Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009

CẢM ƠN CÁC BẠN ĐỒNG NGHIỆP






BÁO THANH NIÊN

"Vượt lên số phận": Thông điệp của tình người


Không than nghèo, kể khổ, vậy mà từng thước phim rất đời, rất người đã làm người xem nhói lên một cảm giác: sống ở đời phải có một tấm lòng.

Bỏ qua lối kể chuyện thông thường của dòng phim phóng sự truyền hình, người làm phim đã dẫn dắt khán giả như sống cùng số phận của nhân vật. Những lát cắt cuộc đời của mỗi con người chợt hiện lên trong cảm động, trong nghẹn ngào nhưng chẳng hề bi lụy, than trách mà ngược lại đầy ắp nghị lực để sống để vươn lên, để tồn tại giữa cuộc đời. Đó là cô học trò nhỏ Thanh Thủy, giải nhất học sinh giỏi thị trấn Phan Thiết, huy chương vàng Olympic toàn quốc môn Địa lý vừa học vừa làm nuôi mẹ già tuổi đã ngoài sáu mươi bị tai biến mạch máu não, nằm liệt một chỗ. Là chị Nguyễn Thị Lý ở xã Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM bị ung thư vú, nhà quá nghèo nhưng vẫn cố cho con gái Phạm Thị Linh đến trường trong sự đùm bọc, yêu thương của bà con làng xóm. Là bé Hồng Thắm tận Giồng Trôm, Bến Tre bố mẹ mất sớm ở với bà ngoại 92 tuổi, dì ba 65 tuổi già yếu, dì năm 60 tuổi bị bệnh tâm thần đã phải chống chọi trong vô vọng với cái nghèo cùng người anh họ làm nghề thợ hồ để chăm nom cho 3 người phụ nữ già yếu bệnh tật, vậy mà Thắm vẫn chăm chỉ đến trường, đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt 9 năm liền...

Quá nhiều thân phận như thế vẫn hiện hữu trong cuộc sống này rất cần những tấm lòng, những bàn tay nhân ái giúp đỡ, cưu mang. 52 tập phim trong một năm sẽ được chiếu hằng tuần vào 21 giờ thứ hai trên kênh VTV9 từ ngày 6.4.2009 tới để chuyển tải thông điệp của tình người, của sự quan tâm và chia sẻ. Ban tổ chức (Báo Sài Gòn Tiếp Thị, VTV9, Ngân hàng ACB) san bớt khó khăn với từng cảnh đời bằng khoản tiền 10 triệu đồng. Tuy nhiên như lời ban tổ chức đã nói, chương trình Vượt lên số phận nhằm gióng lên hồi chuông để kêu gọi tấm lòng từ tâm của mọi thành viên trong xã hội, giúp đỡ các em học sinh nghèo. Phim còn có sự góp mặt của nhà thơ, nhà báo Đỗ Trung Quân trong vai trò dẫn chuyện dưới sự chủ biên của nhà văn, nhà báo Võ Đắc Danh cùng sự góp sức của các nhà văn, nhà báo, đạo diễn, quay phim trong cả nước.

Đỗ Tuấn



BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Bài học về ý chí con người

Ngày 30-3, VTV9 và Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã tổ chức buổi họp báo ra mắt chương trình Vượt lên số phận trước khi chương trình bắt đầu phát sóng trên kênh VTV9 vào ngày 6-4 (thứ hai hằng tuần lúc 21 giờ).

Chương trình Vượt lên số phận khai thác những câu chuyện cảm động về những con người tử tế, có ý chí vượt lên số phận nhưng không may gặp những hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã. Tuy nhiên, khác với các chương trình truyền hình từ thiện khác, Vượt lên số phận được thực hiện bằng ngôn ngữ của phim tài liệu, mỗi tập phim do một đạo diễn thực hiện nên cách kể chuyện không bị trùng lắp dẫn đến nhàm chán và cũng không chủ ý “kể nghèo kể khổ” để tìm kiếm sự thương hại nơi người xem mà chỉ tập trung tôn vinh phẩm chất của nhân vật.

Thêm vào đó, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể của nhân vật mà ê kíp thực hiện đưa ra cách giúp đỡ thiết thực nhất, chẳng hạn tặng học bổng, cho vay ưu đãi... ngoài số tiền hỗ trợ cố định tối thiểu 10 triệu đồng/hoàn cảnh. Chương trình có sự góp mặt của nhà thơ Đỗ Trung Quân trong vai trò người dẫn chuyện và nhà báo Võ Đắc Danh làm chủ biên cùng với sự cộng tác của các nhà văn, nhà báo, đạo diễn, quay phim tên tuổi.

HƯƠNG NHU




BÁO TUỔI TRẺ

Vượt lên số phận lên sóng VTV9

TT - Những câu chuyện cảm động về những nhân vật gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn cố gắng giữ một tâm hồn đẹp, một nhân cách cao quý sẽ được lột tả chân thực, sống động trong chương trình mới có tên Vượt lên số phận do báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp cùng VTV9 thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng ACB.

Trong buổi họp báo sáng 30-3, đạo diễn Võ Đắc Danh - chủ biên chương trình - khẳng định: “Tuy chương trình đề cập số phận con người có nỗi buồn lớn hơn niềm vui nhưng đây không phải chương trình kể khổ để tìm kiếm sự thương hại cho các nhân vật, mà qua đó chúng tôi muốn tôn vinh những nỗ lực của họ trong cuộc sống đồng thời khơi dậy tính nhân đạo trong xã hội”.

Có độ dài khoảng 15 phút, Vượt lên số phận được thể hiện bằng ngôn ngữ phim tài liệu với hình ảnh và lời bình được chăm chút kỹ. MC của chương trình là nhà thơ Đỗ Trung Quân. Số đầu tiên của Vượt lên số phận sẽ được phát sóng lúc 21g ngày 6-4 trên kênh VTV9.

HOÀNGLÊ



-->đọc tiếp...

