Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

THẢM HỌA KHÁNH BÌNH TÂY






Xoay quanh cuộc tranh luận về bút ký LONG ĐONG ĐỜI CỐ NÔNG, tôi thật sự cảm động khi đọc được trong tận cùng thâm tâm của các bạn một sự đồng cảm sâu xa với thân phận người nông dân - một bộ phận chiếm tỷ lệ cao nhất trên đất nước chúng ta. Ở mỗi ý kiến của các bạn cho thấy một trình độ, một tri thức, một vị trí xã hội khác nhau, có bạn đang sống và làm việc ở nước ngoài . . . nhưng tất cả có cùng một cái tâm, một cái nhìn đầy nghiêm túc. Tôi, với tư cách là người kể chuyện, xin kể tiếp câu chuyện về nông dân trong một bối cảnh khác với hy vọng làm phong phú thêm những thông tin mà các bạn đang thiếu, đang cần.

THẢM HỌA KHÁNH BÌNH TÂY

Buổi sáng ngồi uống café, nghe mấy anh ở báo Cà Mau bàn tán về chuyện Khánh Bình Tây dạo nầy căng thẳng lắm, vừa qua có một chuyện bắt bớ xảy ra, một số chị em phụ nữ phản ứng bằng cách xé toạc áo quần rồi hô tóan lên nói hiếp dâm, làm cho chính quyền phải bất lực. Làm báo mà nghe những chuyện như thế ai nỡ ngồi nhà, vậy là tôi xách xe ra đi. Cũng may, vừa qua chợ thì gặp thằng cu Đào Văn, phóng viên báo ảnh Đất Mũi đang chuẩn bị về quê, tôi bảo: Mầy bỏ chiếc xe tùa hia của mầy lại đi, lên xe đi với tao, hai thằng đi một chiếc cho vui.

Thật không có gì may mắn hơn khi đi công tác vùng sâu vùng xa mà lại có bạn đồng hành, hơn nữa lại là bạn đồng nghiệp. Đào Văn làm báo chỉ mới ba năm, cái mặt còn hôi sữa nhưng đã sớm khẳng định tay nghề, ngòai việc chiếm lĩnh diễn đàn ở báo ảnh Đất Mũi, hắn cộng tác thường xuyên với báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Văn Hóa, Nông Nghiệp Việt Nam . . . nhờ vậy mà nhuận bút của hắn chẳng những đủ nuôi thân mà còn nuôi một thằng em ăn học và giúp đỡ gia đình. Nhà hắn nghèo, cha hắn - chú Hai Hôn - lại mắc một chứng bệnh ngặt nghèo - bệnh ung thư gan - đang nằm chờ chết. Ở chốn đô thị phồn hoa với cái tuổi 22, cuộc sống đủ trò cám dỗ nhưng Đào Văn lại sống rất nghiêm túc để làm việc và phải tính tóan chi li, nhiều lúc hắn tâm sự với tôi rằng mỗi tháng hắn cần tối thiểu bao nhiêu tiền để trả tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, đóng bảo hiểm, trả góp chiếc xe, gởi về cho mẹ . . . Bây giờ thì tôi mới thấu hiểu những nỗi niềm tâm sự ấy khi bước vào nhà hắn, một căn nhà lá ọp ẹp nằm bên bờ kinh Cơi Năm xã Khánh Bình Tây. Cha đang nằm liệt giường, mẹ hắn ngày ngày tần tảo, bà khoe với tôi rằng cái nhà tắm xây dựng cơ bản và cái tivi nghĩa địa là tiền hai giải báo chí hôm trước của Đào Văn, nếu không thì cả đời bà cũng không dám mơ tới, nhà chỉ có năm công ruộng nhưng đã cố cho người ta một lượng vàng để chạy chữa cho ông, đất đã cố rồi, nhưng để có gạo ăn, bà phải thuê lại với giá mỗi công một năm mười giạ lúa. Tôi hỏi:

-Đất vườn mình còn rộng, lại nhiều ao sao thiếm không chăn nuôi, trồng trọt để có thêm mà xoay sở ?

-Ở đây hở cái gì là bọn trộm lấy cái nấy, có ai dám trồng trọt chăn nuôi gì đâu, cách đây hai tháng, chúng rinh của tôi hết ba con heo, mới đêm qua, chúng cạy cửa vào nhà lấy hết sáu bao lúa.

Tôi hỏi chính quyền có biết chuyện ấy không, thiếm lại nói:

-Biết để làm gì, tới xuồng máy của chủ tịch xã mà còn bị trộm thì có của ai mà chúng từ, đành chịu !

Đi đến đâu trong cái xóm nầy cũng nghe bà con óan than vì nạn trộm. Có lẽ, trộm cắp ở đây đã thành một thứ nghề để mưu sinh sau cái nghề làm mướn. Khánh Bình Tây có 2600 hộ dân thì đã có hơn bốn mươi phần trăm sống dưới mức nghèo khổ, trong đó có gần năm trăm hộ dân không đất, nghĩa là có hàng ngàn con người trên cái vùng đất nhỏ nhoi nầy không biết phải làm gì để sống. Làm mướn ư ? Đâu phải lúc nào cũng có người ta mướn để mà làm. Mùa gặt họ vào nông trường mót lúa, giũ rơm thì bị cán bộ nông trường đốt thúng, đốt rơm. Mùa mưa, họ vào nông trường săn chuột, bắt ốc, hái rau thì bị đuổi xô, bị tịch thu phương tiện, bị đánh đập, thậm chí bị bắn trọng thương bởi dưới mắt của cán bộ nông trường, họ là những phần tử bất hảo cần phải cách ly. Nhiều người kéo nhau ra biển xúc cua giống để bán thì bị các anh bảo vệ nguồi lợi thủy sản vây bắt vì cái tội ăn trộm tài nguyên thiên nhiên. Vậy là số phận của hàng ngàn con người ấy trở thành cái kiếp người cơm vãi cơm rơi, biết đâu nẻo đất đường trời mà đi. Vậy thì đi ăn trộm !

Tình cờ, chúng tôi ghé nhà bác Mười Hô, một gia đình cố cựu ở đây, ông từng là chánh án tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, rồi về đây làm bí thư xã ba năm. Năm nay ông đã 75 tuổi, con cháu đầy đàn không đếm hết nhưng đất ruộng thì chỉ có mười công, và mọi chi phí cho mấy chục con người chỉ đè lên mười công ruộng. Bác Mười gái năm nay đã 73 tuổi mà vẫn còn phải đi cấy mướn. Bác nói:

-Còn sức ngày nào thì phải làm ngày nấy, không làm lấy gì sống, mười công đất của tôi tuy đang làm nhưng đã cố cho người ta để lấy hai cây rưỡi vàng mà xoay sở, người ta cho tôi thuê lại mỗi năm một trăm giạ lúa. Đã vậy, năm ngóai thằng con trai thứ sáu của tôi nhận khoán của nông trường một con kinh để bắt cá với giá ba mươi sáu triệu đồng, cuối cùng chỉ thu được hai mươi triệu, lỗ mười sáu triệu, nó phải lấy giấy chủ quyền đất thế chấp cho ngân hàng huyện vay mười sáu triệu đồng để trả cho người ta. Coi như miếng đất của tôi đang nằm dưới hai đống nợ. Cuối cùng chắc cũng phải bán đất thôi chớ lấy gì trả.

