Thứ Ba, 3 tháng 3, 2009

TRẢ LỚI PHỎNG VẤN BÁO PHỤ NỮ





TÔI VIẾT ĐỂ TRẢ NỢ QUÊ NHÀ

Hơn hai mươi năm cầm bút,viết về hàng trăm thân phận con người trong đó đa số là những người phụ nữ của đời thường,Võ Đắc Danh đau đáu với nỗi buồn và vui với từng niềm vui bé mọn của những người nông dân và dân nghèo thành thị.Câu chuyện giữa chúng tôi cũng vì thế mà thấm đẫm vị mặn của những giọt nước mắt,giữa những nỗi đau buồn riêng,chung…

*Đa phần nhân vật trong các bút ký của anh là phụ nữ.Anh chọn họ để dễ lấy nước mắt độc giả hay họ chọn anh để trải lòng?

-Không ai chọn ai hết.Có lẽ,do cái duyên nghề nghiệp đưa đẩy.Những người mẹ,người chị đến với tôi một cách tự nhiên.Và tôi nhận ra rằng,đa số họ dù nghèo khó,buôn gánh bán bưng nhưng lại là những người nhân hậu ,bao dung,đầy ý chí và nghị lực,luôn quên mình vì con vì cháu…Họ là những tấm gương bình dị,họ cho tôi những bài học đơn giản nhưng sâu sắc mà tôi học hoài không hết.

*Có nhân vật nữ nào ám ảnh anh mãi không?

-Rất nhiều! Tôi nhớ từng nhân vật của mình.Nhân vật nào cũng để lại độ lắng nhất định trong lòng tôi.Ví dụ như cô Năm Nhi ở Khánh Bình Đông,Cà Mau chẳng hạn.Nhà cô cách Cà Mau khoảng 30km.Cô ra TP.Cà Mau mượn miếng đất ,cất cái chòi lá nhỏ như chuồng gà,để cho 5 đứa con đi học.Mỗi ngày cô hái rau rừng,cắt lá chuối,giăng lưới,xin đọt dừa bị đuông ăn và chèo ghe ra chợ bán.Giờ thì cả 5 đứa con cô đã ăn học thành tài,đứa thứ năm vừa được sang Nhật làm chuyên gia phần mềm.Một chân dung đơn giản vậy thôi mà gợi biết bao điều…

*Ba đầu sách,đạo diễn 12 phim tài liệu,biên kịch 20 phim tài liệu,đến giờ”đứa con”nào được anh ưu ái nhất?

-Đã là”con”thì tròn hay méo vẫn là yêu thương .Nhưng tôi nhớ nhất hai phim tài liệu là Con trâuĐất lành.Phim Đất lành nói về vai trò của người Minh Hương trong lịch sử khẩn hoang miền Nam.Phim Con trâu là câu chuyện về thân phận loài vật gắn liền với lịch sử văn minh lúa nước,làm nên một nền văn minh lúa nước.Nhưng khi cơ giới hoá đến,trâu bị bỏ rơi …

*Nghe thiên hạ đồn rằng con đường vào nghề của anh khá đặc biệt…?

-Thiên hạ đồn sao vậy?(cười,ngẫm nghĩ một chút).Ừ,mà nghĩ cho cùng thì đường vào nghề phim tài liệu của tôi cũng khá đặc biệt.Tôi mê làm phim tài liệu mà không biết cách nào để học,vìở tỉnh lúc đó đâu có chỗ nào dạy.Thế là,vợ cho ít tiền lên SàiGòn.May mắn được gặp đạo diễn Thanh Hùng(lúcđó là giám đốc hãng phimGiải Phóng)và đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiển nhận dạy không lấy tiền mà lại còn bảo bọc,đãi đằng”thằng”học viên liều mạng.

Sau khi về lại Cà Mau,tôi chắt bóp mua được cái máy quay.Lại thêm một cái duyên may nữa khi đạo diễn Thanh Hùng tin tưởng giao cho tôi làm bộ phim đầu tay:Con trâu.Phim đã giành được một giải thưởng bé xíu:giải thưởng Ban giám khảo tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12,nhưng đó lại là niềm vui để giúp tôi thêm vững tin vào đường nghề của mình.

