Thứ Năm, 30 tháng 10, 2008

BẤT NGỜ TỪ MỘT LÁ THƯ




Anh Bình và cháu Mai Phong


MỘT BỨC THƯ LẠ

Kính thưa chú Võ Đắc Danh!
Cháu tên là Nguyễn Thị Mai Phong. Hiện nay cháu đang ở thành phố biển Vũng Tàu. Cháu còn rất nhỏ tuổi, cháu chỉ vừa tốt nghiệp THPT, và hoàn thành kì thi ĐH vừa qua. Cháu vừa vô tình được đọc tập bút kí "Thế giới người điên" của chú xuất bản năm 2006.. Cháu rất ấn tượng với cách viết của chú, cách khai thác đề tài của chú, nên cháu xin mạo muội được viết mail này nhằm gửi đến chú những điều cháu suy nghĩ.
Trong tập bút kí này, đọng lại trong cháu rõ nhất là hình ảnh của đời sống sinh hoạt, của con người miền Tây Nam Bộ của đất nước Việt Nam ta. Đây là vùng đất cháu chưa từng đặt chân tới, tập bút kí này của chú đã mở ra cho cháu một chân trời mới, một miền đất mới, miền đất trù phú cá tôm, rừng ngập mặn xanh phủ kín dải bờ biển, những con người với những giá trị văn hóa truyền thống tươi đẹp. Và thật xúc động khi trong đó cháu thấy được tình cảm của chú dành cho quê hương mình, nỗi xót xa khi mà quá trình đô thị hóa, những chính sách không phù hợp của nhà nước, sự hòa nhập nhanh chóng của những người dân nơi đây trước cuộc sống hiện đại này đã góp phần "bào mòn" những tài nguyên quý báu ở nơi đây, làm cho những giá trị lâu đời tươi đẹp kia ngày càng bị mai một. Đó là tấm lòng của một người con xa quê hương luôn hướng về quê nhà.
Trong tập bút kí này, nổi bật lên là hình ảnh của những con người lao động bình dị, thân thương, đầy cảm phục. Trong số những nhân vật được chú viết đến, có những người cháu đã được biết đến qua một vài tờ báo như: nhà văn Sơn Nam, diễn viên kịch nói Lê Vũ Cầu, anh Nguyễn Hữu Ân cùng má Phẳng,cô Tiểu Hương...., nhưng khi đọc những bài viết của chú về họ cháu như thấy họ hiện ra chân thực biết mấy, gần gũi biết bao nhiêu. Họ là hiện thân của những con người có số phận khác nhau nhưng đều có một điểm chung đó là họ có cùng một điểm sáng trong tâm hồn dù họ có biểu hiện nó theo cách này hay cách khác chăng nữa thì đó vẫn là điều mà không phải ai cũng thấy được.
Tuổi đời của cháu còn rất nhỏ, có thể cháu chưa thể hiểu hết được những điều chú gửi gắm vào trong đó. Nhưng thật may mắn khi cháu đã được đọc cuốc sách này. Và may mắn hơn nữa khi cháu bắt gặp được địa chỉ mail của chú in đằng sau bìa sách. Có thể bức thư này của cháu quá là mạo muội, những lời lẽ trong thư có thế chưa làm chú hài lòng, nhưng đây chính là những suy nghĩ của cháu, một cô bé 18 tuổi. Và cháu tin rằng trong tương lai cháu sẽ còn được đọc nhiều tác phẩm khác của chú.
Cháu hi vọng rằng búc thư này sẽ được chú đọc vào thời điểm gần nhất có thể, và nếu chú không phiền thì xin chú hồi âm cho cháu. Xin cảm ơn chú vì đã đọc bức thư này của cháu. Chúc chú luôn mạnh khỏe để có thể cho ra đời những tác phẩm còn hay hơn nữa.

Vũng Tàu, ngày 17 tháng 8 năm 2008

Người hâm mộ chú.


Nguyễn Thị Mai Phong.

Khoảng mười ngày sau, trên đường từ Nha Trang về Sài Gòn, tôi rẽ sang Vũng Tàu và gặp cháu Mai Phong. Và, cuộc gặp gỡ nầy đã bắt đầu cho những câu chuyện khác.

Phóng sự: MỘT NGƯỜI SỬA XE ĐẠP Ở VŨNG TÀU

Tôi ngồi dưới gốc cây trứng cá xem vợ chồng Ba Bình sửa xe đạp. Trên vỉa hè một góc đường lớn, phía sau là bãi đất trống, phía trước là một vòng xoay bao quanh đài liệt sĩ. Một trong những cảnh quang đẹp của thành phố Vũng Tàu. Ba Bình nói anh ngồi đây đã mười tám năm rồi, từ khi bé Mai Phong – con gái út của anh – còn ẳm trên tay, bây giờ nó đã thi đại học. Mười tám năm với biết bao kỷ niệm buồn vui. Mười tám năm, khách hàng của anh đã có những người xài mấy đời xe đạp, có những người từ xe đạp lên xe hơi, anh vẫn là thợ sửa xe đạp. Mười tám năm, bao nhiêu vật đổi sao dời, hai đời chủ tịch phường vào tù ra khám vì chuyện đất đai, anh vẫn là thợ sửa xe đạp. Ba Bình kể lại như một chuyện vui, rằng, ông chủ tịch phường hồi ấy mỗi lần đi qua đây đều dừng xe lại, quát: “Dẹp nghe chưa, không được làm mất mỹ quan đô thị !”. “Dạ, em sẽ làm gọn lại thôi, chứ dẹp rồi lấy gì sống, anh thông cảm !”. Hai người hàng ngày cùng đưa đón con chung một cổng trường, thỉnh thoảng đậu xe gần nhau, Ba Bình lắm lét không dám nhìn. Khi ông ấy vào tù, rồi ra tù, lại đi đón con. Lúc ấy gặp nhau, Ba Bình vui vẻ hỏi: “Anh về từ bao giờ ?”. Ông ấy lại quay đi. Trời xui đất khiến, khi ra tù, ông ấy dời nhà về ở gần với Ba Bình cũng là lúc Ba Bình được dân bầu lên làm phó ban điều hành khu phố kiêm tổ trưởng dân phố. Ông ấy làm môi giới nhà đất, thỉnh thoảng lại dựng bảng quảng cáo chiếm lòng lề đường, buộc Ba Bình phải nhắc nhở. “ Lúc đầu mình cũng ngượng lắm ông ạ - Ba Bình nói – nhưng bây giờ thì hiểu nhau, thân thiện rồi. Đời người mà, cái gì cần qua thì cứ cho qua. Sống thiệt thà, thân thiện với nhau là cái chính. Tôi sống được là nhờ bà con thương. Những khi tôi bệnh phải nằm nhà, bà con dẫn xe ra đây, không có tôi thì dẫn về chờ chứ không mang đi chổ khác, hôm sau xe dồn cả đống, vui lắm !”

Hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ nhất, Ba Bình nói cách nay hơn mười năm, khỏang chín giờ tối, có một người đàn ông say rượu, chạy chiếc honda đến bỏ ngang dưới công viên rồi đi đâu mất biệt. Biết chuyện không bình thường nên thay vì về nhà, Ba Bình ngồi nán lại trông hộ chiếc xe. Đến nửa đêm, người đàn ông kia vẫn chưa trở lại, Ba Bình dắt chiếc xe về nhà rồi lên báo với công an phường. Hôm sau, khi nhận lại chiếc xe, người đàn ông ấy xúc động đến không nói nên lời. Ông lặng người nhìn ngôi nhà Ba Bình, toàn gổ tạp, ván tạp, tol vụn, thùng bia, cao su . . . ông giới thiệu mình là giám đốc một công ty vật liệu xây dựng khá nổi tiếng và nhã ý tặng Ba Bình một số cát đá, xi măng, gạch ngói để xây lại ngôi nhà. Ba Bình kiên quyết từ chối: “Cuộc đời có kẻ trộm thì cũng có người canh phòng trộm, việc làm bình thường của tôi, có gì ông phải đền ơn, phải nghĩ nhiều đến thế ?”. Ông kia lại nói: “Thay vì anh phải ngồi sửa xe, để tôi đổ vật liệu cho anh bán, lời anh hưởng, vốn trả lại tôi”. Ba Bình lại từ chối: “Tôi chỉ biết sửa xe, không biết buôn bán”. Cuối cùng, người chủ xe chỉ còn cách kết bạn với anh.

Hỏi vì sao anh lại chọn cái vòng xoay nầy để mưu sinh, Ba Bình nói, cuộc đời anh cũng như cái vòng xoay. Là người gốc Hà Nội, nhà dưới chân cầu Thăng Long. Năm 1978, cưới vợ xong thì đi lính Hải quân, căn cứ đóng tại Vũng Tàu nhưng suốt mười năm cứ lênh đênh trên biển theo đội tuần tra. Mỗi năm về phép được một lần. Ba đứa con gái lần lượt chào đời trong bữa cháo bữa rau, gánh nặng mưu sinh oằn vai người vợ trẻ. Năm 1990, Ba Bình xuất ngũ. Nhìn lại đời lính chẳng có gì ngoài mấy trăm ngàn tiền trợ cấp, tom góp mua được năm chỉ vàng. Cha mẹ qua đời, để lại cho hai anh em một ngôi nhà nhỏ với vài trăm mét vuông đất. Nhưng người anh trai lại quá nghèo, phải gồng gánh năm đứa con ăn học. Ba Bình nói với anh: “Em sẽ làm giấy giao phần đất của em lại cho các cháu, vợ chồng em vào Nam lập nghiệp”. Người anh xúc động đến rưng rưng nhưng chẳng nói được với em lời nào.

“Cháu tôi bây giờ đã học hành đỗ đạt, nhiều đứa giỏi dang, khá giả. Giờ mỗi lần tôi về thăm quê, đứa nào cũng dúi cho một ít tiền. Thấy chúng nó ngoan, mừng lắm ! Nhiều khi tôi nghĩ, nếu ngày ấy mình không đánh bạo ra đi, biết đâu giờ anh em chú cháu chết chùm trong nghèo khó”.

Trở lại cái vòng xoay, Ba Bình nói, hồi mới vào đây, anh ở trọ nhà người chú họ gần chổ nầy, thấy cái vòng xoay nhiều xe đạp qua lại, vậy là cầm cờ lê mỏ lết ra đây ngồi sửa xe. Thế thôi. Còn vợ anh, chị Ngợi, lúc đầu đi làm trong nhà máy đông lạnh, người ta bắt làm vệ sinh, suốt ngày cứ cầm xô múc nước, dội rửa, sức khỏe không chịu nổi, bỏ ra làm phụ hồ, lại tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, làm nặng đã đành, chậm một chút bị cai thầu mắng chửi. Thấy vợ khóc, Ba Bình bảo: “Thôi, ra bùng binh ngồi sửa xe với anh”. Ban đầu phụ việc, rồi thành thợ lúc nào không biết.

Bà chủ đất, chỗ Ba Bình ngồi sửa xe có hơn ngàn mét vuông bỏ trống, thấy Ba Bình hiếu thảo với người chú họ như cha ruột, đâm ra thương anh như thương con ruột: “Nhà chú mầy chật hẹp quá, tao cho mượn cái nền chỗ sửa xe đó, cất nhà ở đi”. Ba Bình nói: “Ở rồi biết khi nào trả, hay là bác bán đi, cháu mua, nếu không đủ thì cho cháu nợ”. Bà lão nói bán thì bán, lấy bảy chỉ vàng. Không ngờ số phận mĩm cười với Ba Bình. Năm chỉ vàng tích lũy từ tiền trợ cấp ra quân, sửa xe hai năm mua thêm được hai chỉ, vừa đủ. Thế là có được cái nền hơn 80 mét vuông. Ba Bình đi mua cây vụn, tol vụn, ván vụn, giấy carton vụn, thùng bia . . . đắp vá được một căn nhà. Ai dè năm năm sau, nhà chức trách hô giải tỏa, cư trú bất hợp pháp, không đền bù. Thế là đi kiện. Vừa kiếm sống vừa đi kiện. Nhọc nhằn cả năm. Cuối cùng cũng được đền bù một cái nền tái định cư trong hẻm.

Mười tám năm vật lộn với nắng mưa ở cái vòng xoay nầy, vậy mà Ba Bình luôn thanh thản, lúc nào cũng “bỏ áo trong thùng”, lúc nào cũng cười giòn với khách. Rảnh tay thì hai vợ chồng đọc báo, đọc sách. Anh nói thiếu cái gì chớ sách thì không thể thiếu được. Mỗi cuốn sách mua về, cả nhà chuyền tay nhau đọc. Bữa cơm tối của gia đình cũng là cuộc đối thoại về sách, bố cảm nhận thế nầy, mẹ cảm nhận thế kia, các con cảm nhận thế nọ. Hỏi chuyện học hành của các cháu, Ba Bình cho hay, cháu Thùy Vân vừa tốt nghiệp đại học sư phạm tóan-tin, vừa đi dạy vừa ôn thi cao học ở Sài Gòn. “Con bé có chí lắm, cách nay bảy năm, nó thi rớt đại học, về nhà học may rồi đi làm thợ, ngày đi may, đêm về ôn thi, ba năm sau nó đậu cùng lúc ba trường đại học: Sư phạm, Bách khoa, Công nghệ thông tin. Nhưng nhìn đi nhìn lại thấy nhà nghèo nên nó chọn Sư phạm cho giảm bớt chi phí. Con bé thứ hai rất tội nghiệp, hồi nhỏ học rất giỏi nhưng đùng một cái, bị viêm phế quản, tay bác sĩ chích thế nào bị phạm thuốc, con nhỏ á khẩu hơn một năm, sau đó trí nhớ bị chập chờn cho đến bây giờ. Con Út, bé Mai Phong, vừa thi đại học, chưa biết kết quả ra sao.

Từ giã Ba Bình, tôi về Sài Gòn được vài hôm thì bé Mai Phong gởi mail cho hay: “Chú ơi cháu đậu cả hai trường, đại học Công nghiệp và Y dược . . .” Biết Ba Bình không có điện thoại để gọi chúc mừng anh, đành phải reply cho cháu Mai Phong: “Chúc mừng cháu và cho chú gởi lời chúc mừng ba cháu !”

ĐOẠN KẾT

Bài viết nầy đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị được hai ngày thì tòa soạn gọi điện cho tôi hay, công ty bảo hiểm Ace Life của Mỹ có nhã ý tài trợ cho cháu Mai Phong một học bổng suốt chương trình đại học, họ cần số điện thoại để liên lạc trực tiếp với anh Bình.

