Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

LONG ĐONG ĐỜI CỐ NÔNG




Gia đình anh Trung, chị Nhàn - phía sau là căn nhà của họ.




Năm 1976, làm lý lịch đi học, ở mục thành phần giai cấp, tôi ghi là bần cố nông vì tự xét thấy mình là nông dân mà không có đất. Ra xã chứng, ông Chủ tịch xã bảo về viết lại là “thành phần trung nông mới”. Ông giải thích: Bần cố nông là sản phẩm, là nạn nhân của chế độ thực dân phong kiến và chủ nghĩa đế quốc. Chúng đã bị đánh đổ. Giai cấp bần cố nông, từ vị trí nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, nên gọi là trung nông mới. Chính vì vậy mà chế độ ta không còn tồn tại giai cấp bần cố nông.

Vậy mà . . .

LONG ĐONG ĐỜI CỐ NÔNG

Khách đến tìm tôi là một phụ nữ trạc tuổi bốn mươi, gương mặt khô cằn sạm màu nắng gió, bộ bà ba nhàu nát và lấm tấm bụi đường, tay cầm chiếc nón lá bung vành úp lên đầu gối. Nhìn tôi, chị cười như có vẻ thân quen: Anh không nhớ ra tôi sao ?” Tôi ngờ ngợ rất lâu mới nhận ra chị Nhàn ở U Minh hạ. Mới có sáu năm mà trông chị già đi. Sáu năm trước, hồi ấy chị mới hai mươi chín tuổi, vậy mà bây giờ thoạt nhìn tôi cứ ngỡ người phụ nữ bốn mươi. Hồi ấy, tôi về U Minh hạ gặp chị cũng vì chuyện đất đai, rồi bây giờ chị tìm đến tôi cũng thế. Chị móc túi lấy ra tờ đơn viết tay, nét chữ nguệch ngoạc và đầy lỗi chính tả, lời văn thô kệch nhưng cháy bỏng nỗi khao khát đất đai của những người nông dân không đất. Chị nói: “Anh xem và tìm cách giúp bà con, tụi tui vô cùng biết ơn”.Tôi nhìn lướt qua mặt sau lá đơn là hàng chục chữ ký. Trả lại chị thì tôi chẳng đành lòng, mà nhận thì chẳng khác nào mình gieo cho người ta một niềm hy vọng trong khi tôi thừa biết mình chẳng giúp được gì, kết cục thì cũng như chuyện của sáu năm trước mà thôi.

Hồi ấy, tôi gặp chị Nhàn ở kinh 29 thuộc lâm trường U Minh I, lúc ấy chị đang mang thai, lại phải gồng gánh hai đứa con nhỏ trong căn chòi xiêu vẹo, chồng chị – anh Đinh Văn Trung – thì đang ở trong tù, chị sống trong sự đùm bọc của cha mẹ và bà con lối xóm. Rồi đất bằng dậy sóng, cả xóm chị, trên hai mươi hộ dân với cả trăm con người đang bị giải tỏa vì lý do cư trú trái phép trên đất của lâm trường . . .

Chị Nhàn quê ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, cũng thuộc vùng U Minh hạ. Ngay từ lúc sinh ra chị đã nghèo, gia đình không ruộng đất. Lớn lên theo cha mẹ đi làm mướn, khi lấy chồng lại cũng gặp một anh chồng nghèo như chị. Gia đình bên chồng chị chỉ có mười công ruộng nhưng lại có đến mười ba miệng ăn, chị lại phải cùng chồng đi làm thuê kiếm sống: đào đất, làm cỏ, gặt mướn, cấy mướn quanh năm.

Đến năm 1989, nhiều người trong xóm chị rủ nhau vào các lâm trường thuê đất ruộng, cả gia đình chị cũng kéo đi, tất cả mười người gồm cha mẹ chị, bốn đứa em, hai vợ chồng chị và hai đứa con mọn. Đến kinh 29 thuộc lâm trường U Minh I, cha mẹ chị thuê được 4ha, vợ chồng chị thuê được 3ha với giá mỗi ha 500.000 đồng một năm. Tổng diện tích khu đất nầy là 60ha do lâm trường cấp cho văn phòng ủy ban nhân dân huyện U Minh để sản xuất tự túc với danh nghĩa là gây quỹ công đòan, văn phòng ủy ban cho trên hai mươi hộ dân thuê lại nhưng chỉ được phép sử dụng mặt đất để trồng lúa và sử dụng bờ đê để trồng chuối, rau màu, tuyệt đối không được khai thác cá dưới mọi hình thức vì đó là nguồn lợi của văn phòng ủy ban. Điều kiện ràng buộc khắt khe đến thế nhưng họ vẫn chấp nhận bởi đây là con đường sống duy nhất của những nhà nông không đất, dẫu sao thì họ cũng có được hạt lúa do chính mình làm ra.

Đến năm 1994, hợp đồng hết hạn, văn phòng ủy ban huyện giao khóan lại tòan bộ diện tích đất cho ông Lê Thanh Liêm, một nông dân giàu có và là cháu ruột của ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Mức khóan của văn phòng ủy ban giao cho ông Liêm giá bao nhiêu thì không ai biết, nhưng ông Liêm nâng giá thuê đất cho các hộ nầy lên 1,5 triệu đồng trên một ha, trả trước 1 triệu, còn lại trả sau khi thu hoạch lúa. Điều kiện ràng buộc cũng như trước đây, nghĩa là ông Liêm trọn quyền thu hoạch cá, bà con không được bắt cá dưới mọi hình thức, ai vi phạm sẽ bị thu hồi đất.

Những người lớn tuổi như cha chị Nhàn tỏ ra uất ức, bởi cái thời của ông, làm tá điền cho chế độ thực dân Pháp thì mỗi công đất chỉ nộp tô hai giạ lúa tới mùa, bây giờ thuê đất của nhà nước mà phải qua ba trung gian và với cái giá nầy thì quy ra mỗi công hơn sáu giạ, lại phải đi vay tiền để trả trước hai phần ba. Mâu thuẫn giữa ông Liêm và những người thuê đất từ đó bắt đầu. Ngày ngày, người ta thấy ông ngồi trên vỏ lãi chạy dọc theo tuyến kinh một cách oai vệ như một tên chủ điền không hơn không kém. Vào giờ cơm, ông ghé từng nhà kiểm tra xem người ta ăn cá biển hay cá đồng.Nếu ăn cá đồng thì ông hạch hỏi cá bắt từ đâu,bằng cách nào ? Trả lời không suông là ông hăm he thu hồi đất. Chị Nhàn nói sống giữa U Minh mà nhà chị phải ăn khô biển.

Có lẽ vì là cháu ruột của ông Chủ tịch huyện nên ông Liêm được trang bị bốn khẩu súng AK, một khẩu cạc-bin và một số lựu đạn để cho đám đệ tử của ông hàng đêm đi canh giữ cá đồng và cuối mùa đi đòi nợ những người thuê đất.

Năm 1996, hàng loạt cá chết, ông Liêm đi trình báo, công an huyện xuống điều tra, họ phát hiện có mấy chai thuốc trừ sâu dưới ruộng của chị Nhàn và anh Việt – cũng một người thuê đất – ngay sau đó anh Trung – chồng chị Nhàn – và anh Việt bị bắt giam vì bị tình nghi thuốc cá của ông Liêm.

Trong một chuyến đi công tác về vùng U Minh hạ, anh Đặng Huỳnh Lộc – phóng viên báo Cà Mau – đã viết một phóng sự mười một trang dưới đầu đề Những nhà nông không đất, chủ yếu xoay quanh những số phận trong cái xóm của chị Nhàn và một số lâm trường lân cận. Bài viết của Lộc không báo nào dám đăng, anh gởi cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Không ngờ việc làm liều lĩnh của Đặng Huỳnh Lộc lại khuấy động đất U Minh: Ngày 16 tháng 9 năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi Công điện khẩn cho Chủ tịch Uy ban nhân dân tỉnh Cà Mau: Tôi nhận được phóng sự của nhà báo Đặng Huỳnh Lộc viết về đất đai, rừng tràm U Minh ( gửi kèm theo ). Nếu sự thật như phóng sự nầy phản ánh thì có thể nói tình hình rất nghiêm trọng. Tôi đề nghị đồng chí Chủ tịch có quyết định lập ngay một đòan thanh tra gồm Thanh tra nhà nước của tỉnh, Sở Địa chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và nếu tỉnh ủy đồng ý thì mời cả Uy ban Kiểm tra Đảng của tỉnh tham gia, về tại chỗ kiểm tra, đối chiếu tình hình. Phải xử lý kỷ luật hành chính thật nghiêm mọi tổ chức, cá nhân nào vi phạm. Nếu có dấu hiệu hình sự thì phải cho tiến hành điều tra, khởi tố theo pháp luật.

Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp giao nhiệm vụ, chỉ đạo đòan thanh tra và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Trong một cuộc họp báo tại UBND tỉnh Cà Mau, tôi được nghe chị phó Chủ tịch đọc công văn ấy bằng một thái độ rất bất bình, chị quở trách báo Cà Mau quản lý phóng viên quá yếu nên mới xảy ra sự việc rắc rối nầy làm mất uy tín của tỉnh với Trung ương.

Đời có câu giận cá chém thớt, cuối cùng thì kẻ bị chém chẳng khác ai ngòai Đặng Huỳnh Lộc và Những nhà nông không đất của anh. Suốt thời gian đòan thanh tra làm việc, tôi thấy Lộc trở thành kẻ cô đơn. Có lần gặp anh ngồi một mình trong quán café, tôi xề lại hỏi chuyện ấy sao rồi, Lộc nói: Tổng biên tập mời mình lên bảo rằng Chủ tịch tỉnh ra lệnh cấm không cho mình ra khỏi thị xã để chờ xử lý, tất nhiên là lệnh miệng. Còn bây giờ thì họ chẳng phân công mình viết lách gì cả, cũng chẳng sử dụng bài vở của mình dù nó chẳng hề dính líu tới U Minh...

Hơn một tháng sau, Chánh văn phòng UBND tỉnh thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch tỉnh về việc thanh tra đất rừng U Minh theo phóng sự của Đặng Huỳnh Lộc: Thứ nhất: Thu hồi 60ha đất tự túc của văn phòng ủy ban huyện U Minh giao lại cho Lâm trường U Minh I quản lý để trồng lại rừng tràm; Thứ hai: Thu hồi tòan bộ vũ khí của Lê Thanh Liêm sử dụng trái phép; Thứ ba: Trục xuất 21 hộ dân cư trú trái phép ra khỏi khu vực lâm trường.

Được sự giúp đỡ của một thầy giáo ở địa phương, đại diện 21 hộ dân làm đơn khiếu nại, họ đòi trả lại cho họ sự công bằng. Bởi lẽ, gần mười năm qua họ chấp nhận canh tác trên mảnh đất nầy qua ba tầng bóc lột, chẳng ai xem họ là người cư trú trái phép, bây giờ, nếu như nhà nước thu hồi đất từ tay kẻ bốc lột thì tại sao không giao quyền làm chủ lại cho họ để giải phóng kiếp tá điền như cuộc Cách mạng tháng Tám ngày xưa ?

Những ngày sau đó, thỉnh thoảng tôi thấy Đặng Huỳnh Lộc ngồi trong quán café với vài anh nông dân áo quần lem luốc, có khi là mấy chị phụ nữ ngồi co ro, mặt buồn rười rượi, chiếc nón lá bung vành úp lên đầu gối. Tôi hiểu ngay đó là Những nhà nông không đất đang tìm đến anh, tìm đến sự cứu rỗi của một nhà báo. Mà một nhà báo thì có thể giúp được gì cho họ ? Bản thân anh ta còn chưa chắc được yên !

Và đúng như vậy. Cuối năm ấy Lộc bỏ quê lên Sài Gòn làm ở một tờ báo khác, còn 21 hộ dân ở kinh 29, sau mấy tháng cầm cự, không chịu nổi sự đe dọa trước họng súng, dùi cui, roi điện và còng số 8 của nhà chức trách, họ đành phải ra đi dù chưa biết trước nơi nào là cái bến.

Chị Nhàn kể rằng, chồng chị đang ở tù, còn chị thì quằn quại trong cơn đau chuyển dạ nhưng cũng bị buộc phải ký vào biên bản cam kết ra đi. Sau khi sanh được ba ngày, mẹ chị dìu chị xuống xuồng trong một cơn mưa gió. Không có cao su, chỉ có chiếc nón lá che cho đứa con còn đỏ hỏn, mẹ chị bơi xuồng đưa chị đến ở trọ nhà của một giáo viên tốt bụng trong rừng. Đến khi sức khỏa bình phục, mẹ con, bà cháu mới dắt díu về quê. Nhưng khổ nỗi, cả gia đình chị và nhiều bà con khác đã không được quê hương thừa nhận, hộ khẩu bị cắt, nhà cửa đất đai không có. Chị tìm về nhà chồng, nhưng gia đình bên chồng chị đang là đối tượng phải cứu đói của địa phương trong mùa giáp hạt. Chị dựng căn chòi bằng lá dừa trên một bờ mương làm nơi tạm trú để đi làm mướn nuôi con trong cái cảnh non ngày non tháng để chờ đợi chồng về.

*

Tiễn chị Nhàn ra về, tôi giữ lại lá đơn trong tay nhưng không biết phải làm gì để giúp chị và những người đã ký trong đơn. Cũng như sáu năm trước đây, Đặng Huỳnh Lộc chẳng những đã không giúp được gì cho họ mà còn phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn.

Biết rằng là thế nhưng cũng không thể kềm chân được. Sáng hôm sau tôi xách honda chạy một mạch xuống U Minh. Từ xã Khánh Lâm, tôi gởi xe trong một quán café rồi thuê chiếc đò đi thẳng vào kinh 89. Từ xa đã trông thấy một dãy cờ đỏ sao vàng bay phấp phới dọc tuyến kinh, hàng chục căn chòi dã chiến vừa mới dựng lên chưa lợp mái. Tôi dừng lại ở một căn chòi được che tạm bằng tấm bạt, nền đất lô nhô vừa mới trải rơm. Chưa được mười phút sau thì có hàng chục người kéo đến vây kín căn chòi. Người ở tại chỗ có, người từ nơi xa đến cũng có, mỗi người có những trang tiểu sử khác nhau, nhưng cuối cùng họ có một kết cục giống nhau là những nhà nông không đất và đang khao khát đất. Họ kéo đến nằm vạ trên tuyến kinh nầy chỉ vì một thông tin: Nghe nói tỉnh Cà Mau có chủ trương thu hồi tòan bộ đất của các cơ quan và cán bộ sử dụng theo hình thức phát canh thu tô để cấp cho dân, cho nên họ đến đây để chờ xin đất. Bà con cho biết, trên tuyến kinh nầy có trên hai trăm ha, lâm trường U Minh I cấp cho các cơ quan của huyện làm tự túc, các cơ quan khóan lại cho cán bộ, cán bộ khóan lại cho dân mỗi ha 60 giạ lúa tới mùa, còn nếu trả tiền mặt thì mỗi ha hai triệu.

