Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008

Một Tạp Văn Siêu Hạng Của TRANG THẾ HY




mt người gọi điện thoại, giới thiệu : “Anh là Thiết, bạn học với Huỳnh Ngọc Trảng”. Nghe nói bạn học với Huỳnh Ngọc Trảng thì phải nể trước cái đã : “Dạ, sư huynh có gì chỉ giáo”. “Anh có mấy người bà con ở Hàm Thuận Nam bị cưỡng chế thu hồi đất, họ dùng roi điện xịt năm người ngất xỉu, một người nặng quá phải đưa vào Sài Gòn cấp cứu”.

Sáng hôm sau gặp nhau trong quán cà phê vỉa hè, Tiên Sinh Huỳnh Ngọc Trảng nói: “Mấy tháng qua, đọc tùy bút chính trị của Nguyễn Khải, muốn bỏ việc. Sau đó lại ngốn thêm mấy cái bút ký của mầy: Đất Của Mẹ, Thư Sài Gòn, Trên Đồng Bưng Sáu Xã, đọc xong cứ muốn tự tử cho rồi”. Như có sự trùng hợp ngẩu nhiên, câu chuyện chưa đâu ra đâu thì anh Thảo từ Đức Hòa gọi điện: “Họ cào nhà tui để giao đất cho công ty Ngọc Phong rồi chú ơi, có cách nào giúp tui”.

Tôi nói với anh Trảng và anh Thiết: Viết về cái ác thì dễ, chỉ cần báo họ chịu đăng, nhưng cái ác vẫn ngang nhiên tồn tại trong sự thách thức và đe dọa đời sống con người. Điều đó hoàn toàn ngoài khả năng của người cầm bút. Hãy đọc tạp văn sau đây của Tiền Bối Trang Thế Hy mà chia sẻ cùng tôi.




CON MÈO HOANG

VÀ NHÀ THƠ CÓ GIA CƯ

TRANG THẾ HY


Tôi thắp sáng ngọn đèn nhỏ của bàn viết và ngồi bất động trước thếp giấy trắng. Không phải trắng tinh hay trắng phau. Trắng đây là trắng vì chưa có chữ. Bộ phận biến điện già nua của bóng đèn ống ba tấc rên e e như tiếng gáy của một con dế nhúi. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ mà chức năng thông thường là báo thức cho người ngủ giờ này đang làm một chức năng khác là báo cho một người thức biết rằng thời gian đang trôi đi.

Mầu trắng cực trắng toát ra từ sự chưa có chữ của trang giấy ngà ngà thô nhám đang đe dọa thị như ngọn roi mây treo trên vách đe dọa một thằng nhỏ nhát đòn nằm sấp trên đi-văng chờ mẹ đánh.
Theo thói quen của một người yếu bóng vía, cần vịn vào một cái gì để xua đuổi nỗi cô đơn, tôi quay mặt nhìn về một góc của căn gác để tìm bóng dáng người bạn hằng đêm, giờ này thường có mặt. Đó là một con mèo mướp, có đôi mắt mầu xanh lân tinh, được hầu hết các hộ trong xóm công nhận là một con mèo hoang rất dễ thương, đến viếng nhà nào cũng chỉ để rình bắt chuột thôi, rất ít khi ăn vụng. Tôi bắt gặp bạn tôi cũng đang ngồi bất động dòm chăm bẳm vào cái hốc lổn ngổn đủ các thứ thúng mủng, chai lọ, thau chậu, bếp lò và nhiều đồ linh tinh khác.
Meo! Meo! Tôi khẽ gọi bạn theo thường lệ. Và cứ như thường lệ của mỗi đêm thì bạn tôi sẽ đến cọ lưng vào ống chân tôi kêu ngao ngao. Tôi sẽ ôm bạn tôi đặt lên đùi, vuốt ve vài cái, nói vài ba câu ba láp gì đó rồi đuổi bạn đi chỗ khác chơi, để cho tôi làm việc.
Nhưng đêm nay bạn tôi không kêu ngao ngao đáp lại mà cứ lặng im nhìn vào một điểm cố định của xó gác. Tôi gọi thêm hai tiếng meo meo nữa bạn mới quay lại nhìn tôi, ve vẩy cái đuôi dài, chót đuôi hơi cong lên biểu lộ sự bất bình, nét bực bội giận dữ ánh lên trong đôi mắt mầu xanh lân tinh bên dưới cặp chân mày đang cau lại (chỗ này xin mở ngoặc để tự giới thiệu rằng tôi là một nhà thơ có quyền nhìn thấy nhiều thứ mà người "không phải nhà thơ" không nhìn thấy, chẳng hạn như sự cau mày của loài mèo vốn không có lông mày).
Tôi chợt biết bạn tôi đang rình bắt chuột và cùng với sự chợt biết đó, tôi đọc được ngôn ngữ lặng thầm của đôi mắt mầu xanh lân tinh kia: "Trời sanh mèo để bắt chuột giống như trời sanh nhà thơ để làm thơ. Lúc ông ngồi rình bứt những tứ thơ, tôi tôn trọng ông, tôi ngoan ngoãn đi chỗ khác chơi để ông làm việc. Vậy cớ sao lúc tôi ngồi rình chụp bắt những con chuột, ông lại quấy rầy tôi? Ông bật đèn, gây tiếng động và phá đám tôi bằng cách giả làm mèo kêu meo meo kích động ý thức cảnh giác của loài chuột?".

