Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

CHUYỆN CỔ TÍCH VỀ ĐỨA CON NUÔI




Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không thể mang nổi mà phải cần đến sự giúp đỡ của người khác. Anh giúp tôi, tôi giúp cho người khác, người khác lại giúp cho người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của mỗi con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống.

( DUMBATZÉ)

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT

Chuyện kể rằng, cậu bé Nguyễn Hữu Ân là con trai út trong một gia đình có năm anh em ở khu Bào Trũng – ngọai ô thành phố Vũng Tàu. Cha mẹ Ân – ông Nguyễn Hữu Thiền và bà Hòang Thị Bích Vân – vì gia cảnh quá nghèo nên không thể cùng một lúc nuôi năm đứa con ăn học, cho nên khi Ân vừa học xong lớp sáu thì cha em gởi em lên chùa Tường Vân – huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng – để Ân vừa làm công quả, vừa tiếp tục học hành. Tuy mới mười hai tuổi nhưng Ân đã sớm ý thức được thân phận và hòan cảnh của mình. Chẳng những em không buồn mà ngược lại, em càng cảm thấy thương cha thương mẹ. Cứ mỗi hừng đông, cha em thức dậy hì hục bên đám rau muống sau nhà, cắt, tỉa, bón phân, chở từng bó rau ra chợ. Và cũng cứ mỗi hừng đông thì mẹ em đã khóac đôi gánh lên vai, cất tiếng rao như lời ru dọc dài trong xóm: “ Ai ăn bánh bò, bánh ích trần hôn . . . ?”

Khi ba người anh trai của Ân bước vào đại học thì từng thửa đất sau nhà cũng lần lượt ra đi. Đôi gánh của mẹ em cũng mõi mòn theo năm tháng.

Sáu năm miệt mài đèn sách, sáu năm lầm lũi quét lá đa, tưới kiểng, đánh chuông, tụng kinh, gõ mõ, Ân về quê làm hồ sơ thi đại học thì cũng là lúc mẹ em quằn quại trong cơn bệnh ngặt nghèo: ung thư trực tràng và ung thư gan ở giai đọan cuối. Năm anh em cùng với cha thay nhau đi tìm kiếm bà con, họ hàng để vay tiền, đưa mẹ vào Sài Gòn nhập viện. Nhưng không còn kịp nữa, ba tháng sau, người mẹ đã qua đời.

CÂU CHUYỆN THỨ HAI

Câu chuyện sẽ kết thúc với những dòng ngắn gọn trên đây nếu như những tháng ngày vừa nuôi mẹ, vừa ôn thi trong bệnh viện Ung bứu, Nguyễn Hữu Ân không có thêm người mẹ thứ hai, đó là: Má Phẳng !

Chị Phẳng sinh ra và lớn lên ở một vùng ven Buôn Ma Thuột. Cuộc đời chị là cả một cuộc đời buồn: Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, chị đã mất cha. Có lẽ vì mẹ chị đã “thề ở vậy nuôi con” nên khi lớn lên, chị cũng “thề ở vậy nuôi mẹ” mà không chịu lấy chồng. Đến khi giật mình nhìn lại thì tuổi đã quá năm mươi, sự cô đơn, nghèo khó đã đeo đẳng chị hết cả cuộc đời. Hai mẹ con, một căn chòi xiêu vẹo, một sào ruộng với mùa lúa mùa khoai. Ruộng không đủ sống, chị phải lên rừng lấy củi, lên rẫy làm thuê để nuôi mẹ già nay đau mai ốm. Vậy mà, “nhà sập bìm leo”: Trong lúc mẹ chị nằm liệt giường vì đau khớp thì chị nghe trong ngực mình có một khối u và từng cơn đau nhói. Ra tỉnh siêu âm, người ta nghi ngờ chị bị ung thư vú, chị vội vã vào Sài Gòn xét nghiệm thì kết quả không sai.

Bệnh viện ung bứu bảo chị phải nhập viện để mổ lấy khối u. Điều đó thật quá sức so với cảnh tình của chị. Tiền đâu để mổ ? Rồi ai nuôi mẹ già đang nằm liệt giường trong mấy tháng trời ? May thay, có một người hàng xóm tốt bụng đã tình nguyện chăm nuôi mẹ chị, còn chi phí nhập viện, chị bán sào ruộng được mấy chỉ vàng.