Chúng tôi thử làm một cuộc thăm dò tại Cơi Năm, đại bộ phận nông dân có đất ở đây cũng đã cầm cố cho người khác rồi thuê lại làm với giá mỗi công một năm mười giạ lúa. Nguyên nhân thật đơn giản, đơn giản như chính cái cảnh đời của họ: ruộng đất thì có hạn mà con cái thì mỗi ngày một đông trong khi tất cả chi phí gia đình chỉ dựa vào hạt lúa, chỉ cần một người bệnh là cố đất. Chỉ có điều làm tôi thắc mắc là người đầu tư cho việc kinh doanh đất đai nầy lại là ba ông bí thư chi bộ, trưởng ban nhân dân và trưởng công an ấp, mỗi ông nắm trong tay hàng trăm công rồi cho những khổ chủ ấy thuê lại mỗi năm thu hàng ngàn giạ lúa. Khi lãi mẹ đẻ lãi con, chủ đất buộc lòng phải sang bán thì các ông cũng chính là người mua lại, như ông Bảy Châu, nguyên là bí thư chi bộ ấp nầy, khởi nghiệp của gia đình ông chỉ có bảy công ruộng, nhưng kết quả của một quá trình kinh doanh cầm cố, số ruộng của ông bây giờ có cả trăm công. Tôi hỏi anh Sáu Trung, bí thư xã rằng anh có biết việc nầy không, anh ngập ngừng nói:

-Chuyện ấy thì có, nhưng họ thỏa thuận với nhau chớ đâu phải dùng chức quyền để trục lợi . . . ( ?! ).

Như đã nói trên, Khánh Bình Tây có gần năm trăm hộ dân với hàng ngàn con người không đất thì cách bờ kinh Cơi Năm chỉ năm trăm mét là sự tồn tại của Nông trường 402 với diện tích 700ha được hoạt động theo hình thức phát canh thu tô suốt mấy chục năm qua. Ngay cả anh Lê Thanh Tiền, chủ tịch xã cũng than với chúng tôi rằng cái ông Nguyễn Thanh Vọng, giám đốc nông trường 402 giống như ông Hội đồng Dư trong vở cải lương Tiếng hò sông Hậu. Bản thân anh Tiền cũng từng thuê đất của nông trường và cũng từng mang nước mắt ra về sau mùa thu hoạch lúa.

Anh Sáu Nam, con trai bác Mười Hô cho chúng tôi biết, anh nhận khóan của nông trường từ hai mươi hai năm nay, mỗi năm từ bốn tới sáu hecta ruộng với giá mỗi công bảy giạ lúa một năm. Nhưng hàng năm, sau khi trừ đi các chi phí thì không năm nào đủ lúa để nộp sản cho nông trường. Nhưng sở dĩ anh sống được là nhờ nuôi vịt, giăng lưới, cắm câu trên ruộng khóan của mình.

Có lẽ cuộc sống của anh Nam còn dễ thở hơn hàng trăm nông dân ở đây, những người được mang một danh nghĩa rất đẹp là nông trường viên, nhưng thực chất, nếu gọi đúng tên thì họ chỉ là những tá điền không hơn không kém. Hơn hai mươi năm không ngóc đầu lên nổi, nhưng bỏ thì biết đi về đâu khi mà họ đã từ tứ phương trôi dạt đến nơi nầy. Thôi thì ở lại, cứ bám đất mà làm với những hy vọng mù tịt nào đó ở tương lai, mặc dù hiện tại căn nhà lá cũng không lành, con cái cứ sinh ra và cứ lớn lên trong đói nghèo dốt nát.

Ai đã từng tham gia kháng chiến, ai đã từng đổ máu xương cho độc lập tự do hẳn sẽ không khỏi xót xa khi cảm nhận ra rằng một thực tẹang đói nghèo và bị bóc lột như thế lại phát sinh ngay trên vùng đất từng là căn cứ kháng chiến. Và, cũng sẽ không tránh khỏi sự phẫn nộ trước một vị giám đốc nông trường - một ông đầy tớ của nhân dân mà trong mắt của người nông dân ở đây ông lại là ông Hội đồng Dư trong vở cải lương Tiếng hò sông Hậu - một đại điền chủ miền tây dưới thời Pháp thuộc.

Không ai biết được chính xác số diện tích đất mà ông Vọng canh tác tại nông trường là bao nhiêu, nhưng những người làm mướn cho ông thì ai cũng biết chính xác rằng ông có đến hai mươi công đất gieo mạ, mà mỗi công mạ cấy được mấy chục công đất còn tùy thuộc vào mật độ cấy dầy hay cấy thưa. Bên cạnh việc thâu tóm ruộng đất và độc quyền máy cày, máy suốt của ông Vọng thì vợ ông - bà Tuyết Bạc còn là một người cho vay nặng lãi nổi tiếng ở cái xứ nghèo đói bần cùng nầy. Bác Mười Hô cho biết,trong những lúc thiếu ăn, bác đã từng vay của bà Bạc, cứ mười giạ lúa thì đến mùa trả mười tám giạ, vay một trăm ngàn thì mỗi tháng đóng lãi hai chục ngàn. Cứ thế, bà Bạc trở thành chỗ dựa vững chắc cho những ai thiếu ăn, thiếu mặc ở vùng nầy. Ai có đất, dù là đất thuê của nông trường thì được bà Bạc ưu tiên cho vay lúa, điều kiện cũng thật giản đơn, hễ tới muà, sau khi lúa suốt xong tại bờ đê của nông trường thì phải đong trả trước cho vợ chồng bà các khoảng lúa vay, lúa cày, lúa trục, lúa suốt, còn lại mới đến phần nộp sản cho nông trường. Nếu ai còn dư thì đem về nhà, ai thiếu thì nông trường cho ghi nợ. Nhiều người đã phủi tay, giũ áo ra về, mang theo hai hàng nước mắt sau một năm dầm mưa dãi nắng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đó là chuyện của những người có ruộng, còn những người không ruộng chuyên sống nghề làm mướn thì sao ? Chị Trần Thị Nguyệt, hai vợ chồng với tám đứa con và mười bốn anh chị em, tính ra đội quân làm thuê của chị có trên sáu chục người mà chỗ dựa của cuộc sống hàng ngày là vợ chồng ông Vọng. Khi đói khát, ốm đau, ma chay, cưới hỏi . . . cứ đến bà Bạc ứng trước ngày công bằng gạo hoặc bằng tiền, ứng trước mười ngàn đồng, hoặc hai ký rưỡi gạo, hoặc hai bịch xà bông thì đến mùa trả một công cấy, ứng trước hai mươi ngàn đồng thì đến mùa trả một công gặt, biết rằng cái giá ăn trước trả sau chỉ bằng năm mươi phần trăm so với tiền mặt, nhưng trong cảnh nghèo túng tột cùng thì đành phải nhắm mắt xuôi tay đem cái sức lao động của mình ra mà chịu lãi. Anh Hai Giàu, một thương binh nghèo không có ruộng nhưng cũng không làm mướn, anh tự nhận rằng anh chuyên sống nghề trộm cá của nông trường, đã phớt tỉnh nói với chúng tôi: Tôi ăn trộm của nông trường chớ không bao giờ ăn trộm của dân, trộm của nông trường cũng có nghĩa là mình trộm của bọn cường hào,bọn bốc lột, như vậy nó đỡ nhục hơn vác cái mặt đi làm thuê cho vợ chồng thằng Vọng, các anh nghĩ coi, làm giám đốc nông trường gì mà mỗi năm nó thu hàng chục ngàn giạ lúa. Hàng năm, đến mùa giáp hạt, lúa lên giá, sau khi bán lúa xong, vợ chồng nó vét lúa ẩm, lúa mốc dưới đáy bồ đem chà gạo để cho dân vay với cái giá cắt cổ, cứ hai ký rưởi gạo thì đến mùa trả một công cấy, dân đói ở đây quá đông nên nợ nó nhiều, cấy cho nó không hết thì nó điều qua cấy cho nông trường rồi nông trường thanh tóan tiền công lại cho nó, coi như nó kinh doanh luôn cả sức lao động của cái xóm nầy, làm ăn kiểu đó thì không giàu nhanh sao được.

