Vừa post entry của con xong thì từ phía bên kia bờ kinh Nhiêu Lộc, bác Wan đã thốt lên hai tiếng “Kinh người !”. Rồi những comment nối tiếp những comment của bạn bè gần, bạn bè xa, bạn bè quen và chưa quen. Những cảm nhận sâu xa, những chia sẻ tận đáy lòng, những lo ngại cho cái nghiệp khổ ải nầy nó sẽ vận vào con. Đó là những lo ngại rất tử tế của những người tử tế. Tía thì hy vọng, vừa hy vọng vừa tin rằng đó không phải là con đường mà con lựa chọn, bởi tía hiểu con đang có một niềm đam mê khác.
Nhưng làm sao mà biết được . . .
Cách đây hai mươi năm – đúng là hai mươi năm – Lúc con chưa chào đời, khi tía viết bút ký “Nơi Ấy Bây Giờ” đăng trên tạp chí Văn thành phố. Tía còn nhớ tía viết trong những đêm mưa, thiếu thuốc hút, phải cầm đèn dầu mò mẫm từng góc nhà, lượm từng tàn thuốc gò vấn đi vấn lại. Thiếu trà, phải mặc áo mưa mò trong bóng đêm qua nhà hàng xóm moi mấy củ gừng về bỏ vào nước sôi để uống. Khổ thế mà vui khi nói được cái nỗi đau tận cùng của người nông dân trên mặt báo. Nhưng , cái giá mà tía phải trả là tía bị ông Bí thư Tỉnh ủy ba lần ra lịnh bắt giam, rồi vạ lây cho ông Viện trưởng Viện kiểm sát phải bị buộc nghỉ hưu vì không ký lịnh, con trai ông ấy đang làm chủ tịch thị xã cũng bị điều đi chỗ khác. Ông Chủ tịch Hội văn nghệ, nơi tía làm việc, cũng bị mời lên, bảo phải cho tía thôi việc thì tờ báo của Hội mới được cho giấy phép . . . Nhiều chuyện lôi thôi xảy ra lúc ấy. Buồn chán, tía lang thang lên Sài Gòn. Nhà văn Anh Đức bảo: “Mầy sống ở dưới không yên đâu, về tạp chí Văn với chú đi, còn một căn hộ chung cư ở 150 Đồng Khởi . . .”
Tía không trả lời vì thật lòng tía không thích Sài Gòn. Hơn một tuần lang thang, càng thấy Sài Gòn không phải là của mình. Mỗi sáng thức dậy, ra ngồi uống cà phê vỉa hè, trời mưa lất phất, nhìn dây bìm bìm leo phủ những hàng rào mà nhớ dây giác leo trên những đám dừa nước ven sông ở xứ mình, nhớ không chịu nổi !
Ngồi trên xe đò, về tới cầu Láng Trâm là chợt nghe cái “mùi quê”, mùi đất thân thương. Phải chăng đó là bi kịch “Chôn nhau cắt rún ?”.
Ngày con chào đời, tía dặn bà bác sĩ: “Chị cho em xin cái nhau của cháu”. Tía bỏ cái nhau của con vào keo mật ong. Ba tháng sau, nó tan ra, hòa với mật, tía mang đi pha rượu nhậu với bạn bè. Tía đã yên tâm mà nghĩ rằng, sau nầy tía ở đâu thì “nơi chôn nhau” của con sẽ ở đó.
Hóa ra, tía đã làm một điều vớ vẩn !
38 nhận xét:
người dân sẽ không quên những người như bác, như Phùng Gia Lộc.
Ở đời, sống, có lúc liều
Bởi đời còn lắm những điều trái ngang.
Anh Danh nhỉ...?
" Tía còn nhớ tía viết trong những đêm mưa, thiếu thuốc hút, phải cầm đèn dầu mò mẫm từng góc nhà, lượm từng tàn thuốc gò vấn đi vấn lại. Thiếu trà, phải mặc áo mưa mò trong bóng đêm qua nhà hàng xóm moi mấy củ gừng về bỏ vào nước sôi để uống. Khổ thế mà vui khi nói được cái nỗi đau tận cùng của người nông dân trên mặt báo. Nhưng , cái giá mà tía phải trả là tía bị ông Bí thư Tỉnh ủy ba lần ra lịnh bắt giam, rồi vạ lây cho ông Viện trưởng Viện kiểm sát phải bị buộc nghỉ hưu vì không ký lịnh, con trai ông ấy đang làm chủ tịch thị xã cũng bị điều đi chỗ khác. Ông Chủ tịch Hội văn nghệ, nơi tía làm việc, cũng bị mời lên, bảo phải cho tía thôi việc thì tờ báo của Hội mới được cho giấy phép . ...."