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

SÁCH MỚI CỦA MỘT NGƯỜI BẠN




ĐẤT TRỜI VẦN VŨ
TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN MỘT - NXB HỘI NHÀ VĂN


Nguyễn Một đã mở ra cho chúng ta thấy một Đồng Nai bề bộn, ngổn ngang
. Bề bộn, ngổn ngang với nhiều tính cách, nhiều số phận khác nhau.Bề bộn,ngổn ngang đất,bề bộn ngổn ngang sông nước với bề bộn ngổn ngang công việc. Công việc của quá khư xa xăm, của hiện tại và của tương lai.Điều nầy thể hiện vốn sống trong Nguyễn Một khá dồi dào.
(Nhà văn NGUYỄN ĐỨC THIỆN)


Nguyễn Một hay dùng đến cái chết như là một "thi pháp ngược".Nhân vật dường như đã chết, nhưng cái chết của họ kéo ngược lại thời gian, gợi cho người đọc nỗi khắc khoải về tình yêu, về cuộc sống. Sự tồn tại của những con người ấy chuyển vào một nhân vật nào đấy, đúng hơn, đó chính là sự lan truyền của những mối dây tình cảm và ước vọng.
(Nhà văn TRẦN THU HẰNG)


Viết về cái bề bộn, nóng hổi, ngòi bút Nguyễn Một tung hoành, phóng khoáng, nhưng vẫn có độ kỹ càng, sâu lắng, bình giá, ngẫm nghĩ;câu văn nuột và có sức nặng.
(Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH)


Một cuốn tiểu thuyết không dành cho người thần kinh không đủ mạnh, để tiếp nhận những nỗi đau khủng khiếp của nhân vật trong nhiều chiều không gian khác nhau. ĐẤT TRỜI VẦN VŨ, sự ám ảnh khốc liệt về cái chết, chiến tranh, hận thù và tình yêu.
(Nhà báo TRẦN ĐÌNH THU)


NHÀ VĂN NGUYỄN MỘT-TÁC PHẨM ĐÃ IN:

-HOA DỦ DẺ -Tập truyện ngắn

-NĂM ĐỨA TRẺ XÓM ĐỒI -Truyện dài

-MÀU HOA NẮNG - Truyện ký

-MÙA TRÁI CHÍN - Truyện vừa

-THA HƯƠNG - Tập truyện ngắn

-VŨ ĐIỆU TRÊN ĐỈNH KUNG PÔ - Tập truyện ngắn

-QUÀ CỦA ĐẤT - Tập bút ký

-NHƯ LÀ CỔ TÍCH - Tập truyện ngắn

-GIỮA ĐỜI THƯỜNG -Tập bút ký

-DÒNG SÔNG ĐỘ LƯỢNG - Tập bút ký

-->đọc tiếp...

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2009

HUỆ LAN LÀ AI?


Nhà thơ Đỗ Trung Quân chuyển cho tôi bức thư của một người mà chính anh cũng không biết đó là ai. Bức thư viết ngắn gọn:
Kính chào chú! Một lần nữa cảm ơn chú rất nhiều trong việc giúp cháu giúp đỡ gia đình bé Oanh. Cháu có việc này muốn nhờ chú giúp nữa, nếu như không làm phiền chú.
1. cháu được biết ba của bé Oanh bị mù, không biết có chữa trị được không? Chú giúp cháu tìm hiểu thêm, nếu chữa trị được thì kinh phí là bao nhiêu. Cháu rất mong có thể giúp được gia đình này.
2. cháu không biết các chú có tiếp tục đi xuống các nơi để thực hiện chương trình VLSP nữa hay không, nếu các chú vẫn còn đang làm chương trình, thì cháu định gửi chú một khoản tiền nhỏ (khoảng 5 triệu đồng/lần), để khi chú đến các trường hợp như vừa rồi, thì có thể giúp họ ngay. và khi nào chú chuyển hết số tiền đó, thì phiền chú báo với cháu, và cháu sẽ chuyển tiếp. bởi vì cháu rất khâm phục nghị lực của họ, họ giúp cháu tin là ở trên đời này còn rất nhiều người rất đáng quý.
3. trong các trường hợp chú biết vừa rồi, cháu có thể giúp đỡ họ đóng học phí trong năm học sắp tới, mong chú chọn dùm cho cháu 3 trường hợp. nếu chú cảm thấy còn trường hợp nào mà cần phải giúp đỡ thêm thì báo cho cháu biết.
4. về chương trình tặng sách giáo khoa theo cháu mọi người không phải không ủng hộ mà đôi khi người này nghĩ là đã có người khác góp rồi, hơn nữa không biết được các em đang học lớp nào, vả lại nhiều khi chuyển tiền giúp thì nó thuận tiện hơn, đỡ tốn thời gian hơn (cháu nói vậy mong chú đừng giận, vì vậy cháu rất khâm phục những người như các chú đã không quản khó khăn, không tiếc công sức để đến các nơi làm ra chương trình hữu ích này). và có lẽ nhắc lại cũng hơi thừa, nhưng cháu mong chú đừng nêu tên của cháu. cảm ơn chú rất nhiều. chúc chú một tuần vui vẻ, an lành.
Lan

Thì ra, đây là người đã gởi vào tài khoản của tôi 2 triệu đồng để chuyển cho gia đình bé Oanh ở Vĩnh Long gắn đồng hồ nước. Anh Quân cũng cho biết thêm, chính cô gái nầy năm ngoái đã nhờ anh chuyển một số tiền giúp cho chị Thiện ở U Minh. Theo đề nghị của anh Quân, tôi đã viết thư trả lời cô gái.
Huệ Lan thân mến ! Tôi vừa đọc thư em do anh Đỗ Trung Quân chuyển qua. Thay mặt cho những người thực hiện chương trình VLSP và cả những nhân vật của chúng tôi - những người nghèo khó đang vượt lên số phận - gởi đến em lời cảm ơn chân tình trước tấm lòng nhân ái của em. Những thông tin mà em cần biết thì anh Quân đã trả lời, tôi muốn chia sẻ với em đôi điều về chương trình VLSP, một chương trình chưa phát sóng, chưa đăng báo, chỉ mới có những thông tin ban đầu trên blog mà đã nhận được sự đồng hành của rất nhiều những tấm lòng, đặc biệt là sự chia sẻ sâu sắc của em, một sự chia sẻ thầm lặng mà chu đáo, lại vừa độc đáo. Độc đáo là vì em chia sẻ với người nghèo mà cũng vừa chia sẻ với những người làm phim chúng tôi, những đạo diễn, những quay phim đã vét đến đồng bạc cuối cùng để trao cho các nhân vật của mình. Thật đáng trân trọng ! Nếu có thể, xin mời em đi cùng chúng tôi trong những chuyến làm phim để em tận tay giúp cho các nhân vật, tôi nghĩ, điều đó sẽ là niềm vui đối với em, đối với chúng tôi và tất cả mọi người. Chúc em luôn có nhiều niềm vui và hạnh phúc !
Võ Đắc Danh

Hôm sau, tôi nhận được mail của Huệ Lan, em viết:
Kính chào chú! Rất vui nhận được mail của chú. Và cháu cũng rất cảm ơn về lời mời của chú, tuy nhiên do bận đi làm và đi học nên không thể cùng các chú tham gia một chương trình đầy ý nghĩa này, hơn nữa cháu rất sợ khi gặp các hoàn cảnh như vậy mà lực bất tòng tâm không thể giúp được nhiều cho họ, và cháu cũng không muốn những người được giúp đỡ phải nhớ ơn một người cụ thể nào đó, vì cháu nghĩ đây là món quà hoặc là sự ghi nhận của xã hội đối với sự nỗ lực của họ. Cháu nói rất thật lòng là cháu rất cảm phục các chú đã không quản khó khăn để làm ra chương trình hay như vậy, mỗi tấm gương vượt khó chính là tấm gương để cháu tự soi rọi mình và nhắc nhở mình rằng mình may mắn hơn rất nhiều người vì vậy phải làm việc thật tốt và có nghĩa vụ giúp đỡ những người đáng quý này. nhờ họ mà ta tin rằng trong cuộc sống hằng ngày còn có rất nhiều người tốt. Cháu thật sự không biết được rằng trong số các em thì trường hợp nào là bức bách nhất, nên cháu nghĩ như vầy cháu sẽ giúp học phí cho 3 em: bé Oanh, còn hai trường hợp còn lại thì chú xem xem các gia đình nào có 2 em đi học trở lên thì cháu sẽ giúp học phí cho một em để họ đỡ gánh nặng. Còn việc cháu đề nghị được chuyển 5 triệu/lần thì cháu không thấy hai chú trả lời, không biết ý chú thế nào? nếu chú đồng ý thì sáng mai cháu sẽ chuyển tiền vào tài khoản của chú. cháu đã có số tài khoản của chú rồi. Kính chúc chú có nhiều sức khỏe, và niềm vui.
Lan