*Nhưng với kiến thức chuyên môn khá ít ỏi theo kiểu nghề truyền nghề như vậy,có đủ để anh làm phim tài liệu một cách chuyên nghiệp và đi đường dài với nghề không?

-Làm phim tài liệu thì phải học cả đời.Làm một bộ phim tài liệu phụ thuộc vào nhiều thứ:thiết bị máy móc ,đội ngũ cộng sự:biên kịch ,quay phim…Nhưng chính vốn sống, cảm xúc,khả năng chuyển tải những chất liệu đời sống của đạo diễn mới làm nên nét khác biệt.Còn chuyện đi đường dài với nghề phụ thuộc vào sự đam mê.Chữ”chuyên nghiệp”nên được nhìn từ góc độ những tác phẩm mà người làm nghề tạo ra chứ không nên nhìn vào bằng cấp.Ở VN,không ít đạo diễn phim truyện lẫn phim tài liệu đều tự học và được đào tạo theo kiểu nghề truyền nghề đấy thôi:Lê Mạnh Thích,Trần Văn Thuỷ là những ví dụ…

*Anh tự xưng mình là”người nông dân cầm bút”,vì nông thôn ám ảnh,day dứt đến mức anh muốn trở thành một Nam Cao với thể loại bút ký hay là vì anh cố tình”làm duyên làm dáng”để biến mình/văn chương mình thành một kiểu”đặc sản nông thôn”?

-Làm duyên làm dáng với hoa hồng hoa huệ,chứ ai lại làm dáng với bông bụt?Tôi là một đứa con của nông thôn và tôi viết về “Người Mẹ”của mình. Những ký ức nông thôn xưa buồn và đẹp, và những lát cắt của đời sống nông thôn đương đại với bao nhiêu nỗi đau trước thân phận của người nông dân bị ngược đãi là niềm đam mê và nỗi trăn trở của tôi.

Cũng có người sợ rằng tôi “đem ký ức thôn quê”của mình ra “xài” hoài thì sẽ hết. Tôi không lo lắng điều đó. Độ lùi của thời gian sẽ cho con người cách nhìn về mỗi sự vật khác hơn lúc ban đầu. Và nông thôn đối với tôimãi là một kho tàng đề tài vô giá. Tôi nghĩ mình phải viết để trả nợ với quê nhà, với những điều tốt đẹp ở nông thôn đã nuôi lớn tâm hồn tôi. Và cả món nợ với những người nông dân tội nghiệp trong cơn lốc đô thị hoá đã gặp phải không ít khó khăn…

*Anh viết về nhiều người nông dân, đa phần họ đều là “người tốt việc tốt” cả. Anh không sợ mình bị nói hoài một giọng sao?

- Chung quy, viết về con người thì phải gồm hai vấn đề chính: niềm vui và nỗi đau. Trong những “người tốt việc tốt” – nhân vật của tôi mà bạn nói có cả hai gương mặt đó. Thực chất, tôi không viết về công việc cuả họ mà tôi viết về thân phận của họ và phẩm giá của họ. Thân phận thì không ai giống ai cả, mỗi con người có một cuộc đời riêng, một tâm tư riêng và những câu chuyện số phận của từng người thì khác nhau.

* Đọc những trang bút ký của anh (Nỗi niềm U Minh Hạ, Đồng cỏ chát, Thế giới người điên), tôi thấy bàng bạc những ký ức tuổi thơ: dịu ngọt mà hình như cũng đăng đắng, mặn mặn những giọt mồ hôi của một đứa trẻ nông thôn mồ côi cha từ nhỏ và sớm phải bươn chải kiếm sống?

- Thật ra thì tuổi thơ tôi, gia đình tôi cũng bình thường như phần đông gia đình nông dân Nam bộ. Khẩn hoang, nghèo khó, chiến tranh rồi mất mát và cố gắng vượt lên khỏi đói nghèo. Tôi mồ côi cha từ nhỏ, may mắn có một người mẹ tốt, yêu thương và hết lòng chăm sóc cho con cái. Cha tôi và hai anh tôi đều là liệt sĩ, mẹ tôi là Bà mẹ VN anh hùng, nhưng tôi thấy anh hùng nhất là trong tình thương yêu các con, trong sự dạy dỗ ân cần một cách tự nhiên. Chính cách sống của bà là bài học lớn nhất cho chúng tôi. Bà vẫn dạy chúng tôi điều tốt nhất trong đời sống là con người chúng ta phải biết sống tử tế với nhau, dù chung quanh mình có ra sao đi nữa.

