Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

HAI ÔNG GIÀ - HAI CÂU CHUYỆN





“ Không phải bây giờ khi nó phản rồi tôi mới nói ra để biện minh cho sự sai lầm của mình. Hồi mới lượm nó về, trước cửa nhà tôi - gần chợ Ông Tạ - sáng nào cũng có lão Ba Tàu mù đi bói dạo, vợ tôi mời ổng vô, nói mới lượm con bé ngoài đống rác, nhờ ông bói coi tương lai nó thế nào. Ông lão đưa tay sờ mặt, sờ vai, nắm tay nắm chân con bé rồi hốt hoảng đứng dậy, vừa đi vừa nói: Bỏ đi, nó là linh cẩu, nó sẽ hại bà. Vợ tôi không tin, bảo ông già mù lòa biết gì mà tướng với số”.

Giọng ông Ba Điển có lúc nghẹn ngào, cay đắng khi nói về đứa con nuôi. Lúc lại trầm ngâm, rưng rưng nước mắt khi nói về đứa con không nuôi ngày nào mà hiếu thảo như con ruột. Ông ngồi trên xe lăn, tay chân quặt quà quặt quại, miệng mấp máy mỗi lần muốn nói. Ông nói đó là hậu quả của cơn tai biến cách nay hơn một năm, sau khi vợ ông qua đời. Lần ấy, nếu không có chị Cương bán vé số tình cờ đi qua cứu ông thì chắc ông đã không còn. Gần một năm nằm trong nhà dưỡng lão, ông chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình người, có những ẩn số không thể nào lý giải.

“Vợ chồng tôi không có con nên coi nó như con ruột. Học hết phổ thông, nó đi làm việc rồi lấy chồng, sinh con. Ba đứa con của nó lần lượt ra đời trong sự cưu mang, chăm sóc của vợ chồng tôi, chúng tôi vẫn xem chúng như cháu ngoại, đưa đón chúng nó đi học để cho cha mẹ chúng đi làm. Nói ra thì vừa hổ thẹn, vừa đau lòng, nuôi nó hơn bốn mươi năm, vợ chồng tôi chưa bao giờ nhận lại sự hiếu thảo ở nó dù là một cử chỉ, một lời nói. Buồn lắm nhưng không nói ra, cứ âm thầm chịu đựng, làm hết trách nhiệm của người mẹ, người cha. Năm 1995, sau khi nghỉ hưu, tôi quyết định bán căn nhà ở Tân Bình để về sống trên phần đất hương hỏa ở chợ Bưng Cầu, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Bán nhà được ba chục cây vàng, tôi để lại cho nó tám cây. Hai năm sau tôi ra Sài Gòn tìm nó thì mới hay nó thôi việc, kiếm sống bằng cách vay nợ đầu nầy rồi cho vay nặng lãi đầu kia, rồi bị giựt, rồi bể nợ. Lúc tôi gặp thì nó đang trốn nợ trong nhà vệ sinh gần khu nhà trọ. Thấy nó khổ, vợ chồng tôi kêu nó về, cắt cho nó gần tám chục mét vuông đất cạnh nhà, mấy anh trên Sở Lao động cũng lách qua lách lại xây cho nó căn nhà tình nghĩa thông qua chế độ của tôi. Mấy ảnh nói dù sao thì tuổi già của vợ chồng tôi có con cháu sống cạnh cũng tốt hơn. Thế nhưng, chẳng những không tốt hơn chút nào mà còn thêm tủi. Nó mượn tôi bốn mươi triệu đồng, nói là mua xe máy cho con nó, để vợ chồng tôi có mệnh hệ nào thì cũng có xe đưa đi bệnh viện. Khi vợ tôi lâm bệnh, nó đi đâu biền biệt, không một lời thăm hỏi. Vợ tôi qua đời chưa được bao lâu thì nó bán nhà, đi mất, cũng không hề cho tôi hay một tiếng. Tôi sống thui thủi một mình. Một hôm, tôi bị tai biến, nằm bất tỉnh, ỉa đái trong quần. Khi tỉnh dậy thì thấy có người phụ nữ lạ chăm sóc cho mình. Hỏi ra mới biết, đó là cháu Kim Cương bán vé số. Vợ chồng Cương từ An Giang chạy đói lên Bình Dương. Chồng làm phụ hồ, vợ bán vé số nuôi hai đứa con, đứa trai 15 tuổi, đứa gái 13 tuổi. Cương tự nhận làm con nuôi tôi, hai đứa nhỏ gọi tôi bằng ông ngoại. Hàng ngày mẹ con nó thay nhau đến lo cơm nước, tắm giặt, dọn dẹp nhà cửa cho tôi suốt cả năm trời mà không đòi hỏi một điều kiện gì. Khi tôi vào trung tâm dưỡng lão, ngôi nhà tôi đã bán trước đó mấy năm, người ta cho tôi ở lại. Lúc giao nhà, tôi tặng cho cháu Cương một số vật dụng thừa như tủ, bàn, ghế . . . thì đứa con trời ơi kia tìm đến mắng chửi Cương, đòi đốt nhà, đòi mấy món đồ ấy lại . . .”

Ông Ba Điển rưng rưng nước mắt, hai tay nặng nhọc lăn bánh xe trở về phòng, ông Hai Tâm nhìn theo, giọng ngậm ngùi, chua chát:

Con nuôi mà nó phản thì cũng đau, nhưng đâu có đau bằng con ruột như tôi. Năm 1983, sau khi vợ tôi qua đời, tôi từ Thanh Hóa dẫn ba đứa con vào Dầu Tiếng xin làm công nhân cạo mủ cao su. Thằng Tân 20 tuổi, thằng Hùng 16 tuổi, con Nga 3 tuổi. Hai mươi lăm năm, tính ra đã một phần tư thế kỷ. Một đời gà trống nuôi con của tôi cuối cùng là gì, nếu không có cái trung tâm uôi dưỡng người già nầy thì chắc đã chết bờ chết bụi. Năm 2000, sau khi con Nga lấy chồng, thằng Tân thằng Hùng cũng đã ở riêng, còn lại một mình tôi với hai mẫu đất rẫy heo hút trên Dầu Tiếng. Thằng Hùng nói bố sống chi một mình, bán rẫy đi về ở với vợ chồng con. Tôi nghe lời nó, bán miếng rẫy đem tiền về cho nó cất nhà. Ở không được bao lâu, con vợ nó bắt đầu mắng cho chửi mèo. Rồi thằng Hùng đi ăn trộm mủ cao su bị bắt, vợ nó nói tại bố đi mét người ta, nuôi ong trong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Bây giờ giữa tôi với lão già ấy, ông chọn ai ? Thằng Hùng ậm ờ bảo tao chọn cả hai. Vợ nó ẳm con về nhà cha mẹ ruột. Buồn quá, tôi khóc, qua tâm sự với thằng Tân. Thằng Tân bảo bố sang ở với con. Nhưng được mấy hôm, nó nhậu say về quát, ông bán rẫy đưa tiền cho thằng Hùng thì nó phải nuôi ông, tôi không có trách nhiệm. Nói rồi nó quăng quần áo tôi ra sân. Tôi đến trụ sở dân phòng giăng võng ngủ được ba hôm thì bị đuổi. Nhảy lên xe buýt, tôi lang thang ra cầu sài Gòn sống với mấy đứa trẻ bụi đời. Rồi một đêm nọ, tôi gom đá bọc vào cái võng, cột chặt dây võng vô chân trái, ngồi uống rượu một mình. Uống hết nửa lít rượu, tôi co chân phải, định đạp cái bọc đá xuống sông Sài Gòn. Nhưng lại nghĩ, mình làm vậy có tổn đức cho con cháu không. Tôi trở về Bình Dương, đi lên rẫy làm mướn ba năm, đến lúc không còn ai bỏ tiền ra để thuê một lão già không còn sức lực nữa thì tìm đường xin vào đây.”

Hỏi về đứa con gái, ông nói: “Nó không đến nỗi tệ, nhưng lệ thuộc thằng chồng. Hồi trước, thỉnh thoảng nó có vào thăm nhưng khai với trung tâm rằng tôi là bố nuôi. Nó cũng dặn tôi nói thế. Nhưng từ khi bị phát hiện ra nó là con ruột, nó không vào nữa”.

Ông lão lại rưng rưng và lầm lủi trở về phòng.

(Bài đăng trên SGTT số 113-ngày 29-9-08)

-->đọc tiếp...

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2008

VĨNH BIỆT GÃ GIANG HỒ LƯƠNG THIỆN




VĨNH BIỆT GÃ GIANG HỒ LƯƠNG THIỆN

“Lê Vũ Cầu đi rồi em ơi!”

Đạo diễn Thế Ngữ gọi điện cho tôi lúc 5h30 sáng . Tôi lủi thủi xuống quán cà phê bờ kinh Nhiêu Lộc, ngồi một mình, lần lượt gọi điện báo tin buồn cho bè bạn gần xa. Bất chợt, tôi lúng túng, bồi hồi khi nhớ đến cụ bà Phạm Thị Ánh ở Thảo Điền: “Con cháu má bây giờ đã trưởng thành, tử tế hết rồi, má chỉ còn ước mơ duy nhất trong những năm tháng cuối đời là được gặp Lê Vũ Cầu, được nắm bàn tay nó, được nấu cho nó một tô canh chua cơm mẻ”. Một giờ sau, đạo diễn Trần Chí Kông, con trai cụ Ánh gọi điện cho tôi: “Hay tin Lê Vũ Cầu mất, bà má vừa buồn vừa trách tụi mình, có bao nhiêu chuyện đó mà không lo được”. Đời vẫn luôn có những sự hối hận khi đã muộn màng. Má Huỳnh Thị Lan ở bến đò Rạch Bắp, Củ Chi, chắc sẽ không cầm được nước mắt khi hay tin này. Hôm tôi đưa anh Cầu lên Trảng Bàng hốt thuốc, khi ghé vào nhà thăm má, bà cụ trên tám mươi tuổi đã ôm chầm lấy anh như đứa con ruột thịt: “Con ơi, lên đây ở với má đi, má sắc thuốc nam cho con uống, gà vịt đầy vườn, không khí trong lành thoáng mát, má sẽ chăm sóc cho con”. Cầu đã hứa về Sài Gòn sẽ thu xếp rồi lên đây tịnh dưỡng, má nói mày hứa chắc nghen, má chờ.

Mấy hôm anh nằm bệnh viện, sau mấy ngày mê man, anh lại tỉnh hẳn ra, sắc thái lại bình thường. Anh bảo tôi liên hệ với “Ông Ba Đất Phèn” để anh xuống Mộc Hóa an dưỡng một thời gian. Tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ, nhưng cuối cùng thì anh không đi Mộc Hóa mà về chốn thiên đường…

Bốn năm qua, kể từ ngày Lê Vũ Cầu trở về từ cõi chết, không ai hiểu anh sống bằng gì trong khi bác sĩ chuyên khoa kết luận rằng lá gan của anh đã chết và không có dấu hiệu phục hồi. Nhưng với anh, dường như bốn năm qua là bốn năm anh tỉnh táo nhất để chuẩn bị cho một chuyến ra đi. Anh từng nói sự sống khác với sự tồn tại, rồi anh kể, có một người bạn diễn, hôm tết đến nhờ anh giúp một ít tiền. Thấy bạn quá khổ, anh cho một triệu đồng, song, anh bạn ấy lại kêu rượu ra ngồi uống tại chỗ rồi biểu Cầu tính tiền, hết hai trăm ngàn. Anh nói một triệu kia mình cho nó, còn nó nhậu hai trăm ngàn thì mình tính sòng phẳng, để làm gì? Để mình giúp nó một cách sống. Mình cho nó cũng rất lịch sự với một người bạn và mình tính tiền nó cũng rất lịch sự với một người khách. Anh kể, thuở lên tám, khi chập chững bước chân vào chốn giang hồ, có lần đói lả, thấy cái dĩa lòng heo xào dưa cải trong quán cơm ở bến xe Pétrus Ký mà nghe cứng cạch hàm, chân bủn rủn không muốn bước đi, đành phải ngồi xuống gọi một dĩa cơm. Ăn xong, ngập ngừng thưa với bà chủ quán: “Dì ơi, con lỡ hết tiền, dì cho con thiếu, ngày mai con trả”. Tưởng sẽ bị làm nhục, ai dè bà chủ quán cười nhân hậu: “Không sao đâu con, khi nào đói thì cứ tới ăn, lúc nào có tiền thì trả”. Hôm ấy, Cầu lên xe đò rồi trôi dạt đến Quy Nhơn, cuộn theo dòng xoáy giang hồ. Bao nhiêu phong vị cuộc đời không thể nào nhớ nổi, nhưng cái dĩa cơm với lòng heo xào dưa cải ấy thì anh không thể nào quên. Cầu mở quán cơm từ thiện không phải là chuyện làm phước để mong gặp phước cho mình, anh nói, nếu quan niệm ấy là có thật thì quán cơm từ thiện sẽ mọc lên như nấm sau mưa. “Tôi nợ cuộc đời quá nhiều, giờ chỉ mong đền đáp lại. Biết đâu con cháu của bà chủ quán tốt bụng ngày xưa giờ có người thất cơ lỡ vận, họ đến đây ăn thì đó lại là sự đáp nghĩa của mình”. Anh nói, của cho không quan trọng bằng cách cho, nhân viên phục vụ phải hiểu rằng mình đang đãi khách, họ phải được coi trọng như những người khách sang trọng đến nhà hàng. Thà không cho, nhưng khi đã cho thì đừng nghĩ là bố thí.