Hai ngày sau, anh Bình gọi điện cho tôi, giọng hồn nhiên: “Cảm ơn bài báo của anh, nhưng tôi muốn tham khảo với anh thế nầy, cuộc sống của tôi dù sao cũng tốt hơn nhiều người khác, tôi muốn nhường suất học bổng nầy lại cho một sinh viên khác có hoàn cảnh khó khăn hơn bé Mai Phong, anh giới thiệu cho họ một đối tượng khác được không ?”. Tôi nói, nghèo hơn anh thì nhiều, làm sao đếm hết, nhưng tôi muốn anh nhận suất học bổng nầy cho cháu Mai Phong, bởi dù sao, đây cũng là một kỷ niệm giữa tôi với anh. Sau giây phút ngập ngừng, Ba Bình đồng ý, có lẽ vì anh sợ tôi mất vui.

-->đọc tiếp...

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

GẶP LẠI BÀ LÃO BÁN BÁNH CHUỐI




Tối nay đưa Út cưng đi nhà sách Sài Gòn, gặp Dì Cúc, Dì mừng rỡ như gặp người thân đi xa mới về. Vừa ngồi xuống,Dì khoe: "Người ta mới cho tôi 200 đô-la, mấy ngày nay tôi trông cậu ra để tôi khoe". Rồi Dì kể, tiền ấy là của ca sĩ Việt kiều Mỹ La Sương Sương, trước khi qua đời, cô gởi lại cho một tổ chức từ thiện bên Mỹ một số tiền khá lớn với mong ước giúp đỡ bà con nghèo ở Việt Nam. Dì nhận số tiền ấy từ một nhân viên nhà sách Sài Gòn với mấy dòng thông tin ngắn gọn như thế. Trước đó, cũng có một người qua đường ghé cho 100 đô-la nhưng không nói tên. Có một sự trùng hợp khá lý thú, một buổi chiều, một người khách đến mua bánh và hỏi thăm câu chuyện của Dì trên báo SGTT, cùng lúc ấy, cô chủ nợ đến góp tiền vay, người khách hỏi bao nhiêu, Dì nói một triệu, người khách mở bóp lấy ra một triệu sáu, đưa cho người chủ nợ một triệu, đưa cho dì 600 ngàn, bảo làm vốn buôn bán. Dì say sưa kể: "Từ ngày cậu đưa tôi lên báo tới nay, khách qua đường cho tôi gần 10 triệu đồng, bánh thì bán gấp đôi lúc trước. Tuần rồi, ủy ban phường xuống mời tôi đi họp tổ dân phố, họ nói trước giờ không biết hoàn cảnh của tôi, giờ biết rồi, phường quyết định cho thằng khùng 6 triệu đồng, cứ mỗi lần được người ta giúp thì tôi muốn gặp cậu để tôi khoe".
Cứ thế, Dì say sưa kể. Khi tôi ra về, Dì chạy theo dúi vào tay Út cưng một gói quà, mấy cái bánh chuối nướng, vài miếng bánh bò, bánh da lợn. Út cưng nhét vào túi Dì tờ 10 ngàn, Dì kiên quyết trả lại. Thấy cái cảnh hai bà cháu đùn qua đẩy lại mà buồn cười, tôi bảo "nhận đi con, cho bà vui".
-->đọc tiếp...

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2008

Trả lời phỏng vấn tạp chí Người Đô Thị




Nguồn: Người Đô Thị
Tháng 10/2008

Ký Võ Đắc Danh – người nông dân viết

Nguyễn Thị Ngọc Hải


Anh lại đọat giải nhất thi bút ký báo Văn nghệ với câu chuyện bà mẹ già và người con trai “sắp già” chưa lấy vợ vì bận nuôi 10 trẻ mồ côi trên đỉnh núi Cấm An Giang, Người Đô Thị có cuộc trò chuyện trước ngày anh ra Hà Nội nhận giải.

I. Kiểu “bolero” bình dân

PV: Các giải thưởng văn học ở ta ít gây được tiếng vang. Trong giới văn chương lại hay ồn ào tung hô một số người đôi khi rất “vô lối”. Nhận giải thưởng về ký, cảm tưởng của anh thế nào?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Tôi được nhiều giải về ký rồi. Đồng bằng Sông Cửu Long 2 giải. Lần này bút ký “Cổ tích trên đỉnh Mồ Côi” giải nhất. Một cuộc chơi. Vì cái này đẹp, dễ chấm, chứ không gai góc. Kỳ thi về “Việt Nam Tổ quốc tôi” thì cái này chỉ là câu chuyện cá biệt, không đại diện phản ánh được vấn đề gì lớn của đất nước. Giải thưởng chỉ tạo quan tâm của người dự thi. Tôi không bao giờ viết với tâm lý dự thi cả.

PV: Có người nói ký Võ Đắc Danh “ăn theo” cái dễ xúc động là chuyện người nghèo khổ và ký của anh kiểu “bình dân Sài Gòn xưa” – chứ chẳng có cách tân kỹ thuật hiện đại nào trong bút pháp. Anh thấy đúng hay sai?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Có thể đúng ở khía cạnh nào đó. Tôi không tìm kiếm kỹ thuật, không sa đà vào định hướng nào. Tôi giãi bày, tư cách người kể chuyện với bạn đọc cái tôi bức xúc. Tôi là người viết của bình dân. Không đi vào thân phận con người e vô cảm. Nghệ thuật không tìm sự đồng cảm thì tìm gì. Bỏ qua đồng cảm thì nghệ thuật không còn gì. Gu của tôi là “bolero”. Người đọc mọi thành phần, ai cũng cảm được, không sang trọng chữ nghĩa.

PV: Anh viết cả trăm bút ký và có “thương hiệu”. Có thể tóm đặc điểm ký “kiểu Võ Đắc Danh” là gì?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Đặc điểm: viết về nông dân và dân nghèo thành thị, có sẵn tâm, bao giờ cũng xúc động trước số đông đó. Cách viết: giấu cái tôi, sử dụng chất liệu thông qua chi tiết đời sống. Để tự câu chuyện nói. Mộc mạc, không thủ pháp, không kỹ xảo, kỹ năng. Mạnh nhất là chất liệu.

PV: Còn bao nhiêu nhân vật, câu chuyện thời đại khác, doanh nhân, trí thức không làm anh rung động hay sao?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Tôi cũng viết đấy chứ. Những nhân vật trong ký của tôi như Phan Văn Xoàn, Trần Bá Dương, ông chủ Sông Đốc… là khó kiếm. Những người chân chính đủ tạo cảm xúc mạnh thì ít vì kinh tế chuyển đổi sang thị trường, con người phải chụp giựt nhiều hơn. Giàu có mà nhân cách phẩm chất còn kiếm hoi.

PV: Nói thế anh không sợ bị giận sao?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Không sợ giận. Tôi quí trọng những người đóng góp làm giàu cho đất nước, hàng ngày giờ thay đổi đời sống kinh tế. Nhưng có cảm nhận từng mức độ. Thí dụ, cuộc thi rồi trong các bài ký được giải viết về ông gốm sứ Minh Long thì tôi chịu. Tôi quý ông đi lên từ nghèo khổ, sống chết với nghề. Còn ông doanh nhân kiểu nào đó giàu lên làm sân sau của quan chức, được cấp cho nhiều đặc lợi làm ăn. Người như thế, cho chị 100 triệu, bảo chị viết về họ, chị có cảm xúc nổi không?

II. Ra khỏi đường nhựa thấy gì?

PV: Anh viết nhiều về nông dân, vậy anh thấy đời sống họ có khá lên? Không lẽ họ không được hưởng lợi gì (dù ít hơn) trong cuộc chuyển đổi kinh tế và phát triển đất nước?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Nông thôn nghèo hơn. Xơ xác. Chị thử đi một lần. Ra khỏi đường nhựa là nhà không ra nhà, người không ra người, bần cùng tăm tối. Tôi đã có làm phim tài liệu giữa rừng U Minh. Cảnh con nít mặt mày vằn vện ăn chuối luộc thay cơm, khán giả không cầm được nước mắt. Miền Tây thì những người không nhà cửa, sống trên ghe giăng câu thì nhiều.

PV: Anh thử tả một cảnh nghèo nhất dã gặp?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Thí dụ một gia đình ở lòng hồ Trị An. Sống lều bạt, xuồng câu, gạo chạy từng ngày. Bốn con. Vợ liệt ngồi xe lăn. Không điện. Không chữ nghĩa. Tất cả đều không. Mà sống cách Thủy điện Trị An chỉ 1 km. Nghe bạn đi trên đó về nói họ khổ. Tôi tới xem nó coi sao.

PV: Có phải vấn đề đô thị hóa và đất đai là thủ phạm?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Ảnh hưởng vùng ven phát triển tới đâu phát sinh tới đó. Nhiều người bị cưỡng ép giao đất, đền bù. Thí dụ ở Nhơn Trạch tôi biết có công ty do tư nhân núp bóng. Xí phần 7-8 mẫu, huyện ra quyết định thu hồi. Một mét vuông nhà đầu tư đền dân 39.000đ. Không đi, cưỡng chế. Rồi chưa đổ đất, họ đã bán lại 9 triệu 1 mét vuông. Thường theo “công thức” ai cũng biết: Doanh nghiệp nói với chính quyền. Phê duyệt, ký quyết định thu hồi đất. Đền bù giá rẻ đi đâu thì đi. Đất giao nhà đầu tư. Chính ra nhà đầu tư không hưởng nhiều bằng chính quyền.

PV: Nhưng người ta bảo mở mang, cần đất xây dựng là quy luật của phát triển?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Đồng ý phát triển. Nhưng có công thức tốt sao không làm. Cho dân góp vốn bằng đất của họ, họ cũng được hưởng lợi từ vốn đó. Phát triển là qui luật, phải nghĩ quyền lợi của người nông dân trước đã. Không thể một chủ dự ánh làm giàu, trăm ngàn nông dân khốn khó. Thực tế, không dự án nào có dự án an sinh xã hội đi kèm. Đưa ra một cục tiền, đi đâu thì đi. Đừng biện minh cho sự cướp bóc. Tôi đã viết “Trên đồng bưng 6 xã” đăng trên báo Văn Nghệ một gia đình đặc công rừng Sác nay mất đất. Bị gài độ phản ứng đến nỗi vợ con vô tù. Phải nói nơi đó là tột đỉnh tội ác.

PV: Anh viết ký, kể rõ người thật việc thật, có địa chỉ cụ thể, đăng công khai, vậy có tác dụng hoặc phản hồi gì không?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Ký của tôi chỉ nói nhiều điều đánh động lương tâm, làm giàu cho lòng nhân ái được khơi dậy trước số phận con người. Nhưng vẫn không làm cái ác giảm đi được. Thực tế chứng minh nhiều bài bút ký về đất đai, mafia cướp đất, họ chỉ im lặng hoặc chựng lại một thời gian rồi lại tiếp tục. Nó không làm cho kẻ vô cảm có cảm xúc.

PV: Vậy sao anh không dành hẳn phản ánh bộ mặt phía cái ác, có giá trị tác động vào cái ác hơn là cứ tả mãi phía nghèo khổ chịu đựng?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Có lần tôi đã thử làm thế. Miêu tả đối tượng là cái ác. Thí dụ, ở Long An, có cả ngàn dân mất cả ngàn mẫu đất. Cảnh cưỡng chế 2 hộ dân, có công an, cứu hỏa, cần cẩu, cứu thương, xe bít bùng bắt người… đủ cả. Bà phó giám đốc của công ty Tân Đức còn mắng: Chính quyền cưỡng chế không “máu lửa” gì cả, và người của họ nhào vô làm. Hay như cái vụ ở Nhơn Trạch, chính chủ tịch huyện chỉ huy cưỡng chế, chính quyền trở thành công cụ của các nhà đầu tư. Báo in ra, có người bỏ tờ báo gửi cho chính chủ tịch huyện đọc. Tất cả đều im lặng, không có trả lời.

PV: Anh thấy người nông dân không có thái độ hoặc cách gì sao?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Người nông dân ở trình độ dân trí thấp, lo ăn không xong, không tự tìm lối thoát. Phải từ nhà nước, các nhà đầu tư.

III. Phẩm giá thời đại

PV: Vậy anh thấy phẩm giá của thời đại chỉ có ở người nghèo khổ cam chịu và những tấm lòng tốt như ở cổ tích thôi sao? Dòng phẩm giá tử tế trong xã hội tồn tại như thế nào?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Người ta cứu giúp nhiều. Ở người nghèo khổ, sự vươn lên không phải không có. Nhưng họ luôn dừng trong chừng mực là sống có phẩm giá và không đương đầu nổi với cái ác. Nếu không khơi dậy cộng đồng cứu giúp thì suy sụp bế tắc. Thí dụ khi tôi viết “một bà mẹ chưa được tôn vinh”. Một bà đánh tàu, biệt động, 2 vợ chồng thương binh. Bà bảo con phải học tử tế mới thoát nghèo. Một ngày bả chèo 50km. Lá chuối đọt dừa cũng bán, dựng chòi nuôi con ăn học. Hai con gái lớn tốt nghiệp sư phạm đi xin việc, họ đòi 3 cây vàng. Chịu. Tôi cầm tờ báo đưa các cơ quan chức năng, các cô được nhận dạy học, 1 doanh nghiệp cho cậu con trai máy tính vì cậu học CNTT, được mua nền nhà giá thấp trả góp. Đó chỉ là thí dụ hy hữu cứu giúp được thôi.

PV: Vậy cái đích của anh là tìm sự đồng cảm giúp đỡ của xã hội? Có người nói anh viết ở Sài Gòn Tiếp thị có đối tượng đọc riêng kinh doanh - tiêu dùng, người nghèo ít đọc?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Người nghèo có đọc báo nào đâu. Chỉ đọc báo Công an. Tôi cũng tìm cách đăng trên Văn nghệ. Tưởng chỉ mấy cha nhà văn đọc. Nhưng sau tôi thấy người đọc Sài Gòn Tiếp Thị nhiều mặt bằng văn hóa khác nhau và quan trọng là họ hành động. Đối tượng có vẻ là người trung lưu, doanh nhân, tiểu thương, nhưng nhiều người đọc không chỉ tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Tôi không tham vọng gì cả. Tôi không xác định mình làm văn hay báo. Giới báo gọi tôi là nhà văn. Giới văn gọi tôi là nhà báo. Ai gọi gì kệ. Tôi là người nông dân cầm bút, không gì khác hơn. Người cầm bút có viết hay không là ở cảm xúc. Câu chữ uốn éo không là chỗ dựa. Vui nhất là nhân vật được giúp đỡ. Buồn nhất là nhân vật mình chịu bất công không cứu giúp được gì, bao nỗi đau rơi vào im lặng. Tôi không có quyền lực gì cả, chỉ là công cụ của dân thấp cổ bé họng. Trong nền dân chủ chập chờn, tôi tranh thủ làm công việc đó của mình. Nhà báo phải xem đó là trách nhiệm

IV. Trên “lốc’ thấy sự tử tế

PV: Anh mới mở blog 3 tháng, nghe nói thiên hạ vào nhiều lắm.