Huệ Lan thân mến !
Trước tấm lòng của cháu chú gần như cảm động đến nghẹn đi.Thật tình mà nói, trong chương trình nầy ngoài việc lo viết báo, làm phim các chú còn phải vận động mạnh thường quân tài trợ cho mỗi nhân vật tối thiểu 10 triệu đồng. Trong 52 phim thực hiện trong năm nay, các chú đã vận động tài trợ được 22 nhân vật, còn lại 30 nhân vật chưa có tiền trao, nghĩa là phải vận động thêm tối thiểu 300 triệu nữa.
Cháu giúp người mà không cần biết người mình giúp là ai, cháu gởi tiền cho các chú mà cũng không cần biết các chú là ai, điều đó làm cho các chú cảm thấy mình nhận ở cháu một niềm tin và trách nhiệm rất nặng nề.
Ý tưởng gởi 5 triệu đồng/lần của cháu, chú suy nghĩ thế nầy:
-Thứ nhất, chú sẽ làm theo ý cháu, tức nhận của cháu mỗi lần 5 triệu đồng để anh em đi làm phim mang theo trao ngay cho các nhân vật,mỗi nhân vật vài ba trăm ngàn trong thời gian chờ có đủ cho họ 10 triệu đồng.Khi hết tiền sẽ báo cho cháu và gởi kèm danh sách của người nhận.
-Thứ hai, chương trình đang cần 300 triệu đồng để trao cho 30 nhân vật, cháu cân nhắc xem mình có thể trao cho mấy nhân vật, các chú sẽ nhận một lần và mang đi trao ngay vì họ đang chờ tiền. Có thể cháu chuyển vào tài khoản của chú hoặc liên lạc với cô Thúy Anh ở ban công tác bạn đọc báo SGTT qua số DT:0839307825, 0908556968 để cô ấy nhận theo đúng thủ tục.Còn việc cấp học bổng của cháu, tất nhiên là rất cần, ngoài em Hoàng Oanh, chú xin giới thiệu cho cháu thêm một số hồ sơ để cháu lựa chọn.
Thứ ba, ngày 31 tháng 3, một ê-kíp làm phim sẽ đi quay 5 tập phim ở Bến Tre.
Thứ hai, ngày 30 tháng 3 sẽ có cuộc họp báo để giới thiệu chương trình VLSP
Thứ hai, ngày 6 tháng 4, vào lúc 21 giờ, chương trình sẽ chính thức phát sóng trên VTV9.
Xin chân thành cảm ơn cháu.

Hôm sau, trên đừng đi quay phim từ Bình Chánh trở về, điện thoại báo có tin nhắn, mở ra thì thấy Ngân hàng Đông Á điện tử báo số dư trong tài khoản của tôi vừa được cộng thêm 5 triệu đồng. Tôi nói với anh Quân, chắc chắn đây là tiền của Huệ Lan vừa mới chuyển vào. Chiều, mở mail ra xem thì thấy bức thư của Lan:
Kính chào chú! Sáng nay cháu vừa chuyển 30 triệu để ủng hộ chương trình. Do chương trình này kéo dài cả năm, nên nếu cháu thu xếp được thêm cháu sẽ báo với chú. Đồng thời cháu cũng sẽ nộp vào tài khỏan của chú 5 triệu đồng nhờ chú giúp cháu. Liên quan đến các em mà cháu muốn hỗ trợ học phí, cháu sẽ báo chú sau. Kính chúc chú một ngày vui vẻ.
Lan.

Cô Thúy Anh cho biết, có một cô gái điện đến số máy bàn của ban CTBĐ xin số tài khoản của chương trình VLSP để gởi 30 triệu đồng, “em hỏi tên và địa chỉ để BBT gởi thư cảm ơn, nhưng cổ từ chối, em hỏi số điện thoại để thông báo khi kiểm tra số dư trong tài khoản, cổ cũng từ chối”.
Hôm sau, Thúy Anh cho tôi biết, số tiền 30 triệu đã có trong tài khoản rồi, nhưng làm sao báo cho người gởi biết được ?
Biết làm sao được, tôi đã gởi mail cho Huệ Lan hai lần, nhưng cô đã im lặng.
Xin lỗi Huệ Lan nếu cháu phiền lòng vì chú đã viết bài nầy, nhưng vì cái lẽ ở đời, chú không thể nào im lặng.
Chúc cháu ở một nơi nào đó luôn vui vẻ, bình an ! Thay mặt cho những trẻ em nghèo hiếu học, xin một lần nữa cảm ơn cháu !
-->đọc tiếp...

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

CÂU CHUYỆN NĂM NGOÁI





ĐẤT VÀ MÁU

Ấp 4, xã Đông Thạnh, Hóc Môn. Chiều chủ nhật, sau cơn mưa, con đường đá xô bồ dẫn vào một xóm nghèo nhầy nhụa nước. Bên cạnh những đống đá lổm chổm, màu máu của một người vừa chết còn bầm tím dưới đám cỏ xanh. Chết vì một vụ tranh chấp đất !

Hai hôm trước, tức chiều thứ sáu, tại đây đã xảy ra một vụ giết người man rợ: ông Tư Bạc, một ông già 82 tuổi đã dùng phảng chém đứt đầu một người phụ nữ – cô giáo Kiều Ngọc Dung. Câu chuyện vẫn còn nóng hổi, còn gieo kinh hoàng cho những người trong xóm. Không ai trả lời được câu hỏi của tôi, rằng một ông già 82 tuổi thì lấy đâu ra sức mạnh để để chém một nhát phảng đến tàn khốc như thế ? Người ta cứ nhìn nhau. Tôi tự tìm ra một giả thuyết: sức mạnh ấy từ đất chăng ? Tôi hỏi đất nầy giá bao nhiêu một mét vuông ? Một thanh niên trả lời: “Một triệu rưỡi”. Tôi nhẩm tính, như vậy trị giá lô đất trên 2,5 tỷ đồng. Một bà cụ nói: “ Giá đến hai mạng người, một vào tù, một đang làm đám tang”.

