Thứ Tư, 13 tháng 8, 2008

MÙA TRÁI MẮM






Phóng lao cá dứa trên sông Tam Giang (Ảnh Đắc Danh)

Bắt đầu từ tháng mười âm lịch, trái mắm rụng đầy các kinh rạch rồi theo nước ròng trôi ra sông Cửa Lớn, đổ ra cửa Ôg Trang. Trên đường đi, chúng tự nẩy mầm, ra rể và hút lấy phù sa. Khi ra biển, gặp sóng, chúng tạt vào bãi bồi những hạt phù sa bám rễ làm cho chúng nặng dần để tự xếp hàng đứng trên bãi biển. Cứ thế, mỗi một mùa trái mắm là một dãi rừng mắm hình thành vài trăm mét vươn ra biển tây để nối dài mũi đất Cà Mau.

Trước khi lên đường khởi quay bộ phim tài liệu “ Sông nước Cà Mau”, đạo diễn Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc hãng phim TFS – căn dặn chúng tôi: “ Cố gắng quay cho được cái cảnh phóng lao cá dứa, làm phim về sông nước xứ mình mà thiếu cảnh đó là tao xếp lọai C ráng chịu”.

Chúng tôi hiểu, lời đề nghị của anh không chỉ là một đòi hỏi về chất liệu nghệ thuật cho một bộ phim mà nó xuất phát từ một nỗi hòai nhớ trong ký ức xa xôi: Thời chiến tranh, anh là một nhà quay phim trẻ, từng bám theo những mùa trái mắm, những trận săn tàu trên dòng sông Cửa Lớn – Năm Căn

Sông Cửa Lớn – theo một tài liệu của Calipso – là một trong một trăm dòng sông lớn nhất trên thế giới. Song, điều lạ lùng của con sông nầy là nó không có thượng nguồn và cũng không có hạ nguồn. Nghĩa là nó bắt nguồn từ biển đông – tức cửa Bồ Đề – và đổ về biển tây – tức cửa Ông Trang, cắt khu rừng ngập mặn Năm Căn ra làm hai mảnh. Một mảnh giáp với đất liền, một mảnh giáp với biển đông và biển tây như ốc đảo từ mũi Cà Mau đến Thủ Tam Giang.

Trong chiến tranh, cái ốc đảo nầy là vùng căn cứ, là cái bến cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên biển, để từ đó, vũ khí được cung cấp cho chiến trường miền tây Nam bộ. Năm 1972, người Mỹ đã mở ra cái gọi là chiến thuật hạm đội nhỏ trên sông. Nghĩa là bình quân 15 phút thì có một tàu chiến chạy qua dòng sông Cửa Lớn để nã đạn pháo lên hai bên bìa rừng và để phong tỏa dòng sông nhằm cắt đứt giao thông giữa các vùng dân cư với vùng căn cứ. Cái cảnh cất nước từng lon, đói ăn trái mắm bắt đầu từ đó. Trái mắm đã một thời thay cho lương thực. Nhưng để ăn được, người ta phải luộc đi luộc lại năm bảy lần cho trái mắm không còn vị đắng rồi chế biến thành nhiều thứ bánh, chè giống như bột đậu xanh.

Những bài hát, bài thơ về mùa trái mắm cũng từ đó ra đời.

Nhưng chuyện ấy rồi cũng mau quên. Mùa trái mắm giờ đây chỉ còn sâu đậm trong ký ức của người Cà Mau xa quê vì nó gắn liền với mùa săn cá dứa.

