Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

TRUYỆN VIẾT TỪ ÂM PHỦ


(Đăng trên báo Văn nghệ minh Hải ( 1987 ), tạp chí Văn TPHCM , báo Đoàn kết của Hội người Việt ở Paris – năm 1988 )

Phi mở hộc tủ lấy chồng bản thảo văn xuôi ra chuẩn bị biên tập cho tờ báo Tết. Cùng lúc ấy anh phát hiện có một người khách đang lấp ló ngoài cổng. Thoạt đầu, Phi hơi giật mình chú ý cách ăn mặc và diện mạo kỳ quái của người khách : anh ta mặc bộ đồ đỏ có những viền trắng, bên hông đeo gươm và nai nịt gọn gàng giống như vị thủ lĩnh của nhóm đạo tì đưa đám ma. Đầu anh đội chiếc mũ vuông cũng màu đỏ. Nét mặt đanh đá dữ tợn, và chòm râu cánh én uốn cong trông càng dữ tợn hơn. Anh ta cầm cuộn giấy trong tay và hăm hở bước vào từng bước dài, đều đặn. Phi nghi anh mắc bệnh tâm thần nên không muốn tiếp, anh giả vờ không chú ý và cuối xuống chồng bản thảo.

- Chào ông ! – Người khách nghiêng mình, ngã nón trước mặt Phi.

- Anh cần gì ? – Phi hỏi, mặt vẫn cuối xuống chồng bản thảo.

- Xin lỗi anh làm gì ở đây ? – Người khách hỏi.

- Thường trực biên tập.

- Tức là nhà văn ?

- Phải. Chức danh là thư ký tòa soạn.

- Xin lỗi ! Ở dưới âm phủ không có loại nhà văn và thư ký tòa soạn nào mất lịch sự như anh vậy.

Phi ngơ ngác nhìn người khách :

- Ông … ông là ai ?

- Tôi vừa được đầu thai lên làm nhà văn.

Phi thở phào và kéo ghế mời khách.

- À ! Vậy mà tôi tưởng… mời anh ngồi !

Người khách cuối xuống nhìn trang phục của mình rồi như hiểu ý Phi. Anh ta thanh minh:

- Mới lên khỏi mặt đất, tôi vọt lai đây liền vi sợ không kịp nộp bài cho báo Tết nên chưa kịp mua quần áo khác.

- Anh đến đây bằng phương tiện gì ? Phi hỏi thân mật.

- Xe Honda ôm. Mời anh hút thuốc.

Người khách lấy ra hai điếu xì gà to bằng ngón tay cái rồi đốt cho Phi một điếu…

- Anh có mang bài lên nữa à ?

- Có chớ, đây, bài trúng giải nhất trong cuộc thi đầu thai làm nhà văn. Mời anh xem và đăng cho tôi trong số Tết.

Người khách trao cho Phi tờ bản thảo dài chừng hai thước, bề ngang hơn một gang tay, viết hai mặt bằng mực tàu.

- Anh thông cảm, vì ở dưới tôi quen trình bày theo kiểu viết sớ.

- Không sao. Nhưng mai mốt phải viết theo kiểu trên này.

Nói rồi Phi mở ra đọc. Nhưng Phi lấy làm ngạc nhiên ngay dòng đầu tiên trên bản thảo :

TRUYỆN VIẾT TỪ ÂM PHỦ của CHOTHANHU

- Anh thuộc quốc tịch nào ? – Phi hỏi

Người khách trả lời thản nhiên :

- Việt Nam chính thống

- Vậy sao anh lấy bút hiệu CHOTHANHU ?

- Thế anh có biết PHAHASA là gì không ?

- PHAHASA là Phát hành sách viết tắt. Còn anh ?

- Cũng thế !

- Thế là sao ?

- CHOTHANHU là tên của một trường phái viết tắt.

- Tôi chưa hiểu.

- Thì CHỐNG-THAM-NHŨNG, Thế mà cũng làm nhà văn !

- À thì ra vậy. Ở dưới các anh cũng chống tham nhũng nữa à ?

- Không. Diêm đế phân công tụi tôi lên đây để giúp các anh chống tham nhũng. Hay nói cách khác, vì bất bình trước tham nhũng mà Diêm đế cho chúng tôi đội mồ sống dậy.

- Có lý. Thế truyện này anh viết gì ?

- Đọc đi thì biết !

