Kỷ niệm với nhà văn Sơn Nam trong chuyến đi làm phim tài liệu Đất Lành năm 1994,Trước mộ thi sĩ Đông Hồ, dưới chân núi Tô Châu, Hà Tiên
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút
Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò . . . ơ theo nước chảy chan hòa
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
Đó là đoạn cuối trong một bài thơ của nhà văn Sơn Nam – bài thơ không tên, được viết làm lời tựa cho tập truyện Hương Rừng Cà Mau xuất bản ở Sài Gòn vào năm 1961.
Biết thế nào rồi cũng có cuộc chia ly, hôm ấy, cách nay hơn ba năm, khi ông còn tá túc ở thư viện Gò Vấp, tôi mua một tờ giấy cứng với cây bút lông mang lên, nói :“Tía chép giùm con bài thơ để con giữ bút tích của Tía làm kỷ niệm”. Ông nói: “Ừ, để đó đi, vài hôm nữa đã, tôi có chết sớm đâu mà lo, giờ có rảnh hôn, chở tôi đi vòng vòng Sài Gòn chơi”. Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi chở ông đi dạo, và rồi, cái bài thơ ông cũng không kịp chép cho tôi. Hôm ấy, được tin ông bị tai nạn giao thông, tôi chạy sang thì ông đã nằm liệt giường, thậm chí không còn nhận ra tôi là ai nữa. Bây giờ thì ông đã ra đi !
Nhớ hôm ấy, ngồi sau lưng tôi, ông kể chuyện huyên thuyên, rồi bất chợt khi ngồi vào một quán cà phê vỉa hè, ông nói: “Tôi còn mấy chuyện hay lắm, nhưng về già tôi mới viết”. Tôi giật mình nhìn ông và tự hỏi, về già là bao lâu nữa, hơn tám mươi rồi, ông lẩm cẩm rồi chăng ? Rồi ông lại nói: “Có gặp thằng Nguyễn Trọng Tín, nói tôi nhắn với nó, chuyển sang viết văn xuôi đi, thời buổi nầy mà làm thơ là húp nước mắm”. Tôi nói ông Tín bây giờ viết báo rồi, ông cười: “Vậy là càng tốt, viết báo dễ kiếm tiền hơn”. Trầm ngâm một chút, ông nói: “Nè, tôi dặn ông cái nầy nghen, ông viết báo thì cứ lo viết báo, đừng bày đặt góp ý với thằng chủ báo phải làm thế nầy thế nọ, trào máu có ngày ! Ngoài mặt nó giả bộ gật đầu nhưng trong bụng nó ghét cay ghét đắng”. Hỏi vì sao cả đời chỉ có một bài thơ, trong khi văn xuôi của ông thì không đếm hết. “Làm thơ đặng húp nước mắm à !” Ông nói những nhà thơ nổi danh thời ấy, phần lớn là con nhà khá giả, hoặc ít ra cũng có một công việc gì đó để nuôi thân. Còn ông, từ chiến khu về thành, được phân công ở lại sau tập kết, một phòng trọ, một bộ bà ba vải ú trắng, một đôi guốc vông, lang thang đi bộ khắp Sài Gòn. Ông nói trong sự nghiệp của ông có ảnh hưởng khá nhiều từ lời khuyên của Bình Nguyên Lộc. Những ngày đầu tiên ở Sài Gòn, ông lang thang đi tìm Bình Nguyên Lộc, hôm ấy gặp nhau trong một căn gác xép, hai người trao đổi với nhau xem nên viết cái gì để vừa kiếm tiền nuôi sống, vừa có lợi cho dân, vừa không lộ tông tích là “Việt cộng nằm vùng”. Bình Nguyên Lộc trầm ngâm khá lâu rồi nói: “Tôi thấy Sài Gòn bây giờ khá đông dân nhập cư từ miền tây, hay là ông viết những chuyện xứ ông, chắc sẽ có nhiều người đọc”. Quả nhiên, những câu chuyện của Sơn Nam về rừng U Minh đã thu hút đông đảo độc giả Sài Gòn, không chỉ dân miền tây mà cả những người đến từ mọi miền đất nước.
Ông nói : “Đến với văn chương để mong nổi danh thì đừng có hòng. Nền văn học của ta hơn nửa thế kỷ qua, nhìn lại ở một góc độ nào đó thì coi như lấy rổ múc nước”. Tôi cũng không hỏi vì sao, bởi biết tánh ông thỉnh thoảng hay “phán” ra một câu rồi bỏ ngõ, không giải thích, ai muốn hiểu sao thì tự hiểu. Với riêng ông, ông tự xem mình viết văn là một cái nghề, cái nghiệp để mưu sinh, “Vì vậy mà phải viết cho đàng hoàng, phải có lương tâm nghề nghiệp thì các báo, các nhà xuất bản họ mới mua của mình, độc giả họ mới đọc của mình”.
