Thứ Tư, 27 tháng 8, 2008

Mới đó mà đã bảy năm !




Cà Mau, năm 2001, một buổi sáng ra ngồi quán cà phê, tình cơ gặp anh Kiếm, Thẩm phán tòa án tỉnh, hỏi có gì hay không, anh nói tuần rồi xử vụ án dân sự, liên quan đến câu chuyện ngộ lắm: Hai vợ chồng nghèo đi bán ghe hàng trên sông nước, con chết, chồng lấy ghe chở vợ bé về quê bán đất. Người vợ đâm đơn đòi chuộc lại. Lẽ ra Tòa xử cho chị ấy lấy lại đất vì hợp đồng bán đất của anh chồng phạm luật, nhưng chị ấy kiên quyết đòi chuộc lại, để giữ tình nghĩa xóm làng.

Cao hứng, tôi rủ vài người bạn chạy xe cuống U Minh, mượn cano của công an huyện chạy về Kinh Năm, xã Khánh Hòa tìm chị Thiện. Chao ôi, một căn chòi xiêu vẹo nằm chơ vơ giữa mênh mông đồng cỏ chát.

Đồng Cỏ Chát

Cánh đồng nằm giữa khu rừng tràm U Minh hạ. Nhìn từ xa cứ tưởng lúa đang vào mùa chín rộ bởi một màu vàng rực mênh mông. Tôi nói bà con U Minh năm nay trúng mùa dữ quá ! Chị Thiện nhìn tôi cười thông cảm : Không phải lúa đâu cậu ơi, đó là cỏ chát ! Tôi chợt ngậm ngùi nhìn cánh đồng rồi tìm lại trong ký ức tuổi thơ, hồi ấy, cánh đồng quê tôi cũng có những gò đất mọc đầy cỏ chát. Vào tháng mười, lúa bắt đầu đứng cái, tôi thường lẽo đẽo theo mẹ ra đồng nhổ cỏ chát trên những gò cao. Cỏ chát tấn công làm cây lúa bị èo ọp, lơ phơ như ông già lao phổi, bông cỏ chát chín vàng giống y như màu vàng của lúa.

Chị Thiện nói đất nào cỏ chát mọc thành rừng là người nông dân ở đó không ngóc đầu lên nổi. Điều chị nói được chứng minh bởi dọc theo bờ kinh tôi đã đi qua toàn là những căn chòi. Cái nghèo ở xứ sở nầy còn ám ảnh tôi bởi trên những bờ kinh mọc đầy hoa mua tím. Tôi không hiểu sao một loài hoa đẹp thế lại chỉ mọc trên những vùng đất khô cằn, có lẽ vì vậy mà màu tím hoa mua luôn gợi lên một nỗi buồn man mác. Tôi nhìn chị Thiện, cứ so sánh cuộc đời chị cũng khô cằn như cánh đồng cỏ chát và buồn như màu tím hoa mua. Bốn mươi hai tuổi đời mà trông chị già . . . cóp thùng thiếc như một bà cụ, hàm răng xếu xáo, da đen sạm, nhăn nheo, mắt trũng sâu như người mất ngủ. Chồng chị – anh Tư Điều – đã ôm gần hết cái tài sản hiếm hoi của gia đình để đi theo vợ bé, bỏ chị với bầy con nheo nhóc trong căn chòi giữa cánh đồng nầy suốt sáu năm qua với bao nhiêu khổ đau chồng chất.

Tôi hỏi vì sao ngày xưa chị lấy anh Điều ? Chị trả lời rất gọn : Sợ ảnh chọi lựu đạn vô nhà nên má tôi gả. Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, chị giải thích : Hồi mới giải phóng, ảnh đi du kích ấp, gia đình ảnh cậy người sang hỏi tôi nhưng má tôi không gả vì chê ảnh không biết chữ. Một hôm ảnh ra Cà Mau xin về một xâu lựu đạn đeo đầy hông, qua ngang nhà ảnh nói với má tôi : Nếu bác không gả con Thiện cho tôi, nửa đêm tôi chọi lựu đạn vô nhà thì đừng có nói tôi ác. Suốt mấy đêm liền má tôi không ngủ được. Có lần tôi đang làm cỏ đám mạ, ảnh cầm trái lựu đạn ra dọa tôi : Nếu em không ưng tôi thì tôi cho trái lựu đạn nầy nổ, hai đứa mình cùng chết. Tôi vừa khóc vừa chạy vô nhà. Má tôi thấy không yên nên gả tôi cho ảnh. Năm ấy tôi mới mười sáu tuổi.

Cái kiểu đi hỏi vợ của Tư Điều đã lý giải với tôi về những hành vi mà anh đã cư xử với chị Thiện sau nầy.

Làm dâu được một năm, vợ chồng chị ra riêng với bảy công đất phụ ấm. Chị nói anh Điều không siêng năng, không biết tính toán như người ta nhưng được cái là chị bảo đâu làm đó. Bảy công đất không đủ sống, họ lần lượt khẩn hoang thêm được hai hecta. Nhưng đất ở đây toàn là cỏ chát, cỏ chát làm cho cây lúa nghẽn bông, năm nào trúng lắm cũng chỉ được ba trăm giạ, trừ tiền cày, tiền cấy, tiền phân, tiền gặt, tiền suốt lúa . . . còn lại không được một bồ trong khi sáu đứa con lần lượt ra đời mà mọi chi phí gia đình chỉ dựa vào hạt lúa.

Năm 1992, chị bàn với anh Điều bán bảy công đất phụ ấm để lấy vốn làm ăn, chớ ở cái xứ nầy, xong mùa cấy là ăn ở không, thậm chí kiếm việc làm mướn làm thuê cũng không có. Sau khi bán bảy công đất được 2,6 lượng vàng, chị trang trãi nợ nần hết năm chỉ, còn lại đi mua chiếc ghe với cái máy Robin cũ và một số hàng bách hóa. Cấy lúa xong, hai vợ chồng với sáu đứa con xuống ghe chạy sang rừng đước Năm Căn để làm một cuộc mưu sinh mới. Đến cửa Ông Trang, chị mượn cái chòi vuông tôm bỏ hoang để làm nơi tạm trú. Hàng ngày, Tư Điều cùng với hai đứa nhỏ xuống ghe, chạy đi bán hàng tạp hóa theo các kinh rạch trong rừng, bốn đứa lớn ở lại chòi với chị, hai đứa đi móc cua, hai đứa đi cưa gốc đước về cho chị hầm than. Cực khổ nhưng có đồng ra đồng vô, chị thấy dễ chịu hơn cái cảnh ăn không ngồi rồi, túng quẩn ở quê nhà sau mùa cấy. Đến mùa lúa chín, họ lại kéo nhau về, sau khi đem lúa vô bồ, vợ chồng con cái lại xuống ghe.

Thế rồi hơn một năm sau, chị phát hiện thấy anh Điều có cái gì khác lạ, trước đây chiều nào anh cũng chạy ghe về, dù trời tối cũng về. Còn bây giờ có khi anh đi suốt ba bốn ngày liền, anh nấu cơm ăn luôn dưới ghe. Chị hỏi, anh nói đi bán xa ngoài bãi bồi ven biển, ngủ lại ngoài ấy để hôm sau đi bán cho tiện. Một hôm, bé Nên – đứa con gái mười tuổi – rỉ tai với chị rằng : Con thấy có cô Hồng hay xuống ghe ngủ với ba, ba nói nếu con mét má thì ba đánh. Mấy hôm sau, chị đánh liều nhảy xuống tàu đò ra bãi bồi thì gặp Tư Điều với một người đàn bà ngồi trong quán cà phê. Thấy chị, anh nắm tay người đàn bà ấy nhảy xuống ghe, chị nhanh tay giành lấy cây sào, hai người giằn co nhau, anh nói : Bà về đi, từ nay tôi không ở với bà nữa, tôi đi với con Hồng. Chị nói : Ông đi thì lên bờ mà đi, trả chiếc ghe lại cho tôi ! Anh lại nói : Chiếc ghe nầy do tôi bán đất của ba má tôi để mua, nó là của tôi. Mấy người đàn bà ở xóm bãi bồi kéo lại giữ chiếc ghe giúp chị và xúm nhau xỉ vả bà Hồng : Đồ con đĩ chó ! Mầy là dân nào mà dám công khai giựt chồng giựt ghe người ta giữa ban ngày ban mặt ? Mấy người đàn ông đang đứng trên bờ cũng không kềm chế được, họ mắng chửi Tư Điều : Tôi cho anh đi theo con đĩ ấy nhưng phải trả chiếc ghe lại cho vợ anh, nếu anh lấy ghe, tụi tôi sẽ xử anh như xử một thằng ăn cướp.

Bà Hồng mắc cở bỏ đi. Tư Điều ngồi phệt xuống mũi ghe hút thuốc, đầu gục xuống. Chị Thiện bước ra sau lái nổ máy chạy về.

Hôm sau Tư Điều nằm dàu dàu dưới ghe không đi bán. Chị Thiện đang nấu cơm bổng thấy con bướm bà thật to bay lượn trong căn chòi. Chị linh cảm đây là điềm dữ. Chiều lại bé Nên bị sốt mê man. Chị mua nhang và trái cây ra miếu Bà ngoài ngã ba khấn vái, con bé vẫn sốt cao, người nó nóng như lửa và lên cơn mê sảng, miệng cứ lãm nhãm một câu : Nếu con có chết, má đem con về chôn gần mã ông nội. Chị hốt hoảng chở con sang trạm xá Ông Trang, thấy tình thế nguy ngập, trạm làm giấy chuyển lên bệnh viện huyện Ngọc Hiển. Bác sĩ ở đây cho biết, cháu Nên bị sốt xuất huyết não. Hết tiền, chị gở chiếc máy Robin đem cầm ba trăm ngàn đồng để chữa bệnh cho con, nhưng bệnh tình quá nặng, ba ngày sau nó đã tử vong.

Trong lúc sáu mẹ con chị ngồi quanh xác bé Nên gào khóc, chị đã nhận được những tấm lòng mà cho đến bây giờ chị vẫn không biết của ai giữa nơi xứ lạ quê người, khi tỉnh dậy, chị thấy trong túi mình có một xấp tiền và một chỉ vàng, rồi có mấy người khiêng đến một chiếc áo quan, một chiếc chiếu và một sắp vải mùng, họ nói là của Hội Chữ Thập đỏ giúp chị tẳm liệm cháu Nên.

Chiếc quan tài để trong ghe, sáu mẹ con chị ngồi phía trước, Tư Điều chạy máy. Đến một chòm mả ven sông Cái Keo, Tư Điều ghé lại bảo chôn con ở đây, chị không chịu, chị nói con nó đã đòi về nằm gần ông nội, anh ráng chìu ý con một lần cuối cùng không được sao ? Anh hằn hộc nói : Vậy thì bà đưa nó về đi, tôi trở lại bãi bồi tìm con Hồng. Tư Điều vừa nói vừa đạp lái ghe nhảy lên bờ đi mất, mặc cho năm đứa nhỏ vừa khóc em, khóc chị, vừa gào thét gọi ba.

Mười lăm ngày sau khi chôn cất bé Nên xong, sáu mẹ con chị Thiện tiếp tục xuống ghe quay về căn chòi cũ. Lần nầy thì chị để hai đứa lớn - thằng Nhờ và con Lành - ở chòi lấy củi hầm than, chị chở thằng Em, bé Diễm và bé Trường theo ghe đi bán hàng tạp hóa.