Và Phi bắt đầu đọc :

“Cụ Tuấn năm nay gần tám trăm tuổi, nhưng trông cụ vẫn còn rất sỏi với phong độ của một vị tướng. Cụ có một thói quen mà các cụ cùng tuổi ít ai có được : Sáng dậy sớm vợt mấy đường gươm tập thể dục rồi cưỡi ngựa ra căntin uống ly sâm nóng. Phải chăng nhờ vậy mà cụ vẫn cường tráng so với cụ Trọng, cụ Hãn, cụ Ly…

Sáng nay từ căntin về, cụ thấy trong quầy sách ở ngã ba đường có treo mấy tờ báo, mừng quá, cụ giật dây cương ngựa và phóng xuống mua, tất cả bốn tờ báo cụ mua hết.

Cụ nói với cô chủ quán :

- Tôi không hay có báo nên không mang tiền theo, chiều tôi trả.

Cô chủ quán hiền từ đáp :

- Dạ, vâng ! Thưa cụ không có sao ạ ! Cháu biết cụ mê đọc báo nhưng dạo này hiếm quá. Thỉnh thoảng mới có vài người từ trần xuống mang theo vài tờ nhưng họ bán đắt gấp năm gấp bảy lần giá bìa cụ ạ.

- Phải thôi, mới xuống chưa làm gì ra tiền thì phải bán giá cao chớ sao. Khi nào có, cô đừng treo trên quầy mà hãy giữ cho tôi nhé!

- Vâng, con sẽ dành riêng cho cụ.

Cụ Tuấn vội vã phi ngựa về nhà và mang chiếc võng ra mắc dưới gốc cây bàng nằm đọc say mê. Đọc đến tờ thứ hai cụ bỗng giật mình khi gặp bài “HỊCH TƯỚNG SĨ TÂN TRANG” – của Trần Quốc Tức đăng ở trang cuối. Cụ rủa thầm trong bụng : Mẹ kiếp, tụi này giở trò gì đây, “TÂN TRANG”? Có nghĩa là “làm mới”, tao hiểu rồi, còn Trần Quốc Tức là thằng hậu sinh nào ? Để coi chúng nó tân trang thế nào đây ?

Và cụ đọc :

Ta cùng các ngươi sinh ra giữa thời quá độ, lớn lên gặp cảnh tham ô, ngó thấy bọn cơ hội ăn nhậu nghênh ngang trong nhà hàng, uốn tấc lưỡi cú dều mà lên giọng dạy đời, đem tấm thân đầy tớ mà bắt nạt chủ, lợi dụng chức vụ để xây nhà lầu, mua xe hơi, máy lạnh cho thỏa lòng tham khôn cùng, giả hiệu đảng viên để thu vén bạc vàng của kho có hạn. Thật chẳng khác nào ném thịt cho hổ đói, giữ sao cho khỏi tai họa về sau !

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm viết báo mà điện cúp, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận chưa viết được bài phóng sự điều tra để vạch mặt bọn ô dù. Dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác nầy gói trong da ngựa ta cũng cam lòng..

Thuở các ngươi còn nằm hầm ngủ đất để nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm, quan thấp thì ta thăng chức, lương ít thì ta cp bng, đi thủy thì ta cho xuồng, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc trận mạc thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà thì cùng nhau vui cười. So với Công Kiên đãi kẻ tì tướng, Ngộ Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì?

Nay các ngươi ngồi ngó chủ đói rách mà không biết lo, thấy chủ nhục mà không biết thẹn; nhìn chủ bị ức hiếp mà không biết tức, nghe nhạc thái thường đãi yến bọn móc ngoặc mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh tennít làm tiêu khiển, hoặc quên bỏ vợ con ở vườn ruộng để quyến luyến với nhân tình, hoặc ham làm giàu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon hoặc mê thuốc cán. Nếu lỡ có thanh tra hoặc báo chí nhào vô thì cựa gà trống không thể chọi với bút inốc, mẹo tennít không thể dùng làm mưu lược chạy tôi tham ô, mười ả tình nhân cũng chỉ làm bận bịu cho việc chạy trốn, tiền của nhiều nhưng không mua được một tòa soạn báo ? Súng săn tuy “xịn” nhưng không địch nổi bọn nhà báo cứng đầu; chén rượu ngon không làm cho thanh tra say chết… Lúc bấy giờ ô dù bị thủng, các ngươi bị bắt, đau xót biết chừng nào, chẳng những vốn liếng của cơ quan không còn mà bổng lộc của các ngươi cũng bị xung vào công qũy, chẳng những vợ bé các ngươi xấc bất xang bang mà vợ lớn các ngươi cũng buồn cũng khổ; chẳng những tấm thân các ngươi kiếp này chịu tù tội mà đến trăm năm sau, tiếng dơ không rửa, tiếng xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi không khỏi mang tai tiếng là tham ô hối lộ, lúc bấy giờ dẫu các ngươi muốn vui chơi phỏng có được không ?