Bác Mười Bòn, một bà mẹ liệt sĩ đã trên bảy mươi tuổi, vừa nhai trầu vừa kể trong nước mắt: Tôi cố cho con Bạc tám công ruộng với giá một trăm giạ lúa, sau đó tôi thuê lại làm, mỗi năm đóng cho nó chín chục giạ, được một năm, tôi chuộc đất lại nhưng còn nợ nó năm giạ, tôi năn nỉ nó cho tôi lấy đất lại để cố cho người khác hai cây vàng, còn năm giạ lúa tôi sẽ trả sau. Nó không cho thiếu mà còn chửi xối xả vào mặt tôi: không có lúa, tôi bỏ bà vô táo tôi gạt! Rồi nó lôi tôi rách banh cái áo. Tôi vừa khóc vừa mang cái áo rách đến méc thằng Vọng, tưởng nó sẽ rầy vợ, ai dè nó vừa cười vừa nói: rách thì về vá lại mà mặc đi bà ơi!

Những câu chuyện đau lòng như vậy ở nông trường 402 có thể kể hoài không hết. Ông Vọng một lần bị ám sát hụt, mang trên người ba bốn nhát dao, một lần bị đánh trong lúc ghé cano lại đổ xăng, từ ấy đến nay ông không bao giờ dám một mình ra xóm. Còn ngôi nhà của cha vợ ông - ông Tám Khánh - thì ban đêm bị những kẻ thù ghét cứ trét cứt đầy trước mặt nhà,ông mua chó tây về nuôi cũng bị người ta thuốc chết. Cho đến một hôm, mẹ vợ ông phát hiện người ta treo cái ổ ong vò vẽ ngay trước cửa thì cả gia đình phải bỏ xứ ra Cà Mau.

Ngày 8 tháng 4 năm 2002, có hơn tám mươi người dân kéo đến nông trường để đòi lại đất, trong đó có trên ba mươi hộ có đơn khiếu nại cho rằng trên diện tích đất của nông trường có phần đất của ông cha họ khẩn hoang thời kháng chiến, đến năm 1964, Khu ủy Khu 9 mượn đất của dân để xây dựng vùng căn cứ, sau năm 1975, nhà nước không trả lại mà cấp cho nông trường. Lúc bấy giờ, do chính sách cải tạo nông nghiệp nên dân không đòi lại. Đến năm 1989, họ nghe Đài phát thanh nói rằng đất nào của dân thì trả lại cho dân nên họ làm đơn đòi lại nhưng không được giải quyết. Năm 1990, một cuộc nổi loạn kéo vào nông trường bao chiếm, hàng chục người bị công an huyện bắt giam, nhiều người tiếp tục làm đơn khiếu nại, các cơ quan chức năng đã nhiều lần khẳng định rằng họ không có cơ sở pháp lý nào để đòi lại đất. Vậy là, một bên nói có, một bên nói không, cuộc tranh chấp cứ kéo dài. Đến ngày 9 tháng 6 năm 2002, sau khi đất đã được nông trường cày xong thì bất ngờ 63 hộ dân kéo vào sạ lúa trên diện tích 176ha. Cái lý lẽ để họ bám víu cuối cùng cũng không có gì khác hơn là đất nầy của ông cha họ ngày xưa khai phá.

Tỉnh Cà Mau thành lập ngay một ban chỉ đạo để giải quyết vấn đề nầy bao gồm Ban Dân vận Mặt trận, các đoàn thể quần chúng như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng các cơ quan chức năng như Sở Nông nghiệp, Sở địa chính, Sở Lao động . . . do một anh phó Chủ tịch tỉnh làm trưởng đoàn, đặt trụ sở dã chiến tại bờ kinh Cơi Năm để làm việc. Ban đầu, có người cho rằng đây là một vấn đề mang màu sắc chính trị, nhưng sau một quá trình tìm hiểu, có lẽ ai cũng cảm nhận rằng đây là hậu quả của một nguyên nhân sâu xa, là con đẻ của sự đói nghèo, dốt nát, bóc lột, áp bức, bất công trong mối quan hệ giữa nông dân với vợ chồng ông Vọng. Chính từ sự cảm nhận ấy mà các nhà chức trách đã chọn những giải pháp mềm để giải quyết vấn đề. Trước mắt, tổ chức cứu trợ dài hạn cho những hộ thiếu ăn, kể cả những hộ ngoài vùng tranh chấp, những hộ không đất sẽ được cấp đất và hỗ trợ chi phí di dời đến nhận đất ở một lâm trường trong huyện. . . Tiếp theo những giải pháp ấy là sự kiên trì vận động, thuyết phục bà con trả đất cho nông trường. Thế nhưng mọi sự cố gắng dường như không mang lại kết quả. Nhiều người tuyên bố rằng nếu trả đất lại cho nhà nước thì tôi trả, còn nói trả lại cho nông trường thì không bao giờ. Một số hộ thì kiên quyết rằng đất của cha ông tôi thì tôi làm, không trả cho ai hết. Đến lúc không còn nhân nhượng được, các nhà chức trách nghĩ rằng cần phải bắt giam một số người để làm gương. Trước hết là bắt bốn thanh niên bị tình nghi chặt phá bờ chuối của nông trường với tổng thiệt hại trị giá trên hai triệu đồng. Thế là họ bị khởi tố về tội hủy hoại tài sản. Sáng ngày 17 tháng 9 năm 2002, sau khi một thanh niên bị bắt, ba người còn lại - trong đó có một người đã bị còng một tay - đã đánh trả lại lực lượng công an rồi chạy vào lẩn trốn trong căn nhà của bác Mười Bòn. Ngay tức khắc, có trên năm mươi người xung quanh kéo đến làm vòng rào chở che cho họ, chủ yếu là đàn bà và trẻ con. Một cuộc hỗn loạn bắt đầu: bên ngòai, các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ với đầy đủ khí giới bao vây thành một vòng tròn với đường kính khoảng một trăm mét. Những người bên trong căn nhà bác Mười Bòn tự vệ bằng giàn thun, súng bắn chuột, gậy gộc, axit, xăng. Họ lập bàn thờ tang trước hàng ba và quấn khăn trắng lên đầu. Các nhà chức trách mắc loa kêu gọi đồng bào giải tán và giao nộp ba tên tội phạm, bên trong cũng máy karaoke phát ra, đả đảo Nguyễn Thanh Vọng, giám đốc nông trường 402 và kèm theo những lời chửi bới thô tục. Một phóng viên báo chí đến quay phim, bà Nguyệt chịt quần ngang đầu gối, chu đít chặn ngang ống kính caméra. Bà con ở các vùng lân cận kéo đến xem đông nghẹt hai bên bờ sông. Cuộc bao vây kéo dài ba ngày hai đêm, trong đó có một đêm mưa suốt.

Sau sự kiện ấy, sáu mươi ba hộ dân với hàng trăm con người đã biến cái xóm nhỏ nhoi nầy thành khu tự trị. Họ nói, ai giết ông Vọng họ sẽ thưởng bốn mươi triệu đồng vì ông Vọng đã ra giá cho một mạng người của họ là mười lăm triệu đồng.

Ngày 23 tháng 10 năm 2002, nông trường thuê một chiếc ghe chở tràm giống vào trồng trên vùng đất tranh chấp, lập tức có hơn bốn mươi người kéo đến cướp chiếc ghe kéo lên bờ. Được tin, anh Thông, phó công an xã cùng sáu anh dân quân tự vệ đến lập biên bản. Vừa vào tới, anh Thông bị nhóm người nầy bắt lôi vào nhà, sáu anh dân quân tự vệ bỏ chạy, mấy người nầy dùng gậy gộc và đuốc tẳm xăng khống chế buộc anh Thông phải ghi biên bản theo ý họ, nội dung đại khái là ghe chở tràm giống đâm vào xuồng dân, trong khi đó ông phó giám đốc nông trường ra lệnh cho ghe đâm thẳng vào những người dân trên xuồng cho nên bà con mới giữ ghe lại. Cuối cùng anh Thông phải làm theo lệnh của họ để được ra về.