Cũng kể từ ngày Cầu trở về từ cõi chết ấy, bạn bè anh ít hơn. Nhưng đó chính là sự sàng lọc để còn lại cái chân tình. Vài anh họa sĩ, vài nhà báo, nhà văn, đạo diễn, doanh nhân. Nhưng hễ Cầu gọi là đến, bất cứ nơi đâu, ngày hay đêm, gần hay xa, mưa hay gió. Chúng tôi, không ai nói với ai, nhưng ngầm hiểu rằng, thời gian của Cầu còn lại chẳng bao nhiêu, có thể chia tay bất cứ lúc nào, cho nên chơi với anh, “tạm ứng” luôn cả cái phần khi anh không còn sống nữa. Nhưng chơi với anh, tôi thấy mình ấm áp như có một người anh ruột thịt. Không thể quên những lần anh nhìn tôi bằng cái nhìn khắt khe, giọng lầm bầm trách mắng: “Cái thân bệnh hoạn mà ăn gà thì khoái ăn da, ăn thịt heo thì toàn ăn mỡ, hút thuốc thì như ống khói tàu hỏa, rượu cũng không biết chừa”.

Bây giờ thì anh nằm đó, những chuyên viên thẩm mỹ đang hóa trang cho anh, nhưng không phải như bao lần hóa trang để chuẩn bị bước vào vai diễn. Và những vị hành khất thường ngày cũng đã lần lượt đến, họ đến tiễn đưa anh và cũng để đưa tiễn chính mình. Anh về đâu thì họ biết rồi, nhưng họ về đâu khi không còn anh, không còn quán cơm từ thiện?

(Báo SGTT, ngày 24-9-2008)


GÃ GIANG HỒ LƯƠNG THIỆN

(Trích từ tập bút ký THẾ GIỚI NGƯỜI ĐIÊN - NXB Trẻ-2008)


Trường học lớn nhất của Lê Vũ Cầu là sân khấu, là chuyện nhân tình thế thái trên sàn diễn. Những nhân vật giang hồ hảo hớn sống bất cần đời trong những vỡ tuồng kiếm hiệp đã tạo thêm chất hoang dã trong con người đã trót giang hồ từ tấm bé của anh. Sân khấu đã biến anh thành kẻ giang hồ lương thiện, nếu không, chẳng biết cuộc đời sẽ đưa anh vào ngã rẽ nào.

Hàng ngày, cứ đến 11 giờ trưa, nhà hàng “Vợ thằng Đậu” – số 40 Đặng Văn Bi, Thủ Đức – trở nên đông nghẹt khách, có hôm lên đến gần hai trăm người. Tuy nhiên, không phải khách hàng bình thường mà là những con người cơ nhỡ tứ phương đến đây dùng bữa cơm chay từ thiện do nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đãi ngộ. Nói đến cơm chay từ thiện, người ta dễ hình dung đến một sự bố thí qua loa của người có của dành cho kẽ nghèo hèn. Tôi thật sự bất ngờ trước một bữa cơm từ thiện mà người ăn được đối đãi trân trọng như thực khách của nhà hàng bởi nhân viên phục vụ luôn tỏ ra ân cần và lịch sự. Khách đến cứ ngồi vào bàn, nhân viên mang ra một khay cơm và ba món ăn chay gồm món canh, món xào và món mặn. Khách cần thêm cơm hoặc thức ăn, cứ gọi người phục vụ. Ăn xong, nếu khách muốn thêm một phần mang về cho buổi chiều, cứ gọi người phục vụ.

Gần hai trăm người khách đến đây là gần hai trăm số phận, có những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, có những lão hành khất qua đường, có những học sinh, sinh viên nghèo không đủ tiền ăn cơm tháng, có những đứa trẻ mồ côi đi đánh giày, bán vé số bất chợt ghé qua, có những chị từng là thanh niên xung phong thời chống Mỹ quê ở tận miền Trung nghèo khó, một chiếc xe đạp không thắng không vè với chiếc cần xé giấy vụn, ve chai gồng gánh cả đàn con ăn học

ở quê nhà . . . Cứ nhìn họ ăn ngon miệng, Lê Vũ Cầu cảm thấy ấm lòng. Đôi khi có những ý nghĩ ngộ nghĩnh chợt đến trong anh: Biết đâu trong số họ có những người ngày xưa từng giúp đỡ mình, giờ thất cơ lỡ vận, làm sao mà biết được những ngã rẽ của cuộc đời.

Lê Vũ Cầu tâm sự: “Của cho không bằng cách cho. Một bữa cơm không đáng là bao nhưng cho không khéo chỉ làm người ta tủi phận. Cuộc đời mình khổ quá nhiều rồi, cái mà mình sợ nhất trên đời nầy là sợ đói. Cho đến bây giờ, cái đói vẫn còn ám ảnh trong những giấc mơ. Thời thơ ấu có những đêm mưa nằm ngủ vĩa hè, một nửa người dựa vào tường dưới mái hiên, đôi chân để ngòai mưa lạnh buốt, bụng đói đến cồn cào, đói như điên dại. Có lần đói quá không chịu nổi, mình đánh liều ghé vào quán cơm bình dân trên vĩa hè kêu một dĩa cơm dồi trường xào dưa cải. Có lẽ đó là dĩa cơm ngon nhất trên đời. An xong, mình hồi hộp nói với bà chủ quán : “Dì ơi con lỡ hết tiền, dì cho con thiếu, mai con quay lại trả”. Không ngờ bà chủ nhìn mình với một nụ cười đôn hậu: “Không sao đâu con, hôm nào hết tiền thì cứ đến ăn, dì cho thiếu”.

Một ngày cuối năm 1963, một chiếc phi cơ bị trúng đạn bay vòng vèo qua thị xã Cà Mau, bất thần nó lũi vào một ngôi nhà bên bờ sông, cạnh cầu sắt Phán Tề làm hai vợ chồng người chủ nhà bị vùi trong đất, bỏ lại sáu đứa trẻ mồ côi, trong đó có Lê Vũ Cầu vừa lên tám tuổi. “Buổi sáng oan nghiệt ấy –Lê Vũ Cầu kể – một chị của Cầu đi học, một chị dắt hai đứa em đi chơi trong xóm, còn Cầu thì theo các bạn đi lượm đồ hộp của Mỹ ở sân bay. Bổng nghe một tiếng nổ kinh hòang cùng với cột khói bốc lên từ phía nhà mình, Cầu chạy về thì hởi ơi ! Ngôi nhà biến mất sau xác chiếc máy bay, ba mẹ Cầu bị vùi trong lớp đất thật sâu, cuộn tròn trong lớp dây chì gai làm hàng rào trước sân nhà”.

Nhà cửa không còn, cha mẹ không còn, chị em Cầu được bà con thân tộc chia nhau mỗi người nuôi một đứa. Cầu theo bà nội về Tây Ninh được một năm thì bỏ nhà đi bụi. “Ở nhà nội mình hay bị mấy ông anh con của người bác ăn hiếp, vừa tủi thân, vừa tức giận. Một hôm giành nhau trái vú sữa sau vườn, không nhịn nữa mình thoi vào mặt ông anh, xịt máu mũi. Hỏang quá, nghĩ mình phận mồ côi, người ta có cha có mẹ, về nhà chắc chắn sẽ bị ăn đòn, rồi sẽ bị mấy anh hành hạ dài dài, càng nghĩ mình càng sợ không dám về nhà”.

Lê Vũ Cầu nhảy lên xe đò đi Sài Gòn, lang thang mấy ngày ở bến xe Pétrust Ký. Một hôm, anh xin làm lơ cơm cho chiếc xe đò chạy tuyến miền Trung mà chẳng biết điểm dừng của nó ở đâu. Cầu ngơ ngác trước những làng mạc, đồng quê, núi đồi, đèo cao và biển cả. Anh cũng chẳng hiểu sao mình lại chọn thành phố Quy Nhơn làm điểm dừng chân để bắt đầu một kiếp sống bụi đời. Quê hương, nhà cửa, người thân, chén cơm, manh áo và những câu hỏi về cuộc mưu sinh với cậu bé tám tuổi như Cầu chỉ là những khái niệm rất mơ hồ. Sự sống là mạnh được, yếu thua. Chẳng bao lâu, Cầu nổi danh là Cầu Sài Gòn trong những băng nhóm trẻ lang thang ở thành phố Quy Nhơn. Từ ăn xin, đánh giày đến chôm chỉa, cướp giựt ở nhà ga xe lửa, đánh Mỹ để bảo kê cho gái giang hồ . . . chuyện gì cũng làm được nếu nó mang lại chén cơm. Cuộc sống trở nên sang trọng hơn khi Cầu phát hiện kho hàng của căn cứ Mỹ. Ban đêm, bảy đứa trẻ, mỗi đứa một cây kềm cắt hàng rào kẽm gai mò vô kho, gặp cái gì vác ra cái nấy, có khi là bơ sữa, thịt bò, thuốc lá, có khi là cả một thùng lựu đạn hay súng ngắn. Ăn quen bắt bén, một đêm nọ vừa qua lớp hàng rào thứ ba thì bị lính canh phát hiện, đèn pha sáng một vùng trời,đạn bắn xối xả như mưa. Cầu chạy bán mạng xuống bờ sông, chui vào chiếc tàu cá. Sáng ra thấy chổ hiện trường người ta bu đông nghẹt. Cầu lọ mọ đến xem. Một thảm cảnh kinh hòang: sáu đứa bạn của Cầu bị bắn chết đêm qua nằm xếp hàng trên vũng máu, ngực mỗi người mang hai chữ VC.

Cú sốc về cái chết của sáu người bạn đã làm cho Lê Vũ Cầu trở nên bấn lọan, khi thì âm thầm lặng lẽ với công việc đánh giày, lúc lại nổi cơn điên lao vào dao búa. Hồi ấy, những đứa trẻ đánh giày ở Quy Nhơn đều phải chịu sự chăn dắt và quản lý của một tên trùm anh chị gọi là đại ca, nghĩa là chiều về phải nộp hết tiền cho đại ca mới được hành nghề. Hôm nào nộp ít thì bị nghi ngờ là gian lận, giấu tiền, bị hạch sách, bị chửi mắng, thậm chí bị ăn đòn. Buổi sáng hôm nọ, Cầu đang đói bụng rã rời mà trong túi thì không còn tiền vì chiều hôm qua đã nộp hết cho đại ca,trong khi đó đại ca đang ngồi ăn tô bún bò ngon lành, hắn vừa ăn vừa mắng Cầu dạo nầy nôp tiền quá ít. Không kềm chế được, Cầu ném nguyên cái hộp đồ nghề bằng gổ vào mặt hắn, máu tuôn xối xả. Từ hôm ấy, đại ca biến mất, trả lại tự do cho nhóm trẻ đánh giày ở Quy Nhơn.

Rồi có một đêm nọ đòan cải lương Minh Cảnh ra hát ở Quy Nhơn, Lê Vũ Cầu cảm thấy lòng dạ bồi hồi khi nghe câu vọng cổ, cảm thấy lạc lõng, chơi vơi nơi đất khách quê người. Và, dường như điệu đàn vọng cổ đã làm cho anh chạnh lòng khao khát một quê hương dù quê hương trong anh không có một hình ảnh rõ ràng, không một địa danh nào cụ thể. Chỉ biết một cách mơ hồ rằng nơi đó có những dòng sông, những bến nước xuồng ghe dập dìu tấp nập, những cánh đồng xanh biếc, những buổi chiều quê ngân nga tiếng vọng cổ u buồn.

Được nhận vào đòan cải lương Minh Cảnh để làm nhân viên hậu đài và sóat vé, Lê Vũ Cầu cảm thấy quá khủng khiếp khi nhìn lại năm năm sống ở Quy Nhơn, anh cũng chẳng hiểu sao mình đến đó, chẳng ai ép, cũng chẳng ai mời, cứ như từ trên trời rớt xuống để rồi cho và nhận từ mảnh đất nầy trăm thứ đắng cay.

Cứ nghĩ, đi theo đòan hát cho thỏa mãn kiếp giang hồ. Từ đòan Minh Cảnh sang Mây Tần, Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Phước Chung, Bông Hồng, Cửu Long Giang . . . đi lưu diễn khắp miền trung đến miền tây. Từ một nhân viên hậu đài, sóat vé, kéo micro, kéo màn, đấm bóp cho kép chính rồi được đóng vai quân sĩ câm, quân sĩ cấp báo, dần dần lên vai phụ, kép độc rồi kép chính. Từ cải lương sang kịch nói, Lê Vũ Cầu chẳng bao giờ hy vọng mình trở thành một nghệ sĩ nổi danh. Ngay cả bây giờ cũng thế, chưa bao giờ anh tự cho mình là một danh hài. Kiếp giang hồ đã tạo cho anh thành kẻ khinh tài trọng nghĩa, sống hết mình, sống bản năng và hoang dã. Trường học lớn nhất của Lê Vũ Cầu là sân khấu, là chuyện nhân tình thế thái trên sàn diễn. Những nhân vật giang hồ hảo hớn sống bất cần đời trong những vỡ tuồng kiếm hiệp đã tạo thêm chất hoang dã trong con người đã trót giang hồ từ tấm bé của Lê Vũ Cầu. Sân khấu đã biến anh thành kẻ giang hồ lương thiện, nếu không, chẳng biết cuộc đời sẽ đưa anh vào ngã rẽ nào.

THẬP TỬ NHẤT SINH

Có một cuộc tình kéo dài bao nhiêu năm rồi cuối cùng cũng trở về tình bạn. Chúng tôi hỗ trợ cho nhau từng vai diễn, nâng đỡ cho nhau từng bước trong nghề. Cô ấy yêu tôi cuồng nhiệt vì sự phóng khóang, ngang tàng và hoang dã của tôi, nhưng không chấp nhận làm vợ tôi cũng chính vì lẽ ấy.

Khi hài kịch bắt đầu lên ngôi thì diễn viên hài cũng bắt đầu có của ăn của để, nhưng Lê Vũ Cầu dường như không có khái niệm tích lũy, hễ có tiền là anh đi tìm bạn để nhậu đến đồng bạc cuối cùng. Anh nói cuộc đời mình đã nhận nhiều hơn cho thì hà tất gì phải tích lũy,đồng tiền để trong túi chỉ làm anh rai rứt.

Nhưng tạo hóa đôi khi cũng có luật bù trừ. Mồ côi cha mẹ, lưu lạc anh em nhưng Lê Vũ Cầu lại gặp một người anh, một người không phải họ hàng nhưng đối với anh còn hơn ruột thịt, đó là đạo diễn Thế Ngữ.