Khoảng một tháng sau, tình cờ một hôm ghé bán hàng cho một quán cà phê trong căn nhà sàn ở cửa Cá Mòi, chị gặp lại Tư Điều. Anh bị sốt rét, người run rẩy xanh xao đang nằm trên võng. Thấy chị, anh quỳ lụy van xin, rằng tôi đã biết lỗi, rằng bà hãy tha thứ cho tôi, từ đây về sau tôi sẽ không bao giờ dám cặp với ai nữa, tôi xin thề suốt đời làm lụng nuôi vợ nuôi con. Chị im lặng để cho hai hàng nước mắt tuôn rơi. Chị nhớ con Nên, nhớ cái hôm anh đạp lái xuồng nhảy lên bờ bỏ mẹ con chị chở chiếc quan tài một ngày một đêm trong mưa gió. Nhưng rồi nhìn cái dáng xanh xao như người sắp chết của anh, chị thấy động lòng. Con Hồng đâu ? Chị hỏi, anh lắc đầu nói : Xin không được vuông tôm, nó bỏ về Cà Mau, từ hôm vô đây đến nay tôi không gặp, tôi đi làm mướn kiếm tiền sống qua ngày rồi bị sốt . . . Chị lại nói : Chớ không phải thấy ông không có chiếc ghe nên nó đá đít ông sao ?Anh thề : Tôi nói thật tình mà, tôi mà có nói gian cho ông trời đánh tôi chết ! Thấy mấy đứa nhỏ than khóc van xin cho anh, chị không nở cầm lòng. Xuống ghe đi ! Chị nói như ra lệnh rồi bước ra phía sau cho nổ máy. Tư Điều lầm lũi bò vô mui ghe, lấy mền quấn lại. Chị Thiện chạy về trạm y tế Viên An Tây đưa anh lên khám bệnh, mua thuốc rồi đưa anh về căn chòi cho thằng Nhờ và con Lành chăm sóc, chị tiếp tục đi bán.

Mấy ngày sau Tư Điều khỏe lại, anh vác búa vô rừng đốn củi cho hai đứa nhỏ hầm than. Chị Thiện thấy công việc buôn bán không hợp với mình nên giao lại cho anh. Tư Điều chở bé Diễm và bé Trường theo ghe, thằng Nhờ đi móc cua, con Lành và thằng Em đi đốn củi, chị trở lại công việc đốt lò than. Chị Thiện hy vọng cuộc sống sẽ dần dần ổn định, kiếm một ít vốn chị sẽ về quê buôn bán cho mấy đứa nhỏ học hành, ít ra thì cũng phải biết đọc, biết viết đúng chính tả, biết cộng trừ nhân chia, không thể để chúng dốt đặc như Tư Điều. Để lớn lên, khi phải lòng ai mà không dám nói thì ít nhất chúng cũng phải biết viết một lá thư chớ không phải cầm trái lựu đạn đi hâm dọa như cha nó hai mươi năm trước. . . Nhiều đêm trong căn chòi chị đã ước mơ như vậy. Thế rồi, kết quả của lòng bao dung tha thứ cho Tư Điều trong cái quán cà phê ở vàm Cá Mòi hôm nọ là một cái bào thai mà sau nầy, có một lý do mà chị phải đặt tên con là thằng Hận.

Một buổi chiều chạng vạng, chị thấy bé Diễm trong cơn sốt run rẩy bò lết vô chòi, nhìn xuống bến không thấy chiếc ghe của Tư Điều, chị hỏi ba đâu? Con bé nói không biết, chị hỏi ai đưa con về đây? Con bé nói Hiếu, chị hỏi cô Hiếu nào? Nó nói cô Hiếu bán ốc len ở chợ Ong Trang, quen với ba. Nó chỉ biết rằng nó bị sốt nằm mê dưới ghe từ hôm qua, lúc nảy tỉnh dậy thì thấy nằm dưới chiếc xuồng nhỏ, cô Hiếu đưa nó lên bờ, bảo nó lội vô chòi rồi chèo xuồng đi mất.

Sáng hôm sau chị đón tàu đò ra chợ Ông Trang để tìm chị Hiếu bán ốc len, bà con trong chợ cho biết : chị Hiếu quê ở Mỹ Tho, làm nghề mại dâm và trôi dạt dần cho đến tận Năm Căn. Sau một đợt truy quét tệ nạn xã hội, chị bị đưa đi cải tạo lao động sáu tháng, không còn đủ nhan sắc để trở lại nghề cũ, Hiếu xuống Ông Trang, chị thuê một phòng trọ, buổi chiều vào rừng bắt ốc len, buổi sáng đem ra chợ bán. Gần đây Hiếu có quen với một người đàn ông bán ghe hàng. Thông tin về chị Hiếu chỉ có thế, chị Thiện tưởng tượng ra rằng, Tư Điều và Hiếu đã mang chiếc ghe đi xây tổ ấm, nhưng tại sao họ lại mang theo cả bé Trường ?

Chị hối hận vì mình đã tha thứ cho anh, nếu không, chị đâu phải mất chiếc ghe và mang thêm cái bào thai trong bụng. Bây giờ thì mọi chuyện đã muộn màng, ở lại thì không biết lấy gì để sống, mà về quê thì lấy gì làm phương tiện đi về. Suốt ba ngày liền chị nằm vật vả trong chòi, không ăn không uống. Chị không ngờ đời mình đến đây phải làm lại từ đầu trong cảnh trắng tay giữa xứ lạ quê người với một đàn con nheo nhóc. Nhưng dù muốn hay không cũng phải làm lại từ đầu. Năm mẹ con chị ì ạch đi lấy củi hầm than, cứ vài ngày thì đón tàu đò chở ra chợ Ông Trang bỏ mối, mỗi phiên chợ cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, ba tháng sau, chị tích lũy được sáu trăm ngàn đồng và một trăm ký than, chị quyết định mua chiếc ghe cũ để mấy mẹ con chở một trăm ký than chèo về quê làm ruộng. Một trăm ký than đem về U Minh bán cũng được năm trăm ngàn đồng, ít ra cũng có một ít chi phí lo cho mùa cấy. Ba năm gồng gánh, chống chèo đi lưu lạc xứ người, mất mác nhiều hơn cái làm ra, lại thêm những khổ đau chồng chất, cuối cùng cũng quay lại với cánh đồng cỏ chát . . . Chị đang nghĩ ngợi thì bổng nghe một cơn đau bụng nhói lên, chị buông chèo nhẩm tính . . . vậy là đứa bé sắp ra đời. Chị bảo thằng Nhờ và con Lành, đứa chèo đứa bơi quay xiết lại trạm y tế chợ Đầm Cùng. Hai đứa nhỏ dìu chị lên bờ trong cơn đau quằn quại .

Khi tỉnh dậy, chị biết mình sinh một đứa con trai, chị đặt nó tên là thằng Hận – Phạm Văn Hận. Sau khi hiểu được hoàn cảnh của chị, các nhân viên của trạm y tế đã miễn các khoản chi phí và giúp cho chị tiền thuốc, tiền cơm. Bảy ngày sau, chị gởi cho trạm phân nửa ghe than để gọi là đền ơn đáp nghĩa rồi tiếp tục cuộc hành trình. Thằng Nhờ và con Lành thay phiên nhau chèo. Hễ nước xuôi thì chèo, nước ngược thì đậu nghỉ. Ba ngày ba đêm, mẹ con chị mới về tới Khánh Hòa, về tới căn chòi mằm giữa mênh mông đồng cỏ chát.

Về vừa tới đầu kinh, chị Thiện lại nghe thêm một cái tin sét đánh : Tư Điều đã bán một hecta đất cho vợ chồng Năm Dữ ở cạnh nhà với giá 1,3 lượng vàng, bỏ thằng Trường bên nhà ông bà nội rồi dẫn cô Hiếu ra đi. Nghe nói họ đã bán chiếc ghe để về Mỹ Tho sinh sống.

Chị Thiện bước lên bờ đứng như trời trồng mà nghe đầu óc muốn vỡ tung ra. Mảnh đất nầy hồi cháy rừng U Minh chị đã quần quật mấy năm để lật từng gốc tràm gốc mốp, hì hục từ lúc hừng đông cho đến khi cúm núm kêu mới lê từng bước chân đói lã vô nhà. Bây giờ một nửa đã về tay người khác, còn lại một hecta làm sao đủ nuôi sống cả bảy miệng ăn. Chị qua thương lượng với Năm Dữ rằng để chị đi vay tiền chuộc lại, Năm Dữ không chịu. Chị đâm đơn ra tòa, xin Tòa xử cho chị chuộc lại vì Tư Điều bán đất mà không có sự đồng tình của chị. Tòa mời hai người ra xử nhưng chị thua kiện vì ông phó Chánh án Tòa án huyện U Minh là cậu vợ của Năm Dữ. Ức lòng, chị làm đơn chống án. Toà án tỉnh xử phúc thẩm cho chị được chuộc lại đất. Hôm ấy sau khi xử xong, anh chủ tọa phiên tòa nói với chị rằng trong trường hợp của chị, nếu chị kiện đòi lại đất thì luật pháp vẫn bảo vệ quyền lợi của chị mà vô hiệu hợp đồng bán đất giữa Tư Điều và Năm Dữ, nhưng vì chị đã tự nguyện trả lại cho Năm Dữ 1,3 lượng vàng nên tòa phải xử như vậy. Chị nói chị cũng biết vậy nhưng ở gần ở gũi, làm vậy sẽ gieo cho gia đình Năm Dữ một mối thù.

Hôm ấy chị phải bán con gà mái bốn chục ngàn để làm lộ phí ra Cà Mau dự phiên tòa, cả ngày chị chỉ ăn một gói xôi.

Thắng kiện rồi, chị phải chạy vay 1,3 lượng vàng để nộp cho Đội thi hành án, mỗi tháng phải đóng lời hơn một chỉ. Mấy mẹ con chị phải đầu tắt mặt tối quanh năm, hết mùa ruộng thì kéo nhau đi làm mướn, mà ở xứ nầy ai cũng nghèo, có việc gì để làm ngoài nhổ cỏ mướn, gặt mướn, cấy mướn. Mùa mưa năm ngoái, một tai họa lại giáng xuống gia đình chị : chị với thằng Nhờ, con Lành và thằng Em đi cấy trên hậu đất, để ba đứa nhỏ ở nhà. Buồn miệng, chúng rủ nhau ra bờ kinh nhổ củ xả ăn cho đỡ thèm quà bánh, nhổ xong, thằng Trường mang đi rửa, bị trợt chân, nó té xuống kinh. Khi làng xóm hay tin đem lên xốc nước thì nó đã chết, mấy củ xả còn trôi lờ đờ dưới mé kinh . . .

Kể chuyện thằng Trường xong, chị chỉ sang bé Diễm mười bốn tuổi đang ngồi chơi trước cửa nhà với cái dáng ốm xanh như tàu chuối, chị nói nó đang bị bứu tim, không biết nó sẽ bỏ chị ra đi lúc nào. Tôi hỏi sao không đưa cháu đi bệnh viện, chị nói hôm trước bán hai con gà mái đẻ được bảy chục ngàn chở nó ra bệnh viện Cà Mau, Bác sĩ nói bệnh của nó được điều trị miễn phí nhưng lấy đâu ra tiền để mà ở ngoài ấy nôi con. Vay 1,3 lượng vàng chuộc đất, ba tháng rồi không có tiền đóng lãi, mang giấy chủ quyền đất ra xã làm thủ tục đi Ngân hàng vay vốn thì đất lại do anh Điều đứng tên nên không vay được. Chị ra phòng Địa chính sang tên thì người ta nói phải có mặt anh Điều, hoặc là chị phải làm thủ tục để chứng minh anh Điều mất tích. Chị sang phòng Tư pháp, một cán bộ ở đây bảo chị phải qua Tòa án đóng lệ phí để nhờ họ nhắn tin trên các cơ quan báo chí, nếu sau sáu tháng mà anh Điều không về thì Toà án sẽ làm thủ tục mất tích cho anh và trao quyền thừa kế đất đai cho chị, lúc ấy phòng Địa chính sẽ làm thủ tục sang tên.

Chị nghĩ, anh Điều dứt tình với chị để ra đi một cách biệt tăm sao quá dễ dàng trong khi chị muốn chứng minh cái sự ra đi của anh bằng pháp lý thì lại quá khó khăn ? Chị rời chợ huyện, chèo xuồng về nhà trong mưa và nước mắt. Chị nhẩm tính, nếu mỗi hecta đất nông nghiệp được vay năm triệu đồng thì số lãi phát sinh của 1,3 lượng vàng từ nay đến lúc chị làm xong thủ tục cộng với nợ gốc thì số tiền nếu có vay được của Ngân hàng cũng không đủ trả, lấy gì để đầu tư cho sản xuất ? Nhưng không đi làm đủ các thủ tục để vay thì lấy gì để trả nợ ? Rồi lãi suất mỗi tháng 1,3 chỉ vàng cứ chất chồng lên, lúc ấy có bán hết hai hecta đất cũng không đủ trả.

