MẸ TÔI
Có một đêm tôi giật mình thức giấc thấy mình nằm trong mấy tấm lá chầm, ngoài trời mưa to gió lớn, mưa xuyên qua mái nhà rớt lên những tấm lá chầm nghe lộp bộp. Mẹ tôi vẫn ngồi chấp chân bên ngọn đèn dầu lập lòa trong gió, tiếng ống bả kêu o o như một khúc nhạc buồn.
Hồi ấy, có lẽ người ta chưa có sáng kiến để chế ra chiếc xa quay như bây giờ mà phải dùng hai bàn tay xe từng sợi bố, gọi là chấp chân. Sợi bố được vòng qua một ống tre treo lên mái nhà, ống tre ấy gọi là ông bả, sợi bố đi vòng qua ông tre tạo nên một âm thanh buồn như tiếng nhạc. Năm tháng đi qua, ống tre mòn khuyết tạo thành những vòng tròn, đường khuyết càng sâu thì khi sợi bố đi qua cái âm thanh ấy càng to và càng ngân nga, buồn da diết. Để có đủ chân cho một đôi chiếu, mẹ tôi phải xe hàng trăm mét dây bố, và mỗi năm mẹ tôi dệt hàng trăm đôi chiếu, có nghĩa là hai bàn tay mẹ tôi phải xe hàng chục vạn lần để có hàng vạn mét dây. Và một đời dệt chiếu, xe từng sợi bố, chẻ từng cọng lát, đời mẹ tôi còn lại chiếc lưng còng, những lưỡi dao cau mòn khuyết, những chiếc ống bả mòn khuyết và những khung dệt cũng mòn khuyết. Nhưng cái âm thanh buồn toát ra từ chiếc ống bả cứ bôn ba theo cuộc đời tôi như một bản trường ca.
Năm tôi lên bảy tuổi, đó là một buổi sáng tháng 5 năm 1967, sau một cuộc giao chiến ở một vùng ven trên đồng Phong Thạnh, khi tiếng súng vừa dứt, cũng như thường lệ, mẹ tôi đi thăm từng nhà trong xóm xem ai còn ai mất. Nhưng rồi bất ngờ, chúng tôi nhìn thấy mẹ tôi ngồi gục trên bờ đám mạ giữa đồng. Trên đường chúng tôi chạy ra, có những xác người vừa tử chiến nằm giữa lối đi. Một người đàn ông đi qua, giúp mẹ tôi khiêng ba tôi đặt lên bờ mẩu. Ba tôi bị một viên đạn súng trường xuyên qua cổ và hai mươi viên carbin lia trên ngực áo.
Sau khi gom xác những người tử trận – tất cả mười một người – xuống một chiếc ghe để đưa đi làm lễ truy điệu, mẹ tôi trở về mang hết mấy chục đôi chiếu xuống xuồng, những đôi chiếu vừa dệt xong còn thơm mùi lát mới. Không ai bảo, nhưng tôi biết mẹ tôi muốn dành những đôi chiếu ấy cho cả những người đồng đội của ba tôi. Hôm ấy trời mưa, mưa tối trời tối đất. Tôi ngồi trùm cao su trước mũi xuồng, mẹ tôi còng lưng chèo trong mưa gió, từng mái chèo nặng nhọc chóng chọi với những cơn dông, những con sóng cuộn tròn trên dòng sông Phụng Hiệp mà điểm đến là cái nhà tang lễ để làm một cuộc chia ly đầy tang tóc sau cùng.
Cũng tháng Năm năm ấy, mẹ tôi chính thức ra đồng để thay thế cho ba tôi.
Nhà tôi có năm anh em nhưng anh Hai tôi lúc ấy chỉ mới mười sáu tuổi, cái tuổi chưa gánh vác nổi việc nhà nhưng lại ngấp nghé trước món nợ núi sông. Hôm ấy – một năm sau khi ba tôi mất – một buổi sáng tôi đang lẽo đẽo theo mẹ ra đồng thì gặp bác Tư Nghiệp – một người bạn cùng làm việc với ba tôi trên xã – ông dừng lại, ngồi trên bờ ruộng nói với mẹ tôi những điềi gì đó mà tôi linh cảm là hệ trọng. Khi tôi đến gần thì nghe mẹ tôi nói nhỏ, giọng trầm buồn: “Có người mẹ nào lại muốn con mình xông ra lằn tên mũi đạn đâu anh Tư, hơn nữa tôi cũng hy vọng nó lớn lên sẽ giúp tôi lo chuyện ruộng đồng. Nhưng chiến tranh mà, biết làm sao giữ được. Thôi thì tôi giao nó cho anh”.
Nói rồi, mẹ tôi quay đi trong nước mắt. Hôm ấy mẹ tôi bỏ công việc ngoài đồng để về xúc mấy giạ lúa chèo ra chợ bán, mua cho anh Hai tôi mấy khúc vải xanh.
