Tôi hỏi dì thứ mấy, dì nói: “Cứ gọi tôi là dì Cúc, tôi không có anh chị em gì cả nên cũng không biết mình thứ mấy”. Bà lão vừa đẹp người, vừa ngọt ngào, nhân hậu. Một tay bà cầm miếng bánh chuối trở qua trở lại trên bếp than, mắt trông chừng về phía xa xăm trên con đường một chiều. Rồi bất giác bà gom tất cả vào cái giỏ, vừa bưng vừa chạy. Cả khu phố nhốn nháo lên khi chiếc xe tải nhỏ của nhân viên quản lý trật tự đô thị chầm chậm đi qua. Như một hòn đất vừa ném xuống ao bèo, chiếc xe tải nhỏ ấy vừa khuất bóng thì những người buôn bán trên vỉa hè trở về vị trí. Thuốc lá, quà lưu niệm, bao cao su, văn phòng phẩm, bánh mì, bánh bông lan, bánh chuối . . . mỗi người một gánh, một giỏ, một chiếc bàn con, một thúng, một xịa . . . dọc theo đường Lê Lợi, tồn tại suốt mấy chục năm qua, trở thành hình ảnh quen thuộc với khách qua đường. Dì Cúc từ trong nhà gởi xe thở phào bước ra, đặt cái giỏ xuống vị trí của mình trước nhà sách Sài Gòn. Lại thở phào, dì nói với tôi: “Hôm trước tôi bị tịch thu cái ghế mủ, xách không kịp, mới mua lại hết mười ngàn đồng”. Tôi ngồi xuống cạnh dì, nhấm nháp vài cái bánh chuối, cảm giác ấm áp, gần gũi như chính mẹ tôi. Chỉ khác chăng là mẹ tôi xưa trầm mình suốt ngày dưới đồng cạn đồng sâu để nâng niu từng cây lúa, còn dì dãi nắng dầm mưa, chắt chiu từng đồng giữa chốn phồn hoa đô hội.
Tôi quen dì Cúc qua một sự hiểu lầm. Hôm ấy, đưa con gái vô nhà sách Sài Gòn, trời mưa lất phất, thấy bà lão bán bánh chuối cho mấy người khách ngoại quốc, sẵn máy ảnh tôi bấm vài kiểu, dì đứng dậy bỏ đi, nét mặt buồn buồn. Khi tôi cất máy vào túi, dì mới quay lại chỗ ngồi và nói như cầu khẩn: “Chú đừng chụp hình tôi, tôi sợ lên báo lắm”. Tôi hỏi tại sao, dì nói mình bán hàng rong, phải trốn chui trốn nhũi, lên báo rồi làm sao trốn được. Tôi mua bánh của dì thay cho lời xin lỗi. “Khổ lắm cháu ơi, từng tuổi nầy phải nuôi hai thằng con trai trên ba mươi tuổi. Một thằng khùng, một thằng bệnh xơ gan”. Bán mỗi cái bánh chuối lời một ngàn đồng, mỗi ngày kiếm được bảy tám chục ngàn, nhưng phải tốn ba chục ngàn cho hai cuốc xe ôm. Tôi nói để tối nay con chở dì về, đỡ tốn mười lăm ngàn. Dì nói: “Thôi, vừa làm phiền cháu, lại làm phiền chú chạy xe ôm. Hàng đêm, mưa gió cỡ nào chú ấy cũng chờ tôi đến chín giờ rưỡi, lúc ấy có ai kêu một cuốc ba bốn chục ngàn chú cũng không đi”.
Hôm sau, tôi mua một ít thuốc nam mang đến trao cho dì, tôi nói tôi muốn qua nhà xem bệnh gan của thằng Lộc ra sao để giúp nó chữa trị. Dì vui mừng và cảm ơn rối rít. Dì nhờ một người bán hàng rong bên cạnh: “Nhắn với chú xe ôm giùm tôi đêm nay khỏi rước, tôi phải dẫn một đứa cháu về nhà để xem bệnh cho thằng Lộc”. Rồi dì quay sang tôi: “Phải nói như vậy để chú xe ôm đừng buồn”.
