Giám đốc công ty Cosin Trần Quang Phụng - Phía sau là hình ảnh Mẹ anh
-Cái may mắn của tụi em là có được người cha, người mẹ quá tuyệt vời !
Ngồi trong quán cà phê Góc Phố, Phụng cứ lập đi lập lại câu ấy đến ba bốn lần. Rồi anh kể, những năm học cấp ba ở Định Quán, Phụng có một người bạn thân cùng xóm lại cùng lớp, buổi tối hai đứa thường đi bộ ra thị trấn học thêm, cách nhà gần năm cây số, đêm nào về cũng đến nửa khuya, đường vắng, sợ ma. Có lần trên đường về, hai đứa phát hiện một người đàn ông say rượu nằm sảy bên đường, chiếc xe đạp vứt trong đám cỏ, hóa ra đó là cha của bạn mình. Phụng giúp bạn khiên cha về nhà rồi mới trở ra chạy chiếc xe về cho bạn.
Lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba . . . rồi nhiều lần Phụng chứng kiến cảnh ấy suốt ba năm học phổ thông cuối cấp, Phụng cảm thấy thương bạn vô cùng. Nhiều đêm trên đường về, người bạn ấy vừa khóc vừa tâm sự với Phụng: “Mầy nghèo nhưng có phước hơn tao, cha mẹ mầy làm tất cả để cho anh em mầy ăn học, còn cha tao đã thế lại cứ bắt tao phải nghỉ học để ở nhà làm ruộng”.
Phụng không tiết lộ danh tánh người bạn của mình, nhưng anh cho biết, khi anh vào đại học thì người bạn ấy thi rớt, phải học trung cấp. Mấy năm sau, anh ta vừa làm vừa học đại học, bây giờ đã trở thành một người thành đạt, giàu có ở Sài Gòn.
Phụng kể câu chuyện ấy để đi đến một kết luận rằng: “Nếu em rơi vào hòan cảnh ấy, chưa chắc gì em đã vượt qua. Cái may của em là có được người cha, người mẹ quá tuyệt vời !”
Tôi hiểu vì sao Phụng không nói về mình, bởi với anh, tất cả đều do cha mẹ tạo nên, ngay cả cái công ty do anh sáng lập và làm chủ bây giờ – công ty kỹ thuật điện và tự động hóa Cosin – trong tâm thức của anh nó cũng bắt đầu từ ý chí và giọt mồ hôi của cha và mẹ.
Nhưng ngược lại, với mẹ anh – dì Tư Cúc, ở Định Quán dì có cái tên là dì Bốn bán chuối – dì không hề biết công ty của Phụng tên gì, ở đâu và làm nghề gì. Dì chỉ biết rằng cả năm người con trai của dì đã tốt nghiệp đại học và điều quan trọng nhất là tất cả đều trở thành người tử tế.
Hôm ấy, buổi sáng trước khi gặp Phụng, chúng tôi đã tìm đến nhà anh, một mái tranh nghèo khuất sau hậu vườn, giáp với cánh đồng lúa gọi là đồng Cây Trâm, nằm sâu trong làng Thượng, dưới chân những ngọn đồi. Dì Tư kể rằng, 25 năm trước, khi dì mới đến đây dựng chòi lập nghiệp, khu đất nầy chỉ là đám cỏ tranh, vậy mà bây giờ nó giống như một khu vườn cổ kính, những ngọn dừa cao ngút trời xanh, những gốc xòai đã hóa thành cổ thụ, và, những đứa con nheo nhóc đã nên người. Câu chuyện của đời người mà cứ như một giấc mơ. Dì nói: “Ông bà mình có câu tha phương cầu thực, còn tôi với nhà tôi thì tha phương để cầu chữ cho con”.