Tôi gặp lại bà Nguyễn Thị Hấn, mẹ của chị Nhàn, ở cái tuổi bảy mươi mà bà vẫn còn bưng thau bánh ú đi bán dạo. Lưng còng, chân yếu với thau bánh nặng trịch, bà như bò lết qua những khối đất lởm chởm trên bờ đê. Bà kể: năm 1997, sau khi bị giải tỏa ở kinh 29, bà trở về quê nhưng cũng giống như tình cảnh chị Nhàn, không cách nào sống nổi. Vợ chồng con cái lại chèo chống sang U Minh đi làm mướn để tìm cơ hội thuê đất. Đến đây, bà thuê 3ha đất của ông Hiệp – mộn cán bộ huyện – với giá 180 giạ lúa tới mùa. Nhưng làm một năm bị chuột cắn sạch, chỉ thu được 30 giạ. Không có lúa nộp tô, ông Hiệp lấy đất lại cho người khác thuê. Không có chỗ ở, bà phải thuê lại của người chủ mới một công để cất nhà và trồng mía, hàng ngày phải đi bán bánh ú để kiếm miếng cơm.

Nghe tin tôi đến, anh Đinh Văn Trung, chồng chị Nhàn đang đào đất mướn cũng vội bỏ về. Những thước phim của cuộc đời anh sáu năm qua cũng chẳng có gì mới mẻ, khác chăng là bây giờ anh có đến sáu đứa con. Anh kể, sau khi tạm giam bảy tháng mười một ngày, cơ quan điều tra không chứng minh được anh là thủ phạm trong vụ thuốc cá của ông Liêm nên thả anh về. Về quê cũng không biết làm gì để sống nên vợ chồng con cái lại gồng gánh sang đây. Mùa hạn thì ngày đi đào đất mướn, tối soi chuột đồng cho vợ mang ra bán ở chợ U Minh. Mùa mưa, đến kỳ khai thác rừng thì vô rừng làm mướn, rồi xin cành ngọn tràm chặt khúc bó củi đi bán, cứ thế sống lây lất qua ngày. Cách đây hai năm, anh thuê được một ha đất của ông Hận – một cán bộ huyện cũng nhận khóan lại đất của cơ quan – với giá 60 giạ lúa tới mùa. Nhưng làm ra chỉ được 35 giạ. Khi chở lúa về sân, ông Hận qua thu lúa ruộng. Anh năn nỉ ông Hận: tôi làm cực khổ chỉ được có bao nhiêu đó, anh lấy phân nửa, còn lại năm sau tôi trả, chớ anh lấy hết chắc tôi phải tự tử mà chết chớ làm sao nhìn cảnh vợ con tôi đói. Ông Hận thông cảm chừa lại anh mười giạ, nhưng mùa sau, ông Hận lấy đất lại cho người khác thuê với giá hai triệu đồng tiền mặt.

Thế là cuộc đời của vợ chồng anh Trung, sau mười lăm năm lang thang làm cuộc mưu sinh dưới tán rừng U Minh hạ, họ chẳng được gì ngòai sự ra đời thêm bốn đứa con. Nhìn bức ảnh chụp gia đình anh trước căn chòi xiêu vẹo, nhìn gương mặt hồn nhiên của năm đứa trẻ, lòng tôi cứ nao nao. Lạy trời - lại cũng chỉ biết lạy trời và cầu nguyện cho tương lai của chúng đừng long đong đời cố nông như cha mẹ chúng.

Cần Thơ, ngày 18 tháng 4 năm 2003

96 nhận xét:

sodua nói...

Thời Pháp ngày xưa xảy ra vụ án Đồng Nọc Nạn chắc cũng do những kẻ cướp đất của nông dân như thế này. Cuộc cách mạng kéo lịch sử quay đúng một vòng trở lại điểm khởi đầu.

BOSU nói...

....ĐẤT NƯỚC ƠI ! TỔ QUỐC ƠI ! TRỜI ĐẤT ƠI !
Anh cho tôi copy về Blog để đánh động lương tri... thanks

Chiêu anh nói...

đọc đến bài này thì phải bật khóc ...khóc vì ức ...chịu không nổi ...

Ka nói...

Lặng người!
cái xã hội ngoài kia..

Red Tree nói...

Xót quá. Đọc như xát muối vào tim. Như anh đã nói rằng, dân tộc mình giống như bị nguyền rủa vậy. Đất nước bình yên không bao lâu thì giặc giã đã tới. Mà bọn giặc ở đây, không ai khác chính là con người Việt, con dân nước Việt!

Sommai nói...

Bần cố nông là sản phẩm, là nạn nhân của chế độ thực dân phong kiến và chủ nghĩa đế quốc...còn sản phẩm và nạn nhân của chũ nghĩa xã hội là gì??

Curio nói...

Yêu cầu blogger Võ Đắc Danh đăng các bài viết về cái xấu cái ác cái đau buồn theo một ...tỷ lệ vừa sức chịu đựng của người đọc!.Đọc bài viết như vầy thì tiêu buổi chiều cuối tuần của tui rồi!.

dat t nói...

hu hu , cac bac tranh cai nhieu , nhung khong nghe ai noi nen lam gi de doi song nguoi nong dan bot cuc kho hon .

nobita còi nói...

cả cuộc đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời rồi cuối cùng là thế đấy! Kẻ ăn không hết, ngừoi lần chẳng ra. Nếu Vũ Trọng Phụng còn sống sẽ gọi tên xã hội này là gì bác nhỉ?

Muối nói...

Theo tui , mỗi người Tạo hóa ban cho một năng khiếu . Như anh Danh là năng khiếu ghi nhận lại hiện thực xã hội . Có người ghi nhận lại một cách trung thực và phổ biến ra như thế mới giúp nhiều người biết rằng ở nơi xa kia còn chuyện này việc nọ quá buồn .
Nhờ biết vậy ,người đọc sẽ tự nhận ra với năng khiếu Tạo hóa đã ban cho mình thì mình làm được gì , trách nhiệm , bổn phận mình là phải làm gì để những cảnh ấy đừng tiếp diễn nữa trong hiện tại , trong tương lai . Rồi làm hay không , theo lương tri, cũng là quyền của mình , tùy mình chọn lựa thứ tự ưu tiên nào trong cuộc sống thôi .
Tóm lại , viết là bổn phận của anh VĐD .
Còn đọc và phê rằng : Họ nghèo là vì họ , đã biết kiện cáo chẳng đi đến đâu thì kiện cáo làm gì , sao không lo kiếm việc khác làm mà sống . Quan niệm phải thỏa hiệp với bất công , không nên làm gì để chống lại nó , vì nó là chuyện luôn có trong xã hội như anh Du là ...quyền của anh Du .
Anh chọn cách sống ấy : thỏa hiệp với bất công , tránh né không đối đầu với nó , ưu tiên có lợi vật chất ) . Vì nếu bảo chọn lợi ích tinh thần thì giải thích làm sao chuyện : Phẩm giá con người bị xúc phạm khi bị đối xử bất công mà vẫn chọn sống chung với bất công ?

Muối nói...

Tôi không tin những người nông dân chấp nhận khổ cực , khốn khó vác đơn khiếu nại , từ nơi này đến nơi khác , mà không quăng xé cái đơn ấy đi , để lo làm ăn cho đỡ nghèo đỡ khổ là vì họ ngu dốt . Mà tôi tin : Chỉ vì họ không chịu thỏa hiệp với cái bất công , họ đòi phẩm giá của họ phải được tôn trọng ( dù họ không diễn tả rõ ràng chữ phẩm giá ).

sogno nói...

To Sommai: sản phẩm của chủ nghĩa xã hội là: sự bất công, nghèo đói, lạc hậu và khổ cực... còn nạn nhân thì là: dân đen... Thế nhưng khổ nhất thì lại là cán bộ Đảng ạ... vì dân khổ thế thì "Đầy tớ" của dân còn khổ thế nào nữa...
Đọc bài này của anh Danh, thấy thương dân một thì thương "lãnh đạo" tới 5,7 lần... Khổ đến thế là cùng, còn gì khổ hơn là làm "cán bộ" ở VN nữa...

ten k nói...

"Cánh đồng Nọc Nạn"..ngày xưa.
Bây giờ.. cũng vậy, đổ thừa..cho ai!?
"Thực dân..Đế Quốc..chạy dài"
Vậy thì ai đã.. đè vai..dân mình.?
*******
Thương người giữ chử..TRUNG..TRINH.
Cúi đầu, xin để niềm tin..ngậm ngùi!

Trương Thái Du nói...

21 hộ dân ở kinh 6, nếu được chia 60ha thì mỗi hộ sẽ được gần 3ha. Riêng nhà chị Nhàn 7 khẩu, tính ra mỗi khẩu hơn 4 công. Chỉ cần 1 chục năm sau thì họ lại trở thành bần cố nông tiếp thôi vì người đẻ chứ đất đâu có đẻ được. Như vậy vấn đề chia đất mà bà con hướng tới thực ra không giải quyết được nạn nhân mãn và sự bần cùng hóa của nông dân.
Đọc rất nhiều entry của bác, thật sự tôi vẫn có phần áy náy. Cảm thương người nghèo bác đề cặp thì tất nhiên ai đọc cũng cảm thương rồi, nhưng chúng ta thương họ đâu có thể bằng họ phải thương chính họ.

Huong nói...

lý luận cho rằng người nghèo sở dĩ nghèo là do chính họ ngu dốt, do đẻ nhiều (nạn nhân mãn) đã lỗi thời, trong khoảng 30 năm, lý lẽ này đã tồn tại làm mưa làm gió cả các nước giàu và cả chính các nước nghèo vì nó quá dễ chấp nhận, làm lương tâm các vị lãnh đạo hết sức yên ổn và giúp họ đổ lỗi cho người nghèo, che giấu bản chất thật sự của nghèo đói là bất công, tham nhũng và yếu kém trong lãnh đạo.
Kết quả của tư tưởng này là hơn 20 năm sinh đ3 có kế họach chỉ bổ béo các công ty sản xuất thuốc tránh thai,nghèo đói vẫn nghèo thêm, và tham nhũng, yếu kém vẫn càng trầm trọng thêm.
Thế giới đã tỉnh ngộ từ lâu. Còn VN, những ai vẫn còn ưự ru ngủ mình bằng lập luận đó?

Mùa đông khó quên nói...

vừa ăn cơm vừa lướt nét. đọc đến bài này nghẹn luôn. Cũng là kiếp người mà sao khổ quá vậy!

VÕ ĐẮC DANH nói...

Trương Thái Du: Nếu như vấn đề xã hội có sáu tầng nhận thức thì sự cảm nhận của bạn chỉ mới đến tầng thứ hai.

thienhadebetanhhung nói...

Tôi có một người bạn Việt Nam hiện sống ở nước ngoài, cũng đọc blog bác Danh một thời gian nhưng bảo ko muốn đọc nữa vì đọc nó "ức chế quá" và "cảm thấy bế tắc quá". Nói chuyện với bạn ấy về những sự kiện kiểu này, bạn ấy cũng cũng quan điểm cho rằng chính những người nghèo có lỗi với họ trước tiên: Họ làm ăn kém, họ chính là những người bầu ra cái nhóm sẽ dùng quyền lực để đè nén họ, hay nếu họ ko bầu những kẻ đó thì họ chịu để những kẻ đó áp bức mà ko chịu phản kháng, sao họ ko chuyển sang làm việc nọ đi, việc kia đi, sao họ... và cuối cùng nếu làm hết rồi mà vẫn ko thoát nổi cảnh nghèo đói thì đúng là họ xứng đáng chịu số phận đó!!!
Tôi mất rất nhiều thời gian cố gắng giải thích về các lý do lịch sử đã đẩy họ vào cuộc ống ko có lựa chọn, vào cái khó khăn của nhưng người ko có điều kiện (về học vấn, vốn liếng,..) để có thể đứng và tạo nên sức bật, về cái cơ chế kìm kẹp họ mà ko dễ gì thoát ra, về sự bất bình đẳng về cơ hội mà bạn tôi phủ nhận... nhưng tôi vẫn ko thành công lắm. Do tranh luận như vậy nên tôi nghĩ tôi hiểu phần nào quan điểm của bác Du (nhân tiện, tôi đọc các biên khảo lịch sử của bác từ khá lâu và rất lấy làm thú vị). Xét công bằng, tôi thấy những người có quan điểm như vậy *thường* thành công trong cuộc sống, và vì thế nói họ sai thì có gì đó ko thật đúng.
Ko thể phủ nhận bạn tôi nhưng quan điểm và cảm xúc của tôi gần với bác Danh hơn. Và tôi nghĩ rằng việc viết về những cuộc đời như vậy có giá trị đánh thức lương tâm và cách nhìn cuộc sống của một bộ phận lớn người đọc. Nhìn thấy và thông cảm với những số phận ấy sẽ tạo nên ít thì sự giao cảm và chia xẻ, nhiều thì những vòng tay giúp đỡ, nhiều nữa là những khát khao làm nên điều gì đó để thay đổi toàn bộ tình huống,... Có lẽ cách nói *Một bộ phim “bong bóng xà phòng” cũng có thể lấy nước mắt của hàng triệu khán giả* của bác Du vì thực tế quá mà hơi coi nhẹ giá trị của những tác động tinh thần.
Nhưng tôi cũng nghĩ một hai bạn phản ứng bác Du kiểu *Anh Du đã làm gì được cho các "trung nông mới" kia?* cũng hơi quá. Thực ra để làm nên một đều gì đó, có nhiều cách tiếp cận mà, miễn là có lương tâm và có chung mục đích.

Trương Thái Du nói...

Lạ nhỉ, tôi mới chỉ đưa ra 1 khía cạnh vấn đề lập tức ít nhất có 2 ý kiến phản ứng có phần võ đoán. 1/Comment của tôi không hề nói đến việc ngu dốt, bạn Huong luận ngay ra sự ngu dốt. 2/Bác Danh thì hạ thấp người đối thoại bằng cách cho bằng người đối thoại còn thiếu đến 4 tầng nhận thức.
1: Tôi quan niệm bất công trong một xã hội chẳng bao giờ mất đi cả. Nó chỉ dần dần giảm đi khi xã hội văn minh hơn. Làm cho những người thấp cổ bé họng lầm tưởng có thể xóa đi bất công chính là làm hại họ. Hiện tại cũng không ít nhóm người còn lợi dụng sự cả tin và ngây thơ này để khuấy đảo xã hội với những mục đích mơ hồ nào đó. Nên chăng phải học sống bên cạnh bất công. Chẳng hạn thay vì bỏ thời gian công sức đi kiện tụng mà kết quả chăng đi đến đâu, như chính bác Danh cũng suy nghĩ và viết ra thế, chị Nhàn hoàn toàn có thể tìm những công việc thích hợp khác để làm ăn, mưu sinh.
2: Ban đầu đọc bút ký Võ Đắc Danh thật sự tôi thấy rất hay. Văn hay, sự kiện cảm thương. Nhưng đọc càng nhiều tôi càng nhận ra các bút ký của bác rất một chiều. Các vấn đề nêu ra đa phần chỉ được nhìn nhận trong lời kể chủ quan của nhân vật, của các loại giấy tờ chứng nhận, xác nhận, kiện cáo. Bút ký chưa đi sâu, chơi cày xới từ nhiều hướng tiếp cận. Thành công của bác là không thể phủ nhận. Bác biết khai thác đầu óc thiên cảm của đa phần người đọc VN, bác có thể khiến người đọc chảy nước mắt. Chính vì thiếu lý tính nên đọc bút ký của bác người ta chỉ thấy hậm hực, muốn gào thét đòi "xử lý" bất công nhưng không thấy giải pháp. Tôi nghĩ giải pháp mới là nhân văn, còn sự kiện hay sự cảm thương cần nhưng chưa đủ. Một bộ phim “bong bóng xà phòng” cũng có thể lấy nước mắt của hàng triệu khán giả.
3. Vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn và những bất công tại nông thôn đã đang và đã xảy ra tại tất cả các hình thái xã hội chuyển tiếp từ văn minh nông nghiệp sang văn minh đô thị/công nghiệp. Ở Trung Quốc người ta đã nghiên cứu vấn đề này hết sức sâu rộng nhưng kết quả thực hành vẫn chưa đi đến đâu.Thậm chí họ có hẳn một nhà văn/nhà báo tên Lý Xương Bình, xuất thân từ nông dân chuyên viết sách nghiên cứu tam nông (nông dân, nông nghiệp, nông thôn). Tác giả này đã rút ra kết luận việc kiện cáo của nông dân càng kéo dài thì càng tự hại mình, đưa cuộc sống của mình và gia đình vào bế tắc. Tất nhiên ông không khuyên người dân thấp cổ bé họng phải câm miệng nhưng ở chừng mực nào đó ông cho rằng các tổ chức xã hội/trí thức phải lên tiếng thay cho nông dân, còn bản thân người dân thì phải học sống chung với bất công.