Ngôi nhà dì Cúc nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Xích Long. Gọi là nhà, nhưng thật ra nó nhỏ hơn một căn phòng ngủ bình thường. Ngang hai mét, dài bốn mét. Phía trên có cái gác gỗ. Dì nói thằng Lộc ngủ trên đó, còn dì với thằng Phát ngủ ở dưới. Thằng Phát ngồi trầm ngâm, tựa lưng vào vách tường, thỉnh thoảng cười một mình, thỉnh thoảng lại lườm lườm nhìn mọi người như nổi giận. Lộc thì bắc ghế ngồi ngoài hiên, mặc quần cụt, ở trần, da ngâm đen, người ốm còm, yếu ớt. Tôi hỏi bệnh tình thế nào, Lộc buồn rầu đáp: “Bác sĩ nói em bị xơ gan”.
Xơ gan ! Nếu nhẹ thì cũng phải tốn bạc trăm triệu, còn nặng thì vô phương cứu chữa. Tôi hỏi Lộc gần đây có đi xét nghiệm không, Lộc lắc đầu, bảo có xét nghiệm cũng chỉ buồn thêm thôi, giải quyết được gì. Xơ gan thì không được làm nặng, vậy mà có lúc Lộc đi làm thợ hồ, làm được một hai ngày rồi đuối sức. Hàng ngày, Lộc ngồi trước cửa, đón mấy người mua ve chai để nó mua lại các món đồ điện, rả ra, chùi bóng từng món phụ tùng rồi mang đi bán, có hôm cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, có hôm không kiếm được đồng nào.
Dì Cúc nhìn Lộc đang ngồi trầm tư, rồi như dì nói với chính mình: “Thôi thì nó sống vui được ngày nào hay ngày nấy, số trời đã định vậy rồi”. Hỏi đời dì khổ nhất là lúc nào, dì nói khổ từ nhỏ đến giờ thì biết sao mà nói được, nhưng riết rồi quen, rồi không còn thấy khổ. Nhưng buồn nhất là những lúc bị cảm cúm, nhức đầu hay trời mưa kéo dài không đi bán được, ba mẹ con nằm chèo queo trong nhà mà hết gạo hết tiền. Hỏi quê quán, dì chỉ biết mình gốc gác Quảng Nam, cùng với mẹ trôi dạt vào Sài Gòn theo khói lửa chiến tranh, dựng một căn chòi bên bờ kinh Nhiêu Lộc. Dòng kinh đen oánh ấy đã nhuốm bao thế hệ đời người. Chồng bị bắt lính rồi biệt tích, để lại cho dì bốn người con trai, cũng lớn lên bên dòng kinh đen ngòm số phận. Sau khi giải tỏa kinh Nhiêu Lộc, dì được đền bù một số tiền đủ mua căn nhà mười sáu mét vuông. Rồi nghèo túng, nợ nần, căn nhà cũng teo tóp dần còn một nửa. Hai người con trai lớn cưới vợ, ra riêng nhưng vẫn nối tiếp số phận bấp bênh của đời người đi trước.
Tôi nghĩ miên man về một chiếc cần câu cho dì Cúc, nhưng đành chịu, chỉ còn biết hy vọng vào một phép màu nào đó. Tôi bèn hỏi, nếu ông trời cho dì một điều ước, chỉ một điều duy nhất thôi, thì dì sẽ ước gì ? Dì Cúc trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: “Ước bán đắt hơn để đủ tiền nuôi hai đứa nó”. Tôi lại hỏi, nếu có thêm điều ước thứ hai ? Dì cũng trả lời ngay: “Ước mạnh giỏi, đừng chết trước hai đứa nó”.
Trời ạ ! Gần bảy mươi tuổi rồi, lại phải lo cái nỗi lo lá úa lìa cành trước lá xanh !
Tôi hỏi có khi nào dì tìm thấy một niềm vui, dì nói cũng có, ví dụ như mấy cô nhân viên nhà sách Sài Gòn, tháng nào lãnh lương cũng dúi vào tay dì chút ít tiền, người năm chục, người một trăm. Mới đây, đứa cháu nội thi rớt đại học, được cô giám đốc nhà sách giới thiệu vô làm việc trên công ty. Mình bán ở đây, mấy cổ không đuổi mà còn giúp đỡ, ơn nầy không biết bao giờ mới đền đáp được.