Tôi tắt ngọn đèn bàn. Căn gác chìm vào bóng tốị Không đầy một phút sau, có tiếng chai lọ ngã lổn cổn, thau chậu khua leng keng. Tôi bật đèn lên. Người bạn mặc áo sọc xám có đôi mắt mầu xanh lân tinh đang khoan thai bước về phía tôi, miệng ngoạm một con chuột nhắt nhỏ còn kêu chít chít yếu ớt trước khi chết. Bạn tôi nhả con chuột ngay dưới gầm bàn rồi không đợi tôi cúi xuống ôm nó, nó đã nhảy phóc lên ngồi gọn trong lòng tôi, miệng kêu một tiếng ngao nhỏ rất thanh, trong âm sắc hoàn toàn không có chất khoe khoang thành tích. Tôi vuốt lưng bạn tôi và nhìn vào đôi mắt xanh đang nhìn tôi. Trong ánh mắt đó có lời mời tôi luận bàn thế sự.
Một vài nét về lý lịch của tôi à? Được thôi! Nhưng để thỏa mãn sự tò mò cần thiết đó, ông phải có đủ thiện chí để dám tin vào những chuyện rất khó tin tuy có thật. Điều ông sắp nghe không phải chỉ là sơ yếu lý lịch của một kiếp mèo hoang. Người bạn có hình hài mèo này của ông có thể viết đầy đủ chi tiết về tất cả các tiền kiếp xa xưa hàng ngàn năm của y.
Ông không tin ở luân hồi à? Mặc kệ ông. Tôi vẫn cứ phải nói. Vì có như vậy ông mới lắng nghe được điều tôi nói. Chỉ trong vòng chừng vài thế kỷ trở lại đây thôi, tôi từng là một con cuốn chiếu, một nhà tư bản tài phiệt, mà vị tổng thống đương nhiệm muốn phát động chiến tranh phải xin ý kiến, một gã ăn mày hào hoa có nhiều vợ, một con lươn, một nhà cai trị mị dân thừa bản lĩnh, một con đom đóm, một nhà thám hiểm có tên trong từ điển, một cô gái điếm và bây giờ, trong kiếp này đây là một con mèo hoang được nhiều người thương nhờ siêng bắt chuột và ít khi ăn vụng.
Nhờ đâu mà tôi biết rõ các tiền kiếp của tôi như vậy ? Như vừa mới nói, cái kiếp gối đầu với kiếp mèo hoang này của tôi là kiếp gái điếm. Một cô gái điếm đẹp từng làm sụp đổ hàng chục cái gia tài đồ sộ của khách làng chơi, nhờ chết trẻ cho nên còn nhan sắc. Bằng nhan sắc đó, tôi đã mua chuộc được lão quan chức già mà còn háo ngọt ham vui, phụ trách cháo lú. (à, té ra ông lầm tưởng rằng chỉ trong cái cõi người của ông, mới có sự móc ngoặc và hối lộ. Xin báo cho ông biết rằng dưới âm phủ, Diêm Vương cũng đang đau đầu vì chuyện đó). Vậy là thay vì húp cháo lú để quên các tiền kiếp, cô gái điếm mỹ miều được xơi một tô bào ngư đầy sơn hào hải vị làm cho nhan sắc của cô ta được gia tăng gấp bội. Nhờ vậy, cô ta tiếp tục mua chuộc thêm nhiều tay háo sắc khác. Trước tiên là tay trưởng ngành lưu trữ hồ sơ mật và tiền hậu kiếp của mọi sinh vật trên dương thế. Kế đó là tay chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ. Về tay này, phải có vài câu giới thiệụ .Lúc cầm cái thẻ để đi qua cửa địa ngục trở về dương thế, anh ta đọc thấy mình sẽ đầu thai làm một nhà văn, liền quành trở lại tìm gặp ông Lỗ Tấn xin ý kiến. Ông Lỗ Tấn nói nhà văn giống như một con bò sữa ăn thì ăn cỏ khô, cống hiến cho đời thì cống hiến bằng sữa tươi. Anh ta nghe vậy hoảng quá, bèn tặng cái thẻ đi đầu thai làm nhà văn cho một hồn ma nặng nợ với bút nghiên, còn anh ta thì xin "tị nạn chính trị", vĩnh viễn chọn cõi âm ty làm quê hương. Từ cái vị thế bấp bênh của hồn ma tạm trú, không có hộ khẩu, anh ta trèo lên đến chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ là cả một bản trường ca đầy uẩn khúc, nhưng đó là chất liệu phải để dành cho một cuộc mạn đàm khác. Bây giờ thì xin báo cho ông biết, tại câu lạc bộ văn nghệ của anh ta, tôi đã gặp nhà thơ Pháp Charles Baudelaire và nhà văn Đức Maria Remarque.