Chị Thiện ngồi đối diện với tôi trên bộ vạc tre, lưng chị tựa vào tấm vách lá, mắt nhìn xa xăm về phía cánh đồng cỏ chát mênh mông. Đôi mắt trũng sâu và ráo oảnh, có lẽ nước mắt đã cạn nguồn. Tôi cũng ngồi im lặng, không dám hỏi thêm vì sợ tiếp tục khơi dậy những nỗi đau trong lòng chị, mà nói lời an ủi chị thì biết phải nói sao, dù có nói bao nhiêu cũng trở thành vô nghĩa bởi cái cần thiết cho sự sống của mẹ con chị bây giờ không phải là lời nói đầu môi.

Chiếc ca-nô của chúng tôi đậu dưới mé kinh đã gợi sự tò mò cho hàng xóm, họ lần lượt kéo đến đầy căn chòi chị Thiện, những người đàn bà tay bồng tay bế, những đứa trẻ đầu tóc vàng hoe, mình mẩy, tay chân, mặt mày đầy vết bẩn. Chúng trố mắt nhìn những người khách lạ rồi nhìn chiếc ca-nô như chưa từng thấy bao giờ. Còn tôi thì nhìn chúng rồi lại nhìn cánh đồng cỏ chát, nhìn những hàng hoa mua tim tím trên bờ kinh. Cái màu vàng của bông cỏ chát ( mà tôi từng bị đánh lừa tưởng là bông lúa) và màu tím của hoa mua đã nhuốm lên mảnh đất nầy, đã trùm lên bao nhiêu thân phận con người của bao thế hệ, nó vẫn rực lên, ung dung như lời thách thức . . .

Chúng tôi từ giã mọi người rồi cho ca-no nổ máy, không dám nói gì thêm, mà thật ra cũng chẳng biết nói gì. Giá như lời cầu nguyện có linh thiêng, có phép màu thì tôi sẽ cầu nguyện cho chị Thiện có cơ may trả nợ, cầu nguyện cho những đứa trẻ trên cánh đồng nầy đừng trở thành bản sao cuộc đời của cha mẹ chúng !!!

Cà Mau, 16/ 5/ 2001

V.Đ.D

-->đọc tiếp...

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008

Một Tạp Văn Siêu Hạng Của TRANG THẾ HY




mt người gọi điện thoại, giới thiệu : “Anh là Thiết, bạn học với Huỳnh Ngọc Trảng”. Nghe nói bạn học với Huỳnh Ngọc Trảng thì phải nể trước cái đã : “Dạ, sư huynh có gì chỉ giáo”. “Anh có mấy người bà con ở Hàm Thuận Nam bị cưỡng chế thu hồi đất, họ dùng roi điện xịt năm người ngất xỉu, một người nặng quá phải đưa vào Sài Gòn cấp cứu”.

Sáng hôm sau gặp nhau trong quán cà phê vỉa hè, Tiên Sinh Huỳnh Ngọc Trảng nói: “Mấy tháng qua, đọc tùy bút chính trị của Nguyễn Khải, muốn bỏ việc. Sau đó lại ngốn thêm mấy cái bút ký của mầy: Đất Của Mẹ, Thư Sài Gòn, Trên Đồng Bưng Sáu Xã, đọc xong cứ muốn tự tử cho rồi”. Như có sự trùng hợp ngẩu nhiên, câu chuyện chưa đâu ra đâu thì anh Thảo từ Đức Hòa gọi điện: “Họ cào nhà tui để giao đất cho công ty Ngọc Phong rồi chú ơi, có cách nào giúp tui”.

Tôi nói với anh Trảng và anh Thiết: Viết về cái ác thì dễ, chỉ cần báo họ chịu đăng, nhưng cái ác vẫn ngang nhiên tồn tại trong sự thách thức và đe dọa đời sống con người. Điều đó hoàn toàn ngoài khả năng của người cầm bút. Hãy đọc tạp văn sau đây của Tiền Bối Trang Thế Hy mà chia sẻ cùng tôi.




CON MÈO HOANG

VÀ NHÀ THƠ CÓ GIA CƯ

TRANG THẾ HY


Tôi thắp sáng ngọn đèn nhỏ của bàn viết và ngồi bất động trước thếp giấy trắng. Không phải trắng tinh hay trắng phau. Trắng đây là trắng vì chưa có chữ. Bộ phận biến điện già nua của bóng đèn ống ba tấc rên e e như tiếng gáy của một con dế nhúi. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ mà chức năng thông thường là báo thức cho người ngủ giờ này đang làm một chức năng khác là báo cho một người thức biết rằng thời gian đang trôi đi.

Mầu trắng cực trắng toát ra từ sự chưa có chữ của trang giấy ngà ngà thô nhám đang đe dọa thị như ngọn roi mây treo trên vách đe dọa một thằng nhỏ nhát đòn nằm sấp trên đi-văng chờ mẹ đánh.
Theo thói quen của một người yếu bóng vía, cần vịn vào một cái gì để xua đuổi nỗi cô đơn, tôi quay mặt nhìn về một góc của căn gác để tìm bóng dáng người bạn hằng đêm, giờ này thường có mặt. Đó là một con mèo mướp, có đôi mắt mầu xanh lân tinh, được hầu hết các hộ trong xóm công nhận là một con mèo hoang rất dễ thương, đến viếng nhà nào cũng chỉ để rình bắt chuột thôi, rất ít khi ăn vụng. Tôi bắt gặp bạn tôi cũng đang ngồi bất động dòm chăm bẳm vào cái hốc lổn ngổn đủ các thứ thúng mủng, chai lọ, thau chậu, bếp lò và nhiều đồ linh tinh khác.
Meo! Meo! Tôi khẽ gọi bạn theo thường lệ. Và cứ như thường lệ của mỗi đêm thì bạn tôi sẽ đến cọ lưng vào ống chân tôi kêu ngao ngao. Tôi sẽ ôm bạn tôi đặt lên đùi, vuốt ve vài cái, nói vài ba câu ba láp gì đó rồi đuổi bạn đi chỗ khác chơi, để cho tôi làm việc.
Nhưng đêm nay bạn tôi không kêu ngao ngao đáp lại mà cứ lặng im nhìn vào một điểm cố định của xó gác. Tôi gọi thêm hai tiếng meo meo nữa bạn mới quay lại nhìn tôi, ve vẩy cái đuôi dài, chót đuôi hơi cong lên biểu lộ sự bất bình, nét bực bội giận dữ ánh lên trong đôi mắt mầu xanh lân tinh bên dưới cặp chân mày đang cau lại (chỗ này xin mở ngoặc để tự giới thiệu rằng tôi là một nhà thơ có quyền nhìn thấy nhiều thứ mà người "không phải nhà thơ" không nhìn thấy, chẳng hạn như sự cau mày của loài mèo vốn không có lông mày).
Tôi chợt biết bạn tôi đang rình bắt chuột và cùng với sự chợt biết đó, tôi đọc được ngôn ngữ lặng thầm của đôi mắt mầu xanh lân tinh kia: "Trời sanh mèo để bắt chuột giống như trời sanh nhà thơ để làm thơ. Lúc ông ngồi rình bứt những tứ thơ, tôi tôn trọng ông, tôi ngoan ngoãn đi chỗ khác chơi để ông làm việc. Vậy cớ sao lúc tôi ngồi rình chụp bắt những con chuột, ông lại quấy rầy tôi? Ông bật đèn, gây tiếng động và phá đám tôi bằng cách giả làm mèo kêu meo meo kích động ý thức cảnh giác của loài chuột?".