Chiều hôm ấy, tức là buổi chiều thứ tư chúng tôi ở Khánh Bình Tây, mấy bà lão hỏi chúng tôi chừng nào về, tôi nói sáng mai, một chị phụ nữ ra vẻ dè dặt nói: ngày mai các anh ở lại đi, có nhiều chuyện hay lắm, tha hồ mà chụp hình. Nhìn ánh mắt của chị, tôi linh cảm cho một chuyện không lành nào đó sắp xảy ra, tôi quyết định ở lại và gọi điện về cho hai người bạn đồng nghiệp đi xuống, mang theo ống kính télé 300 để chụp tầm xa khi có sự cố.

Thì ra, sáng hôm sau họ mua hai chiếc máy cày về trục đất để sạ tiếp vụ đông xuân. Sáng hôm ấy, để bảo vệ cho hai chiếc máy cày đang chạy, chị Nguyệt bảo mấy đứa con chị đem phảng ra cặm ở đầu bờ, rồi mấy chục người tụ tập trước sân, trong nhà họ đã chuẩn bị sẳn axit, xăng, súng bắn chuột và mã tấu. Anh Song nói nhỏ với tôi: Chuyến nầy coi như chơi tới cùng, trong nhà em đã chuẩn bị hai mươi ký muối bọt và bọc nylon, hễ chết một người là bỏ vào bọc muối lại chở ngay ra Hà Nội.

Rời khỏi Khánh Bình Tây, tôi mang theo hai điều ám ảnh: thứ nhất, mối căm thù của người dân ở đây đối với vợ chồng ông Vọng đã trở thành mối thù giai cấp, đã ăn sâu vào tận tâm can của họ, thế hệ nầy khó mà gỡ nổi; thứ hai, một cuộc xô xát đang rình rập trong cái xóm nầy, nó nặng nề như ngàn cân treo sợi tóc, ai mà lường được. Một tuần sau, tôi gọi điện xuống hỏi anh Tiền, chủ tịch xã, anh cũng thể hiện sự lo lắng như tôi: Căng lắm anh ạ, bây giờ thì bà con đang trục đất, không ai ngăn cản thì thôi, nhưng tôi nghe nói sắp tới nông trường sẽ triển khai đồng loạt trồng tràm trên vùng đất tranh chấp, lúc ấy tôi sợ có xô xát xảy ra quá !

Khi tôi đang ngồi viết những dòng nầy thì được tin anh anh Huỳnh Khánh, giám đốc sở Văn hóa thông tin vừa đi Khánh Bình Tây về, tôi gọi điện hỏi tình hình ở dưới ra sao, anh nói một hơi như đã thuộc lòng: Tình hình căng thẳng lắm, tôi vừa gọi điện báo cáo cho đồng chí phó Bí thư tỉnh ủy và kiến nghị bốn giải pháp: thứ nhất, phải thanh tra làm rõ toàn bộ hành vi của ông Vọng để xử lý nghiêm túc bởi chính ông ấy là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là người đã tạo ra cái tai họa nầy; thứ hai, phải ngưng lại kế hoạch trồng tràm trên vùng đất tranh chấp, vì làm như vậy chẳng khác nào đổ dầu vào lửa; thứ ba, xem xét cho dân ở vùng ấy tạm thời được thuê đất của nông trường với mức giá hợp lý; thứ tư, tuyệt đối không được dùng biện pháp mạnh để bắt bớ bà con. Tất nhiên đây là ý kiến của cá nhân tôi, song, dù được chấp nhận hay không chấp nhận thì tôi cũng làm hết trách nhiệm của mình.

Tôi xin lấy ý kiến của anh Huỳnh Khánh để thay cho đoạn kết bài viết nầy. Và, lạy trời - dường như tôi chỉ biết lạy trời - cho ý kiến của anh được mọi người chấp thuận./.

Trích từ tập bút ký ĐỒNG CỎ CHÁT - NXB TRẺ-NĂM 2008



46 nhận xét:

bến TamSa nói...

có lẽ nên gửi bài viết của anh cho ông Mạnh, ông Triết, ông Dũng, với lời nhắn:
- Thời phong kiến, khi dân bị quan lại đẩy vào đường chết, dân khởi nghĩa nhưng vẫn tin vào vua, cho rằng vua không phải chịu trách nhiệm thay quan, và họ khởi nghĩa nhưng vẫn mong vua thương xót, sẵn sàng giải tán nếu vua quan tâm đến họ. Ví như nông dân trong khởi nghĩa Ba Vành, dân thờ cả Ba Vành, thủ lĩnh chiến đấu vì họ, lẫn Nguyễn Công Trứ, ông quan đàn áp Ba Vành và họ nhưng sau đó đem lại cho họ cuộc sống mới.
- Nhưng ngày nay thì không thể! Một trường mẫu giáo nào đó ở Hàn Quốc bị ngộ độc thực phẩm, ông Bộ Trưởng Bộ Giáo dục phải từ chức. Ở Nhật, chỉ cần 3 ông Bộ trưởng làm bậy (1 ông tham nhũng 10 năm trước, hai ông phát biểu linh tinh, làm dân phật ý) thì Thủ tướng phải từ chức (Shinzo Abe). Lãnh đạo cao nhất đất nước phải chịu trách nhiệm cuối cùng trước mọi cái xấu xảy ra trên nước mình. Đó là đạo lý thời đại rồi vậy.
- Trong bài "Long đong đời bần cố nông", anh cho biết ông Kiệt thời đó đã có chỉ đạo. Nhưng ông ta chỉ viết vài chữ, gửi xuống Cà Mau, rồi cho rằng thế là mình xong trách nhiệm của Thủ tướng, và quên luôn.
- Ông ta phải chịu trách nhiệm cao nhất!
Không kêu đến Quốc hội, đến những con người ấy thì biết làm sao bây giờ anh?
- Có bài này hay nè anh. Trí thức TQ đang làm gì, trong bối cảnh bị o ép hơn VN nhiều:
http://www.viet-studies.info/THDung/NguyenThiNgocHai_THD.htm
Anh thử đọc phần trả lời phỏng vấn cho câu hỏi:
Nhưng tại sao tham luận của ông không là nghiên cứu trí thức Việt Nam mà lại là trí thức Trung Quốc?
Dường khó tìm được một ai viết về nông dân bền bỉ và sâu rộng như anh.
Trí thức VN còn những người như anh, không phải ông nào cũng trùm chăn.

Vũ Vũ nói...

Cảm ơn chú nhiều

holanhuong nói...

Ông bạn vàng!Mỗi tuần một chuyện đau lòng quá.Tôi không biết tìm đường ra nữa. Nếu như tôi có thể làm thủ tướng thì chỉ dù một tháng tôi cũng có thể thay đổi xã hội tốt hơn.

Pink_Heart nói...

Khi vật chất được đặt lên cao ( có cả chủ thuyết dành cho nó). Thì mục đích sống của con người là đạt đến quyền sở hữu vật chất ở mức cao nhất...
Bạo lực đã từng được chọn là phương cách duy nhất để thực hiện " chính nghĩa", thì đương nhiên là hữu hiệu cho cả mục đích phi nghĩa ( cướp giật, đàn áp)
Dân ta đang hái quả!?

HoaiAnPham nói...

đọc xong hãi quá ông ạ...cám ơn bài viết của ông ..kính chúc ông nhiều sức khỏe ạ .

Vu T nói...

