Thứ Ba, 19 tháng 8, 2008

CHUỘT ĐỒNG




Săn chuột ở Đồng Tháp Mười - Ảnh BINH NGUYÊN




Chủ nhật, anh Thành rủ chúng tôi về Củ Chi quê anh ăn thịt chuột. Thành nói hôm qua đã gọi điện dặn anh Tư Chuột rồi, sáng nay anh cho hay, gài được hơn mười con. Tôi nghĩ trong bụng mà không dám nói ra, đi một xe năm sáu người mà chỉ có hơn mười con chuột thì làm sao đủ ăn.

Nhưng khi tới nhà Thành, thấy Tư Chuột đang ngồi nướng, tôi hoảng hồn, con nào con nấy cả ký lô, mập ú như con heo sữa. Tư Chuột cho biết đây là chuột mía, thực chất thì nó là chuột cống nhum, nhưng vì chúng sống theo rẫy mía lâu năm nên to con hơn chuột đồng ở các vùng quê khác, và chỉ có rẫy mía mới có loại chuột cống to như vậy. Tư Chuột nói, tên thật của anh là Tư, nhưng do nổi tiếng nghề gài chuột và nướng chuột nên làng xóm đặt anh là Tư Chuột. Hỏi mỗi ngày kiếm được bao nhiêu, Tư Chuột cười: “Hàng ngày tôi vẫn làm ruộng, làm vườn, khi làng xóm có đám tiệc, họ đặt trước, tôi mới đi gài”. Một ký chuột ba chục ngàn, một đám giỗ, đám cưới, có khi “đặt hàng” Tư Chuột đến bốn năm chục ký. Cách làm ăn của anh cũng không giống ai, vừa rất tài tử, cũng vừa rất chuyên nghiệp. Khi nhận “đơn hàng” với số lượng và thời gian cụ thể, mỗi tối anh chất bẫy lên xe honda đi vòng theo các rẫy mía trong vùng, kiếm đủ số lượng theo đơn hàng thì thôi, mang chuột về rọng lại. Tới hẹn, anh nấu nước nhổ lông, ướp gia vị rồi mang đồ nghề đến nướng tại nhà của khách hàng, nướng tại chỗ cho khách ăn tại chỗ.

Hôm ấy tại nhà Thành cũng vậy, anh đặt cái lò than dưới gốc xoài, gần bàn nhậu, khách ăn tới đâu anh nướng tới đó. Chuột cống để da, ướp gia vị, nướng lò than, ăn với cơm nếp đậu xanh. Trời ơi ! Giờ ngồi gõ những con chữ nầy mà vẫn nghe mùi thơm, vị ngọt bốc lên.

Ở Bạc Liêu quê tôi ngày xưa chuột cũng đầy đồng, tôi nhớ có lần, trên đường đi đặt rập cua, sáng ra, bơi xuồng thả rập xong, mấy thằng bạn than hết đồ ăn, tôi xách cây dầm bước lên bờ đìa, tìm cái hang chuột rồi lấy dầm xắn vài lác đất, thay vì phải đào bằng dá. Mùa sa mưa đất mềm, chỉ cần xắn mấy dầm là thấy cái đuôi chuột cống lòi ra, cứ nắm đuôi vật đầu mấy cái là bốn năm con chuột nằm một đống. Chuột đồng Bạc Liêu không lớn con bằng chuột mía Củ Chi, nhưng lột bỏ lớp da là mỡ đầy mình, bốc cái ruột ra là mỡ chứa đầy trong bụng. “Lấy mỡ nó chiên nó”, đó là cách nói của dân ăn chuột xứ tôi, chỉ cần chặt khúc, bỏ vào chảo, đốt lửa lên năm mười phút là mỡ chảy ra đầy chảo, đốt cho “tới mỡ”, thịt chuột sẽ vàng nghệ bên ngoài. Như vậy là xong, chấm muối thô hoặc nước mắm mà ăn, không cần gia vị. Đó là cách ăn hoang dã nhưng không kém ngon so với cách làm của anh Tư Chuột.