Tôi tắt ngọn đèn bàn. Căn gác chìm vào bóng tốị Không đầy một phút sau, có tiếng chai lọ ngã lổn cổn, thau chậu khua leng keng. Tôi bật đèn lên. Người bạn mặc áo sọc xám có đôi mắt mầu xanh lân tinh đang khoan thai bước về phía tôi, miệng ngoạm một con chuột nhắt nhỏ còn kêu chít chít yếu ớt trước khi chết. Bạn tôi nhả con chuột ngay dưới gầm bàn rồi không đợi tôi cúi xuống ôm nó, nó đã nhảy phóc lên ngồi gọn trong lòng tôi, miệng kêu một tiếng ngao nhỏ rất thanh, trong âm sắc hoàn toàn không có chất khoe khoang thành tích. Tôi vuốt lưng bạn tôi và nhìn vào đôi mắt xanh đang nhìn tôi. Trong ánh mắt đó có lời mời tôi luận bàn thế sự.
Một vài nét về lý lịch của tôi à? Được thôi! Nhưng để thỏa mãn sự tò mò cần thiết đó, ông phải có đủ thiện chí để dám tin vào những chuyện rất khó tin tuy có thật. Điều ông sắp nghe không phải chỉ là sơ yếu lý lịch của một kiếp mèo hoang. Người bạn có hình hài mèo này của ông có thể viết đầy đủ chi tiết về tất cả các tiền kiếp xa xưa hàng ngàn năm của y.
Ông không tin ở luân hồi à? Mặc kệ ông. Tôi vẫn cứ phải nói. Vì có như vậy ông mới lắng nghe được điều tôi nói. Chỉ trong vòng chừng vài thế kỷ trở lại đây thôi, tôi từng là một con cuốn chiếu, một nhà tư bản tài phiệt, mà vị tổng thống đương nhiệm muốn phát động chiến tranh phải xin ý kiến, một gã ăn mày hào hoa có nhiều vợ, một con lươn, một nhà cai trị mị dân thừa bản lĩnh, một con đom đóm, một nhà thám hiểm có tên trong từ điển, một cô gái điếm và bây giờ, trong kiếp này đây là một con mèo hoang được nhiều người thương nhờ siêng bắt chuột và ít khi ăn vụng.
Nhờ đâu mà tôi biết rõ các tiền kiếp của tôi như vậy ? Như vừa mới nói, cái kiếp gối đầu với kiếp mèo hoang này của tôi là kiếp gái điếm. Một cô gái điếm đẹp từng làm sụp đổ hàng chục cái gia tài đồ sộ của khách làng chơi, nhờ chết trẻ cho nên còn nhan sắc. Bằng nhan sắc đó, tôi đã mua chuộc được lão quan chức già mà còn háo ngọt ham vui, phụ trách cháo lú. (à, té ra ông lầm tưởng rằng chỉ trong cái cõi người của ông, mới có sự móc ngoặc và hối lộ. Xin báo cho ông biết rằng dưới âm phủ, Diêm Vương cũng đang đau đầu vì chuyện đó). Vậy là thay vì húp cháo lú để quên các tiền kiếp, cô gái điếm mỹ miều được xơi một tô bào ngư đầy sơn hào hải vị làm cho nhan sắc của cô ta được gia tăng gấp bội. Nhờ vậy, cô ta tiếp tục mua chuộc thêm nhiều tay háo sắc khác. Trước tiên là tay trưởng ngành lưu trữ hồ sơ mật và tiền hậu kiếp của mọi sinh vật trên dương thế. Kế đó là tay chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ. Về tay này, phải có vài câu giới thiệụ .Lúc cầm cái thẻ để đi qua cửa địa ngục trở về dương thế, anh ta đọc thấy mình sẽ đầu thai làm một nhà văn, liền quành trở lại tìm gặp ông Lỗ Tấn xin ý kiến. Ông Lỗ Tấn nói nhà văn giống như một con bò sữa ăn thì ăn cỏ khô, cống hiến cho đời thì cống hiến bằng sữa tươi. Anh ta nghe vậy hoảng quá, bèn tặng cái thẻ đi đầu thai làm nhà văn cho một hồn ma nặng nợ với bút nghiên, còn anh ta thì xin "tị nạn chính trị", vĩnh viễn chọn cõi âm ty làm quê hương. Từ cái vị thế bấp bênh của hồn ma tạm trú, không có hộ khẩu, anh ta trèo lên đến chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ là cả một bản trường ca đầy uẩn khúc, nhưng đó là chất liệu phải để dành cho một cuộc mạn đàm khác. Bây giờ thì xin báo cho ông biết, tại câu lạc bộ văn nghệ của anh ta, tôi đã gặp nhà thơ Pháp Charles Baudelaire và nhà văn Đức Maria Remarque.
Tại sao trong hàng ngàn những bậc thầy lỗi lạc của văn học mà tôi được gặp tôi lại chỉ kể tên có hai vị thường thường bực trung nầy mà thôi? Vì hai ông nầy có liên quan đến cuộc mạn đàm của chúng ta đêm nay.
Tôi biết ông đang nghĩ ngợi khen vì một bản trường ca chống chiến tranh mà ông rất lấy làm tự hào. Ông có biết Baudelaire đã định nghĩa cho tôi nghe trường ca là cái gì không? Trường ca là nơi ẩn náu của những nhà thơ bất tài không làm nổi một bài thơ ngắn. Còn về nội dung chống chiến tranh thì ông hãy lắng nghe lời tâm sự của Remarque: "Tôi tưởng quyển tiểu thuyết "Mặt trận phía Tây không có gì mới" của tôi đã gây được một chút đổi mới nào đó trong tư duy của bọn chánh khách hiếu chiến. Té ra nó không làm rung được một sợi lông chân nào của gã đồng hương với tôi tên là Hitler suýt chút nữa biến lục địa châu Âu thành bãi tha ma".
Khoan, ông khỏi bổ sung. Để tôi nói thêm cho rõ điều tôi muốn nói. Tôi không truyền giảng cái bất lực của nhà văn và sự phù phiếm của văn chương đâu. Tôi không đòi hỏi văn học chỉ đơn độc một mình nó có thể dập tắt tất cả ngòi nổ của chiến tranh đâu. Nếu như vậy thì trời sanh những chính khách, những kinh tế gia, những nhà bác học để làm gì? Tôi chỉ muốn nói với ông một lời khuyên thân ái nhẹ nhàng là đừng nên tự huyễn hoặc rằng mình có những cống hiến lớn trong khi những thành đạt của mình thực ra là hết sức nhỏ nhoi.
Lời khuyên thứ hai của tôi là ông nên tự lượng sức mình và phải chân thực. Hồi nãy, lúc ông ngó dáo dác tìm tôi để xua đuổi nỗi cô đơn, ông lầm tưởng rằng cái cô đơn của ông là thứ cô đơn cao quý mà các bực thầy thường nhắc đến mỗi khi ngồi trước trang giấy trắng. Không phải đâu. Cái tên chính xác nhứt của tâm trạng ông lúc nãy là nỗi cô độc bi thảm của người cầm bút nuôi nhiều tham vọng lớn bằng một tài năng nhỏ và muốn thu hoạch sự mến mộ thật của người khác bằng những xúc động giả của chính tâm hồn mình, nói nôm na là bằng sự lường gạt. Đừng nổi giận! Cầm bút mà nổi giận khi có ai "đi guốc trong bụng" mình sẽ không viết được gì đâu. Tôi xin đơn cử tức thời một thí dụ về sự lường gạt của ông. Cách đây không lâu, tên ông được nhắc nhở qua một bài thơ được ngâm ngợi ở nhiều tụ điểm câu lạc bộ thơ ca Trong bài thơ đó, chị công nhân quét rác mặc áo rách được ông miêu tả là đẹp hơn và thơm hơn một cô tiểu thư môi son ngồi trên chiếc xe hơi chạy ngang qua. Rất tiếc là trong những người nhẹ dạ bị xảo thuật ngôn từ của ông lường gạt không có ai chất vấn ông coi cái đẹp và cái thơm của cô công nhân quét rác trên đường đi đến trang giấy có ghé ngang qua trái tim của ông không. Nếu có ai hỏi ông sẽ ú ớ ngay. Vì ngay trong thời điểm ông được khen là có quan điểm giai cấp trong yêu ghét ấy, mỗi khi đến gần cô công nhân quét rác, ông nín thở vì sợ mùi hôi của rác và trong những giấc mơ ân ái, ông chỉ mơ những cô gái môi son ngồi xe hơi. Sợ rác hôi và ham gái đẹp không có gì là trật, đó là chuyện thường tình. Điều tai hại ở đây là ông đòi người khác yêu ghét thật cái mà bản thân ông yêu ghét giả.
Cứ như vậy, ông sẽ quằn quại mãi trong nỗi cô độc bi thảm của tên phù thủy mượn chữ nghĩa làm âm binh chứ không bao giờ vươn tới được niềm cô đơn cao quý của người cầm bút dùng ngôn từ truyền giảng tình người.
Ông không giận tôi à? Tốt quá! Nhưng đao to búa lớn cỡ đó cũng hơi nhiềụ Bây giờ mình tâm sự nghề nghiệp với nhau cho nhẹ nhàng hơn một chút nhé! Khi nhìn ông là đồng nghiệp tôi đã nâng cao nghề bắt chuột của tôi hay hạ thấp nghề làm thơ của ông? Không có chuyện hạ thấp hay nâng cao gì hết. Bắt chuột và làm thơ tuy khác nhau về hình thái lao động, nhưng giống nhau vì một mục đích chung là diệt ác, là vun vén cho điều Thiện làm cho cõi thế tục này bớt dung tục được chút nào hay chút đó.
Tại sao loài chuột cứ còn hoài à? Xin ông đừng hỏi khó tôi như vậỵ Bởi vì, để trả miếng, tôi sẽ hỏi lại ông một câu không kém phần thắt ngặt: "Tại sao cái ác cứ còn hoài?". Cứ vấn nạn nhau như vậy mãi, thì từ chuyện tâm sự nghề nghiệp này sẽ không nảy ra được một hạt nhân chân lý nào và rốt cuộc ông sẽ phải chịu thua tôi.
Thí dụ như hiện giờ nếu bị đòi hỏi phải trưng ra một mảnh tử thi của điều ác để chứng minh mục đích làm điều thiện của mình thì tôi đang có sẵn cái tử thi của con chuột dưới gầm bàn của ông kia. Còn ông, ông trình ra cái gì? Đừng... đừng bước lại kệ sách và quăng mấy tập thơ mỏng dính của ông ra. Ông hãy lắng nghe cho kỹ, trong một núi sách cao như ngọn Hy Lạp Sơn, có phải quyển sách nào cũng là một quyển sách đâu. Xin lỗi ông nhé! Có khi chỉ có chừng vài ba quyển đáng được gọi là sách mà thôị .Còn chuột hả? Một con chuột là một con chuột, và một triệu con chuột vẫn cứ là một triệu con chuột, một triệu tế bào sống của điều ác - nhiều quá đếm có hơi mệt chút thôi, nhưng khỏi phải thông qua một sự giám định nghiệm thu nào để xác nhận một con chuột là một con chuột.
Cho nên thì giờ có hạn, ta nên nhìn vào tình cảnh cụ thể của nhau để cảm thông cho nhau và dễ bề tâm sự với nhau hơn.
Còn có một tên gọi khác nữa để gọi một con mèo hoang như tôi. Đó là con mèo vô chủ. Tôi chuyển qua cách nói này để đem cái hoang đàng vô chủ của tôi đối chiếu với cái ổn định, được bao bọc của ông là một nhà thơ có gia cư. Sự đối chiếu nầy có khi gợi được một vài điều gì đó đáng suy nghĩ. Người ta nói đánh chó phải kiêng chủ nhà. Tôi tin rằng cái lệ nầy cũng được áp dụng bán chính thức luôn cho cả loài mèo và loàị.. người.
Thành thử kẻ nào muốn đánh phải thận trọng ngó trước dòm sau cho kỹ coi ông đang ngồi dưới tán dù của ai, người đó mạnh cỡ nào. Còn cái phận mèo hoang của tôi thì tha hồ mạnh ai nấy đánh. Cho nên muốn tồn tại tôi phải vất vả hơn ông nhiều. Tôi phải tự tu dưỡng về phẩm hạnh, đói bụng ráng chịu, không ăn vụng mà lại phải bắt chuột thật nhiều, thật giỏi để tranh thủ tình thương của rất nhiều ông chủ, trong đó không một ông chủ nào có trách nhiệm về sự đói no ấm lạnh của đời tôi. Còn ông, có khi ròng rã một hai năm, không làm được một bài thơ nào ông vẫn cứ được lãnh lương. Điều này được gợi ra để ông thương tôi hay tôi thương ông? Hồi năm ngoái có một đêm thấy ông nằm thao thức mãi tôi đã chịu khó nhìn thấu vào tim ông và phát hiện rằng ông mất ngủ không phải vì bị chê bai mà vì được binh vực. Trong ngày, giữa một cuộc họp ban đồng hương, một người bạn nhiều thiện chí đã đỡ đòn cho ông bằng một câu: "Thôi, mình bàn qua chuyện khác đi, đừng đòi hỏi một người làm thơ ăn lương làm thơ hay". Một lời binh vực ông mà lại làm cho ông đaụ Nói thật, trong cái đêm ông thao thức đó, tôi đã thương ông vô hạn.
Lùi xa hơn chút nữa vào quá khứ hồi Mỹ còn làm mưa làm gió ở cái đất Sài Gòn nầy, ông đã từng sống lang thang, vô gia cư như tôi bây giờ đây. Hồi đó, ở ông có rất nhiều thứ giả, tên họ giả, thẻ căn cước giả, tờ khai gia đình giả, những câu trả lời phỏng vấn cũng giả luôn. Chỉ có một cái rất thật, đó là tình yêu của ông đối với lý tưởng ông ôm ấp. Nhờ cái thật đó, số thơ được in rất ít ỏi của ông vẫn giúp ông sống được bằng thơ không phải bằng tiền lương. Ông chủ đất lúc bấy giờ chẳng những không trả lương cho ông mà còn lùng bắt ông như mèo lùng bắt chuột. Thời đó, mình chưa kết bạn với nhau, nhưng tôi biết ông đã từng trải qua nhiều đêm thao thức không ngủ được không phải vì đau mà vì vui. Thỉnh thoảng ông nhận được một bức thư của một người không quen ở rất xa. Lời thư rối rắm đầy những ẩn dụ tối nghĩa (phải dùng trái tim làm khóa mã mới đọc được) nói rằng những suy nghĩ ông gửi gắm vào một bài thơ ngắn nằm lạc lõng giữa những khuông quảng cáo mỹ phẩm và lời rao cho chuộc chó bẹc-giê chạy lạc, đã được người bạn không quen kia cảm thông và chia sẻ. Tôi nhớ rõ cái tứ của bài thơ đó. Nó tường thuật cuộc xung đột giữa một bên là bà mệnh phụ cỡ lớn, chủ một ngôi biệt thự đồ sộ và bên kia là một cô gái ăn mày bệnh hoạn lẻn vào nằm co trên chiếc băng đá trong khuôn viên biệt thự. Phe bà mệnh phụ có thêm viên cảnh sát được mời tới để can thiệp và cô gái ăn mày có được một đồng minh là em bé đánh giày cũng lẻn vào vườn tìm chỗ ngủ trộm như cô. Bài thơ nói rằng đạo lý ở về phía của hai con người bất hạnh vô gia cư bị đuổi đi. Chất nghịch lý trong chuyện nầy có vẻ khó chấp nhận hơn là cái nghịch lý về vẻ đẹp và mùi thơm của cô công nhân quét ra rác, ấy vậy mà bài thơ đã đi vào lòng người. Vì cô gái ăn mày và em bé đánh giày ngày xưa là ruột gan của ông ta moi ra đặt lên trang giấy, còn cô công nhân quét rác hôm nay là sản phẩm của một công trình xào nấu lại những tứ thơ cũ, động cơ xào nấu không phải là một xúc động có thật, mà là một ý đồ lường gạt. Hồi đó, ông rất trân trọng bức thư nhưng vẫn đành phải đốt bỏ, vì biết đâu chừng ngày hôm sau ông sẽ ngồi trong khám và bức thư kia sẽ làm liên lụy đến một người bạn đọc không quen mến mộ ông. Những bức thư loại đó không nhiều lắm nhưng cũng không thưa thớt lắm. Chất dinh dưỡng của nó rất cao để nuôi ý chí ông trong những ngày đen tối. Bây giờ thì hàng chục năm nay, chỉ gợi lại thôi, ông cũng đã thấy xót xa rồi, nói làm chi đến chuyện dám ước mơ nhận được một bức thư như vậy!