Bất công là không công bằng. Rõ quá rồi, nhưng trong từng trường hợp cụ thể lại luôn là vấn đề tranh cãi. Như trường hợp ông Bảy Châu: "nguyên là bí thư chi bộ ấp nầy, khởi nghiệp của gia đình ông chỉ có bảy công ruộng, nhưng kết quả của một quá trình kinh doanh cầm cố, số ruộng của ông bây giờ có cả trăm công. Tôi hỏi anh Sáu Trung, bí thư xã rằng anh có biết việc nầy không, anh ngập ngừng nói:
-Chuyện ấy thì có, nhưng họ thỏa thuận với nhau chớ đâu phải dùng chức quyền để trục lợi . . . ( ?! )".
Trường hợp này hỏi có bất công không?
Trường hợp ông Nguyễn Thanh Vọng, giám đốc nông trường 402. Bản thân anh cũng từng thuê đất của nông trường và cũng từng mang nước mắt ra về sau mùa thu hoạch lúa.
Có bất công không?
Dân khốn khó, đói nghèo, dễ nhất là quy tội cho chính quyền, nhất là chính quyền sở tại. Không sai, có phần đúng. Nhưng không phải là tất cả.
Cội nguồn của sự đói nghèo (hay giàu có) của người dân phải ở chính người dân, chứ không thể ai khác. Tác động của chính quyền hay xã hội chỉ là tác nhân đẩy nhanh quá trình nghèo thêm hay giàu thêm của họ.
Quy luật phát triển không đều đã chia xã hội và tư nhiên ra nhiều tầng ( Anh D chia là sáu tầng nhận thức). Số tầng pbhụ thuộc vào tiếu chí của người chia. Không quan trọng.
Ta hãy xét một số thực tiễn để nhìn nhận.
Cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, làm nhiều người giàu …tàn mạt. Nay kinh tế thị trường mở ra, không có bất cứ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài, mà nhiều người trong số họ lại trở nên giàu có.
Không ít trường hợp đột nhiên rơi vào cảnh khốn khó, được các cá nhân, các tổ chức xã hội cưu mang, hỗ trợ rồi cũng qua dc lúc hiểm nghèo.
Chương trình “xóa đói giảm nghèo” của Chính phủ cũng cứu vớt được nhiều hộ dân thóat nghèo, thậm chí khá giả nên. Còn phần lớn các khỏan vay của Chính phủ trong chương trình “xóa đói giảm nghèo” trở thành “ nợ khó đòi”, hoặc chính phủ phải xóa nợ.
còn tiếp

Vu T nói...

Xưa có câu: “Giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn”. Có tiền là nhậu, không có tiền cũng …nhậu. Rồi con… một đàn!!! Hỏi sao không nghèo.
Kinh nghiệm cá nhân trong họat động từ thiện, giúp đỡ người nghèo cho thấy: khi người ta nhận đồng tiền không phải do công sức bỏ ra thì mức độ trân trọng đồng tiền ấy cũng rất …hạn chế. Chỉ trong những trường hợp tai nạn bất ngờ, bệnh nan y, hiểm họa thiên nhiên như bão lụt… thì còn thấy tác dụng. Trong nhiều trường hợp, Hoặc tôi có cảm giác thiếu dc tôn trọng, hoặc tôi có cảm giác làm tư thiện là để cho chính tôi …an lòng.
Tôi là người đa cảm, đọc bài viết của VDD là thấy …cay mũi.
Tôi là người xưa nay dc giáo dục người nghèo bản chất là tốt, chỉ tại hòan cảnh khốn khó nên mới …thế này thế kia. Và ngược lại. Nên đọc bài viết của Trương Thái Du tôi hiểu dc nhưng trận “nổi đóa” của những cmt và VDD. Lắm lúc tôi cũng …tức.
Trong một con người có nhiều vị thế khác nhau ( chứ đừng nói hai người như anh Danh và anh Du):
Vói tư cách là người kinh doanh trên thương trường thì rẻ tôi mua, cao giá tôi bán. Thuận mua vừa bán. Tuy nhiên, luôn tìm cách mua rẽ nhất, và bán giá cao nhất có thể. Cách nào để mua đắt bán rẽ là theo trong khuôn khổ pháp luật và quan niệm đạo đức kinh doanh.. của tôi.
Vói tư cách là người có trách nhiệm xã hội, tôi săn sàng đấu tranh vì công lý, bất công trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Với tư cách là công chức nhà nước tối cố gắng thực thi những trách nhiệm của mình để phục vụ Chính phủ. Cái này thì tôi bỏ lâu rồi vì thấy giữa chính sách và thực tiễn cách nhau xa quá. Dân trí, quan trí còn ở mức độ nhất định và mô hình kinh tế thị trường mới xâm nhập vào Việt Nam (nghĩa là chưa có kinh nghiệm vận dụng chứ không phải là phủ nhận) là lực cản lớn nhất cho mọi chính sách kinh tế và xã hội ta.
“Dân trí nào, chính phủ đó” ai là người đầu tiên nói câu này tôi không nhớ rõ. Nhưng khi ông Hợp bộ VH-TT nói câu này bị các blogger chửi …quá chừng. Theo tôi câu này ông Hợp dẫn đúng!
Mâu thuẫn giữa chính sách của Chính phủ và sự đồng thuận của dân chúng sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài có thể còn căng thẳng hơn nhiều rồi mới có xu thế giảm dần và có xu hướng đi vào ổn định.
Một chính phủ giỏi có thể làm khỏang thời gian này ngắn hơn. Ngược lại.
Khách quan nhất để phán xét Chính phủ đương đại tốt hay xấu có lẽ là …đời sau.
Tôi trân trọng ý kiến của cả anh VDD và TTD. Dù chỗ này chỗ kia có phần hơi quá “tả” quá “hữu”.
Hết.

bachaibubu nói...

nhìn hình bác Danh chợt nghỉ bác mà làm ông Bí thư tỉnh là chắc hông dám gặp đâu ngầu wá, giống ông hội đồng ke ke .

dat t nói...

@ Chao a. Danh . Cai chu truong bay gio cua nha nuoc la "lam giau" , cho nen ai giau la gioi , ai ngheo rang chiu . Nong dan khong co "quyen luc" , cho nen ngay cang ngheo.
Nha nuoc khong can dau tu vao "giao duc", vi neu dan" hieu biet " thi kho" tri".
Lanh dao noi lam sao de dan "khong the nao hieu duoc" , vay la "thanh cong".

Ai là ai nói...

Đọc mấy cái này của anh đã lâu, nay đọc lại vẫn thấy chóng mặt. Thật ra những chuyện tương tự thế hiện nay vẫn hiện hưữ..tuy không bộc phát nhưng nó vẫn âm ỉ hoặc hình thức và diễn biến có khác đi, ở cùngg nông dân tại miền quê mới nhận ra

Luong Son nói...

Tôi cũng nghĩ như bác VĐD:"Buồn, đau, trăn trở, thậm chí rất giận. Nhưng tôi không thể nào hời hợt cho phép mình đổ lỗi cho họ được. Còn giải thích vì sao tôi không đổ lỗi cho họ ? Cái nầy thuộc về lý luận của các nhà xã hội học, không phải công việc của tôi".Chúng tôi không có dịp đi nhiều, gặp nhiều và nhất là không biết nói lên như thế nào, nên rất cảm ơn bác đã viết, đăng báo để mọi người cùng thấy và cùng suy nghẫm. Mỗi người sẽ tìm ra cho mình một con đường để đi tới. Hy vọng rằng những người có lòng nhân ái ngày một nhiều, còn bọn ích kỷ càng ngày ít đi và càng bị lên án nhiều hơn để xã hội công bằng hơn, bác ái hơn.

Toan Dang nói...

Cái "lão" trí thức TTD ở đâu rồi ? Có đọc bài này không nhỉ ? Khinh !

VÕ ĐẮC DANH nói...