Dường như với Sơn Nam, mọi thứ đều rất thực tế và rất đơn giản. Trong câu chuyện “Âm Dương Cách Trở” của ông cách nay gần hai mươi năm, tôi vẫn bị ám ảnh một chi tiết: Ông già hớt tóc vỉa hè bị công an khu vực xét hộ khẩu, ông nói “Tôi sống ở đây gần trọn một đời người, chỉ biết mình là công dân của Tổ quốc Việt Nam thôi”. Anh công an hỏi: “Vậy theo ông thế nào là Tổ quốc ?”. Ông già nói: “Với tôi, Tổ quốc là một nơi kiếm sống được bằng một việc lương thiện nào đó, không bị ai làm khó dễ, có vài người bạn chơi được, không ba trợn”. Ông già hớt tóc sau đó qua đời, được một người bạn thầy tu cho hỏa táng và mang hủ hài cốt về quê ở U Minh.
Xem ra, cho đến bây giờ, khát vọng đơn giản của ông già kia vẫn đang là khát vọng của hàng triệu con người. Càng nghĩ càng thấy “đáng sợ” một Sơn Nam.
(Bài đăng trên Tuổi Trẻ 14-8)
14 nhận xét:
"Hôm ấy, được tin ông bị tai nạn giao thông, tôi chạy sang thì ông đã nằm liệt giường, thậm chí không còn nhận ra tôi là ai nữa. Bây giờ thì ông đã ra đi!"
Trời ạh, lại tai nạn giao thông!!!
Rất tâm đắc với đoạn cuối bài viết của anh!
kiếm sống bằng viẹc lương thiện mà không bị ai làm khó dễ..
vẫn đang là khát vọng..
điều buồn cười nhất là văn của Sơn Nam - cũng như nhiều nhà văn tài hoa khác của đất Nam bộ vẫn chưa được đưa vào SGK, hoặc đưa vào với "liều lượng" quá nhẹ và vô tâm.
Nghe nói ông Sơn Nam không được về quê mà phải về Bình Dương hả anh?
ÔNG GIÀ đã ra đi,
Đời lô nhô trẻ dại,
Văn thơ còn mê mãi
Vẽ một chiều khói sương!
Cảm ơn anh đã viết bài viết này. Bài này đã được một bác tự xưng là "Sài Gòn đệ nhất khùng" khen là bài hay nhất viết khi nhà văn Sơn Nam qua đời
Đúng vậy, bài viết rất hay và xúc động, nên phải cmt thêm lần nữa để nói vậy.
NN Tư ghi trong blog của cổ, một đọan phỏng vấn bác Sơn Nam trên VTC news:
- Có một dạo, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư gây xôn xao dư luận. Nhà văn nhận xét thế nào về quyển sách này và về tác giả?
Cô Tư viết hay nhưng hỗn. Văn phong của cổ hơi cà rỡn. Cái nhìn trong “Cánh đồng bất tận” không rộng, nông dân ở đó không nhìn hẹp như thế mà mỗi cái họ đều có lý của họ. Ngọc Tư thông minh, sẽ còn phát triển nữa nhưng cần người chỉ dẫn sau vụ lùm xùm về “Cánh đồng bất tận”.
Em là fan của Ngọc Tư (và cả fan chủ nhân blog này), ai nói gì cổ là em cự, nhưng đọc cái này thì giật mình ngẫm nghĩ thấy đúng. Vậy ra cứ sống và làm nghề đơn giản mà thực tế như NV Sơn Nam, đã rất vĩ đại, đã dạy đựơc người mà dạy đúng.
Xin thắp một nén hương kính dâng linh hồn Ông.
Em thì nhớ mãi truyện "Bác vật xà bông" trong Hương Rừng Cà Mau của ông mặc dù đọc lần đầu từ lúc còn nhỏ xíu trước giải phóng. Sau này mỗi khi mở quyển Hương Rừng Cà Mau ra là phải đọc truyện đó trước.
Thôi, ta tiển người vào cỏi..LẠC
"hạt bụi" buông mình xuống đất quê!
Bụi này đất ấy hoà làm một
" NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ "
Em vừa đọc blog của tiên sinh Trục Nhật Phi. Em sực nhớ lại đúng là học trò tụi em không được học văn của ông già Nam bộ Sơn Nam.
Xin úp mặt bùi ngùi ... Hương rừng giờ đã nhạt từ đây ...
Ngậm ngùi một kiếp gian truân...!
Đăng nhận xét