Bắt chuột cũng có nhiều cách bắt. Mùa hạn thì đi đốt đồng. Cánh đồng Chó Ngáp quê tôi vào mùa khô thì nó là thế giới riêng của chuột. Chỉ cần đốt một đám năn, ngồi chờ cho lửa cháy hết một cánh đồng, mỗi một cánh đồng lớn hàng trăm mẫu, cách nhau bởi những kinh mương. Lửa cháy, từng bầy chuột sẽ chui vào hang, những ngõ ngách ăn luồn dưới đất, cách mặt đất chừng nửa gang tay, đó là những “đường hầm” do chúng tạo nên trong những đêm đi đào bới củ năn. Khi lửa cháy, chúng biến những đường hầm ấy thành nơi ẩn náu. Chúng tôi chỉ việc bươi hang, nắm đầu chúng lên, dùng nỏ bẻ răng rồi cho vào giỏ, đến khi nào không còn khiêng nổi nữa thì thôi, đành tha mạng cho những bầy chuột còn lại, hẹn với chúng vào mùa mưa. Mùa mưa, năn phủ xanh đồng, nước ngập nửa ống chân, chúng tôi trở lại “dặm cù”. Bốn năm thằng nối nhau đi một vòng tròn, khoảng hơn ngàn mét vuông. Đi đến đâu, đạp năn xẹp xuống nước đến đó, lũ chuột co cụm dần rồi “gom cù” vào một chỗ. Khi cái căn cứ cuối cùng của chúng thu hẹp lại chừng vài ba mét vuông, một thằng vạch năn, thọp đầu, bẻ răng bỏ vào giỏ, những thằng khác tiếp tục nối nhau dậm xung quanh, “không cho chúng nó thoát”. Quần đảo vài ba đám năn như vậy, chúng tôi cũng tóm được vài trăm chú chuột. Nhưng cách bắt nầy đòi hỏi phải nhanh nhẹn, bạo tay, phải bóp mạnh con chuột để ruột nó dồn lên ức, đầu nó không co lại được. Nếu không thì đừng trách sao mầy lại cắn tao.

Một cách bắt nữa là dẫn chó đi đào hang. Chuột thường làm hang ở những bờ ruộng, bờ đìa, bờ đê. Hồi ấy ở quê tôi, nhà nào cũng nuôi vài ba con chó, huấn luyện chúng thành những tay săn chuột lão luyện. Trong vô số hang ngách ngoài đồng, hang nào có chuột hay không, chỉ có . . . chó mới biết. Sáng sớm vác dá ra đồng, chỉ cần chặc lưỡi, bầy chó chạy theo. Chúng vừa đi vừa đánh hơi. Khi mũi chó hít vào hang, đuôi nó cong lên, hai chân trước bươi xối xả thì chắc rằng trong đó có chuột, lúc ấy, ta cứ đào, xắn theo miệng hang. Một con chó vừa bươi, vừa rình rập, trông chừng, những con khác đánh hơi tìm kiếm những ngõ ngách xung quanh và ngồi đó canh giữ. Mỗi con chuột chạy ra, lập tức bị chó táp ngay đầu. Con chó khôn ngoan chỉ nhắm ngay đầu con chuột mà cắn, để lại phần thân thể còn nguyên vẹn cho chủ, và, con chó khôn ngoan cũng không bao giờ ăn thịt chuột khi chưa được chủ cho phép. Về nhà, khi chuột được chế biến xong, dọn ra mâm cơm, con chó chọn một chỗ ngồi dưới đất, im lặng ngóng lên, chờ chủ ném cho phần xương xẩu.

Chuột có nhiều cách chế biến như chiên, xào củ hành, xào sả ớt, muối sả, kho mắm, nấu canh chua cơm mẻ với bắp chuối, khìa nước dừa, nướng, quay lu. Nhưng ngon nhất vẫn là món “lấy mỡ chuột chiên chuột”.

Cũng là chuột, nhưng chuột đồng và chuột nhà có “tính cách” khác nhau. Văn hào Lev Tolstoy từng có câu truyện ngụ ngôn khá thú vị rằng, một hôm chuột nhà đi thăm chuột đồng, nhìn cảnh đồng ruộng hoang sơ, chuột đồng chỉ ăn những bữa ăn đạm bạc với cỏ non, chuột nhà nói: “Anh sống sao mà khắc khổ quá, theo tôi về nhà tôi đãi anh một bữa”. Chuột đồng theo chuột nhà về nhà, leo lên bàn ăn, chuột đồng rất ngạc nhiên thấy toàn cao lương mỹ vị: “Chao ôi, anh sống sao mà sung sướng quá !”. Chuột nhà hãnh diện nói: “Sống thế mới là gọi sống, hay là anh bỏ đồng ruộng về đây sống với tôi”. Liền khi đó có bóng người đi tới, chuột nhà hốt hoảng dắt chuột đồng chạy xuống hang, chuột đồng ngạc nhiên hỏi: “Sao vậy ?”. Chuột nhà nói: “Đó là thức ăn của người ta, mình chỉ ăn lén thôi”. Chuột đồng vừa bỏ đi vừa nói: “Sống như anh thì nhục quá, thà ăn cỏ, uống nước đồng như tôi mà thanh thản lương tâm”.