“Tha phương cầu chữ”, câu nói nghe lạ tai những gẫm ra thì đúng vậy. “Nếu tha phương cầu thực thì tôi đã ở Gia Kiệm hoặc Dầu Giây để được bà con giúp đỡ, họ sẽ cho đất và giúp vốn kinh doanh, bây giờ có thể giàu, nhưng chuyện học hành của mấy đứa nhỏ không biết ra sao, vì hồi ấy ở ngòai đó cách trường học hơn mười cây số, mà cái lý do chúng tôi dắt díu nhau từ miền Trung vào đây là để tìm chỗ cho con cái học hành chớ đâu chỉ tìm kế sinh nhai”
Khác với bà mẹ của Mạnh Tử ngày xưa, khi cất nhà ở gần nghĩa địa, thấy con mình suốt ngày học theo cung cách của đám tang, bà dời nhà đến gần chợ, lại thấy con mình suốt ngày học cân đong đo đếm, bà bèn dời nhà đến gần trường để Mạnh Tử học lể giáo nho phong. Dì Tư Cúc, ngay từ đầu đã nghĩ đến việc đi tìm trường cho con học chữ bởi ở quê dì – Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam – cách xa trường gần mười cây số. Khi đứa con trai đầu lòng học xong lớp một, dì bắt phải ngồi thêm một năm nữa cho đủ sức để lội đường xa, phải đi đò qua con sông Vàng mà mùa lũ thì dòng sông chảy như thác đổ. Con đi học, cha mẹ ngồi nhà thắt thỏm đợi chờ. Lên lớp sáu thì phải qua đồi qua suối đến mười cây số, lên lớp chín phải qua bốn con sông, mười lăm cây số. Nhìn sáu đứa con, dì Tư cứ nghĩ, rồi đây chúng sẽ bỏ học như những đứa trẻ trong làng. Đất Quảng vốn nghèo khó bao đời, nếu không có con chữ mở đường thì không thể tìm lối thóat cho tương lai. Nhưng đi về đâu ? Lấy gì để sống ? Đó là những câu hỏi mà vợ chồng dì cứ hỏi nhau mà không tìm ra lời giải. Sáu đứa con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ còn ẳm trên tay, như vậy là tám miệng ăn. Nhìn đi nhìn lại trong nhà không có gì đáng giá ngòai chiếc máy may. Mấy sào ruộng thì đã vào hợp tác xã, ở lại lao động thì được chia phần, ra đi thì coi như bỏ, hai sào đất vườn thì chỉ có mì với khoai lang và vài lọai cây ăn trái, có bán cũng chẳng ai mua, ngôi nhà thì xiêu vẹo, tháo dỡ ra chỉ bán được vài chục tấm tol.
Sau khi bán chiếc máy may được mấy chỉ vàng, dì Tư làm một chuyến đi tiền trạm vào Đồng Nai tìm kiếm người thân ở Gia Kiệm, Dầu Giây. Đến đây, dì bán vàng mua lúa gởi lại cho bà con rồi về quê đưa cả gia đình vào Dầu Giây ở tạm. Ông Minh, chồng dì sau khi đi khảo sát, được người em họ giới thiệu mua ba sào đất hoang với giá rẻ ở Cây Trâm, làng Thượng để lập vườn. Ông nghĩ, ở đây cách trường học bốn năm cây số, muốn gần hơn nữa cũng không được vì càng gần thị trấn thì giá đất càng cao. Thôi thì đành vậy, miễn sao con cái được đi học thì dù cho ông bà có bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng đành lòng. Vợ chồng dì Tư tuy không nhiều chữ nghĩa để tìm ra những triết lý sâu xa trong cuộc sống, nhưng theo cách nghĩ đơn giản của dì là, khi sống có hy vọng, có niềm tin thì có được cái sự an tâm, sự an tâm ấy nó giúp cho vợ chồng dì xem thường mọi khó nhọc trong cuộc mưu sinh đi tìm chén cơm manh áo.