Nhà báo Võ Đắc Danh: Bài của tôi trên báo mạng người ta biết hơn báo giấy. Trên đó rạch ròi sân chơi từng đối tượng. Qua comment, người ta phản hồi nhiều. Còn sách báo đâu biết được. Qua “lốc” thấy được sự tử tế cuộc đời còn rất nhiều. Tôi không đi xa khám phá. Chỗ nào có chất liệu con người đáng chia sẻ thì viết. Nhiều điều giản dị mà phấn đấu mãi đã được đâu. Sơn Nam có viết câu chuyện ông cắt tóc vỉa hè bị hỏi hộ khẩu, trả lời: là công dân nhỏ lớn không biết hộ khẩu. Ông hiểu thế nào là Tổ quốc? “Là một nơi có thể sống được bằng một nghề lương thiện và có những người bạn chơi được, đừng ba trợn.” Khát vọng của ông già hớt tóc ấy nay hàng triệu người không có. Chị nghĩ xem, bao người còn đi tìm 2 cái đó. Đâu đơn giản. Mới thấy ông già Sơn Nam ghê. Sức mạnh đâu phải ngoằn ngoèo câu chữ “Đổi mới”.

V. Không thể quay lưng

PV: Anh đến với ký như thế nào?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Tôi đến với nghề viết ngẫu nhiên. Đi học trễ. Nhà nghèo. Một bữa ra công viên ngồi, anh bạn làm báo đi ngang ngồi lại nói chuyện, rủ đi làm báo. Thử việc có một cái tin nhận ngay. Nghe đọc truyện đêm khuya, mê nhất cái ký Cô Tô của Mai Văn Tạo. Rồi mê ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Tuân. Làm việc ở báo Minh Hải, về Hội VH-NT Minh Hải. Lên Sài Gòn làm phim tài liệu, tính nghỉ viết. Rồi làm Trưởng VPĐD báo NLĐ ở miền Tây, làm báo Pháp Luật, rồi báo Sài Gòn Tiếp Thị. Trong các sự kiện lúc đi làm báo, thấy có chất liệu đời sống nhiều, tôi viết ký. Tôi không ý thức thể loại. Viết gì nó cũng thành ký thôi à.

PV: Cuộc sống gian truân chắc là lợi thế cho anh trải nghiệm để viết ký về người nghèo khổ?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Có chứ. Tôi xuất thân gia đình nông dân, kháng chiến, đội bom đội đạn, nuôi chứa cán bộ. Sau 75, tôi vẫn là nông dân. Mẹ tôi từng giấu bao lúa trốn chiến dịch thời cải tạo kinh tế. Tới thời lúa rớt giá nông dân bị bỏ rơi. Nay thời nông dân “bị cướp đất”. Cái gì cũng trải. Hỏi gốc mình thế này, nhìn nỗi khổ không đau xót sao được. Bản thân từng nuôi tôm, nuôi trăn, làm da trăn, lái tôm, vỡ nợ, lăn lộn với thương trường. Xuống Gành Hào vay nợ nuôi tôm 3 tháng, ngày xổ tôm chủ nợ ngồi cống chờ. Tôm chết sạch.

PV: Anh từng gặp nhiều tai nạn vì các bài ký của mình như thế nào?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Hồi ở Cà Mau, viết ký đụng vấn đề nông dân bị áp bức, cường hào, cải tạo nông nghiệp. Có lần bí thư Tỉnh ủy ra lệnh bắt nhưng VKS không ký. Có cả lần viết báo Văn nghệ trẻ bị thu thẻ nhà báo đến nỗi có ông ở tòa soạn báo dặn nhau: Thôi, không đăng bài thằng Danh nữa. Nhưng tôi không thể quay lưng lại với những người khốn khó. Những kẻ chối bỏ, quay lưng sẽ biến đổi nhân cách.

PV: Vậy trong công việc anh gặp nhiều niềm vui không?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Vui vì nhìn thấy lòng trắc ẩn còn rất nhiều trong xã hội và nhìn thấy phẩm giá của người bình dân. Tôi viết bà bán bánh chuối ở nhà sách Lê Lợi. Buôn bán nuôi hai đứa con khùng, đứa xơ gan. Nhà 8m2 – xã hội cả ngàn người như vậy. Nhưng một chi tiết: một ngày bà đi bán bằng hai cuốc xe ôm 30 ngàn. Có tối tôi bảo để tôi đưa dì về, con gái tôi nghe chuyện cũng muốn đưa bà về. Bả từ chối: Tội nghiệp chú xe ôm đang chờ. Dì đâu bỏ chú. Mưa gió gì người ta cũng đợi mình. Câu chuyện cổ tích trên núi Mồ Côi cũng vậy. Anh Bông ngoài 40 tuổi cũng chưa lấy vợ, lo cho lũ trẻ mồ côi. Điều kiện của anh: thà ở giá, còn ai đến với anh phải vì những đứa bé. Nghe đâu bên Mỹ có cô Việt kiều gửi thư. Cả chục cô rồi, muốn “nhẩy” vào tham gia chuyện cổ tích. Anh còn đang “úp mở” chưa nói. Bà mẹ sẽ già đi. Anh Bông có tiếp tục hay không. Việc nuôi nấng, học hành của mười đứa trẻ trên đỉnh núi ra sao. Cổ tích có hậu người xưa giải quyết bằng phép màu.

PV: Anh dự định viết tiếp về vấn đề gì?

Nhà báo Võ Đắc Danh: Chắc phải tiếp tục. Tôi ít đọc lại cái đã viết. Nếu không làm cái mới chính tôi sẽ tự chán mình.

PV: Xin cảm ơn anh.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

23-10-08

-->đọc tiếp...

ÔNG VUA CÓ CÁI LỖ TAI LỪA





Truyện cổ thời Chiến Quốc kể lại rằng, vua nước Ngụy một hôm ngủ dậy bỗng dưng hai cái lỗ tai của Ngài bị biến thành hai cái lỗ tai lừa. Ngài hốt hoảng cho gọi quan Ngự y. Quan Ngự y sau khi xem mạch xong, thất vọng nói:

-Muôn tâu Bệ Hạ, bệnh nầy do tâm mà sinh ra nên thần đành bất lực. Xin Bệ Hạ cho gọi Thiền Sư may ra ông ấy tìm ra căn nguyên và giải pháp.

Nhà vua ra lệnh chém đầu quan Ngự y và cho mời Thiền Sư. Thiền Sư sau khi chiêm nghiệm, bèn tâu:

-Muôn tâu Bệ Hạ, lẽ ra Bệ Hạ không nên ra lệnh chém đầu lão Ngự Y.

-Vì sao ?

-Dạ, vì lão ấy nói đúng.

Nhà vua nổi giận:

-Ngươi . . . Ngươi nói sao ?

-Muôn tâu Bệ Hạ, nếu thần nói ra, e rằng thần cũng sẽ mất đầu.

-Ta cho phép ngươi nói.

-Đội ơn Bệ Hạ ! Đúng là bệnh của Bệ Hạ so tâm mà sinh ra.

-Ngươi hãy nói rõ hơn !

-Dạ, muôn tâu Bệ Hạ ! Trời sinh ra con người có hai cái lỗ tai là để nghe, nhất là bậc đế vương như Bệ Hạ, hai cái lỗ tai cần phải thính hơn, biết lắng nghe nhiều hơn để trị vì thiên hạ. Nhưng ngược lại, Bệ Hạ ít khi chịu nghe, hoặc chỉ thích nghe những lời ton hót, sàm tấu của bọn nịnh thần. Bao nhiêu tiếng kêu oan của bàn dân thiên hạ đều bị Ngài gạt bỏ ngoài tai. Mới đây, Ngài lại nghe lời bọn nịnh thầi cho dẹp trống kêu oan đã làm cho dân tình ta thán, oan ức trong dân ngày một chất chồng bởi bọn tham quan ô lại mà họ không còn chỗ đểu kêu oan . . . Trời đã phạt Bệ Hạ, gắn cho Bệ Hạ hai cái lỗ tai lừa, tượng trưng cho một loài vật đần độn không biết nghe . . .

-Câm miệng lại . . . ! Ta tha cho ngươi tội chết như đã hứa. Nhưng, ngươi mà tiết lộ cái lỗ tai của ta với bất kỳ ai thì ngươi sẽ bị tru di tam tộc, tứ mã phanh thây.

Từ hôm ấy, nhà vua thông báo cấm cung vì long thể bất an. Còn lão Thiền Sư thì tâm trạng cũng nặng nề. Nói ra thì sẽ bị tru di tam tộc, tứ mã phanh thây. Mà không nói ra thì không chịu nổi, sự chất chứa ấy làm cho cái bụng của lão trướng lên, càng ngày càng to như phụ nữ mang bầu. Một hôm, khi cái bụng phình lên đến mức không còn sức chịu đựng nữa, lão âm thầm vác dá vào rừng sâu, đào một cái hố thật sâu rồi nhảy xuống, miệng lẩm bẩm: “Ông vua có cái lỗ tai lừa, ông vua có cái lỗ tai lừa . . .”. Thật kỳ diệu thay, lão cứ lẩm bẩm như thế thì cái bụng nhỏ dần, nhỏ dần rồi trở lại trạng thái bình thường.

Nhưng cũng kỳ diệu thay, đất nghe lời của lão rồi khi cung cấp dinh dưỡng cho rễ cây, truyền luôn cái âm thanh ấy. Rễ cây khi mang nguồn dinh dưỡng cho thân cây, cũng mang cái âm thanh ấy theo. Cả một rừng cây xung quanh cái hố của lão Thiền Sư bỗng lớn nhanh và tươi tốt lạ thường.

Rồi một ngày nọ, một tốp lính canh của triều đình kéo vào cánh rừng ấy đốn tre làm mõ. Khi gõ mõ thì một âm thanh lạ phát ra: “Ông vua có cái lỗ tai lừa”. Không ai hiểu gì, họ cứ đồn đại với nhau và rủ nhau vô rừng đốn tre làm mõ. Ai thấy lạ cũng gõ, nhà nhà gõ mõ, người người gõ mõ. Từ đầu làng cuối chợ, đi đến đâu cũng nghe râm ran cái âm thanh: “Ông vua có cái lỗ tai lừa”. Lão Thiền Sư biết rõ nguyên nhân nhưng không dám nói ra. Còn nhà vua thì không chịu đựng nổi tiếng mõ tấn công dồn dập nên sinh bệnh mà chết.

Phải chăng, cụm từ “tiếng mõ của dư luận” có xuất xứ từ câu chuyện nầy ?

-->đọc tiếp...

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2008

PHÍA SAU LÀ BÓNG MẸ




Giám đốc công ty Cosin Trần Quang Phụng - Phía sau là hình ảnh Mẹ anh


-Cái may mắn của tụi em là có được người cha, người mẹ quá tuyệt vời !

Ngồi trong quán cà phê Góc Phố, Phụng cứ lập đi lập lại câu ấy đến ba bốn lần. Rồi anh kể, những năm học cấp ba ở Định Quán, Phụng có một người bạn thân cùng xóm lại cùng lớp, buổi tối hai đứa thường đi bộ ra thị trấn học thêm, cách nhà gần năm cây số, đêm nào về cũng đến nửa khuya, đường vắng, sợ ma. Có lần trên đường về, hai đứa phát hiện một người đàn ông say rượu nằm sảy bên đường, chiếc xe đạp vứt trong đám cỏ, hóa ra đó là cha của bạn mình. Phụng giúp bạn khiên cha về nhà rồi mới trở ra chạy chiếc xe về cho bạn.

Lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba . . . rồi nhiều lần Phụng chứng kiến cảnh ấy suốt ba năm học phổ thông cuối cấp, Phụng cảm thấy thương bạn vô cùng. Nhiều đêm trên đường về, người bạn ấy vừa khóc vừa tâm sự với Phụng: “Mầy nghèo nhưng có phước hơn tao, cha mẹ mầy làm tất cả để cho anh em mầy ăn học, còn cha tao đã thế lại cứ bắt tao phải nghỉ học để ở nhà làm ruộng”.

Phụng không tiết lộ danh tánh người bạn của mình, nhưng anh cho biết, khi anh vào đại học thì người bạn ấy thi rớt, phải học trung cấp. Mấy năm sau, anh ta vừa làm vừa học đại học, bây giờ đã trở thành một người thành đạt, giàu có ở Sài Gòn.

Phụng kể câu chuyện ấy để đi đến một kết luận rằng: “Nếu em rơi vào hòan cảnh ấy, chưa chắc gì em đã vượt qua. Cái may của em là có được người cha, người mẹ quá tuyệt vời !”

Tôi hiểu vì sao Phụng không nói về mình, bởi với anh, tất cả đều do cha mẹ tạo nên, ngay cả cái công ty do anh sáng lập và làm chủ bây giờ – công ty kỹ thuật điện và tự động hóa Cosin – trong tâm thức của anh nó cũng bắt đầu từ ý chí và giọt mồ hôi của cha và mẹ.

Nhưng ngược lại, với mẹ anh – dì Tư Cúc, ở Định Quán dì có cái tên là dì Bốn bán chuối – dì không hề biết công ty của Phụng tên gì, ở đâu và làm nghề gì. Dì chỉ biết rằng cả năm người con trai của dì đã tốt nghiệp đại học và điều quan trọng nhất là tất cả đều trở thành người tử tế.