VÕ ĐẮC DANH nói...

Trương Thái Du:Văn học cũng có sáu tầng nhận thức.

closed nói...

Tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều gia đình như anh Trung / chị Nhàn đây. Trước tiên phải là chế độ. Chế độ dẫn đến những kẻ kém về nhận thức sống trong chế độ đó ngày càng bị ngu muội đi. Bởi chế độ này cho rằng: chúng mày, lũ bị cai trị - càng ngày càng ngu đi, càng bần cố nông đi, thì mới dễ cai trị và chế độ mới quang vinh muôn năm.
Khi họ càng ngu đi, thì nhận thức về mọi vấn đề của họ tất nhiên càng kém đi. Nhìn hình là đủ thấy rồi: 5 đứa con (vào năm 2003), giờ là mấy? Có đứa nào biết đọc biết viết không, có đứa nào được đọc báo, truyện tranh hay đơn giản là xem tivi hàng ngày không? Và chúng nó có khôn lên hay ngu đi?
Chế độ có khuyên người ta đẻ ít đi không? Có ! Nhưng là những khẩu hiệu tuyên truyền rỗng tuếch và nhạt hơn nước ốc và chả ai quan tâm đến hiệu quả của nó cả !
Anh Du muốn các tổ chức xã hội / trí thức phải lên tiếng thay nông dân. Đúng. Nhưng anh đã làm gì cho họ chưa, hay chỉ vào blog bác Danh mà đọc và lu loa lên rằng ông này chỉ viết, thu nhận thông tin giỏi mà không xử lý được thông tin. Tay anh Du với tới trời không? Anh Du đã làm gì được cho các "trung nông mới" kia?
Ví dụ như anh Du đang là chị Nhàn, anh Du sẽ làm gì?
Tôi khác anh Du. Tôi đọc và cảm thông với họ, một phần trách mắng họ vì họ đẻ quá nhiều. Và tôi sẽ giúp họ hoặc những người tương tự họ trong khả năng có thể. Dù cái giúp ấy đôi khi chẳng là gì cả. Vậy, với tôi cũng đủ lắm rồi.

Ong_vo_ve nói...

"làm tá điền cho chế độ thực dân Pháp thì mỗi công đất chỉ nộp tô hai giạ lúa tới mùa, bây giờ thuê đất của nhà nước mà phải qua ba trung gian và với cái giá nầy thì quy ra mỗi công hơn sáu giạ"
Trời ơi là trời !

VÕ ĐẮC DANH nói...

"Nói thật chứ người như bạn thì chẳng bao giờ hiểu được cái gọi là tình người cả..lẽ ra bạn nên theo nghiệp chính trị làm bí thư hay trưởng ban tuyên giáo ở xã hay huyện thì hợp hơn là ngồi viết ba cái lăng nhăn và tự nhận là "văn chương""biên khảo" . Anh Danh cho bạn tầng 2 là đỡ, chứ bạn chẳng được cái tầng wái nào cả "
Bạn Ailàai nói thế thì hơi nặng lời. Nhưng thật tình thì trong tận cùng của thâm tâm tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi vốn thích đọc và chiêm nghiệm những comment hơn là trả lời,bởi tôi chỉ là người kể chuyện. Chiêm nghiệm những comment cũng có nghĩa là chiêm nghiệm câu chuyện kể của mình được bạn bè đón nhận, chia sẻ như thế nào để vững vàng hơn với công việc của mình. Nhưng thấy Trương Thái Du là người làm "Văn chương-Biên khảo" mà có những suy nghĩ lạ nên tôi xin trao đổi một cách nghiêm túc.
-Vợ chồng chị Nhàn - cũng như hàng vạn nông dân khác - là nông dân mà không có đất để canh tác nên phải đi thuê đất để làm ruộng mưu sinh. Người nông dân mà phải thuê đất qua ba lớp trung gian, Những kẻ trung gian ấy là ai ? Giá thuê gấp ba lần so với địa chủ thời Pháp thuộc. Đó là vấn đề chính của bút ký, một vấn đề mà hầu hết các blogger đều cảm nhận một cách thấu đáo và chia sẻ cũng thấu đáo. Đó chính là cái "tầng thứ sáu" của nhận thức.
-Nhà văn Sơn Nam từng nói: Nếu không biết thương người nghèo thì đừng nên làm nhà văn. Mác nói:Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ da của mình.Bạn Du cho rằng đó là khẩu hiệu bàn giấy đã bị nhân gian xóa bỏ. Tôi không đề cập đến sự nghiệp của Mác nhưng câu nói ấy với nhân loại vẫn là bất hủ.
-Bạn Du viết:"Chẳng hạn thay vì bỏ thời gian công sức đi kiện tụng mà kết quả chăng đi đến đâu, như chính bác Danh cũng suy nghĩ và viết ra thế, chị Nhàn hoàn toàn có thể tìm những công việc thích hợp khác để làm ăn, mưu sinh".Nếu bạn là cán bộ chính trị mà nghĩ thế thì tôi miễn bàn, nhưng vì bạn là "nhà văn", "nhà biên khảo" nên tôi rất lo ngại cho công việc của bạn.Bạn hãy chỉ cho những người nông dân như chị Nhàn "những công việc thích hợp khác để làm ăn, mưu sinh" đi, tôi xin đời đời đội ơn bạn.
-Bạn Du lại đưa Lý Xương Bình và vấn đề tam nông của trung Quốc để biện minh cho lập luận của mình.Xin thưa, nông thôn Trung Quốc bi kịch hơn ta nhiều,đó chính là hậu quả của công cuộc xây dựng CNXH. Nói theo tin học thì đó là lỗi windows, không "cài lại" thì làm sao sửa được. Chính Lý Xương Bình là người phát hiện ra cái "lỗi windows"đó và cuối cùng thì anh bị trù dập, phải về bắc Kinh làm báo.
-Chúng ta, nếu tự nhận mình là người cầm bút thì không nên "sống khép kín, ngại giao tiếp" mà phải tiếp cận với đời sống,hòa mình cùng với nông dân và lớp nghèo thành thị - là số đông trên đất nước nầy - để hiểu và chia sẻ cùng họ. Chúng ta có thể không làm được gì, nhưng may ra chúng ta cũng làm cho cộng đồng hiểu thêm về họ, khơi gợi lòng nhân ái, bớt đi sự nguội lạnh và vô cảm giữa con người với con người.
-Hôm qua, tôi có một bút ký đăng trên SGTT, viết về một bà lão bán bánh chuối nướng trước nhà sách Lê Lợi, nuôi hai đứa con trai, một bị tâm thần, một bị xơ gan. Buổi tối ra thăm bà, bà khoe bán đắt gấp đôi mọi ngày, nhiều người qua lại cho tiền, được gần một triệu, chưa kể những người mua vài cái bánh, đưa vài chục ngàn nhưng không lấy tiền thối.Vấn đề ở đây không chỉ là sự giúp đỡ bằng tiền bạc của cộng đồng, cái đáng nói là lòng nhân ái của bà con ta luôn luôn tiềm ẩn, khi được khơi gợi, nó sẻ bùng lên trong tức khắc.Vậy mà bạn lại nghĩ rằng: "Hiện tại cũng không ít nhóm người còn lợi dụng sự cả tin và ngây thơ này để khuấy đảo xã hội với những mục đích mơ hồ nào đó". Xin thưa với bạn, tôi sống và viết có mục đích rõ ràng. Chính vì mục đích ấy mà tôi không "sống khép kín,ngại giao tiếp", thậm chí bất chấp hiểm nguy để lao vào cuộc.Những trang viết của tôi trước khi lên mạng, nó đã được đăng tải ít nhất một hai tờ báo chính thống, được in sách, được tái bản "theo kế hoạch A" một cách đường hoàng (Không phải bỏ tiền túi mà NXB vẫn từ chối).

Tuệ Hoan © nói...

nói thêm về cái chuyện lý lịch, ngày xưa học lớp 1, lớp 2 ở miền Trung, em có cô giáo người miền Bắc, có vẻ cô không thích em, nên cô thường hay nói: cậu đi học chỉ phí công mà thôi...(còn vế sau, ko nói chắc anh biết). Dù rằng hồi đó mới có 6,7 tuổi làm sao biết được cái lý lịch của mình ra răng mà cô giáo ghét rứa hè. Rồi năm vô lớp 6, bị đưa qua học tiếng Nga, dù mấy thằng bạn con cán bộ lại vô lớp anh ngữ (lý ra tụi nói nên học tiếng Nga để đi Nga chứ?!!). Hỏi một ông thầy già: sao con ko được học lớp anh ngữ? Thầy trả lời rằng: tại cái lý lịch của con.
Chuyện cũ như cái hũ. Nhưng từ đó, thỉnh thoảng sau này, thỉnh thoảng vẫn thường hay có cái tâm lý vùng miền khi lý giải chuyện giàu có trong xã hội.
Anh thông cảm em nghen :).

Huong nói...

Bạn Tuệ Hoan: Cái ác quá lớn mạnh là bởi người ta sợ nó, người ta lùi lại trước nó.
Và người ta vô cảm với nó, khuyên nhau sống chung với nó.
Đã nhiều người không còn cảm giác uất ức tức giận, thương xót bất bình, người ta không chịu được cảm xúc, họ bịt tai lại.
Nó sẽ qua, sẽ lùi lại là nhờ những ai còn nói được, còn cảm được, còn tử tế được, còn nhắc cho người người nhớ về sự tồn tại của cái ác.
Tôi hiểu ý của T.Hoan về miền Tây, người dân miền Tây cam chịu và thật thà hơn nhiều người quê phía khác, họ không biết nói lý luận, và vì vậy chịu nhiều uất ức hơn.

Nguyễn Một nói...

To Võ Đắc Danh: Gặp người đáng nói mà mình không nói là mất người. Gặp người không đáng nói mà mình nói là mất lời(Khổng Tử)

Trương Thái Du nói...

Khi trao đổi tôi luôn cố tránh qui kết, mà chỉ phân tích. Cho nên xin miễn trao đổi với bất cứ qui kết nào. Còn nói về cảm thông thì thật là vô biên. Trên dưới 20 tuổi tôi đã khóc khi tan lớp anh văn buổi tối từ trường KHXH ra đường Lê Duẩn, khi trời mưa, những người nông dân trú vào những mảnh nilông tạm bợ, họ phải viết thỉnh nguyện của mình dưới những khẩu hiệu của thiên đường, dưới hình lãnh tụ. Hai mươi năm đã trôi qua, tôi nghĩ cảm tính chẳng đi đến đâu nếu không có lý tính dẫn đường.
Còn cái câu quay mặt với đồng loại của Marx mà bác Danh dẫn tôi thấy nó hoàn toàn sai lầm. Hơn nữa dân gian VN có câu "Cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán" đã bác bỏ khẩu hiệu bàn giấy kia của Marx. Lý thuyết xóa bỏ bất công của Marx đã gây ra hậu quả gì cho nhân loại suốt TK 20?
Tuệ Hoan@ Mình không có tâm lí vùng miền đâu. Chỉ có điều mình từng phân tính "đất lành" chính là nơi con người bị thoái hóa, bị mất đi lý tính, chỉ sống bằng cảm tính...
X m@ Trong đời tôi chỉ làm những điều tôi nhận thấy có kết quả.
Mr. xoăn @ Tôi luôn đặt câu hỏi tôi đã làm gì cho một ai đó nhưng tôi không có quyền trả lời. Câu trả lời nằm ở miệng tôi thì nó thành ra vô duyên.

nobita còi nói...

hơ hơ. Bút chiến!

Tuệ Hoan © nói...

vì cái entry này mà em lại khó ngủ, thôi thì cho em già chuyện thêm chút xíu.
năm 2001, em xuống Cần Thơ làm việc và ở tới tháng 10/2002 thì về luôn. Em nhớ có câu chuyện này, có một người bị bệng động kinh ôm đứa con chừng hơn 1 tuổi bán vé số ở một cái chợ (em ko nhớ tên) nhưng thuộc nội ô Cần Thơ và nằm cạnh con kênh. Thình lình, ổng quăng thằng nhỏ cái rụp, té nhào xuống kênh, lúc đó bà con hốt hoảng nhảy xuống vớt ổng lên. Thì ra là ổng lên cơn động kinh, người thì đè ổng chèn cái muổng vào giữa miệng, người thì túm ta túm tẩy chạy mua dầu nóng. Rốt cuộc, bà con động tay chân một hồi ổng cũng tỉnh. Hỏi chuyện, mới biết ổng dân huyện Cờ Đỏ, theo vợ lên Cần Thơ kiếm sống, vì sức khỏe yếu nên chồng phải ở nhà chăm con, vợ đi bán vé số, rồi làm chân sai vặt trong chợ. Do mấy hôm nay, vợ nghe lời ai đó, bỏ ổng lên Sài Thành kiếm ăn. Ổng đành lãnh vé thay vợ, ôm con đi quanh chợ bán. Bà con hôm đó rất hỷ xả, không ai bảo ai, nhảy vào mua hết đống vé số ướt nhẹp, có bà chạy một vòng mang tới cho 03 lon sữa đặc có đường để pha cho thằng nhỏ uống. Rồi thì một bà già bán khô mới kêu ổng mai đừng bán vé số, ra phụ cho bả mỗi ngày trả cho 15.000 đồng (thời điểm đó, cơm khoản 5000 đồng/1 dĩa). Cảnh đó em thương lắm, nhớ hoài tới bi giờ.
Hôm qua, đọc trong blog của Đen, có kể 1 câu chuyện ở Hà Nội, bà con khu phố nọ thấy 1 người vô gia cư sắp chết, bèn gọi điện thoại cho phường, công an, hội chữ thập đỏ. Gọi tè le, không thấy có kết quả, bà con bèn hùn nhau thuê xe chở vô bệnh viện. Nhưng vào đó, bác sỹ không thèm quan tâm, vì chẳng có ai đứng ra đóng viện phí, bỏ mặc cho một thể xác ngắc ngoải suốt một ngày trời ko quần áo bệnh, ko có bất kỳ sự chăm sóc. Mãi cho tới khi, tự động mấy người hảo tâm kia quyên đủ tiền đóng viện phí thì mới được chăm sóc. Đó là mới trước mắt, sau này chắc chẳng biết thế nào.
Chị Hương: chị nói đúng, chúng ta đang sống chung với cái ác. Dù chúng ta có bất lực trong việc chống lại cái ác, thì ít ra, cái để con người ta còn thấy mình là người đó là nhận thực được: mình đang sống chung với cái ác.