Với ba sào đất hoang mọc đầy cỏ tranh ấy thì chính cỏ tranh đã được làm nên một mái nhà – mái nhà tranh. Ông Minh lên rừng đống cây làm cột làm kèo, đốn tre nứa làm phên vách. Chẳng mấy hôm, họ dựng lên một ngôi nhà tươm tất, đàng hòang hơn cả ngôi nhà cũ ở ngòai Trung. Lúa gạo đã dự trữ từ tiền bán chiếc máy may đủ để ăn qua mùa giáp hạt, con cá cọng rau thì tìm kiếm trên đồng. Nhưng niềm vui lớn nhất của ông bà là bốn đứa con lớn đã được đến trường. Trần Quang Phúc học lớp sáu ở ngòai thị trấn, Trần Thị Kim Loan, Trần Quang Phụng, Trần Quang Phước học tiểu học ở gần nhà, trên đồi Đất Đen.
Công việc đầu tiên của ông Minh là đi tìm đất thuê làm ruộng. Hết mùa ruộng, ông lên đồi tìm mượn những sào đất bỏ hoang để tỉa đậu, trồng khoai. Phần dì Tư, để có đồng ra đồng vô cho cuộc sống hàng ngày, dì quảy gánh lên các ngọn đồi tìm mua từng quày chuối xanh về vú chín rồi mang ra chợ bán. Dì nhẩm tính, cứ mỗi nải chuối mua tận gốc, bán tận ngọn thì lời được năm trăm đồng, một phiên chợ từ năm giờ sáng đến mười giờ trưa, có khi kiếm được vài chục ngàn đồng. Nghĩ đơn giản thế, nhưng để có được vài chục ngàn đồng, bốn giờ sáng dì phải thức dậy, gánh một gánh chuối oằn vai trên đọan đường gần năm cây số, mười giờ trưa lội bộ trở về, cơm nước xong lại quảy gánh lên đồi, gần chục cây số nữa, băng qua từng ngọn đồi, lên dốc rồi xuống dốc, lùng mua từng quày chuối, chiều lại gánh về. Mùa nắng thì như lửa đốt, mùa mưa thì bấm ngón chân bám từng bước đường trơn, mỗi khi lên dốc thì gánh chuối ghị đôi vai về phía sau, xuống dốc thì gánh chuối ghị đôi vai về phía trước, mỗi lần chợt chân, quăng gánh, từng quày chuối lăn lóc xuống chân đồi, phải mò mẩm từng bước đi nhặt lại. Hôm nào cũng như hôm nào, khi gồng gánh qua khỏi ngọn đồi cuối cùng thì trời chập chọang tối, băng qua cánh đồng, về đến nhà thì hàng xóm đã lên đèn. Nhưng mỗi khi về đến nhà, thấy đàn con chụm đầu bên ngọn đèn dầu, đứa say sưa làm bài tập, đứa đọc ê a, dì cảm thấy trào dâng niềm hạnh phúc, quên đi bao nỗi nhọc nhằn, mệt mõi. Ăn vội chén cơm, dì đổ gánh chuối ra, cắt tỉa, phân lọai, chắt chiu từng nải một như chắt chiu niềm mơ ước của mình. Cứ mãi mê làm như thế, có khi đến quá nửa đêm, chợp mắt một chút, khi nghe gà gáy sáng lại giật mình thức dậy, lui cui gánh hàng ra chợ.
Trong mắt của những người hàng xóm, nghị lực của vợ chồng dì Tư được xem như một tấm gương. Nhưng với vợ chồng dì, cuộc sống ở đây vẫn tốt hơn ở ngòai quê cũ, con cái được đi học và được làm ra tiền để nuôi con ăn học như thế nầy, quả là một hạnh phúc lớn lao. Sáu năm sau – tức năm 1989 – kể từ ngày về đây dựng chòi lập nghiệp, vợ chồng dì Tư đã mua được sáu sào ruộng, ba sào rẫy, trong sân vườn lúc nào cũng đầy ắp đàn gà, đàn vịt, đàn heo, những cây dừa, cây xòai đã bắt đầu ra trái cũng là lúc anh Trần Quang Phúc trúng tuyển vào đại học kinh tế. Hôm ấy ông Minh đang hì hục trên đồng thì dì Tư chạy ra báo tin. Mừng quá, ông chạy tắt đường đồng về nhà, cầm tờ giấy báo trúng tuyển của con mà hai tay run run, hai giọt nước mắt chảy dài . . . Thế là niềm hy vọng, khát khao của ông bà đã được con cái đáp lời, thế là đã không uổng công cho thân cò lặn lội sớm hôm.