Hôm ấy, buổi sáng trước khi gặp Phụng, chúng tôi đã tìm đến nhà anh, một mái tranh nghèo khuất sau hậu vườn, giáp với cánh đồng lúa gọi là đồng Cây Trâm, nằm sâu trong làng Thượng, dưới chân những ngọn đồi. Dì Tư kể rằng, 25 năm trước, khi dì mới đến đây dựng chòi lập nghiệp, khu đất nầy chỉ là đám cỏ tranh, vậy mà bây giờ nó giống như một khu vườn cổ kính, những ngọn dừa cao ngút trời xanh, những gốc xòai đã hóa thành cổ thụ, và, những đứa con nheo nhóc đã nên người. Câu chuyện của đời người mà cứ như một giấc mơ. Dì nói: “Ông bà mình có câu tha phương cầu thực, còn tôi với nhà tôi thì tha phương để cầu chữ cho con”.

“Tha phương cầu chữ”, câu nói nghe lạ tai những gẫm ra thì đúng vậy. “Nếu tha phương cầu thực thì tôi đã ở Gia Kiệm hoặc Dầu Giây để được bà con giúp đỡ, họ sẽ cho đất và giúp vốn kinh doanh, bây giờ có thể giàu, nhưng chuyện học hành của mấy đứa nhỏ không biết ra sao, vì hồi ấy ở ngòai đó cách trường học hơn mười cây số, mà cái lý do chúng tôi dắt díu nhau từ miền Trung vào đây là để tìm chỗ cho con cái học hành chớ đâu chỉ tìm kế sinh nhai”

Khác với bà mẹ của Mạnh Tử ngày xưa, khi cất nhà ở gần nghĩa địa, thấy con mình suốt ngày học theo cung cách của đám tang, bà dời nhà đến gần chợ, lại thấy con mình suốt ngày học cân đong đo đếm, bà bèn dời nhà đến gần trường để Mạnh Tử học lể giáo nho phong. Dì Tư Cúc, ngay từ đầu đã nghĩ đến việc đi tìm trường cho con học chữ bởi ở quê dì – Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam – cách xa trường gần mười cây số. Khi đứa con trai đầu lòng học xong lớp một, dì bắt phải ngồi thêm một năm nữa cho đủ sức để lội đường xa, phải đi đò qua con sông Vàng mà mùa lũ thì dòng sông chảy như thác đổ. Con đi học, cha mẹ ngồi nhà thắt thỏm đợi chờ. Lên lớp sáu thì phải qua đồi qua suối đến mười cây số, lên lớp chín phải qua bốn con sông, mười lăm cây số. Nhìn sáu đứa con, dì Tư cứ nghĩ, rồi đây chúng sẽ bỏ học như những đứa trẻ trong làng. Đất Quảng vốn nghèo khó bao đời, nếu không có con chữ mở đường thì không thể tìm lối thóat cho tương lai. Nhưng đi về đâu ? Lấy gì để sống ? Đó là những câu hỏi mà vợ chồng dì cứ hỏi nhau mà không tìm ra lời giải. Sáu đứa con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ còn ẳm trên tay, như vậy là tám miệng ăn. Nhìn đi nhìn lại trong nhà không có gì đáng giá ngòai chiếc máy may. Mấy sào ruộng thì đã vào hợp tác xã, ở lại lao động thì được chia phần, ra đi thì coi như bỏ, hai sào đất vườn thì chỉ có mì với khoai lang và vài lọai cây ăn trái, có bán cũng chẳng ai mua, ngôi nhà thì xiêu vẹo, tháo dỡ ra chỉ bán được vài chục tấm tol.

Sau khi bán chiếc máy may được mấy chỉ vàng, dì Tư làm một chuyến đi tiền trạm vào Đồng Nai tìm kiếm người thân ở Gia Kiệm, Dầu Giây. Đến đây, dì bán vàng mua lúa gởi lại cho bà con rồi về quê đưa cả gia đình vào Dầu Giây ở tạm. Ông Minh, chồng dì sau khi đi khảo sát, được người em họ giới thiệu mua ba sào đất hoang với giá rẻ ở Cây Trâm, làng Thượng để lập vườn. Ông nghĩ, ở đây cách trường học bốn năm cây số, muốn gần hơn nữa cũng không được vì càng gần thị trấn thì giá đất càng cao. Thôi thì đành vậy, miễn sao con cái được đi học thì dù cho ông bà có bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng đành lòng. Vợ chồng dì Tư tuy không nhiều chữ nghĩa để tìm ra những triết lý sâu xa trong cuộc sống, nhưng theo cách nghĩ đơn giản của dì là, khi sống có hy vọng, có niềm tin thì có được cái sự an tâm, sự an tâm ấy nó giúp cho vợ chồng dì xem thường mọi khó nhọc trong cuộc mưu sinh đi tìm chén cơm manh áo.

Với ba sào đất hoang mọc đầy cỏ tranh ấy thì chính cỏ tranh đã được làm nên một mái nhà – mái nhà tranh. Ông Minh lên rừng đống cây làm cột làm kèo, đốn tre nứa làm phên vách. Chẳng mấy hôm, họ dựng lên một ngôi nhà tươm tất, đàng hòang hơn cả ngôi nhà cũ ở ngòai Trung. Lúa gạo đã dự trữ từ tiền bán chiếc máy may đủ để ăn qua mùa giáp hạt, con cá cọng rau thì tìm kiếm trên đồng. Nhưng niềm vui lớn nhất của ông bà là bốn đứa con lớn đã được đến trường. Trần Quang Phúc học lớp sáu ở ngòai thị trấn, Trần Thị Kim Loan, Trần Quang Phụng, Trần Quang Phước học tiểu học ở gần nhà, trên đồi Đất Đen.

Công việc đầu tiên của ông Minh là đi tìm đất thuê làm ruộng. Hết mùa ruộng, ông lên đồi tìm mượn những sào đất bỏ hoang để tỉa đậu, trồng khoai. Phần dì Tư, để có đồng ra đồng vô cho cuộc sống hàng ngày, dì quảy gánh lên các ngọn đồi tìm mua từng quày chuối xanh về vú chín rồi mang ra chợ bán. Dì nhẩm tính, cứ mỗi nải chuối mua tận gốc, bán tận ngọn thì lời được năm trăm đồng, một phiên chợ từ năm giờ sáng đến mười giờ trưa, có khi kiếm được vài chục ngàn đồng. Nghĩ đơn giản thế, nhưng để có được vài chục ngàn đồng, bốn giờ sáng dì phải thức dậy, gánh một gánh chuối oằn vai trên đọan đường gần năm cây số, mười giờ trưa lội bộ trở về, cơm nước xong lại quảy gánh lên đồi, gần chục cây số nữa, băng qua từng ngọn đồi, lên dốc rồi xuống dốc, lùng mua từng quày chuối, chiều lại gánh về. Mùa nắng thì như lửa đốt, mùa mưa thì bấm ngón chân bám từng bước đường trơn, mỗi khi lên dốc thì gánh chuối ghị đôi vai về phía sau, xuống dốc thì gánh chuối ghị đôi vai về phía trước, mỗi lần chợt chân, quăng gánh, từng quày chuối lăn lóc xuống chân đồi, phải mò mẩm từng bước đi nhặt lại. Hôm nào cũng như hôm nào, khi gồng gánh qua khỏi ngọn đồi cuối cùng thì trời chập chọang tối, băng qua cánh đồng, về đến nhà thì hàng xóm đã lên đèn. Nhưng mỗi khi về đến nhà, thấy đàn con chụm đầu bên ngọn đèn dầu, đứa say sưa làm bài tập, đứa đọc ê a, dì cảm thấy trào dâng niềm hạnh phúc, quên đi bao nỗi nhọc nhằn, mệt mõi. Ăn vội chén cơm, dì đổ gánh chuối ra, cắt tỉa, phân lọai, chắt chiu từng nải một như chắt chiu niềm mơ ước của mình. Cứ mãi mê làm như thế, có khi đến quá nửa đêm, chợp mắt một chút, khi nghe gà gáy sáng lại giật mình thức dậy, lui cui gánh hàng ra chợ.

Trong mắt của những người hàng xóm, nghị lực của vợ chồng dì Tư được xem như một tấm gương. Nhưng với vợ chồng dì, cuộc sống ở đây vẫn tốt hơn ở ngòai quê cũ, con cái được đi học và được làm ra tiền để nuôi con ăn học như thế nầy, quả là một hạnh phúc lớn lao. Sáu năm sau – tức năm 1989 – kể từ ngày về đây dựng chòi lập nghiệp, vợ chồng dì Tư đã mua được sáu sào ruộng, ba sào rẫy, trong sân vườn lúc nào cũng đầy ắp đàn gà, đàn vịt, đàn heo, những cây dừa, cây xòai đã bắt đầu ra trái cũng là lúc anh Trần Quang Phúc trúng tuyển vào đại học kinh tế. Hôm ấy ông Minh đang hì hục trên đồng thì dì Tư chạy ra báo tin. Mừng quá, ông chạy tắt đường đồng về nhà, cầm tờ giấy báo trúng tuyển của con mà hai tay run run, hai giọt nước mắt chảy dài . . . Thế là niềm hy vọng, khát khao của ông bà đã được con cái đáp lời, thế là đã không uổng công cho thân cò lặn lội sớm hôm.

Thế nhưng khi Phúc vào đại học thì vợ chồng dì Tư phải đối diện với một bài tóan mới: chi phí cho một sinh viên học đại học một năm, dù có tiết kiệm tối đa cũng phải mất một trăm giạ lúa, nghĩa là với sáu sào ruộng làm hai vụ, trừ đi chi phí sản xuất, còn lại cũng chỉ đủ cho Phúc học một năm. Trong khi đó, nếu tính từ bây giờ thì bình quân hai năm nhà dì sẽ có một đứa con vào đại học. Để giúp cha mẹ giải bài tóan ấy, cô con gái thứ hai Trần Thị Kim Loan tình nguyện nghỉ học để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và phụ với cha mẹ nuôi em. Không còn cách nào khác, vợ chồng dì Tư phải ngậm đắng nuốt cay mà chấp nhận đề nghị của con mình. Loan vừa đi dạy học kiếm tiền, vừa lo việc nhà, vừa chăm sóc một đàn em.

Hai năm sau, vào lúc nửa đêm, Trần Quang Phụng từ thị trấn lội bộ về, anh gọi cả nhà thức dậy và soi đèn pin cho mọi người xem giấy báo trúng tuyển vào khoa điện tử trường đại học Bách khoa. Rồi một năm sau nữa, vợ chồng dì Tư đang suốt lúa mướn ngòai đồng thì một người hàng xóm đến báo tin, Trần Quang Phước trúng tuyển vào đại học y khoa với số điểm cao nhất khu vực I. Hai ông bà bỏ ngang công việc làm mướn với một trạng thái mất hồn. Mừng vui ! Ừ thì không vui sao được ! Nhưng đang nuôi hai đứa sinh viên, nợ nần chồng chất, giờ biết lấy gì để nuôi đứa thứ ba ?

Dì Tư kể rằng, những năm ấy heo, gà, vịt lớn lên không kịp chi phí cho con, dì phải đi vay từ trong làng ra chợ, vay bất kỳ ai có thể vay được với lãi suất ba phần trăm một tháng. Từng gánh chuối chất nặng thêm cho mỗi buổi chợ dài thêm nhưng vẫn không đủ tiền đóng lãi. Đến khi Trần Quang Vũ tốt nghiệp phổ thông, vợ chồng dì Tư khuyên Vũ nên hõan lại một năm hãy thi vào đại học, chờ cho Phụng ra trường để bớt thêm một mối lo. Vũ nói hõan thì hõan, nhưng thi thì thi chơi vậy thôi. Ai ngờ, Vũ lại đậu vào đại học kiến trúc. Nợ nần chồng lên gia đình dì Tư như lổ mội xì vô ruộng, ém chổ nầy thì xì ra chỗ khác, rồi đến lúc không còn xoay xở nỗi, đành phải bán tốc ba sào rẫy, sáu sào ruộng, bán cả lúa non đang trổ đòng đòng.

Ông Minh nói: “Làm nông dân mà không có ruộng thì đã xót xa, ray rứt. Khi mua được ruộng, cảm thấy mình như được đổi đời, thấy mình mới đúng nghĩa nông dân. Nhưng khi bán ruộng để trả nợ, nhất là bán cả lúa non, lòng tôi đau như cắt. Thế rồi nằm đêm nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình bán ruộng để đầu tư cho con cái học hành, nghĩ vậy thì nghe nó bớt đau”. Dì Tư nói: “Học phí bình quân cho mỗi sinh viên khỏang 50 triệu đồng, cứ xoay đầu nầy, xở đầu kia, đến năm 2001, khi Trần Quang Việt, đứa con trai cuối cùng trúng tuyển vào đại học Bách khoa, nhà tôi còn nợ hơn một trăm triệu đồng. Cũng may, tụi nó khi học đến năm thứ hai là bắt đầu đi dạy kèm để tự nuôi thân, rồi mỗi đứa lần lượt ra trường, đứa lớn nuôi đứa nhỏ, rồi dành dụm tiền lương mang về trả nợ”.

Tôi hỏi thăm từng người con trong gia đình, dì Tư kể: “Thằng Phúc có cái may, hồi nhỏ tôi đã làm giấy cho chú ruột của nó, sau nầy chú ấy xuất cảnh, dẫn nó đi theo, qua Mỹ học tiếp, giờ mới ra trường, hôm rồi mang tiền về xây nhà, nhưng mấy anh em nó bàn tính với nhau, trả cho hết nợ, còn chuyện xây nhà để năm sau mấy đứa em nó lo. Thằng Phụng bây giờ mới thành lập công ty riêng; thằng Phước trở thành bác sĩ nhưng lại thích đi vùng sâu vùng xa, hết Kiên Giang rồi tới Bình Dương, hết Bình Dương lại sang Bà Rịa; thằng Vũ giờ là kiến Trúc sư, làm việc ở Sài Gòn; thằng Việt là kỹ sư cơ khí, làm ở khu công nghiệp Biên Hòa. Con Loan lấy chồng về Biên Hòa, mở tiệm may, cuộc sống khá giả nhưng mỗi lần nghĩ tới nó tôi và ba nó vẫn thấy xót xa, vẫn nghĩ như mình chưa làm tròn trách nhiệm với con trong việc học hành”.