Tại sao trong hàng ngàn những bậc thầy lỗi lạc của văn học mà tôi được gặp tôi lại chỉ kể tên có hai vị thường thường bực trung nầy mà thôi? Vì hai ông nầy có liên quan đến cuộc mạn đàm của chúng ta đêm nay.
Tôi biết ông đang nghĩ ngợi khen vì một bản trường ca chống chiến tranh mà ông rất lấy làm tự hào. Ông có biết Baudelaire đã định nghĩa cho tôi nghe trường ca là cái gì không? Trường ca là nơi ẩn náu của những nhà thơ bất tài không làm nổi một bài thơ ngắn. Còn về nội dung chống chiến tranh thì ông hãy lắng nghe lời tâm sự của Remarque: "Tôi tưởng quyển tiểu thuyết "Mặt trận phía Tây không có gì mới" của tôi đã gây được một chút đổi mới nào đó trong tư duy của bọn chánh khách hiếu chiến. Té ra nó không làm rung được một sợi lông chân nào của gã đồng hương với tôi tên là Hitler suýt chút nữa biến lục địa châu Âu thành bãi tha ma".
Khoan, ông khỏi bổ sung. Để tôi nói thêm cho rõ điều tôi muốn nói. Tôi không truyền giảng cái bất lực của nhà văn và sự phù phiếm của văn chương đâu. Tôi không đòi hỏi văn học chỉ đơn độc một mình nó có thể dập tắt tất cả ngòi nổ của chiến tranh đâu. Nếu như vậy thì trời sanh những chính khách, những kinh tế gia, những nhà bác học để làm gì? Tôi chỉ muốn nói với ông một lời khuyên thân ái nhẹ nhàng là đừng nên tự huyễn hoặc rằng mình có những cống hiến lớn trong khi những thành đạt của mình thực ra là hết sức nhỏ nhoi.
Lời khuyên thứ hai của tôi là ông nên tự lượng sức mình và phải chân thực. Hồi nãy, lúc ông ngó dáo dác tìm tôi để xua đuổi nỗi cô đơn, ông lầm tưởng rằng cái cô đơn của ông là thứ cô đơn cao quý mà các bực thầy thường nhắc đến mỗi khi ngồi trước trang giấy trắng. Không phải đâu. Cái tên chính xác nhứt của tâm trạng ông lúc nãy là nỗi cô độc bi thảm của người cầm bút nuôi nhiều tham vọng lớn bằng một tài năng nhỏ và muốn thu hoạch sự mến mộ thật của người khác bằng những xúc động giả của chính tâm hồn mình, nói nôm na là bằng sự lường gạt. Đừng nổi giận! Cầm bút mà nổi giận khi có ai "đi guốc trong bụng" mình sẽ không viết được gì đâu. Tôi xin đơn cử tức thời một thí dụ về sự lường gạt của ông. Cách đây không lâu, tên ông được nhắc nhở qua một bài thơ được ngâm ngợi ở nhiều tụ điểm câu lạc bộ thơ ca Trong bài thơ đó, chị công nhân quét rác mặc áo rách được ông miêu tả là đẹp hơn và thơm hơn một cô tiểu thư môi son ngồi trên chiếc xe hơi chạy ngang qua. Rất tiếc là trong những người nhẹ dạ bị xảo thuật ngôn từ của ông lường gạt không có ai chất vấn ông coi cái đẹp và cái thơm của cô công nhân quét rác trên đường đi đến trang giấy có ghé ngang qua trái tim của ông không. Nếu có ai hỏi ông sẽ ú ớ ngay. Vì ngay trong thời điểm ông được khen là có quan điểm giai cấp trong yêu ghét ấy, mỗi khi đến gần cô công nhân quét rác, ông nín thở vì sợ mùi hôi của rác và trong những giấc mơ ân ái, ông chỉ mơ những cô gái môi son ngồi xe hơi. Sợ rác hôi và ham gái đẹp không có gì là trật, đó là chuyện thường tình. Điều tai hại ở đây là ông đòi người khác yêu ghét thật cái mà bản thân ông yêu ghét giả.