-Năm 1982, tôi đến dựng vỡ Cô lái xe và cái bình cổ cho đòan kịch nói Bông Hồng, thấy Cầu diễn rất thật nên tôi thương nó. Chỉ đơn giản vậy thôi. Sau đó tôi về đài truyền hình làm chương trình Trong nhà ngòai phố, tôi mời Cầu về cọng tác, rồi mời Cầu về nhà tôi ở. Tuy không cắt máu ăn thề nhưng anh em thương nhau tự lúc nào không biết. Đó là những năm tháng đói khổ, vừa làm cho nhà nước, vừa chạy sô khắp nơi kiếm sống. Tôi nhớ năm 1986, tôi sinh đứa con gái đầu lòng, nghèo đến mức con bé bị suy dinh dưỡng. Lúc ấy Lê Vũ Cầu đi soi từng con cóc về làm thịt, vã ra lấy nước nấu thay sữa cho con bé.

-Năm 1992, anh Thế Ngữ vay 40 triệu để hùn với anh Bảo Quốc làm phim Thủ môn từ trên trời rơi xuống, bán phim lời được 10 cây vàng, anh ra Thủ Đức mua miếng đất, sau đó bán lại lời được 50 cây. Từ đó anh Ngữ trở thành nhà kinh doanh đất. Anh bảo: “ Chú đi theo tôi, tôi thì lo mua, còn chú thì lo bán, lời chia đôi”. Tôi cứ nghĩ ảnh nói vui vậy thôi, ảnh có đất, mình giới thiệu người mua giúp ảnh, thậm chí không nghĩ đến tiền cò, ai ngờ ảnh làm thiệt. Lần đầu tiên ảnh gọi tôi đến: “ Nầy nhé, miếng đất nầy ba mẫu rưởi, tôi mua ba chục cây, mình bán ba mẫu, giá năm chục cây, lãi hai chục cây, phần chú mười cây, tôi mười cây, còn lại năm ngàn mét vuông, chú một nửa, tôi một nửa”.

Hai người đã nói về nhau như thế.

Khi kết thúc công việc làm ăn, Thế Ngữ chia cho Lê Vũ Cầu hơn một trăm cây vàng và bảy lô đất, cộng lại hơn hai mẫu.Thế Ngữ nói đó là lộc trời, phải chia cho anh em từng đồng cam cộng khổ, một thời hạt muối chia đôi.

Lê Vũ Cầu mở quán Vợ thằng Đậu để làm một chốn đi về, làm nơi hội ngộ những bạn bè thân hữu, để những đứa cháu ở thôn quê có cộng việc làm ăn. Nhưng không ngờ cái thương hiệu Lê Vũ Cầu với chùm hài kịch Vợ thằng Đậu đã làm nên thương hiệu quán. Có đất đai mênh mông, có tiền vô dư dã, Lê Vũ Cầu nghĩ đến một cuộc chơi: Miếng đất hơn một mẫu ở ngã ba Vũng Tàu, anh sẽ cắt ra chia cho những bạn bè chí cốt mỗi đứa một cái nền rộng chừng vài trăm mét vuông để xây dựng nhà vườn, gom lại dăm bảy thằng thành một khu nhà nghệ sĩ, cuộc đời như thế là quá đủ, anh chẳng cần gì ngòai tình nghĩa bạn bè. Lê Vũ Cầu lặn lội ra Quảng Nam tìm mua nhà cổ để chuẩn bị cho một cuộc chơi thì đùng một cái anh nghe cơ thể mình đau đớn với những triệu chứng khác thường.

-Khi biết mình bị xơ gan không còn cách nào chữa trị, lẽ ra phải bỏ rượu thì tôi lại nhậu nhiều hơn, nhậu để chết sớm cho rồi. Mà thật ra tôi đã chết từ lâu nếu không có anh Thế Ngữ. Trong một cơn đau bất tĩnh, anh Ngữ đã đưa tôi vào bệnh viện An Bình. Nằm ở đó một thời gian, bạn bè xúm lại chuyển tôi qua bệnh viện Việt Pháp với hy vọng được điều trị tốt hơn. Nhưng ở Việt Pháp họ quản lý quá nghiêm ngặt, không cho thân nhân vào chăm sóc. Một đêm nọ nằm một mình buồn quá, tôi nghĩ đến cái chết. Nhưng sợi dây cáp truyền hình không treo nổi thân tôi. Anh Thế Ngữ mang sợi dây ấy về nhà làm kỷ niệm như một lời cảnh cáo rồi đưa tôi trở lại An Bình.

-Khi xem những vỡ Chuyện lạ, Bếp lò, Con ma . . . của Lê Vũ Cầu dàn dựng, tôi thật sự cảm phục trước những ngón nghề đạo diễn, một sự sáng tạo lạ lùng mà chỉ có ở những nghệ sĩ lang bạc, giang hồ, phóng khóang như Lê Vũ Cầu mới có. Nhưng nhìn cái da vẽ bầm tím trên gương mặt Lê Vũ Cầu tôi lại thấy ngậm ngùi. Một tài năng vừa phát tiết mà lại phát tiết ở một con người đang mang bệnh ung thư trong giai đạn cuối. Có lẽ thế là hết. Một ngày nọ trên giường bệnh ở An Bình, Lê Vũ Cầu nói với tôi về việc chia đất cho bạn bè, trong đó có tôi. Tôi bảo tôi không cho chú thì thôi chứ sao chú lại cho tôi. Những ngày sau đó Cầu lên cơn mê sảng, bác sĩ bảo lo lui. Báo chí đưa tin Lê Vũ Cầu đang hấp hối, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, khán giả ùn ùn kéo đến. Hội sân khấu thành lập ban tang lễ, người lo điếu văn, người lo mua hòm, người lo nhà tang lễ, người đi chùa nghệ sĩ xin đất nghĩa trang, tôi với Hồng Vân và Tuấn Anh thay nhau túc trực suốt ba ngày. Nhiều khán giả ngưỡng mộ Lê Vũ Cầu kéo nhau đi nhà thờ cầu nguyện, những gia đình phật tử tổ chức cầu an.

Nhưng sau ngày thứ ba, chẳng hiểu phép mầu nào đã giựt Cầu sống lại.

Thế Ngữ kể tiếp:

-Cái sự tưng tửng của Cầu nhiều lúc làm tôi tức muốn điên. Lúc nằm ở viện y học dân tộc, chú ấy mang theo chiếc xe du lịch, có người hỏi mua 120 triệu, chú không bán. Mấy hôm sau tôi vào thăm, chú gửi tôi 70 triệu đồng, bảo vừa bán xe. Tôi hỏi sao có bấy nhiêu, chú bảo thấy thằng nầy dễ thương, em bán rẻ cho nó. Mấy hôm sau lại bảo em cần tiền, anh đưa lại cho em. Hôm khác chú gọi điện cho tôi bảo rằng “em đã về cà Mau, đang ở trong vuông tôm của thằng em dưới rừng đước Năm Căn, anh đừng cho ai biết, em không muốn làm phiền mọi người”. Tôi nghĩ thế thì cũng tốt, về nơi yên tĩnh ấy có khi chú lại thanh thản hơn. Vậy rồi mấy hôm sau lại gọi cho tôi: “Ở Năm Căn tàu chạy suốt ngày đêm không ngủ được, em về quán ở Thủ Đức rồi”. Tôi chạy ra thăm mới hay rằng, chú mang tiền về quê cho hết bà con hàng xóm, thấy ai nghèo cũng cho, không chừa một đồng nào. Mấy hôm sau nữa, Lê Tuấn Anh gọi điện cho tôi báo tin khẩn cấp: “ Anh Cầu đang hấp hối trong bệnh viện Việt Đức ở Nghệ An.” Tôi hốt hỏang, sao lại tuốt ngòai Nghệ An? Hóa ra chú ấy đọc báo thấy có một ông thầy chữa bệnh ung thư gan bằng thuốc gia truyền nổi tiếng trên miền núi Nghệ An nên mới mò ra đó. Ban đầu mua vé máy bay nhưng khi ra sân bay người ta thấy chú quá yếu không cho đi nên chú mua vé xe lửa đi một mình mới ra nông nổi ấy. Hôm ấy tôi bị bệnh không đi được nên cho người ra rước chú về. Sau nầy tôi mới hay rằng khi đi chú mang theo 40 triệu đồng nhưng sau những lần mê sảng dọc đường, tưởng mình không sống nổi nên cứ gặp người nghèo là móc tiền ra cho dài dài, cho đến đồng bạc cuối cùng mà quên rằng lỡ mình có chết cũng không có tiền chở xác về quê. Tôi đưa chú ấy trở lại bệnh viện An Bình trong tình trạng nguy kịch, mặt mày thâm tím, người mê man, bụng trướng lên, đôi chân xưng vù. Bác sĩ bảo nếu để chú ấy ngủ là sẽ đi luôn nên chích thuốc không cho ngủ.

Vậy mà rồi chú ấy cũng sống!

Sống ! Tại sao mình lại sống ? Sống bao lâu nữa ? Và sống như thế nào ?

Đó là những điều mà Lê Vũ Cầu luôn tự hỏi. Phải chăng có sự nhiệm màu từ những lời cầu nguyện hay từ những liều thuốc gia truyền mà khán giả đã cho anh ? Sau những ngày trãi qua cơn thập tử nhất sinh, Lê Vũ Cầu bổng nhớ đến tiểu thuyết Quy luật của muôn đời, anh tâm đắc những điều mà Dumbatze đã nói: “Đời người nên có một lần trãi qua cơn thập tử nhất sinh” hoặc : “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nỗi mà phải cần sự giúp đỡ của người khác. Anh giúp tôi, tôi giúp cho người khác, người khác lại giúp cho người khác nữa, và cứ thế cho đến vô cùng, sao cho cái chết của mỗi con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống”.

Vậy là anh mở quán cơm từ thiện để giúp cho người khác, nhưng phải bằng tấm lòng, bằng sự trân trọng thật sự như những tình cảm mà bạn bè và khán giả đã giúp cho mình. Chính vì lẽ ấy, anh dạy nhân viên phục vụ không được phân biệt đối xử giữa khách ăn cơm từ thiện và thực khách bình thường. Thức ăn từ thiện phải sang trọng, sạch sẽ và thay đổi thực đơn liên tục, phải bảo đảm chất lượng như sản phẩm kinh doanh.

Bây giờ, nếu có ai hỏi rằng anh có dự tính gì không, anh chỉ trả lời gọn: “Nếu bán được đất, mình sẽ tiếp tục đầu tư cho quán cơm từ thiện, thế thôi. Nhìn người ta ăn thấy thương lắm, chỉ tiếc rằng mình chưa đủ sức để làm cho nó đàng hòang hơn nữa”.


-->đọc tiếp...

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2008

QUẠNH HIU ĐỜI CHỊ




Chị Nguyễn Thị Bé Hai

Lật cái bàn chân trái chỉ còn ba ngón cho tôi xem, chị Bé Hai nói : Hồi chị bị thương, ở trong rừng không có dụng cụ y tế, mấy ảnh cưa chân chị bằng lưởi cưa sắt nghe rột rột mắc ớn xương sống. Tôi hỏi chị bị thương nhiều lần mà sao lại xếp hạng 4/4, chị nói : Hồi mới giải phóng chị còn rất trẻ nên khi ra Hội đồng Giám định y khoa gặp toàn bác sĩ đàn ông, chị mắc cở không dám cho họ xem những vết thương ở chổ kín. Tôi nói với chị rằng tôi đã gặp không biết bao nhiêu người phụ nữ bị thiệt thòi vì chuyện ấy. Tại sao người ta không sắp xếp một nhóm nữ bác sĩ trong Hội đồng Giám định y khoa để khám cho thương binh nữ ? Thấy tôi có vẻ bất bình, chị khuyên, mà không biết chị khuyên tôi hay khuyên nhủ chính mình : Thôi em ơi, vết thương của thể xác còn có thể được bù đắp, còn vết thương lòng thì có mấy ai bù đắp được cho mình !

Chị say sưa kể chuyện đánh giặc, chuyện tình yêu cho tôi nghe, rồi chị kết luận : Trong chiến trường chị luôn là người chiến thắng. Nhưng trong tình yêu, chị luôn là người thất bại, thất bại đến trắng tay. Năm mười tám tuổi, lúc ấy công tác ở Dân y tỉnh Cà Mau, chị yêu anh Bảy Vũ. Mối tình đầu thuở ấy đẹp như đoá hoa rừng nở giữa ban mai. Hai người chưa hề nắm tay nhau một lần, vậy mà yêu tha thiết. Mẹ anh Bảy Vũ đã đến coi mắt và đặt vấn đề cưới chị, chị xin mẹ anh một lời hẹn đến ngày đất nước thanh bình. Thế rồi trên một tuyến đường giao liên, anh Vũ bị trực thăng bắn chết. Năm năm sau, lúc làm trung đội phó trung đội nữ pháo binh huyện Cái nước, trong những lần phối hợp với bộ đội địa phương quân đi bao vây đồn giặc, chị yêu anh Liêm, chính trị viên của trung đội đặc công. Chị yêu anh Liêm ở cái tài năng và lòng dũng cảm, xuất quỷ nhập thần, vào ra đồn giặc giữa ban ngày như có phép thần thông. Năm 1974, anh Liêm hy sinh trong một trận công đồn. Từ đó chị không dám yêu ai nữa, mãi cho đến gần hai mươi năm sau, trong một trường hợp đặc biệt chị gặp anh Hai Còn, lại một lần nữa thất bại trắng tay . . .

Gần ba mươi năm sau chiến tranh, lúc nào chị cũng mang bên mình quyển nhật ký chiến hào như một báu vật thiêng liêng, quyển sổ tay tự đóng bằng giấy pelure đã ngả màu vàng úa :

Ngày 23 tháng 4 năm 1974, tổ 3 người đánh sư đoàn 21 đổ dù, giặc chết và bị thương 35 tên. Đồng chí Ngân bị thương.

Ngày 10 tháng 10 năm 1974, kết hợp với CII đánh đồn Ba Tiệm, diệt 7 tên, bị thương 3, bắt sống 8, thu 20 ngàn viên đạn, 14 súng M16. Anh Liêm hy sinh.