Cách đây sáu năm, tức là lúc Trần Quang Việt mới vào đại học, nợ nần đang chồng chất, nhưng một lần về quê, thấy người em trai đang nghèo khổ, tật nguyền, có đứa con trai đang học lớp mười mới vừa bỏ học. Ông Minh đắn đo suy nghĩ, mình thì sắp kiệt sức rồi, đem nó vào thì chồng lên vai thêm gánh nặng, mà để cho nó bỏ học thì không nỡ lòng nào, cháu họ cũng như con. Thôi thì cố lên chút nữa để cứu lấy một cuộc đời. Và đứa cháu ấy tên là Trần Sĩ Phú, bây giờ là sinh viên năm cuối ngành điện tử đại học Bách khoa.

“Con cái thành đạt, nợ nần cũng đã trả xong, dì còn mơ ước gì nữa không ?” Tôi biết mình hỏi một câu rất thừa, nhưng cũng không thể nào không hỏi thế. Dì Tư lắc đầu cười: “Không. Hôm tết tụi nó bàn nhau xây lại ngôi nhà, tôi nói ừ thì cứ xây, nhưng đơn giản thôi, cha mẹ già rồi, ở có bao nhiêu mà làm cho tốn kém. Có đứa thì nói cha mẹ già ở đây hẻo lánh quá, không tiện, muốn đưa về Sài Gòn, có đứa thì lại nói mảnh đất nầy quá nhiều kỷ niệm thiêng liêng, không muốn bán. Tôi với ông nhà tôi cũng nghĩ như thế, chính nơi đây vợ chồng tôi đã thực hiện những mơ ước của mình”.

Tôi mời dì Tư ra đứng trước sân để chụp một tấm hình. Dì nói: “Đúng rồi, tôi cũng muốn chụp với cái mái tranh nầy để làm kỷ niệm, vài tháng nữa nó đâu còn”.

-->đọc tiếp...

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2008

ĐÓN ĐỌC TẠP CHÍ NGƯỜI ĐÔ THỊ PHÁT HÀNH NGÀY 24-10




Xem ra chuyện đưa "gái gú" lên trang bìa tạp chí đã lỗi thời, số báo nầy bán đắt như tôm tươi.

-->đọc tiếp...

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2008

ĐI CHƠI VỚI CHA CON ANH TIỀU PHU




Ha Long, ngày 18 thang 10-2008
-->đọc tiếp...

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2008

Trả lời phỏng vấn báo Văn Nghệ Trẻ




VÕ ĐẮC DANH:

VIẾT ĐỂ KHƠI DẬY LÒNG NHÂN ÁI

PHONG ĐIỆP thực hiện

Điều tôi tâm đắc là, sống trong cái vòng nghiệp chướng đầy cô đơn và khổ ải nầy, nếu chúng ta không thương yêu nhau, không chia sẻ với nhau, không tử tế với nhau thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình tử tế với mọi người, với đồng bào đồng loại.

· Biết tin mình giải nhất cuộc thi bút kí Việt Nam - Tổ quốc tôi do Tuần báo Văn nghệ Tổ chức anh có bất ngờ?

-Tôi nghĩ viết là một sự giãi bày, là kể chuyện, là tâm sự với bạn đọc những gì mình nghe, mình thấy, mình trăn trở để cùng nhau chia sẻ.Chưa bao giờ tôi ngồi viết một bút ký với tâm lý viết để dự thi. Mỗi năm tôi viết cho Văn Nghệ khoảng chục bài, nhưng năm nay ngay thời điểm của cuộc thi thì tự nó “dính” vào thôi, chẳng có gì phải bất ngờ. Nếu giải nhất không thuộc về tôi thì cũng là người khác. Tôi quan niệm cuộc thi là một cuộc chơi, nó mang lại cho đời sống văn học một không khí vui vẻ, lành mạnh. Thực chất đây không phải là cuộc so tài. Cũng như các cuộc thi hoa hậu, người đoạt chiếc vương miệng chưa hẳn là người đẹp nhất, vì có rất nhiều người đẹp hơn nhưng họ không tham gia. Nhưng có điều làm tôi khó hiểu, tôi tự thấy “Cổ Tích Trên Đỉnh Mồ Côi” không hay so với “Đất Của Mẹ”, “Canh Bạc”, “Trên Đồng Bưng Sáu Xã”. Ngay cả dư luận xã hội cũng thế, nhưng tại sao nó không thuộc về sự lựa chọn của BGK ?

· Điều này tôi nghĩ ban giáo khảo sẽ có những lý do xác đáng.Ví dụ như hiệu ứng xã hội mà bài bút kí đã tạo ra được trong công chúng. Đọc lại bút kí Cổ tích trên đỉnh mồ côi, tôi tò mò muốn biết: bà Võ Thị Ba, anh Nguyễn Tấn Bông giờ ra sao? Những đứa trẻ sống trên đỉnh Mồ Côi bây giờ ra sao? Tôi được biết sau khi bài báo đăng tải trên báo chí, nhân vật của anh đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của những người hảo tâm. Sự giúp đỡ - dù ít dù nhiều đều hết sức đáng quý. Tuy nhiên những khó khăn cho những đứa trẻ mà Nguyễn Tấn Bông và dì Ba nhận về nuôi vẫn còn rất nhiều. Và điều mà nhiều người băn khoăn – trong đó có tôi, đó là : Một bài viết xuất hiện trên báo một lần. Người ta muốn kiếm đọc cũng không phải dễ dàng. Anh có thể in sách tập hợp các bài viết ấy, nhưng số ấn phẩm cũng chỉ hạn chế. Vậy làm cách nào để những số phận như các cháu Giàu, Thanh, Hà… được nhiều người biết đến cũng như được nhận thêm nhiều sự chia sẻ giúp đỡ của mọi người? Anh có suy nghĩ về điều này?

-Tôi thường xuyên liên lạc với Dì Ba và anh Bông qua điện thoại. Sau khi báo đăng, họ đã nhận được những cú điện thoại từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn gọi đến chia sẻ. Bản thân tôi cũng mua vài chục tờ báo gởi tặng bạn bè đồng nghiệp ở các cơ quan truyền thông và post bản thảo lên blog. Các chương trình truyền hình từ thiện như Sức sống mới của VTV, Câu chuyện ước mơ của HTV cũng nhờ tôi cung cấp thêm thông tin về đường đi nước bước lên Núi Cấm để họ làm phim. Sóng truyền hình phủ cả nước, internet kết nối toàn cầu. “Cổ Tích Trên Đỉnh Mồ Côi” lần lượt khơi dậy lòng nhân ái của bà con trong nước, ngoài nước. Nhiều tổ chức từ thiện đã không ngại đường xá xa xôi, mang quà, mang tiền lên tiếp sức với anh Bông để nuôi đám trẻ. Chính anh Bông là người gọi điện cho tôi hay bút ký của tôi đã được giải thưởng trên báo Văn Nghệ. Tôi hỏi vì sao anh biết, anh nói một đồng đội cũ của anh ở Hà Nội điện vào. Anh cũng “bật mí” với tôi một câu chuyện giống như là cổ tích, rằng có một cô gái từ Mỹ gọi điện, gởi thư, gởi hình về và “đặt vấn đề” duyên nợ với anh để cùng anh chăm lo cho “Bà Tiên” và những thiên thần bé nhỏ. Có lẽ cuối năm nay, họ sẽ làm đám cưới.

Khi có tin chính thức về giải thưởng, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Toại, phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu gọi điện cho tôi, nói ACB sẽ tặng anh Bông 10 triệu đồng, chị Lê Hải Lý, Việt kiều Đức cũng vừa gởi mail cho hay sẽ tặng anh Bông 5 triệu đồng. Nghe anh Hà Nguyên Huyến nói ở Hà Nội sẽ có các nhà hảo tâm giúp anh Bông một số tiền nữa. Tôi cũng báo tin cho anh Bông biết là BTC có gởi giấy mời anh ra Hà Nội nhận tặng thưởng trong lễ trao giải. Anh Bông mừng lắm, nói sẽ dẫn theo hai đứa bé. Đúng là một cuộc hội ngộ đầy thú vị.

· Vậy là – như mọi câu chuyện cổ tích – các nhân vật trong bài bút kí của anh đã đón nhận một cái kết có hậu. Song tôi vẫn không thôi day dứt về điều này: trong hàng trăm bài bút kí của anh, với hàng trăm phận người éo le – thế nhưng không phải ai cũng có một đoạn kết tươi sáng như anh Bông. Và rộng hơn nữa, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vẫn còn nhiều lắm những thân phận cơ nhỡ, bất hạnh cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng. Vậy phải làm thế nào đây để nhân rộng vòng tay nhân ái, để bớt đi những số phận bất hạnh?

-Đôi lúc tôi cũng chiêm nghiệm lại điều nầy, còn nhớ rất rõ năm 2000, khi bút ký Hồ Sơ Một Vết Thương đăng trên báo Văn Nghệ, kể về chị Bảy Lòng, một nữ thương binh mất khả năng lấy chồng sinh con, chị đã xin một đứa con nuôi, sống trong túp lều rách nát, hàng ngày đội bánh bò đi bán ở một chợ quê để nuôi cháu học từ lớp một đến đại học. Mấy hôm sau, tôi nhận được mail của chị Dạ Ngân cho hay, có cô Thùy Chi là sinh viên ở Hà Nội mang đến tòa soạn gởi 5 triệu đồng cho chị Bảy. Tôi phô tô tờ báo gởi cho ông bí thư tỉnh ủy Cà Mau và cung cấp cho ông cái thông tin về nghĩa cử của cháu Thùy Chi. Vậy là vài tháng sau, chị Bảy có được một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi ở trung tâm thành phố Cà Mau nhờ sự quyên góp của các tổ chức, cá nhân và chính quyền địa phương. Cách nay vài tuần, tôi viết về một bà già bán bánh chuối nướng trước nhà sách Sài Gòn, bà nầy sống trong căn nhà chỉ 8 mét vuông ở Phú Nhuận với hai đứa con trai, một khùng, một xơ gan. Từ hôm báo đăng đến nay, ngày nào bà cũng nhận được sự giúp đỡ của những người qua đường, có người cho vài trăm ngàn, có người cho cả triệu đồng, có người giả bộ mua một cái bánh, đưa 50 ngàn rồi bỏ đi, không lấy tiền thối. Nói chung, hầu hết những nhân vật của tôi mang những số phận tương tự như vậy đều được sự giúp đỡ của cộng đồng, dù nhiều hay ít. Nhưng cáy đắng thay, những số phận khác, những người bị vướng vào nỗi oan mất nhà, mất đất như Xin Lỗi Chị, Canh Bạc, Thư Sài Gòn, Đất Của Mẹ, Trên Đồng Bưng Sáu Xã . . . thì lại rơi vào khoảng trống lạnh lùng, vô cảm của chính quyền. Trước câu hỏi của chị: “Vậy phải làm thế nào đây để nhân rộng vòng tay nhân ái, để bớt đi những số phận bất hạnh?”- làm cho tôi cảm thấy nhói lòng. Tại sao ngòi bút của tôi có thể khơi dậy được lòng nhân ái của cộng đồng mà nó lại không thể làm cho cái ác giảm bớt đi ? Câu trả lời nầy xin nhường lại cho các nhà chức trách.

· Có thể nhận thấy hầu hết những trang viết của anh đều hướng về những phận người nghèo khổ. Những câu chuyện hiện lên dung dị như chính cuộc sống thường ngày nhưng lại khiến người ta day dứt. Có bao giờ anh bận tâm đến cái gọi là “kĩ thuật viết” – mà hiện nay trong các trường dạy nghiệp vụ báo chí, nó khá được chú trọng?

-Tôi là con người thô mộc từ cuộc sống đến trang viết, tôi sống hồn nhiên như cỏ cây và cũng viết hồn nhiên như cỏ cây, viết theo dòng chảy tự nhiên của cảm xúc, nghĩ sao viết vậy, không cân nhắc, không tính toán, cho nên cái gọi là “kỹ thuật viết” với tôi nó hoàn toàn xa lạ, thậm chí tôi chưa xác định được rằng mình viết văn hay viết báo. Trong làng báo thì gọi tôi là nhà văn, còn mấy ông trong hội nhà văn thì gọi tôi là nhà báo. Tôi thì không quan tâm đến thứ danh nghĩa nào, cái chính là mình có chia sẻ được với nỗi đau của đồng loại một cách đàng hoàng, tử tế hay không.

· Miệt mài đi và viết. Sự thành công vốn không bao giờ dễ dàng có được. Để có được hàng trăm bài bút kí đến được với bạn đọc, có thêm những thân phận bất hạnh được sẻ chia, giúp đỡ; anh đã phải đánh đổi/ trả giá điều gì từ chính cuộc sống của mình?

-Tôi thấy hình như chẳng phải đánh đổi hay trả giá gì cả, thậm chí ngược lại, nếu nói rằng hạnh phúc của con người ta là được làm những điều mình thích thì với tôi, đó chính là hạnh phúc. Tôi như con ngựa hoang, thích đi đâu thì đi, thích viết cái gì thì viết, chẳng có sự ràng buộc nào ngoài sự thúc bách của lương tâm.

· Trong những lần đi thực tế viết bài, anh có thường gặp phải những trở ngại hay áp lực nào đó khiến cho mình phải chùn bước?

-Cái đó thì nhiều, thậm chí bị thu luôn cái thẻ nhà báo, nhưng chùn bước thì không, tôi chỉ ngoảnh lại cười trừ rồi đi tiếp. Với tôi, những trở lực ấy chỉ là chuyện nhỏ nhoi như hòn sỏi dước chân mình. Còn những gì thuộc về lẽ phải, những gì thuộc về cái đạo của người cầm bút ví như ngọn núi cao đang vẫy gọi mình phía trước. Thế là ngựa hoang leo núi, biết rằng không kém gian nan.

· “Người thầy” lớn nhất trong nghề báo của anh là ai?

-Tôi không học trường báo chí ngày nào nên không có thầy. Người xưa nói “Học thầy không tầy học bạn”, tôi tâm đắc câu nói ấy. Tôi học ở bạn rất nhiều, bạn đồng nghiệp và bạn đọc. Nếu người cầm bút biết tôn trọng bạn đọc thì mới nghiệm ra rằng chính họ là người thầy vĩ đại nhất của mình. Tôi may mắn có nhiều người thầy như thế, họ là những nông dân, là tiểu thương, là lớp nghèo thành thị, là trí thức, là văn nghệ sĩ, là công nhân. Họ theo dõi tôi từng đường đi nước bước, từng trang viết, từng chi tiết, từng chữ từng câu, từng niềm vui nỗi buồn của từng nhân vật. Tôi không bao giờ dám phụ lòng họ. Với họ, tôi nguyện suốt đời làm đứa học trò ngoan ngoãn để họ chấm điểm cao.