VuT@: Rất trân trọng ý kiến của bạn, chính vì sự trân trọng ấy mà tôi muốn đáp lại comment của bạn cũng như các comment khác bằng mấy lời tâm sự (không phải tranh luận). Chúng ta sinh ra và lớn lên trên một đất nước mà chiến tranh kéo dài hơn thế kỷ. Trong hơn ba mươi năm hòa bình, phải đương đầu với những xáo trộn của nền kinh tế qua nhiều lần "Cải tạo". Đó là cả một vấn đề phức tạp. Người giàu, có nhiều cách để làm giàu. Người nghèo, có nhiềy lý do để nghèo. Đó không phải là vấn đề mà tôi đặt ra trong các bút ký của mình. Ngay cả sự tha hóa của đời sống nông thôn bây giờ, tôi đã từng chứng kiến mà vẫn chưa có dịp để mô tả. Những câu chuyện kể của tôi, trước hết là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, mà cái ác được nhân danh đủ thứ để đẩy người nông dân vào bước đường cùng. Tôi viết, với tư cách là nhân chứng cho từng câu chuyện, từng thân phận nhỏ bé thấp hèn, và suy cho tận cùng là bằng sự đồng cảm, chia sẻ của một người nông dân cầm bút. Tôi sinh ra cùng nông dân, lớn lên cùng với những buồn vui của bà con nông dân. Bây giờ, khi đã lùi xa để nhìn lại nông dân, tôi mới nhìn thấu hơn nỗi đau của họ.Anh Quang Lập nói một câu làm tôi giật mình:"Nông thôn VN ngày xưa nghèo khó nhưng hiền hòa". Tôi đã một thời được sống trong cái hiền hòa, bình yên đầy ắp tình quê đó. Nhưng bây giờ, cái không khí ấy không còn nữa, nó nát bét hết rồi.Đói nghèo dẫn tới xáo trộn, tha hóa, "bần cùng sinh đạo tặc" thay cho câu "nghèo cho sạch rách cho thơm" của một thuở bình yên. Buồn, đau, trăn trở, thậm chí rất giận. Nhưng tôi không thể nào hời hợt cho phép mình đổ lỗi cho họ được. Còn giải thích vì sao tôi không đổ lỗi cho họ ? Cái nầy thuộc về lý luận của các nhà xã hội học, không phải công việc của tôi.
PC:Bạn VuT dường như có sự ngộ nhận khi viết câu nầy:
"Trường hợp ông Nguyễn Thanh Vọng, giám đốc nông trường 402. Bản thân anh cũng từng thuê đất của nông trường và cũng từng mang nước mắt ra về sau mùa thu hoạch lúa.
Có bất công không?"

Vu T nói...

Chưa kịp đứng dậy đón con thì lại thấy cần thêm vài dòng vì sự "ngộ nhận". Đúng! Ngộ nhận thật. Vì không đọc đọan sau nữa sợ lại ...cay mũi nữa. Đọc hết phần cuối lại thấy không hẳn đã ngộ nhận vì:"Không ai bị kết tội khi chưa bị tòa án kết tội". Khổ thế!Tôi ước gì không phải đọc ý kiến của anh giám đốc sở VH-TT. Bởi đọc rồi tôi cũng không thể có chính kiến. Phải chờ "hạ hồi phân giải"!Tôi không thể thay tòa kết tội ông Vọng.
Mà chờ đến tòa thì hơi lâu đấy.
Mà liệu "nén bạc có đâm tọac tờ giấy"?...mà liệu có oan sai cho ông Vọng vì bài báo này?
Cả trường hợp 1 tôi cũng chỉ đặt câu hỏi chứ không dám có câu trả lời. Vì đằng sau cái chuyện "thuận mua vừa bán" ấy cũng còn nhiều điều "uẩn khúc" mà tôi chưa biết.
Xã hội thay đổi, nông thôn- những người nghèo không bình yên như trước.
Nhưng người giàu cũng không bình yên. Họ cũng phải đối mặt với hàng lọat các vấn đề của họ.
Giới có chức quyền cũng không bình yên. Họ cũng phải đối mặt với hàng lọat các vấn đề của họ.
Chia sẻ với tầng lớp nhà giàu và tầng lớp có chức quyền là bị …chửi ngay. Nhưng tôi biết họ cũng có vấn đề của họ. Mà việc giải quyết vấn đề không phải một sớm một chiều.
Thôi xin phép đi đón con đã, sẽ viết tiếp để chia sẻ với nhau khi có thời gian.

Huong nói...

Một lần đi nghiên cứu, người ta nói em: mấy nhà kia có nhà tường rồi, giàu như vậy mà chỉ vì bà con ông bí thư xã mà được xây nhà tình nghĩa, còn chị này nghèo lắm nè chòi rách không, lại không được xây, cô nói giùm đi. (tất nhiên, em có nói được cái gì đâu)
Một nghiên cứu về chương trình XĐGN của UNDP, nhiều người dân ra khỏi chương trình mà không hiểu tại sao, có người được phỏng vấn lại không biết mình hết còn là hộ nghèo, chị nói, người ta mượn lại cái sổ hộ nghèo đặng thay sổ mới, tui có biết đâu, thế là chị thành thóat nghèo, bảng thành tích XĐGN rất đẹp. (nghiên cứu này còn vạch ra được nhiều chuyện sai trái và bất cập của chươgn trình XĐGN, những người nghèo thật sự không được hưởng lợi từ chương trình này chẳng hạn…, sau đó những người việt đi lấy số liệu cho nghiên cứu này bị công an và chính quyền địa phương hành hạ đủ điều, nhưng vì kết quả UNDP đã công bố, 1 vị lãnh đạo cấp cao đành lên báo công nhận ct XĐGN chưa được thành công (hình như đó là năm 2005)
Một lần làm dự án ở BP, tình nguyện viên của em đi khám bệnh cân đo hàng tháng, nhân viên y tế huyện phải đi theo để lấy số liệu ngay tại chỗ, vì những số liệu báo cáo hàng tháng của cácc chương trình (ăn tiền nhà nước) của họ, đều là dối trá. Không hề làm gì cả, mỗi tháng số liệu vẫn được “cấy” đều lên sổ, và các báo cáo vẫn gửi đều từ cấp này lên cấp kia.

Vài chuyện nhỏ thôi, nói nhiều đau lòng, những chuyện lớn hơn đụng đến những cấp lớn hơn, biết đâu gây rắc rối cho blog anh D. Nhưng quá nhiều chuyện dối trá, dối trá khắp nơi, 600 tờ báo chỉ toàn chuyện tô hồng, chỉ toàn chuyện đẹp đẽ, trách sao người ta không tin vào sự thật !!
Sự thật vẫn là sự thật.
Cảm ơn anh danh đã bất chấp nguy hiểm để viết, để nói.
Tiếp tục nhé anh, không có những người như anh, còn ai kể những câu chuyện thật nữa.

Huong nói...

Nhớ lời Khổng tử dạy nha anh Danh.

TÔI YÊU VIỆT NAM nói...

những đêều anh viết có thể là sự tâật nhug những đêều anh nghĩ lại là sự phản sự thật.

May N nói...

"...phải thanh tra làm rõ toàn bộ hành vi của ông Vọng để xử lý nghiêm túc bởi chính ông ấy là nguyên nhân của mọi nguyên nhân..."
Em không hoàn toàn đồng ý với ý này của ông Huỳnh Phát.
Đúng là có một Hội Đồng Dư bằng xương, bằng thịt là Vọng, nhưng ai dám nói trong đất nước kiên trì gắn cái mác Xã hội chủ nghĩa, đến kinh tế thị trường cũng ráng nói là định hướng theo XHCN mà có Địa Chủ Tàn ác như vậy ? (Nói là thành phản động ngay á)
Chế độ, nhà nước không bao che khuyến khích thì đã tích cực tạo điều kiện để đẻ ra quái thai Vọng này.
Cuộc nổi lọan tự phát này rồi sẽ bị dập tắt để ổn định chính trị thôi anh. Em nói vậy có thể vì em bi quan, nhưng em không tin người ta thương nông dân đến mức "bất chợt" nhận ra sai sót và tích cực sửa chữa đâu.
Nếu như họ còn quân đội, công an còn có thể đàn áp thì sẽ lại đàn áp, giàn thung, phảng, muối bọt chiến thắng được tiền sao ?

MAP M nói...