Năm 1992, phương pháp điều trị ung thư vẫn còn là vấn đề nan giải, cho nên sau khi mổ xong, chị Phẳng cứ bình thản về quê mà không lường được những hậu quả sau nầy. Suốt ba năm dài, chị cứ miệt mài làm thuê nuôi mẹ mà không hay rằng bệnh đang tái phát, đã di căn qua phổi, qua xương. Rồi một đêm trong căn chòi tối tăm, xiêu vẹo ấy, mẹ chị đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của chị – vòng tay của một người con đang lâm bệnh ung thư ! Một đám mà nghèo với chiếc xe trâu chở quan tài của mẹ, chị đầu đội khăn tang lũi thũi theo sau, đội mai táng là những người hàng xóm đưa mẹ chị về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong nỗi buồn đau cô quạnh, căn bệnh lại hòanh hành. Chị nghe hơi thở nặng từng cơn, đôi chân đau buốt. Không còn cách nào khác, chị bán vội mãnh đất thổ cư với căn chòi mục nát, lên mộ mẹ thắp một nén nhang rồi từ biệt xóm làng, từ biệt nơi chôn nhau cắt rốn, nặng nề từng bước lên xe đò vào Sài Gòn nhập viện. Đến đây, sau kết quả xét nghiệm chị mới hay rằng giữa chị với cái chết đang sắp sửa cận kề. Mạng sống được giữ lại bằng mấy liều hóa chất, nhưng đồng tiền không đủ cho chị đi đến toa thuốc sau cùng. Đành chịu ! Chị ngồi thẩn thờ bên gói hành lý nhỏ nhoi với hai hàng nước mắt. Giờ biết phải về đâu ? Về quê thì xem như không có đường về. Mà ở lại làm gì khi không còn tiền chữa bệnh ? “ Thôi thì má cứ ở lại đây. Giường nào trống thì cứ nghỉ, một bửa cháo, hai bửa cơm thì có bếp ăn từ thiện, chết thì cũng có tổ chức từ thiện chôn cất hẳn hoi”. Chị Thu Nga, hộ lý của khoa khuyên chị như thế. Chị không hiểu vì sao chị Nga lại tốt với mình như một người thân. Một má Phẳng, hai má Phẳng. Tới tháng lương, chị Nga nhỏ to với các y bác sĩ trích lại cho má Phẳng một ít tiền. Rồi tới kỳ hòan máu, ai cũng có những người thân tiếp máu người thân. Thấy chị Phẳng tủi thân ngồi khóc, chị Nga lại tự nguyện hiến máu của mình.

CÂU CHUYỆN THỨ BA

Ông Thiền ở nhà chạy tiền chạy gạo, Ân cùng với bốn anh trai túc trực trong bệnh viện nuôi mẹ trong cảnh nghèo khó tột cùng mà căn bệnh của bà Bích Vân thì không còn đường cứu chữa. Lúc bấy giờ, bệnh viện quá tải, người bệnh người nuôi chen chút nhau, không đủ chỗ nằm, chị Phẳng phải nằm chui dưới gầm giường của bà Bích Vân. Trong những ngày sức khỏe tạm thời ổn định, chị Phẳng đã sẻ chia, chăm sóc bà Vân, làm thay những công việc mà con trai không làm được. Hai người đã trở thành bạn thân với nhau tự lúc nào không biết. Bà Vân chừng như hiểu được nỗi khát khao của chị Phẳng về cái hạnh phúc của một người mẹ sắp lìa đời trong sự ấm áp tình thương của năm đứa con trai hiếu thảo. Bà hay nói với Ân: “Khi mẹ chết rồi, con hãy lo cho má Phẳng như mẹ ruột của con”. Rồi bà nói với chị Phẳng: “Nếu tôi đi trước, chị đi sau, chị hãy coi thằng Ân như con của chị”.

Chẳng hiểu sao, lúc ấy chị Phẳng trở nên khỏe mạnh lạ thường, chị đóng vai trò chỉ huy năm anh em của Ân trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bà Vân. Kể cả khi bà Vân qua đời, chị cũng ra tận Vũng Tàu lo mai táng.

