Thứ Năm, 30 tháng 10, 2008

BẤT NGỜ TỪ MỘT LÁ THƯ




Anh Bình và cháu Mai Phong


MỘT BỨC THƯ LẠ

Kính thưa chú Võ Đắc Danh!
Cháu tên là Nguyễn Thị Mai Phong. Hiện nay cháu đang ở thành phố biển Vũng Tàu. Cháu còn rất nhỏ tuổi, cháu chỉ vừa tốt nghiệp THPT, và hoàn thành kì thi ĐH vừa qua. Cháu vừa vô tình được đọc tập bút kí "Thế giới người điên" của chú xuất bản năm 2006.. Cháu rất ấn tượng với cách viết của chú, cách khai thác đề tài của chú, nên cháu xin mạo muội được viết mail này nhằm gửi đến chú những điều cháu suy nghĩ.
Trong tập bút kí này, đọng lại trong cháu rõ nhất là hình ảnh của đời sống sinh hoạt, của con người miền Tây Nam Bộ của đất nước Việt Nam ta. Đây là vùng đất cháu chưa từng đặt chân tới, tập bút kí này của chú đã mở ra cho cháu một chân trời mới, một miền đất mới, miền đất trù phú cá tôm, rừng ngập mặn xanh phủ kín dải bờ biển, những con người với những giá trị văn hóa truyền thống tươi đẹp. Và thật xúc động khi trong đó cháu thấy được tình cảm của chú dành cho quê hương mình, nỗi xót xa khi mà quá trình đô thị hóa, những chính sách không phù hợp của nhà nước, sự hòa nhập nhanh chóng của những người dân nơi đây trước cuộc sống hiện đại này đã góp phần "bào mòn" những tài nguyên quý báu ở nơi đây, làm cho những giá trị lâu đời tươi đẹp kia ngày càng bị mai một. Đó là tấm lòng của một người con xa quê hương luôn hướng về quê nhà.
Trong tập bút kí này, nổi bật lên là hình ảnh của những con người lao động bình dị, thân thương, đầy cảm phục. Trong số những nhân vật được chú viết đến, có những người cháu đã được biết đến qua một vài tờ báo như: nhà văn Sơn Nam, diễn viên kịch nói Lê Vũ Cầu, anh Nguyễn Hữu Ân cùng má Phẳng,cô Tiểu Hương...., nhưng khi đọc những bài viết của chú về họ cháu như thấy họ hiện ra chân thực biết mấy, gần gũi biết bao nhiêu. Họ là hiện thân của những con người có số phận khác nhau nhưng đều có một điểm chung đó là họ có cùng một điểm sáng trong tâm hồn dù họ có biểu hiện nó theo cách này hay cách khác chăng nữa thì đó vẫn là điều mà không phải ai cũng thấy được.
Tuổi đời của cháu còn rất nhỏ, có thể cháu chưa thể hiểu hết được những điều chú gửi gắm vào trong đó. Nhưng thật may mắn khi cháu đã được đọc cuốc sách này. Và may mắn hơn nữa khi cháu bắt gặp được địa chỉ mail của chú in đằng sau bìa sách. Có thể bức thư này của cháu quá là mạo muội, những lời lẽ trong thư có thế chưa làm chú hài lòng, nhưng đây chính là những suy nghĩ của cháu, một cô bé 18 tuổi. Và cháu tin rằng trong tương lai cháu sẽ còn được đọc nhiều tác phẩm khác của chú.
Cháu hi vọng rằng búc thư này sẽ được chú đọc vào thời điểm gần nhất có thể, và nếu chú không phiền thì xin chú hồi âm cho cháu. Xin cảm ơn chú vì đã đọc bức thư này của cháu. Chúc chú luôn mạnh khỏe để có thể cho ra đời những tác phẩm còn hay hơn nữa.

Vũng Tàu, ngày 17 tháng 8 năm 2008

Người hâm mộ chú.


Nguyễn Thị Mai Phong.

Khoảng mười ngày sau, trên đường từ Nha Trang về Sài Gòn, tôi rẽ sang Vũng Tàu và gặp cháu Mai Phong. Và, cuộc gặp gỡ nầy đã bắt đầu cho những câu chuyện khác.