Cứ như vậy, ông sẽ quằn quại mãi trong nỗi cô độc bi thảm của tên phù thủy mượn chữ nghĩa làm âm binh chứ không bao giờ vươn tới được niềm cô đơn cao quý của người cầm bút dùng ngôn từ truyền giảng tình người.
Ông không giận tôi à? Tốt quá! Nhưng đao to búa lớn cỡ đó cũng hơi nhiềụ Bây giờ mình tâm sự nghề nghiệp với nhau cho nhẹ nhàng hơn một chút nhé! Khi nhìn ông là đồng nghiệp tôi đã nâng cao nghề bắt chuột của tôi hay hạ thấp nghề làm thơ của ông? Không có chuyện hạ thấp hay nâng cao gì hết. Bắt chuột và làm thơ tuy khác nhau về hình thái lao động, nhưng giống nhau vì một mục đích chung là diệt ác, là vun vén cho điều Thiện làm cho cõi thế tục này bớt dung tục được chút nào hay chút đó.
Tại sao loài chuột cứ còn hoài à? Xin ông đừng hỏi khó tôi như vậỵ Bởi vì, để trả miếng, tôi sẽ hỏi lại ông một câu không kém phần thắt ngặt: "Tại sao cái ác cứ còn hoài?". Cứ vấn nạn nhau như vậy mãi, thì từ chuyện tâm sự nghề nghiệp này sẽ không nảy ra được một hạt nhân chân lý nào và rốt cuộc ông sẽ phải chịu thua tôi.
Thí dụ như hiện giờ nếu bị đòi hỏi phải trưng ra một mảnh tử thi của điều ác để chứng minh mục đích làm điều thiện của mình thì tôi đang có sẵn cái tử thi của con chuột dưới gầm bàn của ông kia. Còn ông, ông trình ra cái gì? Đừng... đừng bước lại kệ sách và quăng mấy tập thơ mỏng dính của ông ra. Ông hãy lắng nghe cho kỹ, trong một núi sách cao như ngọn Hy Lạp Sơn, có phải quyển sách nào cũng là một quyển sách đâu. Xin lỗi ông nhé! Có khi chỉ có chừng vài ba quyển đáng được gọi là sách mà thôị .Còn chuột hả? Một con chuột là một con chuột, và một triệu con chuột vẫn cứ là một triệu con chuột, một triệu tế bào sống của điều ác - nhiều quá đếm có hơi mệt chút thôi, nhưng khỏi phải thông qua một sự giám định nghiệm thu nào để xác nhận một con chuột là một con chuột.
Cho nên thì giờ có hạn, ta nên nhìn vào tình cảnh cụ thể của nhau để cảm thông cho nhau và dễ bề tâm sự với nhau hơn.
Còn có một tên gọi khác nữa để gọi một con mèo hoang như tôi. Đó là con mèo vô chủ. Tôi chuyển qua cách nói này để đem cái hoang đàng vô chủ của tôi đối chiếu với cái ổn định, được bao bọc của ông là một nhà thơ có gia cư. Sự đối chiếu nầy có khi gợi được một vài điều gì đó đáng suy nghĩ. Người ta nói đánh chó phải kiêng chủ nhà. Tôi tin rằng cái lệ nầy cũng được áp dụng bán chính thức luôn cho cả loài mèo và loàị.. người.
Thành thử kẻ nào muốn đánh phải thận trọng ngó trước dòm sau cho kỹ coi ông đang ngồi dưới tán dù của ai, người đó mạnh cỡ nào. Còn cái phận mèo hoang của tôi thì tha hồ mạnh ai nấy đánh. Cho nên muốn tồn tại tôi phải vất vả hơn ông nhiều. Tôi phải tự tu dưỡng về phẩm hạnh, đói bụng ráng chịu, không ăn vụng mà lại phải bắt chuột thật nhiều, thật giỏi để tranh thủ tình thương của rất nhiều ông chủ, trong đó không một ông chủ nào có trách nhiệm về sự đói no ấm lạnh của đời tôi. Còn ông, có khi ròng