CÂU CHUYỆN THỨ TƯ

Mẹ Ân mất vào tháng bảy năm 2002. Năm ấy Ân thi rớt đại học.

Sau tết, em trở vô Sài Gòn để tiếp tục ôn thi. Ghé vào bệnh viện Ung bứu, Ân thấy má Phẳng nằm liệt dưới gầm giường, người xanh xao, đôi chân không còn cử động. Không một chút đắn đo, Ân ở lại dưới gầm giường với má. Tại đây, Ân vừa ôn bài, vừa chăm lo cho má Phẳng. Sau bốn giờ sáng, em thức dậy xuống bếp từ thiện nấu cháo với các sư cô chùa Bảo Vân. Xong, em trở lên làm vệ sinh cho má – những công việc mà trước đây, với mẹ em, má Phẳng đã làm thay. Bây giờ, bao nhiêu hiểu biết, bao nhiêu kinh nghiệm tích lũy trong những tháng ngày nuôi dưỡng mẹ mình, em đã dành cho má Phẳng – từ cơm cháo, thuốc thang, tắm giặt. Trong đó, có cả sự khát khao làm mẹ mà má Phẳng đã từng nói bằng ánh mắt với mẹ em.

Cứ thế, rồi đến một ngày, câu chuyện ấy được kể lại trên một tờ báo. Chị Phẳng đã vượt qua cơn đau bởi những tấm lòng hảo tâm bằng những liều hóa trị. Có một anh kiến trúc sư tên Nguyễn Văn Trung đã vào bệnh viện tìm Ân để giúp em ôn thi. Trung nói, mẹ anh cũng chết vì ung thư lúc anh mới lên mười hai tuổi, giờ anh muốn làm một điều gì đó để chia sẻ với Ân. Hàng đêm, dưới ánh đèn công cộng, trên chiếc ghế đá trong khuôn viên bệnh viện, bên con đường Nơ Trang Long xe cộ ồn ào, có hai mái đầu chụm vào nhau trên trang sách. Mùa thi ấy, Ân đã vào đại học.

Hơn một năm dài, sau giờ tan học, ai nấy đều trở về nhà trọ hoặc nhà mình. Chỉ có Ân lầm lũi trở về dưới gầm giường trong bệnh viện. Ăn những bửa cơm từ thiện, uống nước từ thiện, mọi sinh họat, học hành gắn trong một thế giới của bệnh tật, của đau đớn, rên la và chết chóc. Rồi bệnh viện quá tải đến mức gầm giường cũng không đủ chỗ cho bệnh nhân, buộc Ân phải đưa má Phẳng ra nhà trọ.

Tôi tìm gặp lại Ân, bây giờ em đã là sinh viên năm thứ ba. Ân trắng trẻo, đẹp trai và lúc nào cũng nở một nụ cười nhân hậu. “Năm ngóai – Ân nói – khi phân chuyên ngành, em chọn ngành văn hóa. Nhưng ngành văn hóa chỉ có một lớp buổi sáng, mà buổi sáng thì em phải đưa má vào bệnh viện nên không học được. Cuối cùng em chọn ngành du lịch để học buổi chiều”.

Ân đi rồi, chị Phẳng nằm bẹp một mình trong căn phòng trọ, nước mắt rưng rưng. Chị nói: “ Nó đi rồi tôi mới dám khóc, sợ nó thấy nó rầy. Khổ vậy mà lúc nào cũng thấy nó cười. Tan học về tới nhà là nó la lên: “ Con về nè má ơi”. Rồi nhào vô xoa bóp chân, rồi hỏi han đủ thứ. Hôm nào kẹt xe về trể là nó lo, nó lo vì nó sợ tôi lo. Đêm nào nó cũng thức học bài cho đến một hai giờ khuya, vậy mà nó vẫn dậy sớm, đỡ tôi ngồi dậy, lấy nước, lấy bàn chải, nặng kem, nấu nước nóng cho tôi lau mình rồi lui cui làm đồ ăn sáng. Dạo nầy mỗi tuần tôi chỉ đi bệnh viện một lần nên nó mới đi học thêm tiếng Anh, tiếng Hàn, vi tính . . .”

