-
( Trời mưa ngập hết nhà cửa, phố xá, bổng dưng nhớ đồng nên post lại bài cũ )
Nhiều khi tôi tự vấn: tại sao mình không thể thiếu món cá trê kho khô hoặc kho gừng trong mỗi bửa ăn, nhất là món cá trê kho sền sệt trong ui đất. Dù là bạn bè mời đi ăn tiệc sang trọng ở nhà hàng, tôi cũng chỉ ăn qua loa rồi lại quay về với cái mẻ cá trê kho.
Cứ mỗi lần đọc báo thấy bóng dáng của con cá đồng, và cứ mỗi năm vào mùa gió chướng thì tôi lại nhớ đồng da diết. Trong nỗi nhớ miên man ấy có một cái điểm dừng, cái dấu ấn sâu đậm nhất là đi bắt cá đồng vào buổi chiều ba mươi tết, cách nay gần bốn chục năm.
Tôi lớn lên bên cánh đồng Chó Ngáp, cái tên ấy không biết có tự bao giờ. Ba tôi giải thích rằng từ rất xa xưa, khi vùng đất nầy mới khẩn hoang, có một gã thợ săn dẫn con chó đi qua đây, một cánh đồng năn mênh mông đến nổi nhìn bốn phía chỉ thấy đường chân trời, con chó đi qua phải ngáp vắn ngáp dài nên gã thợ săn ấy đặt tên là đồng Chó Ngáp.
Xóm tôi ở có tên gọi là Thất Giồng Bớm. Nguồn gốc của địa danh nầy thì tôi không cần ai giải thích, bởi cách nhà tôi không xa là cái Tòa Thánh Cao Đài Hậu Giang đã bị Pháp đánh bom sụp đổ, còn lại mấy bức tường, và trên một bức tường cao có một cây gừa cổ thụ. Nó là dấu ấn của quê hương, bởi những ai đi xa khi trở về thì hình ảnh đầu tiên lọt vô tầm mắt chính là bóng dáng của cây gừa. Còn hai chữ Giồng Bớm thì là một giồng đất bên cạnh Tòa Thánh mọc tòan là cây bướm gai. Gọi trại thành Giồng Bớm, hay nói đúng hơn là dân quê thường hay bỏ bớt một vài phụ âm cho dễ gọi.
Tôi sống trên cánh đồng nầy từ năm ba tuổi cho đến hết chiến tranh, cho nên mọi cái bắt đầu cho nhận thức của con người từ trực quan đến tư duy cũng là cánh đồng nầy. Một cánh đồng của chiến tranh và nghèo khó.
Chiến tranh là tử-biệt-sinh-ly, ở đâu cũng thế. Nhưng sự nghèo khó thì mỗi nơi mỗi khác, bởi cuộc mưu sinh nó gắn liền với sông nước, đất đai, cỏ cây và sản vật của mỗi vùng. Sống với thiên nhiên, có cái gì ăn cái nấy nên lớn lên đi xa, mỗi con người mang theo một quê hương với những hình ảnh khác nhau.
Vậy thì xứ tôi, cái đồng Chó Ngáp ấy, sự giàu có nhất của thiên nhiên là con cá trê vàng.
Khác với miệt vườn, đồng Chó Ngáp là xứ đồng khô cỏ cháy cho nên gần Tết năm nào lũ trẻ chúng tôi cũng đổ xô đi tìm lá chuối lá dừa để gói bánh mà chẳng đủ đâu. Tuy vậy, nhà nào cũng gói cho bằng được năm bảy chục bánh ích để cúng ông bà, phần bột ướp đường mía còn lại đem đúc trong cái dĩa nhôm rồi phơi khô, gọi là bánh tổ. An hết bánh ích, lấy bánh tổ ra cắt từng miếng mỏng, bỏ vô chảo mỡ chiên cho mềm ra, hơi phồng lên một chút, ăn cũng ngon lành qua ba ngày tết.
Thiếu bánh, thiếu mứt là vậy nhưng cá thì không bao giờ thiếu. Tôi nhớ năm ấy hình như tôi khoảng năm sáu tuổi. Chiều ba mươi Tết, ba tôi dẫn tôi ra ruộng bắt cá trê vàng về rọng để Tết ăn. Ong xách theo một cái thùng thiếc, loại thùng dầu lửa con sò mà hồi ấy, hầu như nhà nào cũng có. Cánh đồng lúc ấy lúa mùa đang chín tới, có chổ khô, chổ còn xem xép nước. Đứng trên bờ mẫu, ba tôi chắp hai tay sau lưng, nhìn mênh mông như chiêm nghiệm một điều gì. Tôi biết ở những chổ đất trũng, lúa sập, chổ nào cũng đầy cá mắc cạn vì chúng không kịp xuống đìa. Nhưng ba tôi thì có nhiều kinh nghiệm, ông biết được dưới những cái trũng ấy, chổ nào cá lóc, chổ nào cá trê, chổ nào cá rô và cá sặc.