Ba năm sau, vào một ngày giữa tháng giêng, tôi đang hì hục bắt cá đìa cho chú Bảy gần nhà thì một thằng bạn cùng xóm tìm đến, nó đứng trên bờ đìa ra hiệu cho tôi lên rồi nói nhỏ: “Về đi, anh Hai mầy chết rồi !”.Tôi băng qua cánh đồng rạ khô chạy về, cả nhà im lặng, những người hàng xóm đến thăm cũng im lặng trong nước mắt chảy dài. Lần nầy mẹ tôi không gào khóc như lần tiễn ba tôi, bà ngồi trơ như pho tượng, không nhìn ai, cũng không nói với ai, thỉnh thoảng đưa tay lên vuốt ngực, nước mắt nhỏ từng giọt nặng nề.
Anh Hai tôi vừa mất thì anh Ba tôi cũng đến tuổi trưởng thành. Anh là một người lao động giỏi, giỏi đến mức cả xóm đều khen. Đào đất, phác cỏ, nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa . . . anh làm suốt từ hừng đông đến mặt trời lặn mà không biết mệt. Nhưng anh làm thay mẹ tôi chưa được bao lâu thì xóm tôi trở thành vùng giao tranh ác liệt, đồn đóng gần nhà, nạn bắt lính đôn quân làm cho dân tình náo loạn.
Mẹ tôi lại xúc lúa chở ra chợ bán, mua về cho anh Ba tôi mấy khúc vải xanh.
Phía sau nhà tôi, cách vài cây số có một ngôi chùa lớn gọi là Tòa Thánh của Cao Đài Minh Chơn Đạo. Ngôi chùa bị bom Pháp đánh sập từ năm 1945, chỉ còn lại một bức tường cao, và trên bức tường cao ấy có một cây gừa cổ thụ. Những người trong xóm tôi theo Giải phóng quân đều đi về phía ấy, và mỗi lần về thăm nhà họ cũng về từ phía ấy. Tôi nhớ ba tôi cũng trông về phía ấy, mẹ tôi tiễn anh Hai tôi cũng dõi mắt về phía ấy cho đến khi anh Hai tôi khuất dạng trong lùm cây. Rồi ngày ngày, mẹ tôi cũng ra cửa sau trông về phía ấy. Từ ngày anh Hai tôi mất, mẹ tôi cố tránh cái nhìn về phía ấy. Nhưng từ ngày anh Ba tôi ra đi, mẹ tôi lại ngóng trông về phía ấy, một nửa chờ mong và một nửa đau buồn. Nhưng rồi hai năm sau, mẹ tôi không dám nhìn về phía cây gừa ấy nữa khi một người quen đến báo hung tin. Lần nầy, mẹ tôi lại ngồi như pho tượng, lại vuốt ngực với từng hơi thở nặng nề. Có nhiều đêm trở giấc, tôi giật mình thấy mẹ tôi vẫn còn ngồi đó, tay đấm nhẹ vào ngực và cố đè nén hai tiếng “Trời ơi!”
Năm tôi lên mười sáu tuổi, mẹ tôi không xúc lúa chở ra chợ bán để mua mấy khúc vải xanh như hai lần trước nữa mà bà bán hết lúa trong nhà để ra Cà Mau thuê người làm cho tôi cái giấy khai sanh giảm xuống cho tôi hai tuổi để tôi tiếp tục đến trường. “Có người mẹ nào lại muốn con mình xông ra lằn tên mũi đạn đâu anh Tư . . .”. Khi mẹ tôi gọi người hàng sáo đến đong những táo lúa cuối cùng trong bồ, tôi chợt nhớ đến câu nói ấy.
Thời đó, tôi chưa đủ trí khôn để hiểu rằng, để có được tờ khai sanh giả, để chiến tranh không phải cướp mất tôi, mẹ tôi phải ra đồng từ lúc hừng đông cho đến khi hàng xóm lên đèn, tấm thân gầy lần mò trên bờ mẩu giữa tiếng nhái bầu đồng thanh một khúc nhạc buồn trên đồng nước bao la khi trời chạng vạng. Đêm đêm, tôi ngủ bằng điệu ru của tiếng ống bả chấp chân trong căn nhà dột nát, mẹ phải che cho tôi bằng những tấm lá chầm.
Cái tờ khai sanh giả ấy đã giúp tôi vượt qua nạn bắt lính đôn quân cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Ngày hôm ấy, sau giây phút mừng vui, bổng mẹ tôi lặng người đi, rồi run rẩy đôi tay khi đốt ba nén nhang cắm lên ba chiếc lư hương giữa bàn thờ, bà lại cố nén hai tiếng “Trời ơi” thốt ra từ trong hơi thở.
Sau chiến tranh, tờ khai sanh ấy không còn nằm trong hồ sơ pháp lý của tôi nữa, nhưng trong hành trang của cuộc đời tôi, nó vẫn là một tờ khai sanh vô giá.
20 nhận xét:
Rất xúc động!
Xin chia xẻ với nỗi đau của mẹ anh và của biết bao người mẹ trên dải đất đau thương hình chữ S, dù biết rằng những nỗi đau đó chẳng điều gì bù đắp nổi. Đọc các bài viết của anh, tôi thấy được đồng cảm, yêu và trân trọng những gì anh yêu và trân trọng, căm ghét những gì anh căm ghét. Cám ơn anh.