Thế nhưng khi Phúc vào đại học thì vợ chồng dì Tư phải đối diện với một bài tóan mới: chi phí cho một sinh viên học đại học một năm, dù có tiết kiệm tối đa cũng phải mất một trăm giạ lúa, nghĩa là với sáu sào ruộng làm hai vụ, trừ đi chi phí sản xuất, còn lại cũng chỉ đủ cho Phúc học một năm. Trong khi đó, nếu tính từ bây giờ thì bình quân hai năm nhà dì sẽ có một đứa con vào đại học. Để giúp cha mẹ giải bài tóan ấy, cô con gái thứ hai Trần Thị Kim Loan tình nguyện nghỉ học để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và phụ với cha mẹ nuôi em. Không còn cách nào khác, vợ chồng dì Tư phải ngậm đắng nuốt cay mà chấp nhận đề nghị của con mình. Loan vừa đi dạy học kiếm tiền, vừa lo việc nhà, vừa chăm sóc một đàn em.
Hai năm sau, vào lúc nửa đêm, Trần Quang Phụng từ thị trấn lội bộ về, anh gọi cả nhà thức dậy và soi đèn pin cho mọi người xem giấy báo trúng tuyển vào khoa điện tử trường đại học Bách khoa. Rồi một năm sau nữa, vợ chồng dì Tư đang suốt lúa mướn ngòai đồng thì một người hàng xóm đến báo tin, Trần Quang Phước trúng tuyển vào đại học y khoa với số điểm cao nhất khu vực I. Hai ông bà bỏ ngang công việc làm mướn với một trạng thái mất hồn. Mừng vui ! Ừ thì không vui sao được ! Nhưng đang nuôi hai đứa sinh viên, nợ nần chồng chất, giờ biết lấy gì để nuôi đứa thứ ba ?
Dì Tư kể rằng, những năm ấy heo, gà, vịt lớn lên không kịp chi phí cho con, dì phải đi vay từ trong làng ra chợ, vay bất kỳ ai có thể vay được với lãi suất ba phần trăm một tháng. Từng gánh chuối chất nặng thêm cho mỗi buổi chợ dài thêm nhưng vẫn không đủ tiền đóng lãi. Đến khi Trần Quang Vũ tốt nghiệp phổ thông, vợ chồng dì Tư khuyên Vũ nên hõan lại một năm hãy thi vào đại học, chờ cho Phụng ra trường để bớt thêm một mối lo. Vũ nói hõan thì hõan, nhưng thi thì thi chơi vậy thôi. Ai ngờ, Vũ lại đậu vào đại học kiến trúc. Nợ nần chồng lên gia đình dì Tư như lổ mội xì vô ruộng, ém chổ nầy thì xì ra chỗ khác, rồi đến lúc không còn xoay xở nỗi, đành phải bán tốc ba sào rẫy, sáu sào ruộng, bán cả lúa non đang trổ đòng đòng.
Ông Minh nói: “Làm nông dân mà không có ruộng thì đã xót xa, ray rứt. Khi mua được ruộng, cảm thấy mình như được đổi đời, thấy mình mới đúng nghĩa nông dân. Nhưng khi bán ruộng để trả nợ, nhất là bán cả lúa non, lòng tôi đau như cắt. Thế rồi nằm đêm nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình bán ruộng để đầu tư cho con cái học hành, nghĩ vậy thì nghe nó bớt đau”. Dì Tư nói: “Học phí bình quân cho mỗi sinh viên khỏang 50 triệu đồng, cứ xoay đầu nầy, xở đầu kia, đến năm 2001, khi Trần Quang Việt, đứa con trai cuối cùng trúng tuyển vào đại học Bách khoa, nhà tôi còn nợ hơn một trăm triệu đồng. Cũng may, tụi nó khi học đến năm thứ hai là bắt đầu đi dạy kèm để tự nuôi thân, rồi mỗi đứa lần lượt ra trường, đứa lớn nuôi đứa nhỏ, rồi dành dụm tiền lương mang về trả nợ”.