Huong nói...

- Đặc điểm của nên kinh tế nông nghiệp cần nhiều nhân lực, nên SX nông nghiệp người ta cần sinh nhiều con cái. Khi chuyển sang công nghiệp, hoặc công nghiệp hóa nông nghiệp, người ta tự nhiên sẽ giảm số con và/ hoặc chuyển sang gia nhập lực lượng công nghiệp mà chẳng cần ai vận động KHHGĐ. Hơn nữa, chúng ta đang thiếu nhân lực (có trình độ) cho cả công nghiệp lẫn nông nghiệp. Sự dư thừa nhân lực là giả tạo do không được học hành, không được đào tạo từ sự yếu kém của GD và điều phối kinh tế, không phải do đẻ nhiều.
- Đói nghèo mà do dân đông chỉ xảy ra ở những đất nước đang có tình trạng khan hiếm thực phẩm, trong khi đó VN, nhất là ĐBSCL đang xuất khẩu số lượng lớn gạo, cá tôm.. với giá rẻ mạt và người dân phải hứng chịu những yếu kém này. Điều đó cho thấy thực phẩm không hề thiếu mà thiếu chính sách và chiến lược kinh tế, và những bất công do người nghèo bị gạt ra ngòai lề, và do tham nhũng, trục lợi. Bài ký này đã mô tả một trong những con đường người nghèo bị gạt ra ngòai lề và trở thành người không đất, thành bần cố nông như vậy.
(đụng tới nông dân là tui .. nóng à)

Huong nói...

Tuệ Hoan: đúng vậy, người miền Tây đúng là phóng khoáng và nghĩa hiệp.

Huong nói...

ngày nào mà tui không còn khóc được nữa, chắc là buồn vô cùng tận, chắc tui nên chết cho rồi.

sogno nói...

Thông cảm và chia sẻ với nỗi đau, nỗi buồn của đồng loại là điều "vô cùng bình thường", thậm chí còn có thể thấy được ở một số loài động vật. Vậy mà... Đã qua blog của Trương Thái Dư đọc và nhận thấy một điều: có quá nhiều "vô cảm" và "háo thắng" trong cái đống văn chương đó, nhưng hơn hết blog của bác Dư có "định hướng" hơn của bác Danh. Vậy tranh cãi sẽ không có kết quả, cá nhân em xin đồng ý với bác Nguyễn Một.

Trương Thái Du nói...

Trước khi viết 1 bài dài trả lời bác Danh, xin nói rõ ý của việc "khuấy đảo" tôi đã nêu. Nó không liên quan đến bác Danh. Nó liên quan đế một vài nhóm mà ai cũng biết từng phát tiền cho dân khiếu kiện, hô hào tập hợp họ "xuống đường".

Huong nói...

Nếu không liên quan gì đến bác Danh anh du vui lòng đừng nói ở đây, mất công nhiều người phải tiếp chuyện. Ngòai kia đã lắm chuyện diều hâu cú vọ, còn một chốn bình yên để những người tử tế chia sẻ chút niềm tin còn lại, xin để yên giùm cho.

bachaibubu nói...

anh Du ơi khi ông Phùng Gia Lộc viết cái đêm hôm ấy hôm gì là ổng muốn cái gì vậy anh,khuấy đảo xã hội nào, còn theo em thì anh Danh viết mấy bài này là để mai mốt có ai làm lớn một chút thì hảy chăm lo cho nông dân nghèo trước , cho mấy ông xe ba gát , cho chị bán hàng rong , cho chị công nhân..chớ ko phải cho ông hoang anh gia lai mua máy bay ko có chổ đậu , hay ko có đất làm sân golf,cám ơn anh Danh.

ti4mat nói...

Anh Danh ơi, Tôi không có ý định tranh luận, phản biện gì cả (vì vô ích)nhưng theo tôi người tử tế khác với người không tử tế ở chỗ tấm lòng. Những cái gì từ tấm lòng sẽ tới được với những người có tấm lòng. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều này, nên họ nhìn nhận sự việc và suy diễn theo một hướng khác, khó có thể đồng cảm với những người tử tế. Buồn thay vì có những người như vậy nên những câu chuyện của anh mới làm cho mọi người uất nghẹn. Có thể có những người cho rằng những câu chuyện của anh chỉ có một công thức, chỉ khai thác lòng thương cảm của người đọc v.v.., thì tôi cho rằng những người đọc anh không đến nỗi khờ khạo quá mức như vậy để anh muốn khai thác gì cũng được, người đọc những câu chuyện của anh vì họ có một cái tâm và vì vậy họ hiểu anh

Trương Thái Du nói...

VĐD: -Vợ chồng chị Nhàn - cũng như hàng vạn nông dân khác - là nông dân mà không có đất để canh tác nên phải đi thuê đất để làm ruộng mưu sinh. Người nông dân mà phải thuê đất qua ba lớp trung gian, Những kẻ trung gian ấy là ai ? Giá thuê gấp ba lần so với địa chủ thời Pháp thuộc. Đó là vấn đề chính của bút ký, một vấn đề mà hầu hết các blogger đều cảm nhận một cách thấu đáo và chia sẻ cũng thấu đáo. Đó chính là cái "tầng thứ sáu" của nhận thức.
Một phần comment của bạn Huong lại viết: - Đặc điểm của nên kinh tế nông nghiệp cần nhiều nhân lực, nên SX nông nghiệp người ta cần sinh nhiều con cái. Khi chuyển sang công nghiệp, hoặc công nghiệp hóa nông nghiệp, người ta tự nhiên sẽ giảm số con và/ hoặc chuyển sang gia nhập lực lượng công nghiệp mà chẳng cần ai vận động KHHGĐ. Hơn nữa, chúng ta đang thiếu nhân lực (có trình độ) cho cả công nghiệp lẫn nông nghiệp. Sự dư thừa nhân lực là giả tạo do không được học hành, không được đào tạo từ sự yếu kém của GD và điều phối kinh tế, không phải do đẻ nhiều.
TRẢ LỜI: Cái qui luật tất yếu của phát triển hiện nay tại nông thôn Việt Nam là gì, nếu không phải phân hóa ruộng đất? Sẽ có rất nhiều người mất đất do nhân mãn, do chính sách phân bổ không công bằng, do tập trung tư bản, vốn. Nhìn sơ qua thì tưởng bất công, nhưng không có bất công này thì làm sao xã hội tiến lên công nghiệp hóa nông nghiệp được? Một thửa ruộng đi mười bước là đụng bờ chỉ thích hợp với trâu cày chứ không thể dùng máy cày, chưa kể đến việc chuyên canh, thâm canh, làm ra sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu. Cho nên giải pháp chia 60ha “lấp ló” trong bút ký của bác Danh là giải pháp đi ngược tiến trình phát triển, chưa nói đến việc nó đi ngược lòng tham của những người có quyền. Thế thì giải pháp đó là ảo tưởng, thiếu lý tính, giải pháp ru ngủ, thiếu nhân văn! Nếu 21 hộ dân đó được chia 60ha, nó sẽ là điểm tựa để hàng triệu hộ dân khác vào rừng U Minh, vào các nông trường “cắm dùi” đòi đất. Nông nghiệp miền Tây sẽ trở về điểm xuất phát: manh mún, lạc hậu, thiếu đồng bộ và chẳng chóng thì chầy sẽ làm mồi cho ngọn lửa bần cùng hóa, trong đó nhân mãn đóng vai trò lớn.
VĐD: -Nhà văn Sơn Nam từng nói: Nếu không biết thương người nghèo thì đừng nên làm nhà văn. Mác nói:Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ da của mình.Bạn Du cho rằng đó là khẩu hiệu bàn giấy đã bị nhân gian xóa bỏ. Tôi không đề cập đến sự nghiệp của Mác nhưng câu nói ấy với nhân loại vẫn là bất hủ.
TRẢ LỜI: Tôi thì nghĩ Võ Đắc Danh không hề thương người nghèo. Như đã nói bút ký của bác mang tính một chiều. Tôi rất sợ cái chân lý người nghèo luôn luôn tốt đẹp, hơn vạn lần bọn tiểu tư sản, bọn quí tộc thành thị. Nội hàm một con người, bất kể điều kiện/môi trường sống, luôn tồn tại cái xấu xa, thấp hèn bên cạnh những tư chất đáng quí. Các nhân vật của bác “sạch sẽ” như bông sen, nhân cách và hành xử của họ không bao giờ lấm bùn. Đó là điều ảo tưởng. Bác chưa chỉ ra được những cái xấu nơi họ, cái sai lầm nơi họ, tác động đến họ, mà chỉ khai thác nỗi thống khổ trong họ thì làm sao chứng minh bác thương họ trọn vẹn được ?!
VĐD: -Bạn Du viết:"Chẳng hạn thay vì bỏ thời gian công sức đi kiện tụng mà kết quả chăng đi đến đâu, như chính bác Danh cũng suy nghĩ và viết ra thế, chị Nhàn hoàn toàn có thể tìm những công việc thích hợp khác để làm ăn, mưu sinh".Nếu bạn là cán bộ chính trị mà nghĩ thế thì tôi miễn bàn, nhưng vì bạn là "nhà văn", "nhà biên khảo" nên tôi rất lo ngại cho công việc của bạn.Bạn hãy chỉ cho những người nông dân như chị Nhàn "những công việc thích hợp khác để làm ăn, mưu sinh" đi, tôi xin đời đời đội ơn bạn.
TRẢ LỜI: Trong môi trường bùng nổ kinh tế ở VN hiện nay, cái bày ra trước mắt tôi là thiếu người cần mẫn siêng năng chứ không thiếu việc. Thậm chí tôi đã từng thầm thống kê so sánh nông dân ba miền, trong một vài công trình xây dựng nhỏ mà tôi thực hiện. Tình trạng cầm cố ruộng đất ở miền Nam là rất phổ biến nhưng hai miền kia thì rất hiếm. Tôi chỉ dè dặt nêu ra, vì một công trình xây dựng nhỏ không thể mang tính khái quát lớn.
VĐD: -Chúng ta, nếu tự nhận mình là người cầm bút thì không nên "sống khép kín, ngại giao tiếp" mà phải tiếp cận với đời sống,hòa mình cùng với nông dân và lớp nghèo thành thị - là số đông trên đất nước nầy - để hiểu và chia sẻ cùng họ. Chúng ta có thể không làm được gì, nhưng may ra chúng ta cũng làm cho cộng đồng hiểu thêm về họ, khơi gợi lòng nhân ái, bớt đi sự nguội lạnh và vô cảm giữa con người với con người.
TRẢ LỜI: Có lẽ anh tìm đọc nội dung trên trong trang web của BBC khi tôi còn ở Đà Lạt. Tôi ngại giao tiếp chứ không ngại viết, ngại chỉ ra bất cứ điều gì bất cập. Trong blog tôi, ở chủ đề này có một bạn comment “Anh lại "gây án" nữa rồi...hê hê. Em đồng ý với quan điểm của anh và đề nghị anh chú ý đến cái gọi là "Tâm lý đám đông" và tránh xa nó ra ạ, ở đó không có chỗ cho mọi luận cứ logic!”. Trong tôi lý tính mạnh hơn cảm tính nên khi giao tiếp với xã hội thiên cảm, tất nhiên là khó khăn.
VĐD: Những trang viết của tôi trước khi lên mạng, nó đã được đăng tải ít nhất một hai tờ báo chính thống, được in sách, được tái bản "theo kế hoạch A" một cách đường hoàng (Không phải bỏ tiền túi mà NXB vẫn từ chối).
TRẢ LỜI: Điều này làm tôi khâm phục anh. Dù gì tôi cũng chỉ là một người viết nghiệp dư. Chẳng hạn ở quyển tiểu thuyết bị từ chối của tôi, văn dở đã đành, tôi lại còn tái hiện cả một thời cải tạo XHCN/đốt sách sau năm 1975. Cho nên nghiệp viết với tôi chỉ là một cuộc chơi đỡ tốn kém khi rãnh rỗi, thay vì bù khú bốc đồng phù phiếm vô bổ bên bàn nhậu, như tất cả bạn bè cùng trang lứa với mình.

Huong nói...

Hehe,
Đầu tiên là nói tại họ đẻ mà đất không đẻ nên họ bần cùng
Sau đó nói lẽ ra họ nên ngậm miệng mà chờ văn minh chớ kiện làm chi
Sau đó nói nói chuyện nào đó chớ không nói bác Danh
Rồi giờ quay lại nói họ thiếu cần mẫn nên họ mới nghèo (chớ không phải do đẻ nữa)
Cứ chạy lòng vòng như thế và gọi là lý tính, là logic
Tóm lại, Du chỉ viết chơi kẻo đi nhậu thì tốn kém quá mà thôi.
bác Nguyễn Một chí lý quá.

dat t nói...

lanh dao dung => dan giau nuoc manh => quoc gia hung cuong
lanh dao sai => dan ngheo doi kho => quoc gia suy vong
nen lam gi? lam the nao?
bao nhieu xuong mau nguoi dan Viet hy sinh chi de lam giau cho 1 thieu so u?
suy nghi lai di , cac vi "day to nhan dan oi"...

Hihi Hehe nói...

Chỉ mong sao các vị lãnh đạo và những người có trách nhiệm đọc được những bài viết của bác Danh. Bây giờ lại lo nếu những vị đó cũng nghĩ như bác Du thì thôi rồi! Lúc đó có lẽ những người nông dân không có đất đó chỉ còn biết trông chờ vào số phận và may chăng là một chút hảo tâm của người đời!