Nay ta bảo thật các ngươi, nên nhớ câu : “đặt mồi lửa dưới đống củi” làm nguy cơ, nên lấy điều “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” làm răn sợ; hoặc tâm đắc câu “lấy dân làm gốc” mà hưởng ứng “những việc cần làm ngay”, xem lại cách làm ăn cho có hiệu quả, khiến cho người người áo ấm cơm no, trẻ con có đủ trường để học. Như vậy tài sản của Nhà nước không bị thất thoát mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ, chẳng những nhân dân được áo ấm cơm no mà vợ con các ngươi cũng không bị xóm giềng mai mỉa, chẳng những ngày 30 –0 4 sẽ được muôn đời tế lễ mà các anh hùng, liệt sĩ cũng được thờ cúng quanh năm; chẳng những chức vụ các ngươi không bị mai một mà tên họ các ngươi cũng được báo chí bơm lên. Lúc bấy giờ dẫu các ngươi không muốn vui chơi phỏng có được không ?

Nay mai, ta sẽ chọn các bài “Những việc cần làm ngay” in trên báoNhân Dân hợp lại xuất bản thành một quyển gọi là “Nói thẳng nói thật”. Nếu các ngươi mua quyển sách này về đọc và làm theo lời sách dạy bảo thì trọn đời là tớ chủ; nhược bằng khinh bỏ sách này, làm trái lời sách dạy thì trọn đời là nghịch thù.

Vì sao vậy ? Bọn tham nhũng đối với ta là kẻ thù không đội trời chung, các người khinh rẻ sách này tức là các người đồng tình với tham nhũng, là những tên đầy tớ thiếu trung thành, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở nào nữa.Nay ta TÂN TRANG bài hịch này để các ngươi biết được bụng ta.

Đọc xong người cụ Tuấn rung bắn lên vì giận dữ, cụ xé toạc tờ báo làm đôi ném đi rồi rời khỏi võng, miệng cụ la như thét :

- Đồ hậu sinh bát nháo! Ai mượn chúng mày TÂN TRANG kiểu này ? Thế là thế nào ?

Cụ vào nhà khoác áo mão cân đai, nai nịch gọn gàng rồi nhảy lên lưng ngựa, giật cương phi như gió để đến nhà cụ Nguyễn Trãi nhờ cụ Trãi giải quyết chuyện này.

Đi một đoạn cụ giật mình vì đã xé tờ báo và quên mang theo, cụ quay ngựa lại, đến gốc cây bàng lúc nãy, cụ xuống nhặt tờ báo cho vào túi rồi lên ngựa phi tiếp. Con bạch mã chạy như bay qua một cánh rừng thông trùng điệp rồi nặng nhọc phóng từng bước lên ngọn đồi với độ dốc khá cao.

Lúc ấy đã gần chín giờ sáng, mặt trời đã lộ nguyên hình trên đỉnh núi, những màng sáng đã xuyên qua rừng thông chỉ còn lại chút màn sương mờ nhạt. Thế mà cụ Nguyễn Trãi vẫn còn ngồi bên lò sưởi, cụ bẻ những cành thông khô đặt lên bếp rồi đưa hai tay lật qua lật lại trên ngọn lửa một cách đều đặn như nướng bánh phồng. Xong, cụ lại xoa hai bàn tay lên má, lên thái dương và qua gáy, vai cụ run run.

Nghe tiếng vó ngựa, cụ ngẩng lên. Con ngựa dừng lại, cụ nhận ra ngay cụ Trần Quốc Tuấn, liền đứng phắt dậy chào :

- Kính chào Trần tướng quân, có điều chi khẩn cấp mà tướng quân đến đây sớm vậy ?