Con gái tôi, sau khi nghe tôi kể câu chuyện nầy, nó nói: “Cha nói với bà, hàng đêm con đi học Anh Văn, con sẽ đưa bà về để đỡ tốn mười lăm ngàn”. Nhưng dì lại từ chối: “Thôi cháu ạ, cho dì gởi lời cảm ơn con bé, nhưng làm như vậy tội nghiệp chú xe ôm. Chú ấy tốt lắm, đêm nào mưa to gió lớn cũng không bỏ dì, hôm rồi xăng lên giá, dì bảo lấy thêm hai ngàn, chú ấy cũng từ chối”.
Thôi thì đành vậy. Kể câu chuyện nầy, tôi cũng không mong mõi gì hơn, nếu hôm nào các bạn chợt đi qua đường Lên Lợi, hãy ghé trước nhà sách Sài Gòn - từ 16 giờ chiều đến 21 giờ đêm - mua giúp dì Cúc vài chiếc bánh chuối nướng. Bởi dì đã nói, nếu ông trời cho dì một điều ước, dì chỉ “ ước sao bán đắt hơn để đủ tiền nuôi hai đứa nó” mà thôi.
19 nhận xét:
mua dì một miếng bánh thôi
điều ước nhỏ nhoi ,nhói tim nhiều người
Thế đấy,
Trái tim thì to mà vòng tay lại quá nhỏ!
Có ai biết phải làm sao hơn chuyện ghé ngang mua dùm dì vài miếng bánh?
còn nhiều người ước nhiều thứ nghe muốn khóc
có lần em nghe một câu bé ước: em ước đủ tuổi đặng đi làm mướn, hỏi hòai cũng chỉ vậy, không biết ước mơ gì hơn.
Cuộc sống làm sao mà, đến cái mơ ước cũng chẳng cất lên nổi
Đọc bài này của bác lại bị rùng mình lạnh tê người. Bà bán bánh chuối - anh lái xe ôm - mấy nhân viên công vụ trên chiếc xe tải nhỏ,... tất cả tạo nên 1 cái chuỗi cuộc sống mà không ai hạnh phúc. Cơ khổ...
Cháu cũng hay đi nhà sách. Hôm nào ghé mua bà ít cái bánh. Giờ cháu chỉ làm được có thế thôi
Oh,món bánh này em rất thích,nhưng buồn một nỗi là ở xa wá làm sao mua?Em sẽ nhờ mấy đứa cháu bên nhà,ghé ngang mua nhiều chiếc nếu chúng có dịp đi ra đó.Mong bà được khỏe mãi.
anh cho em mượn link của anh gởi cho mấy đứa bạn ở sài gòn, nhờ tụi nó mua dùm.
Cuộc đời còn lắm mảnh đời khổ như dì Cúc, biết vậy để thấy mình còn lắm may mắn! Cám ơn tác giả đã lật từng mảnh đời cho chúng ta cảm thông, sẻ chia và sống tốt hơn...
Quá tự trọng .Giá mà các quan của ta có được một phần tự trọng dù mỏng như miếng bánh chuối đó , dân cũng được nhờ xiết bao.Ít nhứt là tự trọng biết xấu hổ và biết tự xử !
Có 85 triệu người dân Việt Nam. Nếu bác Danh viết tiếp, liệu có bao nhiêu triệu người nữa có những mảnh đời như chị Thiện, dì Cúc hay chị Hấn..?
Nghĩ mà kinh ngạc đến sửng sốt. Hàng ngày, người ta vẫn ra rả về tăng trưởng GDP, về xóa mù chữ, giảm hộ nghèo về vân vân và vân vân. Khi niềm tin bị xói mòn khủng khiếp như một trân lũ quét, tôi và những ngừời đã đọc bút kí của bác Danh, phải dạy con cái mình tin vào cái gì khi mà mình không có cái gì để tin cả.
Thôi bác Danh ạ, dù bác không cố ý lấy đi niềm tin của tôi, hãy để lại giúp tôi một ít bằng một ít bút kí khác, đề tài khác. Tôi không muốn làm hỏng một thế hệ nữa như họ đã làm hỏng tôi.
Im lặng có thể là chấp nhận, nhưng im lặng không có nghĩa là mãi chịu đựng.
Dẫu thế, tôi vẫn cố gắng ghé qua Lê Lợi để mua vài miếng bánh chuối. Biết rằng, đấy không phải là cách tốt nhất, mà cũng không được bao lâu.Trào lưu của nền"văn minh không hàng rong đường phố" không chóng thì chầy lan đến Sài gòn. Lúc đó còn biết tìm dì Cúc ở đâu.