Xem ra, loài chuột cũng còn biết thế nào là liêm sỉ.

26 nhận xét:

Bút Thép nói...

Anh quên đặc dược rượu tổng hợp rắn-bìm bịp-tắc kè- bò cạp- vò vẽ- mối chúa của em rồi. chuột đồng mà nhắm với rượu do BTL pha chế thì chỉ có "chết". Lần sau nhớ hú em nha.

thienhadebetanhhung nói...

Đọc bài của anh mà thấy nước miếng tứa ra đầy miệng, thèm quá. Ngày xưa đọc một cuốn truyện gì đó mô tả 2 cậu bé hun khói bắt chuột rồi nướng ăn ngoài đồng, đã thấy thèm. Đọc "Món lạ miền Nam" của Vũ Bằng thèm lên gấp mấy lần, giờ đến bài của anh nữa. Chắc bao giờ có dịp vào Nam tôi phải tìm ăn thịt chuột đầu tiên mới được.

Pink_Heart nói...

Thiệt tình tui hổng có khoái mấy món chế biến từ chuột. Tại không quen thôi, vì dân quê tui hổng có ăn chuột. Nhưng đọc bài của anh, tui bỗng nhiên ước gì mấy ông Tư Chuột có cách gì bẫy được cái lũ chuột 2 chân. Tui nói thiệt, thứ đó thì tui ăn tuốt. Ăn sống nuốt tươi tui cũng chơi, chứ đừng nói nướng, chiên, xào rán...
Phải chi có ai dạy cách bẫy lũ chuột này nhỉ? May ra dân ta bớt nghèo, bớt khổ!!!

Hai Au nói...

À, thịt chuột ở Củ Chi tui cũng ăn rồi. Nhưng ăn trong quán, cùng ăn là một thằng cha GĐ cty của nước ngoài (người Việt) và một chú em gđ 1 cty Việt Nam. Hổng có cảm giác "phê" gì hết!
Lần khác, ăn thịt chuột ở Long Xuyên, chuột cống (chuột + bánh cống). Cùng với những bạn bè thân. Ngon hết xẩy!
Dzậy là chuột ngon hay chỗ ăn hay người cùng ăn ngon?

Cyclo! Cyclo! nói...

Nè, ở Củ Chi có một quán nhậu tuyệt cú mèo. Chuột cũng ngon, riêng món ếch chiên giòn chưa thấy chỗ nào ở SG ngon như ở đó. Quán Hai He, ông ghé chưa? Còn món cháo môn lương thì chỉ có "ngậm mà nghe". he he

Huong nói...

Con gái đâu rồi sửa lỗi chính tả cho tía kìa..
Chuột đồng thanh thản lương tâm nhưng bị bẫy, bị đốt, bị nắm đuội vật đầu tùm lum, khổ thiệt !

VÕ ĐẮC DANH nói...

HaiAu:Theo tôi thì có những món ăn ngon nhờ không gian.
Cyclo:Củ Chi còn nhiều món ngon lắm, ngoài những món ông kể, tôi còn biết thêm như củn bò, cháo bò, tép mòng xào . . .
BútThép: Mỗi lần nghĩ đến em và bà con trên ấy là anh nghẹn cổ, nhói lòng.
Huong:Con gái đi học rồi.

khanhhuong nói...

Trời ơi, mọi ngày nghe đến từ "CHUỘT", tưởng tượng ra cái đuôi đen trần xì là cháu hoảng hồn rồi này. Thế mà nghe chú kể, cháu cũng tứa nước miếng đây này. Cũng thèm được thấy mùi thơm và vị ngọt - chứ chẳng kể đến chú ngồi gõ và nhớ lại mà thèm đâu.

hungkuss nói...

Hehe, cháu chưa ăn thịt chuột bao giờ. Nhưng nghe Chú kể thì thèm quá((:

vu duc nói...

Về Đồng Tháp thịt chuột cũng ngon lắm. Ai về Cà Mau thì sẽ có dịp ăn quán chuột 7 món trên P6 gần Tân Thành ngon tuyệt

Nguyễn Chí Bền - bộ mặt thật nói...

Chuyện chuột -chuyện đời, hương vị đồng quê dẫn dụ người đọc đến một châm ngôn độc nhất vô nhị của tác giả. Cảm ơn bác!

duythiện nói...

chuột đồng mới có liêm sỉ, chứ chuột TP liêm sỉ có mà đói nhăn răng!
chuột TP cũng ranh ma hơn hẳn, dễ gì bắt để ăn tươi nuốt sống, Pink Heart ơi!

duythiện nói...

chuột đồng mới có liêm sỉ, chứ chuột TP liêm sỉ có mà đói nhăn răng!
Mà chuột TP ranh ma quỷ quyệt, dễ gì bắt được để ăn tươi nuốt sống!