Đó là cái giá phải trả cho sự thật ...
Điều vớ vẩn ấy đâu phải ai cũng nghĩ ra để có thể làm được.
Tía ơi là tía!!!
Tôi 3 thằng con trai, thấy ai có con gái đầu là thèm.
Hôm nay đọc bút ký của Võ Đắc Danh trên SGTT, về anh Bình sửa xe có đứa con bị tật. Bài viết hay, cảm động. Sao những người tốt cứ phải chịu đủ thứ bất hạnh trên đời.
"Hóa ra, tía đã làm một điều vớ vẩn !" - Con hơn cha, vì nhà có Tía!
Tui không ở trong nghề Văn nhưng cũng ráng ăn ốc nói mò rằng đó là một nghề mà nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Cô bé này thì anh có thể yên tâm để cổ đi con đường của cổ.( Cái việc vớ vẩn của anh cũng hay đó chớ).
Mèng ơi, cái rún của người ta mà cũng xách đi nhậu cho được nữa. Hèn chi bi giờ ông trời ổng bắt tía thương con đứt ruột đó tía thấy hôn? híhí...
PS: lại là rượu! con nghỉ chơi tía ời đó nha!!! :'(
Cái vụ thương con gái đến nỗi uống nhau mẹ nó là có một không hai! Sợ đại ca quá!!!
Cái vụ uống nhau này hơi bị thú vị, mới nghe lần đầu ! (gia đình em lấy nhau chôn trong vườn nhà thôi)
Nhưng hình như không vớ vẩn lắm, chứng tỏ anh Danh ở SG nhưng lòng còn ở quê.
Tía nào cũng muốn dang tay che chở con, nhất là làm người tử tế trong thời buổi này, văn chương với tấm lòng trong thời buổi này... Nhưng theo cảm nhận của em, tuổi 20 mà có văn chương và khẩu khí đó, thì vừa có đủ Tâm vừa có Trí, anh đừng lo lắng nhiều..
chi tiết độc quá!
Các bà vợ với các đứa con gái trên đời này hẳn đều lặng người trước hành động ấy!
(và sẽ sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của người chồng, người cha như thế)
anh làm tôi tự nhiên thấy mình vô tình với vợ con quá!
Sài Gòn đẹp lắm bác ạ...cháu sinh ra ở Hà Nội nhưng cháu yêu Sài Gòn mất rùi...
Chuyện bác làm cháu cũng chẳng biết có vớ vỉn hong nhưng cháu...xchợ!
Hai tía con nhà bác làm em nhớ quay nhớ quắc cái mùi ruộng ở núi sập - An Giang...Thèm cần sa quê đây bác ạ...
Ấy, thế bác có 2 con vịt giời á?
tình cảm ...chịu hổng thấu, chắc phải lấy cớ xin miếng cá trê kho để được gặp mặt quá
Hồi đó người ta nhốt được anh thì làm gì có thế giới người điên, không có đồng cỏ chát và bác Kwan không phải thức khuya dậy sớm để làm nghĩ ra những cái blast để "trị" anh
Anh ạ, làm cha mẹ thì chẳng ai mong con mình vất vả, còn chưa kể lại là con gái.
Nhưng nếu là sư phụ thì có người để truyền y bát như vậy chắc sẽ hài lòng lắm.
Dù sao thì cũng còn có thời gian cho bé chọn đường đi của mình. Nếu lại nối nghiệp cha thì kinh nghiệm nghề và sống của anh sẽ giúp cháu ít vất vả hơn cha bất chấp đời sống xã hội ngày càng nhiều hơn, càng ghê gớm hơn.
Thương con Tía cắt cái nhau
Tía đem pha rượu nhậu chung bạn bè
Ai dè làm chuyện vớ vần
Bởi con gái diệu nhớ... Cần Sa Quê
Chú à, chú càng thấy việc mình làm vớ vẩn, càng chứng tỏ tình thương con của chú.