Ôi, tấm lòng người mẹ....
Thật không đủ ngôn từ để viết nữa rồi.
ky uc ve chien tranh trong nhung trang viet cua anh nhu dang ri mau anh a. Nhung hinh anh cu lap di lap lai trong cac bai viet cua anh ve dat que la mot noi am anh ve nhung cai chet, ngay ca trong bai "Nho dong", chuyen tuong chi o dong que cung am anh hinh anh me anh anh guc nga ben bo ruong de .... Hom nay doc bai "Me toi" cua anh lai la nhung hinh anh ve noi dau tan cung cua nguoi me Viet Nam.Oi uoc gi nhung nguoi dang huong hanh phuc tren "dat cua me" biet duoc nhung dieu hi hinh nay anh a.
Cảm động và phẫn uất quá bác VĐD à :((
Khi buoc di tren duong doi roi moi thay duoc het tam long va su vi dai cua nguoi me. Do la diem tua tinh than lon nhat trong cuoc doi cua moi nguoi. Hai Lua em cung da co nhung cam xuc tram lang nhat ve me, bai "MA TOI" trong blog do neu anh ranh qua doc cho vui de chia se ve nhung nguoi me anh hung
"mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm, lời kinh vọng xa thật êm đềm, mẹ cầu cho con vượt qua ngày tròn, mẹ cầu cho em tuổi đời xanh đừng biến mất..."( Kinh Khổ- TRầm Tử Thiêng) Anh nghe bài đó chưa?
Cám ơn bác về một câu chuyện viết giản dị nhưng thật xúc động về Mẹ.
Cám ơn bác vì bài viết rất hay về mẹ trong dịp Vu Lan.
Cu Um com men nghe toi nghiep qua.
Ba lần tiễn con đi , hai lần khóc thầm lặng lẽ ...Bởi vậy , thật đáng trách cho những ai bội bạc với những người Mẹ và với những mảnh đất đã cho mình những người Mẹ như thế !
...Thời còn chiến cuộc dằng dai
mẹ lo con những nạn tai phập phồng
bây giờ biển lặng sông trong
con không gần mẹ nghe lòng xót xa!!!
Không thay đổi là không có hy vọng!
Rất may mẹ anh đã thay đổi khi " tới lượt" anh. Nếu không?! Chưa chắc đã có một VĐD như bây giờ. Và...Ai sẽ báo hiếu cho mẹ? Ai sẽ nhớ đến những khổ cực của mẹ khi tất cả con cái đều trở thành liệt sĩ?
đọc bài này rồi, giờ post lại đọc vẫn cảm động như lần đầu. Hình trên là Mẹ anh và cháu nội a?
Bác Danh còn được đeo hoa hồng đỏ không? (Có nhớ kịch bông hồng cài áo của Kim Cương?)
Bác diễm phúc lắm, có được một người Mẹ như thế!
Vui lên chứ, bài nào bác viết về quê hương của bác hay kỷ niệm ấu thơ cũng buồn hết vậy, bao giờ được đọc chuyện vui?
Câu chuyện về những Bà Mẹ Anh Hùng được báo chí sách vở ca tụng nhiều quá, nhiều hơn rất nhiều những bài báo nói về cảnh sống hiện tại lầm than, nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn của họ. Cho tôi xin các chữ...anh hùng, trung hậu, đảm đang!
Cám ơn bác một bài viết nhiều ý nghĩa cho ngày Vu Lan!Theo tôi, Mẹ của bác đúng là Mẹ, không chỉ biết là Mẹ anh hùng, đã biết giữ cho mình đứa con thứ ba.
Cảm ơn tác giả.
Cảm ơn sự đồng cảm và chia sẻ của các bạn !
Mùa đông@:Mẹ tôi, bên phải và giữa là cháu nội, trái là cháu ngoại.
TiCo@Đã xem rất nhiều lần và rất thích, Mẹ tôi vẫn đang ở SG
ngoc@: Hình nư Khánh Ly hát
Tôi đọc bài này rồi, đọc lại vẫn thích. Anh viết xúc đông lắm, chắc mẹ anh rất vui, rất hãnh diện vì con mình là nhà văn.
Có một chi tiết trong bài làm tôi thắc mắc, anh viết năm 1967 anh bảy tuổi, vậy năm anh mười sáu tuổi là năm 1976, chiến tranh đã kết thúc rồi. Anh có nhớ lộn chỗ nào không.
Mẹ chị cũng đã 3 lần tiễn con vào chốn đạn bom, nhưng may mắn là tất cả đều trở về, dù có người không còn nguyên vẹn, nhưng với chị, mẹ là 1 bà mẹ anh hùng.
Mẹ em đã không có đựoc may mắn ấy, bà đã bị chiến tranh cướp đi quá nhiều.
Cầu mong mẹ anh hùng của chị em mình có được sức khỏe.
Biết làm gì để báo đáp những bà mẹ như mẹ? Bây giờ tôi càng hiểu tại sao những trang viết của bác làm người đọc xúc động đến vậy!
Đăng nhận xét