Ngày 20 tháng 12 năm 1974, kết hợp với CI bao vây đồn Bà Lái, đêm 25 bưc rút. Đồng chí Thắm hy sinh.

Ngày 8 tháng 1 năm 1975, kết hợp với CI, CII bao vây đồn Rạch Chèo. Ngày 12 bức rút.Diệt 8 đối phương, bắt sống 39 tên, có 1thiếu úy, 1 chuẩn úy, 4 trung sĩ, 5 hạ sĩ và 1 đại úy trưởng đồn.

Lần theo từng trang nhật ký, tôi lấy máy tính cộng thử, từ năm 1972 đến năm 1975, trung đội nữ pháo binh Cái Nước đã tham gia đánh 49 trận lớn nhỏ, trong đó có 34 trận công đồn, diệt 202 đối phương, bị thương 208, bắt sống 96, thu hằng trăm vũ khí.

Đọc những trang hồi ký viết tay của chị Bé Hai, tôi cảm giác như khói đạn chiến trường bốc lên trên từng trang giấy. Chị viết : Ngày 3 tháng 6 năm 1973, trung đội nữ kết hợp với CII địa phương quân bao vây đồn Sào Lưới. Sau hai ngày đêm chúng bỏ chạy, ta lui về tuyến trong thì chúng tái chiếm trở lại.

Ngày 8 tháng 9 năm 1973, trung đội nữ và CII tiếp tục đánh tái chiếm. Lần nầy giặc trang bị kiên cố hơn và tập trung quân đông hơn. Địa hình nơi đây phức tạp, đến con nước lớn là công sự bị ngập, không trụ lại bao vây được, ta chỉ pháo kích cho chúng hoang mang rồi rút quân về. Nhưng huyện đội chỉ đạo phải đánh cho kỳ quyết. Lần thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 1973, trung đội nữ cùng với CI đưa quân ra đào công sự. Đúng 2 giờ đêm, pháo của trung đội nữ phát quả đầu tiên, các mũi của đơn vị nam cũng bắn dồn dập vô đồn. Bọn giặc hốt hoảng kêu cứu liên tục trên máy PRC25. Các khẩu pháo của giặc từ chi khu Bình Hưng, Ván Ngựa, Đầm Cùng thi nhau nhả đạn vào đội hình của ta.Khi pháo giặc ngưng thì pháo của ta đồng loạt nhả vào đồn giặc. Cứ như thế kéo dài cho đến sáng. Bọn giặc trong đồn lớp chết lớp bị thương kêu la inh ỏi. Suốt ngày hôm ấy ta bắn kềm không cho giặc chạy ra. Tối lại ta tiếp tục dập pháo, đến 3 giờ khuya thì những tên còn sống sót đã tháo chạy bỏ đồn . . .

Cứ thế, mỗi trận công đồn các chị phải trầm mình dưới nước suốt cả ngày đêm, bất chấp những ngày kinh nguyệt. Để có được những chiến công, các chị đã đánh đổi cả một thời con gái. Trung đội nữ pháo binh Cái nước đã trở thành niềm tự hào của truyền thống phụ nữ Cà Mau. Ngay cả bây giờ, sau gần ba mươi năm chiến tranh, hào khí của các chị đã truyền tụng đến thế hệ hôm nay như huyền thoại . Chỉ có điều, số phận từng con người cụ thể của các chị hiện tại ra sao thì ít ai biết tới.

Sau năm 1975, trung đội giải thể, một vài chị chuyển sang công tác khác, đa số còn lại về quê lấy chồng, sinh con, lam lũ với ruộng đồng. Chị Hiền, Trung đội trưởng bây giờ đi bán tôm giống ở Năm Căn; chị Dung, Trung đội phó đi đóng đáy ở Đất Mũi; chị Sắc, chị Giang, chị Phượng, chị Ngân, chị Đẹp đi làm ruộng ở những vùng sâu huyện Cái Nước . . . Riêng chị Bé Hai đi học bổ túc văn hóa rồi lên tỉnh làm cán bộ ở một cơ quan hành chánh. Lúc ấy, Quân khu 9 cử người xuống đề nghị chị làm thủ tục để phong danh hiệu Anh hùng. Chị nói, nếu phong thì phong cho tập thể, còn phong cho riêng chị thì chị xin từ chối. Các anh bảo rằng Trung đội nữ pháo binh Cái Nước rất xứng đáng để nhận danh hiệu ấy nhưng tiếc rằng đơn vị đã giải thể nên không thể phong tặng được.

Năm 1988, những vết thương cũ của chị bắt đầu tái phát mỗi khi trái gió trở trời, người chị mỗi ngày một tiều tụy xanh xao. Chị quyết định làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Thương chị về hưu trong cảnh cô đơn, nghèo túng, công đòan cơ quan nhượng lại cho chị ba hecta đất nuôi tôm ở bìa rừng phòng hộ, gần cửa biển Cái Đôi Vàm. Ơ đây, chị dựng lên một căn chòi nhỏ bên bờ kinh xáng, ngày ngày gắn chặt với đất đai, với rừng, với biển, với chòm xóm, với cuộc mưu sinh lặng lẽ giữa đời thường. Và, cuộc đời chị sẽ chẳng có gì để kể thêm nếu không có người đàn ông kia xuất hiện – anh Hai Còn.

Thật ra chỉ là chuyện tình cờ. Anh Hai Còn từ Tắc Vân lần mò xuống Cái Đôi Vàm để tìm mua đất nuôi tôm, và anh đã mua được miếng đất bên cạnh vuông tôm của chị. Nghĩ rằng trước sau gì cũng là chỗ hàng xóm, chị mời anh Hai Còn vào chòi uống trà và dùng một bửa cơm đạm bạc. Khi biết được anh cũng là thương binh, chị cảm thấy thân mật hơn nên không ngần ngại trút hết tâm sự của mình một cách vô tư.

Mấy ngày sau, chị Nhi, vợ anh Hai Còn tìm đến chị, chị Nhi chở đến cho chị một xuồng khẳm nào là nước mưa, gạo, chuối, dừa, vải may quần áo và nhiều thứ đồ dùng khác trong nhà. Trước sự chăm chút ân cần, thân thiện của chị Nhi, chị Bé Hai cứ nghĩ rằng đó là sự bắt đầu tốt đẹp của một người hàng xóm. Nhưng không ngờ đêm ấy khi hai người ngủ với nhau, chị Nhi ôm chị vào lòng và nói một câu như trời giáng: Chị muốn cưới em cho anh Hai còn ! Chị Bé Hai hốt hỏang ngồi bật dậy: Chị nói cái gì ? Chị Nhi cũng ngồi dậy, với tay vặn to ngọn đèn trứng vịt và ôn tồn nói: Em bình tĩnh, chị nói thật lòng chớ không phải đùa đâu. Chị ở với anh Hai Còn có sáu đứa con nhưng tòan là con gái, anh Hai muốn cưới vợ nhỏ để kiếm một đứa con trai. Biết không thể nào cản được ý muốn của đàn ông, hơn nữa ảnh đã đặt vấn đề thẳng thắn với mình, chị đồng ý nhưng với điều kiện là người đó phải do chị đứng ra lựa chọn. Chị phải chọn một người hiền hậu dễ thương để sống hòa thuận với nhau, không xảy ra mâu thuẩn. Hôm anh Hai Còn xuống đây về, ảnh đã kể về em cho chị nghe, bây giờ gặp em, chị thấy chị em mình hợp nhau lắm. Chị nghĩ rằng em cũng rất cần có một đứa con, dù là trai hay gái. Nếu không phải là con trai theo ý nguyện của anh Hai Còn thì em cũng có một đứa con để an ủi sau nầy. Em nghe lời chị đi, chị sẽ về đây cất nhà bên miếng đất chị mới mua, coi như vuông ai nấy làm, nhà ai nấy ở, chị thì khi xuống khi lên, anh Hai chạy qua chạy lại, vừa trông coi vuông, vừa chăm sóc cho em . . .

Đêm ấy chị Nhi nói nhiều lắm, chị Bé Hai chỉ biết ngồi khóc, mà cũng không hiểu chị khóc vì lẽ gì, vì mừng hay vì tủi. Chị chỉ biết rằng chị bị đánh gục bởi câu nói em cũng rất cần có một đứa con.Thế rồi từ đó, mọi chuyện chị đều làm theo sự sắp xếp của chị Nhi với anh Hai Còn, và mọi chuyện diễn ra cũng đúng như lời chị Nhi đã nói. Nghĩa là cất nhà xong, chị Nhi về quê, thỉnh thoảng chị dẫn con cái xuống chơi năm mười ngày rồi lại về, để cho chị Bé Hai với anh Hai Còn tự do chung sống. Cứ mỗi lần xuống, chị Nhi vẫn mang quà cho chị, vẫn thân mật, ngọt ngào như tình nghĩa chị em.

Thế rồi một năm, hai năm, năm năm trôi qua, chị Bé Hai chờ đợi cái bào thai trong mõi mòn vô vọng. Anh Hai Còn đưa chị đi khám, mới hay rằng chị mắc bệnh phụ khoa không thể sinh con. Định mệnh khắc khe với chị, nhưng lại nới tay với hạnh phúc anh Hai Còn, một năm sau đó, chị Nhi sinh được một đứa con trai. Vậy là, chị không còn lý do gì để sống với anh Hai Còn nữa, và, dường như vợ chồng anh Hai Còn cũng chẳng cần đến chị, chẳng cần ở lại xứ nầy, họ bán nhà, bán vuông về quê. Chị Bé Hai ở lại một mình chơi vơi như vừa trải qua cơn ác mộng.

Một năm sau, tháng 11 năm 1997, vào một đêm tối trời, cơn bão Linda ập đến. Căn chòi của chị bị cuốn đi từng mảnh vụn cùng với tất cả đồ đạc ra đi. Cùng với dòng người chạy bão, chị lần mò trong bóng đêm tìm ra thị trấn. Ở đây, chị gặp chị Mười Hồng, bí thư đảng ủy, một đồng đội trong chiến tranh, giờ cũng đồng cảnh không chồng không con như chị. Sau một đêm tâm sự, hai chị em quyết định sẽ nương tựa vào nhau sống phần còn lại của cuộc đời.

Trong những ngày tang tóc sau cơn bão Linda, vợ chồng anh Hai Còn đã lặn lội đi tìm chị, họ hốt hỏang khi thấy căn chòi đã biến mất, còn chị thì không biết trôi dạt nơi đâu. Cuối cùng, họ cũng gặp nhau ở thị trấn. Chị Nhi ngõ ý giúp chị Bé Hai dựng lại căn nhà và đầu tư cải tạo lại vuông tôm, nhưng chị đã từ chối. Thực lòng, chị Bé Hai không muốn trở lại cuộc sống cô đơn trên mảnh đất mà chị vừa nếm trãi những kỷ niệm đau buồn. Hơn nữa, chị đã nhận lời với chị Mười Hồng về làm công tác phụ nữ ở thị trấn, chị hy vọng sẽ tìm được sự thanh thản trong công việc gắn bó với cộng đồng.

Từ đó, người ta thấy ở Cái Đôi Vàm xuất hiện một chị Bé Hai như một nhà từ thiện, ngày ngày chị lặn lội trong các xóm ấp, đến với từng nhà giúp chị em phụ nữ nghèo lập dự án vay vốn sản xuất kinh doanh để xóa đói giảm nghèo. Có lẽ chị đang tìm được niềm vui trong cuộc sống.

-->đọc tiếp...

Entry Của Út Cưng




Mẹ là vật báu chi mà con người ta phải nâng niu và trân trọng? Mẹ là vũ khí nào mà sau thành công của mỗi con người đều hằn lên hình bóng mẹ? Phải chăng mẹ là tài nguyên mà thượng đế đã ban tặng cho mỗi chúng ta? “Mẹ”, một từ thôi mà sao thiêng liêng thế. “Mẹ”, một từ thôi mà sao ấm áp thế. “Mẹ”, chỉ một từ thôi nhưng là cả một bầu trời. Cũng như một câu nói mà tôi rất tâm đắc: “Mỗi con người từ lúc sinh ra đều được tặng một kỳ tích, và kỳ tích đó chính là mẹ.”

Ở Nhật Bản, người ta thường kể một câu chuyện cổ rằng “Ngày xưa, khi thượng đế tạo ra những sinh linh nhỏ bé được gọi là con người, Ngài đã tưởng mọi thứ đều hoàn chỉnh cả. Nhưng không, một ngày nọ, thượng đế nhận ra rằng, con người cần phải có một bàn tay chăm sóc, nên Ngài đã phái các cô tiên xinh đẹp nhất, hiền dịu nhất trên thiên đường bay xuống trần để chăm sóc cho con người, các cô tiên ấy được gọi là “Mẹ”. Đó là một truyền thuyết, nhưng tôi tin rằng đó là một câu chuyện thật. Nó tồn tại trorng giấc mơ tôi, trong ý nghĩ của tôi, và trong lòng tôi. Đối với tôi, mẹ là cô tiên đẹp nhất, hiền dịu nhất, mà một cách tình cờ nào đó thượng đế đã tặng cho tôi.

Đối với tôi thì như thế, mẹ luôn đẹp và tuyệt vời. Và cái định lý ấy chỉ được tôi thừa nhận từ vài tháng trở lại đây. Nhớ lại trước đây, tôi cảm thấy thật xấu hổ. Tôi và mẹ vốn khắc khẩu nhau, mẹ luôn chăm sóc cho tôi một cách quá mức và tôi luôn cảm thấy khó chịu về điều đó, bởi tôi là một cô bé mười ba tuổi với cái bản tính ngang bướng, ưa lì. Tôi ghét lắm, ghét những lần mẹ cấm tôi chạy xe đạp ra đường lớn, cấm tôi long ngong ngoài phố hay ăn vặt quanh đường. Tôi và mẹ thường hay cãi nhau về những điều nhỏ nhặt nhất. Tôi chưa từng một lần thử ướm mình vào mẹ, chưa từng dùng trọn một phút để thử biến mình thành mẹ, một người phụ nữ bốn mươi, lúc nào cũng lụi cụi trong bếp lo từng bữa ăn cho chồng con, biến thành người phụ nữ chỉ biết dành trọn cả cuộc đời mình để nghĩ về hai cô con gái. Chưa, chưa bao giờ. Tôi chỉ biết nghĩ cho riêng bản thân mình. Mỗi lần tôi và mẹ cãi nhau, mẹ lại làm cho tôi một ly nước chanh, rồi hỏi tôi có muốn ăn gì không, ngay cả khi tôi sinh sự, mẹ vẫn quan tâm tới tôi. Tôi đã không biết mà cứ lờ đi, cứ ép buộc bản thân mình nghĩ rằng mẹ là người có lỗi để lương tâm không bị cắn rứt.