Tuệ Hoan © nói...

chuyện bây giờ đi xa quá.
Thôi 2 bác cười nhau 1 cái rồi tối đón trung thu với em, dù mình là người lớn nhưng cũng chơi trò con nít cho con nít vui.
Nói với anh Du: em chỉ biết anh Danh từng mất thẻ vì những phóng sự, bút ký như thế này. Dẫu sao thì ngòi bút của anh Danh cũng đã đem lại điều tốt, một số người nghèo được giúp đỡ thoát cơn hoạn nạn (ở đây là giúp thóat cơn hoạn nạn chứ ko phải giúp vì nghèo). Phần khác, hôm rày đọc cái tin ông Bình bị thôi nhiệm ở BCHTWĐ, cũng thấy an ủi phần nào, và khiến em càng tin vào luật nhân quả. Tuy chưa từng gặp anh Danh, nếu nhận xét anh Danh thì mình quả hồ đồ, nhưng em có thể nói với anh Du rằng ông Danh này tâm rất tốt, dấn thân và cũng bộc trực, thẳng tính nên mới có cái còm như trên. Đạo Phật có câu, thấy cảnh bi ai, khốn cùng của con người, mà quăng cà sa, xong vào trợ cứu ấy đã thành Bồ Tát, không cần phải tụng 3000 cuốn kinh, đọc 9000 bài kệ. Thời kháng Pháp, biết bao nhà sư cởi cà sa, ra sa trường giết giặc. Thì thôi, bác Danh mang cái nghiệp của bác ấy, thì bác ấy sẽ tiếp tục là vậy.
Nói với anh Danh: xã hội bách tính, vậy nên anh chớ mà căng thẳng quá, chì bấc qua lại, có mấy ông ẩn mặt ngồi cười he he, vỗ đùi chờ sơ hở.
Nói với mọi người, khi đã nói đến tình người, chớ có phân tích logic thiệt hơn. Pháp luật cũng thế thôi, bản chất của nó là ý chí của giai cấp thống trị (không tin cứ vô google search định nghĩa).
Tóm lại, 02 bác này tên có cùng vần D (phiên âm theo trước 75 là Dê, sau 75 là Dờ), mong hai bác tâm an tịnh, tối nay cho con cháu dung dăng dung dẻ rước đèn đón trăng.

Bút Thép nói...

Bút ký ko phải là phóng sự điều tra hay đơn tố cáo, đơn khiếu kiện,... mà đòi hỏi phải trình rõ lý tính trong đó. Bởi lý tính thể hiện rõ trong bút ký thì sẽ ko còn là bút ký. Bạn Du nên nghiên cứu lại các thể loại văn học. Mà này, tôi thấy muốn học theo kẻ đốt đền thì phải?

Phương Nguyên nói...

Tui sống ở ĐBSCL, tui thấy nhiều cảnh đời khốn khổ như trong các bút ký của bác Danh, vậy nên tui luôn bức xúc rằng, chúng ta có thể giúp một chị Thiện (Đồng Cỏ Chát) nhưng còn bao nhiêu chị Thiện khác thì ai giúp đây, mà giúp sao cho xuể. Rồi những người bị cướp đất cướp nhà như chị Hấn, anh Chủ (Xin Lỗi Chị), như mẹ Giàu (Đất Của Mẹ), hay những người bị tước đoạt, bị bóc lột trắng trợn như anh Trung chị Nhàn trong bút ký này đâu phải là cá biệt ở miền Tây hay miền Đông, mièn Nam hay miền Bắc. Ai gây ra thảm cảnh này thì chúng ta biết rồi, nhưng làm thế nào để xóa bỏ tận gốc những bất công phi lý này? Nếu đây là chuyện cá biệt thì xử ông A, bà B rồi trả đất lại cho dân là xong nhưng cả một hệ thống làm nảy sinh ra vô số kẻ cướp đất dai của dân để làm giàu thì xử sao đây. Cho nên tui thấy bác Danh viết rồi chúng ta đọc và để thương cảm và để bất lực chứ khó có hy vọng gì thay đổi được hiện trạng. Lòng tham của người ta khi được tiếp tay bởi quyền lực thì: lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.
@ Bạn Trương Thái Du : tui không biết bạn vô tình hay cố ý nhập nhằng khái niệm bất công.
Đúng là không thể xóa bỏ bất công trên đời này vì mỗi người sinh ra đều có một khả năng khác nhau. Trong một lớp học mà đòi hỏi tất cả hs có học lực như nhau là điều không tưởng. Mác đã thất bại vì muốn có một xã hội không còn bất công theo kiểu tất cả hs phải có học lực như nhau nói trên.Tui tin rằng bất cứ một người bình thường nào cũng đều chấp nhận sự bất công này. Biết bao nhiêu ca sĩ, cầu thủ giàu hơn chúng ta nhiều, ta có thể ao ước giàu như họ nhưng đâu có than thở họ giàu vậy là bất công với ta đâu?
Vậy đó nhưng trong một lớp học, thằng A làm bài như tui mà điểm cao hơn tui là tui không chịu, dù điểm của tui là đúng với trình độ của tui rồi, vì đây là thầy thiên vị A đối xử bất công với tui. Tui nghèo, tui thấy Mỹ Tâm giàu tui không ganh nhưng thấy một vị quan huyện sáng cắp ô đi tối cắp về, đồng lương công chức ba cọc ba đồng, vợ con không làm gì thêm mà biệt thự lộng lẫy, xe hơi sang trọng, sống xa hoa như ông hoàng bà chúa thì tui ghét, tui cho rằng đó là bất công, phải bị xóa bỏ. Một tên trộm cắp hay buôn ma túy, dù có giàu bao nhiêu thì đó cũng là bất công, phải bị trừng trị.
Vậy thì bạn Du ơi, cái bất công mà bác Danh nêu lên chính là cái bất công này đó bạn, nó khiến người ta bức xúc là vì bản chất của nó chứ không phải bác Danh khéo lấy nước mắt của người ta như bạn nói. Còn cách giải quyết ư, bác Danh mà có cách giải quyết, dù chỉ nói thôi chứ không làm thì chắc bác ấy không còn ngồi yên mà viết được nữa đâu. Chuyện đơn giản, cái gì của dân thì trả lại cho dân mà người ta không làm được, không chịu làm mà bạn ở đó khuyên nông dân cúi đầu sống chung với bất công, chờ "trí thức", "đoàn thể" cứu. Họ thưa kiện dù biết con kiến mà kiện củ khoai nhưng cũng là tự cứu mình trước khi trời cứu đó bạn à.
Bạn Du, tui cũng định hỏi bạn có giải pháp gì cho những người nông dân đó không, mà đọc cái câu "chị Nhàn hoàn toàn có thể tìm những công việc thích hợp khác để làm ăn, mưu sinh" tui thấy mắc cười quá. Vậy bạn cho là dễ tìm việc thích hợp lắm à, chị Nhàn không chịu tìm việc "thích hợp" để làm nên nghèo khổ thì ráng mà chịu? Nếu dễ vậy thì nhà nước đâu cần phải đưa vấn đề tam nông lên bàn nghị sự. Rồi bạn còn nói dù cho được chia đất thì đời con chị Nhàn cũng sẽ trở thành bần cố nông. Vậy ra nếu có đất thì mày cũng nghèo nên tao lấy đất cho mày nghèo luôn thể à?. Nếu có đất thì ít ra chị NHàn còn có thể cho con đi học để sau này nó có thể kiếm nghề khác để mưu sinh (như bạn đề nghì với chị Nhàn), chứ không theo nghề nông như cha mẹ nó. Còn bây giờ ngay cả quyền được đi học con chị Nhàn cũng không có nữa. Dù là nhà nước của bọn tư bản dãy chết cũng không vô cảm với nỗi khổ của người dân huống hồ chi nhà nước mình là nhà nước của dân do dân vì dân. Nhớ tới cái câu "mong muốn của tôi là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" của người mà ngày nào người ta cũng phải "học tập tấm gương đạo đức", thấy sao mà mỉa mai chua xót!

VÕ ĐẮC DANH nói...

Bó tay với Trương Thái Du ! Phải anh Nguyễn Một comment cho tôi lời khuyên của Khổng Tử sớm hơn thì hay quá. Xin nhường sự tranh luận cho các bạn.

tvkt45 nói...

Chào anh, cám ơn những dòng cảm xúc của anh...

Huong nói...

BỚ BÀ CON !
Chớ manh động, chớ khóc cái thiện, chớ giận cái ác, vô ích. Chuyện của mình để trí thức nó lo cho, cứ yên tâm mà sống với bất công, cứ từ từ đợi xã hội nó văn minh dần lên tự nó… hết à!
Ai có bao thì dùng bao, có vòng thì đặt vòng, không thì thắt, triệt, kiêng, cữ, mấy chuyện đó không lo làm cứ lo đi kiện cáo là sao???
BỚ NHÀ VĂN !
Bút ký chớ có cảm tính, coi chừng thóai hóa, chẳng đi tới đâu nếu không có lý tính dẫn đường !
Bút ký cần nêu cho được giải pháp quán triệt, triệt để, tòan diện, phối hợp, kết hợp các ban ngành chức năng đòan thể, có chỉ đạo, có văn bản, có đóng dấu có chữ ký, lưu công văn đàng hòang…. nghe ….chưa?

Huong nói...

Nghiêm túc nè:
Một người đang ở tầng 6 trong lãnh vực sản xuất xe Mẹc ở Đức có thể ở tầng 2 trong chuyện đời sống người nghèo VN.
tranh luận đôi khi không thể đưa ai lên tầng cao hơn, nếu không biết cách lắng nghe (LẮNG và NGHE).

quê choa nói...

Đã viết 1 cái còm dài, quay lại chẳng thấy đâu, yahoo chán quá. Viết lại rút gọn:
Đọc cái này rùng mình mấy lần, ứa nước mắt,tức lộn ruột. có cảm giác như là mình đọc Ngô tất Tố chứ không phải chuyện ngày nay được Võ đắc Danh ghi chép lại. Do đó câu hỏi liệu có thật hay không có thể xảy ra, không có gì lạ cả.
Tôi nghĩ anh Du cũng có lý của anh ấy, ta nên lắng nghe. Sự đời bao giờ cũng có 2 chiều, gắng tìm chiều thứ 2 không phải để phủ nhận chiều thứ nhất, mà để soi sáng thêm chiều thứ nhất mà thôi. Tôi nghĩ ý anh Du là vậy. Tại vì lúc đầu anh Du nói gọn quá, mọi người có thể chưa hiểu hết ý của anh ấy. hu hu nên hiểu nhau hơn,để vấn đề Võ đắc Danh đưa ra được tập trung hơn, chứ cứ thế này chúng ta đang tự mình đánh loãng vấn đề đau đớn và uất ức này.

Hihi Hehe nói...

"Cái qui luật tất yếu của phát triển hiện nay tại nông thôn Việt Nam là gì, nếu không phải phân hóa ruộng đất? Sẽ có rất nhiều người mất đất do nhân mãn, do chính sách phân bổ không công bằng, do tập trung tư bản, vốn. Nhìn sơ qua thì tưởng bất công, nhưng không có bất công này thì làm sao xã hội tiến lên công nghiệp hóa nông nghiệp được? Một thửa ruộng đi mười bước là đụng bờ chỉ thích hợp với trâu cày chứ không thể dùng máy cày, chưa kể đến việc chuyên canh, thâm canh, làm ra sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu. Cho nên giải pháp chia 60ha “lấp ló” trong bút ký của bác Danh là giải pháp đi ngược tiến trình phát triển, chưa nói đến việc nó đi ngược lòng tham của những người có quyền. Thế thì giải pháp đó là ảo tưởng, thiếu lý tính, giải pháp ru ngủ, thiếu nhân văn! Nếu 21 hộ dân đó được chia 60ha, nó sẽ là điểm tựa để hàng triệu hộ dân khác vào rừng U Minh, vào các nông trường “cắm dùi” đòi đất. Nông nghiệp miền Tây sẽ trở về điểm xuất phát: manh mún, lạc hậu, thiếu đồng bộ và chẳng chóng thì chầy sẽ làm mồi cho ngọn lửa bần cùng hóa, trong đó nhân mãn đóng vai trò lớn"
Nghe mắc cười quá à! Xã hội phát triển, văn minh tiến bộ mấy đi nữa thì người ta cũng cần phải ăn. Mà muốn có cái ăn thì nông dân phải có đất. Hay xã hội văn minh, khoa học tiến tiến thì trồng lúa trên nóc trung cư, nuôi lợn, gà trong căn hộ?( mà khi nào văn minh được như thế hẵng hay bác Du ạ?) Bao nhiêu năm Hợp tác xã bậc cao, mô hình kinh tế cấp huyện để tập trung RĐ, để cánh đồng được thẳng cánh cò bay, để có thể chạy máy cày thoải mái...mà sao rồi lại phải khoán sản phẩm, giao đất cho dân, đưa hộ gia đình trở thành một đơn vị sản xuất, chế tạo ra những máy cầy nhỏ có thể sử dụng thuận tiện trong những mảnh đất manh mún ( cái vùng đồng bằng Bắc bộ VN nó lồi lõm, đâu có bằng phẳng để mà chạy máy cầy như nông trang Xô viết hay cánh đồng cao lương ở miền Bắc TQ của bác.Còn ở miền Tây, khi chưa có những dự án lớn, sao không chia đất cho dân để họ sống qua cái đời họ đã)...
Theo bác Du thì dể xã hội phát triển cần phải có bất công, cần phải hi sinh những người nông dân nghèo, thất học, can tội đẻ nhiều... như Hitle tiêu diệt những dân tộc hạ đẳng để đảm bảo cho nhân loại chỉ còn những giống nòi ưu việt mới là có "lý tính", mới là "nhân văn" chăng?

Ai là ai nói...

Nhà "chí thức""biên khảo" kiêm " nghiên cíu zăn chương" đã viết :Bác Danh kết thúc thì tôi cũng xin kết thúc, chỉ có điều bác có quá nhiều fan hâm mộ nói leo thô lậu, không thích hợp với trao đổi, với mong muốn cầu thị của bản thân tôi.
Cũng xin chân thành cảm ơn bác Lập, ở đời có một người như bác hiểu thì mãn nguyện lắm rồi.
Với 1 nhân tài nhiều "nhà" in 1 như thế tôi nghĩ anh Danh không có khả năng để thảo luận lại, vì "nhà" này hình như bị hội chứng cái gì cũng biết nhưng thật ra chẳng biết cái gì.
hehe các bạn thô lậu vì không thể nói nằm, nói phét, nói copy được nên đành nói leo..nhưng sao chẳng ai nói leo ủng hộ Du nhỉ.
Hôm nay tôi đã làm một việc rất sai: nói về người đáng ra mình không nên nói. Lượn đi cho nước nó trong !

Hien H nói...

Thật là buồn cười khi nhà văn viết ra điều gì thì y như rằng có kẻ lại hỏi: Thế thì ông đã làm gì để giải quyết? Nhà văn thì còn biết “làm gì” được nữa ngoài cái sự viết. Có quyền hành gì mà làm? Bây giờ mà lại treo bút của họ lên rồi bảo làm đi thì họ biết làm gì? Viết chính là cái sự làm của nhà văn, hay nhà báo thì cũng thế thôi.
Cũng giống như bảo người nông dân phải biết làm gì mà sống chứ nhưng không cho họ đất để sống? Họ biết làm gì nếu như không có đất.
Sự chênh lệch giàu nghèo do tài năng, do cơ hội nghề nghiệp mang lại là điều tất yếu. Nhưng cái sự chênh lệch giàu nghèo ngay ở trong một vùng quê do những người nông dân phải thuê lại ruộng đất từ những kẻ không hẳn đã tài năng hơn họ mà từ con ông này, cháu ông kia, từ các cán bộ luôn coi mình là “đầy tớ” của dân thì đang nói lên điều gì? Mọi lý luận cao siêu gì gì, lý tính cảm tính ra sao, mà cứ loanh quanh nghiên cứu với lại biên khảo mà không dám đi thẳng vào vấn đề này thì chỉ đáng vứt vào sọt rác.
Mong tiếp tục được đọc những bút ký mới của nhà văn VĐD.