Xin lỗi vì đã gợi cho ông một điều suy nghĩ buồn. Nói xin lỗi do quen miệng thôi. Tôi không có lỗi đâu. Điều suy nghĩ buồn nầy không làm u ám mọi soi sáng tâm tư ông. Nó giúp ông vùng vẫy ngoi ra khỏi nỗi cô độc bi thảm và chỉ hướng cho ông vươn tới niềm cô đơn cao quý của người cầm bút.

Thôi, chúc ngủ ngon ! À, nói vậy mà không phải vậy đâu nhé. Chúc ông nằm thao thức nghe ác quá. Nhưng nếu đêm nay ông ngủ ngon, thì những lời tâm sự của tôi là "Nước đổ lá môn" hay sao ?


-->đọc tiếp...

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2008

TẢN MẠN VỀ MỘT LOÀI ONG





Quen nhau trong mấy ngày lội rừng ở Lâm ngư trường Sông Trẹm, trước khi chia tay, kỹ sư Phùng Hữu Chính – làm việc ở Trung tâm nghiên cứu ong Hà Nội – tặng tôi tờ tạp chí Con ong của Viện nghiên cứu ngành ong Trung ương. Tất nhiên, tờ tạp chí đã giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về con ong ở góc độ khoa học. Song, điều làm tôi cảm nhận một cách lý thú là ở trang cuối, ông Mai Lương đã dày công ghi lại những câu thơ mà Thi hào Nguyễn Du đã mượn hình ảnh con ong để mô tả thân phận của Thúy Kiều trong mười lăm năm lưu lạc :

Êm ềm trướng rũ màn che.

Tường đông ong bướm đi về mặc ai

*

Tiếc thay một đóa trà my

Con ong đã tỏ đường đi lối về

*

Đổi hoa lót xuống chiếu nằm.

Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi

*

Sợ khi ong bướm đãi đằng.

Đến điều sống đục sao bằng thác trong

*

Biết bao bướm lả ong lơi.

Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.

*

Mặt sao dầy gió dạn sương.

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân

*

Khen cho những miệng dông dài.

Bướm ong lại đặt những lời nọ kia

*

Thiếp từ ngộ biến đến giờ.

Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa

*

Tình nhân lại gặp tình nhân.

Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình

Thì ra hàng trăm năm trước, con ong đã đi vào đời sống con người một cách sâu xa đến như vậy. Thế mới biết vì sao trong tình yêu người ta hay ví con gái là hoa, con trai là con ong hay con bướm. Và cụm từ trò ong bướm cũng được dùng để ám chỉ những kẻ thiếu nghiêm túc trong quan hệ tình cảm. Có lẽ bắt đầu từ một thực tế trong đời sống thiên nhiên, loài ong không thể sống được nếu không có hoa. Và ngược lại, hoa cũng không thể thụ phấn để kết trái được nếu không có sự tác động của loài ong. Bởi trong thế giới của các loài hoa – loại trừ hoa lưỡng tính và một vài loài hoa đơn tính thụ phấn nhờ gió – hầu hết được kết tinh là nhờ quá trình hút mật của ong, con ong bay từ hoa nầy sang hoa khác, chúng mang nhị hoa đực sang nhụy hoa cái làm cho hoa cái thụ tinh và kết trái. Phải chăng từ rất xa xưa ông cha ta đã phát hiện ra điều kỳ diệu nầy trong tạo hóa để con ong bị mang tai tiếng đến hôm nay ?

Tất nhiên có nhiều loài ong và ong nào chích cũng đau bởi chúng tiết ra một loại độc tố mà ta quen gọi là nọc. Thậm chí có loài ong đánh chết người như ong vò vẽ. Nói chung, tất cả các loài ong đều sống nhờ mật hoa nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ong mật ở rừng tràm U Minh. Theo kỹ sư Phùng Hữu Chính thì loài ong nầy có tên khoa học là Apisdorzata, được phân bổ ở các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở các nước châu Á. Song, môi trường lý tưởng nhất của chúng vẫn là rừng U Minh bởi sự hấp dẫn của hoa tràm. Loài ong nầy sở dĩ được cả thế giới quan tâm là vì mật của chúng là nguồn dinh dưỡng quý giá cho con người. Riêng đối với cánh thợ rừng ăn ong chuyên nghiệp, sau khi lấy mật đem bán, phần ong non là món mồi nhậu cao cấp mà trong chúng ta, ai đã từng nếm qua mới biết giá trị của nó như thế nào.

Xin cảm ơn các nhà khoa học đã đưa tấm thân cho ong đánh đến hàng trăm, hàng ngàn vết để chúng ta có những tư liệu đầy lý thú về xã hội của loài ong.

Một trong những con người dũng cảm ấy mà tôi có may mắn được gặp là kỹ sư Trần Quốc Thái, năm nay chưa đầy ba mươi tuổi. Thái được Trung tâm nghiên cứu ong Hà Nội phân công về Lâm ngư trường Sông Trẹm để nghiên cứu kinh nghiệm của nghề gác kèo ong truyền thống ở U Minh theo một dự án của Hà Lan. Cứ sáng sớm Thái chạy xuồng máy vô rừng, có khi lội theo các cụ già trong Đoàn Phong Ngạn, có khi suốt ngày làm việc bên những tổ ong, chiều chạy về. Ngày nào trên người Thái cũng đầy những vết đỏ bầm do ong đánh. Người ta kể rằng có những lần Thái bị đàn ong tấn công đến mức phải đưa đi cấp cứu. Đến nay dường như cơ thể của Thái đã bị chai lì, Thái xem chuyện ong đánh chỉ là những trò chơi, thậm chí anh còn cho rằng ong đánh rất nên thuốc vì nó chữa được bệnh đau nhức. Nhiều đêm Thái kể tôi nghe về chuyện sinh hoạt xã hội của đàn ong một cách say sưa làm tôi cứ ngỡ như anh với đàn ong kia vốn là bầu bạn.

Thái nói, con ong quản lý xã hội của chúng có những cái độc đáo mà con người cần rút kinh nghiệm. Chẳng hạn như cái tổ ong có đến bảy tám chục ngàn lao động mà chỉ một mình con ong chúa chỉ huy, không có trợ lý, không có phó gíam đốc, không phòng tổ chức hành chánh, cũng không có phòng kế toán, tài vụ, không có phòng nhân sự, không có chi đoàn, công đoàn, . . . nói chung là không có bộ máy gián tiếp. Dưới ong chúa chỉ có hai nhóm chuyên môn là ong đực và ong thợ. Ở chúng không có xảy ra chuyện đấu đá nội bộ hay tranh chức tranh quyền, lại càng không có chuyện móc ngoặt, hối lộ hay ăn cắp của công. Chính vì sự liêm khiết và tinh thần đoàn kết ấy mà công việc làm ăn của chúng cứ chạy một cách răm rắp, luôn đạt hiệu quả kinh tế cao, không bao giờ bị mất cân đối hay thua lỗ, không thất thoát một đồng xu cắc bạc nào. Bằng một quy trình công nghệ quản lý rất chuyên nghiệp, sau khi đậu kèo được hai mươi ngày là ong thợ đã xây xong tổ và lấy mật dự trữ đầy kho, đồng thời chúng thay nhau chăm sóc ong chúa, đi lấy nước, lấy phấn hoa về nuôi ấu trùng và thay nhau quạt để điều hòa nhiệt độ cho tổ ong khi gặp thời tiết bất thường. Trong thời gian nầy, ong chúa vừa làm nhiệm vụ đẻ trứng, vừa tiết ra chất chúa để điều khiển đàn ong – mà theo con người gọi đó là phầm mềm quản lý. Cứ 24 giờ, mỗi ong chúa sản sinh ra 1.500 con ong thợ. Đến khi một thế hệ ong thợ trưởng thành, ong chúa chọn ngày lành tháng tốt để đẻ ong đực và chúa non, chuẩn bị cho mùa chia đàn, thành lập thêm một doanh nghiệp mới – mà con người gọi là công ty thành viên.

Ong đực không làm gì khác ngoài chức năng giao phối – một thứ nghĩa vụ và quyền lợi của đàn ông. Một nhiệm vụ rất vinh quang cho sự sinh tồn nòi giống nhưng cũng đầy bi kịch, có nghĩa là sau một phút huy hoàng rồi . . . chết ! Nhưng để được giao phối với ong chúa, chúng phải tổ chức một cuộc thi tài vô cùng nghiệt ngã : đàn ong đực bay theo ong chúa hàng chục giờ trên độ cao ba mươi mét, cuối cùng chỉ một con thắng cuộc, sau đó tất cả đều chết. Được cũng chết, không được cũng chết ! Có lẽ cảm thông được số phận của ong đực nên cánh ong thợ không bao giờ đối kỵ, trù dập hoặc kiểm điểm chúng chỉ biết ăn không ngồi rồi để làm mỗi chuyện dâm ô.

Ong thợ ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp với an ninh quốc phòng, chúng còn rất giỏi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Có thể nói mỗi con ong thợ là một diễn viên múa rất tài hoa. Kỹ sư Thái nói rằng mỗi điệu múa của chúng có một ngôn ngữ riêng, ví dụ như trên đường đi lấy mật, chúng nhảy điệu tango; khi phát hiện hoa tràm, chúng nhảy điệu slow; khi gặp con người, chúng chuyển sang điệu lambada . . .

Ông Ba Rựa làm nghề gát kèo ong ở U Minh gần sáu chục năm, năm nay ông đã gần chín mươi tuổi, lưng còng, sức yếu nhưng vẫn không chịu bỏ nghề. Thậm chí đến mùa ăn ong, ông bỏ nhà vô rừng cất chòi ở, cho con cháu khóc lóc năn nỉ ông về, ông vẫn ở miết trong rừng mặc dù cháu con ông có thừa sức tạo cho ông cuộc sống an nhàn sung sướng. Cuối cùng ông nghiệm ra một diều : cái mà ông mê không phải là tổ ong hay mật ong mà chính là cái điệu múa của con ong trong mùa đi lấy mật. Ông nói nó múa đẹp đến nổi bắt mình cứ nhìn theo, lội theo, quên cả rắn hổ dưới chân . . .

Tôi được mời dự một cuộc hội nghị của Đoàn Phong Ngạn với gần một trăm người làm nghề gác kèo ong. Hỏi ra, hầu như không có ai khẳng định rằng cái nghề gác kèo ong nuôi sống được gia đình. Nhưng rốt cuộc, chẳng những họ không bỏ được nghề mà còn dốc tâm truyền lại cho con cháu, dù biết rằng rừng U Minh mỗi ngày cứ thu hẹp lại, hoa tràm cứ tiếp tục nghèo đi. Trong hội nghị nầy có mấy người khách quốc tế tới tham dự và phát biểu ý kiến trao đổi về nghề gác kèo ong, ông Vincen – một chuyên gia nghiên cứu nghề nuôi ong của thế giới, đại diện cho Ủy ban khoa học kỹ thuật vì Việt Nam của Hà Lan đang đầu tư cho chương trình nghiên cứu nhằm hoàn thiện nghề nuôi ong gác kèo ở U Minh – nói : nghề gác kèo ong cổ truyền ở U Minh là một nghề độc đáo, độc đáo cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật mà cả thế giới không có.