Phóng sự: MỘT NGƯỜI SỬA XE ĐẠP Ở VŨNG TÀU

Tôi ngồi dưới gốc cây trứng cá xem vợ chồng Ba Bình sửa xe đạp. Trên vỉa hè một góc đường lớn, phía sau là bãi đất trống, phía trước là một vòng xoay bao quanh đài liệt sĩ. Một trong những cảnh quang đẹp của thành phố Vũng Tàu. Ba Bình nói anh ngồi đây đã mười tám năm rồi, từ khi bé Mai Phong – con gái út của anh – còn ẳm trên tay, bây giờ nó đã thi đại học. Mười tám năm với biết bao kỷ niệm buồn vui. Mười tám năm, khách hàng của anh đã có những người xài mấy đời xe đạp, có những người từ xe đạp lên xe hơi, anh vẫn là thợ sửa xe đạp. Mười tám năm, bao nhiêu vật đổi sao dời, hai đời chủ tịch phường vào tù ra khám vì chuyện đất đai, anh vẫn là thợ sửa xe đạp. Ba Bình kể lại như một chuyện vui, rằng, ông chủ tịch phường hồi ấy mỗi lần đi qua đây đều dừng xe lại, quát: “Dẹp nghe chưa, không được làm mất mỹ quan đô thị !”. “Dạ, em sẽ làm gọn lại thôi, chứ dẹp rồi lấy gì sống, anh thông cảm !”. Hai người hàng ngày cùng đưa đón con chung một cổng trường, thỉnh thoảng đậu xe gần nhau, Ba Bình lắm lét không dám nhìn. Khi ông ấy vào tù, rồi ra tù, lại đi đón con. Lúc ấy gặp nhau, Ba Bình vui vẻ hỏi: “Anh về từ bao giờ ?”. Ông ấy lại quay đi. Trời xui đất khiến, khi ra tù, ông ấy dời nhà về ở gần với Ba Bình cũng là lúc Ba Bình được dân bầu lên làm phó ban điều hành khu phố kiêm tổ trưởng dân phố. Ông ấy làm môi giới nhà đất, thỉnh thoảng lại dựng bảng quảng cáo chiếm lòng lề đường, buộc Ba Bình phải nhắc nhở. “ Lúc đầu mình cũng ngượng lắm ông ạ - Ba Bình nói – nhưng bây giờ thì hiểu nhau, thân thiện rồi. Đời người mà, cái gì cần qua thì cứ cho qua. Sống thiệt thà, thân thiện với nhau là cái chính. Tôi sống được là nhờ bà con thương. Những khi tôi bệnh phải nằm nhà, bà con dẫn xe ra đây, không có tôi thì dẫn về chờ chứ không mang đi chổ khác, hôm sau xe dồn cả đống, vui lắm !”

Hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ nhất, Ba Bình nói cách nay hơn mười năm, khỏang chín giờ tối, có một người đàn ông say rượu, chạy chiếc honda đến bỏ ngang dưới công viên rồi đi đâu mất biệt. Biết chuyện không bình thường nên thay vì về nhà, Ba Bình ngồi nán lại trông hộ chiếc xe. Đến nửa đêm, người đàn ông kia vẫn chưa trở lại, Ba Bình dắt chiếc xe về nhà rồi lên báo với công an phường. Hôm sau, khi nhận lại chiếc xe, người đàn ông ấy xúc động đến không nói nên lời. Ông lặng người nhìn ngôi nhà Ba Bình, toàn gổ tạp, ván tạp, tol vụn, thùng bia, cao su . . . ông giới thiệu mình là giám đốc một công ty vật liệu xây dựng khá nổi tiếng và nhã ý tặng Ba Bình một số cát đá, xi măng, gạch ngói để xây lại ngôi nhà. Ba Bình kiên quyết từ chối: “Cuộc đời có kẻ trộm thì cũng có người canh phòng trộm, việc làm bình thường của tôi, có gì ông phải đền ơn, phải nghĩ nhiều đến thế ?”. Ông kia lại nói: “Thay vì anh phải ngồi sửa xe, để tôi đổ vật liệu cho anh bán, lời anh hưởng, vốn trả lại tôi”. Ba Bình lại từ chối: “Tôi chỉ biết sửa xe, không biết buôn bán”. Cuối cùng, người chủ xe chỉ còn cách kết bạn với anh.