Tôi đâm ra thắc mắc: Với mức thu nhập tối đa mỗi tháng 900 ngàn đồng ở một nhà hàng tiệc cưới, nơi Ân làm việc ca đêm thì làm sao có thể nuôi nổi một người mẹ ốm đau, rồi tiền trọ, tiền học phí, tiền ăn . . . Ân lấy gì để học thêm tiếng Anh, tiếng Hàn và vi tính ? Trong khi bốn người anh của Ân đã tốt nghiệp đại học mà đồng lương vẫn còn bấp bênh, lại phải nuôi cha đang bệnh ở quê nhà. Chị Phẳng nói: “ Hình như mọi thứ đều do bên chùa Bảo Vân họ giúp “

Sư cô Như Giác, quản trị chùa Bảo Vân ở Bình Thạnh kể: “ Tôi biết Ân trong một dịp tình cờ khi lên chùa Tường Vân ở Đơn Dương, thấy một cậu bé vừa chăm học lại vừa siêng năng làm công quả. Lúc ấy em nói em vừa muốn đi tu lại vừa có khát vọng học hành. Tôi khuyên em phải cố gắng học đến nơi đến chốn rồi sau nầy theo đạo hay theo đời cũng đều tốt cả. Vậy rồi mấy năm sau, cũng tình cờ thấy em tham gia nấu cháo từ thiện trong bệnh viện Ung bứu, hỏi ra mới biết em vừa ôn thi vừa nuôi má Phẳng. Từ đó chúng tôi đưa em vào trong chương trình từ thiện của nhà chùa, có một gia đình Phật tử nhận giúp đỡ em. Trong câu chuyện của em và má Phẳng, người đời cho rằng đó là cái tâm, là sự tốt bụng và lòng nhân ái. Còn theo triết lý nhà Phật thì đó là một nhân duyên, biết đâu họ đã là mẹ con với nhau từ kiếp trước”.

Tin vào triết lý ấy hay không tin, điều đó tùy tôi và tùy bạn. Nhưng trước mắt tôi, chị Phẳng, chị Thu Nga, Hữu Ân và sư cô Như Giác là những con người có thật đang hiện hữu giữa cuộc sống nầy.



14 nhận xét:

Hến nói...

Xin chú Danh cho cháu câu "Anh giúp tôi, tôi giúp cho người khác, người khác lại giúp cho người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng".

Muối nói...

@Lương Sơn : Sợ rằng đúng như thế bạn ạ ! Hệ quả của một quá trình sống và được dạy dỗ từ khi ở nhà trẻ đến khi thành người thanh niên trong xã hội XHCN .
Ở miền Bắc , theo những tài liệu tôi đọc thì truyền thống gia đình đã bị phá nát từ những cuộc đấu tố , cải cách ruộng đất v.v rồi . Trong giáo dục,từ khi bé vào nhà trẻ bé được học những bài hát gì ? Nghe kể những câu chuyện gì ? Hầu hết ở miền Bắc thanh thiếu niên phải vào đội vào đoàn và được dạy gì trong đó .
Sự công khai công nhận những phương cách hành xử côn đồ , mất dạy của những thanh niên mặc áo xanh tình nguyện trong vụ Thái Hà , TKS là một bằng chứng rõ rệt nhất về sự dạy dỗ ấy .
Ở miền Nam , truyền thống gia đình , đạo đức con người và ý thức chống lại sự tha hóa nhân cách con người còn lưu truyền trong nhiều gia đình , còn được giữ gìn trong các tôn giáo một cách khá sâu sắc , do đó sự tha hóa nhân cách bị cản bước , bị làm chậm lại.
Nhưng cũng chỉ là làm chậm lại thôi bạn ạ . Hiện giờ nhìn quanh xã hội đi , mức độ nhiều và công khai của sự tha hóa ngày càng tăng . Bằng chứng là các ký sự của anh VĐD đó .

Muối nói...