VÔ DANH nói...

Trong Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung, Kiến Ninh công chúa tìm được khoái cảm khi bị người tình đánh đập, mắng chửi, nàng thích bị cấu xé hơn là mơn trớn, thích bị gọi là “con đượi non” hơn là công chúa tôn quý… nay trong đời thật có gã tài xế tàu thuỷ họ Trương tự xưng là nhà văn lai nhà nhà biên khảo cũng có sở thích kỳ quặc ấy. Gã đi khắp nơi dùng lý lẽ cùn để làm cái việc, nói một cách mỹ miều thì phản biện, nói đốp thẳng vào mặt là cãi bậy http://au.blog.360.yahoo.com/blog-V8i4lZglabOqNmtKDevrxrT5RQo-?cq=1, kết quả bị thiên hạ quần hùng chê cười, thậm chí có người mắng vào mặt, nhưng gã chẳng biết ngượng ngùng, mà trái lại thấy rất sung sướng như Kiến Ninh vừa làm xong việc ấy với Vi Tiểu Bảo. nói có blog làm chứng cứ .
@anh Danh,chị Hương: cũng không hẳn gã không có lòng nhân, có thể gã mắ cchứng LIBIDO tinh thần thôi.

Anh Dung Nguyen nói...

xin loi anh Danh o dayde noi voi anh Du :TAY THI LA CAI DINH GI ...DU thi la cai deo gi

Mùa đông khó quên nói...

ủa có cái này em thắc mắc, nói ra nghe mắc cười. Nhưng dân cần đất để sinh sống và đó là nghề của họ thì lại không giao khóan đất cho họ, hà cớ chi giao khóan đất cho mấy người công chức bàn giấy ?

holanhuong nói...

Ông Danh ơi! Tấm lòng mình mình hiểu, những kẻ chỉ có trái tim dã thú mới vô cảm thôi.Kệ cái tay nặc nô tay sai ấy đi. Ông cứ viết, chúng tôi những người Việt nam còn nhiều người có trái tim đầy cảm xúc. Bọn nô bút cùng lắm chưa tới 0.2% . kệ nó đi ông ạ. Hôm qua tui cũng định ra mua bánh của dì Cúc thế mà chả biết ở đâu, lại còn rề rề ốm.
Tôi chi mong ông luôn vững tay chèo!

Ti Co Nuong nói...

Xin không tham gia bút chiến, thảo luận thì đúng hơn.
@ Trương T.Du: Tôi thích thái độ phản biện của bạn khi đọc bút ký. Tuy nhiên, tôi lại muốn phản biện cái biện luận "người nghèo phải học sống với bất công" và "lý thuyết bàn giấy xóa bất công của Marx đã gây ra hậu quả gì cho nhân loại thế kỷ IX" Bạn không vieét đó là hậu quả gì, nên không biết bạn đã đọc Marx và hiểu như thế nào, tôi chỉ xin gởi thêm 1 đ/c để bạn đọc thêm nếu thích
http://www.viet-studies.info/LuPhuong.htm
Theo tôi ông Lữ Phương nầy nghiên cứu học thuật hẳn hoi và những nhận định của ông về sự ứng dụng của Marx trong Cách mạng vô sản ở VN đáng đọc hơn bất kỳ cuốn sách nào của trường Ðảng VN bắt Ðảng viên, sinh viên và công dân phải đọc và học.
Xin thưa với bạn: lý thuyết xóa bất công của Marx là tiền đề để giai cấp công nhân bieét đấu tranh để tồn tại không bị nghiền nát bởi bánh xe bóc lột của chủ nghĩa tư bản thời tiền tư bản, và ngày nay nó vẫn tiếp tục là vũ khí đấu tranh của các công đoàn tại các nước tư bản công nghiệp mạnh nhất thế giới.
Cái dở, sai và nguy hại của nó là do những người đã ứng dụng nó 1 cách thiên lệch để sản sinh những thứ như Mao ít, Lê nin nít, Sta lin nít v.v.. đây mới là tai họa của nhân loại bạn ạ! Xin đừng lẫn lộn.
Người nghèo phải tập sống với bất công ! Nói thế chẳng khác nào bảo: Ai bảo mầy sinh ra trên đời nầy đã là con nhà nghèo thì ráng chịu. Ta - con vua thì lại làm vua, còn - Mầy - con sãi nhà chùa thì lại quét lá đa đi. Ðấy là lập luận phân lập của kẻ cầm quyền, kẻ mạnh. Thời Thế chiến thứ hai, Hitler đã từng tôn vinh giống dân tóc vàng mắt xanh da trắng, chỉ có giống dân đó là đáng sống, vì nó đã phát triển cao rôi, các giống còn lại cho vô lò tập trung đốt hết.
Dĩ nhiên, không bao giờ có sự công bằng và binh đẳng tuyệt đối trong xã hội, ở xã hội VN thì còn đạc biệt hon nữa(Ðấy là vấn đề cơ chế, rộng lắm tôi không bàn ở đây). Chính vì thế mà phải phản tỉnh, phải cảnh báo, phải "thét" đòi. Ở đây, trong phạm vi blog, tôi thấy bác Danh đã làm rất tốt cái vai trò ấy. Trong cái bối cảnh quản lý báo chí như hiện nay ở VN thì ở đâu ta có thể đọc được tốt hơn những chuyện như thế nầy.
Tôi khâm phục bác ấy với cách viết sắc sảo của mình, thay vì viết những chuyện để bán chạy - như chuyện tình của các Hoa hậu hay là bùng nổ sex chẳng hạn, bác viết về nông dân, những người thấp cổ bé họng, những mảnh đời rách nát không ai quan tâm toói.
Ðấy là sự lựa chọn của nhà văn mà chúng ta nên tôn trọng, thích đọc hay không la quyền của chúng ta.

Nguyễn Một nói...

Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bóng ai bước vào!

quê choa nói...

Cái bút kí ghê rợn đến nỗi bọ rùng mình hai ba lần, ứa nước mắt và tức lộn ruột. Còn ý kiến của Du, bọ nghĩ mọi người cũng nên bình tĩnh xem xét. Vì câu chuyện ghê đến nỗi có cảm tưởng như là mình đang đọc Ngô Tất Tố chứ không phải chuyện đời nay do Võ Đẵc Danh ghi lại. Vậy nên có ai đó đặt câu hỏi: liệu có thật hoàn toàn thế không? Thì cũng là điềù dễ hiểu. Hơn nữa nhìn nhận từ phía khác là để sự thật được soi sáng hơn chứ không phải để phủ nhận. Có lẽ ý Du là như vậy, nhưng thoạt đầu Du nói thiếu rõ ràng nên mọi người không hiểu ý Du chăng. Bọ nghĩ mọi người đang sa vào một câu chuyện khác mà xa rời câu chuyện thương tâm của Võ Đắc Danh. Hu hu nên hiểu nhau hơn

Huong nói...

Muối: chữ phẩm giá thật đắt. Văn minh có ở đâu mà phẩm giá con người không được coi trọng? mà không được quyền đòi tiếng nói của mình được nghe thấy, mà cúi đầu lo kiếm sống còn công bằng của mình thì chờ ơn huệ trên trời nào ban xuống?

Luong Son nói...

Một lần nữa tôi cảm ơn VĐ Danh đã post những bút ký đã viết từ nhiều năm trước đến những bút ký mới nhất.
Lần nào đọc cũng thấy như NQLập viết "đọc cái này rùng mình mấy lần, ứa nước mắt,tức lộn ruột" Qua đây người đọc chúng tôi thấy được phần nào những nỗi khổ của những người nông dân. Vì họ nghèo, ít hoặc vô học nên hiểu biết quá kém cỏi, nên có vùng vẫy cũng chỉ trong tầm suy nghĩ của họ được thôi, cần thông cảm với họ và nói dùm họ.
Chúng ta chiến đấu giành lại độc lập là để người cầy có ruộng, thế những người như anh Trung, chị Nhàn... sao lại không thể có ruộng? Phải chăng có những nguời vô cảm như TTDu, những cán bộ "đầu đất" chỉ biết vụ lợi cá nhân và mù quáng làm theo lệnh cấp trên đang năm chính quyền cơ sở.
Tôi thấy TTDu dẫn câu "cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán" thì không hiểu tính người trong TTDu còn không?
Bác Danh ơi, bác chiêm nghiệm các comment hơn là tranh luận.
"Mặc chó sủa, xe cứ tiến". hehehe

Trương Thái Du nói...

Bác Danh kết thúc thì tôi cũng xin kết thúc, chỉ có điều bác có quá nhiều fan hâm mộ nói leo thô lậu, không thích hợp với trao đổi, với mong muốn cầu thị của bản thân tôi.
Cũng xin chân thành cảm ơn bác Lập, ở đời có một người như bác hiểu thì mãn nguyện lắm rồi.

Tuệ Hoan © nói...

em chắc bác Du ko phải người miền Tây, thế nên bác mới còm men như thế.
chuyện khổ của người miền Tây ko chỉ là đơn thuần chuyện đẻ đái nhiều hay là nhận thức. nếu bác Du đã từng sống ở miền Tây thì em chắc rằng bác không thể bình thản còm như trên.
Nhưng, em thông cảm với suy nghĩ của bác Du.

VÕ ĐẮC DANH nói...

"Tất nhiên ông không khuyên người dân thấp cổ bé họng phải câm miệng nhưng ở chừng mực nào đó ông cho rằng các tổ chức xã hội/trí thức phải lên tiếng thay cho nông dân".
Thì tôi đã lên tiếng thay cho nông dân và chỉ có thế mà thôi. Người cầm bút biết làm gì hơn là nói lên nỗi đau thay cho những người đau mà không nói được.Tôi rất tâm đắc câu nói của Mác: "Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ da của mình".

VÕ ĐẮC DANH nói...

Tuệ Hoan: Đây không phải là vấn đề vùng miền, những bút ký gần đây của anh viết về thân phận của nông dân miền đông, Sài Gòn còn đau đớn hơn thế nữa. Đây chính là vấn đề nhận thức về cái thiện và cái ác.

Huong nói...

ban du:
- tôi không luận gì từ bạn, tự bạn nhận cái lý đó là của mình nhé.
- xã hội muốn văn minh lên, cần có sự phản biện, tranh đấu để thay đổi những cái xấu, cái ác. Chỉ có những người đang hưởng lợi từ những cái xấu này: kẻ tham nhũng, những người lợi dụng sự thiếu hiểu biết và an phận của người dân để làm bậy,… mới chống lại những sự tranh đấu đó vì nó làm chúng không tiếp tục trục lợi được nữa. Ở những nơi mà người dân biết lên tiếng, cái xấu mới lùi lại. Còn khuyên họ chờ ư: có ngược đời quá chăng?
- Nếu bạn thấy blog này không hay, chớ có vào đọc mà mất thì giờ, đừng làm tổn thương những người đã bất chấp nguy hiểm và thiệt thòi của bản thân mà lên tiếng bảo vệ người nghèo. Người như vậy ít ỏi hơn những người khuyên dân cứ ráng mà cam chịu.
- Anh Danh đã rất kiềm chế khi comment. Người có chút lòng tử tế thường không chịu đựng được sự vô cảm. Nếu bạn thấy việc rơi nước mắt vì những sự bất công là chuyện buồn cười, tốt hơn hết là nên đi chỗ khác chơi, đây không phải chỗ cho bạn. Tôi nghĩ nnhững người trong nlog này đều rất tử tế và họ muốn gìn giữ không khí tử tế ấy.
- Tôi cũng rất kiềm chế khi viết comment này, vì giữ gìn sự tử tế ấy trong blog này. Nhưng đã nhìn thấy những bất công, tôi khó lòng tha thứ cho ai còn nói rằng người nghèo vì tự bản thân họ. Nếu bạn chưa sống, chưa nhìn thấy đủ để hiểu những điều này, làm ơn dời khỏi bàn giấy mà đi, mà nghe và cảm, nếu còn có trái tim, rồi hãy quay về lại blog này cũng chưa muộn.

Ka nói...

@Trương Thái Du: "Sống bên cạnh bất công" có nghĩa là bên cạnh cái bất công người ta vẫn phải sống. Trong cuộc sống của những người nông dân bất hạnh ấy có việc bức bách là đòi lại công bằng cho chính họ và người thân yêu của họ, tất nhiên là bằng con đường kêu oan hay kiện tụng. Họ, cũng như chúng ta, không hành động thì làm sao biết kết quả. Làm sao trước khi kiện tụng, kêu oan họ biết/nghĩ rằng cuộc đời này bất công như thế, tình người này hạn hẹp như thế.
Có lẽ trong đời thường anh cũng chỉ dám làm những việc mà mọi người chắc chắn thôi nhỉ?!
Chị Hương đang phân tích rõ vấn đề, chứ không chỉ phản ứng riêng comment của ai đâu, anh ạ!

Tuệ Hoan © nói...

em hiểu ý anh Danh. Thực ra, "Đồng cỏ chát", "U minh hạ" em đều có. nhưng thú thật với anh là em đã ko đọc nữa. Vì em tin những phận người như thế, đang hiện hữu và tồn tại khắp nơi. Nếu tiếp tục đọc, em cảm giác mình sẽ bất lực với nghề của mình hơn.Và nếu tiếp tục đọc, sẽ thấy một sự cay đắng đang bất lực trước lực lượng của cái ác quá lớn mạnh. Nhưng, những cuốn sách đó, có thể và sẽ có lúc nó lại là một biên niên ký cho một thời sẽ phải qua (bắt buộc phải qua).

Gauxauxi nói...

Lần đầu mạo muội comment ở blog này. Tôi thấy các bài viết rất hay và xúc động, điều đó không cần nói thêm. Tuy nhiên các tranh luận ở đây theo tôi không đáng có, nếu chúng ta xác định một tư thế đúng đắn hơn khi trao đổi.
Tôi không phải người 3 phải, cũng không có ý định hòa giải, cũng chẳng thuộc về phe nào. Nhưng, tôi cho rằng, mỗi vẫn đề đều có những góc nhìn, góc tiếp cận của nó. Từ góc độ đồng cảm với người nghèo, bác Danh nhìn thấy sự thống khổ của họ và lên tiếng. Điều đó rất đáng quý. Ở phương diện này, rõ ràng dẫn đến liên hệ đói nghèo là hậu quả của bất công. Đúng.
Từ góc độ nhìn nhận về sự phát triển của xã hội, anh Du nhìn thấy sự ấu trĩ của người nghèo, đẻ nhiều, thất học... Và họ cần phải cứu lấy chính họ và có trách nhiệm trước tiên với cuộc sống của mình. Đúng.
Vấn đề nằm ở chỗ, anh Du mang một góc nhìn này, mà anh gọi là duy lý, áp vào một góc nhìn khác, mà anh gọi là duy tình, hay duy cảm. Cách nêu quan điểm của anh ngay từ đầu đã thể hiện sự khiêu khích, cố chấp và cố ý phủ nhận cái góc nhìn kia. Lúc này anh sai. Bởi vậy, anh bị phản ứng, với những công kích không kiềm chế được là điều dễ hiểu nhưng đáng tiếc là họ đã đẩy vấn đề đi xa hơn cả những gì chủ thể phát ngôn. Ngay cả chủ blog cũng phang cho anh một đòn từ phản hồi đầu tiên về chuyện nhận thức. Như vậy cũng không nên.
Tôi chỉ là kẻ nhận thức ở tầng số 1, nếu có 6 tầng. Nhưng tôi tin, mỗi người, từ tư thế và góc tiếp cận của mình nhìn thấy và chỉ ra một hay một vài phương diện của vấn đề. Đó chính là xuất phát của quan điểm, hành động, thái độ. Điều cốt lõi là không nên phủ nhận nhau. Bằng không, bất kỳ tranh luận nào của chúng ta cũng sẽ dễ dàng dẫn đến công kích, bài xích nhau. Cái cách đó, theo tôi, không làm cho chính chúng ta phát triển.
Bạn đúng, không có nghĩa là tôi sai. Và ngược lại.