Rồi…chúng tôi cứ thế, như hai kẻ lữ khách lang thang sống qua ngày giữa sa mạc, không nói chuyện với nhau ngần nào hay ngần ấy, tưởng chừng như mọi thứ cứ diễn ra như một vòng tuần hoàn. Rồi một hôm, cũng cái tính ngang bướng ấy, tôi lê la cùng nhóm bạn ăn vặt ngoài đường, nào biết rằng dạ dày của mình đâu được khoẻ khoắn như người khác. Hôm ấy về, tôi đau bụng tưởng như mình sắp chết. Mẹ đã nắm chặt tay tôi, động viên tôi cố gắng, nhưng tôi nào để ý, cứ khóc mãi vì cơn đau hành hạ. Đêm đó tôi không ngủ mà cứ nằm rên la, mẹ ngồi kế bên tôi, luôn nắm chặt tay tôi. Cứ mỗi lần nghe tôi kêu đau là mẹ bấu chặt tay tôi, rồi một lúc sau mẹ khóc. Mặc dù đau lắm nhưng tôi vẫn dừng mắt lại mà nhìn mẹ, cảm nhận được nước mắt mẹ rơi xuống tay tôi. Trong cơn đau quặn thắt, bỗng một cái gì đó làm tôi tê cứng, một thứ tình cảm nào đó vùng lên trong tôi, nó bất chấp cơn đau mà cứ ghì chặt tim tôi lại. Phải chăng đó là tình yêu, tình yêu của mẹ dành cho tôi, nó có thể thắng được một cơn đau dữ tợn. Rồi cơn đau bụng của tôi kéo dài suốt ba ngày, ba ngày để tôi nhận thức được tình yêu mẹ dành cho tôi. Những ngày ấy, nhìn mẹ rất tiều tuỵ, nhưng đối với tôi, đó là lúc mẹ đẹp nhất. Nhiều lúc thấy tôi đau quá, mẹ lại kể chuyện cười cho tôi nghe, đọc cho tôi những cuốn sách hay, những lúc ấy tôi lại cảm nhận được tình mẹ thiêng liêng mà cao đẹp như thế nào.Nó làm tôi nhớ đến một câu văn của nhà văn Nguyên Hồng mà tôi đã được học trong lớp: “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, được bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rom róm ở sống lưng cho mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Quả thật vậy, và giờ tôi đang nhỏ lại, được dựa dẫm vào mẹ, được mẹ đút cho từng muỗng cháo. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc như vậy. Thế mà lâu nay tôi đã không cảm nhận được thứ tình cảm này, không phải vì mẹ không cho tôi, mà vì tôi không muốn nhận. Tôi yêu mẹ quá, giờ tôi mới hiểu được nỗi lòng của mẹ. Mặc dù cơn đau ấy khiến tôi tưởng mình như sắp chết, nhưng cũng nhờ nó mà tôi mới hiểu được lòng mẹ, hiểu được tình yêu thương vô bờ bến mà mẹ dành cho tôi. Ngay hôm sau tôi hết bệnh, chắc thượng đế đã trừng phạt tôi đấy, trừng phạt vì những lỗi lầm mà tôi gây ra, và tôi thầm cảm ơn thượng đế, vì người vì đã cho tôi bài học quý trọng một cô tiên, và cảm ơn ngài đã cho tôi biết rằng tôi là đứa trẻ may mắn nhất trên đời. Từ hôm ấy, tôi luôn nói chuyện vui vẻ với mẹ, cùng coi những bộ phim mẹ và tôi thích, và đặc biệt là tôi đã cố gắng học rất nhiều. Đó là câu xin lỗi mà tôi muốn nói với mẹ.

Ai đó đã nói rằng “Hoa chỉ nở vào những khoảnh khắc đen tối nhất”. Nhờ có khoảnh khắc đen tối ấy mà tôi biết được mình sở hữu một bông hoa đẹp nhất. Giờ tôi không còn cảm thấy hối hận nữa, tôi hiểu rằng dù có tiếc nuối mọi chuyện vẫn không thay đổi. Tôi chỉ cố gắng bù đắp những tiếc nuối lỗi lầm ấy bằng cách tặng mẹ thứ mà mẹ thích nhất, đó là những điểm 10 của tôi.

TỐ NHI

-->đọc tiếp...

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2008

Vớt được một bộ hài cốt ở Côn Đảo




Bộ hài cốt nầy tìm thấy ở Hòn Bảy Cạnh, cách Côn Đảo khoảng 15km, đây là nơi sinh sản của loài rùa biển.

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

-->đọc tiếp...

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2008

TIẾNG ĐẦU LÒNG




Bé Bầu ơi, bác Danh chờ nghe tiếng đầu lòng của con là gì ?


Những năm tám mươi, cái thị xã nhỏ bé của tôi bị cúp điện triền miên. Mỗi lần có điện thì hàng chục đứa trẻ trong xóm đồng thanh: Có điện ! Có điện ! Có điện ! Anh Út Thành nhìn đám trẻ và nói:

-Tội nghiệp chúng nó, chớ tụi mình thì sống với đèn dầu quen rồi. Đất nước mình nghèo, lại vừa thoát khỏi chiến tranh, phải:

Dọn tí phân rơi, nhặt từng chiếc lá.

Mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô.

Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ.

Tôi muốn nói, cơ đồ mà xây dựng từ những tí phân rơi thì nghe ớn quá, nhưng không dám nói vì sợ anh buồn. Út Thành làm chung cơ quan với tôi. Tính anh thật thà, hiền hậu. Anh làm thơ và yêu thơ, tin tưởng thơ tuyệt đối. Một lần khác đang ngồi uống trà trong nhà anh, vợ anh đang ẳm thằng bé trên tay, bỗng dưng anh đọc thơ:

-Yêu biết mấy khi con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin.

Rồi anh chỉ vào cái cassete:

-Tôi mới mua, đồ cũ nhưng còn hát được, thu băng rất tốt.

Tôi chưa hiểu giữa hai câu thơ với cái cassete có liên quan gì với nhau, anh nói tiếp:

-Cái tiếng nói đầu lòng của con người nó quan trọng lắm. “Tiếng đầu lòng con gọi Stalin”, thật vô cùng tuyệt vời !Chỉ có con của một nhà thơ vĩ đại mới nói được tiếng nói đầu lòng như thế. Thằng cu tôi cũng sắp biết nói rồi, tôi bàn với vợ tôi bán con heo mua cái cassete để canh me thu lại cái tiếng đầu lòng của nó. Con của nhà thơ nhỏ như mình, không dám hy vọng tiếng đầu lòng nó gọi Stalin đâu, nhưng ít ra nó cũng nói một tiếng gì đó có ý nghĩa, mình thu lại để dành.

Khoảng tháng sau, cũng một buổi tối, Út Thành cầm cái cassete qua nhà tôi, buồn bã đặt xuống và ấn nút. Giọng thằng bé ọ ẹ một hồi rồi bập bẹ, đớt đát kêu: “Chó yện, chó yện, chó yện”.

Út Thành thất vọng nói:

-Nó nói “Có điện, có điện” - rồi anh nỗi quạu - Tổ cha mấy thằng nhỏ trong xóm. Có điện thì có điện, mắc mớ gì chúng phải la làng la xóm lên làm hư cái tiếng đầu lòng của con tôi.

*

PC: Sau khi post entry nầy lên được hơn một giờ thì anh bạn ở Tân Bình gọi điện thoại cho hay, tiếng đầu lòng của con gái anh là "ẹt e, ẹt e", nữa tiếng sau, một anh bạn ở Phú Nhuận cũng cho hay, tiếng đầu lòng của con trai anh là "ào ường, ào ường". Định về post thông tin nầy lên ngay nhưng do kẹt xe, do đào đường nên phải mất hơn hai giờ sau mới về được tới nhà.

-->đọc tiếp...

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2008

KIẾM TIỀN QUÁ DỄ !


Hắn thất nghiệp, nhưng sáng nào hắn cũng ra đầu hẻm uống cà phê, thậm chí, có hôm hắn đi ăn phở 24. Tôi hỏi:

-Dạo nầy mầy làm gì có tiền mà ngày nào cũng cà phê cà pháo ?

-Em chạy vật tư.

-Trời, ngon vậy ? Mà chạy cho nhà thầu nào ?

Hắn cười:

-Chạy cho con vợ em í mà.

-Láo ! Vợ mầy bán hàng rong, làm như tao không biết.

-Ừ thì bán hàng rong từ hừng đông đến tối nên nó mới giao cho em chạy vật tư.

-Nghĩa là sao ? Tao không hiểu.

-Rất đơn giản. Nó giao cho em nào tiền chợ, tiền quà vặt cho ba đứa con. Ví dụ như sáng nay nó bảo em mua nửa ký cá, em mua bốn trăm gram, coi như em có tiền cà phê sáng. Ba đứa nhỏ ăn sáng, mỗi đứa một gói xôi ba ngàn, em mua hai ngàn, coi như em được bốn điếu con mèo.

Sáng hôm sau, cũng trong quán cà phê đầu hẻm, hắn nói nhỏ với tôi:

-Chiều nay anh đi uống bia hơi với em.

Thấy tôi trợn mắt, hắn nói:

-Khai giảng năm học mới, đi mua sắm quần áo tập vở cho mấy đứa nhỏ, vô một khúc luôn !

Hôm sau, cũng trong quán cà phê, hắn lại rỉ tai tôi:

-Em sắp trúng lớn.

-Vụ gì đây ?

-Vợ em quyết định sửa nhà. Kỳ nầy là vật tư thứ thiệt rồi, chớ không phải ba cái lặt vặt đâu nghen ! Thế nào cũng được đi gội đầu và uống bia ôm.

Tôi định đạp cho hắn một đạp nhưng thấy cái mặt hồn nhiên của hắn thì đâm ra buồn cười và nghĩ trong bụng: Mẹ tổ, thằng nầy mà cho nó làm chủ mấy cái dự án bự bự thì chắc nó sắm cả Rolls Royce không chừng.

-->đọc tiếp...

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

THẢM HỌA KHÁNH BÌNH TÂY






Xoay quanh cuộc tranh luận về bút ký LONG ĐONG ĐỜI CỐ NÔNG, tôi thật sự cảm động khi đọc được trong tận cùng thâm tâm của các bạn một sự đồng cảm sâu xa với thân phận người nông dân - một bộ phận chiếm tỷ lệ cao nhất trên đất nước chúng ta. Ở mỗi ý kiến của các bạn cho thấy một trình độ, một tri thức, một vị trí xã hội khác nhau, có bạn đang sống và làm việc ở nước ngoài . . . nhưng tất cả có cùng một cái tâm, một cái nhìn đầy nghiêm túc. Tôi, với tư cách là người kể chuyện, xin kể tiếp câu chuyện về nông dân trong một bối cảnh khác với hy vọng làm phong phú thêm những thông tin mà các bạn đang thiếu, đang cần.

THẢM HỌA KHÁNH BÌNH TÂY

Buổi sáng ngồi uống café, nghe mấy anh ở báo Cà Mau bàn tán về chuyện Khánh Bình Tây dạo nầy căng thẳng lắm, vừa qua có một chuyện bắt bớ xảy ra, một số chị em phụ nữ phản ứng bằng cách xé toạc áo quần rồi hô tóan lên nói hiếp dâm, làm cho chính quyền phải bất lực. Làm báo mà nghe những chuyện như thế ai nỡ ngồi nhà, vậy là tôi xách xe ra đi. Cũng may, vừa qua chợ thì gặp thằng cu Đào Văn, phóng viên báo ảnh Đất Mũi đang chuẩn bị về quê, tôi bảo: Mầy bỏ chiếc xe tùa hia của mầy lại đi, lên xe đi với tao, hai thằng đi một chiếc cho vui.

Thật không có gì may mắn hơn khi đi công tác vùng sâu vùng xa mà lại có bạn đồng hành, hơn nữa lại là bạn đồng nghiệp. Đào Văn làm báo chỉ mới ba năm, cái mặt còn hôi sữa nhưng đã sớm khẳng định tay nghề, ngòai việc chiếm lĩnh diễn đàn ở báo ảnh Đất Mũi, hắn cộng tác thường xuyên với báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Văn Hóa, Nông Nghiệp Việt Nam . . . nhờ vậy mà nhuận bút của hắn chẳng những đủ nuôi thân mà còn nuôi một thằng em ăn học và giúp đỡ gia đình. Nhà hắn nghèo, cha hắn - chú Hai Hôn - lại mắc một chứng bệnh ngặt nghèo - bệnh ung thư gan - đang nằm chờ chết. Ở chốn đô thị phồn hoa với cái tuổi 22, cuộc sống đủ trò cám dỗ nhưng Đào Văn lại sống rất nghiêm túc để làm việc và phải tính tóan chi li, nhiều lúc hắn tâm sự với tôi rằng mỗi tháng hắn cần tối thiểu bao nhiêu tiền để trả tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, đóng bảo hiểm, trả góp chiếc xe, gởi về cho mẹ . . . Bây giờ thì tôi mới thấu hiểu những nỗi niềm tâm sự ấy khi bước vào nhà hắn, một căn nhà lá ọp ẹp nằm bên bờ kinh Cơi Năm xã Khánh Bình Tây. Cha đang nằm liệt giường, mẹ hắn ngày ngày tần tảo, bà khoe với tôi rằng cái nhà tắm xây dựng cơ bản và cái tivi nghĩa địa là tiền hai giải báo chí hôm trước của Đào Văn, nếu không thì cả đời bà cũng không dám mơ tới, nhà chỉ có năm công ruộng nhưng đã cố cho người ta một lượng vàng để chạy chữa cho ông, đất đã cố rồi, nhưng để có gạo ăn, bà phải thuê lại với giá mỗi công một năm mười giạ lúa. Tôi hỏi:

-Đất vườn mình còn rộng, lại nhiều ao sao thiếm không chăn nuôi, trồng trọt để có thêm mà xoay sở ?