Tôi hỏi thăm từng người con trong gia đình, dì Tư kể: “Thằng Phúc có cái may, hồi nhỏ tôi đã làm giấy cho chú ruột của nó, sau nầy chú ấy xuất cảnh, dẫn nó đi theo, qua Mỹ học tiếp, giờ mới ra trường, hôm rồi mang tiền về xây nhà, nhưng mấy anh em nó bàn tính với nhau, trả cho hết nợ, còn chuyện xây nhà để năm sau mấy đứa em nó lo. Thằng Phụng bây giờ mới thành lập công ty riêng; thằng Phước trở thành bác sĩ nhưng lại thích đi vùng sâu vùng xa, hết Kiên Giang rồi tới Bình Dương, hết Bình Dương lại sang Bà Rịa; thằng Vũ giờ là kiến Trúc sư, làm việc ở Sài Gòn; thằng Việt là kỹ sư cơ khí, làm ở khu công nghiệp Biên Hòa. Con Loan lấy chồng về Biên Hòa, mở tiệm may, cuộc sống khá giả nhưng mỗi lần nghĩ tới nó tôi và ba nó vẫn thấy xót xa, vẫn nghĩ như mình chưa làm tròn trách nhiệm với con trong việc học hành”.
Cách đây sáu năm, tức là lúc Trần Quang Việt mới vào đại học, nợ nần đang chồng chất, nhưng một lần về quê, thấy người em trai đang nghèo khổ, tật nguyền, có đứa con trai đang học lớp mười mới vừa bỏ học. Ông Minh đắn đo suy nghĩ, mình thì sắp kiệt sức rồi, đem nó vào thì chồng lên vai thêm gánh nặng, mà để cho nó bỏ học thì không nỡ lòng nào, cháu họ cũng như con. Thôi thì cố lên chút nữa để cứu lấy một cuộc đời. Và đứa cháu ấy tên là Trần Sĩ Phú, bây giờ là sinh viên năm cuối ngành điện tử đại học Bách khoa.
“Con cái thành đạt, nợ nần cũng đã trả xong, dì còn mơ ước gì nữa không ?” Tôi biết mình hỏi một câu rất thừa, nhưng cũng không thể nào không hỏi thế. Dì Tư lắc đầu cười: “Không. Hôm tết tụi nó bàn nhau xây lại ngôi nhà, tôi nói ừ thì cứ xây, nhưng đơn giản thôi, cha mẹ già rồi, ở có bao nhiêu mà làm cho tốn kém. Có đứa thì nói cha mẹ già ở đây hẻo lánh quá, không tiện, muốn đưa về Sài Gòn, có đứa thì lại nói mảnh đất nầy quá nhiều kỷ niệm thiêng liêng, không muốn bán. Tôi với ông nhà tôi cũng nghĩ như thế, chính nơi đây vợ chồng tôi đã thực hiện những mơ ước của mình”.
Tôi mời dì Tư ra đứng trước sân để chụp một tấm hình. Dì nói: “Đúng rồi, tôi cũng muốn chụp với cái mái tranh nầy để làm kỷ niệm, vài tháng nữa nó đâu còn”.
15 nhận xét:
Mừng thiệt mừng cho Dì tư,cho một gia đình hạnh phúc qua những cam go ghê gớm!
Mừng cho gia đình dì Tư và cũng buồn cho nhiều gia đình nông dân VN nghèo, thất học, thiếu ý chí vươn lên.
Tôi nghỉ đây là truyền thống tốt đẹp của gia đình việt nam cần gìn giử, chính từ đó ta có những tài năng đưa đất nước đi lên, xin chân thành cám ơn họ những người cha ,người mẹ tuyệt vời.
Hầu hết con cái đều thành đạt ..quả là phi thường với hoàn cảnh như thế ..nhưng ai đã làm cha làm mẹ đểu hiểu thế nào là tình bao la ..phải không bác ...