Có lẽ cái lý của bà cụ là sâu sắc nhất.

Theo hồ sơ địa chính và lời kể của những cụ già trong xóm thì đất nầy có một nguồn gốc khá rõ ràng: Cuối thế kỷ 19, ông Kiều Văn Kề đến đây khẩn hoang với một diện tích khá lớn, qua nhiều đời, đất ông Kề đã chia đều cho con cháu, nay đã có chủ quyền, thành một dãy nhà trên một con đường thuộc khu phố 8. Riêng phần đất bên kia đường có diện tích 8 ngàn mét vuông ông Kề chia cho người con trai là Kiều Văn Chịnh, bằng khoán do chính quyền thời Pháp thuộc cấp cho ông Chịnh ghi ngày 26/5/1906. ông Chịnh chia đều cho hai người con trai là Kiều Văn Bổn và Kiều Văn Thiện, đến đời sau, ông Bổn chia lại cho con là Kiều Văn Lập, ông Lập chia lại cho hai người con, trong đó có chị Kiều Ngọc Dung thừa hưởng 1724 mét vuông. Trên phần đất của chị Dung có vài mươi ngôi mộ, trong đó có mộ của anh em và hai cụ thân sinh của ông Lê Văn Bạc, một người hàng xóm ở phía sau hậu đất chị Dung.

Lối xóm kể rằng ngày xưa hai gia đình ông Lập và ông Bạc rất thân. Ông Lập đã dùng một phần đất ấy để làm thổ mộ cho những ai có nhu cầu. Theo tập tục ở đây, muốn xin đất để chôn cất người thân thì mang khai trầu rượu đến xin phép người chủ đất. Ông Tư Bạc đã bốn lần mang khai trầu rượu đến nhà ông Hai Lập để xin được chôn cất cha, mẹ, anh, em ruột của mình.

Thế rồi không hiểu vì sao, năm 2003, khi ông Hai Lập qua đời, ông Tư Bạc lại lập hồ sơ xin đăng ký quyền sử dụng đất trên phần đất ấy, phần đất mà ông Hai Lập đã chia cho chị Dung. Hai bên xảy ra tranh chấp, xã Đông Thạnh rút lại hồ sơ đăng ký của ông Tư Bạc.

Anh Bảy Dưỡng, em trai chị Dung kể rằng, hồi ông Hai Lập còn sống, có lần ông Tư Bạc đào đất làm một con đường từ lộ đi tắt vào nhà ông. Anh Dưỡng thấy chuyện không bình thường nên báo tin cho cha, nhưng ông Hai Lập nói: “Cứ để cho ông ấy làm đường đi cho tiện, chòm xóm mà !”. Thế rồi thôi. Trong khi chị Dung lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới hay ông Tư Bạc cũng đã làm như chị. Cuộc tranh chấp đang chờ giải quyết thì bất ngờ ông Tư Bạc chở đá về để làm đường, ngay trên con đường đất mà trước đây ông Hai Lập đã làm ngơ. Được tin, chị Dung bảo đứa con trai chở chị đến định nói phải nói quấy với ông Tư Bạc. Lúc ấy đã 4 giờ chiều, ông Tư Bạc đang lui cui dọn cỏ bên cạnh những đống đá vừa mới đổ xuống. Chị Dung vừa xuống xe vừa nói: “Bác Tư ơi đất . . .” thì bất ngờ cây phảng trên tay ông Tư Bạc vung lên, bổ thẳng xuống người chị, nhát phảng chém thẳng từ cổ xuống một đường dài xuyên qua vai trái, đầu chị Dung lặc lìa, chỉ còn dính với phần thịt của một bên vai . . .

Tôi đến chỗ hiện trường vào chiều chủ nhật, sau hai ngày xảy ra vụ án. Làng xóm lặng im trong nỗi kinh hoàng. Một người đang ở nhà giam, một người đang trong cỗ áo quan, chuẩn bị đưa vào lòng đất. Còn lại chơ vơ một khu đất, khu đất với nhiều dấu hỏi mà chưa được trả lời, nó được trị giá tiền tỷ hay trị giá hai mạng người ? Đất vẫn là đất, nhưng nó sẽ nói bao điều về tình người với thế hệ mai sau.

-->đọc tiếp...

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2009

MỜI BẠN TẶNG SÁCH CHO HỌC SINH NGHÈO




Chị Đoàn Thanh Tùng ở Đa Phước, Bình Chánh, sống bằng nghề bán cá và gia công chổi lông gà để nuôi ba đứa con ăn học. Hiện chị đang mắc bệnh ung thư.


Kính thưa các bạn !




Còn nhớ hôm trước Tết, tôi treo blast ngỏ ý làm một tủ sách cho mấy em bé mồ côi ở Núi Cấm, mấy ngày liên tiếp tôi nhận được sự đồng tình của nhiều bạn gần xa. Lúc ấy, phần vì tôi bận lao vào chương trình VƯỢT LÊN SỐ PHẬN, phần vì chưa tìm được một nơi có đủ điều kiện (mặt bằng và người nhận) để nhận sách nên chưa xúc tiến một cách cụ thể.


Bây giờ, sau hơn hai tháng đi thực hiện chương trình VƯỢT LÊN SỐ PHẬN, tôi xin được trở lại với công việc nầy, nhưng không dừng lại ở một tủ sách cho mấy em mồ côi ở Núi Cấm mà cho tất cả những học sinh nghèo mà chúng tôi đã gặp, đã viết và đã làm phim. Đó là ai ? Là bé Linh (ở Hóc Môn) đang học lớp 8, mẹ em bị ung thư, lại vừa thất nghiệp, không biết sống chết ngày nào; là bé Hoàng Oanh (Vĩnh Long), học sinh lớp 10, cha bị mù, mẹ đi bán vé số; là bé Hồng Ngọc, Tuấn Hải, Hồng Trang (Bình Hưng Hòa), cả ba chị em mồ côi mẹ, cha chạy xe ba gác, sống bữa đói bữa no trong căn phòng trọ mà vẫn chăm chỉ học hành; đó là hai chị em Hồng Thắm, Minh Trung, mồi côi cha mẹ, sống với bà ngoại trong một ngôi chùa ở Bình Đại, Bến Tre, mọi chi phí ăn ở, học hành đều dựa vào sự đùm bọc của nhà sư;đó là ba anh em Vũ Trần Thanh Hiệu, Vũ Trần Thanh An và Vũ Trần Thanh Nhàn ở Tam Kỳ, Quảng Nam, cha và anh chết trong bão Chanchu, mẹ tần tảo sớm hôm nuôi con ăn học, thấy mẹ quá khổ, ba anh em rủ nhau ăn chay trường cho đỡ tốn . . .
Sẽ có 52 ký sự trên báo Sài Gòn Tiếp Thị cùng với 52 tập phim tài liệu phát vào tối thứ hai hàng tuần trên VTV9. Đó là 52 câu chuyện của 52 gia đình đang từng phút, từng giờ, từng tháng, từng năm VƯỢT LÊN SỐ PHẬN, họ không khuất phục, không đầu hàng cuộc sống, không để cái đói, cái nghèo che khuất tương lai. Nhưng, con đường đến trường của các em không đơn giản chút nào, nhiều em ăn sáng bằng cơm nguội và lội bộ năm ba cây số. Với mức sống ấy, một bộ sách giáo khoa của các em là những đêm mất ngủ, những ngày quần quật dãi nắng dầm mưa của ông bà cha mẹ.
Mấy dòng ngắn gọn như một bức thư ngỏ, mong rằng các bạn đồng hành với chúng tôi.
Trân trọng cảm ơn !
Địa chỉ nhận sách: Nguyễn Phạm Tường Vy, Ban công tác bạn đọc, báo Sài Gòn Tiếp Thị, 25 Ngô Thời Nhiệm, quận 3. ĐT:0908191813 - 08.39307825 (Khi tặng sách yêu cầu các bạn đóng gói theo từng bộ)