-Ở đây hở cái gì là bọn trộm lấy cái nấy, có ai dám trồng trọt chăn nuôi gì đâu, cách đây hai tháng, chúng rinh của tôi hết ba con heo, mới đêm qua, chúng cạy cửa vào nhà lấy hết sáu bao lúa.

Tôi hỏi chính quyền có biết chuyện ấy không, thiếm lại nói:

-Biết để làm gì, tới xuồng máy của chủ tịch xã mà còn bị trộm thì có của ai mà chúng từ, đành chịu !

Đi đến đâu trong cái xóm nầy cũng nghe bà con óan than vì nạn trộm. Có lẽ, trộm cắp ở đây đã thành một thứ nghề để mưu sinh sau cái nghề làm mướn. Khánh Bình Tây có 2600 hộ dân thì đã có hơn bốn mươi phần trăm sống dưới mức nghèo khổ, trong đó có gần năm trăm hộ dân không đất, nghĩa là có hàng ngàn con người trên cái vùng đất nhỏ nhoi nầy không biết phải làm gì để sống. Làm mướn ư ? Đâu phải lúc nào cũng có người ta mướn để mà làm. Mùa gặt họ vào nông trường mót lúa, giũ rơm thì bị cán bộ nông trường đốt thúng, đốt rơm. Mùa mưa, họ vào nông trường săn chuột, bắt ốc, hái rau thì bị đuổi xô, bị tịch thu phương tiện, bị đánh đập, thậm chí bị bắn trọng thương bởi dưới mắt của cán bộ nông trường, họ là những phần tử bất hảo cần phải cách ly. Nhiều người kéo nhau ra biển xúc cua giống để bán thì bị các anh bảo vệ nguồi lợi thủy sản vây bắt vì cái tội ăn trộm tài nguyên thiên nhiên. Vậy là số phận của hàng ngàn con người ấy trở thành cái kiếp người cơm vãi cơm rơi, biết đâu nẻo đất đường trời mà đi. Vậy thì đi ăn trộm !

Tình cờ, chúng tôi ghé nhà bác Mười Hô, một gia đình cố cựu ở đây, ông từng là chánh án tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, rồi về đây làm bí thư xã ba năm. Năm nay ông đã 75 tuổi, con cháu đầy đàn không đếm hết nhưng đất ruộng thì chỉ có mười công, và mọi chi phí cho mấy chục con người chỉ đè lên mười công ruộng. Bác Mười gái năm nay đã 73 tuổi mà vẫn còn phải đi cấy mướn. Bác nói:

-Còn sức ngày nào thì phải làm ngày nấy, không làm lấy gì sống, mười công đất của tôi tuy đang làm nhưng đã cố cho người ta để lấy hai cây rưỡi vàng mà xoay sở, người ta cho tôi thuê lại mỗi năm một trăm giạ lúa. Đã vậy, năm ngóai thằng con trai thứ sáu của tôi nhận khoán của nông trường một con kinh để bắt cá với giá ba mươi sáu triệu đồng, cuối cùng chỉ thu được hai mươi triệu, lỗ mười sáu triệu, nó phải lấy giấy chủ quyền đất thế chấp cho ngân hàng huyện vay mười sáu triệu đồng để trả cho người ta. Coi như miếng đất của tôi đang nằm dưới hai đống nợ. Cuối cùng chắc cũng phải bán đất thôi chớ lấy gì trả.

Chúng tôi thử làm một cuộc thăm dò tại Cơi Năm, đại bộ phận nông dân có đất ở đây cũng đã cầm cố cho người khác rồi thuê lại làm với giá mỗi công một năm mười giạ lúa. Nguyên nhân thật đơn giản, đơn giản như chính cái cảnh đời của họ: ruộng đất thì có hạn mà con cái thì mỗi ngày một đông trong khi tất cả chi phí gia đình chỉ dựa vào hạt lúa, chỉ cần một người bệnh là cố đất. Chỉ có điều làm tôi thắc mắc là người đầu tư cho việc kinh doanh đất đai nầy lại là ba ông bí thư chi bộ, trưởng ban nhân dân và trưởng công an ấp, mỗi ông nắm trong tay hàng trăm công rồi cho những khổ chủ ấy thuê lại mỗi năm thu hàng ngàn giạ lúa. Khi lãi mẹ đẻ lãi con, chủ đất buộc lòng phải sang bán thì các ông cũng chính là người mua lại, như ông Bảy Châu, nguyên là bí thư chi bộ ấp nầy, khởi nghiệp của gia đình ông chỉ có bảy công ruộng, nhưng kết quả của một quá trình kinh doanh cầm cố, số ruộng của ông bây giờ có cả trăm công. Tôi hỏi anh Sáu Trung, bí thư xã rằng anh có biết việc nầy không, anh ngập ngừng nói:

-Chuyện ấy thì có, nhưng họ thỏa thuận với nhau chớ đâu phải dùng chức quyền để trục lợi . . . ( ?! ).

Như đã nói trên, Khánh Bình Tây có gần năm trăm hộ dân với hàng ngàn con người không đất thì cách bờ kinh Cơi Năm chỉ năm trăm mét là sự tồn tại của Nông trường 402 với diện tích 700ha được hoạt động theo hình thức phát canh thu tô suốt mấy chục năm qua. Ngay cả anh Lê Thanh Tiền, chủ tịch xã cũng than với chúng tôi rằng cái ông Nguyễn Thanh Vọng, giám đốc nông trường 402 giống như ông Hội đồng Dư trong vở cải lương Tiếng hò sông Hậu. Bản thân anh Tiền cũng từng thuê đất của nông trường và cũng từng mang nước mắt ra về sau mùa thu hoạch lúa.

Anh Sáu Nam, con trai bác Mười Hô cho chúng tôi biết, anh nhận khóan của nông trường từ hai mươi hai năm nay, mỗi năm từ bốn tới sáu hecta ruộng với giá mỗi công bảy giạ lúa một năm. Nhưng hàng năm, sau khi trừ đi các chi phí thì không năm nào đủ lúa để nộp sản cho nông trường. Nhưng sở dĩ anh sống được là nhờ nuôi vịt, giăng lưới, cắm câu trên ruộng khóan của mình.

Có lẽ cuộc sống của anh Nam còn dễ thở hơn hàng trăm nông dân ở đây, những người được mang một danh nghĩa rất đẹp là nông trường viên, nhưng thực chất, nếu gọi đúng tên thì họ chỉ là những tá điền không hơn không kém. Hơn hai mươi năm không ngóc đầu lên nổi, nhưng bỏ thì biết đi về đâu khi mà họ đã từ tứ phương trôi dạt đến nơi nầy. Thôi thì ở lại, cứ bám đất mà làm với những hy vọng mù tịt nào đó ở tương lai, mặc dù hiện tại căn nhà lá cũng không lành, con cái cứ sinh ra và cứ lớn lên trong đói nghèo dốt nát.

Ai đã từng tham gia kháng chiến, ai đã từng đổ máu xương cho độc lập tự do hẳn sẽ không khỏi xót xa khi cảm nhận ra rằng một thực tẹang đói nghèo và bị bóc lột như thế lại phát sinh ngay trên vùng đất từng là căn cứ kháng chiến. Và, cũng sẽ không tránh khỏi sự phẫn nộ trước một vị giám đốc nông trường - một ông đầy tớ của nhân dân mà trong mắt của người nông dân ở đây ông lại là ông Hội đồng Dư trong vở cải lương Tiếng hò sông Hậu - một đại điền chủ miền tây dưới thời Pháp thuộc.

Không ai biết được chính xác số diện tích đất mà ông Vọng canh tác tại nông trường là bao nhiêu, nhưng những người làm mướn cho ông thì ai cũng biết chính xác rằng ông có đến hai mươi công đất gieo mạ, mà mỗi công mạ cấy được mấy chục công đất còn tùy thuộc vào mật độ cấy dầy hay cấy thưa. Bên cạnh việc thâu tóm ruộng đất và độc quyền máy cày, máy suốt của ông Vọng thì vợ ông - bà Tuyết Bạc còn là một người cho vay nặng lãi nổi tiếng ở cái xứ nghèo đói bần cùng nầy. Bác Mười Hô cho biết,trong những lúc thiếu ăn, bác đã từng vay của bà Bạc, cứ mười giạ lúa thì đến mùa trả mười tám giạ, vay một trăm ngàn thì mỗi tháng đóng lãi hai chục ngàn. Cứ thế, bà Bạc trở thành chỗ dựa vững chắc cho những ai thiếu ăn, thiếu mặc ở vùng nầy. Ai có đất, dù là đất thuê của nông trường thì được bà Bạc ưu tiên cho vay lúa, điều kiện cũng thật giản đơn, hễ tới muà, sau khi lúa suốt xong tại bờ đê của nông trường thì phải đong trả trước cho vợ chồng bà các khoảng lúa vay, lúa cày, lúa trục, lúa suốt, còn lại mới đến phần nộp sản cho nông trường. Nếu ai còn dư thì đem về nhà, ai thiếu thì nông trường cho ghi nợ. Nhiều người đã phủi tay, giũ áo ra về, mang theo hai hàng nước mắt sau một năm dầm mưa dãi nắng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đó là chuyện của những người có ruộng, còn những người không ruộng chuyên sống nghề làm mướn thì sao ? Chị Trần Thị Nguyệt, hai vợ chồng với tám đứa con và mười bốn anh chị em, tính ra đội quân làm thuê của chị có trên sáu chục người mà chỗ dựa của cuộc sống hàng ngày là vợ chồng ông Vọng. Khi đói khát, ốm đau, ma chay, cưới hỏi . . . cứ đến bà Bạc ứng trước ngày công bằng gạo hoặc bằng tiền, ứng trước mười ngàn đồng, hoặc hai ký rưỡi gạo, hoặc hai bịch xà bông thì đến mùa trả một công cấy, ứng trước hai mươi ngàn đồng thì đến mùa trả một công gặt, biết rằng cái giá ăn trước trả sau chỉ bằng năm mươi phần trăm so với tiền mặt, nhưng trong cảnh nghèo túng tột cùng thì đành phải nhắm mắt xuôi tay đem cái sức lao động của mình ra mà chịu lãi. Anh Hai Giàu, một thương binh nghèo không có ruộng nhưng cũng không làm mướn, anh tự nhận rằng anh chuyên sống nghề trộm cá của nông trường, đã phớt tỉnh nói với chúng tôi: Tôi ăn trộm của nông trường chớ không bao giờ ăn trộm của dân, trộm của nông trường cũng có nghĩa là mình trộm của bọn cường hào,bọn bốc lột, như vậy nó đỡ nhục hơn vác cái mặt đi làm thuê cho vợ chồng thằng Vọng, các anh nghĩ coi, làm giám đốc nông trường gì mà mỗi năm nó thu hàng chục ngàn giạ lúa. Hàng năm, đến mùa giáp hạt, lúa lên giá, sau khi bán lúa xong, vợ chồng nó vét lúa ẩm, lúa mốc dưới đáy bồ đem chà gạo để cho dân vay với cái giá cắt cổ, cứ hai ký rưởi gạo thì đến mùa trả một công cấy, dân đói ở đây quá đông nên nợ nó nhiều, cấy cho nó không hết thì nó điều qua cấy cho nông trường rồi nông trường thanh tóan tiền công lại cho nó, coi như nó kinh doanh luôn cả sức lao động của cái xóm nầy, làm ăn kiểu đó thì không giàu nhanh sao được.

Bác Mười Bòn, một bà mẹ liệt sĩ đã trên bảy mươi tuổi, vừa nhai trầu vừa kể trong nước mắt: Tôi cố cho con Bạc tám công ruộng với giá một trăm giạ lúa, sau đó tôi thuê lại làm, mỗi năm đóng cho nó chín chục giạ, được một năm, tôi chuộc đất lại nhưng còn nợ nó năm giạ, tôi năn nỉ nó cho tôi lấy đất lại để cố cho người khác hai cây vàng, còn năm giạ lúa tôi sẽ trả sau. Nó không cho thiếu mà còn chửi xối xả vào mặt tôi: không có lúa, tôi bỏ bà vô táo tôi gạt! Rồi nó lôi tôi rách banh cái áo. Tôi vừa khóc vừa mang cái áo rách đến méc thằng Vọng, tưởng nó sẽ rầy vợ, ai dè nó vừa cười vừa nói: rách thì về vá lại mà mặc đi bà ơi!

Những câu chuyện đau lòng như vậy ở nông trường 402 có thể kể hoài không hết. Ông Vọng một lần bị ám sát hụt, mang trên người ba bốn nhát dao, một lần bị đánh trong lúc ghé cano lại đổ xăng, từ ấy đến nay ông không bao giờ dám một mình ra xóm. Còn ngôi nhà của cha vợ ông - ông Tám Khánh - thì ban đêm bị những kẻ thù ghét cứ trét cứt đầy trước mặt nhà,ông mua chó tây về nuôi cũng bị người ta thuốc chết. Cho đến một hôm, mẹ vợ ông phát hiện người ta treo cái ổ ong vò vẽ ngay trước cửa thì cả gia đình phải bỏ xứ ra Cà Mau.

