Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

NGƯỜI CHỒNG ĐI BIỂN



VÕ ĐẮC DANH

Tôi biết Phượng cách đây hơn ba năm trong một lần ghé mua xôi trên đường Nguyễn Thành Ý, phía cổng sau trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Thấy con bé trạc tuổi con mình, gương mặt hiền lành, lam lũ, tôi hỏi con còn đi học không ? Dạ còn. Lớp mấy ? Dạ lớp bảy. Tôi yên tâm mà nghĩ rằng, chắc là nó học buổi chiều, đi bán xôi buổi sáng. Biết rằng giữa cuộc sống nầy, những đứa trẻ vừa học vừa dãi dầu mưa nắng để mưu sinh không phải ít, nhưng cái gương mặt vừa xinh xinh phúc hậu, vừa sạm đen của bé Phượng đã gieo trong tôi một hình ảnh đẹp của con nhà nghèo.
Hơn ba năm sau, tình cờ tôi trở lại mua xôi. Con còn đi học không ? Dạ con nghỉ học rồi chú. Sao vậy ? Dạ nhà con nghèo lắm chú ơi, con phải giúp ba con nuôi ba đứa em đi học ở ngoài quê. Quê con ở đâu ? Dạ ở Mũi Né, Phan Thiết. Rồi Phượng kể, ba mẹ cháu chia tay, mẹ đi lấy chồng khác, một mình ba nuôi bốn đứa con nheo nhóc bằng chiếc thuyền thúng đi câu mực, bữa có bữa không. Đó là lý do buộc Phượng phải nghỉ học vào Sài Gòn bán xôi với nội, hàng tháng gởi tiền về cho ba đứa em đi học.
Lần theo địa chỉ Phượng cho một cách mập mờ, tôi tìm ra Mũi Né: nhà thờ Tin lành, quán cà phê . . . đường Huỳnh Thúc Kháng, hỏi tên anh Cu Li. Bên một động cát trắng với chằng chịt những đám xương rồng, những mái nhà con con chơ vơ trong nắng nóng. Một tốp học sinh liêu xiêu trên đường cát, tôi hỏi: Cháu ơi có biết nhà anh Cu Li ở đâu không. Một con bé bật cười: Kia kìa, nhà ba con đó chú. Con là em của Phượng ? Dạ đúng rồi.
Tên thật của anh là Phan Văn Hải, Cu Li là cái tên gắn liền với công việc mưu sinh ở những vựa cá vựa tôm từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành. Năm 19 tuổi, trong lúc đang làm thuê cho một vựa cá phân, Hải quen với một cô gái cùng cảnh ngộ. Sự đồng cảm của hai kẻ làm thuê đã mang đến một tình yêu và thành vợ thành chồng. Hải phát hoang một lõm rừng chồi bên động cát gần ven biển, dựng lên một túp lều hạnh phúc. Mười bốn năm chung sống, bốn đứa con gái lần lượt chào đời. Từ giã kiếp làm thuê, Hải học được cái nghề câu mực và mua được chiếc thuyền thúng để ra khơi. Cứ 9 giờ đêm, Hải theo đoàn người câu mực lên ghe, cách bờ biển chừng ba mươi hải lý, mỗi người bám một chiếc thuyền thúng cho đến xế chiều. Cái nghề “bà cậu”, có hôm kiếm cả triệu đồng, có hôm lại chẳng có đồng nào, phải nợ chủ ghe tiền chi phí.
Người ta nói phần lớn những người đàn ông đi biển thì vợ ngoại tình, bởi những chuyến hải hành của họ chẳng có thời gian để cùng vợ chia sẻ buồn vui. Hải cũng nghe râm rang những tiếng vào lời ra về người vợ của mình, nhưng anh không tin và cho rằng miệng đời thường như thế. Nhưng rồi một đêm nọ, chiếc ghe vừa ra giữa chừng khơi thì biển động, phải quay vào. Trong tiếng gió thét gào, trong bóng đêm chập choạng, Hải lọ mọ về nhà thì hỡi ơi, trên chiếc giường ấy, ngay chỗ nằm của mình đã có người đàn ông khác.