Huong nói...

ChàoChào Gauxauxi,
Nếu ý bạn là vậy, tôi cũng chắc rằng tôi với bạn chẳng khác gì nhau về quan điểm. Những gì tôi phản biện là từ những ý tưởng của blogger Du (mà tôi nghĩ là bạn cho là đúng cả).
Xin lỗi, nói lại cho rõ câu cuối cùng, ý tôi muốn nói là tôi không rảnh nhưng vào blog này lên tiếng nhiều như thế là để bảo vệ sự tử tế.
Tôi không có ý chỉ giáo cho ai cả. Tôi chỉ trình bày những suy nghĩ của mình, và chỉ trình bày với những ai tôi thấy có thái độ thích hợp. Như đã nói, vì comment của bạn cho thấy một thái độ đúng mực và tôi muốn trao đổi, vậy thôi. Những blogger như Du thì chẳng ai muốn nói cho nghiêm túc cả. Từ hôm qua đến nay có khoảng 5-6 bloggers mà tôi không hề quen biết gửi message riêng cho tôi nhắn rằng với người này (Du) đừng nói mà phí công. Hình như thái độ của anh ta như thế không phải là lần đầu tiên thì phải.
Xin lỗi anh Danh vì chiếm đài nhà anh nhiều qua. Tôi cũng chỉ muốn im lặng đọc những bút ký của anh để có thêm cái nhìn sâu sắc với người dân những nơi tôi đến làm việc, không hề muốn lên tiếng ở đây.
Cũng xin nói thêm với mọi người rằng, cách đây khoảng 4-5 năm, khi tôi còn chưa hề biết mặt mũi anh Danh tròn méo ra sao, dù là qua ảnh, khi chưa hề có blog. Nhưng vì công việc khi tôi đi đến nhiều vùng nông thôn hẻo lánh nhất ở Cà Mau, rất nhiều người dân nghèo nhất đều biết tên anh, nhiều người cả đời không hề đọc báo cũng đọc vanh vách những bài anh viết về chống bất công và tham nhũng ở những địa phương đó, với một sự kính trọng và tự hào, với sự hể hả của những người suốt đời ở những địa vị dưới đáy xã hội nhất, ở những nơi mà sự cửa quyền lộng hành nhiều nhất. Khi tôi tìm đọc những bút ký này, tôi dần dần học ra được cách nhìn thấu thị và tôn trọng với những người dân này, và khi có cái nhìn đó, tôi nhận ra họ không hề ngu dốt, chỉ vì họ đã ở dưới đáy tận cùng, vì quá nghèo nên đôi khi phải hèn, và vì không ai lắng nghe họ và tôn trọng phẩm giá của họ (tôi vẫn phải cảm ơn Muối vì chữ phẩm giá của bạn).
Tôi đã họcđược rất nhiều từ một góc nhìn vừa nhân hậu vừa tử tế. Vì vậy, bạn Gauxauxi a, về nghề nghiệp và về sự tử tế thì tôi vẫn đang cúi đầu học lấy hàng ngày.

Huong nói...

ah, Xin thêm chút xíu nữa, bạn nói về Du:
“dựa vào một phưong diện riêng lẻ mà mình quan sát đã vội quy nó về cốt lõi vấn đề và phủ nhận cái còn lại. Và từ đó, cái gọi là "sống chung với bất công" mà anh này nói là hoàn toàn phi lý và vô tình, cũng tương tự như những lập luận mà Du đưa ra sau đó rất nhiều sơ hở, phiến diện”
như vậy bạn cũng đã đánh giá được phần nào cái “lý tính” và “logic” của anh ta rồi đó.

Tassa nói...

Tranh luận ở đây rất hay, nhưng giá mà tránh xúc phạm nhau thì sẽ hay và giá trị hơn nữa!

Peace nói...

bac Lap noi dung day a,phan bien cua bac Du ko phai la vo ly ca dau,moi nguoi sao lai nang loi voi nhau the. Co truc tiep lam cong viec giai quyet khieu kien cua dan ve nhung van de lien quan den dat dai moi biet ro van de. Nen nho' nong dan minh ko phai la de bat nat va ai cung de dang cho nguoi ta de` dau cuoi co ca dau. (Tham chi co nhung truong hop khieu kien rat vo ly, giai quyet kieu gi cung ko vua long, doi un un keo len TP lon va TW, ai cung nhu the thi cai dat nuoc nay no se loan. Xin loi, toi ko noi do la nhung nhan vat trong but ky cua anh Danh, chi la vai truong hop ma toi biet o dia phuong toi). Chuyen but ky cua bac Danh la nhung buc xuc day tinh nguoi ko phai ban cai. Va bac ay muon neu van de do len day de chia se voi moi nguoi thoi, bac Du a.
Ma` anh Danh a., anh mang chi cai nghiep nay no se deo anh ca do'`i, viet ve nhung nguoi nong dan cu`ng kho o cai dat nuoc nay thi viet bao gio cho het chuyen. Noi o cai tinh Ca Mau cua anh thoi ma da the roi.

Thằn Lằn nói...

Đọc mà như muốn khóc, xã hội nhiều người khổ quá, cùng cực quá

Thằn Lằn nói...

Bác ơi, cho cháu copy về blog nhé, cháu sẽ ghi rõ nguồn từ blog của bác

Ống kính Cuộc Sống nói...

Em muốn kể một câu chuyện thế này:
Ở trường đại học của em có một số anh chị là người khuyết tật. Họ không thể leo cầu thang quá cao cho các lớp học nên đã làm đơn xin được xếp xuống học ở tầng dưới. Ban đầu nhà trường hứa sẽ giải quyết và ưu tiên mọi sinh viên khuyết tật nhưng sau đó lại bảo là “ít quá” và từ chối giải quyết với lí do rắc rối về thủ tục. Số lượng người khuyết tật không đủ nhiều – tiếng nói của họ trở thành bé nhỏ và tự thân họ không thể đòi quyền lợi cho họ. Trách nhiệm đòi quyền lợi và sự công bằng cho người khuyết tật thuộc về toàn bộ xã hội – không khuyết tật kia. Vấn đề là xã hội ấy không có đủ ý thức để lên tiếng , dù rằng tiếng nói ấy chắc chắn đủ lớn để làm những cái lắc đầu từ chối phải biến mất.
Cũng như vậy, người nông dân không có đủ sức mạnh để lên tiếng về quyền lợi của bản thân họ. Đơn giản là vì họ không thực sự được nắm những quyền tự do cơ bản mang TÍNH NGƯỜI để có thể nói lên tiếng nói thực sự của mình. Vậy thì xã hội, những người cầm bút biết nhìn, biết đi phải trở thành lực lượng cất lên tiếng nói đó để bảo vệ và làm chính quyền thực sự “ngó” đến quyền lợi của người nông dân. Ở tư cách một người cầm bút, anh Danh đã lên tiếng.
Xin anh Du đừng hỏi tại sao người nông dân không đi làm đi mà cứ ở đấy mà đi kiện với cáo. Anh có thể làm nông dân không khi đất anh không có? Anh có thể làm nông dân được không khi mọi chính sách về thuế má, mọi chủ trương về giống, về chăm sóc môi trường nông nghiệp đều “một mực” hủy diệt thành quả lao động của anh? Anh Du ạ, người nông dân miền Tây không chỉ mất đi cái cần câu cơm cơ bản là đất, họ còn mất tất cả những cái khác để họ có thể gượng dậy mà tiến đến cái cụm từ xa xỉ là “làm giàu” mà ngày nay chúng ta thường nghe trên tivi. Một hạt thóc hàng chục khoản đóng góp, chi phí, hạch sách. Một miếng cơm hàng chục cái kềm chặn họng. Anh ăn được không? Anh sống nổi không?
Dân miền Tây từ xưa đã sống khỏe với cái gọi là “mùa nước nổi”, ấy thế mà cái đê điều bày vẽ của chính quyền đã tước đi nguồn lợi thiên nhiên thực sự lâu dài của họ. Đất đai ô nhiễm. Đất đai bị chiếm. Các chính sách kềm tỏa và tiêu diệt sức bật của nhà nông. Họ sống bằng cách nào?
Vấn đề không phải là nhà nông không làm! Trên tư cách cá nhân, em chưa thấy một nhà nông nào lười biếng, em chỉ thấy rằng họ không có gì để làm và không có cơ hội nào để làm cuộc sống mình tốt đẹp hơn dưới các bậc “phụ mẫu chi dân” tham lam và quyền lực ở miền Tây. Một ông chủ tịch xã là một ông vua đấy anh ạ.
“Tích tụ ruộng đất” là một yêu cầu cần thiết của công cuộc hiện đại hóa và tạo ra một nền nông nghiệp thực sự chuyên nghiệp. Nhưng không ai có quyền vin vào cái “đúng” thức thời ấy để tiêu diệt cuộc sống và cướp miếng ăn của người nông dân. Chính quyền đang làm ngơ và cho phép ruộng đất chảy vào tay một lực lượng giàu có lớn trong xã hội với mục tiêu “tích tụ ruộng đất”. Điều đó đi ngược lại với lời hứa dành cho người nông dân khi xưa. Những thế lực lớn cho mình cái quyền được ăn cướp trắng trợn sức lao động của nông dân bằng quyền lực chính trị.
Còn cái gọi là các lực lượng bơm tiền cho biểu tình đòi đất của nông dân ở các thành phố lớn, xin các anh chị hãy nhìn nhận kĩ, khi không còn miếng ăn, khi bất lực nhìn gia đình mình nheo nhóc, đói khổ và nhận được một cơ hội: 50 nghìn/ngày để đi...biểu tình đòi đất, các anh chị có nhận không? Có chứ, miếng ăn là cái cơ bản để người ta sống kia mà!!!
Sự làm ngơ và đẩy cuộc sống những người nông dân ra ngoài lề xã hội sẽ gây ra những xung đột xã hội lớn hơn những gì mà người ta có thể thấy bây giờ rất nhiều...
Em chỉ trao đổi vậy.

Casanova..! nói...

@Trương Thái Du: "Tôi thực sự ko biết anh là ai...Nhưng nếu nói về báo chí thì Bút ký là thể loại mà tác giả có toàn quyền thả hồn fmình vào đó ổê cùng rung động, cùng đau với số phận của mỗi nhân vật. Anh đòi hỏi phải có bằng chứng, phải có giấy tờ văn bản ư...Người dân nghèo người ta đâu biết gì...anh đòi hỏi họ trưng ra bằng chứng khác gì anh chửi họ...
Thực sự...anh thiếu không phải là 4 mà là 5 tầng ý thức...

Người Trẻ nói...

Năm 97, báo CM còn quản lý phóng viên quá yếu!
Hơn 10 năm qua, trình độ quản lý PV của các báo đã tốt hơn rất nhiều rồi bác Danh nhỉ?
Mà cũng chẳng biết là do người ta đang quản lý PV tốt hay là do đã chẳng còn một PV nào được như anh Đặng Huỳnh Lộc ngày xưa! Phần lớn bọn họ đã đồng tình với anh TTD rồi thì phải!

Gauxauxi nói...

Chào Hương, cảm ơn bạn đã chỉ giáo thêm. Với Thái Du, tôi không hề biết anh ta, cũng không có ý định tìm hiểu nhận thức, cho nên bạn đánh giá Du là người kém hiểu biết về vấn đề này, tôi không có ý kiến.
Tôi cũng không hiểu biết vấn đề này lắm. Cho dù, không giấu gì bạn, tôi làm nghiên cứu về phát triển ỏ nước ngoài, nhưng cũng chỉ dám đứng từ một góc độ mà thôi và vẫn lóp ngóp ở tầng thấp nhất. Tôi không trực tiếp có những trải nghiệm thực tế ở trong nước. Những điều bạn nói, tôi sẽ tìm hiểu thêm.
Bạn khẳng định bất công trong xã hội là nguyên nhân sâu xa của đói nghèo (dùng từ nguyên nhân thì chính xác hơn chữ bản chất). Và bạn cũng đồng ý là người nghèo phải tự cứu mình. Đó là 2 điều tôi nêu ở comment trước.
Cá nhân, tôi không tuyệt đối hóa phương diện nào. Tôi chỉ đánh giá góc độ tiếp cận và quan điểm ban đầu của Du là đúng. Tôi cũng không nói đó là bản chất hay bề mặt. Tôi chỉ coi đó là một phưong diện tiếp cận. Nhưng Du đã sai và cực đoan khi anh này dựa vào một phưong diện riêng lẻ mà mình quan sát đã vội quy nó về cốt lõi vấn đề và phủ nhận cái còn lại. Và từ đó, cái gọi là "sống chung với bất công" mà anh này nói là hoàn toàn phi lý và vô tình, cũng tương tự như những lập luận mà Du đưa ra sau đó rất nhiều sơ hở, phiến diện. Nhưng không vì lẽ đó mà tôi đánh giá anh này ở tầng số mấy.
Thực ra, tôi và bạn cũng không có gì khác nhau về quan điểm, có thể bạn nhận thức sâu sắc hơn thôi. Cũng vui vì bạn tỏ ra nhiệt huyết với vấn đề này. Điều đó rất đáng nể.
Còn câu cuối của bạn, không rõ có dành cho tôi không? Nếu có thì tôi không dám nhận. Bởi vì tôi thuộc về số đông.
Lãnh giáo.

Casanova..! nói...

@Trương Thái Du: "Anh ko nói thì ko ai biết anh dốt...Anh ko nói ko ai biết anh là người vô cảm trước nỗi đau của đồng loại"
Anh đã bao giờ gặp những cảnh đời khốn khổ đến mức ko biết kêu ai chưa?Anh đã bao giờ chứng kiến cảnh cả nghìn người dân mất đất chỉ bởi sự quan liêu, thói cửa quyền chưa?Tôi chắc là chưa nên anh mới vô cảm để viết ra những câu như ở trên!

Huong nói...