Nghe ông nói, tôi cố đi tìm hiểu xem ông tổ của nghề gác kèo ong là ai và vì sao gọi là Đoàn Phong Ngạn. Cuối cùng cũng không ai biết được, kể cả người cao tuổi nhất là ông Ba Rựa. Ong Ba Rựa chỉ kể đại khái rằng ngày xưa, vài trăm năm trước, người ta phát hiện ra rằng ong mật chỉ làm tổ trên những cây tràm bị gãy nằm nghiêng giống như cây kèo nhà. Thực tế đó đẻ ra cái nghề gác kèo ong, rồi nghề dạy nghề, kinh nghiệm tích lũy dần qua nhiều thế hệ để đi đến sự hoàn thiện như một quy trình kỹ thuật. Ngày xưa rừng dày đặc, người ta phải dọn một khoảng trống cho ánh sáng chiếu vào rồi gác cây kèo trong đó. Khi đàn ong trinh sát đi tìm nơi xây tổ, gặp cái khoảng trống có khúc cây nằm nghiêng, xung quanh không có cỏ rác, không có ổ nhện, chúng dùng một điệu múa báo hiệu cho cả đàn bay đến. Hai mươi ngày sau, khi tổ ong đầy mật và mật đủ độ chín, người thợ rừng đến dùng cây đuốc bằng sậy khô và lá tràm tươi để un khói xua đàn ong bay đi, họ dùng dao cắt lấy gần hết phần mật và nửa phần ong non. Vài phút sau đàn ong trở lại, ong thợ lập tức xây lại nhà cửa và lấy mật mang về dự trữ. Cứ mỗi lần như thế, người thợ rừng thu được từ 5 đến 10 lít mật trên mỗi tổ ong. Mỗi vụ mùa thu được ba lần, mỗi năm chia làm hai vụ theo hai mùa bông tràm. Hồi xưa, người thợ rừng có thể thu được mỗi năm hàng ngàn lít mật,

Cũng không biết tự thuở nào, rừng U Minh hình thành các Hiệp hội gác kèo ong gọi là Đoàn Phong Ngạn. Mỗi đoàn từ năm mươi đến bảy mươi người. Đoàn Phong ngạn có luật riêng, dù luật không thành văn nhưng được tuân thủ rất nghiêm khắc, trong đó có những quy định về việc bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Có lẽ hơn ai hết, dân Phong Ngạn là đội quân bảo vệ rừng nghiêm ngặt nhất mà không phải trả lương bởi họ yêu rừng như yêu sự sống của chính mình. Cũng chính vì lẽ ấy mà trận cháy rừng năm 1983, dân Phong Ngạn khóc như đám tang, nhất là những cụ già.

Mỗi năm, trước mùa ăn ong, các Đoàn Phong Ngạn họp nhau làm heo cúng rừng, khấn vái trời đất, thần linh phù hộ và thề sống chết có nhau. Ông Ba Rựa kể rằng hồi ông còn trai trẻ, có một người từ vùng trên xuống đây xin vào Đoàn Phong Ngạn nhưng lại có máu tham. Hành nghề chưa được bao lâu, ông ta đi ăn trộm tổ ong của người khác. Bị phát hiện, ông ta bị trục xuất ra khỏi Đoàn. Nhưng trước khi đi, Đoàn buộc ông ta phải bàn giao toàn bộ số kèo ong lại cho người bị trộm. Luật của Phong ngạn là như vậy, cả đời ông Ba Rựa chỉ chứng kiến một trường hợp phạm luật duy nhất xảy ra.

Bây giờ, trở lại U Minh gặp những người thợ rừng cao tuổi, hỏi chuyện ăn ong ngày xưa, các cụ kể lại một cách say sưa hào hứng. Nhưng khi hỏi chuyện ăn ong bây giờ, các cụ thở ra đầy tiếc nuối, mắt đăm chiêu nhìn những cánh rừng lồi lõm như da beo.

-->đọc tiếp...

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2008

Chuyện nhỏ của năm năm trước




DẤU ẤN KHOAI LANG


Gần đây, trước hiện tượng bùng nổ khoai lang nướng trên nhiều đường phố Sài Gòn, đã không ít những ý kiến bàn tán khác nhau. Phàm, cái gì lạ thì dễ gây chú ý, và ai cũng muốn tỏ rõ chính kiến của mình. Cuộc sống vốn có nhiều tầng nhận thức và mỗi tầng nhận thức ấy nó phụ thuộc nhiều yếu tố : Nguồn gốc xuất thân, trình độ học vấn, nền tảng văn hóa, vị trí xã hội, thái độ xã hội, cảm xúc nhân văn . . . cho nên, trước củ khoai lang nướng xuất hiện đột ngột trên vỉa hè của nhiều tuyến đường cũng trở thành . . . vấn đề nhận thức. Anh cảnh sát giao thông, nhà quản lý đô thị, chuyên gia vệ sinh thực phẩm . . . mỗi người có một cách nhìn và đánh giá khác nhau, thậm chí có người đặt thẳng vấn đề với chính quyền là nên sắp xếp thế nầy thế nọ. Nhưng cuối cùng củ khoai lang cũng chỉ là củ khoai lang.

Tôi không tham gia tranh cải dù có rất nhiều phe hỏi ý kiến tôi để mong có thêm một sự đồng tình. Có gì đáng phải tranh cải trước củ khoai lang trong khi cuộc sống còn quá nhiều nghịch lý.

Tôi im lặng. Im lặng ngay từ cái đêm đầu tiên tình cờ rong rủi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, bất chợt nghe mùi khoai lang khét rồi giật mình nhìn hai bên đường, thấy người ta vây quanh mấy cái bếp nướng khoai lang. Già có, trẻ có, sang trọng có, bình dân có. Từ chỗ ngạc nhiên đến nghĩ suy và tìm hiểu, tôi đã ngộ ra được một điều: Sài Gòn có hơn hai triệu dân nhập cư, nghĩa là có hơn hai triệu nỗi niềm xa xứ. Và, những nỗi niềm ấy đang vây quanh những cái bếp nướng khoai lang. Tất nhiên là trong số đó có những người không có nỗi niềm gì cả.

*

Tôi sinh ra và lớn lên trên một cánh đồng có tên gọi là Đồng chó ngáp, một cánh đồng năn mênh mông nằm ở cuối nguồn con sông Phụng Hiệp. Ba tôi mất hồi năm tôi lên tám tuổi, và gót chân tôi ngấm bùn kể từ năm ấy. Tôi còn nhớ, hôm ấy cả nhà tôi kéo xuống ruộng để làm cỏ lúa. Trước khi ra đồng, mẹ tôi bắc một nồi khoai lang lên bếp , cái nồi làm bằng đất nung đen mun được đậy nắp bằng lá chuối, úp lên cái nắp xoong nhôm rồi giằn thêm hai cục gạch cho nó thật kín hơi. Thấy chúng tôi nhìn một cách thèm thuồng, mẹ tôi nói nhổ cỏ xong rồi mới được ăn. Điều kiện của mẹ tôi đặt ra lúc ấy thật hữu hiệu vô cùng. Vì để được ăn khoai mà mấy chị em tôi thi nhau làm cỏ. Khi xong việc vào nhà thì cái nồi khoai đã bốc lên mùi khét. Mọi người xót xa, tiếc rẻ vì thuở ấy nhà nghèo đến nổi mua được một ký khoai lang đâu phải là chuyện dễ dàng. Cứ tưởng khét là bỏ, ai ngờ khi ăn hết mấy củ khoai trên mặt rồi, ăn mót mấy củ khoai khét lại thấy ngon hơn, vừa bùi vừa thơm một cách lạ lùng.

Từ đó, mỗi khi mẹ tôi đi chợ về, thấy có khoai lang là tôi ăn cắp. Quơ vội mấy củ ném vào góc sàn giường. Tối tối mò ra một củ lận vào trong vạt áo, chạy một cái vèo qua cửa, đi một mạch đến cái bếp un trâu bên nhà thằng bạn rồi vùi vội củ khoai vào. Ngồi chờ đến khi mùi khen khét bay lên, bẻ một cây lức khều ra, gói vào mấy cọng rơm cho đỡ nóng rồi mang ra ngồi một mình trong bóng đêm trên bờ mẩu, vừa thổi vừa ăn một cách ngon lành.

Mấy năm sau đi học ngòai thị xã, mỗi sáng đến cổng trường thấy mấy bà già ngồi bán khoai lang luộc. Khoai bột trắng mỗi củ năm cắc bạc, khoai Dương Ngọc vỏ tím ruột trắng pha lớm đớm màu đỏ mỗi củ một đồng, khoai bí vỏ đỏ ruột vàng thì cắt làm đôi, một đồng nửa củ. Thấy thèm nhưng chẳng có tiền mua. Trong lớp tôi có mấy cô bạn gái con nhà nghèo, mỗi tối phải phụ gia đình ra lề đường ngồi bán khoai lang nướng. Những củ khoai bằng ngón chân cái được gọt sạch vỏ, đặt lên cái vỉ trên bếp than. Một đêm nọ lang thang ngoài phố, nghe cái mùi khoai lang ấy lòng không chịu nổi cơn thèm, đành bạo gan lấy năm cắc bạc ra mua. Nhưng ăn xong mới thấy tiếc tiền, hối hận vì nó chẳng thay thế được cái mùi thơm và vị ngọt của củ khoai lùi trong đống lửa un trâu. Lúc ấy, tôi cảm nhận được rằng, tuy cũng là củ khoai nhưng sở dĩ không ngon là vì nó thiếu đi nhiều thứ : Đó là mùi khen khét của vỏ khoai, mùi rạ, mùi rơm, mùi khói un trâu, mùi của đồng, của đất, của làng xóm quê hương, và cái vị ngon tuyệt vời của củ khoai vụn trộm.

Ba mươi năm xa quê làm kẻ thị thành, nếm đủ thứ mùi đời và cả mùi cao lương mỹ vị, tưởng sẽ không bao giờ còn nhớ củ khoai lang. Thế rồi bất chợt, một đêm giữa Sài Gòn bổng nghe cái mùi khen khét ấy, tự nhiên tôi cảm thấy mình như lạc lõng chơi vơi, thậm chí như mơ mơ hồ hồ không hiểu mình đang là ai giữa cõi đời nầy.

Mấy ngày qua cứ mỗi buổi tối, dù đi đâu, trước khi về tôi cũng chạy một vòng qua đường Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn có nhiều người bán khoai lang nướng. Người mua cứ mỗi tối lại đông thêm, đông đến nổi phải xếp hàng chờ, có người chờ không được, gởi tiền trước với lời hẹn một lúc sau quay lại lấy. Chẳng có gì lạ lùng đến nỗi để người ta phải gọi là hội chứng khoai lang, cũng chẳng có gì để bàn tán xôn xao và tranh cải, bởi tôi cũng đã mua, đã ăn và đã hiểu rằng, Sài Gòn đang có hai triệu dân nhập cư, không chỉ thế, hàng triệu người khác đã định cư thì cũng là dân Việt nam đến từ mọi miền đất nước, có ai biết họ đang mua khoai lang hay mua cái sự hoài niệm của mình !


Sài Gòn, tháng 10 năm 2003

-->đọc tiếp...

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2008

Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 17-8 (Bản gốc của Vĩnh Huy)




NGƯỜI NÔNG DÂN KỂ CHUYỆN

VĨNH HUY (thực hiện)

Thật khó để có một cuộc đối thoại sòng phẳng với Võ Đắc Danh. Ở con người này có cái quyết liệt đến cực đoan khi bước lên khỏi đám đông, bảo vệ những gì mình viết. Nhưng, cũng có sự nhúng nhường đến tưởng chừng như rất nhu nhược trong quan hệ đời thường.

Không màu mè, đỏm dáng dù đã được cảnh báo sẽ hỏi những chuyện nhạy cảm, Võ Đắc Danh khi ngồi ở vị trí bị người khác phỏng vấn, vẫn rất thẳng thắn, đau đáu, trăn trở trước những vấn đề của người nông dân như chính trang viết của anh.

.Xét về sức mạnh thông tin, một bài báo sẽ cho người đọc cảm giác tin tưởng nhiều hơn bút ký. Vì sao anh lại chọn bút ký, một thể loại có tính chất văn học, rất dễ bị nghi ngờ hư cấu để chuyển tải những sự thật về nhân vật của mình?