Ngày 8 tháng 4 năm 2002, có hơn tám mươi người dân kéo đến nông trường để đòi lại đất, trong đó có trên ba mươi hộ có đơn khiếu nại cho rằng trên diện tích đất của nông trường có phần đất của ông cha họ khẩn hoang thời kháng chiến, đến năm 1964, Khu ủy Khu 9 mượn đất của dân để xây dựng vùng căn cứ, sau năm 1975, nhà nước không trả lại mà cấp cho nông trường. Lúc bấy giờ, do chính sách cải tạo nông nghiệp nên dân không đòi lại. Đến năm 1989, họ nghe Đài phát thanh nói rằng đất nào của dân thì trả lại cho dân nên họ làm đơn đòi lại nhưng không được giải quyết. Năm 1990, một cuộc nổi loạn kéo vào nông trường bao chiếm, hàng chục người bị công an huyện bắt giam, nhiều người tiếp tục làm đơn khiếu nại, các cơ quan chức năng đã nhiều lần khẳng định rằng họ không có cơ sở pháp lý nào để đòi lại đất. Vậy là, một bên nói có, một bên nói không, cuộc tranh chấp cứ kéo dài. Đến ngày 9 tháng 6 năm 2002, sau khi đất đã được nông trường cày xong thì bất ngờ 63 hộ dân kéo vào sạ lúa trên diện tích 176ha. Cái lý lẽ để họ bám víu cuối cùng cũng không có gì khác hơn là đất nầy của ông cha họ ngày xưa khai phá.

Tỉnh Cà Mau thành lập ngay một ban chỉ đạo để giải quyết vấn đề nầy bao gồm Ban Dân vận Mặt trận, các đoàn thể quần chúng như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng các cơ quan chức năng như Sở Nông nghiệp, Sở địa chính, Sở Lao động . . . do một anh phó Chủ tịch tỉnh làm trưởng đoàn, đặt trụ sở dã chiến tại bờ kinh Cơi Năm để làm việc. Ban đầu, có người cho rằng đây là một vấn đề mang màu sắc chính trị, nhưng sau một quá trình tìm hiểu, có lẽ ai cũng cảm nhận rằng đây là hậu quả của một nguyên nhân sâu xa, là con đẻ của sự đói nghèo, dốt nát, bóc lột, áp bức, bất công trong mối quan hệ giữa nông dân với vợ chồng ông Vọng. Chính từ sự cảm nhận ấy mà các nhà chức trách đã chọn những giải pháp mềm để giải quyết vấn đề. Trước mắt, tổ chức cứu trợ dài hạn cho những hộ thiếu ăn, kể cả những hộ ngoài vùng tranh chấp, những hộ không đất sẽ được cấp đất và hỗ trợ chi phí di dời đến nhận đất ở một lâm trường trong huyện. . . Tiếp theo những giải pháp ấy là sự kiên trì vận động, thuyết phục bà con trả đất cho nông trường. Thế nhưng mọi sự cố gắng dường như không mang lại kết quả. Nhiều người tuyên bố rằng nếu trả đất lại cho nhà nước thì tôi trả, còn nói trả lại cho nông trường thì không bao giờ. Một số hộ thì kiên quyết rằng đất của cha ông tôi thì tôi làm, không trả cho ai hết. Đến lúc không còn nhân nhượng được, các nhà chức trách nghĩ rằng cần phải bắt giam một số người để làm gương. Trước hết là bắt bốn thanh niên bị tình nghi chặt phá bờ chuối của nông trường với tổng thiệt hại trị giá trên hai triệu đồng. Thế là họ bị khởi tố về tội hủy hoại tài sản. Sáng ngày 17 tháng 9 năm 2002, sau khi một thanh niên bị bắt, ba người còn lại - trong đó có một người đã bị còng một tay - đã đánh trả lại lực lượng công an rồi chạy vào lẩn trốn trong căn nhà của bác Mười Bòn. Ngay tức khắc, có trên năm mươi người xung quanh kéo đến làm vòng rào chở che cho họ, chủ yếu là đàn bà và trẻ con. Một cuộc hỗn loạn bắt đầu: bên ngòai, các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ với đầy đủ khí giới bao vây thành một vòng tròn với đường kính khoảng một trăm mét. Những người bên trong căn nhà bác Mười Bòn tự vệ bằng giàn thun, súng bắn chuột, gậy gộc, axit, xăng. Họ lập bàn thờ tang trước hàng ba và quấn khăn trắng lên đầu. Các nhà chức trách mắc loa kêu gọi đồng bào giải tán và giao nộp ba tên tội phạm, bên trong cũng máy karaoke phát ra, đả đảo Nguyễn Thanh Vọng, giám đốc nông trường 402 và kèm theo những lời chửi bới thô tục. Một phóng viên báo chí đến quay phim, bà Nguyệt chịt quần ngang đầu gối, chu đít chặn ngang ống kính caméra. Bà con ở các vùng lân cận kéo đến xem đông nghẹt hai bên bờ sông. Cuộc bao vây kéo dài ba ngày hai đêm, trong đó có một đêm mưa suốt.

Sau sự kiện ấy, sáu mươi ba hộ dân với hàng trăm con người đã biến cái xóm nhỏ nhoi nầy thành khu tự trị. Họ nói, ai giết ông Vọng họ sẽ thưởng bốn mươi triệu đồng vì ông Vọng đã ra giá cho một mạng người của họ là mười lăm triệu đồng.

Ngày 23 tháng 10 năm 2002, nông trường thuê một chiếc ghe chở tràm giống vào trồng trên vùng đất tranh chấp, lập tức có hơn bốn mươi người kéo đến cướp chiếc ghe kéo lên bờ. Được tin, anh Thông, phó công an xã cùng sáu anh dân quân tự vệ đến lập biên bản. Vừa vào tới, anh Thông bị nhóm người nầy bắt lôi vào nhà, sáu anh dân quân tự vệ bỏ chạy, mấy người nầy dùng gậy gộc và đuốc tẳm xăng khống chế buộc anh Thông phải ghi biên bản theo ý họ, nội dung đại khái là ghe chở tràm giống đâm vào xuồng dân, trong khi đó ông phó giám đốc nông trường ra lệnh cho ghe đâm thẳng vào những người dân trên xuồng cho nên bà con mới giữ ghe lại. Cuối cùng anh Thông phải làm theo lệnh của họ để được ra về.

Chiều hôm ấy, tức là buổi chiều thứ tư chúng tôi ở Khánh Bình Tây, mấy bà lão hỏi chúng tôi chừng nào về, tôi nói sáng mai, một chị phụ nữ ra vẻ dè dặt nói: ngày mai các anh ở lại đi, có nhiều chuyện hay lắm, tha hồ mà chụp hình. Nhìn ánh mắt của chị, tôi linh cảm cho một chuyện không lành nào đó sắp xảy ra, tôi quyết định ở lại và gọi điện về cho hai người bạn đồng nghiệp đi xuống, mang theo ống kính télé 300 để chụp tầm xa khi có sự cố.

Thì ra, sáng hôm sau họ mua hai chiếc máy cày về trục đất để sạ tiếp vụ đông xuân. Sáng hôm ấy, để bảo vệ cho hai chiếc máy cày đang chạy, chị Nguyệt bảo mấy đứa con chị đem phảng ra cặm ở đầu bờ, rồi mấy chục người tụ tập trước sân, trong nhà họ đã chuẩn bị sẳn axit, xăng, súng bắn chuột và mã tấu. Anh Song nói nhỏ với tôi: Chuyến nầy coi như chơi tới cùng, trong nhà em đã chuẩn bị hai mươi ký muối bọt và bọc nylon, hễ chết một người là bỏ vào bọc muối lại chở ngay ra Hà Nội.

Rời khỏi Khánh Bình Tây, tôi mang theo hai điều ám ảnh: thứ nhất, mối căm thù của người dân ở đây đối với vợ chồng ông Vọng đã trở thành mối thù giai cấp, đã ăn sâu vào tận tâm can của họ, thế hệ nầy khó mà gỡ nổi; thứ hai, một cuộc xô xát đang rình rập trong cái xóm nầy, nó nặng nề như ngàn cân treo sợi tóc, ai mà lường được. Một tuần sau, tôi gọi điện xuống hỏi anh Tiền, chủ tịch xã, anh cũng thể hiện sự lo lắng như tôi: Căng lắm anh ạ, bây giờ thì bà con đang trục đất, không ai ngăn cản thì thôi, nhưng tôi nghe nói sắp tới nông trường sẽ triển khai đồng loạt trồng tràm trên vùng đất tranh chấp, lúc ấy tôi sợ có xô xát xảy ra quá !

Khi tôi đang ngồi viết những dòng nầy thì được tin anh anh Huỳnh Khánh, giám đốc sở Văn hóa thông tin vừa đi Khánh Bình Tây về, tôi gọi điện hỏi tình hình ở dưới ra sao, anh nói một hơi như đã thuộc lòng: Tình hình căng thẳng lắm, tôi vừa gọi điện báo cáo cho đồng chí phó Bí thư tỉnh ủy và kiến nghị bốn giải pháp: thứ nhất, phải thanh tra làm rõ toàn bộ hành vi của ông Vọng để xử lý nghiêm túc bởi chính ông ấy là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là người đã tạo ra cái tai họa nầy; thứ hai, phải ngưng lại kế hoạch trồng tràm trên vùng đất tranh chấp, vì làm như vậy chẳng khác nào đổ dầu vào lửa; thứ ba, xem xét cho dân ở vùng ấy tạm thời được thuê đất của nông trường với mức giá hợp lý; thứ tư, tuyệt đối không được dùng biện pháp mạnh để bắt bớ bà con. Tất nhiên đây là ý kiến của cá nhân tôi, song, dù được chấp nhận hay không chấp nhận thì tôi cũng làm hết trách nhiệm của mình.

Tôi xin lấy ý kiến của anh Huỳnh Khánh để thay cho đoạn kết bài viết nầy. Và, lạy trời - dường như tôi chỉ biết lạy trời - cho ý kiến của anh được mọi người chấp thuận./.

Trích từ tập bút ký ĐỒNG CỎ CHÁT - NXB TRẺ-NĂM 2008



-->đọc tiếp...

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

LONG ĐONG ĐỜI CỐ NÔNG




Gia đình anh Trung, chị Nhàn - phía sau là căn nhà của họ.




Năm 1976, làm lý lịch đi học, ở mục thành phần giai cấp, tôi ghi là bần cố nông vì tự xét thấy mình là nông dân mà không có đất. Ra xã chứng, ông Chủ tịch xã bảo về viết lại là “thành phần trung nông mới”. Ông giải thích: Bần cố nông là sản phẩm, là nạn nhân của chế độ thực dân phong kiến và chủ nghĩa đế quốc. Chúng đã bị đánh đổ. Giai cấp bần cố nông, từ vị trí nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, nên gọi là trung nông mới. Chính vì vậy mà chế độ ta không còn tồn tại giai cấp bần cố nông.

Vậy mà . . .

LONG ĐONG ĐỜI CỐ NÔNG

Khách đến tìm tôi là một phụ nữ trạc tuổi bốn mươi, gương mặt khô cằn sạm màu nắng gió, bộ bà ba nhàu nát và lấm tấm bụi đường, tay cầm chiếc nón lá bung vành úp lên đầu gối. Nhìn tôi, chị cười như có vẻ thân quen: Anh không nhớ ra tôi sao ?” Tôi ngờ ngợ rất lâu mới nhận ra chị Nhàn ở U Minh hạ. Mới có sáu năm mà trông chị già đi. Sáu năm trước, hồi ấy chị mới hai mươi chín tuổi, vậy mà bây giờ thoạt nhìn tôi cứ ngỡ người phụ nữ bốn mươi. Hồi ấy, tôi về U Minh hạ gặp chị cũng vì chuyện đất đai, rồi bây giờ chị tìm đến tôi cũng thế. Chị móc túi lấy ra tờ đơn viết tay, nét chữ nguệch ngoạc và đầy lỗi chính tả, lời văn thô kệch nhưng cháy bỏng nỗi khao khát đất đai của những người nông dân không đất. Chị nói: “Anh xem và tìm cách giúp bà con, tụi tui vô cùng biết ơn”.Tôi nhìn lướt qua mặt sau lá đơn là hàng chục chữ ký. Trả lại chị thì tôi chẳng đành lòng, mà nhận thì chẳng khác nào mình gieo cho người ta một niềm hy vọng trong khi tôi thừa biết mình chẳng giúp được gì, kết cục thì cũng như chuyện của sáu năm trước mà thôi.

Hồi ấy, tôi gặp chị Nhàn ở kinh 29 thuộc lâm trường U Minh I, lúc ấy chị đang mang thai, lại phải gồng gánh hai đứa con nhỏ trong căn chòi xiêu vẹo, chồng chị – anh Đinh Văn Trung – thì đang ở trong tù, chị sống trong sự đùm bọc của cha mẹ và bà con lối xóm. Rồi đất bằng dậy sóng, cả xóm chị, trên hai mươi hộ dân với cả trăm con người đang bị giải tỏa vì lý do cư trú trái phép trên đất của lâm trường . . .

Chị Nhàn quê ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, cũng thuộc vùng U Minh hạ. Ngay từ lúc sinh ra chị đã nghèo, gia đình không ruộng đất. Lớn lên theo cha mẹ đi làm mướn, khi lấy chồng lại cũng gặp một anh chồng nghèo như chị. Gia đình bên chồng chị chỉ có mười công ruộng nhưng lại có đến mười ba miệng ăn, chị lại phải cùng chồng đi làm thuê kiếm sống: đào đất, làm cỏ, gặt mướn, cấy mướn quanh năm.

Đến năm 1989, nhiều người trong xóm chị rủ nhau vào các lâm trường thuê đất ruộng, cả gia đình chị cũng kéo đi, tất cả mười người gồm cha mẹ chị, bốn đứa em, hai vợ chồng chị và hai đứa con mọn. Đến kinh 29 thuộc lâm trường U Minh I, cha mẹ chị thuê được 4ha, vợ chồng chị thuê được 3ha với giá mỗi ha 500.000 đồng một năm. Tổng diện tích khu đất nầy là 60ha do lâm trường cấp cho văn phòng ủy ban nhân dân huyện U Minh để sản xuất tự túc với danh nghĩa là gây quỹ công đòan, văn phòng ủy ban cho trên hai mươi hộ dân thuê lại nhưng chỉ được phép sử dụng mặt đất để trồng lúa và sử dụng bờ đê để trồng chuối, rau màu, tuyệt đối không được khai thác cá dưới mọi hình thức vì đó là nguồn lợi của văn phòng ủy ban. Điều kiện ràng buộc khắt khe đến thế nhưng họ vẫn chấp nhận bởi đây là con đường sống duy nhất của những nhà nông không đất, dẫu sao thì họ cũng có được hạt lúa do chính mình làm ra.