rã một hai năm, không làm được một bài thơ nào ông vẫn cứ được lãnh lương. Điều này được gợi ra để ông thương tôi hay tôi thương ông? Hồi năm ngoái có một đêm thấy ông nằm thao thức mãi tôi đã chịu khó nhìn thấu vào tim ông và phát hiện rằng ông mất ngủ không phải vì bị chê bai mà vì được binh vực. Trong ngày, giữa một cuộc họp ban đồng hương, một người bạn nhiều thiện chí đã đỡ đòn cho ông bằng một câu: "Thôi, mình bàn qua chuyện khác đi, đừng đòi hỏi một người làm thơ ăn lương làm thơ hay". Một lời binh vực ông mà lại làm cho ông đaụ Nói thật, trong cái đêm ông thao thức đó, tôi đã thương ông vô hạn.
Lùi xa hơn chút nữa vào quá khứ hồi Mỹ còn làm mưa làm gió ở cái đất Sài Gòn nầy, ông đã từng sống lang thang, vô gia cư như tôi bây giờ đây. Hồi đó, ở ông có rất nhiều thứ giả, tên họ giả, thẻ căn cước giả, tờ khai gia đình giả, những câu trả lời phỏng vấn cũng giả luôn. Chỉ có một cái rất thật, đó là tình yêu của ông đối với lý tưởng ông ôm ấp. Nhờ cái thật đó, số thơ được in rất ít ỏi của ông vẫn giúp ông sống được bằng thơ không phải bằng tiền lương. Ông chủ đất lúc bấy giờ chẳng những không trả lương cho ông mà còn lùng bắt ông như mèo lùng bắt chuột. Thời đó, mình chưa kết bạn với nhau, nhưng tôi biết ông đã từng trải qua nhiều đêm thao thức không ngủ được không phải vì đau mà vì vui. Thỉnh thoảng ông nhận được một bức thư của một người không quen ở rất xa. Lời thư rối rắm đầy những ẩn dụ tối nghĩa (phải dùng trái tim làm khóa mã mới đọc được) nói rằng những suy nghĩ ông gửi gắm vào một bài thơ ngắn nằm lạc lõng giữa những khuông quảng cáo mỹ phẩm và lời rao cho chuộc chó bẹc-giê chạy lạc, đã được người bạn không quen kia cảm thông và chia sẻ. Tôi nhớ rõ cái tứ của bài thơ đó. Nó tường thuật cuộc xung đột giữa một bên là bà mệnh phụ cỡ lớn, chủ một ngôi biệt thự đồ sộ và bên kia là một cô gái ăn mày bệnh hoạn lẻn vào nằm co trên chiếc băng đá trong khuôn viên biệt thự. Phe bà mệnh phụ có thêm viên cảnh sát được mời tới để can thiệp và cô gái ăn mày có được một đồng minh là em bé đánh giày cũng lẻn vào vườn tìm chỗ ngủ trộm như cô. Bài thơ nói rằng đạo lý ở về phía của hai con người bất hạnh vô gia cư bị đuổi đi. Chất nghịch lý trong chuyện nầy có vẻ khó chấp nhận hơn là cái nghịch lý về vẻ đẹp và mùi thơm của cô công nhân quét ra rác, ấy vậy mà bài thơ đã đi vào lòng người. Vì cô gái ăn mày và em bé đánh giày ngày xưa là ruột gan của ông ta moi ra đặt lên trang giấy, còn cô công nhân quét rác hôm nay là sản phẩm của một công trình xào nấu lại những tứ thơ cũ, động cơ xào nấu không phải là một xúc động có thật, mà là một ý đồ lường gạt. Hồi đó, ông rất trân trọng bức thư nhưng vẫn đành phải đốt bỏ, vì biết đâu chừng ngày hôm sau ông sẽ ngồi trong khám và bức thư kia sẽ làm liên lụy đến một người bạn đọc không quen mến mộ ông. Những bức thư loại đó không nhiều lắm nhưng cũng không thưa thớt lắm. Chất dinh dưỡng của nó rất cao để nuôi ý chí ông trong những ngày đen tối. Bây giờ thì hàng chục năm nay, chỉ gợi lại thôi, ông cũng đã thấy xót xa rồi, nói làm chi đến chuyện dám ước mơ nhận được một bức thư như vậy!