Cây mắm bắt đầu ra trái từ tháng sáu âm lịch và kéo dài cho đến cuối năm. Hai tháng cuối cùng là mùa trái rụng. Đó cũng chính là mùa săn cá dứa, mùa vui nhộn nhất trên sông Cửa Lớn, đặc biệt là ở Thủ Tam Giang, đoạn sông lớn gần cửa Bồ Đề. Các cụ già ở đây kể rằng, vào khoảng tháng mười âm lịch, trái mắm rụng trôi bèo sông, cá dứa từ biển kéo từng đàn vào ăn trái mắm, chúng ăn rất hổn hào như cá tra nuôi. Trái mắm giàu đạm, vitamin, chất béo và Alcaloid, một lọai chất an thần nên khi ăm no, cá dứa bị say, nằm đưa bụng lờ đờ trên mặt nước. Người thợ săn một tay lạo máy chèo, một tay cầm cây lao, mắt đăm đăm nhìn về phía trước. Khi cây lao bay vút khỏi tầm tay – người thợ tài nghệ có thể phóng chính xác từ tám đến mười hai mét – mũi lao ba ngạnh đâm vào bụng cá dứa, nhìn cần lao tre lắc lư trên mặt sông, người thợ săn cứ để con cá vẩy vùng đến khi đuối sức. Cá dứa mắc lao thường là cá to, mỗi con từ năm bảy ký. Người thợ giỏi có thể săn được năm bảy chục con trong một con nước lớn, tức từ lúc ban mai cho đến hết sương mù.

Mùa trái mắm là thế.

Và hơn thế nữa, mùa trái mắm còn là dấu ấn bồi đắp cho mũi Cà Mau mỗi năm dài thêm hàng trăm mét.

Nhiều người nói một cách hình tượng rằng, mắm là loài cây đi tiên phong lấn biển để mở mang bờ cõi.

Các nhà khoa học lâm sinh thì nói rằng, trong quy luật diễn thế của rừng ngập mặn, sự xuất hiện đầu tiên là cây mắm. Mắm có vai trò ổn định đất và khi đất được ổn định thì rừng đước hình thành. Nhưng từ thế hệ rừng mắm sang thế hệ rừng đước phải mất ba mươi năm. Đã có lần, người ta lập một dự án điều chế rừng ngập mặn khá quy mô để rút ngắm quy luật diễn thế tự nhiên ấy bằng cách chặt bỏ rừng mắm để trồng đước. Họ lý giải rằng sự tồn tại của rừng mắm trong ba mươi năm ấy không mang lại hiệu quả kinh tế. Song, không thấy ai đặt vấn đề ngược lại rằng nếu chặt bỏ rừng mắm thì lấy đâu ra trái mắm để lấn biển, để mở đất và để ổn định đất cho rừng đước hình thành, để tạo nên cái quy luật diễn thế tự nhiên đẹp như huyền thoại ấy ?

Như đã nói trên, bắt đầu từ tháng mười âm lịch, trái mắm rụng đầy các kinh rạch rồi theo nước ròng trôi ra sông Cửa Lớn, đổ ra cửa Ông Trang. Trên đường đi, chúng tự nẩy mầm, ra rể và hút lấy phù sa. Khi ra biển, gặp sóng, chúng tạt vào bãi và những hạt phù sa bám rễ làm cho chúng nặng dần để tự xếp hàng đứng trên bãi biển. Cứ thế, mỗi một mùa trái mắm là một dãi rừng mắm hình thành vài trăm mét vươn ra biển tây để nối dài mũi đất Cà Mau. Đứng từ biển khơi nhìn vào, ta có thể thấy những lớp rừng từ thấp đến cao như những tầng ruộng bậc thang trên núi. Mỗi một tầng như thế là dấu ấn của một mùa trái mắm, là cuộc hành trình của một loài cây như đoàn quân đi mở cõi.

Đòan phim chúng tôi trở lại Tam Giang, cửa Bồ Đề, cũng vào tháng mười âm lịch. Nơi đây ngày xưa vào những sáng tinh mơ, khi sương mù lãng đãng, dòng sông như ngày hội phóng lao. Rừng âm u, sương âm u, từng giề trái mắm trôi lều bều trên mặt sông, từng tốp, từng tốp thợ săn, tay lạo xuồng, tay cầm lao ẩn hiện trong màn sương tạo thành bức tranh lụa hòanh tráng, mượt mà, lung inh, huyền ảo. Bây giờ, tất cả đã trở thành chuyện kể. Rừng không còn, sương sớm cũng không còn, tái mắm cũng không còn. Sông Cửa lớn ồn ào, tấp nập bởi ca-nô, vỏ tốc hành, vỏ compusic, máy xe, máy Honda, Robin, BS đủ thứ mã lực thay nhau, đua nhau tung trắng nước những dòng sông.