Hỏi vì sao anh lại chọn cái vòng xoay nầy để mưu sinh, Ba Bình nói, cuộc đời anh cũng như cái vòng xoay. Là người gốc Hà Nội, nhà dưới chân cầu Thăng Long. Năm 1978, cưới vợ xong thì đi lính Hải quân, căn cứ đóng tại Vũng Tàu nhưng suốt mười năm cứ lênh đênh trên biển theo đội tuần tra. Mỗi năm về phép được một lần. Ba đứa con gái lần lượt chào đời trong bữa cháo bữa rau, gánh nặng mưu sinh oằn vai người vợ trẻ. Năm 1990, Ba Bình xuất ngũ. Nhìn lại đời lính chẳng có gì ngoài mấy trăm ngàn tiền trợ cấp, tom góp mua được năm chỉ vàng. Cha mẹ qua đời, để lại cho hai anh em một ngôi nhà nhỏ với vài trăm mét vuông đất. Nhưng người anh trai lại quá nghèo, phải gồng gánh năm đứa con ăn học. Ba Bình nói với anh: “Em sẽ làm giấy giao phần đất của em lại cho các cháu, vợ chồng em vào Nam lập nghiệp”. Người anh xúc động đến rưng rưng nhưng chẳng nói được với em lời nào.

“Cháu tôi bây giờ đã học hành đỗ đạt, nhiều đứa giỏi dang, khá giả. Giờ mỗi lần tôi về thăm quê, đứa nào cũng dúi cho một ít tiền. Thấy chúng nó ngoan, mừng lắm ! Nhiều khi tôi nghĩ, nếu ngày ấy mình không đánh bạo ra đi, biết đâu giờ anh em chú cháu chết chùm trong nghèo khó”.

Trở lại cái vòng xoay, Ba Bình nói, hồi mới vào đây, anh ở trọ nhà người chú họ gần chổ nầy, thấy cái vòng xoay nhiều xe đạp qua lại, vậy là cầm cờ lê mỏ lết ra đây ngồi sửa xe. Thế thôi. Còn vợ anh, chị Ngợi, lúc đầu đi làm trong nhà máy đông lạnh, người ta bắt làm vệ sinh, suốt ngày cứ cầm xô múc nước, dội rửa, sức khỏe không chịu nổi, bỏ ra làm phụ hồ, lại tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, làm nặng đã đành, chậm một chút bị cai thầu mắng chửi. Thấy vợ khóc, Ba Bình bảo: “Thôi, ra bùng binh ngồi sửa xe với anh”. Ban đầu phụ việc, rồi thành thợ lúc nào không biết.

Bà chủ đất, chỗ Ba Bình ngồi sửa xe có hơn ngàn mét vuông bỏ trống, thấy Ba Bình hiếu thảo với người chú họ như cha ruột, đâm ra thương anh như thương con ruột: “Nhà chú mầy chật hẹp quá, tao cho mượn cái nền chỗ sửa xe đó, cất nhà ở đi”. Ba Bình nói: “Ở rồi biết khi nào trả, hay là bác bán đi, cháu mua, nếu không đủ thì cho cháu nợ”. Bà lão nói bán thì bán, lấy bảy chỉ vàng. Không ngờ số phận mĩm cười với Ba Bình. Năm chỉ vàng tích lũy từ tiền trợ cấp ra quân, sửa xe hai năm mua thêm được hai chỉ, vừa đủ. Thế là có được cái nền hơn 80 mét vuông. Ba Bình đi mua cây vụn, tol vụn, ván vụn, giấy carton vụn, thùng bia . . . đắp vá được một căn nhà. Ai dè năm năm sau, nhà chức trách hô giải tỏa, cư trú bất hợp pháp, không đền bù. Thế là đi kiện. Vừa kiếm sống vừa đi kiện. Nhọc nhằn cả năm. Cuối cùng cũng được đền bù một cái nền tái định cư trong hẻm.

