Thứ Tư, 8 tháng 10, 2008

ĐẤT LÊN, TÌNH NGƯỜI XUỐNG





Phân lô bán nền làm tan nát những vườn cau


Đọc bài “Đất lên, tình người xuống” trên SGTT số 34, tôi cứ nghĩ rằng có lẽ tác giả cũng “ám chỉ” tôi khi mà cuộc sống ngày thường với bao lo toan bon chen, cơm áo gạo tiền khiến chúng ta có lúc như quên mất đi tình nghĩa con người với con người. Đó là tình cảm gia đình, tình hàng xóm láng giềng và cả tình bạn . . . Khi có vấn đề tiền bạc xen vào, những tình cảm dường như thiêng liêng ấy lại chẳng còn giá trị là bao (!?). Cảm ơn tác giả, cảm ơn SGTT đã có những bài báo hay, lay động lòng người, khiến chúng ta phải bình tâm để quay về với những giá trị thiêng liêng, không tiền bạc gì mua được. . .

( Hà Quỳnh Như – Gò Vấp )

Hơn nửa thế kỷ trước, khi đặt chân đến vùng Bà Điểm, Hóc Môn nầy để khẩn hoang, trồng trầu trồng cau lập nghiệp, hẳn ông Hai Bình – cũng như nhiều cư dân khác – không thể hình dung ra rằng một ngày nào đó, mỗi mét vuông đất ở đây sẽ được tính bằng vàng chỉ, vàng cây. Từng thập niên trôi qua, Mười Tám Thôn Vườn Trầu đã trở thành một địa danh lừng lẫy khắp Nam kỳ lục tỉnh, là biểu tượng cho thiên-thời-địa-lợi-nhơn-hòa của Sài Gòn-Gia Định. Ông Hai Bình hiểu và lấy làm tự hào về điều đó, cho nên, khi tám người con của ông lần lượt trưởng thành, gã chồng hay cưới vợ, ông cất cho một căn nhà bên cạnh để ra riêng. Ước nguyện của ông là sẽ có một xóm nhà mà trong đó toàn là những người ruột thịt để cộng hưởng cái hòa khí của làng mạc, đất đai. Nhưng ước nguyện ấy đã không thành. Khi bến xe An Sương mở ra, cầu vượt An Sương mở ra, con đường xuyên Á mở ra, cả bốn bề là đô thị, đất đai lên cơn sốt, người ta ầm ầm sang bán. Ông A, ông B, ông C gần đó, cả đời ky cóp từng đồng từng cắc, nghèo xác nghèo xơ, giờ cắt bán vài cái nền nhà đã trở thành tỷ phú. Con cái ông Bình sầm xì rằng năm ngàn mét vuông đất của ông bây giờ giá chót cũng gần ba mươi tỷ, nếu chia đều ra thì mỗi người cũng ngót nghét hai trăm lượng vàng. Biết trước sẽ có chuyện chẳng lành, ông Bình họp các con lại bảo: “ Xưa nay ba không có ý định chia đất, ba muốn các con sống chung và xem đất nầy là của chung, để con cháu tụi bây sau nầy lập gia đình cũng có đất cất nhà. Nhưng giờ ba thấy tình hình không ổn nên ba quyết định chia đều cho tám đứa bằng nhau, cứ phân ra thành tám lô rồi bốc thăm, đứa nào trúng lô nào thì lấy lô đó”. Nhưng quyết định của ông Hai Bình đã muộn. Chị Nguyễn Thị Phượng, người con gái thứ tư phản đối : “Phần tôi hai ngàn mét vuông, tôi đã canh tác bốn chục năm nay, chồng tôi đứng tên khai thuế từ năm 1975 đến giờ, tôi không chia cho ai hết”. Thấy chị con đông, anh em trong nhà thống nhất chia cho chị tám trăm mét vuông, nhưng chị kiên quyết không chịu. Thất vọng, buồn tủi và bất lực, ông Bình sinh bệnh và chết. Những cuộc tranh chấp tiếp tục diễn ra. Chị Phượng phân lô bán nền, anh em ngăn cản. Đất tranh chấp không ai dám mua. Chị cất nhà trọ. Anh em cầm búa ra đập tường. Hai bên ấu đả lẫn nhau. Những cuộc hoà giải của chính quyền xã không thành. Đất vẫn là đất nhưng lạnh lùng, tê buốt và luôn ẩn chứa mầm móng của chiến tranh. Mạnh ai nấy làm hàng rào, bít cả lối đi. Tôi chạy xe vào nhà chị Phượng phải leo vòng lên hàng ba của nhà người khác. Dường như có ai đó hiểu rằng tôi đi xác minh để bênh chị Phượng. Một người phụ nữ tranh thủ đến nói nhỏ với tôi, giọng lạnh lùng và nghiêm khắc: “Cậu làm báo thì phải khách quan, phải hiểu rõ nguồn gốc của đất nầy trước khi viết báo”. Chị nhìn thẳng vào tôi rồi lặng lẽ bỏ đi.