-->đọc tiếp...

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2009

NHỮNG CON NGƯỜI KHÔNG LÀM TÔI THẤT VỌNG




Tôi luôn luôn có một niềm tin mãnh liệt vào những nhân vật của mình. Tin vào phẩm giá của họ, tin vào những điều họ kể, tin ngay từ lần tiếp cận đầu tiên cho đến khi đặt một dấu chấm cuối bài viết. Và, chưa bao giờ họ làm tôi thất vọng, dù thời gian trôi qua với bao nhiêu vật đổi sao dời. Ít ra là đến giờ phút nầy, khi tôi ngoái nhìn lại họ.

Cách nay gần mười năm, khi bút ký Hồ Sơ Một Vết Thương đăng trên báo Văn Nghệ, chị Dạ Ngân gởi mail cho tôi nói, có một nữ sinh viên du học bên Anh, cô về Hà Nội nghỉ hè và tình cờ đọc báo, cô đã mang đến tòa soạn gởi cho nhân vật 5 triệu đồng và xin được giấu tên. Nhân vật trong Hồ Sơ Một Vết Thương là chị Bảy Lòng, hồi chiến tranh, chị bị một vết thương oan nghiệt nên không thể lấy chồng. Hoà bình, chị xin một đứa con nuôi. Khi tôi tìm đến chị thì đứa con ấy – cháu Bình Đẳng – đang là sinh viên năm cuối đại học sư phạm Cần Thơ. Chị sống một mình trong căn chòi rách nát bên bờ sông Tân Lộc, đất đã bán hết, bộ cột nhà cũng đã bán, cái thẻ thương binh cũng đã cầm để gởi tiền học phí cho con. Ngày ngày chị làm bánh bò, đội trên đầu lội bộ gần năm cây số ra chợ ngồi bán. Vậy mà khi ngồi tiếp tôi, chị luôn nhắc đến con với một nụ cười hạnh phúc, mắt nhìn xăm xăm về phía bến sông: “Nó nói hôm nay nó về mà sao giờ nầy chưa thấy”.

Sau nghĩa cử của cô nữ sinh Hà Nội, tôi gởi tờ báo cho chú Ba Thám, bí thư tỉnh ủy. Mấy hôm sau ông gọi điện cho tôi: “Chú đã làm việc với hiệp hội chế biến thủy sản và công ty phát triển nhà, họ rất nhiệt tình”. Khoảng một tháng sau, ngôi nhà chị Bảy được khởi công tại trung tâm thành phố Cà Mau. Không phải nhà tình nghĩa mà còn hơn cả nhà tình nghĩa. Nếu tính trị giá cả nhà và đất cũng lên đến vài trăm triệu đồng. Bạn đọc kéo đến, mỗi người góp vô một ít, người vài ba triệu đồng, người cho cái bếp gas, người cho chiếc giường, cái tủ, bộ salon . . . cuối cùng là anh Huỳnh Khánh, giám đốc Sở Văn hóa thông tin nhận chị vào làm tạp vụ trong công viên, gần ngôi nhà chị. Hôm ấy, cháu Bình Đẳng kể với tôi: “Ở trường, ngoài giờ học con xin làm bảo vệ, vừa có lương, vừa có chỗ ở, khỏi phải thuê. Có thằng bạn cứ nghĩ con keo kiệt, ham tiền, một hôm gặp con, nó vừa khóc vừa nói, đêm qua nghe đài phát thanh đọc bút ký Hồ Sơ Một Vết Thương viết về mẹ mầy, tao mới hiểu, không ngời cuộc đời mầy khổ như vậy”.

Cháu Đẳng ra trường, về làm biên tập viên báo Đất Mũi, giờ đã có vợ con. Một hôm, Đẳng gọi điện báo tin: “Cậu ơi, mẹ con mất rồi !”.Thì ra chị Bảy Lòng bị ung thư, chị âm thầm đi chữa trị suốt mấy năm mà không cho ai hay biết. Lúc bình thường, ít khi tôi tới lui thăm chị, thậm chí nhiều năm liền tôi không tới, bởi tôi không nghĩ rằng mình đã đem lại cho chị sự đổi đời. Khi được tin chị mất, sau giây phút ngậm ngùi, tôi chợt nghĩ, trong hành trang của chị mang đi, có nỗi ấm áp tình người.

*

Đầu năm nay, theo chân nhóm làm phim của TFS, tôi trở lại Cà Mau thăm chị Năm Nhi, một nhân vật trong bút ký Người Mẹ Chưa Được Tôn Vinh. Những ai đã từng nuôi năm sáu đứa con học đại học mới có thể chia sẻ được nỗi nhọc nhằn của người mẹ, người cha như vợ chồng chị Nhi với anh Hoàng. Nhà chị ở kinh Tân Móc, xã Khánh Bình Đông, cách trung tâm Cà Mau gần 30 cây số. Khi năm đứa con lần lượt đến trường, chị ra Cà Mau, mượn một miếng đất của người em, dựng một căn chòi bên ao rau muống cho con cái học hành. Vợ chồng chị ở trong quê, ngày ngày đi giăng câu giăng lưới, hái rau, mót từng bó lá chuối, lá dừa, chèo xuồng ra chợ bán, mua từng quyển tập, quyển sách cho con. Năm 2001, khi tôi viết bút ký Người Mẹ Chưa Được Tôn Vinh thì đứa con trai lớn của chị đã tốt nghiệp học viện quân sự ra trường, làm sĩ quan trong quân đội, hai đứa con gái cũng vừa học xong đại học sư phạm đang tìm việc. Chị than thở rằng, người ta đòi mỗi đứa phải lo hai lượng vàng để được dạy tại Cà Mau. Thằng con trai thứ năm đang học năm thứ ba đại học công nghệ thông tin ở sài Gòn, đang cần chiếc máy tính. Định xong mùa ruộng nầy mua cho nó, nhưng lúa bị mất mùa, rớt giá, lấy đâu ra bốn trăm giạ để mua chiếc máy tính cho con, lấy đâu ra bốn lượng vàng để xin việc cho hai cô con gái.