· Thất bại lớn nhất với một người cầm bút – theo anh – là gì?

-Nhiều thứ lắm, trước hết là sự vô cảm, không nhìn ra sự thật hoặc không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám gọi đúng tên của sự việc. Nhưng thất bại lớn nhất, không thể cứu vãn được đối với người cầm bút là thiếu cái tâm.

· Có khi nào anh đặt ra câu hỏi: nếu không cầm bút, viết báo nữa ; mình sẽ làm gì?

-Có hai công việc mà tôi đam mê. Đó là viết bút ký và làm đạo diễn phim tài liệu. Và tôi cũng đã từng đặt câu hỏi và cũng đã tự trả lời.

· Tôi thỉnh thoảng có đến chùa, và những lời cầu nguyện mà tôi thường nghe thấy đó là: cầu sức khoẻ, cầu danh lợi, cầu phát tài phát lộc… Còn anh – đã khi nào anh cầu cho bản thân mình điều gì đó?

-Tôi rất trân trọng niềm tin, lòng hướng thiện của con người đối với tôn giáo. Và tôi cũng nhận thấy rất rõ cái ác luôn xuất phát từ những kẻ ngoại đạo, vô thần. Riêng tôi, tôi tâm đắc nhiều với các học thuyết của Không Tử, Lão Tử và Trang Tử, trong đó, Trang Tử giúp tôi lòng tự tin và sự thanh thản trong đời sống, trong công việc. Tôi nghĩ người ta cầu nguyện chẳng qua vì người ta thiếu tự tin. Với tôi, cái gì tôi muốn thì tôi quyết làm cho được chớ không cầu nguyện hay vái van. Kể cả hồi trước tôi muốn vợ cũng vậy.

· Nếu có một lời gan ruột nhất về quãng đường gần 30 năm lặn lội làm báo của mình, anh sẽ chia sẻ với chúng tôi điều gì?

-Như tôi đã nói trên, viết là một cách để giải bày khi mình cảm thấy có nhu cầu muốn viết.Nhà văn Sơn Nam từng nói với chúng tôi, đại khái rằng, bước vào con đường nầy mà nghĩ để kiếm danh thì đừng có hòng, coi chừng móc bọc. Còn nếu viết báo, viết văn mà làm giàu được thì mấy ông Ba Tàu Chợ Lớn làm hết rồi, không tới lượt mình đâu. Nghĩa là cả cái lợi lẫn cái danh đều không có. Tôi càng nghiệm càng thấy ông già nói đúng. Cái lợi thì rõ ràng đã không có rồi. Còn cái danh, đôi lúc mình thấy có đó, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là danh ảo mà thôi. Sự ảo tưởng ấy đã xô đẩy bao nhiêu con người trở thành những con thiêu thân, cuối cùng thì người không ra người, ngợm không ra ngợm. Có người biết thế nhưng không quay lại được. Quan niệm Phật giáo cho rằng đó là nghiệp chướng. Cho nên, điều tôi tâm đắc là, sống trong cái vòng nghiệp chướng đầy cô đơn và khổ ải nầy, nếu chúng ta không thương yêu nhau, không chia sẻ với nhau, không tử tế với nhau thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình tử tế với mọi người, với đồng bào đồng loại.

-->đọc tiếp...

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2008

BÀ LÃO BÁN BÁNH CHUỐI





Tôi hỏi dì thứ mấy, dì nói: “Cứ gọi tôi là dì Cúc, tôi không có anh chị em gì cả nên cũng không biết mình thứ mấy”. Bà lão vừa đẹp người, vừa ngọt ngào, nhân hậu. Một tay bà cầm miếng bánh chuối trở qua trở lại trên bếp than, mắt trông chừng về phía xa xăm trên con đường một chiều. Rồi bất giác bà gom tất cả vào cái giỏ, vừa bưng vừa chạy. Cả khu phố nhốn nháo lên khi chiếc xe tải nhỏ của nhân viên quản lý trật tự đô thị chầm chậm đi qua. Như một hòn đất vừa ném xuống ao bèo, chiếc xe tải nhỏ ấy vừa khuất bóng thì những người buôn bán trên vỉa hè trở về vị trí. Thuốc lá, quà lưu niệm, bao cao su, văn phòng phẩm, bánh mì, bánh bông lan, bánh chuối . . . mỗi người một gánh, một giỏ, một chiếc bàn con, một thúng, một xịa . . . dọc theo đường Lê Lợi, tồn tại suốt mấy chục năm qua, trở thành hình ảnh quen thuộc với khách qua đường. Dì Cúc từ trong nhà gởi xe thở phào bước ra, đặt cái giỏ xuống vị trí của mình trước nhà sách Sài Gòn. Lại thở phào, dì nói với tôi: “Hôm trước tôi bị tịch thu cái ghế mủ, xách không kịp, mới mua lại hết mười ngàn đồng”. Tôi ngồi xuống cạnh dì, nhấm nháp vài cái bánh chuối, cảm giác ấm áp, gần gũi như chính mẹ tôi. Chỉ khác chăng là mẹ tôi xưa trầm mình suốt ngày dưới đồng cạn đồng sâu để nâng niu từng cây lúa, còn dì dãi nắng dầm mưa, chắt chiu từng đồng giữa chốn phồn hoa đô hội.

Tôi quen dì Cúc qua một sự hiểu lầm. Hôm ấy, đưa con gái vô nhà sách Sài Gòn, trời mưa lất phất, thấy bà lão bán bánh chuối cho mấy người khách ngoại quốc, sẵn máy ảnh tôi bấm vài kiểu, dì đứng dậy bỏ đi, nét mặt buồn buồn. Khi tôi cất máy vào túi, dì mới quay lại chỗ ngồi và nói như cầu khẩn: “Chú đừng chụp hình tôi, tôi sợ lên báo lắm”. Tôi hỏi tại sao, dì nói mình bán hàng rong, phải trốn chui trốn nhũi, lên báo rồi làm sao trốn được. Tôi mua bánh của dì thay cho lời xin lỗi. “Khổ lắm cháu ơi, từng tuổi nầy phải nuôi hai thằng con trai trên ba mươi tuổi. Một thằng khùng, một thằng bệnh xơ gan”. Bán mỗi cái bánh chuối lời một ngàn đồng, mỗi ngày kiếm được bảy tám chục ngàn, nhưng phải tốn ba chục ngàn cho hai cuốc xe ôm. Tôi nói để tối nay con chở dì về, đỡ tốn mười lăm ngàn. Dì nói: “Thôi, vừa làm phiền cháu, lại làm phiền chú chạy xe ôm. Hàng đêm, mưa gió cỡ nào chú ấy cũng chờ tôi đến chín giờ rưỡi, lúc ấy có ai kêu một cuốc ba bốn chục ngàn chú cũng không đi”.

Hôm sau, tôi mua một ít thuốc nam mang đến trao cho dì, tôi nói tôi muốn qua nhà xem bệnh gan của thằng Lộc ra sao để giúp nó chữa trị. Dì vui mừng và cảm ơn rối rít. Dì nhờ một người bán hàng rong bên cạnh: “Nhắn với chú xe ôm giùm tôi đêm nay khỏi rước, tôi phải dẫn một đứa cháu về nhà để xem bệnh cho thằng Lộc”. Rồi dì quay sang tôi: “Phải nói như vậy để chú xe ôm đừng buồn”.

Ngôi nhà dì Cúc nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Xích Long. Gọi là nhà, nhưng thật ra nó nhỏ hơn một căn phòng ngủ bình thường. Ngang hai mét, dài bốn mét. Phía trên có cái gác gỗ. Dì nói thằng Lộc ngủ trên đó, còn dì với thằng Phát ngủ ở dưới. Thằng Phát ngồi trầm ngâm, tựa lưng vào vách tường, thỉnh thoảng cười một mình, thỉnh thoảng lại lườm lườm nhìn mọi người như nổi giận. Lộc thì bắc ghế ngồi ngoài hiên, mặc quần cụt, ở trần, da ngâm đen, người ốm còm, yếu ớt. Tôi hỏi bệnh tình thế nào, Lộc buồn rầu đáp: “Bác sĩ nói em bị xơ gan”.

Xơ gan ! Nếu nhẹ thì cũng phải tốn bạc trăm triệu, còn nặng thì vô phương cứu chữa. Tôi hỏi Lộc gần đây có đi xét nghiệm không, Lộc lắc đầu, bảo có xét nghiệm cũng chỉ buồn thêm thôi, giải quyết được gì. Xơ gan thì không được làm nặng, vậy mà có lúc Lộc đi làm thợ hồ, làm được một hai ngày rồi đuối sức. Hàng ngày, Lộc ngồi trước cửa, đón mấy người mua ve chai để nó mua lại các món đồ điện, rả ra, chùi bóng từng món phụ tùng rồi mang đi bán, có hôm cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, có hôm không kiếm được đồng nào.

Dì Cúc nhìn Lộc đang ngồi trầm tư, rồi như dì nói với chính mình: “Thôi thì nó sống vui được ngày nào hay ngày nấy, số trời đã định vậy rồi”. Hỏi đời dì khổ nhất là lúc nào, dì nói khổ từ nhỏ đến giờ thì biết sao mà nói được, nhưng riết rồi quen, rồi không còn thấy khổ. Nhưng buồn nhất là những lúc bị cảm cúm, nhức đầu hay trời mưa kéo dài không đi bán được, ba mẹ con nằm chèo queo trong nhà mà hết gạo hết tiền. Hỏi quê quán, dì chỉ biết mình gốc gác Quảng Nam, cùng với mẹ trôi dạt vào Sài Gòn theo khói lửa chiến tranh, dựng một căn chòi bên bờ kinh Nhiêu Lộc. Dòng kinh đen oánh ấy đã nhuốm bao thế hệ đời người. Chồng bị bắt lính rồi biệt tích, để lại cho dì bốn người con trai, cũng lớn lên bên dòng kinh đen ngòm số phận. Sau khi giải tỏa kinh Nhiêu Lộc, dì được đền bù một số tiền đủ mua căn nhà mười sáu mét vuông. Rồi nghèo túng, nợ nần, căn nhà cũng teo tóp dần còn một nửa. Hai người con trai lớn cưới vợ, ra riêng nhưng vẫn nối tiếp số phận bấp bênh của đời người đi trước.

Tôi nghĩ miên man về một chiếc cần câu cho dì Cúc, nhưng đành chịu, chỉ còn biết hy vọng vào một phép màu nào đó. Tôi bèn hỏi, nếu ông trời cho dì một điều ước, chỉ một điều duy nhất thôi, thì dì sẽ ước gì ? Dì Cúc trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: “Ước bán đắt hơn để đủ tiền nuôi hai đứa nó”. Tôi lại hỏi, nếu có thêm điều ước thứ hai ? Dì cũng trả lời ngay: “Ước mạnh giỏi, đừng chết trước hai đứa nó”.

Trời ạ ! Gần bảy mươi tuổi rồi, lại phải lo cái nỗi lo lá úa lìa cành trước lá xanh !

Tôi hỏi có khi nào dì tìm thấy một niềm vui, dì nói cũng có, ví dụ như mấy cô nhân viên nhà sách Sài Gòn, tháng nào lãnh lương cũng dúi vào tay dì chút ít tiền, người năm chục, người một trăm. Mới đây, đứa cháu nội thi rớt đại học, được cô giám đốc nhà sách giới thiệu vô làm việc trên công ty. Mình bán ở đây, mấy cổ không đuổi mà còn giúp đỡ, ơn nầy không biết bao giờ mới đền đáp được.

Con gái tôi, sau khi nghe tôi kể câu chuyện nầy, nó nói: “Cha nói với bà, hàng đêm con đi học Anh Văn, con sẽ đưa bà về để đỡ tốn mười lăm ngàn”. Nhưng dì lại từ chối: “Thôi cháu ạ, cho dì gởi lời cảm ơn con bé, nhưng làm như vậy tội nghiệp chú xe ôm. Chú ấy tốt lắm, đêm nào mưa to gió lớn cũng không bỏ dì, hôm rồi xăng lên giá, dì bảo lấy thêm hai ngàn, chú ấy cũng từ chối”.

Thôi thì đành vậy. Kể câu chuyện nầy, tôi cũng không mong mõi gì hơn, nếu hôm nào các bạn chợt đi qua đường Lên Lợi, hãy ghé trước nhà sách Sài Gòn - từ 16 giờ chiều đến 21 giờ đêm - mua giúp dì Cúc vài chiếc bánh chuối nướng. Bởi dì đã nói, nếu ông trời cho dì một điều ước, dì chỉ “ ước sao bán đắt hơn để đủ tiền nuôi hai đứa nó” mà thôi.

-->đọc tiếp...

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2008

CÒ ỈA MIỆNG VE




Một cái ve chai để giữa đồng, con cò bay qua, phẹt một cái, trúng vô miệng chai. Ông bà ta nói rằng CÒ ỈA MIỆNG VE là như thế, haha !

-->đọc tiếp...

Mời bạn lên Đỉnh Mồ Côi xem cổ tích





Có ai muốn chia sẻ cùng anh Bông ?



CỔ TÍCH TRÊN ĐỈNH MỒ CÔI

Khi bà Tiên qua đời, anh tiều phu có lo cho những thiên thần bé nhỏ ấy học hành đỗ đạt hay không? Những câu chuyện cổ tích bao giờ cũng đi đến một kết thúc có hậu. Nhưng dân gian thường hay lý giải sự bế tắt bằng những phép màu. Và tôi hy vọng trong câu chuyện nầy, sẽ có một phép màu nào đó đến với anh Bông. Phép màu ấy chính là cái tâm, l à lòng nhân ái đang ẩn chứa đâu đây, trên cõi đời nầy.

Bà Võ Thị Ba, bảy mươi tuổi, tóc trắng như một bà Tiên; con trai bà, anh Nguyễn Tấn Bông, 43 tuổi, người gân guốc, đen sạm và mạnh khoẻ như anh tiều phu; mười một đứa trẻ, chín trai, hai gái, đứa lớn năm tuổi, đứa nhỏ nhất một tuổi, đứa nào cũng trắng trẻo, khôi ngô như những thiên thần. Đó là một gia đình sống trên đỉnh Mồ Côi hoang vắng, thuộc quần thể Núi Cấm, giữa vùng núi Thất Sơn, An Giang. Người ta cho rằng đó là một gia đình lạ, có một không hai trên đất nước nầy, nếu không muốn nói là có một không hai trên thế gian.