Khác với cách tính toán của ông Hai Bình, bà Trần Thị Hớn cũng có tám người con nhưng tất cả được bà nuôi cho học hành đỗ đạt thành một gia đình trí thức có tiếng trong vùng. Bà có 1500 mét vuông đất hương hỏa. Năm 1999, bà làm tờ tương phân cho tám người con, mỗi người từ 120 đến 150 mét vuông, riêng bà giữ lại 480 mét vuông để dưỡng già. Theo quan niệm chia tài sản của người xưa, giàu Út ăn, khó Út chịu, hơn nữa bà sống với con trai Út nên trước khi qua đời, bà lên xã lập giất ủy quyền phần đất của bà cho người con trai Út để anh nầy lo thờ cúng tổ tiên. Thế nhưng, hai năm sau khi bà Hớn qua đời, bảy anh chị của Út làm đơn kiện lên xã đòi chia thừa kế phần đất dưỡng già của mẹ, mỗi người 59 mét vuông. Trong cuộc họp hoà giải tại xã, họ cho rằng mặc dù Út ở với mẹ nhưng nuôi mẹ thì tất cả cùng nuôi, có người lật sổ tay đọc vanh vách những ngày tháng và các khoảng chi phí họ đi nuôi mẹ trong bệnh viện Trưng Vương. Anh cán bộ tư pháp xã nói rằng: “Hòa giải cho bà con nông dân thì dễ, còn hoà giải cho những người ăn học cao hơn mình rất khó, cuối cùng chúng tôi phải chuyển hồ sơ lên toà án huyện, xử sơ thẩm không xong, huyện chuyển hồ sơ lên cấp phúc thẩm, chưa biết kết quả ra sao, nhưng dù có ra sao đi nữa thì mình cũng không ngờ nỗi những điều như vậy có thể xảy ra ở những người mệnh danh là kỷ sư, nhà giáo”.

Chúng tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Quốc Hưng theo tờ đơn ông tố cáo người con trai út của ông, anh Nguyễn Quốc Khang. Ở xứ Bà Điểm nầy, ông Hưng từng nổi tiếng là một người giàu có, nhiều ruộng nhiều vườn. Theo ông trình bày, ông có bốn người con, hai thửa đất ở xa lộ Đại Hàn và Trung Chánh ông chia cho ba người con lớn. Khang là con trai útt nên ông ở với Khang trên phần đất hương hỏa 2500 mét vuông cùng với ngôi nhà ngói ba gian thờ cúng ông bà. Thế nhưng vợ chồng Khang bất hiếu, ngược đãi ông, thậm chí đánh đuổi ông ra khỏi nhà để giành đất. Tức giận, ông cắt cho Khang 900 mét vuông ra ở riêng nhưng Khang vẫn không chịu, đòi giành trọn phần đất của ông.