Xin lỗi vì đã gợi cho ông một điều suy nghĩ buồn. Nói xin lỗi do quen miệng thôi. Tôi không có lỗi đâu. Điều suy nghĩ buồn nầy không làm u ám mọi soi sáng tâm tư ông. Nó giúp ông vùng vẫy ngoi ra khỏi nỗi cô độc bi thảm và chỉ hướng cho ông vươn tới niềm cô đơn cao quý của người cầm bút.

Thôi, chúc ngủ ngon ! À, nói vậy mà không phải vậy đâu nhé. Chúc ông nằm thao thức nghe ác quá. Nhưng nếu đêm nay ông ngủ ngon, thì những lời tâm sự của tôi là "Nước đổ lá môn" hay sao ?


25 nhận xét:

bến TamSa nói...

Em mới chỉ đọc phần giới thiệu,chữ in nghiêng,trong ngày khi rảnh sẽ đọc bác Trang Thế Hy.
Cảm giác muốn tự vẫn cũng là cảm giác của em,khi đọc anh.
Mà anh cứ viết về cái ác,sau lại đi nhậu,anh có chỗ để xả ra,rồi sống tiếp.
Mong là nhậu làm anh vui,không làm anh quên nén mà khóc.
Chắc em sẽ kiếm bạn Tô Nha,đi mần vài chai "Nhật Bản tửu" cho đỡ buồn. (^^)

ngoc t nói...

chúc anh và gia quyến dồi dào sức khoẻ.....khoảng nam 1986 1988 em đọc báo Minh Hải có biet anh và anh Nguyễn Trọng Tín.Cho em gởi loi hoi tham sức khoẻ anh Tín....Mà sao anh ấy không co Blog vậy, anh Danh?

ngoc t nói...