Tôi còn nhớ lúc tôi học cấp II, đi ở trọ ở Cà Mau, chở nước đá mướn cho người ta được ít tiền. Về nhà thăm mẹ, thấy mẹ ăn kham khổ, tôi lấy tiền đưa trước cho một dì bán cá đối ở gần nhà, nói cứ vài ngày thì đem cá đối qua cho mẹ tôi giùm. Khi mẹ tôi hay được chuyện đó, mẹ đã rầy tôi, bà nói có tiền thì lo mua sách vở mà học hành…Bây giờ cũng vậy, mua cái gì, chăm lo cái gì cho mẹ là tôi liền bị rầy, nói để lo cho các con tôi.

*Trong những ký ức nông thôn của anh,ngoài hình ảnh mẹ,tôi còn thấy thấp thoáng một vài mối tình “lá diêu bông”.Viết về phụ nữ nhiều,anh có bị “rung rinh”vì nhân vật của mình không vậy?

-Những ký ức”lá diêu bông”thì thằng con trai quê nào mà chẳng có!Cái thời rơm rạ dại khờ,những kỷ niệm ấy đã thành một phần nuôi lớn tâm hồn mình.Các nhân vật nữ của tôi hả?Chưa bao giờ tôi có tình yêu trai gái với họ.Chỉ là tình thương,sự kính trọng hoặc nỗi xót xa mà thôi…

*Việc làm nhà văn,nhà làm phim có ảnh hưởng gì đến việc dạy con không?

-Hình như tôi…không dạy con gì hết.Tôi chơi với chúng,cố gắng hiểu xem con muốn gì,cần gì,trông đợi gì ở mình.Tôi cố gắng vừa là một người cha,vừa là một người bạn của các con.Hiếm khi tôi trách phạt chúng mà chủ yếu là chia sẻ,tâm tình.Việc tôi làm người viết văn,người làm phim ảnh hưởng lớn tới các con nhưng là ảnh hưởng theo chiều hướng tích cực.Các con tôi biết tôi đang làm gì,viết gì và chúng trân trong điều đó.Tôi hạnh phúc vô cùng khi nhận ra rằng,con mình đã xem việc sống tử tế với cuộc đời như là lẽ tất nhiên.

*Xin cảm ơn anh.

HỒNG HẠNH ( Báo Phụ Nữ TP số 06 )

12 nhận xét:

Thu Nhân nói...

Hình như tôi…không dạy con gì hết.Tôi chơi với chúng,cố gắng hiểu xem con muốn gì,cần gì,trông đợi gì ở mình.Tôi cố gắng vừa là một người cha,vừa là một người bạn của các con.Hiếm khi tôi trách phạt chúng mà chủ yếu là chia sẻ,tâm tình.Việc tôi làm người viết văn,người làm phim ảnh hưởng lớn tới các con nhưng là ảnh hưởng theo chiều hướng tích cực.Các con tôi biết tôi đang làm gì,viết gì và chúng trân trong điều đó.Tôi hạnh phúc vô cùng khi nhận ra rằng,con mình đã xem việc sống tử tế với cuộc đời như là lẽ tất nhiên.
Thích nhất câu này!Tôi quí và ngưỡng mộ những người cha như thế!

Chung Do Kwan nói...

hê! cái bìa "đen đen" hành trình người điên tui vẽ sao khg thấy wang cáo dùm.hừm.hình chơi photosof ăn gian quá,bên ngoài xấu hoắc he he

MAP M nói...