Câu chuyện tưởng vậy mà không phải vậy. Ngồi đối diện với tôi là một ông già lẩm cẩm trên tám mươi tuổi và anh con trai hiền lành bốn mươi sáu tuổi. Khang nói: “Tôi là con trai út, nhận nuôi cha trên đất hương hỏa là chuyện bình thường. Nhưng từ khi đất đai lên giá, ổng cứ phân lô bán nền liên tục để lấy tiền cung phụng cho bà bán vé số ở xóm trên. Ổng nói rằng ổng có con với bà ấy. Thử hỏi anh, ổng tám mươi hai tuổi rồi mà có con trai năm tuổi, liệu có tin được không ?”. Ông già quát: “Tổ cha mầy, không phải con tao sao nó thương tao, thỉnh thoảng nó tới ngủ với tao ?”. Khang thở dài: “Tôi ngăn cản không cho ổng bán đất, ổng đuổi tôi ra khỏi nhà, tôi cất nhà bên cạnh, ổng rào lại không cho tôi qua để ở một mình cho dễ bề quan hệ với bà kia”. Ai đúng ai sai trong câu chuyện giữa hai người chưa phân giải. Nhưng nhìn những tấm mê bồ, những cây tre và những sợi kẽm gai ngăn cách tình cha con, ai cũng thấy não lòng.

Chị Cúc Hương, cán bộ tư pháp xã Bà Điểm nói rằng, ông bà xưa chia đất cho con cháu không phải đo đạc phân lô, có khi chỉ nói đại khái miếng A, miếng B nào đó, hoặc lấy cái bờ, con mương làm ranh giới. Nhưng rồi khi giá đất vọt lên một mét vuông năm bảy triệu đồng thì một vài tấc ranh cũng làm cho gia đình tan nát. Có những ranh đất chỉ đôi ba tấc thôi mà cán bộ tư pháp xã hòa giải suốt năm sáu năm vẫn không thành, anh em ruột thịt lại kéo nhau lên toà án huyện. Về pháp lý, cái ranh giới đất thì đã khó xác lập, còn cái tình thì đến đời con cháu họ cũng chưa chắc gì xóa được sự cách ngăn. Đất Hóc Môn là đất vốn có truyền thống dòng tộc lâu đời. Bởi vậy xưa nay ngày giổ ở đây luôn được coi là quan trọng, là ngày tề tựu họ hàng thân tộc, cháu con, chòm xóm. Nhưng bây giờ, sau những vụ tranh chấp đất đai, có nhiều gia đình đến ngày giổ ông bà thì mạnh ai nấy cúng, ngôi nhà thờ trở nên vắng vẻ, lạnh lùng.

Anh Thanh Hà, cán bộ thi hành án huyện Hóc Môn nói với tôi: “Nếu có dịp, anh đến ngồi dự các phiên tòa dân sự về những vụ tranh chấp đất đai trong họ hàng thân tộc, anh sẽ thấy rằng, đất càng lên giá bao nhiêu thì tình người càng xuống giá bấy nhiêu”.

17 nhận xét:

Huong nói...

Hòa giải cho bà con nông dân thì dễ, còn hoà giải cho những người ăn học cao hơn rất khó

strongbee nói...

"Đất vẫn là đất nhưng lạnh lùng, tê buốt ..." Trời, câu này hay quá, trước nay người ta vẫn nói " Đất ấm tình người", mấy ai nói được sự thật như bác đâu

bến TamSa nói...

Kiếm chuyện gì vui vui viết đi anh.

Pink_Heart nói...

Duy vật mà!
Khi người ta tôn thờ vật chất(lên giá), thì tất cả những thứ thuộc về ý thức mất giá là tất nhiên rồi! Cái gì thuộc phạm trù trừu tượng ( phi vật chất) đều mất giá cả: Đạo đức, tình cảm, tri thức, nghệ thuật, hạnh phúc, tự do...