Mười tám năm vật lộn với nắng mưa ở cái vòng xoay nầy, vậy mà Ba Bình luôn thanh thản, lúc nào cũng “bỏ áo trong thùng”, lúc nào cũng cười giòn với khách. Rảnh tay thì hai vợ chồng đọc báo, đọc sách. Anh nói thiếu cái gì chớ sách thì không thể thiếu được. Mỗi cuốn sách mua về, cả nhà chuyền tay nhau đọc. Bữa cơm tối của gia đình cũng là cuộc đối thoại về sách, bố cảm nhận thế nầy, mẹ cảm nhận thế kia, các con cảm nhận thế nọ. Hỏi chuyện học hành của các cháu, Ba Bình cho hay, cháu Thùy Vân vừa tốt nghiệp đại học sư phạm tóan-tin, vừa đi dạy vừa ôn thi cao học ở Sài Gòn. “Con bé có chí lắm, cách nay bảy năm, nó thi rớt đại học, về nhà học may rồi đi làm thợ, ngày đi may, đêm về ôn thi, ba năm sau nó đậu cùng lúc ba trường đại học: Sư phạm, Bách khoa, Công nghệ thông tin. Nhưng nhìn đi nhìn lại thấy nhà nghèo nên nó chọn Sư phạm cho giảm bớt chi phí. Con bé thứ hai rất tội nghiệp, hồi nhỏ học rất giỏi nhưng đùng một cái, bị viêm phế quản, tay bác sĩ chích thế nào bị phạm thuốc, con nhỏ á khẩu hơn một năm, sau đó trí nhớ bị chập chờn cho đến bây giờ. Con Út, bé Mai Phong, vừa thi đại học, chưa biết kết quả ra sao.

Từ giã Ba Bình, tôi về Sài Gòn được vài hôm thì bé Mai Phong gởi mail cho hay: “Chú ơi cháu đậu cả hai trường, đại học Công nghiệp và Y dược . . .” Biết Ba Bình không có điện thoại để gọi chúc mừng anh, đành phải reply cho cháu Mai Phong: “Chúc mừng cháu và cho chú gởi lời chúc mừng ba cháu !”

ĐOẠN KẾT

Bài viết nầy đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị được hai ngày thì tòa soạn gọi điện cho tôi hay, công ty bảo hiểm Ace Life của Mỹ có nhã ý tài trợ cho cháu Mai Phong một học bổng suốt chương trình đại học, họ cần số điện thoại để liên lạc trực tiếp với anh Bình.

Hai ngày sau, anh Bình gọi điện cho tôi, giọng hồn nhiên: “Cảm ơn bài báo của anh, nhưng tôi muốn tham khảo với anh thế nầy, cuộc sống của tôi dù sao cũng tốt hơn nhiều người khác, tôi muốn nhường suất học bổng nầy lại cho một sinh viên khác có hoàn cảnh khó khăn hơn bé Mai Phong, anh giới thiệu cho họ một đối tượng khác được không ?”. Tôi nói, nghèo hơn anh thì nhiều, làm sao đếm hết, nhưng tôi muốn anh nhận suất học bổng nầy cho cháu Mai Phong, bởi dù sao, đây cũng là một kỷ niệm giữa tôi với anh. Sau giây phút ngập ngừng, Ba Bình đồng ý, có lẽ vì anh sợ tôi mất vui.

41 nhận xét:

Tassa nói...

Thật đáng quí!

Ngũ Hành Sơn nói...

Chúc Mừng anh Võ Đắc Danh và cháu Mai Phong.

[deleted] nói...

đọc các bài ký của bác gần đây, thấy vui vì những đoạn kết. Xã hội vẫn còn nhiều người sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Thu Nhân nói...

Đọc entry này, vui!
Chợt nhớ câu Cáo Bình Ngô, tặng VĐD nghe:
"Trời thử lòng trao cho mệnh lớn"
Vậy, cứ thế mà tiến lên nghe!

tibon nói...

Đoạn kết có hậu, Chúc Anh có nhiều entry có đoạn kết đẹp nữa nhé!

MAP M nói...

Anh à ! đọc entry của anh rất mệt ,vì cứ phải kiếm một cái cây đặng chống .Em cứ nghiêng mình rất nhiều lần .Mà em ,anh biết rồi , bề bộn lắm! Hic!
Lần này biết tìm cây đâu đặng chống nên thôi , cúi đầu!

HữuHiếu nói...

Chau' chao` Chu'.
Xin Chu' sua giup'chau' "cho. Ngoi." --> "chi. Ngoi.". (doan. thu' 6 tu duoi dem len a.)
Cam on Chu'.
Xin chuc' Chu' va gia dinh suc khoe-hanh phuc.

Ngọc Trai Đen nói...

thì ra đây là blog của anh võ đắc danh

MAP M nói...

Câu còm của May là đêều em muốn nói cho "dữ Vậy!" anh à ! Hi hi !

Nông Thị Nở nói...