+Bút ký suy cho cùng thì cũng là thông tin thời sự như bài báo thôi. Nó tuy là một thể loại văn học nhưng tuyệt đối không có chuyện hư cấu. Tất cả đều phải là sự thật. Chỉ cần hư cấu vài chi tiết là mất giá trị ngay. Mình sẽ hổ thẹn với chính mình. Bạn đọc sẽ mất niềm tin. Sức thuyết phục không còn nữa.Có hai lý do để tôi thích chọn thể ký: thứ nhất, đó là một sở trường ngay từ khi bước vào nghề, thứ hai, ngôn ngữ văn học dễ làm lay động lòng người, kể cả người thiện lẫn người ác. Có khi chỉ cần mô tả thân phận con người thì chân dung cái ác tự thân nó hiện ra. Phía sau các sự kiện, các vấn đề của báo chí, bao giờ nó cũng lắng lại những câu chuyện, những chất liệu quý của văn học. Tôi có thói quen lang thang đi tìm những chất liệu ấy cho những câu chuyện kể của mình như một người nông dân kể chuyện.

.Có người nói mạng anh lớn, chứ nếu không thì đã đi tù lâu rồi vì cái kiểu viết “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”…

+Tôi bị nhiều tai nạn lắm. Nhiều lần tưởng đã tiêu rồi. Nhưng qua được hết có lẽ là vì cái tâm. Khi mình đặt bút đánh cái ác cũng là vì một tấm lòng thương người. Khi nó giẫy lên quật lại mình thì mình cũng phải dùng cái sự chân tình để xử sự lại. Tôi nghiệm ra bài học đó từ biến cố của bài viết Thảm họa Khánh Bình Tây, năm 2002. Một tuần sau khi báo đăng, người ta cho mời tôi lên làm việc. Họ nói mày viết sai sự thật rồi, phải xử mày thôi. Đêm đó có mấy nhà báo đi nhậu trong quân khu 9 về cũng cảnh báo: “đợt này mày tiêu rồi...” làm tôi cũng nghĩ mình sắp tiêu thiệt. Nhưng không dè khi gặp, tôi chỉ nói vắn tắt mấy câu: Tôi với các anh, tuy ở hai vị trí khác nhau nhưng cùng một mục tiêu là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Tôi nghĩ các anh hiểu ý nghĩa đó sâu sắc hơn tôi vì các anh bảo vệ bằng cả xương máu của mình.Chỉ nói đại khái như thế mà hai bên chia sẻ được với nhau . . .

.Chuyện anh bị thu hồi thẻ nhà báo vì bài phiếm luận: “Kính thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo” thì dân trong nghề nghe nhiều rồi nhưng có một điều người ta không hiểu lý do vì sao anh đã được “bật đèn xanh” làm thủ tục cấp lại thẻ nhưng anh không làm?

+Thật ra thì tôi đã làm một lần theo đề nghị của một người quen ở Hà Nội, làm theo thủ tục thông thường “đến hẹn lại lên”. Nhưng sau đó không thấy hồi âm. Theo tôi hiểu thì người ta muốn trong hồ sơ phải kèm theo cái bản tự kiểm.Tại sao tôi phải làm cái điều đó khi mà đến giờ tôi vẫn không nghĩ tôi đã viết sai?. Có thể tôi đã phê phán hơi nặng nề nhưng sáu năm qua đã cho thấy những dự án như hệ thống nhà máy đường, cảng cá, ngọt hóa bán đảo Cà Mau…đã không hiệu quả, làm thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng tiền của dân. Lẽ ra nếu sòng phẳng thì họ phải thừa nhận tôi viết đúng và trả lại thẻ nhà báo chứ không phải kêu tôi đi xin cấp lại thẻ như thế.

.Hầu hết đề tài của anh xoay quanh thân phận người nông dân. Anh chủ trương đi con đường đó hay hoàn cảnh nó kéo anh?

+Tôi xuất thân là nông dân nên rất dễ đồng cảm với thân phận của nông dân. Lúc mới vào nghề tôi chọn nông dân để viết vì nó gần gũi với mình nhưng bây giờ thì nông dân chọn tôi để giúp họ kêu cứu cho những oan ức, bất công.

.Trong hàng ngàn nông dân đáng thương như anh nói, không loại trừ có những người bị “oan Thị Mầu”. Có lần nào anh bị chính nhân vật của mình phản bội mình chưa ?

+Tôi không có thói quen cân nhắc thêm những gì mình viết sau khi đã cho đăng. Cái gì trước khi đặt bút viết tôi đã điều tra rất kỹ, trăn trở cũng rất nhiều. Có thể chính quyền người ta cho rằng không đúng với đường lối, chủ trương nhưng tôi thấy rất thanh thản lương tâm vì mình đã lôi ra được ánh sáng những góc khuất của sự thật. Một sự thật mà bạn đọc rất khó tìm thấy trong những báo cáo,những phát biểu trên các diễn đàn chính trị.

Anh có vẻ như dị ứng với quan chức, người giàu. Đâu phải cứ nghèo là đáng thương, còn giàu và có chức quyền là làm bậy…

+Tôi và những người được xem là quan chức ấy cùng có chung một quá khứ. Sau khi ba tôi và các anh tôi hy sinh, gia đình tôi vẫn tiếp tục nuôi chứa cán bộ, những người đồng đội của ba và anh tôi. Tôi nhớ có một lần, vào lúc nửa đêm, một nhóm cán bộ chạy vào nhà tôi sau một cuộc giao tranh, có những người vừa bị thương, vừa đói. Mẹ tôi vừa chăm sóc vừa làm gà nấu cháo đãi họ, trong đó có ông Đ, một cấp trên của ba tôi. Hôm ấy ông xúc động nói: “Sau nầy cách mạng thành công, phần lớn là nhờ những người dân tốt bụng như chị.” Chiến tranh kết thúc, ông Đ tìm đến thăm gia đình tôi, thấy ông đi xe hơi, có cận vệ đi cùng, mẹ tôi hỏi bây giờ ông giữ chức vụ gì, ông nghiêm túc nói: “Chị đừng hỏi thế, người cách mạng dù ở cương vị nào cũng là đầy tớ của nhân dân mà thôi”. Từ đó tôi không có dịp gặp ông. Gần hai chục năm sau, tình cờ tôi thấy một đoàn biểu tình ( nay gọi là khiếu kiện đông người) kéo đến trước cổng cơ quan ông, căng biểu ngữ đòi gặp ông để giải quyết chuyện đất đai, ông không tiếp mà cho cảnh sát ra giải tán. Tôi về nhà kể lại câu chuyện ấy cho mẹ tôi nghe. Sau giây phút trầm ngâm, bổng dưng mẹ tôi cười khẩy: “Vậy là nói láo !” Tôi nghĩ câu chuyện ấy đã khái quát được những điều không thể cứu vãn được trong mối quan hệ giữa đầy tớ với nhân dân.

Còn với người giàu, nếu nói rằng tôi dị ứng thì cũng không phải. Giàu là một trong những khát vọng, những mục tiêu vươn lên của con người. Tôi từng viết về những người giàu như ông Hùng Cá ở Đồng Tháp, ông Kỳ Phùng ở Đồng Nai, ông Phan Văn Xoàn ở công ty Long Hải, ông Trần Bá Dương ở tập đoàn ô tô Trường Hải, ông Ba Phúc, ông Đặng Đốc ở Cà mau . . . Những con người đi lên từ trong nghèo khó, đi bằng mồ hôi nước mắt, bằng đôi tay và khối óc của chính mình, thật đáng trân trọng. Sự giàu có của họ đồng hành với cái tâm, với nhân cách và trách nhiệm cộng đồng. Đó là những con người từng ngày đang góp phần làm cho cuộc sống nầy tốt đẹp hơn.Nhưng những người như vậy chiếm một tỷ lệ quá nhỏ nhoi so với bọn làm giàu bất chính.

.Có đồng nghiệp nhận xét văn của Võ Đắc Danh có màu sắc chống đối, phản động. Anh nghĩ sao?

+Một xã hội luôn luôn thiếu sự phản biện nên người ta dễ nhầm lẫn giữa khái niệm phản biện và phản động , giữa phản đối và chống đối. Người cầm bút khác với con két là ở chổ biết nói thay người dân tiếng nói phản biện và phản đối trước những quyết sách đi ngược lại với quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của họ.

.Cứ mãi viết về nông dân và thường phải đụng chạm với chính quyền, anh không thấy chán hay mệt mỏi sao?

Nếu chán thì tôi đã không làm. Cái thương và cái giận nó cứ luôn luôn ám ảnh. Thật ra nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mõi vì sự bất lực của mình trước số phận người nông dân. Nhưng dường như đây là cái nghiệp.

Trót mang cái nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẩn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Tôi thấy cụ Nguyễn Du quá đúng.

Đau đáu với nông dân như vậy nhưng vì sao anh bỏ Cà Mau ra đi?

Quê hương, chữ nghĩa, cảm xúc, lòng dạ con người không phụ thuộc vào địa giới hành chánh. Sống ở Sài Gòn để nhìn lại nông dân trên bình diện rộng hơn, thấu đáo hơn.

Liệu có tin được điều đó không khi người ta thấy Võ Đắc Danh bây giờ đi xe hơi ?

Năm ngoái, khi tôi tiễn ông anh ra sân bay để xuất cảnh, anh ấy cũng cảnh báo tôi như vậy: “Tôi thấy cảm xúc của chú đến giờ nầy thì rất hay, nhưng xe hơi, nhà lầu, phòng lạnh có khi làm cho chú trở thành vô cảm”. Tôi cảm ơn những lời nhắc nhở chân tình ấy nhưng cuộc sống vốn có nhiều tầng nhận thức. Tiện nghi bao giờ cũng là điều kiện cần thiết cho đời sống con người. Nhưng khi làm chủ nó, anh xem nó là phương tiện hay đồ trang sức để làm sang cho anh ? Đó mới là vấn đề quan trọng.Phương tiện không làm nên khoảng cách giữa con người với con người ( trừ những kẻ bất lương ).

.So với một Võ Đắc Danh khi còn ở Cà Mau, Võ Đắc Danh đang sống ở Sài Gòn có vẻ như không còn gai góc, quyết liệt như cái thời của Nỗi niềm u minh hạ nữa. Anh có thấy vậy không?

+Chưa bao giờ tôi thấy mình hết hứng thú với con đường mình đã chọn. Những bài viết gần đây của tôi như Canh bạc ở Đức Hòa, Thư Sài Gòn, Đất của Mẹ, Trên đồng bưng sáu xã… vẫn là những cuộc đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác và chia sẻ tận cùng với nỗi đau mất đất của nông dân.

Những ai chơi thân với anh đều có chung một nhận xét, Võ Đắc Danh ở ngoài đời sống rất cầu an, không bon chen danh lợi, thậm chí còn chấp nhận thiệt thòi mà không đấu tranh. Sao vậy?

Với đời sống cá nhân và quan hệ cá nhân, tôi là một con người khác. Không phải tôi cầu an nhưng tôi rất dị ứng với cái gọi là đấu tranh nội bộ. Với bạn bè đồng nghiệp, bao giờ tôi cũng xem là gà một mẹ, không lý do gì phải bôi mặt đá nhau. Không phải tôi muốn lấy lòng mọi người nhưng bản tánh tôi xưa nay là vậy. Anh em trong cơ quan hay ngoài đời, có gì hiểu lầm thì giải quyết bằng một chầu nhậu là xong. Cái nghiệp của chúng ta đã quá cô đơn, quá nhiều kẻ thù rồi thì dại gì đi chia rẻ anh em với nhau. Tôi sống chỉ cần vợ con thương tôi, bạn bè thương tôi, nông dân thương tôi là đủ. Nhưng để có được trọn vẹn những tình cảm ấy cũng không phải dễ dàng.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

-->đọc tiếp...

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2008

CHUỘT ĐỒNG




Săn chuột ở Đồng Tháp Mười - Ảnh BINH NGUYÊN




Chủ nhật, anh Thành rủ chúng tôi về Củ Chi quê anh ăn thịt chuột. Thành nói hôm qua đã gọi điện dặn anh Tư Chuột rồi, sáng nay anh cho hay, gài được hơn mười con. Tôi nghĩ trong bụng mà không dám nói ra, đi một xe năm sáu người mà chỉ có hơn mười con chuột thì làm sao đủ ăn.