Tuệ Hoan © nói...

trên đường đi lên chùa Hoằng Pháp, thỉnh thoảng có những cánh đồng trống ở cả 02 bên lề đường, có gắn bảng "Đất đang tranh chấp, không mua bán"

quê choa nói...

tình tiền rồi lại tình tiền/ muôn năm chỉ một ưu phiền thế thôi

The Wind nói...

Đọc entry của anh khó comment quá. Chỉ nghẹn lòng...

Vũ Vũ nói...

Thương mại hóa, tình người mất giá bác ơi

Mùa đông khó quên nói...

hồi đó em đọc những mẩu chuyện như vầy trên báo, không bao giờ nghĩ có ngày mình chứng kiến chuyện như vậy trong họ hàng mình, giờ thì thấy rồi, không thể tả nổi cảm gíac của mình, thấy...sợ

Cyclo! Cyclo! nói...

Còn nhiều thứ xuống lắm anh ơi, riêng chi tình người!

Thu Nhân nói...

Cái entry này như là điểm hội tụ của những ngao ngán nhân tình thế thái. Mà ngẫm lại, còn biết bao nhiêu chuyện như thế này chưa được biết đến đây khi mà "Đất vẫn là đất nhưng lạnh lùng, tê buốt và luôn ẩn chứa mầm mống của chiến tranh" ?

nhi nói...

đọc entry này của chú cháu nhớ đến Phật nói :
trong tất cả sức mạnh
1. sức mạnh của dung mạo và nhan sắc
2. sức mạnh của sự giàu sang
3. sức mạnh của thân thế
4. sức mạnh của đức hạnh
v.v....
chỉ có sức mạnh của đức hạnh làm người ta có hạnh phúc hay không sau khi chết.
không nói đến kiếp sau, kiếp này thôi hương đức hạnh làm đẹp lòng người biết bao nhưng con người ta trong xã hội vô thần chẳng còn tâm tình nghĩ đến ...có chăng cũng là số wá ít ... phải không chú?

MAP M nói...

Vậy sắp tới đây nhà nước đằng mình thu phí lưu hành giao thông cao ngất ngưởng như Singapour , Korean...thì cái gì đi xuống anh Danh ? Theo em võ đóan thì chắc là niềm tin chánh thể và tự trọng xã hội cấp nhà nước chắc ...rớt thẳng giá !Hic !

khanh chi nói...

Đọc entry của anh rồi ngậm ngùi thở dài. Nhà chồng em trước kia, đám giỗ vui như Tết. Rồi chỉ vì ba mét chiều ngang nhà nườc giải tỏa, đền bù, chia chác không đều, mấy cô mấy chú kéo nhau ra tòa... Giờ đám giỗ có người này , không có người kia. Quê em xa lắc xa lơ. Nên lấy quê chồng Trảng Bàng Tây Ninh làm chốn yêu thương. Thế mà rồi... Em có viết một truyện ngắn về tình cảnh các cô chú hơn tám mươi tuổi, nghe lời con cháu xúi bẩy, lụi cụi dắt nhau ra tòa...

Voldemort nói...

hehe, nhà em mất 4000m2 ngay chợ Nhỏ Thủ Đức vô tay người bà con bắn cả chục trái đại bác không tới, cũng phân lô bán nền, cũng đất hương hoả, giờ mỗi năm 1 lần muốn vô khu đất (ngày xưa) của mình để thăm mả ông nội em cũng khó khăn. thưa kiện thì chính quyền nói ai ở lâu thì được ưu tiên, nguồn gốc cũng từ giáo dục mà ra chứ có lẽ không phải từ mấy cái cầu vượt đâu hả anh.

Bắc Hà nói...

Lớn thì cướp lớn, bé thì cướp bé. Đau đớn ở chỗ, người ta biến sự trấn lột ấy trở thành "sự hiến dâng tự nguyện"...

thanh nguyen nói...

Anh Danh ơi, anh cho tôi cóp bài này về blog của tôi nha. Quê bà già tôi là ở Bà Điểm đó anh.