Cái thời nông dân và làng quê hiền hòa của anh Danh là cái thời hình như ta đang có chiến tranh ác liệt phải không à ? Còn cái thời nông dân nổi dậy như hiện nay in là ta đang hòa bình mờ ? Em hok hỏi cắc cơ anh Danh , em đang tự hỏi chính mình :Vì sao nên nỗi ? Một ông Hùynh Phát nhìn ra vấn đề , một đảng viên được dạy rằng phải đau trước nỗi đau của nhân dân , phải xắn quần lội nước trước nhân dân , phải sướng sau hết cái sướng của nhân dân mà sau cái nhìn ra của mình chỉ có thể nói :”Đó là ý kiến riêng của tôi…cho dù được hay không được chấp nhận thì tôi cũng làm hết trách nhiệm của mình rồi” là rất đáng nhận …kỷ luật Đảng . Bởi Đảng đâu có dạy làm hết trách nhiệm của mình mà đảng buộc mọi đảng viên “phải làm hết trách nhiệm với dân” . anh nhìn ra , anh báo cáo về trên để mặc cho trên muốn mần sao thì mần thì xin lỗi anh mần đơn xin ra khỏi đảng cho rồi! Nếu ngày xưa dân cũng nói như anh :Tui che giấu mấy chú hết trách nhiệm của tui thôi còn mấy chú sống chết là chiện của mấy chú thì bi giờ có thể nào xuất hiện lọai “cường hào đỏ” như gia đình ông Vọng hay không ?Bài viết của anh từ năm 2002 , 6 năm trôi qua hỏi xem dân ta dưới đó có còn vậy chăng là câu mà em muốn hỏi ! Dù chợt rùng mình nghĩ 6 năm wa họ đã “lầy lội” thế nào ?Thật buồn !

MAP M nói...

Đính chánh :Ông Hùynh Khánh !

Mùa đông khó quên nói...

đọc bài của anh buồn không thể nào tả nổi. Dân bần hàn cùng cực đến thế này làm sao mà nước giàu mạnh lên được!!! Chỉ nghe chuyện anh kể đã thấy nguyên nhân của bất công đói nghèo rồi, không hiểu vì sao ấp huyện ấp tỉnh lại không biết nhỉ, hay biết cũng như không? Nếu không nghĩ thì thôi,nhưng nghĩ tới thì tực sự rất hoang mang và nản.

sogno nói...

Tán thành với chị Hương. Khi mà mục đích và cái tâm khác nhau thì tranh cãi sẽ rơi vào vô cùng. Rất mong những bạn đọc không có cùng cái nhìn với anh Danh trước khi comment nên tỏ ra tôn trọng những cái mà anh Danh đã và đang làm. Chí ít cũng mang được tiếng nói của người dân tới với tầng lớp "thị dân", đó là điều không phải ai cũng muốn và cũng dám làm. Nói thì dễ lắm...

Tuệ Hoan © nói...

anh ơi, công bố vài lá thư của Hội Tâm thần Xẻo Lá cho đời tươi vui cái coi !

Curio nói...

"Bần cùng sinh đạo tặc", nhưng cái gì sinh ra bần cùng???.Giá như ông Vọng đúng là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân" như ông Giám đốc sở nói thì đỡ biết mấy. Lạy trời ...!

gió heo may nói...

Chào anh VĐD , tôi ghé nhà anh chỉ do tình cờ nhưng lại không thể bước ra mà không gởi lời chào anh , có lẽ do bước chân tôi cũng bỗng chông chênh sau khi đọc hết bài anh viết .
Tôi nhớ năm 1976 , tôi ra trường và về dạy tại một vùng đất mới thuộc xã Tà Lài huyện Tân Phú ĐN .Người dân ở đó chính là những người dân ở quận Bình Thạnh TPHCM lên đây xây dựng vùng KTM - tất cả cái cảnh khốn cùng trong bài viết của anh đã từng là những điều tôi thấy lúc ấy , khác chăng là người dân lúc ấy chỉ biết cúi đầu , họ không thể làm gì hơn khi lúc đó " cường hào ác bá " tự do và nhiều vô kể . Tôi dã từng thấy những đứa HT của tôi ( lớp 4,5 ) biết bỏ gạo , đậu xanh vào một quả bóng nhựa mà chúng khéo léo đổ vào qua một lỗ khoét nhỏ để mang về SG bán nhằm giúp gia đình sống qua ngày ( lúc đó ngăn sông, cấm chợ mà ) và chính chúng hỏi tôi :" Cô ơi , trong bài sử cô dạy con chế độ ta ko có giai cấp vậy mà chú Tám Bích là cán bộ , nhiều đất hơn nhà con , tụi con phải đi làm thuê cho ổng ,vậy là có giai cấp rồi há cô " Anh nghĩ bài học tôi dạy học trò có trở nên vô duyên ko ?
Vậy là hơn 30 năm đi qua , tôi không tưởng tượng vẫn còn cái cảnh đau thương như bài viết của anh . Tôi cũng muốn nổi nóng như M ghê anh VĐD ạ
Chào anh ,mong sẽ tiếp tục được đọc những thông tin của anh .

quê choa nói...

Mình sống nhiều ở nông thôn ngày xưa, vẫn rất nhiều lạc hậu, ấu trĩ. Vẫn có bất công và đè nén nhưng về cơ bản là đời sống nông thôn nghèo khổ nhưng hiền hoà. Sao ngày nay nhiều chuyện trái khoáy thế không biết. Đọc bút kí Danh thấy bước đường cùng, tắt đèn chẳng nhằm nhò gì. Buồn kinh

ti4mat nói...

Quá chát cho người nông dân. Sẽ có người lại bình luận là chát như vậy là do người nông dân mình thôi(?), rồi sẽ lại phải sống chung với bất công, rồi... rồi...Nhưng điều đọng lại là hạt gạo mình ăn sẽ còn tiếp tục mặn chát đến khi nào? có ai nghĩ dùm, nói dùm người nông dân như anh Danh nữa không? Hãy bỏ đi tất cả các lý luận vớ vẩn, hãy mở lòng ra với nhau sẽ cảm được điều này. Mong rằng sẽ ngày càng có nhiều người tử tế cảm được điều này.

ten k nói...

Kính mời các vị "thánh nhân"
Rời khỏi điện ngọc, nghe dân..la làng.
Xin đừng ngồi đó..vênh vang.
Thản nhiên trước nỗi lầm than...dân mình.
******
Khốn nạn cho cái...nhân tình!!

lumiphu nói...

mấy chuyện bất công này ở MIỀN TÂY đầy , buồn cho bức tranh việt nam . cám ơn anh DANH nói thay tiếng nói của người dân thấp cổ bé họng

Quỳnh Vy nói...

Thời ông Hội đồng Dư là thời 'phong kiến'.
Không biết thời bây giờ gọi tên ra sao với những cảnh đời như thế này?

trục nhật phi nói...

Mấy cái này chủ yếu là số phận bần cố nông từ 1986 đến trước khi Việt Nam gia nhập WTO, quá trình tích tụ ruộng đất đi kèm với các hình thức bất công xã hội cổ điển, ví dụ cán bộ ở một số địa phương biến chất trở thành địa chủ mới. Nhưng sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì quá trình tích tụ ruộng đất đi kèm với những hình thức bất công xã hội mới, chẳng hạn thương nhân cũng tham gia bần cùng hóa nông dân qua việc bán đắt vật tư nông nghiệp và mua rẻ nông sản hàng hóa, vài năm nay tình hình này diễn ra trên phạm vi rộng và quy mô lớn hơn trước kia rất nhiều. Cho nên trước đây bần cố nông khổ, nhưng trước mắt nếu không có chính sách đúng đắn và kịp thời thì sẽ đến lượt nhiều trung nông phá sản...

Vu T nói...