Nhìn một lúc, ông vẫy tôi lội xuống cái bàu cạn giữa ruộng của chú Bảy Nhiều. Quả nhiên là ông đoán đúng. Đi gần tới đã nghe tiếng cá trê ục ục. Một cái bàu cạn bằng ba cái nền nhà, nước còn xem xép chừng một tấc. Nghe tiếng động, cá trê chui vào ém trong gốc lúa sập. Ba tôi chỉ làm một động tác rất đơn giản: úp nhẹ hai bàn tay lên gốc lúa rồi từ từ moi ra một con cá trê vàng, con nào con nấy lớn hơn bắp tay, mập ú và vàng như nghệ.
Mặt trời sắp lặn, nhìn thùng cá sắp đầy, ba tôi nói thôi, bắt một hồi nữa làm sao xách nổi.
Khi tôi biết thế nào là Tết thì đó là cái Tết đầu tiên, ngày nào cũng ăn cá trê vàng nướng dầm với nước mắm gừng.
Mẹ tôi nói rằng ba tôi là một người sát cá, đặc biệt là cá trê. Hồi luận 10/ 59 của Ngô Đình Diệm, ông ở tù với đầy đủ vật chứng của một cán bộ nằm vùng, và để khỏi bị đưa lên máy chém, mẹ tôi phải chạy vay ba trăm giạ lúa để lo hối lộ cho ty cảnh sát Bạc Liêu. Vậy mà khi ra tù, ba tôi chỉ giăng hai mùa câu thì trả xong nợ. Theo mẹ tôi giải thích rằng vì cá trê vàng hồi ấy có giá nhất trong các loại cá đồng. Đó là lý do vì sao ba tôi có kinh nghiệm bắt cá trê vàng hơn các loài cá khác.
Có lần tôi thắc mắc rằng, giữa mênh mông đồng nước, khi miếng mồi thả xuống thì có nhiều loài cá đến ăn, con nào đến trước thì ăn trước, làm sao mà ba giăng câu chỉ dính toàn cá trê vàng. Ba tôi giải thích rằng: cá lóc, cá rô thích ăn mồi chạy như cào cào, nhái, cua đồng nên chúng hay đi tìm mồi cặp mé bờ và trên mặt nước. Con cá trê vàng hay vùi mỏ dưới bùn hoặc quanh gốc lúa để tìm các loại côn trùng . Vì vậy, để miếng mồi câu chỉ dành riêng cho cá trê, trước hết phải vét một vùng như cái lòng chảo, vuốt thật láng, đặt miếng mồi ngay giữa. Vài phút sau bùn lắng xuống, che lấp miếng mồi, các loài cá khác không nhìn thấy được, nhưng đó lại là chổ tìm mồi lý tưởng của cá trê.
Thế rồi, một sáng tháng 5 năm 1967, sau một trận biệt kích của giặc, mẹ tôi bảo mấy chị em tôi ở nhà vo gạo nấu cơm để bà đi thăm hàng xóm coi có ai gặp mệnh hệ gì không. Bất ngờ tôi thấy mẹ tôi ngồi gục đầu trên bờ đám mạ giữa cánh đồng. Chúng tôi chạy ùa ra. Mẹ tôi đang khoát nước tắm cho ba tôi lần cuối cùng trên bờ mẩu. Ong mặc chiếc áo bà ba đen, hai mươi vết đạn cạc-bin vừa xuyên qua ngực áo.
Những năm tiếp theo, tôi lao vào cuộc mưu sinh trên cánh đồng với cái nghề cắm câu cá trê vàng do ba tôi để lại. Những chiều, khi xuống cần câu sau cùng, tôi hay trở về nhẩn nha trên cái bờ mẩu ấy. Tôi lại ngồi trầm ngâm giữa đồng lúa mênh mông nhưng không chỉ để chiêm nghiệm ra chổ nào là nơi ẩn náo của cá trê, bởi cánh đồng giờ đây đã ghi thêm dấu ấn của một kiếp người.
Hơn ba mươi năm xa quê, cứ mỗi lần đi chợ mua cá trê vàng, mỗi lần lựa cá ngon, cá béo để mua, tôi cứ ngỡ như mình đang mua lại những con cá của chính tôi. Bởi ngày xưa, sau mỗi buổi sáng thăm câu, tôi đều lựa những con cá béo, cá ngon để bán, chừa cá dạt, cá chết lại ăn. Au đó cũng là quy luật của cuộc mưu sinh, một quy luật bảo toàn sự sống.