Đọc cả 2 entry của con gái và anh, đều thấy buồn và chẳng muốn còm gì cả. Em cũng nhớ quê mà chẳng về được. Cũng có con đầu lòng rồi mà chưa cho nó về quê được. Xấu hổ với ông bà gì đâu...
Sài gòn có nhiều cơ hội nhưng không thể bằng chốn quê thanh tịnh.
Hai cô con gái "rượu" của anh tuyệt quá nhỉ. Hôm nào đưa lên quận 9 chơi nhé.
Con gái nhìn mặt giống Tía Danh .Trứng rồng lại nở ... Nếu cháu chọn nghiệp Cha thì chúc thế hệ của cháu không bị khổ sở , bị hăm bỏ tù , tước thẻ nhà báo ... như Tía của Cháu .
chịu không thấu ! Hôm nào có dịp cho em diện kiến bác 1 phen !
Rất quý anh ở câu: "Khổ thế mà vui khi nói được cái nỗi đau tận cùng của người nông dân trên mặt báo."
Tôi thấy hình như TuongHuy nói đúng đấy.
Xin hỏi tác giả: Việc ngâm rượu bằng nhau là phong tục hay chuyện bịa?
Chưa hết bần thần bởi cái "cần sa quê" thì lại bị vụ "xách cái rún đi nhậu" nó ám ảnh!. Đọc vừa thương, vừa sợ, vừa ...tức cười :P
Anh mần vậy là quá oách rồi.
Tui thì hết sức nghi ngờ cái lý do chính của chuyện tía Danh đem cái nhau của con ngâm rượu nhậu với bạn bè. Liệu có phải đúng là như tía nói "muốn yên tâm tía ở đâu thì nơi chôn nhau của con sẽ ở đó" không? hay vì mồi nhậu đó tía? Nói thiệt đi, để tui đỡ mất công... xúc động
Người đi xa luôn nhớ quê,bồn chồn khi lâu quá không đặt chân về nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình. Nhà văn Lý Văn Sâm gọi là quê hương "nhau rún" là vậy."Nhau" phải chôn ngay trên mảnh đất mà mình đã sinh ra anh Danh ạ!Buồn!
Người đi xa luôn nhớ quê,bồn chồn khi lâu quá không đặt chân về nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình. Nhà văn Lý Văn Sâm gọi là quê hương "nhau rún" là vậy."Nhau" phải chôn ngay trên mảnh đất mà mình đã sinh ra anh Danh ạ!Buồn!
Cái tính của anh chắc là ngày xưa sau 75 làm anh khổ lắm ? Anh kể thêm đi anh !
Em thì tò mò Bác làm sao mà cái nhau nó tan hết vào Rượu mà mấy ông bạn nhậu của Bác không nhận ra đó là Rượu Nhau.
Hôi bé Mẹ em cũng từng làm cho bọn em ăn, em thì không dám ăn, đơn giản vì "sợ". Hai đứa em tranh nhau ăn hết(chúng ko biết). GIờ đứa nào cũng thành đạt cả, mõi em là tẹt.
Ai đã từng ở quê, nhất là thời tem phiếu thì thấy chuyện này là bình thường.
Trùi ui,Có bao nhiêu người co mặt trong bữa nhậu đó vậy bác Danh?
Khổ thân con bác Danh ghê, Sau này" dù bác có ở đâu", còn có thêm mấy "nơi chôn nhau" nữa. Biết đường nào mà lần.
Phàm đã khi cầm "chịch" không nên quyết định một điều "vớ vẩn" như vậy. "Hộ tịch" con người ta mà giỡn chơi.
Theo tui nghĩ, nên quyết định nơi chôn nhau của con bác Danh là ngay cái chổ mà bác bày cai "ruợu nhau" ra nhậu.
Đọc bài này của bác Danh, nghĩ lại mình thấy buồn làm sao. Tui cũng có những cái như thế nhưng không được như thế để vớ vẫn!
Cuộc đời làm báo của anh lân đận giống anh Huy Đức báo Phap luat TP anh nhỉ
Hai cô con gái anh thật may mắn được "tía thương đứt ruột". Đọc mà rưng rưng, lần sau không đọc anh nữa để đỡ tốn nước mắt.
Bạn là người hạnh phúc, vì có con cái nối tiếp con đường bạn đang đi!
Đăng nhận xét