@Ngọc: Blog của bác Danh đó, người Nông dân cầm bút và bàn phím.

Yen Thanh nói...

Đọc Phóng sự của anh thật xúc động. Như bài nào đó mà anh đã viết về 1 gia đình liệt sĩ cạnh nhà ông bí thư tỉnh ủy Cà Mau. Mong anh luôn khỏe mạnh để viết nhiều hơn cho người đọc.

thanh nguyen nói...

Tui đang mắc kẹt ở xa quá. Mai một có cơ hội về, tìm gặp anh, anh chịu khó cho tui theo giang hồ với anh chừng một tháng, gặp gỡ những nhận vật đáng nể như Ba Bình vậy nghen.Làm được những việc như anh thiệt là. . ."" đã "!

Thủy Cúc nói...

Bài này lại thêm một lần nữa khẳng định quan sát của tôi: Người nghèo tiền hình như lại giàu lòng tự trọng hơn (những) người giàu tiền mà tôi đã gặp. Bác Danh có thể lý giải điều này không?.

dat t nói...

Ui cha ,happy ending . Phai chi dat nuoc co nhieu nguoi nhu a.3 Binh thi hay biet may .Hat giong tot thi khong thieu , nhung lam sao de nay mam va phat trien nhieu hon ( qua ngoi but cua anh).Rang di anh , chuc vui.

bến TamSa nói...

Cay tum lum tro bong: Ne, noi can than do. Bac Vo Dac Danh... giau lam do ah nghen! ^^

bến TamSa nói...

Hic hic, lai noi linh tinh nua roi. Xin loi Anh nhe.

Apo nói...

lại cám ơn chú, vì một câu chuyện đẹp thật đẹp!

bến TamSa nói...

Dung la nguoi nhu ong Ba Binh that hiem.Con minh duoc cho hoc bong ma xin nhuong cho nguoi kho hon.Troi run rui cho cac vi Bo Tat gap nhau.

Ghet nha bao dom nói...

hay quá!

May N nói...

Hôm trước có nghe anh kể chuỵên, nay đọc cả thư của em Mai Phong trong entry, cô bé "hay", tính chắc là giống bố mẹ.
Bố Mẹ Mai Phong là những người thật quá tự trọng. Đức tính này ngày càng hiếm thấy. Nếu họ tham lam vì hoàn cảnh nghèo người ta cũng thông cảm ngay, nhưng họ lại tự trọng và vị tha thành ra sự kính trọng dành cho họ còn cao hơn một bậc.

con tằm nói...

cuộc sống vậy là còn rất nhiều điều đáng phấn khởi..được sống như bác thiệt là "khoái chí"..thiên hạ thèm rỏ dãi..^^

Phương Nguyên nói...

Làm nghề viết như anh Danh thích ghê, nhờ tác phẩm hay "dắt dây" cho anh biết thêm những nhân vật "tiềm năng" cho tác phẩm mới. Nhờ nghề viết mà anh quen biết những người hay quá. Tui thích cô bé Mai Phong này, hồi bằng tuổi cổ tui không dám viết thư cho nhà văn, nhà thơ mình thích dù rất muốn!

HoaiAnPham nói...

Xúc động khg phải vì hoàn cảnh..mà xúc động vì người như ông BaBình tại VN bây giờ hiếm quá ông ạ ...phải gọi là hàng độc đó ...Cám ơn ông nhiều lắm ạ .

Mai Anh nói...

"Anh nói thiếu cái gì chớ sách thì không thể thiếu được. Mỗi cuốn sách mua về, cả nhà chuyền tay nhau đọc. Bữa cơm tối của gia đình cũng là cuộc đối thoại về sách, bố cảm nhận thế nầy, mẹ cảm nhận thế kia, các con cảm nhận thế nọ." Đọc cái đoạn này chợt xúc động vì nó giống hệt cảnh nhà cháu hơn 10 năm về trước. Cảm ơn chú Danh rất nhiều vì đã cho coi cọp blog bấy lâu nay. Chúc chú sức khỏe dồi dào và luôn duy trì phong độ của "Người nông dân cầm bút & bàn phím".

Thỏ con nói...

Bài này không dở. Chớ hổng lẽ lại khen 1 câu thừa, rằng bài quá hay! heheheheh

Nguyễn Một nói...

Đọc blogs VĐD thấy được nhiều người khen đố kỵ quá! Hôm nào canh lão này về BH đón đường đánh một trận mới được he he

phamngoctien nói...