Thôi thì chia tay. Tài sản chẳng có gì để chia ngoài túp lều rách nát. Người vợ ra đi. Con cái được quyền lựa chọn theo mẹ hay theo cha. Nhưng cả bốn đứa chẳng đứa nào theo mẹ, kể cả bé Kiều Xuân, lúc ấy mới vừa lên ba tuổi nhưng cũng kiên quyết ở lại với ba. Hải tiếp tục cái nghề câu mực ngoài khơi. Nhưng phải vật lộn thêm với những cơn sóng dữ trong lòng. Chín giờ tối ra đi, nhìn bốn đứa con trong túp lều trống vắng, lòng anh nơm nớp nỗi lo. Ra đến biển, nhiều lúc phải đương đầu cùng sóng gió, có khi sóng đánh úp thuyền. Những lúc ấy càng nhớ đến con, xót xa đến trào nước mắt.
Tôi hỏi bây giờ tính sao, Hải lắc đầu chừng như bất lực. Biển càng ngày càng cạn kiệt, có những chuyến đi rồi trở về với hai bàn tay trắng. Ở cái xứ xương rồng cát trắng nầy, muốn tìm việc làm thuê cũng không phải dễ. Hai năm trước, một cơn lốc đi qua, túp lều bật gốc, mấy cha con phải dọn về ở tạm trong căn nhà của đứa em. Nghĩ đời mình thất học mới ra nông nỗi nầy, giờ phải kiên quyết cho con ăn học, nhưng lực bất tòng tâm. Ngày bé Phượng quyết định vào Sài Gòn bán xôi để nuôi em ăn học, Hải nghe đau xé trong lòng, thấy mình có tội với con, nhưng cũng chẳng biết làm cách nào khác được. Mà thật ra, cũng nhờ đồng tiền mưa nắng của Phượng nên ba đứa nhỏ được tiếp tục đến trường. Bé Hằng năm nay hết lớp 9, nghỉ hè nó có thể tìm việc phụ bán cà phê, mỗi tháng kiếm năm bảy trăm ngàn để lên lớp 10 có tiền mua áo dài, sách vở. Hải hy vọng bé Phụng, bé Xuân vài năm sau cũng thế, nghĩa là phải biết tự tạo cho mình một con đường để đến trường.
Trở lại Sài Gòn, tôi tìm đến nhà dì Thảo – mẹ của Hải – trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Khi tôi vào thì bé Phượng phải bước ra đường vì nhà không đủ chỗ ngồi. Bảy mét vuông, một phần dành làm bếp nấu xôi, một phần nhà vệ sinh và một chỗ đặt chiếc cầu thang bước lên gác xép. Nhưng đó lại là nơi ăn chốn ở của Phượng, của bà nội, của người cô và đứa con trai. Chị Trang, cô của Phượng nói: “Em với mẹ làm nghề bán xôi mấy chục năm rồi, khi Phượng vào Sài Gòn, em nhường chiếc xe xôi lại cho nó, em đi phụ bán quán với một người bạn”.
Hai bà cháu hai chiếc xe xôi, dì Thảo đứng bên lề đường Trần Doãn Khanh, trước cổng trường Trần Văn Ơn, Phượng đứng phía sau trường Đinh Tiên Hoàng. Dậy sớm, thức khuya, dầm mưa, dãi nắng, đứng rã đôi chân, hai bà cháu mỗi ngày kiếm được hơn trăm ngàn.Dì Thảo nói: “Thu nhập như vậy sống ở đất Sài Gòn đã chật vật rồi. Hàng tháng phải gởi về quê tiếp thằng Hải nuôi ba đứa con của nó, lại thêm thằng em của nó đang bị xơ gan, không biết sống chết ngày nào. Đời người lớn khổ đã đành, nhưng chẳng lẽ để cho đời con, đời cháu cứ lặp lại đời mình . . .”
Tôi bảo Phượng nên đăng ký học bổ túc văn hóa ban đêm, tôi sẽ cố gắng giúp cháu một phần chi phí. Phượng gật đầu, đôi mắt sáng lên như tìm thấy một niềm hy vọng ở tương lai. Dì Thảo cũng mừng vui: “Nghe lời chú đi con, biết đâu sau nầy con sẽ đổi đời”.
Phượng lại gật đầu. Cái gật đầu của Phượng lần nầy đã làm cho tôi cảm thấy nhẹ lòng đi.
-->đọc tiếp...