Cụ Tuấn vừa nói vừa lấy tờ báo ra đặt lên mặt đất ráp lại :

- Đại thi nhân trông coi về chuyện chữ nghĩa với văn chương cho Diêm Đế nên tôi có việc này cần bàn luận. Tụi hậu sinh bát nháo ở trần gian đã lấy bài hịch của tôi tân trang lại và lấy tên Trần Quốc Tức. Đại thi nhân thử nghĩ coi có tha thứ cho hành động ấy được chăng ? Bài hịch của tôi viết để kêu gọi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên trên bảy trăm năm về trước, giờ chúng muốn in lại thì in, in không được thì thôi chứ mắc mớ gì mà phải tân trang lại, chẳng lẽ chúng bất tài đến nỗi không viết được một bài hịch khác. Tôi sẽ trình lên Diêm đế ra lệnh mời thằng Tức xuống đây, Đại thi nhân xem coi xử phạt nó cách nào, tội này dường như mười hai cửa ngục của ta chưa có. Và sau vụ nầy có nên lập ra luật bản quyền chăng ?

Xem xong bài Hịch tướng sĩ tân trang, cụ Nguyễn Trãi vẫn bình thản pha trà và mang thuốc lào ra mời cụ Tuấn. Xong cụ vào trong mở tủ lấy một tờ báo ra đưa cho cụ Tuấn xem và nói:

- Có gì đâu mà tướng quân đòi bắt tội. Tướng quân xem đây, bài CÁO BÌNH NGÔ của tôi, chúng cũng đã tân trang thành “ĐẠI CÁO BÁO CHÍ”. Có sao đâu.

Thoáng một chút ngạc nhiên, cụ Tuấn kéo một hơi thuốc lào rồi chăm chú xem bài “ĐẠI CÁO BÁO CHÍ”

Từng nghe :

Việc viết báo cốt ở phóng viên

Ban biên tập trước lo tiền gạo.

Như nước Đại Việt ta trước

Vốn sống nghề làm báo đã lâu

Báo ngành, báo Đảng đã chia

Tôn chỉ mỗi tờ mỗi khác

Mấy mươi năm nói suông, nói một chiều thấy rằng không ai đọc

Dù bất bình nhưng bị kềm kẹp biết nói sao

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song tờ báo ngày nào cũng có

Trong phòng tư liệu

Báo cũ còn lưu

Tức vì :

Kẻ nhân danh làm điều thiện lại gây chuyện phiền hà.

Để trong nước lòng dân oán hận

Bịt mồm báo chí cưỡng bức văn chương

Lường gạt chủ mua tôm xuất khẩu.

Đổi lấy TOYOTA, CORONA, CUB chạy ngời ngời

Không tiền trả nợ

Mặc chủ la trời

Dối Đảng lừa Dân kế gian đủ muôn nghìn khóe

Cậy quyền đầy tớ ức hiếp chủ như không

Phá rừng làm rẫy nuôi tôm

Đủ điều bại hoại nghĩa nhân chẳng còn trời đất

Thu nhà trái phép ở cho sướng tấm thân

Lợi dụng chức quyền, ăn cắp vật tư xây biệt thự

Đủ thứ công trình giả tạo,

Chỗ cơ quan nhà cửa nguy nga

Chốn hương thôn trường học chẳng ra gì

Già trẻ lắc lẻo ôm cầu khỉ

Thần dân oán giận

Nhưng sợ chẳng dám la

Ta đây :

Vốn mang danh ký giả

Đã im lặng lâu rồi

Bọn cơ tham nhũng há đội trời chung

Quân hối lộ thề không cùng sống

Nhức óc đau lòng chốc đã mười năm lẻ

Ăn cơm tập thể ngủ ba đứa một mùng

Tranh thủ thời gian nghiền ngẫm các chủ trương chính sách

Nghiệm sau suy trước, xét cùng mọi lẽ hưng vong

Nuôi chí phục thù ngày đêm trăn trở

Đương lúc phóng viên yếu vía

Chính khí tiêu cực càng hăng

Ngặt vì :

Nhân tài như lá mùa thu

Tuấn kiệt như sao buổi sớm

Giấy má hãy còn thiếu thốn

Cấp trên chưa chịu phất cờ

Lòng cứu lê dân, chỉ háo hức mà tiền nong chẳng có

Xe chờ hiền giả, lòng thiết tha mà bên tả để không

Kinh phí khô khan lương cạn mấy tuần

Nhuận bút còn không có trả

Bởi trời muốn thử ta để trao nhiệm vụ

Nên ta càng cố chí vượt gian nan

Nêu nhiệm vụ chống tiêu cực hàng đầu

Hội nghị khắp bốn phương dân viết báo

Thết nhau bằng rượu đế

Thế nói thẳng, nói ngay

Các binh chủng bắt tay

Hợp đồng tác chiến

Dùng nội tuyến lấy tư liệu chứng từ

Lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục

Lấy yếu chống mạnh, hay đánh bất ngờ

Rốt cuộc :

Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo

Để cho :

Xã tắc từ đây bền vững

Giang sơn từ đây đổi mới

Càn khôn đã bỉ rồi lại thái

Trời trăng đã mờ rồi lại trong

Đễ rửa nỗi nghìn thu hổ thẹn

Xa gần bá cáo

Ai ấy đều hay

Xem xong, cụ Tuấn thở phào nhẹ nhõm và hỏi :

- Nghĩa là Đại thi nhân đồng tình với chúng ?