Cỡ gần đất xa trời như Khikhongduoi còn rớt nước mắt. Đáng lắm Danh ơi. Bữa nào vô Sai Gòn về Vũng Tầu thăm Ba Bình một chuyến. Nhân vật là đó, cuộc đời là đó chứ ở đâu. Hà Nội hôm nay mưa cực to. Buổi sáng xe lội nước cả tiếng mới tới được cơ quan. Lật cả chồng báo ko đọc nổi một dòng. Buồn hiu hắt. Giờ đọc xong cái ni càng buồn nhưng lại thấy hứng khởi. Giờ thì ngồi bắt đầu gõ...

vu duc nói...

Sức mạnh kì lạ của những dòng chữ.

holanhuong nói...

Thương ông quá!

Pink_Heart nói...

Kỳ này bội thu anh Danh hỉ?
Những hạt mầm nhân ái anh gieo bằng những con chữ chả cần dùng kỹ thuật, kỹ xảo gì...Chỉ có sự thật! Và những cảm xúc tận đáy lòng, xem ra có quá nhiều người nhận được.
Đọc mà sướng hơn cả mình là người cho hay người nhận nữa!
Cám ơn nhiều. Thật nhiều!

Ka nói...

Đúc kết: đọc SGTT thôi chưa đủ, phải tranh thủ đọc thêm blog anh! hihi. Thì ra đầu đuôi câu chuyện đã tình và đẹp hơn nhiều.

Huong nói...

Chị Phương Nguyên: em phải chờ tuổi gấp đôi cô bé này mới dám.. comment cho nhà văn Võ Đắc Danh nè :-) chời ơi ngưỡng mộ quá !

Ti Co Nuong nói...

Nhiều người khen bác quá rồi...tui chỉ xin xía vô chuyện "chính tả"...hihi...bà con có thấy mấy bài gần đây của VÐD lỗi chính tả gần như là 0?..đọc nhiều bài trước đây tui bị ê răng mấy cú vì đụng mấy cục sạn to tổ cụ...hoan hô cố gắng viết đúng chính tả của bác! hurra!
(chạnh nghĩ thương hai đứa con gái Dịu và Tố nhi,lúc nầy chắc ít được đi chơi, ít ra là trước khi tía post bài..hic hic!)

Cẩm Minh nói...

Đúng vậy đó, tui hơn 50 tuổi rồi mà hôm offline gặp các cây đa cây đề như VĐD, ĐTQ, Thủy Cúc...,tự dưng tui như bị á khẩu,không nói nên lời dù đã từ lâu tui vô cùng ngưỡng mộ. Cô bé Mai Phong dạn dĩ này sẽ làm nên chuyện đó nghen!!!

Người tình nhân dân nói...

Thật thú vị, vì văn và đời đôi khi cũng có điểm gặp nhau...

vanhoasahuynh nói...

Vô SG đến nay tròn 12 năm, 12 năm lập nghiệp nơi xứ người, em cũng thấm thía như Anh Bình!
Đúng là cuộc sống khắc nghiệt nhưng cũng đầy niềm vui anh nhỉ!!!

sogno nói...

Lại một chuyện cổ tích nữa của những năm 2000. Cảm ơn anh Danh và cảm ơn những con người như anh Ba Bình... Các anh đã và đang làm cho cuộc sống thêm đẹp thêm ý nghĩa... Sau một ngày vất vả, vật lộn với cuộc sống, cần lắm những niềm vui để chia xẻ.

loc nguyen nói...

Từ tia lửa sẽ bùng lên ngọn lửa.Một chút khí khái của đời thường làm ấm ran người trong một ngày cuối đông

Hoàng Sa Trường Sa nói...

^^

HAO TRAN KE nói...

Sống như gia đình họ thật đáng quý. Chúc anh có nhiều năng lượng để đi và viết nhiều hơn.

nghia d nói...

anh Danh ơi, "ghét" đọc anh lắm..... Đọc anh thì phải suy nghĩ ...mà suy nghĩ thì hoặc giận...hoặc buồn ...chứ ít khi vui....( Xuân Diệu nói" ...trái đất ba phần tư nước mắt...( ta) đi như giọt lệ giữa không trung..."). Đọc entry này em đang rớt....
mắc cỡ quá....già rồi mà còn...