Hú Hồn nói...

Chuột nào mà chả có đuôi, chuột nào rồi cũng làm đau lòng người(dân nghèo)!

caonguyenbui nói...

Tui là dân Cao Lãnh, đi SG thấy có quán chuột đồng Cao Lãnh trên đường NTMK. Nhưng mà chuột đồng ăn ở đồng mới ngon,đem lên SG ăn không ngon nữa rồi......

Quỳnh Vy nói...

Thì đó!
Có liêm sỉ nên chuột đồng mới bị người ta săn bắt đưa lên bàn nhậu ê hề đó!
Khổ thiệt tình!

Hoa Sen nói...

Cái kết rất hay.

Cơm Nguội ® [Trà Hoa Nữ] nói...

chẹp chẹp...ngon quá bác ạ...nào giờ cháu chỉ bít Chuột đồng Biên hòa, giờ bít thêm chuột mía Củ Chi!!!

Cơm Nguội ® [Trà Hoa Nữ] nói...

à...cháu xin phép kéo link blog bác về nhà cháu nhé...bác đồng ý nhé!!! cháu cảm ơn bác...hì!

VÕ ĐẮC DANH nói...

Vuduc:Tui là dân tân Thành, Cà Mau mà chưa nghe quán chuột 7 món, hôm nào về sẽ tìm.
Duythiện,QuỳnhVy: Chuột đồng thì sống thảnh thơi, nhưng đang bị đô thị hóa, rồi sẽ thành chuột nhà và trở thành kẻ đục khoét,ăn cắp nữa thôi.
Cơmnguội:Ừ.

strongbee nói...

Ý tại ngôn ngoại rùi.
Bác viết về món thịt chuột cũng thật sinh động :). Nhưng cái này chắc chỉ đăng Blog thôi phải không bác !?

Phương Nguyên nói...

Chuột đồng ở Bến Tre thì ăn dừa, ú núc luôn. Vô vườn dừa Bến Tre thấy cây nào cũng có mang một tấm đai thiếc quanh thân cây, thì ra là để ngăn chuột leo lên ăn dừa.
Ở quê tui hồi xưa sắp tới mùa nước thì đi đập chuột. Vót roi tre cho dẻo rồi đi ra đồng, ban đêm, đốt đèn măng sông, tới lùm bụi, hang hốc người thì chọt cho chuột chạy ra, người đứng canh thấy con nào chạy ra thì đập, lượm bỏ bao. Đập chuột ăn chứ không bán vì nhà ai cũng đập được.
Ngày nay bắt chuột , làm chuột thành một "công nghệ". Thịt chuột làm xong ướp nước đá rồi đưa đi các chợ, quán nhậu...để tiêu thụ, hết cả tươi ngon. Thịt chuột ướp đá mà lấy mỡ nó chiên nó thì ăn không nổi đâu anh Danh ơi!
Anh đang mô tả thịt chuột nướng ngon thế nọ thế kia rồi "tương" vô chiện lòng tự trọng, có đang ăn ngon cũng muốn nghẹn luôn!

VÕ ĐẮC DANH nói...

PhuongNguyen và các bạn:Sống ở Sài Gòn, đôi lúc thèm chuột nhưng không thể ngồi trong nhà hàng mà ăn chuột, cũng như không thể mua con cá lóc về nhà nướng lò than . . . Nói chung, có những thứ ăn không chỉ là ăn mà ăn món gì cũng cần có cái không gian phù hợp. "Về sông ăn cá về đồng ăn cua" là vậy đó.

TTKH nói...

Càng nghe anh viết càng thú vị: "Sống ở Sài Gòn, đôi lúc thèm chuột nhưng không thể ngồi trong nhà hàng mà ăn chuột, cũng như không thể mua con cá lóc về nhà nướng lò than . . . Nói chung, có những thứ ăn không chỉ là ăn mà ăn món gì cũng cần có cái không gian phù hợp. "Về sông ăn cá về đồng ăn cua" là vậy đó."

David L nói...

đọc bài này của n mà thèm rõ dãi, xin phép n cọp bài này về blog của m!!

taolahatday nói...

em chưa được ăn thịt chuột bao giờ, nghe bác kể cũng thèm quá. Nhưng ghen tị với bọn con trai quá, tụi nó lúc nào cũng có những trò hay hơn của con gái. nào là tắm sông, bắt chuột vv.. gái mà làm thế mẹ đánh cho gẫy chân. Em sau này cương quyết đẻ con giai - nhưng bác thì quý con gái rồi