, không thể nào giống được, và sẽ vô cùng phi lý khi ngồi trong phòng lạnh được phục vụ bởi những cô gái chân dài, váy ngắn mà đòi cho được món rau tập tàng với mẻ kho quẹt giống hệt như ngày xưa.

-->đọc tiếp...

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2009

XE ĐẠP ÔM


Hội An
(1)

Hoi An
(2)

Hội An
(3)


Sáng mùng ba
Hội An, nắng vàng, phố cổ
Hai đứa bận đồ đẹp
Anh dép kẹp
Em guốc cao
Mình chở nhau
trên chiếc xe xẹp bánh
...


Chú thích:

(1): Kiếm khách
(2): Có khách!
(3): Mất khách.
-->đọc tiếp...