Dì Ba kể rằng, quê dì ở Bình Thủy, Cần Thơ. Ngày xưa dì từng là chủ xe đò. Năm 1980, có lần dì theo xe đưa ngĩa vụ quân sự qua Thất Sơn, bổng dưng dì mê núi. Từ đó, thỉnh thoảng là dì “đi núi”, không phải viếng chùa cúng miễu gì cả, dì không theo đạo nào, nhưng trong nhà dì, đạo nào dì cũng thờ, thờ chung một bàn, không sợ họ “nghịch” nhau. Dì nói, tôi không học giáo lý của tôn giáo nào cả, nhưng tôi thờ tất cả vì đạo nào cuối cùng cũng là hướng thiện, mà con người luôn cần có cái tâm. Trở lại chuyện đi núi, dì nói không hiểu sao mỗi lần đi là không muốn quay về. Núi Cấm hồi ấy hùng vĩ, mênh mông, hoang vu và cô tịch. Vậy mà dì cảm thấy mê. Một hôm, dì nói với các con: “Tao bán nhà lên lên Núi Cấm ở”. Anh Nguyễn Tấn Bông, con trai út của dì lúc bấy giờ mới hai sáu tuổi, nói: “Nếu má đi thì con đi theo má”. Cuối năm 1991, dì bán căn nhà được ba lượng vàng, dẫn anh Bông lên xe đò đi Núi Cấm. Anh Bông kể: “Đầu tiên khi đến đây, hai mẹ con tôi mua một căn nhà nhỏ dưới chân núi để mở quán cà phê. Được một năm, má tôi nói ở đây xe cộ ồn ào, những ngày lễ chùa, khách hành hương đông nghẹt. Bán quán thì cần khách, nhưng khách đông thì bà cảm thấy khó chịu. Biết tính má tôi muốn sống yên tĩnh một mình, không thích gần ai nên tôi tìm đường lên đỉnh Mồ Côi mua đất. Gọi là mua nhưng thật ra hồi ấy, ba mẩu đất chỉ có hai chỉ vàng. Từ chân núi lên tới đỉnh Mồ Côi, hồi ấy không có đường xe, chỉ có con đường mòn len lỏi theo con suối Thanh Long. Độ cao của Núi Cấm chỉ trên dưới bảy trăm mét nhưng đường lên đỉnh quanh co gần mười cây số, lên xuống nhiều con dốc, lởm chởm đất đá, đầy nguy hiểm, nhọc nhằn. Cách một hai cây số mới có một ngôi nhà. Rừng núi hoang vu buồn đứt ruột.Vậy mà má tôi kiên quyết ở đây”. Hỏi, lúc mới lên sống bằng gì ? Anh Bông nói, cái may mắn của anh là, từ chiến trường Campuchia vừa xuất ngũ trở về, đôi chân và cả phần tâm linh còn quen với núi rừng bên ấy. Ban đầu, anh đi gánh mướn các loại đồ rẫy cho những gia đình trên núi. Nào su, nào chuối, nào xoài, nào mít, nào măng . . ., mỗi gánh bảy mươi ký, mỗi ký hai trăm đồng, mỗi ngày anh gánh hai chuyến từ đỉnh xuống chân núi, có khi chuyến lên gánh thêm gạo, cát, đá, xi măng, gạch ngói. Bông vừa gánh thuê, vừa học nghề làm rẫy. Mấy năm sau, ba mẩu đất của anh đã thành một khu vườn. Từ đó Bông không còn đi gánh hàng thuê nữa mà gánh thành quả của chính mình. Cứ ba ngày đi một chuyến, mỗi chuyến kiếm ba bốn trăm ngàn. Thấy anh làm giỏi, chi cục kiểm lâm giao cho anh quản lý thêm 12 mẩu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm mươi năm.

Mười năm sau kể từ ngày lên Núi Cấm, “chàng tiều phu” Nguyễn Tấn Bông đã tích lũy được vài chục cây vàng. Dì Ba giục anh đi cưới vợ. Tuổi đã sắp bốn mươi rồi. Bông cũng từng ước mơ trong căn nhà có thêm người phụ nữ, có tiếng cười tiếng khóc của trẻ thơ. Nhiều lúc trong chiêm bao, Bông thấy thấp thoáng một người vợ trẻ, tay ẳm con đứng chờ anh sau mỗi chuyến đi rừng. Nhưng người phụ nữ ấy là ai ? Mười năm sống ở đây, Bông chưa hề quen được một người bạn gái.

Thế rồi bổng dưng năm năm qua, ông trời cho Bông liên tục mười hai đứa con, mười trai hai gái, thành một bầy trẻ trong nhà. Câu chuyện như một huyền thoại lan truyền khắp rừng núi Thất Sơn. Và, qua mỗi ngọn núi, nó được thêu dệt thêm đôi chút. Khi chúng tôi lần mò lên tận đỉnh Mồ Côi, chứng kiến tận mắt, nghe kể tận tai mới biết rõ ngọn nguồn sự thật. Năm 2002, dì Ba với anh Bông về Cần Thơ thăm đứa cháu gái trong bệnh viện đa khoa. Tình cờ, dì nghe được câu chuyện khá thương tâm: có một thai phụ nghèo không có tiền nhập viện, chị ôm bụng ngồi khóc quằn quại trên ghế đá trước sân khoa sản. Anh Bông đưa dì Ba vào thăm, cho tiền và làm thủ tục cho chị ta nhập viện với tấm lòng thành, giúp người vượt cạn trong cảnh nghèo khó neo đơn. Sau khi thằng bé ra đời, người sản phụ kia quỳ lạy tạ ơn và nói ra sự thật: “Cháu ở trong quê, chồng chết, nhà nghèo phải đi làm phụ hồ để nuôi một đứa con. Nhưng vì nhẹ dạ nên cháu bị tay thợ hồ lường gạt. Giờ nếu ẳm con về thì không biết lấy gì nuôi . . .”. “Đây là năm chỉ vàng, đây là tám trăm ngàn, tôi giúp cô làm vốn mua bán kiếm sống. Còn thằng bé, tôi mang nó về đỉnh Mồ Côi trên Núi Cấm. Sau nầy nếu cô muốn nhận con thì cứ lên đó, tôi giao lại. Điện thoại của tôi là 0986544323”.

Trước khi ẳm thằng bé ra về, dì Ba để lại số điện thoại cho các bác sĩ và hộ lý của khoa sản cùng với lời căn dặn: “Từ nay về sau, nếu có trường hợp tương tự như vậy, các cô gọi điện cho mẹ con tôi. Trước hết là mình giúp người ta mẹ tròn con vuông, sau đó, nếu người ta vì lý do gì mà không nuôi con được thì mình đem về nuôi giúp”.

Câu chuyện bắt đầu là như vậy. Mỗi lần nghe điện thoại từ bệnh viện đa khoa, anh Bông, dù đang cuốc đất trồng khoai giữa rừng sâu cũng bỏ việc chạy về. Gọi đứa cháu qua giữ nhà, hai mẹ con lăng xăng xuống núi. Từ chân núi đi xe lôi qua thị trấn Tịnh Biên, từ Tịnh Biên đi xe đò lên Long Xuyên, rồi từ Long Xuyên lại đi xe đò qua Cần Thơ, một cuộc hành trình không đơn giản để làm một công việc độc nhất vô nhị trên đời. Cứ thế, sau mỗi cú điện thoại: “Em ở khoa sản, bệnh viện đa khoa cần Thơ. . .” là trong nhà anh Bông thêm một tiếng khóc trẻ sơ sinh. Anh Bông vừa cười vừa nói: “Trời khiến thế nào mấy ông ạ, năm 2005, tôi ẳm về năm đứa, mà năm ấy má tôi lại bệnh. Ối trời đất ôi, khuấy sữa, thay tả, tắm rửa, ca hát suốt ngày. Lại phải lên rừng hái măng, hai su gánh xuống núi, rồi mua tả giấy, mua sữa gánh lên. Nhưng vậy mà vui, đứa nào đứa nấy bụ bẩm ngon lành, không bệnh hoạn gì hết.”

Anh Bông kéo đám trẻ vào lòng, vừa xoa đầu, vừa kể về hoàn cảnh ra đời của từng đứa một: “Đây là thằng Nguyễn Sơn Giàu, đứa đầu tiên con của chị phụ hồ đây, nó đẻ bọc điều đó, thằng nầy không thành tỷ phú thì cũng làm quan. Còn đây là thằng Nguyễn Sơn Thanh, đẻ được hai ngày thì mắc bệnh phổi. Tôi với má tôi lên giúp một triệu đồng, nhưng không ngờ mẹ nó cầm một triệu đồng rồi bỏ trốn. Thằng nhỏ mới hai ngày tuổi mà phải thở oxy, ngậm ống sữa và truyền nước biển. Tôi với má tôi phải ở lại bệnh viện nuôi nó hai mươi ngày. Khi ẳm nó về, bác sĩ dặn mỗi tháng phải lên tái khám. Nhưng năm năm nay có tái khám lần nào đâu, mà nó cứ sân sẩn. Còn đây là thằng Nguyễn Sơn Hà, mẹ nó là một cô gái nghèo đi mót lúa ở Vị Thanh, phải lòng một thằng chăn vịt, mang thai lúc mới mười bảy tuổi, sợ bị phát hiện nên dùng dây thun nịt bụng rồi trốn sang ở nhà bà ngoại. Khi chúng tôi đến bệnh viện thì nghe nói nó bị đứt tim thai, phải mổ bỏ con để cứu mẹ. Nhưng không ngờ nó được cứu sống. Nó sống, nhưng mẹ nó không dám mang nó về nhà . . .

Mười hai đứa trẻ trong căn nhà nầy là mười hai câu chuyện khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ, chúng là kết quả của những cuộc tình vụn trộm từ trong nhà trọ đến màn trời chiếu đất ngoài đồng. Anh Bông kết thúc câu chuyện thứ mười hai bằng một nỗi buồn: “Nó là Nguyễn Sơn Thành, đang nằm trên núi. Khi tôi với má tôi đến thì mẹ nó đã bỏ đi, nó nằm trong phòng cấp cứu suốt hai mươi ngày với chứng bệnh não úng thủy, một chứng bệnh ngặt nghèo. Tôi với má tôi rất đắn đo, cuối cùng thì không thể quay lưng trước một hài nhi vô tội. Nhưng suốt ba tháng, thằng bé cứ khóc ngày khóc đêm, đầu to dần, mắt đờ đẩn. Tôi ẳm nó trở lại bệnh viện, nơi nó cất tiếng khóc chào đời, bác sĩ nói ở đây không có khả năng điều trị, tôi đưa nó lên bnh viện nhi đồng II, người ta nói phải phẩu thuật để đặt ông dẫn, sẽ rất tốn tiền nhưng không khả thi. Và đúng là như vậy, tôi đã bán miếng đất lấy mấy chục triệu đồng để mong nó sống, nhưng hơn hai năm sau thì nó đã ra đi”.

Qua câu chuyện buồn ấy, Bông lại ôm mấy đứa nhỏ vào lòng: “Tôi còn mười một đứa, chín trai, hai gái. Nhưng năm rồi, nhỏ em ở Cần Thơ lên chơi, thấy bé Cẩm Như đẹp quá, nó nói cho mượn về chơi mấy tháng, nói vậy rồi nó giựt luôn không trả, giờ con nhỏ đang học mẫu giáo ở dưới, lâu lâu gọi điện lên than nhớ cha, nhớ nội nhưng cô Út không cho về”. Sau mỗi câu nói như vậy là một tràng cười, tiếng cười nắc nẻ, hồn nhiên. Tôi hỏi anh định bao giờ cưới vợ, Bông lại cười: “Một bầy con như thế nầy, ai dám ưng tôi mới nể. Nói thì nói vậy thôi, chớ tôi biết chắc, giả dụ người ta có ưng mình đi chăng nữa thì làm sao người ta có thể thương con mình như mình được. Tụi nó đã khổ từ trong bào thai rồi, tôi không muốn tụi nó phải khổ vì mẹ ghẻ”.

Hỏi anh có định nuôi thêm nữa không, Bông trầm ngâm: “Má tôi năm nay bệnh nhiều quá, sắp gần đất xa trời rồi. Tôi muốn dành thời gian cho má”. Hỏi, chuyện học hành của mấy đứa nhỏ, anh tính sao. Bông lại trầm ngâm: “Thằng Sơn Ngọc năm nay lẽ ra phải lên lớp lá, thằng Sơn Thanh phải là lớp chồi, thằng Sơn Giàu phải là lớp mầm. Nhưng đây là đỉnh núi. Hồi ẳm chúng nó lên đây, mình cứ nghĩ cứu sống một hài nhi, không để chúng nó lăn lóc ở vỉa hè hay đầu đường xoá chợ. Nhưng bây giờ, nhìn mặt mày đứa nào đứa nấy sáng sũa, khôi ngô, những ánh mắt cứ như luôn nói với mình rằng, cha đừng để cho con dốt. Tôi đã tâm nguyện phải cho chúng nó học tới cùng. Tiền bạc thì tôi không lo, trước mắt, nguồn lợi từ mười lăm mẫu đất cũng đủ để trang trải, sau nầy, khi chúng nó học lên cao thì mình bán đất. Nhưng, cái khó là chổ ở. Thằng Sơn Ngọc năm tới sẽ tạm thời gởi cho nhỏ em ở Cần Thơ. Nhưng không thể gởi hết cả mười đứa. Còn mua nhà ở dưới đó thì ai chăm sóc, mà tôi đi thì ai ở đây lo vườn tược, cây trái cho mình. Càng nghĩ càng thấy rối . . .”

Thưa bạn đọc !

Câu chuyện cổ tích trên đỉnh Mồ Côi xin tạm dừng ở đây, bởi người kể chuyện chưa trả lời được câu hỏi sau cùng rằng: Khi bà Tiên qua đời, anh tiều phu có lo cho những thiên thần bé nhỏ ấy học hành đỗ đạt hay không ? Những câu chuyện cổ tích bao giờ cũng đi đến một kết thúc có hậu. Nhưng dân gian thường hay lý giải sự bế tắt bằng những phép màu. Và tôi hy vọng trong câu chuyện nầy, sẽ có một phép màu nào đó đến với anh Bông. Phép màu ấy chính là cái tâm, là lòng nhân ái đang ẩn chứa đâu đây, trên cõi đời nầy.

-->đọc tiếp...