Chưa ăn miếng bánh chuối đã nghe cái đắng đến lưỡi.
khi đọc bài này lần trước, em định ghi nhớ lần về tới sẽ ghé mua bánh. Hôm qua đọc lại, cảm giác áy náy trong lòng quá vì truớc đấy em vừa mua cho mình 1 món đồ tính ra giá tiền đó quá phung phí khi có nhiều người như dì Cúc.
@thien: Cám ơn bạn đã chỉ cho tôi cách để dạy con mình. Tôi không định đưa vấn đề này lên tranh luận nhưng chắc bạn cũng chia sẻ với tôi rằng: để daỵ con cái"niềm tin vào con người, tình đồng loại, tinh thần dũng cảm và hơn hết là tìm ra và tin vào sự thật" trong bôí cảnh hiện tại là hết sức vất vả.
“Xã hội không bất biến” được hiểu qua kiến thức ít ỏi cuả tôi là: xã hôi nào cũng có mặt tích cực &tiêu cực: xấu & tốt; giàu&nghèo .vân vân. Một xã hội phát triển là xã hội bớt đi những cái tiêu cực, tăng những mặt tích cực. Phàm là con người ai cũng mong muốn những cái tốt nhất đến với mình, gia đình mình, cộng đồng mình và xa hơn nữa là thế giới này.
Trở lại vấn đề niềm tin. Vâng! Bản thân tôi rất tin và tự hào về những gì dân tộc Việt đã vượt qua, đã đấu tranh để có được ngày hôm nay một đất nuớc hoà bình, cuộc sống ấm no hơn so với ngày hôm qua. Tôi biết ơn tất cả những ngừời vì sự nghiệp ấy đã hi sinh không tiếc bản thân mình cho tổ quốc hôm nay tươi đẹp và mãi mãi trường tồn.
Nhưng bắt tôi tin tất cả những gì dưới danh nghĩa” sự lãnh đạo của Đảng” là không thể. Nói thẳng ra, Đảng là một đoàn thể của một số nguời chứ không phaỉ là tất cả mọi người. Bạn có thể nghe, đọc, thấy hàng ngày những bản tin, ký sự luôn có câu: “ dưới sự lãnh đạo của Đảng” và kế tiếp là hàng lọat những ngơị ca không tiếc từ về những thành công thuộc về “sự lãnh đạo” như thế, rất mục đích. Còn những cái không thành công, tìm mỏi mắt không thấy đâu, lẻ nào nên tìm ở bút kí cuả bác Danh(mong bác Danh luợng thứ)
Và mục đích đó đuợc đưa vào giảng dạy trong trường học đặc biệt môn sử, giáo dục công dân và môn văn. Tôi có thể daỵ con mình cái"niềm tin vào con người, tình đồng loại, tinh thần dũng cảm và hơn hết là tìm ra và tin vào sự thật” bằng những bài học ngoài xã hội, nhưng bạn không thể thay thế sách giáo khoa để dạy chúng trong nhà trường, và môn giáo dục công dân là môn mà những môn học nêu trên là môn chính để đào tạo nên tư cách con người sau này. Không thể tưởng tượng nổi chỉ với một bộ sách giáo khoa mà ngưòi ta in hẳn ra một cuốn sách đính chính, trong khi đó, sách nào có thể sai chứ sách giáo khoa mà sai như thế thì học sinh nên biết tin như thế nào. Nói thẳng ra, những con người soạn ra bộ sách ấy, không thuộc về Đảng thì thuộc về ai?
Nhiều thực tế khác,tham những, kẹt xe,phí tham gia giao thông, luật.. vân vân không trả lời cũng biết vấn đề thuộc về ai. Tôi cũng như những người khác chỉ cần ho hen một tiếng thì không thễ ngồi ở đây để gõ cái comment này nên tốt nhất không muốn thiệt thân thì im lặng. Bản thân tôi không có ý đồ phản quốc hay bôi nhọ Đảng, tôi chỉ muốn nói rằng nếu Đảng là của nhân dân thì hãy vì dân mà lãnh đạo sao cho thấu tình đạt lý, làm cho dân giàu nuớc mạnh, xã hội công bằng, đất nuớc phồn vinh, đừng để một vài thành phần làm xói mòn đi niềm tin. Khi niềm tin đã mất, cũng giống như bát nước đã đổ đi, không thể lấy lại đuợc.