Giết chết tính Người !!! Đau thương quá phải khong bạn ?!
Cũng chính từ những đau thương ấy , các tôn giáo khác tôi không có thông tin , nhưng riêng trong Công Giáo VN đã chọn năm nay làm năm Giáo Dục . Quyết tâm cho Giáo dục .
Có lẽ cũng vì vậy , Giáo phận Hà Nội khát khao nhận lại được những miếng đất đang bị xà xẻo sắp vào túi quan tham , để có nơi có chỗ làm những công việc hỗ trợ thanh thiếu niên , người nghèo .
Như khu vực Đền Thánh Giêrađô ở Thái Hà đã dùng làm nơi hỗ trợ chỗ ăn , nghỉ cho cả trăm học sinh nghèo từ quê ra Hà Nội thi Đại Học trong hè vừa qua ( nhưng hôm nay có tin chính quyền sẽ lấy cớ làm đường đi ngang qua đó , chiếm một phần làm đường và phần còn lại bị chia thành hai mảnh nhỏ )
Phải quyết tâm làm thôi bạn ạ ! Không thể dừng lại ở mức quan sát và than trời mãi được .

Muối nói...

Hichic ! Xin lỗi , phải gọi là Anh/Chị Lương Sơn mới đúng . Tại chú ý đến vấn đề Anh/Chị nêu ra quá nên bỏ sót chi tiết này . Xin thứ lỗi .

Pink_Heart nói...

Khổ là: cái ác bao giờ cũng sống lâu!

nam i nói...

thật ấm lòng khi đọc câu chuyện của anh, vì vậy thấy mình cực khổ vì việc học hành cũng không bằng em Ân, cám ơn tác giả cho tôi niềm tin vào tình người.

Hậu khảo cổ nói...

Lòng nhân ái ko mất đâu anh ạ, mà nó không phô trương "từ thiện" mà thôi...

MAP M nói...

Đầu giờ sáng , đọc câu chuyện này của anh , dù đã biết ưừ lâu ,để thấy sao có người tâm hồn nặng thế mà có người thì nhẹ tựa chiếc lông ...gà.Thậm chí , còn mờ ảo , không thấy rõ ...Thiệt là cuộc đời !

Phương Nguyên nói...

Chuyện hay quá, dù đã có đọc rồi. Đọc những chuyện này để thấy yêu hơn, tin hơn ở cuộc đời này, vẫn còn nhiều người quá tốt.

Mùa đông khó quên nói...

không phải đọc lần đầu, nhưng vẫn cay sống mũi, ướt mắt. Ước gì có nhiều hơn nữa những chuyện cổ tích như vầy, nhưng cổ tích thì lấy đâu ra mà nhiều được đây! Cô họ của em, truớc khá giả lắm, gái trai dâurể cháu nội ngọai gì cũng đủ, vậy mà giờ sống bằng tiền góp của vài người trong dòng họ. Thấy buồn gì đâu!

khanhhuong nói...

Co nen mong o doi con nhieu chuyen "co tich" nhu vay khong chu nhi? Chau mong vi no cho thay con nhieu nguoi tot tren doi. Chau khong mong vi tai sao cu phai kho khan vay ta moi thay duoc nhung long tot. Mong sao nhieu nguoi dung kho vay - NHUNG CHAU TIN VI NO CHO CHUT NIEM AN UI "Anh giúp tôi, tôi giúp cho người khác, người khác lại giúp cho người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng". Chuc chu cuoi tuan vui ve cung gia dinh a.

NGAHOANG nói...

Đọc blog của anh, tôi thấy lòng ấm áp một chút vì đâu đó trong cuộc sống vẫn còn có tình người, đồng thời cũng thấy chút hổ thẹn vì đôi khi mình vẫn sống quá vô tâm. Xin cám ơn anh. Tôi cũng xin hỏi anh có thể chỉ giúp tôi nơi nào có thể mua được 3 quyển bút ký của anh, tôi đã tìm nhiều nhà sách mà không thấy. Dt của tôi 0907444859. Xin cám ơn anh trước.

Luong Son nói...

Tôi nhận thấy những tấm lòng từ thiện vô tư như Lê Vũ Cầu, như em Nguyễn Hữu Ân và một số người được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên sách báo, đa phần là người ở miền Nam.
Tôi là dân miền bắc, là giáo viên nghỉ hưu, nên thắc mắc lắm và đem điều này hỏi bạn bè thì ai cũng nhận thấy như tôi.
Chả nhẽ được sống trong chế độ Xã hội chủ nghĩa nhiều hơn lại ít lòng nhân ái hơn? Thực tế đau lòng!!!

sogno nói...

Cảm ơn anh Danh nhiều. Vẫn còn nhiều cái Thiện, cái Tốt trên đời này... thật ấm lòng :)