Em có đọc truyện ngắn Trang thế Hy như tryện Mưa Ấm cách đây khoảng 25 năm...và luôn theo dõi " hành tung" của bác ấy trên báo ...Thật khâm phục cho 1 phong cách sống.....Có thễ nói là "phong cách Nam Bộ"?

Casanova..! nói...

Sâu sắc quá...

Mẹ Nấm® nói...

Cám ơn anh vì entry này. Đọc xong in ra, trưa về đọc lại.

MAP M nói...

"Một người tử tế trung bình"-đọc Mưa Ấm của Bác TRang cách đây 25 năm ,mà bị bể đầu nên em trong lúc gặp anh ngòai đời hỏang quá không nhớ ra nổi . Nay nhờ entry này nhớ lại nên cảm ơn anh . Em lại vừa đọc "Một khúc cầm chơi" của Bác Trang . Tự hỏi :Người lương thiện sao cứ rủ nhau về cắm câu nơi đồng không mông quạnh , để lại cho đời tòan diều cú với kên kên ?Chán như con gián ...

VÕ ĐẮC DANH nói...

PhươngNguyên:Ông Sơn Nam nói viết văn mà "dễ ăn" thì mấy cha Ba Tàu Chợ Lớn làm hết rồi.
ThủyCúc:Ai biểu bỏ cái ký sự pháp đình làm chi ?
Cảm ơn tất cả !

CướpBiển nói...

Em được điểmtâm bằng 1 entry hay quá!

Phuc Vinh nói...

Cám ơn những nhắn nhủ của nhà văn Trang Thế Hy. Văn chương, cuối cùng là SỰ CHÂN THẬT trong lòng. Quẳng bút đi ! Viết chi những xác chữ vô hồn ! Bảy trăm tờ báo, đọc gì ? Câu hỏi treo lên, không thể trả lời !

Mùa đông khó quên nói...

viết về cái ác thì dễ, còn lại nằm ngoài khả năng người cầm bút...
còn có người trăn trở với những chuyện này và viết ra thì vẫn hơn anh ạ

ti4mat nói...

Muốn khóc, muốn làm vài chai nhưng bây giờ mới 8h30, có ai uống với tôi không?

Ti Co Nuong nói...

Gần bảy trăm tờ báo đọc gì! Hìhì...thì đọc blog! Dễ ợt mà bác Danh cũng phải hỏi,đâu phải vô cớ mà bây giờ các trang blog nổi tiếng, được nhiều người đọc, chủ gia chính là các nhà báo, nhà văn được than, được khóc, được viết những điều không được sách báo đăng.
Tôi rất chia sẻ với bác Danh những dằn vặt trong tâm và trong nghề. Tụi tôi sống ngoài nước, thấy dân nghèo khổ lụt thiên tai, vẫn cùng nhau thường xuyên đóng góp từ thiện đến thẳng tay người cơ cực mà mới đây Nhà Nước còn muốn quản lý luôn cả "tấm lòng vàng" bắng cái nghị định 64, tất cả quy về một mối-Chính Phủ, để rồi quản lý nó theo kiểu cac vụ PMU, xa lộ Ðông tây mà bây giờ đang nổi cộm với vụ PCI, vết nứt hầm Thủ Thiêm v.v...hay sao?
Cái ác đang lên ngôi, các bác đừng nản và vội buông bút nhé, không lẽ bắt bọn tôi toàn phải đọc tin của mấy đại gia và hoa hậu! Thối, chịu không nổi!

Tran N nói...