Tất nhiên, trong cái khổ hẹp cuả comment này, tôi chỉ có thể nói rằng khi tôi tin đưọc về những gì tốt đẹp thì tôi mới dạy cho đựoc cho con tôi những cái tốt đẹp.
Vì thế, tôi đã nói: “tôi không muốn là hỏng thế hệ con cái mình như họ làm hỏng tôi”
Mong @thien hiêủ.
nghe những lời của dì Cúc nói, cứ thấy thương gì đâu!
@loc nguyen: Tôi sẽ dạy con cái niềm tin vào con người, vào tình đồng loại, lòng nhân ái, sự vị tham, tinh thần dũng cảm và hơn hết là tìm ra và tin vào sự thật. Xã hội ko bất biến, trong những con người đọc VÀ chia xẻ với những bài viết như thế này, người đứng tuổi sẽ nói cho con cái hiểu, người trẻ tuổi sẽ lớn lên và tới lúc gánh vác tương lai đất nước và dân tộc. Tôi tin rằng những người như vậy, khi tới phiên mình nắm lấy cơ hội, sẽ ko đi vòng để quay ngược lại những gì xấu xa hiện tại.
@A.Loc: Xin lỗi anh, tôi khi có ý chỉ bảo, ko hô hào khẩu hiệu, chỉ là chia xẻ những gì tôi nghĩ tôi sẽ làm thôi - tôi còn chưa có con để dạy nữa cơ :-). Những điều đó chẳng hề phụ thuộc vào bất cứ đất nước hay chính thể nào cả. Tôi nghĩ rằng bác Danh, anh, các bạn comment ở trên, tôi và những người cảm thấy động lòng trắc ẩn, cảm thông, thương xót khi biết về những số phận như thế này, một mặt sẽ góp phần chia xẻ, làm giảm đi những cảnh ngộ ấy theo điều kiện và vị trí mỗi người, một mặt khác sẽ góp phần ảnh hưởng lên thế hệ tiếp theo hướng mình mong muốn.
Tôi nghĩ rằng tôi hiểu khi anh nói chỉ có thể tin rồi mới dạy. Vâng, ai cũng vậy thôi. Nhưng tôi nghĩ anh có thể tin rằng người viết blog này, các bạn comment bày tỏ lòng thương cảm, muốn giúp đỡ là những người tốt để tạo nên sự tốt đẹp cho xã hội. Cá nhân tôi tin rằng anh, với những trăn trở bộc lộ qua đây, là một người tốt. Và tôi luôn tin vào bản thân nữa. Như vậy ko phải quá nhiều, nhưng cũng ko quá ít cho một niềm tin. Tôi muốn nhắc lại rằng niềm tin đó ko hề phụ thuộc vào chính trị, tổ chức, đảng phái nào hết, nó là điều nhân bản trong mỗi con người.
Tôi chưa có điều kiện nuôi dạy con cái như anh nên có thể chưa cảm nhận hết những gì anh nói. Nhưng tôi hy vọng tôi ko hiểu quá sai những điều đó. Thân chúc anh sức khỏe.
@Bác Danh: Đi lạc rồi mới xin phép bác đây.
@thien: cám ơn về sự chia sẻ của anh, thực ra tôi mới chính là người đi "lạc đề" về niềm tin.
Chỉ có điều tôi luôn luôn tự hỏi: "vì sao co quá nhiều mảnh đời như dì Cúc ở đất nước vốn hòa bình và tươi đẹp này?
Xin bỏ ngỏ câu trả lời vì tranh luận về chình trị vốn không phải là sở thích của bác Danh- chủ nhân của blog.
Một lần nửa, xin cám ơn anh và vô cùng xin lỗi bác Danh.
Bữa rồi em ghé ra Đồng Khởi, thấy không còn gánh chuối nướng ở đó nữa. Dì bán đắt khách quá, hết sớm, hay đã diễn ra như lo ngại của dì: không được bán ở đó nữa hả bác Danh?
xin phép tác giả - cho phép được dẫn đường link đến entry này ! Chân thành cảm ơn.
1 manh doi trong bao manh doi, 1 thoang giat minh, 1 thoang tram tu.... Sao so phan con nguoi lai nho nhoi den vay.
Cam on chu...
Cung xin phép chu cho con duoc dan duong link den entry này.
Đăng nhận xét