ÔNG KẸO KÉO



ĐẮC DANH - TRẦN THÔI

Nhớ lại chuyện cũ, có khi chị Băng cười một mình. Cuộc đời có những ngã rẽ không ngờ. Tình yêu, hôn nhân cũng thế, cũng đến bất ngờ như một cơ duyên. Mười tám năm trước, cô thợ gặt Lương Thị Ngọc Băng từ Mỏ Cày – Bến Tre sang Trà Vinh gặt lúa mướn. Ba mươi tuổi đời mà không dám lấy chồng, phần vì mặc cảm con nhà nghèo, phần vì phải nuôi cha mẹ, thôi thì ở vậy cho xong. Nhưng rồi trong đoàn thợ gặt ấy, chị gặp anh Tấn, cùng quê, cùng cảnh ngộ như câu hát của người xưa:

Ví dầu nhà dột cột xiêu

Muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn.

Anh Tấn tâm sự với chị, cái tâm sự của hai người sao mà giống nhau như đúc: Nghèo quá không dám lập gia đình, phải nuôi cha nuôi mẹ, liệu cưới vợ về rồi có nuôi nổi hay không.

Sau mùa gặt ấy, họ nên vợ nên chồng.

Và rồi, họ từ giã cái nghề gặt mướn cũng là một lối rẽ bất ngờ: Một người bạn nghèo được xuất cảnh đã truyền nghề làm kẹo kéo lại cho anh Tấn, tặng luôn chiếc xe đạp với giàn nhạc lưu động và một cây mai, cây mai cỏn con chỉ bằng chiết đũa, nhưng người bạn đã căn dặn: “Tôi rất cưng nó, ông cố chăm sóc, đừng để cho nó chết”.

Mười tám năm, vợ chồng anh Tấn không nhớ nổi mình đã qua bao nhiêu căn nhà trọ, nhưng đi đâu, anh Tấn cũng dời cây mai đi theo, chăm sóc và tạo dáng dần dần cho nó. Bây giờ, cây mai đã cao hơn anh và đã mười mấy lần trổ bông đón tết. Mười tám năm rong ruỗi khắp các phố chợ, đường làng với chiếc xe kẹo kéo, thuở ấy, bé Trâm còn nằm trong bụng mẹ, bây giờ nó sắp vào đại học, bé Bảo còn một năm nữa là hết cấp ba. Trong cảnh rày đây mai đó, cứ mỗi lần đổi nhà trọ thì hai đứa nhỏ phải chuyển trường. Chị Băng nói không thể nhớ hết hai đứa nhỏ chuyển trường bao nhiêu lần, có khi chuyển vào đầu năm học, có khi phải chuyển giữa học kỳ, nhiêu khê lắm, nhưng được cái trường nào cũng thương, thương cái cảnh cha mẹ không nhà, thương người cha tảo tần với chiếc xe kẹo kéo mà mà học bạ của hai đứa con thì luôn luôn xuất sắc.

Như một thói quen, mỗi sáng, trước khi ra đường làm “ông kẹo kéo”, anh Tấn pha một bình trà đậm ngồi nhắm nháp và nhìn ngắm cây mai, anh nói, lúc ấy anh chìm trong một trạng thái lân lân đầy thi vị. Nghèo, nghèo đến mức không nhà không cửa, nhưng có được cây mai như anh thì không phải ai cũng có, có được hai đứa con nổi tiếng học giỏi như con anh thì không phải ai cũng có. Hồi trước, mỗi tối anh Tấn hay ngồi bên chai rượu đế để chiêm nghiệm cái nghèo cái khổ, để oán trách thân phận mình. Nhưng rồi khi hai đứa trẻ lớn lên, thỉnh thoảng trên đường đi bán kẹo, nghe người ta đồn rằng ông kẹo kéo có hai đứa con vừa ngoan vừa học giỏi, anh lấy đó làm niềm tự hào rồi âm thầm bỏ rượu, bỏ thuốc lá, bỏ luôn cả cái mặc cảm nhà nghèo.