May thay, sau khi báo phát hành, anh Thái Văn Long, Giám đốc sở Giáo dục Cà Mau gọi điện cho tôi, bảo nộp hồ sơ cô Cầm và cô Cẩm, con chị Năm Nhi. Được tin, chị mừng đến rơi nước mắt. Mấy ngày sau, chị lại khóc thêm lần nữa khi tôi báo tin có một thằng em họ của tôi tặng cho con trai chị - cháu Tô Nha - chiếc máy tính trị giá bằng bốn trăm giạ lúa. Rồi tin vui tiếp nối tin vui, ông giám đốc Công ty phát triển nhà Cà Mau gọi điện mời tôi qua chơi, ông nói: “Mầy viết giùm vợ chồng bà Năm Nhi cái đơn xin mua nền nhà trả góp, nói bả mang về xã xác nhận rồi đem ra đây, tao giải quyết cho cái nền nhà trong dự án của ngân sách, giá rẻ, trả 10 năm”.

Khi tôi lên Sài Gòn định cư thì Tô Nha cũng vừa mới ra trường, cháu làm việc cho công ty phần mềm Lạc Việt. Hai năm sau, Nha được mời sang làm chuyên gia phần mềm cho một công ty của Nhật ở Tokyo. Gởi mail về cho tôi, Nha nói cháu được cấp một căn hộ đầy đủ tiện nghi gần nơi làm việc, mỗi tháng cháu gởi về cho mẹ 1.000USD. Nếu không có gì trở ngại thì hai năm nữa, người chủ bên ấy sẽ đầu tư sang Việt Nam mở một công ty phần mềm và thuê cháu trở về làm giám đốc.

Chị Năm Nhi khóc sướt mướt khi mở cổng đón tôi. Ngôi nhà khá khang trang, một trệt, hai lầu, kiến trúc hiện đại, cách căn chòi bên ao rau muống ngày xưa chừng vài trăm mét. Chị nói thằng Út bây giờ đang học năm cuối khoa kinh tế, đại học Cần Thơ. Chị mời tôi ở lại ăn cơm, tôi từ chối vì phải đi gấp. Khi tôi ra xe, chị chạy theo, tay cầm con cá lóc, chị nói ăn lấy thảo, cá trong quê vừa mới tát đìa. Tôi nhớ, lúc tôi còn ở Cà Mau, lần nào anh chị từ quê ra cũng mang đến cho tôi, khi vài con cá lóc, cá trê, khi vài con cá thác lác, có khi là keo mắm sặc, mắm rô. . . những món quà đơn sơ, bình dị, chân quê mà làm tôi cứ mãi ngậm ngùi khi nhớ lại.

Có người cho rằng tôi đã làm thay đổi số phận những nhân vật của mình. Tôi không từ chối lời nhận xét đó, nhưng, điều đó chỉ có thể đúng một phần, một phần rất nhỏ. Bởi cái lớn hơn là ở mỗi nhân vật, tôi đã tìm thấy ở họ những phẩm giá cao đẹp, đó là nghị lực sống và nhân cách sống. Chính cái phẩm giá ấy đã tạo nên cảm xúc cho người cầm bút và làm lay động tình cảm của cộng đồng - những người tốt bụng. Một chị Thiện trong Đồng Cỏ Chát, với người chồng hư đốn, tệ bạc đến như thế mà chị vẫn bao dung, để rồi chuốc lấy thêm cái hậu quả đau đớn đến tận cùng. Trong cảnh trắng tay, phải sinh đẻ dọc đường, được nhân viên trạm y tế thương tình giúp đỡ, vậy mà khi mẹ tròn con vuông, lúc từ giã ra về, chị gởi lại một nửa ghe than đước để đền ơn đáp nghĩa. Khi về đến nhà thì người chồng đã bán đất cho anh hàng xóm, lẽ ra, chị đi kiện để đòi lại đất vì người chồng sang bán bất hợp pháp, nhưng chị chỉ kiện để xin chuộc lại bằng số tiền mà người hàng xóm đã trả cho chồng, chị nói : “ Láng giềng với nhau, làm vậy coi sao được !”. Anh thẩm phán, chủ tọa phiên tòa kể lại với tôi câu chuyện ấy, câu chuyện về cái đạo làm người của chị. Và cũng chính từ chi tiết nhỏ ấy đã thôi thúc tôi tìm đến chị, để có câu chuyện Đồng Cỏ Chát.

Một năm trước, khi kể lại câu chuyện anh tiều phu Nguyễn Tấn Bông nuôi 11 đứa trẻ mồ côi trên Núi Cấm, có hai điều cứ làm tôi ray rứt: Thứ nhất, liệu anh Bông có lấy vợ được không, có người phụ nữ nào dám lấy người chồng có 11 đứa con ? Thứ hai, sống trên chót vót đỉnh Mồ Côi heo hút, làm sao để cho những đứa trẻ ấy được học hành ? May thay, những người tốt bụng khắp nơi đã chung tay cùng anh Bông lo chuyện học hành cho đám trẻ. Các tổ chức, cá nhân lần lượt mang tiền đến giúp, anh Bông đã làm xong con đường lên đỉnh núi để hàng ngày đưa các con đi học. Rồi một Việt kiều Mỹ đã gởi về hơn 40 ngàn USD để xây ngôi nhà khang trang dưới chân Núi Cấm. Ở đó, các cháu có đủ điều kiện để học đến lớp 12. Còn chuyện anh Bông ? Thật khó tin khi anh cho tôi xem hơn chục lá thư tình từ các nơi gởi về, có những lá thư gởi về từ hơn nửa vòng trái đất. Có những lời tỏ tình kín đáo, có những lời như không cần kín đáo: Em sẵn sàng làm vợ anh để cùng anh nuôi dưỡng các con . . . Hỏi anh Bông tính sao ? Anh chỉ cười trừ. Có một chị từ Đồng Tháp tìm lên Đỉnh Mồ Côi, ở đó hai ngày, cùng anh Bông đi làm rẫy, làm đường, đốn củi, nấu cơm. Nhưng anh thất vọng khi thấy chị nầy chỉ quan tâm đến anh mà thờ ơ, lạnh lùng với đám trẻ. Anh bảo thôi, dù cho họ có thương con mình chăng nữa thì cũng không thể thương hết lòng hết dạ như mình, chưa kể đến sau nầy khi có con chung thì hậu quả tình cảm sẽ ra sao ? Không khéo sẽ đỗ vỡ hết, tan đàn lạc nghé hết.