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

CHUYỆN CỔ TÍCH VỀ ĐỨA CON NUÔI




Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không thể mang nổi mà phải cần đến sự giúp đỡ của người khác. Anh giúp tôi, tôi giúp cho người khác, người khác lại giúp cho người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của mỗi con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống.

( DUMBATZÉ)

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT

Chuyện kể rằng, cậu bé Nguyễn Hữu Ân là con trai út trong một gia đình có năm anh em ở khu Bào Trũng – ngọai ô thành phố Vũng Tàu. Cha mẹ Ân – ông Nguyễn Hữu Thiền và bà Hòang Thị Bích Vân – vì gia cảnh quá nghèo nên không thể cùng một lúc nuôi năm đứa con ăn học, cho nên khi Ân vừa học xong lớp sáu thì cha em gởi em lên chùa Tường Vân – huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng – để Ân vừa làm công quả, vừa tiếp tục học hành. Tuy mới mười hai tuổi nhưng Ân đã sớm ý thức được thân phận và hòan cảnh của mình. Chẳng những em không buồn mà ngược lại, em càng cảm thấy thương cha thương mẹ. Cứ mỗi hừng đông, cha em thức dậy hì hục bên đám rau muống sau nhà, cắt, tỉa, bón phân, chở từng bó rau ra chợ. Và cũng cứ mỗi hừng đông thì mẹ em đã khóac đôi gánh lên vai, cất tiếng rao như lời ru dọc dài trong xóm: “ Ai ăn bánh bò, bánh ích trần hôn . . . ?”

Khi ba người anh trai của Ân bước vào đại học thì từng thửa đất sau nhà cũng lần lượt ra đi. Đôi gánh của mẹ em cũng mõi mòn theo năm tháng.

Sáu năm miệt mài đèn sách, sáu năm lầm lũi quét lá đa, tưới kiểng, đánh chuông, tụng kinh, gõ mõ, Ân về quê làm hồ sơ thi đại học thì cũng là lúc mẹ em quằn quại trong cơn bệnh ngặt nghèo: ung thư trực tràng và ung thư gan ở giai đọan cuối. Năm anh em cùng với cha thay nhau đi tìm kiếm bà con, họ hàng để vay tiền, đưa mẹ vào Sài Gòn nhập viện. Nhưng không còn kịp nữa, ba tháng sau, người mẹ đã qua đời.

CÂU CHUYỆN THỨ HAI

Câu chuyện sẽ kết thúc với những dòng ngắn gọn trên đây nếu như những tháng ngày vừa nuôi mẹ, vừa ôn thi trong bệnh viện Ung bứu, Nguyễn Hữu Ân không có thêm người mẹ thứ hai, đó là: Má Phẳng !

Chị Phẳng sinh ra và lớn lên ở một vùng ven Buôn Ma Thuột. Cuộc đời chị là cả một cuộc đời buồn: Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, chị đã mất cha. Có lẽ vì mẹ chị đã “thề ở vậy nuôi con” nên khi lớn lên, chị cũng “thề ở vậy nuôi mẹ” mà không chịu lấy chồng. Đến khi giật mình nhìn lại thì tuổi đã quá năm mươi, sự cô đơn, nghèo khó đã đeo đẳng chị hết cả cuộc đời. Hai mẹ con, một căn chòi xiêu vẹo, một sào ruộng với mùa lúa mùa khoai. Ruộng không đủ sống, chị phải lên rừng lấy củi, lên rẫy làm thuê để nuôi mẹ già nay đau mai ốm. Vậy mà, “nhà sập bìm leo”: Trong lúc mẹ chị nằm liệt giường vì đau khớp thì chị nghe trong ngực mình có một khối u và từng cơn đau nhói. Ra tỉnh siêu âm, người ta nghi ngờ chị bị ung thư vú, chị vội vã vào Sài Gòn xét nghiệm thì kết quả không sai.

Bệnh viện ung bứu bảo chị phải nhập viện để mổ lấy khối u. Điều đó thật quá sức so với cảnh tình của chị. Tiền đâu để mổ ? Rồi ai nuôi mẹ già đang nằm liệt giường trong mấy tháng trời ? May thay, có một người hàng xóm tốt bụng đã tình nguyện chăm nuôi mẹ chị, còn chi phí nhập viện, chị bán sào ruộng được mấy chỉ vàng.

Năm 1992, phương pháp điều trị ung thư vẫn còn là vấn đề nan giải, cho nên sau khi mổ xong, chị Phẳng cứ bình thản về quê mà không lường được những hậu quả sau nầy. Suốt ba năm dài, chị cứ miệt mài làm thuê nuôi mẹ mà không hay rằng bệnh đang tái phát, đã di căn qua phổi, qua xương. Rồi một đêm trong căn chòi tối tăm, xiêu vẹo ấy, mẹ chị đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của chị – vòng tay của một người con đang lâm bệnh ung thư ! Một đám mà nghèo với chiếc xe trâu chở quan tài của mẹ, chị đầu đội khăn tang lũi thũi theo sau, đội mai táng là những người hàng xóm đưa mẹ chị về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong nỗi buồn đau cô quạnh, căn bệnh lại hòanh hành. Chị nghe hơi thở nặng từng cơn, đôi chân đau buốt. Không còn cách nào khác, chị bán vội mãnh đất thổ cư với căn chòi mục nát, lên mộ mẹ thắp một nén nhang rồi từ biệt xóm làng, từ biệt nơi chôn nhau cắt rốn, nặng nề từng bước lên xe đò vào Sài Gòn nhập viện. Đến đây, sau kết quả xét nghiệm chị mới hay rằng giữa chị với cái chết đang sắp sửa cận kề. Mạng sống được giữ lại bằng mấy liều hóa chất, nhưng đồng tiền không đủ cho chị đi đến toa thuốc sau cùng. Đành chịu ! Chị ngồi thẩn thờ bên gói hành lý nhỏ nhoi với hai hàng nước mắt. Giờ biết phải về đâu ? Về quê thì xem như không có đường về. Mà ở lại làm gì khi không còn tiền chữa bệnh ? “ Thôi thì má cứ ở lại đây. Giường nào trống thì cứ nghỉ, một bửa cháo, hai bửa cơm thì có bếp ăn từ thiện, chết thì cũng có tổ chức từ thiện chôn cất hẳn hoi”. Chị Thu Nga, hộ lý của khoa khuyên chị như thế. Chị không hiểu vì sao chị Nga lại tốt với mình như một người thân. Một má Phẳng, hai má Phẳng. Tới tháng lương, chị Nga nhỏ to với các y bác sĩ trích lại cho má Phẳng một ít tiền. Rồi tới kỳ hòan máu, ai cũng có những người thân tiếp máu người thân. Thấy chị Phẳng tủi thân ngồi khóc, chị Nga lại tự nguyện hiến máu của mình.

CÂU CHUYỆN THỨ BA

Ông Thiền ở nhà chạy tiền chạy gạo, Ân cùng với bốn anh trai túc trực trong bệnh viện nuôi mẹ trong cảnh nghèo khó tột cùng mà căn bệnh của bà Bích Vân thì không còn đường cứu chữa. Lúc bấy giờ, bệnh viện quá tải, người bệnh người nuôi chen chút nhau, không đủ chỗ nằm, chị Phẳng phải nằm chui dưới gầm giường của bà Bích Vân. Trong những ngày sức khỏe tạm thời ổn định, chị Phẳng đã sẻ chia, chăm sóc bà Vân, làm thay những công việc mà con trai không làm được. Hai người đã trở thành bạn thân với nhau tự lúc nào không biết. Bà Vân chừng như hiểu được nỗi khát khao của chị Phẳng về cái hạnh phúc của một người mẹ sắp lìa đời trong sự ấm áp tình thương của năm đứa con trai hiếu thảo. Bà hay nói với Ân: “Khi mẹ chết rồi, con hãy lo cho má Phẳng như mẹ ruột của con”. Rồi bà nói với chị Phẳng: “Nếu tôi đi trước, chị đi sau, chị hãy coi thằng Ân như con của chị”.

Chẳng hiểu sao, lúc ấy chị Phẳng trở nên khỏe mạnh lạ thường, chị đóng vai trò chỉ huy năm anh em của Ân trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bà Vân. Kể cả khi bà Vân qua đời, chị cũng ra tận Vũng Tàu lo mai táng.

CÂU CHUYỆN THỨ TƯ

Mẹ Ân mất vào tháng bảy năm 2002. Năm ấy Ân thi rớt đại học.

Sau tết, em trở vô Sài Gòn để tiếp tục ôn thi. Ghé vào bệnh viện Ung bứu, Ân thấy má Phẳng nằm liệt dưới gầm giường, người xanh xao, đôi chân không còn cử động. Không một chút đắn đo, Ân ở lại dưới gầm giường với má. Tại đây, Ân vừa ôn bài, vừa chăm lo cho má Phẳng. Sau bốn giờ sáng, em thức dậy xuống bếp từ thiện nấu cháo với các sư cô chùa Bảo Vân. Xong, em trở lên làm vệ sinh cho má – những công việc mà trước đây, với mẹ em, má Phẳng đã làm thay. Bây giờ, bao nhiêu hiểu biết, bao nhiêu kinh nghiệm tích lũy trong những tháng ngày nuôi dưỡng mẹ mình, em đã dành cho má Phẳng – từ cơm cháo, thuốc thang, tắm giặt. Trong đó, có cả sự khát khao làm mẹ mà má Phẳng đã từng nói bằng ánh mắt với mẹ em.

Cứ thế, rồi đến một ngày, câu chuyện ấy được kể lại trên một tờ báo. Chị Phẳng đã vượt qua cơn đau bởi những tấm lòng hảo tâm bằng những liều hóa trị. Có một anh kiến trúc sư tên Nguyễn Văn Trung đã vào bệnh viện tìm Ân để giúp em ôn thi. Trung nói, mẹ anh cũng chết vì ung thư lúc anh mới lên mười hai tuổi, giờ anh muốn làm một điều gì đó để chia sẻ với Ân. Hàng đêm, dưới ánh đèn công cộng, trên chiếc ghế đá trong khuôn viên bệnh viện, bên con đường Nơ Trang Long xe cộ ồn ào, có hai mái đầu chụm vào nhau trên trang sách. Mùa thi ấy, Ân đã vào đại học.

Hơn một năm dài, sau giờ tan học, ai nấy đều trở về nhà trọ hoặc nhà mình. Chỉ có Ân lầm lũi trở về dưới gầm giường trong bệnh viện. Ăn những bửa cơm từ thiện, uống nước từ thiện, mọi sinh họat, học hành gắn trong một thế giới của bệnh tật, của đau đớn, rên la và chết chóc. Rồi bệnh viện quá tải đến mức gầm giường cũng không đủ chỗ cho bệnh nhân, buộc Ân phải đưa má Phẳng ra nhà trọ.

Tôi tìm gặp lại Ân, bây giờ em đã là sinh viên năm thứ ba. Ân trắng trẻo, đẹp trai và lúc nào cũng nở một nụ cười nhân hậu. “Năm ngóai – Ân nói – khi phân chuyên ngành, em chọn ngành văn hóa. Nhưng ngành văn hóa chỉ có một lớp buổi sáng, mà buổi sáng thì em phải đưa má vào bệnh viện nên không học được. Cuối cùng em chọn ngành du lịch để học buổi chiều”.

Ân đi rồi, chị Phẳng nằm bẹp một mình trong căn phòng trọ, nước mắt rưng rưng. Chị nói: “ Nó đi rồi tôi mới dám khóc, sợ nó thấy nó rầy. Khổ vậy mà lúc nào cũng thấy nó cười. Tan học về tới nhà là nó la lên: “ Con về nè má ơi”. Rồi nhào vô xoa bóp chân, rồi hỏi han đủ thứ. Hôm nào kẹt xe về trể là nó lo, nó lo vì nó sợ tôi lo. Đêm nào nó cũng thức học bài cho đến một hai giờ khuya, vậy mà nó vẫn dậy sớm, đỡ tôi ngồi dậy, lấy nước, lấy bàn chải, nặng kem, nấu nước nóng cho tôi lau mình rồi lui cui làm đồ ăn sáng. Dạo nầy mỗi tuần tôi chỉ đi bệnh viện một lần nên nó mới đi học thêm tiếng Anh, tiếng Hàn, vi tính . . .”

Tôi đâm ra thắc mắc: Với mức thu nhập tối đa mỗi tháng 900 ngàn đồng ở một nhà hàng tiệc cưới, nơi Ân làm việc ca đêm thì làm sao có thể nuôi nổi một người mẹ ốm đau, rồi tiền trọ, tiền học phí, tiền ăn . . . Ân lấy gì để học thêm tiếng Anh, tiếng Hàn và vi tính ? Trong khi bốn người anh của Ân đã tốt nghiệp đại học mà đồng lương vẫn còn bấp bênh, lại phải nuôi cha đang bệnh ở quê nhà. Chị Phẳng nói: “ Hình như mọi thứ đều do bên chùa Bảo Vân họ giúp “

Sư cô Như Giác, quản trị chùa Bảo Vân ở Bình Thạnh kể: “ Tôi biết Ân trong một dịp tình cờ khi lên chùa Tường Vân ở Đơn Dương, thấy một cậu bé vừa chăm học lại vừa siêng năng làm công quả. Lúc ấy em nói em vừa muốn đi tu lại vừa có khát vọng học hành. Tôi khuyên em phải cố gắng học đến nơi đến chốn rồi sau nầy theo đạo hay theo đời cũng đều tốt cả. Vậy rồi mấy năm sau, cũng tình cờ thấy em tham gia nấu cháo từ thiện trong bệnh viện Ung bứu, hỏi ra mới biết em vừa ôn thi vừa nuôi má Phẳng. Từ đó chúng tôi đưa em vào trong chương trình từ thiện của nhà chùa, có một gia đình Phật tử nhận giúp đỡ em. Trong câu chuyện của em và má Phẳng, người đời cho rằng đó là cái tâm, là sự tốt bụng và lòng nhân ái. Còn theo triết lý nhà Phật thì đó là một nhân duyên, biết đâu họ đã là mẹ con với nhau từ kiếp trước”.

Tin vào triết lý ấy hay không tin, điều đó tùy tôi và tùy bạn. Nhưng trước mắt tôi, chị Phẳng, chị Thu Nga, Hữu Ân và sư cô Như Giác là những con người có thật đang hiện hữu giữa cuộc sống nầy.



-->đọc tiếp...