Thế còn fan hâm mộ của anh Du đâu không thấy?
Anh cứ viết thật nhiều những "cái gì đó" mô tả cái xấu của nông dân, phân tích họ nghèo vì đẻ nhiều, vì thiếu cần mẫn, vì lo kiện cáo chống bất công không lo làm ăn…, thì chắc sẽ có nhiều fan hâm mộ cỡ bự lắm đó. Chúng tôi rất thông cảm là vì hòan cảnh các fan đó làm mưa làm gió ở đâu chứ không vào đây ủng hộ anh Du ra mặt được, tiếc lắm thay !
hehe, thôi anh Du đã đi thì cũng xin thay mặt những fan hâm mộ thô lậu xin TIỄN !

Violletmoon nói...

Hic, cháu rất xúc động khi đọc các bài bút ký của chú. Đọc xong cháu đã khóc vì cảm thấy như mình đang sống trong thời phong kiến trước kia. Giật mình cháu véo má mấy cái mới nhận ra mình đang sống trong chế độ XHCN.
Giờ cháu mới hiểu người dân sống trong thời kỳ phong kiến và thực dân Pháp vẫn là thiên đường so với hiện nay.
Cái bức xúc của người cha chị Nhàn "làm tá điền cho chế độ thực dân Pháp thì mỗi công đất chỉ nộp tô hai giạ lúa tới mùa, bây giờ thuê đất của nhà nước mà phải qua ba trung gian và với cái giá nầy thì quy ra mỗi công hơn sáu giạ, lại phải đi vay tiền để trả trước hai phần ba" đã nói lên tất cả về xã hội hiện nay.
Đâu rồi những câu nói "Nhà nước của dân, do dân vì dân" hay câu "Mọi người sinh ra đều có quyền tự do bình đẳng".
Cám ơn chú, cám ơn những bài viết của chú, cám ơn tấm lòng của chú luôn nghĩ về những nỗi khốn khổ, bất công của người nông dân và xã hội.
Chúc chú một tuần mới vui vẻ.

thuoc115 nói...

Chac sap sua co cuoc cach mang ruong dat lan nua qua

lumiphu nói...

@ trương thế du : chắn anh hưởng lợi từ đảng cộng sản nên anh mới nói ra những lời này , anh không nằm trong cảnh người nông dân mất đất mất ruộng nên không hiểu hết , nếu người nông dân không kiện tụng , họ còn làm được gì khi cuộc sống của họ gắn liền với cục đất với ruộng đồng , cái đó người ta nói là " còn nước còn tát " chứ họ cũng chẳng còn tin vào chính quyền , pháp luật vn nữa . anh nói ai lợi dụng họ , khi người nông dân đã vô đường cùng thì họ bươi quào để tìm đường sống cho mình, nên biết tìm ai ngoài anh DANH , anh LỘC để nói lên nỗi khổ của mình khi họ không tin vào chính quyền vào pháp luật . đúng anh danh viết một chiều vì một chiều kia đã có anh và bộ máy tuyên truyền của đảng hằng ngày viết rồi . ngày nào cũng nghe tăng trưởng , đầu tư nước ngoài , xuất khẩu vượt chỉ tiêu .vậy có ai nói cuộc sống của người nông dân mất đất , mất nhà không ? anh chấp nhận sống chung với bất công thì mặc anh , còn chúng tôi thì không

Phương Nguyên nói...

@ Bạn Du : Tự cho mình là duy lý mà không đủ lý lẽ để thuyết phục người khác, rồi quay qua chê bai mọi người đều thấp kém hơn mình, ngu dốt không hiểu những gì mình nói :
"chỉ có điều bác có quá nhiều fan hâm mộ nói leo thô lậu, không thích hợp với trao đổi, với mong muốn cầu thị của bản thân tôi."
Hành xử như vậy thì ai cũng cũng làm được, đâu cần tới hạng người thông tuệ như bạn.

lumiphu nói...

@ trương thái du : trung quốc chi tiền cho 280.000 thành viên trên mạng để nói có lợi cho đảng cộng sản trung quốc , hổm rày anh được nhiu rồi dẫn đi nhậu coi . ah cái tên anh nói láy lại cũng hay mà cm 1 sợ bị xoá . bởi vậy cm thứ 2 này có nói thẳng bị xoá cũng không sao

Huong nói...

Ban Gauxauxi:
Rất hân hạnh nói chuyện với bạn.
Hòan tòan đồng ý với ý kiến của bạn cho rằng vấn đề nào cũng có nhiều cách tiếp cận, và tranh luận chính là làm cho xã hội phát triển. Và không phải người này đúng thì ý kiến khác họ là sai và ngược lại. Và bạn cũng đã nhìn thấy cái sai trong thái độ của blogger Du.
Nếu bạn đọc lại những comments sẽ thấy, ban đầu tôi và một số người đã tranh luận một cách nghiêm túc và tôn trọng, nhưng sau đó chuyển sang nói bằng ngôn ngữ khác. Đơn giản là người ta chỉ tranh luận với ai mà họ thấy ít nhấtlà có chính kiến rõ ràng và có hiểu biết nhất định về đề tài mình định nói.
Ngòai thái độ khiêu khích cố chấp mà bạn phân tích ra, sau vài comment tôi nhận ra blogger Du không có kiến thức và hiểu biết, lập trường về vấn đề này, anh ta chỉ copy và nhại lại những ý tưởng này từ đâu đó mà thôi, mà nhại cũng chẳng có trình độ nữa, nên, tôi đã không phí lời phân tích hay tranh luận một cách nghiêm túc. Người trong nghề như tôi nhận ra điều đó không khó lắm đâu.
Xã hội chúng ta mấy chục năm qua đã có quá nhiều những kẻ chỉ nói theo như một cái TV hay loa phóng thanh mà chẳng thực sự hiểu một cách thấu đáo những gì mình vẫn phát ngôn, lời lẽ bạn chứng tỏ bạn có chiêm nghiệm nhiều, chắc chắn đã có gặp qua những người như vậy.
Về việc đúng sai, các tầng nhận thức mà anh Danh nói không hề có ý hạ thấp nhười khác.
Tôi ví dụ: tôi làm việc cộng đồng, học tập và nghiên cứu về cộng đồng 11 năm, hẳn những gì tôi nhận thức về nó là nhiều hơn một anh chuyên sản xuất xe hơi. Tầng của tôi trong lãnh vực này sẽ sâu hơn anh ta. Tuy nhiên, về sản xuất xe , thép gì, sơn gì, máy móc, đủ thứ chuyện về xe, tôi chỉ là tầng một để ngước nhìn anh ta đang ở tầng 6.
Vì thế, tôi chưa hiểu về cái gì, tôi cúi mình học hỏi cái đó, muốn thế, tôi phải biết ở lãnh vực nào tôi đang ở tầng nào, biết mình biết người để mà học và ứng xử cho đúng. Anh Danh chỉ muốn nhắc anh ta trở về vị trí của mình mà thôi. Người không biết đã viết được bài ký nào ra hồn chưa, mà dám dạy cách viết bút ký người đang được xem là người viết ký hay nhất hiện tại, liệu có buốn cười không?
(còn tiếp)

Huong nói...

Thái độ của bạn làm tôi có cảm hứng nói tiếp.
Bạn viết:
Từ góc độ nhìn nhận về sự phát triển của xã hội, anh Du nhìn thấy sự ấu trĩ của người nghèo, đẻ nhiều, thất học... Và họ cần phải cứu lấy chính họ và có trách nhiệm trước tiên với cuộc sống của mình. Đúng.
Tất nhiên là điều đó đúng, nhưng nó chỉ là bề mặt. Vì vậy anh Danh mới nói là tầng thứ 2.
Như comment mà tôi đã nói, thế giới đã nhận ra sai lầm này từ lâu. Vì 20 năm hàng tỉ tỉ usd của liên hiệp quốc đã đổ vào các nước nghèo cho chương trình sinh đẻ có kế họach, hàng trăm cuộc tổng đáng giá, hội nghị… đã chứng tỏ là thất bạn, và người ta buộc phải nhìn nhận đói nghèo theo hướng sâu sắc hơn, đi vào bản chất hơn là bề mặt của sinh nhiều và thất học. Nế bạn quan tâm, hãy tìm hiểu về điều đó, cũng có ích lắm đấy. Hay ít ra, những người có chút nhạy cảm đều hiểu cái gì đăng sau những động thái là các ủy ban dân số và kế hoạch hóa gia đình đã giải thể, đổi tên, thay đổi họat động. Việt nam thì còn lâu mới thay đổi, nhưng vì đó là những chương trình quốc tế, tài trợ quốc tế, nên người ta thay thì mình cũng thay theo, chứ tư duy chúng ta hình như vẫn chưa chạy theo kịp để hiểu.
Và bản chất của nghèo đói, tôi không thể phân tích mọi thứ trong comments này, nhưng bản chất sâu xa của nó, trong mọi xã hội, đều từ bất công, tham nhũng, và yếu kém trong lãnh đạo. Tại sao mà họ ấu trĩ, mà thất học,…, nếu bạn đọc, nghe, nhìn, tìm hiểu, đủ kỹ, bạn sẽ tự tìm được câu trả lời cho mình. Hiểu sâu được đến tầng bao nhiêu, là tùy thuộc vào nhiều điều, và cả tùy cái tâm, cái trí của người tìm hiểu. Có nhiều người ở những vị trí, những cơ quan lẽ ra phải hiểu nhưng không hiểu. Vì đốt cũng có, vì tự mình không chịu lắng lại mà lắng nghe cũng có, nhưng nhiều nhất là biết mà giả như không biết, vì dại gì mà biết và thay đổi khi mà nếu để nguyên trạng thì họ được lợi nhiều hơn.
Ngừơi nghèo phải tự cứu chính họ: tuyệt đối đúng !
Nhưng chắc chắn không phải bằng cách cúi đầu nhẫn nhục chịu đựng. (đọc lại comment của Muối trang trước.
Sẵn sàng tiếp chuyện tiếp nếu anh có quan tâm. Tôi không rảnh rỗi quá lắm, nhưng tôi không cho phép ai sỉ nhục sự tử tế vốn đã quá ít ỏi trong xã hội ta hiện nay.

Pink_Heart nói...

Có một cuộc " cách mạng nhung" trong lịch sử loài người, đó chính là cuốn " Túp lều chú Tom". Chiến tranh đẫm máu vì nạn phân biệt chủng tộc chấm dứt.
Nhà văn cảm nhận cuộc sống của nhân vật, truyền cảm xúc đó cho người đọc. Tác giả đã thành công đến mức khiến cho những kẻ cực đoan hiểu ra được những người da đen nô lệ kia cũng là con người, họ cũng cần tất cả mọi thứ mà con người cần, nhất là cần được yêu thương và chia sẻ! Và họ chính là những lao động trực tiếp làm nên của cải xã hội, mà những kẻ ăn trắng mặc trơn kia lại làm chủ. Người có cái đầu và người có đôi tay phải biết kết hợp bằng yêu thương thì xã hội mới tiến bộ
Mọi sự cải tạo, cách mạng ruộng đất... có lặp lại chăng nữa. Nó cũng chỉ là hình thức. Thay đổi bất cứ cái gì đều phải xuất phát từ trong tâm. Chỉ có sự yêu thương mới có thể giải quyết được.
Tôi trả tiền để mua gạo, nhưng tôi vẫn nợ những người nông dân, khi hạt gạo họ làm ra đầy máu và nước mắt. Hạt cơm vẫn đắng ngắt khi người làm ra nó vẫn triền miên đói nghèo! Cảm giác ấy do những người như bác Danh tạo ra đấy. Bác tước đi sự vô tư hưởng lạc của những kẻ dùng "lý tính" chọn cho mình một vị trí lợi thế, tự cho phép mình đứng trên để phán xử. bác truyền cái " cảm tính" của bác cho người đọc. May mắn thay còn có người làm như thế, để có thể ước mơ một cuộc cách mạng nhung. thay vì lại đổ máu. Tiếc là cái thứ mà bác Danh truyền, phải có điều kiện để hấp thụ: TRÁI TIM. Cái mà tưởng ai cũng có?

Toan Dang nói...

Trí thức mà như bác Du này thì đi giữ trâu còn hơn !

Toan Dang nói...

Nếu tôi là con của bác Du tôi sẽ cảm thấy nhục khi phải có một người cha như thế !

fam z nói...

Vô cùng đồng ý và cảm phục anh Danh nhưng tôi đánh gía thấp
anh chàng Du ngụy biện như 1 "luật sư của quỷ".

Ksor - Trà ® nói...

Đọc bài này buồn quá anh à.
Trời cao không biết ngó xuống.
Mẹ em cũng có nhiều uất ức với chế độ, với chính quyền, chạy lui chạy tới gửi đơn gửi từ từ năm 2001 mà giờ vẫn chưa được.

blue nói...

đọc những câu chuyện của bác, lòng đau buồn, kèm giận dữ vì sự bất công. Nhưng mỗi người mỗi cảm thụ trước một câu chuyện, một hoàn cảnh bằng tình cảm, bằng lý tính. Xin mọi người hãnh bình tĩnh và tôn trọng. Mọi ý kiến đều đáng được trân trọng và suy ngẫm, có như vậy mới thực sự là tự do ngôn luận, nhìn vấn đề theo nhiều chiều.

Sushi nói...

Câu chuyện cảm động, các comments tranh luận mang lại thông tin nhiều chiều. Blog đúng là thế giới tự do ngôn luận nhất hiện giờ tại VN. Cám ơn.

Paolo Trần nói...

Nguyễn Trãi có nói việc trị nước cốt ở yên dân nhưng đôi khi những kẻ cẩm quyền lại làm cho “dân im” chứ không phải “yên ổn làm ăn”.
Thực tế là không có một thể chế nào là hoàn hảo, không có nhà nước nào lại không có bệnh tật nhưng một nhà nước dân chủ thì cung cấp cho xã hội những cơ chế điều trị những căn bệnh đó cũng như là khả năng phục hồi trong khi những nhà nước độc tài thì một cơ chế như vậy không được tạo ra.
Thực tế ở các nước phương Tây những tiến bộ xã hội đạt được là kết quả đấu tranh của người dân hay một bộ phận người dân đã tạo ra áp lực buộc nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách, pháp luật cho phù hợp với quyền lợi của họ, chẳng hạn những phong trào đấu tranh cho quyền phụ nữ ở Tây Âu và Mỹ cách đây 2 thế kỷ, phong trào đấu tranh của người da đen ở MỸ nửa đầu thế kỷ 20…Nếu không có Martin Luther King thì hôm nay đã không có một Barrack Obama.
Một vấn đề nữa là đấu tranh như vậy có làm cho xã hội không còn bất công không. Câu trả lời là không. Vì trong xã hội nào, thời đại nào cũng vẫn tồn tại những bất công, không ở dạng này thì ở dạng khác. Nhưng những người dân một khi đã làm quen với phương thức đấu tranh, có ý thức về quyền công dân và quyền dân chủ thì họ đã được trang bị những kỹ năng để đối phó với những vấn đề như vậy. Đó là những gì đã xảy ra ở những nước đi trước VN như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Còn như nếu chỉ trông vào sức chịu đựng của những người bần cùng, như anh Du nói ở trên, thì họ chỉ có thể càng ngày càng phải chịu nhiều hơn và những người cai trị không có áp lực nào để phải thay đổi chính sách, thúc đẩy tiến bộ xã hội.