Cha mẹ tuyệt vời, những đứa con cũng tuyệt vời. Công lao khó nhọc của cha mẹ được đền đáp xứng đáng. Không phải cứ có tiền , có điều kiện vật chất đầy đủ là học giỏi đâu. Hoan hô cả gia đình dì Tư Cúc.
Hỡi các người ăn trắng mặc trơn , đọc entry này mà úp mặt vô vách tường máy lạnh xấu hổ đi!
Và hỡi những đứa con đang tranh gìanh nhau từng mảnh đất ,từ bờ ao , đang tâm bán rẻ tình ruột thịt , nghĩa anh em hãy đọc entry này mà biết giựt mình .Giựt mình và sợ cho mai hậu về sau !
Em không cầm được nước mắt khi đọc bài của anh.Thật nể phục một tấm lòng cha mẹ biển trời.Em vẫn biết người ngoài nớ chịu thương chịu khó,nhưng như vợ chồng dì Tư thì nể quá,anh ạ!Nhưng phúc đức cho dì,6 người con đều là những những con người biết thưong cha mẹ,nếu không,...( mà cái loại con cái đó thì nhiều lắm,đúng không anh?)Cái cảnh của nhà chồng em cũng như thế,chỉ đỡ khổ hơn là ba má chồng em chỉ có 3 đứa con.Em hiểu được những cam go mà những đứa con dì Tư và dì Tư đã trải để có ngày nay,anh ạ! Cảm ơn anh về một bài viết lay động lòng người!Anh cho em xin bài viết này về làm tư liệu giảng dạy,được không anh?Đa tạ!( nếu anh đồng ý,em mới dám coppy về).
Mừng cho một kết thúc rất có hậu!
Dạo này những chuyện xấu hay được bêu trên báo chí. Đọc những chuyệnn như Phía sau là bóng mẹ, thấy ấm lòng.
Hình như từ trước giờ, tui mới đọc được một bút kí như vầy. Mừng quá, ấm lòng quá. Mong mấy người con của dì Tư vẫn mãi mãi được như thế này!
Chú quảng cáo thế này: Nhưnxg ai từng là con 1 người mẹ hay đọc...
Thế hấp dẫn và đại chúng hơn, hi hi.
Thật đáng khâm phục!. em thích nhất câu...điều quan trọng nhất tất cả đều trở thành người tử tế. Thành đạt không thôi chưa đủ anh nhỉ.
Hê hê...Tìm thấy bóng dáng mẹ mình trong dì Tư Cúc. Mẹ P cũng ở Đại Lãnh Đại Lộc Quảng Nam.Quê ba ở bên kia sông Là Đại Hồng Đại Lộc Quảng Nam.( là cái xã mà TTCT đã có một bài viết " xã da cam" làm P đọc mà tức điên người, vì nó kg có đến 1/100 sự thật). Cái đoạn anh nói qua mấy cái sông, đi mấy cây số...( làm như anh về đó rồi vậy?)Làm nhớ lại...!!! Chắc Phải mời anh về gặp mẹ P, để anh viết : " một thời đã qua" quá! Vì ba mẹ P có đến 9 đứa con...
Vui, và tự hào ( vơ vào) vì một gia đình đồng hương như gia đình dì Cúc.
Cám ơn anh! ( thú vị như anh mới về quê P chơi vậy đó)
Nể thiệt!
Vừa rồi aPhụng có kể với em là mới xây nhà cho ba mẹ ảnh, trên cái nền đất của căn nhà cũ. Em hỏi nhà đẹp không, ảnh chỉ nói nó khang trang và quá sức tưởng tượng của ảnh. Em mail cho aPhụng mấy tấm hình căn nhà cũ, hình dì Tư nhẫn nại ngồi lột dừa, hình bầy vịt xiêm ngúng nguẩy ngoài sân, mấy con chó lon ton nữa...APhụng có hứa bữa nào dắt mấy anh em mình về chiêm ngưỡng cái nhà.
Đi hén!
Đăng nhận xét