Đến năm 1994, hợp đồng hết hạn, văn phòng ủy ban huyện giao khóan lại tòan bộ diện tích đất cho ông Lê Thanh Liêm, một nông dân giàu có và là cháu ruột của ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Mức khóan của văn phòng ủy ban giao cho ông Liêm giá bao nhiêu thì không ai biết, nhưng ông Liêm nâng giá thuê đất cho các hộ nầy lên 1,5 triệu đồng trên một ha, trả trước 1 triệu, còn lại trả sau khi thu hoạch lúa. Điều kiện ràng buộc cũng như trước đây, nghĩa là ông Liêm trọn quyền thu hoạch cá, bà con không được bắt cá dưới mọi hình thức, ai vi phạm sẽ bị thu hồi đất.

Những người lớn tuổi như cha chị Nhàn tỏ ra uất ức, bởi cái thời của ông, làm tá điền cho chế độ thực dân Pháp thì mỗi công đất chỉ nộp tô hai giạ lúa tới mùa, bây giờ thuê đất của nhà nước mà phải qua ba trung gian và với cái giá nầy thì quy ra mỗi công hơn sáu giạ, lại phải đi vay tiền để trả trước hai phần ba. Mâu thuẫn giữa ông Liêm và những người thuê đất từ đó bắt đầu. Ngày ngày, người ta thấy ông ngồi trên vỏ lãi chạy dọc theo tuyến kinh một cách oai vệ như một tên chủ điền không hơn không kém. Vào giờ cơm, ông ghé từng nhà kiểm tra xem người ta ăn cá biển hay cá đồng.Nếu ăn cá đồng thì ông hạch hỏi cá bắt từ đâu,bằng cách nào ? Trả lời không suông là ông hăm he thu hồi đất. Chị Nhàn nói sống giữa U Minh mà nhà chị phải ăn khô biển.

Có lẽ vì là cháu ruột của ông Chủ tịch huyện nên ông Liêm được trang bị bốn khẩu súng AK, một khẩu cạc-bin và một số lựu đạn để cho đám đệ tử của ông hàng đêm đi canh giữ cá đồng và cuối mùa đi đòi nợ những người thuê đất.

Năm 1996, hàng loạt cá chết, ông Liêm đi trình báo, công an huyện xuống điều tra, họ phát hiện có mấy chai thuốc trừ sâu dưới ruộng của chị Nhàn và anh Việt – cũng một người thuê đất – ngay sau đó anh Trung – chồng chị Nhàn – và anh Việt bị bắt giam vì bị tình nghi thuốc cá của ông Liêm.

Trong một chuyến đi công tác về vùng U Minh hạ, anh Đặng Huỳnh Lộc – phóng viên báo Cà Mau – đã viết một phóng sự mười một trang dưới đầu đề Những nhà nông không đất, chủ yếu xoay quanh những số phận trong cái xóm của chị Nhàn và một số lâm trường lân cận. Bài viết của Lộc không báo nào dám đăng, anh gởi cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Không ngờ việc làm liều lĩnh của Đặng Huỳnh Lộc lại khuấy động đất U Minh: Ngày 16 tháng 9 năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi Công điện khẩn cho Chủ tịch Uy ban nhân dân tỉnh Cà Mau: Tôi nhận được phóng sự của nhà báo Đặng Huỳnh Lộc viết về đất đai, rừng tràm U Minh ( gửi kèm theo ). Nếu sự thật như phóng sự nầy phản ánh thì có thể nói tình hình rất nghiêm trọng. Tôi đề nghị đồng chí Chủ tịch có quyết định lập ngay một đòan thanh tra gồm Thanh tra nhà nước của tỉnh, Sở Địa chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và nếu tỉnh ủy đồng ý thì mời cả Uy ban Kiểm tra Đảng của tỉnh tham gia, về tại chỗ kiểm tra, đối chiếu tình hình. Phải xử lý kỷ luật hành chính thật nghiêm mọi tổ chức, cá nhân nào vi phạm. Nếu có dấu hiệu hình sự thì phải cho tiến hành điều tra, khởi tố theo pháp luật.

Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp giao nhiệm vụ, chỉ đạo đòan thanh tra và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Trong một cuộc họp báo tại UBND tỉnh Cà Mau, tôi được nghe chị phó Chủ tịch đọc công văn ấy bằng một thái độ rất bất bình, chị quở trách báo Cà Mau quản lý phóng viên quá yếu nên mới xảy ra sự việc rắc rối nầy làm mất uy tín của tỉnh với Trung ương.

Đời có câu giận cá chém thớt, cuối cùng thì kẻ bị chém chẳng khác ai ngòai Đặng Huỳnh Lộc và Những nhà nông không đất của anh. Suốt thời gian đòan thanh tra làm việc, tôi thấy Lộc trở thành kẻ cô đơn. Có lần gặp anh ngồi một mình trong quán café, tôi xề lại hỏi chuyện ấy sao rồi, Lộc nói: Tổng biên tập mời mình lên bảo rằng Chủ tịch tỉnh ra lệnh cấm không cho mình ra khỏi thị xã để chờ xử lý, tất nhiên là lệnh miệng. Còn bây giờ thì họ chẳng phân công mình viết lách gì cả, cũng chẳng sử dụng bài vở của mình dù nó chẳng hề dính líu tới U Minh...

Hơn một tháng sau, Chánh văn phòng UBND tỉnh thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch tỉnh về việc thanh tra đất rừng U Minh theo phóng sự của Đặng Huỳnh Lộc: Thứ nhất: Thu hồi 60ha đất tự túc của văn phòng ủy ban huyện U Minh giao lại cho Lâm trường U Minh I quản lý để trồng lại rừng tràm; Thứ hai: Thu hồi tòan bộ vũ khí của Lê Thanh Liêm sử dụng trái phép; Thứ ba: Trục xuất 21 hộ dân cư trú trái phép ra khỏi khu vực lâm trường.

Được sự giúp đỡ của một thầy giáo ở địa phương, đại diện 21 hộ dân làm đơn khiếu nại, họ đòi trả lại cho họ sự công bằng. Bởi lẽ, gần mười năm qua họ chấp nhận canh tác trên mảnh đất nầy qua ba tầng bóc lột, chẳng ai xem họ là người cư trú trái phép, bây giờ, nếu như nhà nước thu hồi đất từ tay kẻ bốc lột thì tại sao không giao quyền làm chủ lại cho họ để giải phóng kiếp tá điền như cuộc Cách mạng tháng Tám ngày xưa ?

Những ngày sau đó, thỉnh thoảng tôi thấy Đặng Huỳnh Lộc ngồi trong quán café với vài anh nông dân áo quần lem luốc, có khi là mấy chị phụ nữ ngồi co ro, mặt buồn rười rượi, chiếc nón lá bung vành úp lên đầu gối. Tôi hiểu ngay đó là Những nhà nông không đất đang tìm đến anh, tìm đến sự cứu rỗi của một nhà báo. Mà một nhà báo thì có thể giúp được gì cho họ ? Bản thân anh ta còn chưa chắc được yên !

Và đúng như vậy. Cuối năm ấy Lộc bỏ quê lên Sài Gòn làm ở một tờ báo khác, còn 21 hộ dân ở kinh 29, sau mấy tháng cầm cự, không chịu nổi sự đe dọa trước họng súng, dùi cui, roi điện và còng số 8 của nhà chức trách, họ đành phải ra đi dù chưa biết trước nơi nào là cái bến.

Chị Nhàn kể rằng, chồng chị đang ở tù, còn chị thì quằn quại trong cơn đau chuyển dạ nhưng cũng bị buộc phải ký vào biên bản cam kết ra đi. Sau khi sanh được ba ngày, mẹ chị dìu chị xuống xuồng trong một cơn mưa gió. Không có cao su, chỉ có chiếc nón lá che cho đứa con còn đỏ hỏn, mẹ chị bơi xuồng đưa chị đến ở trọ nhà của một giáo viên tốt bụng trong rừng. Đến khi sức khỏa bình phục, mẹ con, bà cháu mới dắt díu về quê. Nhưng khổ nỗi, cả gia đình chị và nhiều bà con khác đã không được quê hương thừa nhận, hộ khẩu bị cắt, nhà cửa đất đai không có. Chị tìm về nhà chồng, nhưng gia đình bên chồng chị đang là đối tượng phải cứu đói của địa phương trong mùa giáp hạt. Chị dựng căn chòi bằng lá dừa trên một bờ mương làm nơi tạm trú để đi làm mướn nuôi con trong cái cảnh non ngày non tháng để chờ đợi chồng về.

*

Tiễn chị Nhàn ra về, tôi giữ lại lá đơn trong tay nhưng không biết phải làm gì để giúp chị và những người đã ký trong đơn. Cũng như sáu năm trước đây, Đặng Huỳnh Lộc chẳng những đã không giúp được gì cho họ mà còn phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn.

Biết rằng là thế nhưng cũng không thể kềm chân được. Sáng hôm sau tôi xách honda chạy một mạch xuống U Minh. Từ xã Khánh Lâm, tôi gởi xe trong một quán café rồi thuê chiếc đò đi thẳng vào kinh 89. Từ xa đã trông thấy một dãy cờ đỏ sao vàng bay phấp phới dọc tuyến kinh, hàng chục căn chòi dã chiến vừa mới dựng lên chưa lợp mái. Tôi dừng lại ở một căn chòi được che tạm bằng tấm bạt, nền đất lô nhô vừa mới trải rơm. Chưa được mười phút sau thì có hàng chục người kéo đến vây kín căn chòi. Người ở tại chỗ có, người từ nơi xa đến cũng có, mỗi người có những trang tiểu sử khác nhau, nhưng cuối cùng họ có một kết cục giống nhau là những nhà nông không đất và đang khao khát đất. Họ kéo đến nằm vạ trên tuyến kinh nầy chỉ vì một thông tin: Nghe nói tỉnh Cà Mau có chủ trương thu hồi tòan bộ đất của các cơ quan và cán bộ sử dụng theo hình thức phát canh thu tô để cấp cho dân, cho nên họ đến đây để chờ xin đất. Bà con cho biết, trên tuyến kinh nầy có trên hai trăm ha, lâm trường U Minh I cấp cho các cơ quan của huyện làm tự túc, các cơ quan khóan lại cho cán bộ, cán bộ khóan lại cho dân mỗi ha 60 giạ lúa tới mùa, còn nếu trả tiền mặt thì mỗi ha hai triệu.

Tôi gặp lại bà Nguyễn Thị Hấn, mẹ của chị Nhàn, ở cái tuổi bảy mươi mà bà vẫn còn bưng thau bánh ú đi bán dạo. Lưng còng, chân yếu với thau bánh nặng trịch, bà như bò lết qua những khối đất lởm chởm trên bờ đê. Bà kể: năm 1997, sau khi bị giải tỏa ở kinh 29, bà trở về quê nhưng cũng giống như tình cảnh chị Nhàn, không cách nào sống nổi. Vợ chồng con cái lại chèo chống sang U Minh đi làm mướn để tìm cơ hội thuê đất. Đến đây, bà thuê 3ha đất của ông Hiệp – mộn cán bộ huyện – với giá 180 giạ lúa tới mùa. Nhưng làm một năm bị chuột cắn sạch, chỉ thu được 30 giạ. Không có lúa nộp tô, ông Hiệp lấy đất lại cho người khác thuê. Không có chỗ ở, bà phải thuê lại của người chủ mới một công để cất nhà và trồng mía, hàng ngày phải đi bán bánh ú để kiếm miếng cơm.

Nghe tin tôi đến, anh Đinh Văn Trung, chồng chị Nhàn đang đào đất mướn cũng vội bỏ về. Những thước phim của cuộc đời anh sáu năm qua cũng chẳng có gì mới mẻ, khác chăng là bây giờ anh có đến sáu đứa con. Anh kể, sau khi tạm giam bảy tháng mười một ngày, cơ quan điều tra không chứng minh được anh là thủ phạm trong vụ thuốc cá của ông Liêm nên thả anh về. Về quê cũng không biết làm gì để sống nên vợ chồng con cái lại gồng gánh sang đây. Mùa hạn thì ngày đi đào đất mướn, tối soi chuột đồng cho vợ mang ra bán ở chợ U Minh. Mùa mưa, đến kỳ khai thác rừng thì vô rừng làm mướn, rồi xin cành ngọn tràm chặt khúc bó củi đi bán, cứ thế sống lây lất qua ngày. Cách đây hai năm, anh thuê được một ha đất của ông Hận – một cán bộ huyện cũng nhận khóan lại đất của cơ quan – với giá 60 giạ lúa tới mùa. Nhưng làm ra chỉ được 35 giạ. Khi chở lúa về sân, ông Hận qua thu lúa ruộng. Anh năn nỉ ông Hận: tôi làm cực khổ chỉ được có bao nhiêu đó, anh lấy phân nửa, còn lại năm sau tôi trả, chớ anh lấy hết chắc tôi phải tự tử mà chết chớ làm sao nhìn cảnh vợ con tôi đói. Ông Hận thông cảm chừa lại anh mười giạ, nhưng mùa sau, ông Hận lấy đất lại cho người khác thuê với giá hai triệu đồng tiền mặt.

Thế là cuộc đời của vợ chồng anh Trung, sau mười lăm năm lang thang làm cuộc mưu sinh dưới tán rừng U Minh hạ, họ chẳng được gì ngòai sự ra đời thêm bốn đứa con. Nhìn bức ảnh chụp gia đình anh trước căn chòi xiêu vẹo, nhìn gương mặt hồn nhiên của năm đứa trẻ, lòng tôi cứ nao nao. Lạy trời - lại cũng chỉ biết lạy trời và cầu nguyện cho tương lai của chúng đừng long đong đời cố nông như cha mẹ chúng.

Cần Thơ, ngày 18 tháng 4 năm 2003

-->đọc tiếp...