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=278563&ChannelID=3
Chính quyền tỉnh Kông Tum viết khẩu hiệu khó hiểu quá. Có ai dịch lại cho rõ nghĩa không?
Tạm dịch là: Các anh hùng liệt sĩ và những người có công ơi, Dừng kể công nữa! Vấn đề là bây giờ các vị có tiền không? Nếu không có, thì xin lỗi các vị, Chả còn gì để nói với các vị!

Phuong Ho nói...

Làm đầy tớ nhân dân kiểu này thế mà sướng, cứ tha hồ bóc lột kiếm tiền mà không cần sợ ai hết. Những ông "Hội đồng Dư" ngày xưa so với "đầy tớ ngày nay" còn chưa là gì. Cứ bức bối thế này thì sẽ sớm có ngày "dân nổi can qua" thôi.

holanhuong nói...

Đừng đóng blog Danh ơi! Để cho mọi người đọc và chiêm nghiệm!

Red Tree nói...

Anh Danh ơi, blog của anh là nơi em có thể đọc và suy ngẫm về cuộc sống của người nông dân. Những bài viết của anh là nỗi trăn trở của anh về cuộc sống và con người nông dân chất phác mộc mạc. Bạn đọc luôn nhiệt tâm ủng hộ anh, vì mỗi bài của anh khi phản ánh một thân phận con người rất thật và bạn đọc luôn góp tay để giúp họ có cuộc sống tốt hơn bằng cái nghĩa và cái tình.
Em không dám comment những lời cao siêu về vấn đề vi mô và vĩ mô của đất nước. Nhưng qua bài viết của anh, em biết mình nên cố gắng bắt đầu làm một việc rất nhỏ để giúp những người cần được giúp đỡ.
Anh là người dũng cảm, dũng cảm trong cách suy nghĩ và việc làm. Em xin trân trọng tấm lòng của anh, một người Thầy và một người bạn.

bachaibubu nói...

cơm sôi rồi về nhà đi, muốn tòm tem thì tòm.

Ống kính Cuộc Sống nói...

Em đã từng nghe cái "quyết tử" ấy của một người nông dân khi hỏi họ biểu tình thế nào trên đường Võ Thị Sáu... Ko ngờ mọi chuyện đã diễn ra từ lâu đến vậy... Đã nhiều lúc em nhầm tưởng, cái nhầm tưởng ngây ngô rằng những sai lầm - những "cái ác" kiểu thế này mới xuất hiện vài năm gần đây, khi nền kinh tế có nhiều biến động. Ko ngờ mọi sự chưa hề thay đổi - ngay cả từ sau 1975....

Phương Nguyên nói...

Anh Danh , "các anh ở trên" giải quyết vụ đó ra sao, và bà con mình bây giờ ra sao rồi.
Đọc cái còm của anh, rằng cái không khí hiền hòa ở nông thôn giờ đã bị tha hóa, nát bét hết rồi thiệt là buồn, vì đúng quá!
Gia đình tui (và một số gia đình khác)cũng bị nhà nước lấy đất làm trụ sở không đền bồi một cắc bạc (năm 1979). Thưa kiện hoài cũng không kết quả, bây giờ miếng đất đó "nhà nước" đập bỏ trụ sở, bán lại cho tư nhân tỉ này tỉ nọ, tức quá muốn nổi loạn mà sợ chuyên chính vô sản nên thôi. Cái cảnh nông dân bị cướp đất nó nhan nhản khắp nơi, nhưng như ở Khánh Bình Tây thì kinh khủng quá.
(Cái bút ký mùa nước nổi anh mới viết trong mùa nước năm nay ạ?)

NhomuathuHanoi nói...

Cứ để dân bị đè nén thêm đi, rồi tự họ sẽ làm thổ địa cách mệnh thêm một lần nữa.

Cyclo! Cyclo! nói...

Chỉ thích vô đọc và coi bà con còm thôi.

Korolbo nói...

Chuyện này có gì mà phải ầm ĩ. Mọi người không coi trang nhất báo TT đang rạo rực với "Bỗng dưng muốn khóc", trăn trở với "Lá sầu riêng" rồi còn đủ thứ việc cần làm ngay như" ai sẽ đi thi bông hậu thế giới/hoàn vũ gì đó"? ai chịu trách nhiệm vụ sai qui chế, sửa qui chế, học bạ giả..Vụ NKVA cũng chưa dứt điểm, chuyện "giáo hội phật giáo chưa thống nhất VN", vụ đất toà khâm, đất thái hà, trốn thuế thu nhập cho thuê nhà, xử nhà báo, bố trí công việc phù hợp cho BT, vụ Nhật, Mỹ làm giảm uy tín của VN, chuyện khắc phục vết nứt đốt hầm Thủ Thiêm, xây nhà QH, mở rộng Thủ đô, rà soát chuyện đua nhau làm sân golf, thu hồi tiểu thuyết "Thời của Thánh thần" v.v và v.v.nhiều chiện lắm làm sao mà giải quyết một lúc hết được. Cứ từ từ rồi đến năm 2020 cũng thành nước công nghiệp phát triển. Nếu kết luận nhanh kiểu "nói thẳng cho nó vuông" rằng thì mà là chung qui chỉ tại Vua Hùng (phải chăng vì vậy vừa rồi ngài chỉ đựơc cung tiến bánh chứng giả ở Đầm Sen?), hu hu, trời đã sinh ra Zu sao còn sinh ra Lượng??? Còn tin sốt dẻo nữa mọi người có biết ai vừa mua chiếc xe trị giá 25-26 tỷ không?

Tran N nói...

Đọc các bài viết viết về nông dân, buồn quá, một thế hệ CƯỜNG HÀO ÁC BÁ ĐÚNG NGHĨA ĐÃ TRỖI DẬY, họ hành động tàn bạo giống những cường hào ác bá ngày xưa, giống y như những mô tả của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, họ hành động ngang nhiên không cần che giấu, vì họ đã được sự bao che dung dưỡng của chính quyền từ trên xuống dưới, chức to ăn to, chức nhỏ ăn nhỏ, CƯỚP CỦA NGƯỜI NGHÈO CHIA CHO NGƯỜI GIÀU.
Lật thuyền mới biết dân như nước
Chắc sau bài này anh bị xử quá

Hien H nói...

Chia sẻ với tầng lớp nhà giàu và tầng lớp có chức quyền bị chửi là còn ít.

luonghuynh nói...

em đọc xong nó ngứa ngáy thế nào ấy, nghe cay cay ở đâu đâu đó trong người ...

Mẹ Nấm® nói...

Em ko đọc bài này trên blog anh, nhưng vẫn comment vì từ trong sách bước ra, những con người ở Khánh Bình Tây khiến em rơi nước mắt!

A35 nói...

Cái bà holanhuong này lại giở giọng ba xạo nữa rồi. Cần gì làm Thủ tướng mới làm việc tốt được, ngay bây giờ chỉ cần bà ta đối xử tốt với mấy đứa nhân viên của mình, đừng trả lương rẻ mạt, đừng ăn bớt ăn xén tiền lương, đừng bòn từng đồng từng cắc trong túi tiền còm của nhân viên mình, đừng tìm cớ kéo dài thời gian làm việc mà không trả thêm tiền công lao động... là bà đủ trở thành "Phật sống" rồi.
Bà ta luôn luôn có "bạn mới", vì "bạn cũ" một thời gian sau ai cũng biết con người đạo đức giả, háo danh của bà ta nên đều xúm nhau chạy mất dép. Ai không tin cứ tìm nhân viên cũ của holanhuong mà hỏi thì biết. Bà ta mà có dịp làm Thủ tướng thì đó là thảm họa cho dân VN, vì bà ta sẽ dùng mồm mép đạo đức giả (như comment ở trên của bà ta) để lừa bịp ru ngủ nhân dân, và tham nhũng gấp ngàn lần cái bộ sậu hiện giờ nữa. Lúc đó thì người dân không phải là "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" (vỏ dừa còn tương đối sạch sẽ hơn) mà là "tránh vỏ dưa gặp ngay hố xí".