Anh Danh ! em đã đến nhà anh chị , thật tình cờ không hẹn trước , và thời gian ngồi cũng không được lâu ( Bị ông Kwan ổng đuổi khéo :Dì Tám!Dì nói đi đón con về học nãy giờ tám wận rồi sao chưa thí Dì đi? ) nhưng chỉ cần ít thời gian đóa để thấy : "...Các con tôi biết tôi đang làm gì,viết gì và chúng trân trong điều đó.Tôi hạnh phúc vô cùng khi nhận ra rằng,con mình đã xem việc sống tử tế với cuộc đời như là lẽ tất nhiên..." là một điều ...hiển nhiên ...
Em khoe với nhà em bài báo về anh trên PNCN với cả nhà với "sự vỗ ngực" đầy tự hào :Con wen ổng đóa...
Hi hi , đúng là một kẻ "hảo danh" hi hi!
Cảm ơn anh Danh!

Huong nói...

hân hạnh mở hàng !
Đặt cục gạch đi làm đã, rảnh sẽ vô còm :-)

Huong nói...

trời, lâu mới mở hàng mà cũng bị chị Map M giành mất!

Cyclo! Cyclo! nói...

Bài này cũ mèm. Tui coi trên báo PN Cuối Tuần từ thứ sáu tuần trước rồi. he he!

BS Hồ Hải nói...

Sáng nay xem phim tài liệu "Hùng Cá" của đạo diễn Võ Đắc Danh trên HTV9 thấy lòng ấm lại khi người Việt mình có những con người đi lên bằng sức mình và tạo thương hiệu Việt.
Khả năng của mọi con người là vô tận, vấn đề còn lại là biết đánh thức tiềm năng. Và việc này là của người cầm cân nãy mực của cộng đồng.

Huong nói...

hình ngầu quá, giống điệp viên chứ không có giống nông dân, lại càng không có vẻ "rơm rạ dại khờ" gì hết !
"Hiếm khi tôi trách phạt chúng mà chủ yếu là chia sẻ,tâm tình": em thấy mấy đứa nhỏ phạt anh búa xua à!:-)
PS: cái vụ tài trợ, anh chờ em vài ngày để hỏi cho rõ là họ muốn lấy tư cách cá nhân (một giáo sư) hay trường Đại học rồi sẽ trả lời anh sau ạ.

Ha nói...

Bài viết của em HH dễ thương quá, đã biết nhiều về Người dưng qua lời kể của bạn bè, vẫn thấy một VĐD với tấm lòng đôn hậu, ánh mắt thật hiền (hihii.. mới gặp tích tắc mấy giây thôi đó)… chắc sẽ lấp loá nhiều niềm vui khi những mãnh đời vất vả được giúp đỡ.
Hihi… “cái thời rơm rạ dại khờ” đẹp thế mà chẳng lưu chút tình sao… chắc sợ em Trùm nên hông dám nói rồi!

toorosetobetrue nói...

cháu rất mong khi học xong về lại Vn có thể phụ chú một phần nào đó trong công việc chú đang làm :)

vanhoasahuynh nói...

GẦN GIỐNG ANH NGOÀI ĐỜI, CÓ TRAU CHUỐT VÀ KHÁCH SÁO HƠN 1 TÍ, HIHIH!

Việt Bách Blog nói...

"Tôi nhớ từng nhân vật của mình.Nhân vật nào cũng để lại độ lắng nhất định trong lòng tôi.Ví dụ như cô Năm Nhi ở Khánh Bình Đông,Cà Mau chẳng hạn.Nhà cô cách Cà Mau khoảng 30km.Cô ra TP.Cà Mau mượn miếng đất ,cất cái chòi lá nhỏ như chuồng gà,để cho 5 đứa con đi học.Mỗi ngày cô hái rau rừng,cắt lá chuối,giăng lưới,xin đọt dừa bị đuông ăn và chèo ghe ra chợ bán.Giờ thì cả 5 đứa con cô đã ăn học thành tài,đứa thứ năm vừa được sang Nhật làm chuyên gia phần mềm.Một chân dung đơn giản vậy thôi mà gợi biết bao điều…"
Một lần nữa thay mặt cho gia đình cô Năm Nhi cám ơn chú Danh thật nhiều. Có đọc trên báo xuân KTSG nhưng ko thấy chú đưa lên blog nên chưa gửi lời cám ơn được. Chúc gia đình chú luôn mạnh khỏe, hai em học giỏi và xem việc sống tử tế với cuộc đời như là lẽ tất nhiên.