Mỗi ngày, không thể tính được chiều dài của cuộc hành trình, nhưng thu nhập thì giới hạn ở con số không vượt qua năm chục ngàn đồng, số tiền ấy phải trang trải cho bốn miệng ăn và chi phí học hành của hai đứa nhỏ, nhiều lúc tưởng như không thể vượt qua. Thấu hiểu và ray rứt trước nỗi nhọc nhằn lo toan của cha mẹ, bé Trâm đòi đi phụ bán cà phê để kiếm thêm tiền, anh Tấn sợ con gái sa vào cạm bẫy nên cương quyết không cho. Hai năm trước, bé Bảo về quê ngoại ăn tết rồi ở luôn dưới Mỏ Cày. Anh Tấn phải đi bắt con về học tiếp. Anh hỏi tại sao bỏ học, Bảo chỉ khóc mà không nói. Rồi một hôm Bảo tâm sự với chị Băng rằng, nó muốn đi cho gia đình bớt một miệng ăn, vừa bắt ốc, mò cua kiếm tiền giúp mẹ cha lo cho chị Trâm học hành tới nơi tới chốn.

Hồi năm lớp sáu, Bảo bị bứu máu, một khối u thật to bên má phải. Anh Tấn nói nghèo mắc cái eo, đã trị xong ai dè giờ nó tái phát. Gò má sưng to, đau nhức.Trong bước đường cùng, anh nghĩ tới chuyện bán cây mai để chữa bệnh cho con. Chị Băng im lặng, khóc thầm khi nghĩ rằng cây mai là nguồn vui, là thói quen nhìn ngắm mỗi sáng của chồng, là quà tặng của người bạn đi xa, là công lao di dời, chăm sóc mười tám năm, là chứng nhân của một cuộc hành trình gian khó . . . chị không đủ can đảm nghỉ đến hình ảnh mỗi sáng, trước khi lên đường làm ông kẹo kéo, anh Tấn pha trà ngồi nhâm nhi nhìn ra sân mà không có cây mai.

Thấu hiểu tâm sự của chị, vợ chồng anh Giảng – người chủ ngôi nhà – bỏ tiền ra mua mà không bứng nó đi, anh Giảng nói: “Tôi để lại cho anh nhìn ngắm, chăm sóc, khi nào anh có tiền thì tôi cho chuộc lại, không tính lời”. Trong lúc vợ chồng, con cái dắt díu nhau đi tìm nhà trọ thì anh Giảng đã ra tay, cho thuê nguyên ngôi nhà, có cả sân vườn, tiện nghi sinh hoạt mà chỉ lấy tượng trưng mỗi tháng hai trăm ngàn, trong khi anh Giảng chỉ là một nhà giáo nghèo, vợ tần tảo bán buôn, lại phải nuôi hai đứa con ăn học. Hồi anh Giảng mua cái tivi mới, anh bảo vợ mang cái tivi cũ đến cho vợ chồng anh Tấn xem thời sự, xem cải lương cho đỡ buồn. Khi anh Giảng mua được cái máy vi tính mới, anh lại bảo vợ mang cái máy tính cũ đến cho bé Trâm và bé Bảo học hành. Người đâu mà tốt như chiêm bao. Hai lần anh Tấn đi mua xe đạp cho con, ông chủ tiệm chỉ lấy nửa giá tiền, ông nói giúp cho ông kẹo kéo một phần, thưởng cho hai đứa nhỏ học giỏi một phần. Anh Tấn kể cho con nghe rồi nói, phải sống tử tế để không phụ lòng những người đã giúp mình. Nếu không có hai đứa con học giỏi, ngoan ngoãn thì cái nghèo của cha mẹ chỉ làm cho người ta thương hại mà thôi.

-->đọc tiếp...