Nhiều khi tôi tự hỏi, tại sao mình may mắn để có được những nhân vật tuyệt vời như vậy ? Một anh Ba Bình với 18 năm ngồi sửa xe đạp giữa thành phố Vũng Tàu để nuôi con ăn học, vậy mà khi bài đăng lên báo, con gái Út của anh nhận được học bổng của một công ty bảo hiểm nước ngoài, anh gọi điện bảo tôi: “Tôi muốn nhường suất học bổng nầy cho người khác, kém may mắn hơn tôi”. Một bà cụ từng đêm ngồi trước nhà sách Sài Gòn bán từng chiếc bánh chuối nướng để nuôi hai đứa con trai, một khùng, một xơ gan. Mỗi tối như vậy bà kiếm lời năm bảy chục ngàn, nhưng phải mất ba chục ngàn xe ôm đi về Bình Thạnh. Nhiều lần tôi đến đón bà về, nhưng lần nào bà cũng từ chối chỉ vì một lý do duy nhất: “Tội nghiệp chú xe ôm, đêm nào mưa gió gì chú cũng chờ tôi, gần tới giờ tôi về thì ai kêu chú cũng từ chối, giá bao niêu chú cũng từ chối”. Tôi nghĩ, không một nhà văn nào có thể bịa ra cái chi tiết đó, cũng không tưởng tượng nổi cái phẩm giá tuyệt vời ấy lại ẩn náu ở một con người bình dị, nhỏ nhoi đang mưu sinh ở chốn vỉa hè. Đã hơn hai tháng qua từ khi tôi kể câu chuyện của bà trên báo, đến bây giờ, khách qua đường vẫn còn ghé cho tiền. Bà khoe với tôi, mới đây có một người mang đến 200USD, nói là tiền của ca sĩ La Sương Sương bên Mỹ, cô ấy qua đời, còn để lại số tiền làm từ thiện. Ông chủ tịch phường nơi bà ở cũng vừa mời lên, cho sáu triệu đồng. Một lần khác tôi ghé thăm, bà nói: “ Tôi nghe người ta nói chú viết bài về tôi, phải tốn rất nhiều tiền người ta mới cho đăng lên báo. Tôi trông gặp chú để hỏi, nếu vậy thì tôi xin được góp vô một ít, không lẽ chú giúp tôi mà chú phải tốn tiền”. Tôi kềm chế để khỏi bật cười trước sự ngây ngô của bà: “ Không đâu dì ơi, chẳng những cháu không tốn tiền mà còn được trả tiền công”. “Ừ, nếu vậy thì tôi không áy náy lương tâm”. Tôi nghĩ số tiền mà bạn đọc cho bà không phải là đồng tiền bố thí mà đó chính là phần thưởng, và bà xứng đáng được thưởng bởi chính cái phẩm giá của bà.

Không hiểu sao, mỗi lần đối diện với những nhân vật của mình, tôi chợt nhớ đến vở cải lương Tần Nương Thất của soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng. Người cha muốn cưới cô vũ nữ cho con trai, nhưng con trai ông chê cô ấy dốt, ông già ôn tồn nói: “Nhân cách không phải là sở hữu độc quyền của những người nhiều chữ nghĩa đâu con !”

Dường như lời khuyên ấy đã giúp tôi một niềm tin mãnh liệt vào nhân vật của mình.

-->đọc tiếp...

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2009

TRẢ LỚI PHỎNG VẤN BÁO PHỤ NỮ





TÔI VIẾT ĐỂ TRẢ NỢ QUÊ NHÀ

Hơn hai mươi năm cầm bút,viết về hàng trăm thân phận con người trong đó đa số là những người phụ nữ của đời thường,Võ Đắc Danh đau đáu với nỗi buồn và vui với từng niềm vui bé mọn của những người nông dân và dân nghèo thành thị.Câu chuyện giữa chúng tôi cũng vì thế mà thấm đẫm vị mặn của những giọt nước mắt,giữa những nỗi đau buồn riêng,chung…

*Đa phần nhân vật trong các bút ký của anh là phụ nữ.Anh chọn họ để dễ lấy nước mắt độc giả hay họ chọn anh để trải lòng?

-Không ai chọn ai hết.Có lẽ,do cái duyên nghề nghiệp đưa đẩy.Những người mẹ,người chị đến với tôi một cách tự nhiên.Và tôi nhận ra rằng,đa số họ dù nghèo khó,buôn gánh bán bưng nhưng lại là những người nhân hậu ,bao dung,đầy ý chí và nghị lực,luôn quên mình vì con vì cháu…Họ là những tấm gương bình dị,họ cho tôi những bài học đơn giản nhưng sâu sắc mà tôi học hoài không hết.

*Có nhân vật nữ nào ám ảnh anh mãi không?

-Rất nhiều! Tôi nhớ từng nhân vật của mình.Nhân vật nào cũng để lại độ lắng nhất định trong lòng tôi.Ví dụ như cô Năm Nhi ở Khánh Bình Đông,Cà Mau chẳng hạn.Nhà cô cách Cà Mau khoảng 30km.Cô ra TP.Cà Mau mượn miếng đất ,cất cái chòi lá nhỏ như chuồng gà,để cho 5 đứa con đi học.Mỗi ngày cô hái rau rừng,cắt lá chuối,giăng lưới,xin đọt dừa bị đuông ăn và chèo ghe ra chợ bán.Giờ thì cả 5 đứa con cô đã ăn học thành tài,đứa thứ năm vừa được sang Nhật làm chuyên gia phần mềm.Một chân dung đơn giản vậy thôi mà gợi biết bao điều…

*Ba đầu sách,đạo diễn 12 phim tài liệu,biên kịch 20 phim tài liệu,đến giờ”đứa con”nào được anh ưu ái nhất?

-Đã là”con”thì tròn hay méo vẫn là yêu thương .Nhưng tôi nhớ nhất hai phim tài liệu là Con trâuĐất lành.Phim Đất lành nói về vai trò của người Minh Hương trong lịch sử khẩn hoang miền Nam.Phim Con trâu là câu chuyện về thân phận loài vật gắn liền với lịch sử văn minh lúa nước,làm nên một nền văn minh lúa nước.Nhưng khi cơ giới hoá đến,trâu bị bỏ rơi …

*Nghe thiên hạ đồn rằng con đường vào nghề của anh khá đặc biệt…?

-Thiên hạ đồn sao vậy?(cười,ngẫm nghĩ một chút).Ừ,mà nghĩ cho cùng thì đường vào nghề phim tài liệu của tôi cũng khá đặc biệt.Tôi mê làm phim tài liệu mà không biết cách nào để học,vìở tỉnh lúc đó đâu có chỗ nào dạy.Thế là,vợ cho ít tiền lên SàiGòn.May mắn được gặp đạo diễn Thanh Hùng(lúcđó là giám đốc hãng phimGiải Phóng)và đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiển nhận dạy không lấy tiền mà lại còn bảo bọc,đãi đằng”thằng”học viên liều mạng.

Sau khi về lại Cà Mau,tôi chắt bóp mua được cái máy quay.Lại thêm một cái duyên may nữa khi đạo diễn Thanh Hùng tin tưởng giao cho tôi làm bộ phim đầu tay:Con trâu.Phim đã giành được một giải thưởng bé xíu:giải thưởng Ban giám khảo tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12,nhưng đó lại là niềm vui để giúp tôi thêm vững tin vào đường nghề của mình.