Bây giờ thì tôi đã nghiệm ra, cái mẻ cá trê vàng kho sền sệt trước mặt tôi trong mỗi bữa ăn, đó chính là sự tích tụ của cả một cánh đồng. Một cánh đồng với mồi hôi nước mắt và cả máu của ba tôi, một cánh đồng của trọn tuổi thơ tôi với bao mùa mưa nắng.
Gọi xa xôi (1)
5 năm trước
15 nhận xét:
d0ọc bài viết, thèm cá trê qúa. Có bí quyết gì để kho cho ngon khg nhà báo
rất đồng cảm vì nhiều ký ức đồng cảnh!
Trời mưa, đọc entry này càng thấm!
Đọc truyện của anh với của Nguyễn ngọc Tư thấy nhớ miền Tây quá
"Nhưng sự nghèo khó thì mỗi nơi mỗi khác, bởi cuộc mưu sinh nó gắn liền với sông nước, đất đai, cỏ cây và sản vật của mỗi vùng". Hay lắm.
Nếu không hiểu cái này thì không hiểu Cái nghèo, Kẻ nghèo và Tình nghèo của con người Nam Bộ đâu.
Hơn ba mươi năm xa quê, cứ mỗi lần đi chợ mua cá trê vàng, mỗi lần lựa cá ngon, cá béo để mua, tôi cứ ngỡ như mình đang mua lại những con cá của chính tôi. Bởi ngày xưa, sau mỗi buổi sáng thăm câu, tôi đều lựa những con cá béo, cá ngon để bán, chừa cá dạt, cá chết lại ăn. Au đó cũng là quy luật của cuộc mưu sinh, một quy luật bảo toàn sự sống..... Nong dan minh la vay anh a, nhung cai ngon thi mang di ban, di xuat khau, cai nao dat, do thua thi lai an. Cuoc song muu sinh cua nhung nguoi nong dan la kho nhat
thương cho con cá trê vàng, thương cho phận người nông dân, bao cái tinh hoa tích lên làm ấm lòng người thành thị với những bữa no thơm phức. Ấy vậy mà người ta đã quên hẳn đi những người nông dân đã ngã xuống, quên hẳn đi những gương mặt gầy đang lam lũ trên đồng bắt từng con cá trê... Quên hẳn đi, chỉ vì cuộc đổi mới và sự ngụy biện vô nhân.
cơn mưa lớn chiều qua, ở đồng là "mưa rước cá" đúng không?
Mời đọc: Nơi phát tích các Triều Đại Việt Nam. Quân đội VN bách chiến bách thắng ! UI, cái avatar bêu đầu nghĩa quân Đề Thám, sợ quá !
Những điều em viết luôn ẩn chứa hoài niệm và nỗi đau âm ỉ.
Đọc bài của anh thấy hoài niệm và mang đến cảm xúc!
Entry cá trê kho này là sự "tích tụ" của cả một miền ký ức! hê hê
Tộ cá trê kho mà có thêm rổ rau cải trời (ăn sống hay luộc) nữa thì chắc ăn lở núi ha anh!
Cá trê vàng bây giờ hiếm và mắc lắm bác ơi. Những người giăng câu, thả lưới, làm chà ở quê tui mà có cá trê vàng là bán hết, không (dám) để lại con nào ăn đâu bác. Cá long tong, cá cơm, tép gì cũng mắc tuốt luốt. Ngày nào cũng có cá trê vàng kho như bác là số một rồi. Những món ăn dân dã đồng quê của mình ngày càng hiếm và mắc, tui sợ đến lúc nào đó (gần thôi) món cá trê vàng của bác chỉ còn trong ký ức!
Hình như nỗi nhớ đồng và những gì của ruộng đồng đã ám vào anh?!
Không chỉ là cá trê, nó là máu và nuớc mắt của hàng triêụ sinh mệnh đồng bào vì tham vọng của 1 số người, không thù không oán gì trước đó.
Cánh đồng còn ờ lại để tiếp tục chứng kiến.
bác ơi, vợ bác chắc khổ lém nhỉ vì chị suốt ngày phải kho có trê cho bác ăn hay là bác tự kho lấy. em thì nghi lắm, chắc chị kho cho bác thôi. Em không thích ăn cá lắm, thích ăn thịt hơn cơ. Cá thì em thích mẹ cho cá vào nồi, đốt rơm, ủ trấu khoảng mấy tiếng, rồi bới ra. Cá giòn, khô, ăn không tanh, ngon cực. Em cũng thích ăn cá trê thì thịt ngon nhưng ăn cứ thấy sợ sợ 1 tẹo vì người ta kể là họ hay bắt cá trê ở mả. Cá trê chui vào quan tài ăn hết thịt người nên béo núc ních. Hic kể đến đây ghê quá. hehe nhưng ăn thì chắc là vẫn ăn
Đăng nhận xét