Cái ác đã lên ngôi, không còn ở chỗ "sẽ" nữa mà đã đàng hoàng lên ngôi, bao nhiêu người lương thiện đã bị hãm hại trù dập, hàng ngày tôi đi ngang qua những nơi khiếu kiện kiện đông người, nhìn những người nông dân lam lũ, chân lấm tay bùn, xếp hàng chờ chực các quan ra tiếp, phản ứng mạnh một chút là bị chụp cho là nghe lời bọn xấu, đi trái với đường lối của Đảng(cướp của nhà nghèo chia cho ngườii giàu) mà tôi quá buồn cho đất nước, nhìn chính quyền bây giờ, tôi nhớ đến một đoạn văn trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, đoạn văn viết về Khổng Minh mắng Vương Lãng: Triều chính nghiêng ngửa, chốn miếu đường(chính trường) CÂY MỤT LÀM QUAN, giữa công đường CẦM THÚ ĂN LỘC. Một chính quyền thối nát như vậy thì cái ác làm sao không lên ngôi.

Phương Nguyên nói...

Làm nhà văn khó quá??? Mà cái khó này là của riêng nhà văn XHCN hay là "của chung" của nhà văn, kể cả nhà văn Tư Bổn??? Tui thấy nhà văn nào cũng than về cái "nghiệp" viết văn của mình, nhưng mà sao "thiên hạ" vẫn có nhiều người nuôi mộng văn chương vậy ta (như tui chẳng hạn)

Thu Nhân nói...

"Viết về cái ác thì dễ, chỉ cần báo họ chịu đăng, nhưng cái ác vẫn ngang nhiên tồn tại trong sự thách thức và đe dọa đời sống con người. Điều đó hoàn toàn ngoài khả năng của người cầm bút." Vậy rồi người lương thiện sẽ phải sống sao đây?

Thu Nhân nói...

"...nỗi cô độc bi thảm của người cầm bút nuôi nhiều tham vọng lớn bằng một tài năng nhỏ và muốn thu hoạch sự mến mộ thật của người khác bằng những xúc động giả của chính tâm hồn mình, nói nôm na là bằng sự lường gạt"
Câu này hay chết người!

Hihi Hehe nói...

Buồn, một câu chuyện rất buồn!

Tuệ Hoan © nói...

Anh ơi, viết về văn hóa nhậu đi anh. mô tả các món nhậu, các kiểu cách nhậu, giới thiệu các quán nhậu,vv..vvv. nhiều báo sẽ đăng, mà thời sự nữa đó, lại hợp lòng người muốn hợp.

Ka nói...

Ôi!!

Cây xà beng trổ bông nói...

BÁc VĐD TRẢ LỜI QUÁ KHÔN! Tui trước đây cũng nhận được những thông tin, những lời kêu cứu tương tự như bác nhận, nhưng tui không biết cách trả lời như bác, cũng không biết nhậu để xả ra, tui ôm vào lòng, thành ra một cục tức, rồi mau già, mau xấu, mau... trổ bông

Ka nói...

(đau quá nên chỉ biết buông 1 tiếng vậy thôi chú à!)

Cô gái Đồ Long nói...

kakkakaka....anh Danh chuẩn bị chiển nghành wa làm....nhà thơ ;-)

Cyclo! Cyclo! nói...

Hơi dài, em rinh về máy đọc tư từ vậy. Lên mạng cái là ưa lang thang nhà này qua nhà nọ coi có gì mới. Trang Thế Hy thì hết chê rồi.

Tăng Bá Sên nói...

Nói thiệt nhen, cũng là dân Nam Bộ, nhưng mà em chỉ mê (nhứt) có 2 ông: Phi Vân là Một và ông này là Hai!!!
Cỡ ông già Sơn Nam với lại... anh, chỉ mê cùng lắm là ... thứ Ba và Bốn, hè hè!!!!

lieuhathi nói...

" Hay hơn Truyện Kiều "
Tôi có vi phạm bổn quyền Tác giả khi tôi cọp dê một số bài , như bài Xin Lỗi Chị để dán vào cái subject chủ đề " Hay hơn Truyện Kiều " nơi một diễn đàn ở nước ngoài .
Xin lỗi Ông nghen ông Danh .
Anmota