Nhưng khi tới nhà Thành, thấy Tư Chuột đang ngồi nướng, tôi hoảng hồn, con nào con nấy cả ký lô, mập ú như con heo sữa. Tư Chuột cho biết đây là chuột mía, thực chất thì nó là chuột cống nhum, nhưng vì chúng sống theo rẫy mía lâu năm nên to con hơn chuột đồng ở các vùng quê khác, và chỉ có rẫy mía mới có loại chuột cống to như vậy. Tư Chuột nói, tên thật của anh là Tư, nhưng do nổi tiếng nghề gài chuột và nướng chuột nên làng xóm đặt anh là Tư Chuột. Hỏi mỗi ngày kiếm được bao nhiêu, Tư Chuột cười: “Hàng ngày tôi vẫn làm ruộng, làm vườn, khi làng xóm có đám tiệc, họ đặt trước, tôi mới đi gài”. Một ký chuột ba chục ngàn, một đám giỗ, đám cưới, có khi “đặt hàng” Tư Chuột đến bốn năm chục ký. Cách làm ăn của anh cũng không giống ai, vừa rất tài tử, cũng vừa rất chuyên nghiệp. Khi nhận “đơn hàng” với số lượng và thời gian cụ thể, mỗi tối anh chất bẫy lên xe honda đi vòng theo các rẫy mía trong vùng, kiếm đủ số lượng theo đơn hàng thì thôi, mang chuột về rọng lại. Tới hẹn, anh nấu nước nhổ lông, ướp gia vị rồi mang đồ nghề đến nướng tại nhà của khách hàng, nướng tại chỗ cho khách ăn tại chỗ.

Hôm ấy tại nhà Thành cũng vậy, anh đặt cái lò than dưới gốc xoài, gần bàn nhậu, khách ăn tới đâu anh nướng tới đó. Chuột cống để da, ướp gia vị, nướng lò than, ăn với cơm nếp đậu xanh. Trời ơi ! Giờ ngồi gõ những con chữ nầy mà vẫn nghe mùi thơm, vị ngọt bốc lên.

Ở Bạc Liêu quê tôi ngày xưa chuột cũng đầy đồng, tôi nhớ có lần, trên đường đi đặt rập cua, sáng ra, bơi xuồng thả rập xong, mấy thằng bạn than hết đồ ăn, tôi xách cây dầm bước lên bờ đìa, tìm cái hang chuột rồi lấy dầm xắn vài lác đất, thay vì phải đào bằng dá. Mùa sa mưa đất mềm, chỉ cần xắn mấy dầm là thấy cái đuôi chuột cống lòi ra, cứ nắm đuôi vật đầu mấy cái là bốn năm con chuột nằm một đống. Chuột đồng Bạc Liêu không lớn con bằng chuột mía Củ Chi, nhưng lột bỏ lớp da là mỡ đầy mình, bốc cái ruột ra là mỡ chứa đầy trong bụng. “Lấy mỡ nó chiên nó”, đó là cách nói của dân ăn chuột xứ tôi, chỉ cần chặt khúc, bỏ vào chảo, đốt lửa lên năm mười phút là mỡ chảy ra đầy chảo, đốt cho “tới mỡ”, thịt chuột sẽ vàng nghệ bên ngoài. Như vậy là xong, chấm muối thô hoặc nước mắm mà ăn, không cần gia vị. Đó là cách ăn hoang dã nhưng không kém ngon so với cách làm của anh Tư Chuột.

Bắt chuột cũng có nhiều cách bắt. Mùa hạn thì đi đốt đồng. Cánh đồng Chó Ngáp quê tôi vào mùa khô thì nó là thế giới riêng của chuột. Chỉ cần đốt một đám năn, ngồi chờ cho lửa cháy hết một cánh đồng, mỗi một cánh đồng lớn hàng trăm mẫu, cách nhau bởi những kinh mương. Lửa cháy, từng bầy chuột sẽ chui vào hang, những ngõ ngách ăn luồn dưới đất, cách mặt đất chừng nửa gang tay, đó là những “đường hầm” do chúng tạo nên trong những đêm đi đào bới củ năn. Khi lửa cháy, chúng biến những đường hầm ấy thành nơi ẩn náu. Chúng tôi chỉ việc bươi hang, nắm đầu chúng lên, dùng nỏ bẻ răng rồi cho vào giỏ, đến khi nào không còn khiêng nổi nữa thì thôi, đành tha mạng cho những bầy chuột còn lại, hẹn với chúng vào mùa mưa. Mùa mưa, năn phủ xanh đồng, nước ngập nửa ống chân, chúng tôi trở lại “dặm cù”. Bốn năm thằng nối nhau đi một vòng tròn, khoảng hơn ngàn mét vuông. Đi đến đâu, đạp năn xẹp xuống nước đến đó, lũ chuột co cụm dần rồi “gom cù” vào một chỗ. Khi cái căn cứ cuối cùng của chúng thu hẹp lại chừng vài ba mét vuông, một thằng vạch năn, thọp đầu, bẻ răng bỏ vào giỏ, những thằng khác tiếp tục nối nhau dậm xung quanh, “không cho chúng nó thoát”. Quần đảo vài ba đám năn như vậy, chúng tôi cũng tóm được vài trăm chú chuột. Nhưng cách bắt nầy đòi hỏi phải nhanh nhẹn, bạo tay, phải bóp mạnh con chuột để ruột nó dồn lên ức, đầu nó không co lại được. Nếu không thì đừng trách sao mầy lại cắn tao.

Một cách bắt nữa là dẫn chó đi đào hang. Chuột thường làm hang ở những bờ ruộng, bờ đìa, bờ đê. Hồi ấy ở quê tôi, nhà nào cũng nuôi vài ba con chó, huấn luyện chúng thành những tay săn chuột lão luyện. Trong vô số hang ngách ngoài đồng, hang nào có chuột hay không, chỉ có . . . chó mới biết. Sáng sớm vác dá ra đồng, chỉ cần chặc lưỡi, bầy chó chạy theo. Chúng vừa đi vừa đánh hơi. Khi mũi chó hít vào hang, đuôi nó cong lên, hai chân trước bươi xối xả thì chắc rằng trong đó có chuột, lúc ấy, ta cứ đào, xắn theo miệng hang. Một con chó vừa bươi, vừa rình rập, trông chừng, những con khác đánh hơi tìm kiếm những ngõ ngách xung quanh và ngồi đó canh giữ. Mỗi con chuột chạy ra, lập tức bị chó táp ngay đầu. Con chó khôn ngoan chỉ nhắm ngay đầu con chuột mà cắn, để lại phần thân thể còn nguyên vẹn cho chủ, và, con chó khôn ngoan cũng không bao giờ ăn thịt chuột khi chưa được chủ cho phép. Về nhà, khi chuột được chế biến xong, dọn ra mâm cơm, con chó chọn một chỗ ngồi dưới đất, im lặng ngóng lên, chờ chủ ném cho phần xương xẩu.

Chuột có nhiều cách chế biến như chiên, xào củ hành, xào sả ớt, muối sả, kho mắm, nấu canh chua cơm mẻ với bắp chuối, khìa nước dừa, nướng, quay lu. Nhưng ngon nhất vẫn là món “lấy mỡ chuột chiên chuột”.

Cũng là chuột, nhưng chuột đồng và chuột nhà có “tính cách” khác nhau. Văn hào Lev Tolstoy từng có câu truyện ngụ ngôn khá thú vị rằng, một hôm chuột nhà đi thăm chuột đồng, nhìn cảnh đồng ruộng hoang sơ, chuột đồng chỉ ăn những bữa ăn đạm bạc với cỏ non, chuột nhà nói: “Anh sống sao mà khắc khổ quá, theo tôi về nhà tôi đãi anh một bữa”. Chuột đồng theo chuột nhà về nhà, leo lên bàn ăn, chuột đồng rất ngạc nhiên thấy toàn cao lương mỹ vị: “Chao ôi, anh sống sao mà sung sướng quá !”. Chuột nhà hãnh diện nói: “Sống thế mới là gọi sống, hay là anh bỏ đồng ruộng về đây sống với tôi”. Liền khi đó có bóng người đi tới, chuột nhà hốt hoảng dắt chuột đồng chạy xuống hang, chuột đồng ngạc nhiên hỏi: “Sao vậy ?”. Chuột nhà nói: “Đó là thức ăn của người ta, mình chỉ ăn lén thôi”. Chuột đồng vừa bỏ đi vừa nói: “Sống như anh thì nhục quá, thà ăn cỏ, uống nước đồng như tôi mà thanh thản lương tâm”.

Xem ra, loài chuột cũng còn biết thế nào là liêm sỉ.

-->đọc tiếp...

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

TÍA ĐÃ LÀM MỘT ĐIỀU VỚ VẨN




Vừa post entry của con xong thì từ phía bên kia bờ kinh Nhiêu Lộc, bác Wan đã thốt lên hai tiếng “Kinh người !”. Rồi những comment nối tiếp những comment của bạn bè gần, bạn bè xa, bạn bè quen và chưa quen. Những cảm nhận sâu xa, những chia sẻ tận đáy lòng, những lo ngại cho cái nghiệp khổ ải nầy nó sẽ vận vào con. Đó là những lo ngại rất tử tế của những người tử tế. Tía thì hy vọng, vừa hy vọng vừa tin rằng đó không phải là con đường mà con lựa chọn, bởi tía hiểu con đang có một niềm đam mê khác.

Nhưng làm sao mà biết được . . .

Cách đây hai mươi năm – đúng là hai mươi năm – Lúc con chưa chào đời, khi tía viết bút ký “Nơi Ấy Bây Giờ” đăng trên tạp chí Văn thành phố. Tía còn nhớ tía viết trong những đêm mưa, thiếu thuốc hút, phải cầm đèn dầu mò mẫm từng góc nhà, lượm từng tàn thuốc gò vấn đi vấn lại. Thiếu trà, phải mặc áo mưa mò trong bóng đêm qua nhà hàng xóm moi mấy củ gừng về bỏ vào nước sôi để uống. Khổ thế mà vui khi nói được cái nỗi đau tận cùng của người nông dân trên mặt báo. Nhưng , cái giá mà tía phải trả là tía bị ông Bí thư Tỉnh ủy ba lần ra lịnh bắt giam, rồi vạ lây cho ông Viện trưởng Viện kiểm sát phải bị buộc nghỉ hưu vì không ký lịnh, con trai ông ấy đang làm chủ tịch thị xã cũng bị điều đi chỗ khác. Ông Chủ tịch Hội văn nghệ, nơi tía làm việc, cũng bị mời lên, bảo phải cho tía thôi việc thì tờ báo của Hội mới được cho giấy phép . . . Nhiều chuyện lôi thôi xảy ra lúc ấy. Buồn chán, tía lang thang lên Sài Gòn. Nhà văn Anh Đức bảo: “Mầy sống ở dưới không yên đâu, về tạp chí Văn với chú đi, còn một căn hộ chung cư ở 150 Đồng Khởi . . .”

Tía không trả lời vì thật lòng tía không thích Sài Gòn. Hơn một tuần lang thang, càng thấy Sài Gòn không phải là của mình. Mỗi sáng thức dậy, ra ngồi uống cà phê vỉa hè, trời mưa lất phất, nhìn dây bìm bìm leo phủ những hàng rào mà nhớ dây giác leo trên những đám dừa nước ven sông ở xứ mình, nhớ không chịu nổi !

Ngồi trên xe đò, về tới cầu Láng Trâm là chợt nghe cái “mùi quê”, mùi đất thân thương. Phải chăng đó là bi kịch “Chôn nhau cắt rún ?”.

Ngày con chào đời, tía dặn bà bác sĩ: “Chị cho em xin cái nhau của cháu”. Tía bỏ cái nhau của con vào keo mật ong. Ba tháng sau, nó tan ra, hòa với mật, tía mang đi pha rượu nhậu với bạn bè. Tía đã yên tâm mà nghĩ rằng, sau nầy tía ở đâu thì “nơi chôn nhau” của con sẽ ở đó.

Hóa ra, tía đã làm một điều vớ vẩn !

-->đọc tiếp...