*Nhưng với kiến thức chuyên môn khá ít ỏi theo kiểu nghề truyền nghề như vậy,có đủ để anh làm phim tài liệu một cách chuyên nghiệp và đi đường dài với nghề không?

-Làm phim tài liệu thì phải học cả đời.Làm một bộ phim tài liệu phụ thuộc vào nhiều thứ:thiết bị máy móc ,đội ngũ cộng sự:biên kịch ,quay phim…Nhưng chính vốn sống, cảm xúc,khả năng chuyển tải những chất liệu đời sống của đạo diễn mới làm nên nét khác biệt.Còn chuyện đi đường dài với nghề phụ thuộc vào sự đam mê.Chữ”chuyên nghiệp”nên được nhìn từ góc độ những tác phẩm mà người làm nghề tạo ra chứ không nên nhìn vào bằng cấp.Ở VN,không ít đạo diễn phim truyện lẫn phim tài liệu đều tự học và được đào tạo theo kiểu nghề truyền nghề đấy thôi:Lê Mạnh Thích,Trần Văn Thuỷ là những ví dụ…

*Anh tự xưng mình là”người nông dân cầm bút”,vì nông thôn ám ảnh,day dứt đến mức anh muốn trở thành một Nam Cao với thể loại bút ký hay là vì anh cố tình”làm duyên làm dáng”để biến mình/văn chương mình thành một kiểu”đặc sản nông thôn”?

-Làm duyên làm dáng với hoa hồng hoa huệ,chứ ai lại làm dáng với bông bụt?Tôi là một đứa con của nông thôn và tôi viết về “Người Mẹ”của mình. Những ký ức nông thôn xưa buồn và đẹp, và những lát cắt của đời sống nông thôn đương đại với bao nhiêu nỗi đau trước thân phận của người nông dân bị ngược đãi là niềm đam mê và nỗi trăn trở của tôi.

Cũng có người sợ rằng tôi “đem ký ức thôn quê”của mình ra “xài” hoài thì sẽ hết. Tôi không lo lắng điều đó. Độ lùi của thời gian sẽ cho con người cách nhìn về mỗi sự vật khác hơn lúc ban đầu. Và nông thôn đối với tôimãi là một kho tàng đề tài vô giá. Tôi nghĩ mình phải viết để trả nợ với quê nhà, với những điều tốt đẹp ở nông thôn đã nuôi lớn tâm hồn tôi. Và cả món nợ với những người nông dân tội nghiệp trong cơn lốc đô thị hoá đã gặp phải không ít khó khăn…

*Anh viết về nhiều người nông dân, đa phần họ đều là “người tốt việc tốt” cả. Anh không sợ mình bị nói hoài một giọng sao?

- Chung quy, viết về con người thì phải gồm hai vấn đề chính: niềm vui và nỗi đau. Trong những “người tốt việc tốt” – nhân vật của tôi mà bạn nói có cả hai gương mặt đó. Thực chất, tôi không viết về công việc cuả họ mà tôi viết về thân phận của họ và phẩm giá của họ. Thân phận thì không ai giống ai cả, mỗi con người có một cuộc đời riêng, một tâm tư riêng và những câu chuyện số phận của từng người thì khác nhau.

* Đọc những trang bút ký của anh (Nỗi niềm U Minh Hạ, Đồng cỏ chát, Thế giới người điên), tôi thấy bàng bạc những ký ức tuổi thơ: dịu ngọt mà hình như cũng đăng đắng, mặn mặn những giọt mồ hôi của một đứa trẻ nông thôn mồ côi cha từ nhỏ và sớm phải bươn chải kiếm sống?

- Thật ra thì tuổi thơ tôi, gia đình tôi cũng bình thường như phần đông gia đình nông dân Nam bộ. Khẩn hoang, nghèo khó, chiến tranh rồi mất mát và cố gắng vượt lên khỏi đói nghèo. Tôi mồ côi cha từ nhỏ, may mắn có một người mẹ tốt, yêu thương và hết lòng chăm sóc cho con cái. Cha tôi và hai anh tôi đều là liệt sĩ, mẹ tôi là Bà mẹ VN anh hùng, nhưng tôi thấy anh hùng nhất là trong tình thương yêu các con, trong sự dạy dỗ ân cần một cách tự nhiên. Chính cách sống của bà là bài học lớn nhất cho chúng tôi. Bà vẫn dạy chúng tôi điều tốt nhất trong đời sống là con người chúng ta phải biết sống tử tế với nhau, dù chung quanh mình có ra sao đi nữa.

Tôi còn nhớ lúc tôi học cấp II, đi ở trọ ở Cà Mau, chở nước đá mướn cho người ta được ít tiền. Về nhà thăm mẹ, thấy mẹ ăn kham khổ, tôi lấy tiền đưa trước cho một dì bán cá đối ở gần nhà, nói cứ vài ngày thì đem cá đối qua cho mẹ tôi giùm. Khi mẹ tôi hay được chuyện đó, mẹ đã rầy tôi, bà nói có tiền thì lo mua sách vở mà học hành…Bây giờ cũng vậy, mua cái gì, chăm lo cái gì cho mẹ là tôi liền bị rầy, nói để lo cho các con tôi.

*Trong những ký ức nông thôn của anh,ngoài hình ảnh mẹ,tôi còn thấy thấp thoáng một vài mối tình “lá diêu bông”.Viết về phụ nữ nhiều,anh có bị “rung rinh”vì nhân vật của mình không vậy?

-Những ký ức”lá diêu bông”thì thằng con trai quê nào mà chẳng có!Cái thời rơm rạ dại khờ,những kỷ niệm ấy đã thành một phần nuôi lớn tâm hồn mình.Các nhân vật nữ của tôi hả?Chưa bao giờ tôi có tình yêu trai gái với họ.Chỉ là tình thương,sự kính trọng hoặc nỗi xót xa mà thôi…

*Việc làm nhà văn,nhà làm phim có ảnh hưởng gì đến việc dạy con không?

-Hình như tôi…không dạy con gì hết.Tôi chơi với chúng,cố gắng hiểu xem con muốn gì,cần gì,trông đợi gì ở mình.Tôi cố gắng vừa là một người cha,vừa là một người bạn của các con.Hiếm khi tôi trách phạt chúng mà chủ yếu là chia sẻ,tâm tình.Việc tôi làm người viết văn,người làm phim ảnh hưởng lớn tới các con nhưng là ảnh hưởng theo chiều hướng tích cực.Các con tôi biết tôi đang làm gì,viết gì và chúng trân trong điều đó.Tôi hạnh phúc vô cùng khi nhận ra rằng,con mình đã xem việc sống tử tế với cuộc đời như là lẽ tất nhiên.

*Xin cảm ơn anh.

HỒNG HẠNH ( Báo Phụ Nữ TP số 06 )

-->đọc tiếp...