- Vâng, theo tôi chúng rõ là hậu sinh khả qúy chứ không phải là hậu sinh bát nháo như tướng quân nghĩ. Bởi chúng biết tân trang những di sản của cha ông cho phù hợp với hoàn cảnh trên ấy bây giờ. Như vậy tướng quân phải thừa nhận rằng bài hịch của tướng quân để lại vẫn có giá trị cho hậu thế hôm nay. Vậy thì tướng quân nên mừng chớ sao lại giận ?

- Nhưng sao chúng không viết cái mới mà phải tân trang những di sản của ta ?

- Viết đặng mất cái đầu !

- À, thì ra là như vậy. Nhưng theo Đại thi nhân thì hai bài này chúng tân trang lại có hay lắm không ?

- Hay chớ sao không. Tụi nó bây giờ tân trang rất siêu đẳng. Thứ xe cộ và đàn bà hư hỏng mà chúng còn tân trang được huống chi chuyện chữ nghĩa với văn chương.

- Nhưng chữ nghĩa chúng tân trang trong bài hịch có nhiều chỗ tôi không hiểu.

- Tướng quân không hiểu chỗ nào ?

- Thí dụ như “thời loạn lạc” của tôi chúng sửa lại là “thời quá độ” nghĩa là sao ?

- À, nghĩa là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội đó mà. Thời kỳ này phức tạp lắm !

- Còn chỗ này – Cụ Tuấn đọc lại tờ báo – Để tôi xem đâu rồi… Đây, chỗ này nguyên văn của tôi là “đem tấm thân dê chó mà bắt nạt tễ phụ” chúng sửa lại là “đem tấm thân đầy tớ mà bắt nạt chủ” nghĩa là sao ? Tớ làm sao dám bắt nạt chủ ? Vô lý !

- Bởi vì thế này, cái thời của mình thì tớ là dân, chủ là quan. Còn trên ấy bây giờ đổi lại, tớ là quan, là cán bộ đảng viên, còn dân là chủ.

- Sướng vậy ?

- Sướng gì, bởi vậy nên mới có chuyện “đem tấm thân đầy tớ mà bắt nạt chủ”. Chỗ này trùng hợp với câu “cậy quyền đầy tớ ức hiếp chủ như không” mà chúng đã tân trang trong bài ĐẠI CÁO. Cho nên tướng quân phải hiểu cái ngược đời ở thế gian hiện nay là tớ có quyền hơn chủ.

- Hèn chi…

Cụ Tuấn nhìn cụ Trãi và nghe giải thích mà ánh mắt cụ như bị thôi miên.

Trưa hôm ấy cụ ra về bình thản, con ngựa cũng thong dong xuống đồi và lướt nhẹ qua rừng thông. Cụ Tuấn nhịp đùi ung dung trên lưng con bạch mã, cụ ngắm nhìn say mê cánh rừng già chìm trong buổi trưa thật bình yên giữa miền âm cảnh. Về đến gốc cây bàng, cụ lên võng nằm đọc tiếp hai tờ báo còn lại và ngủ thiếp đi tự lúc nào không biết.

… Đọc xong, Phi cuộn tròn bản thảo lại và trao cho tác giả :

- Tôi không dám in truyện này, anh thông cảm !

Người kia nhìn Phi, tròn đôi mắt :

- Thì ra anh là một nhà văn nhu nhược, anh hãy về chầu Diêm đế, để công việc tòa soạn này lại cho tôi !

Dứt lời, anh ta tuốt gươm ra khỏi vỏ, Phi hốt hoảng chui xuống gầm bàn và la trối chết : CHOTHANHU ! CHOTHANHU ! CHOTHANHU…

- Anh ! Tỉnh dậy ! Tỉnh dậy, anh !

Nghe tiếng gọi của vợ, Phi giật mình thức giấc. Thì ra anh vừa trải qua một giấc mơ, có lẽ anh quá lo cho tờ báo Tết.

Cà Mau, tháng 11 năm 1987

-->đọc tiếp...