Chúng tôi đi tìm anh Lẹt, một tay sát thủ cá dứa và thú rừng một thời vang bóng. Nhà của Lẹt ngày xưa khuất trong bạt ngàn cây mắm. Giờ nó chơ vơ giữa những vuông tôm. Trước mắt chúng tôi, con “người rừng” ngày xưa giờ mang đậm màu sắc thị trường: Đầu đinh, quần jean, áo thun sặc sở đang ngồi dưới vỏ compusic, máy honda 11, tay cầm điện thọai di động, miệng gào thét giá cả với chủ vựa tôm. Khi chúng tôi ngỏ lời nhờ anh đi phóng lao cá dứa để quay phim, Lẹt cười khinh khỉnh: “ Các anh muốn phóng cự ly bao nhiêu, tám mét hay mười lăm mét cũng được, miễn tìm cho tôi một con cá dứa . . . chuyện đó xưa như trái đất rồi cha nội ơi !”. Nói xong, Lẹt giật dây cho máy nổ rồi vẫy tay chào, để lại làn nước tung tóe phía sau.

Suốt hai buổi chiều, chúng tôi thuê chiếc đò dọc dầm mưa bám theo những chiếc ghe câu từ Tam Giang ra cửa Bồ Đề mới mua được hai con cá dứa to chừng ba ký. Chiều hôm ấy, sau khi nhờ các anh ở ủy ban xã tìm kiếm được hai anh thợ săn, hai chiếc xuồng chèo và hai cây lao, chúng tôi nhét đầy mốp xốp vào bụng hai con cá dứa để chuẩn bị cho những khung hình. Cuối cùng cũng có một trường đọan phóng lao cá dứa trên sông Cửa Lớn.

Phim đã phát sóng nhiều lần, chúng tôi đã lừa được số đông khán giả. Nhưng chắc chắn không thể lừa được những người đã từng sống qua những mùa trái mắm ở Năm Căn.

7 nhận xét:

[deleted] nói...

Cũng giống như ở Hà Nội mùa sâm cầm cũng thành dĩ vãng rồi. Thế mới biết con người tận diệt thiên nhiên chừng nào.

Cu Đen nói...

A ha, em khoái đi bắt bù tọt hơn. Em đang viết bài về bắt bù tọt.
Anh mần phim về bắt bù tọt đi, em đóng vai chánh cho!

Chung Do Kwan nói...

đó em ơi nghệ thuật!trợn mắt cho to lừa sự thật.he he!

Huong nói...

Em đã ra tới Mũi Cà Mau, nhìn mắm, đước, nhìn bãi bồi lấn biển và ăn lẩu cá dứa ở đó. Người dẫn em đi nói rằng vậy mới có thể nói là đã tới Cà Mau.
Nhưng em không nghĩ con cá dứa em đã ăn nặng hơn 2 kg.

Hiep3k nói...

Cháu ko hiểu ý bác?? Bác đã xuất bản 3 tập sách rồi ạ???

Curio nói...

hu hu, film tài liệu mà cũng làm "nghệ thuật" sao anh?. Em cũng đã tới Đất Mũi, không được ăn cá dứa nhưng được ăn khô cá ...thòi lòi, ngon!

taolahatday nói...

hic em vẫn chưa biết cây mắm nó là cây gì. Cá 5, 6 kg em cũng ít gặp lắm. Đọc blog của anh, nhất là mấy entry về cái ăn ngày xưa, thèm rỏ cả dãi. Lại thương chị vợ anh nấu ăn cho anh cực phải biết. Mà biết đâu chị ấy lại thấy đó là vinh quang thì sao nhỉ? hehe