Thứ Tư, 25 tháng 2, 2009

HÀNH TRÌNH VƯỢT LÊN SỐ PHẬN




Cháu Lê Thị Hoàng Oanh xin được chụp ảnh với nhà thơ Đỗ Trung Quân (Nhà văn Trần Thôi và Võ Đắc Danh ăn theo)

“Đau đớn quá anh ơi !”. Đó là tin nhắn của đạo diễn Lê Nguyễn Khôi Nguyên từ Vĩnh Long khi đang quay chương trình VƯỢT LÊN SỐ PHẬN. Ban đầu, tôi mời Khôi Nguyên cộng tác với vai trò quay phim vì anh là một ống kính tài hoa. Nhưng sau đó có sự thay đổi vì Nguyên đã từng làm đạo diễn và đang học đại học đạo diễn sắp ra trường. Một gã đầu đinh, tính khí giang hồ, phải thì chơi tới cùng, không phải thì thôi. Một tính cách như thế, tôi không thể ngờ rằng Nguyên có thể mềm lòng đến bật khóc khi tiếp cận với những nhân vật của mình đến mức phải buông tay máy. Nguyên gọi điện nói: “Anh ơi, làm sao có tiền ngay để giúp đứa bé đang bị bướu máu, chậm một ngày là khổ một ngày đối với người ta . . .”. Hôm sau, nhà văn Trần Thôi, tác giả kịch bản gọi điện: “Ông Nguyên xuất tiền túi mua hai chiếc xe đạp cho hai học sinh nghèo ở Long Hồ, ổng bắt tôi đi lựa và bỏ lên xe lôi chở vô cho ổng . . .”

Hôm sau, chúng tôi xuống hiện trường, nhìn hai chiếc xe đạp trong nhà ông Bảy Cưởng mà Nguyên vừa tặng hai đứa cháu ngoại ông, bé Khánh Linh và Vũ Linh, tôi nghĩ không thể nào không hành xử như thế bởi hai đứa bé hàng ngày đi học phải lội bộ trên con đường hơn ba cây số. Hai đứa trẻ mất mẹ, cha bỏ đi biệt xứ, sống với ông bà ngoại mà bà ngoại thì đang nằm trong bệnh viện, ông ngoại hàng ngày ngồi còm lưng nắn từng chiếc cà ràng đem bán để kiếm cơm. Cảnh nghèo khổ như thế trên đất nước nầy không ít, nhưng, trong cảnh nghèo khổ ấy mà hai chị em Linh vẫn bám lớp bám trường để ấp ủ một tương lai, đó chính là câu chuyện mà chúng tôi muốn kể. Linh đang học lớp 11, tôi hỏi cháu định chọn ngành gì trong năm sau, cháu nói sẽ thi vào ngành điều dưỡng. Tôi hỏi vì sao, cháu nói vì đi nuôi bà ngoại trong bệnh viện, thấy mấy cô điều dưỡng dễ thương quá, cháu thích. Nguyên nói nhỏ với tôi, bé Linh bệnh yếu tim, mỗi ngày hai lượt đi về hơn sáu cây số, có hôm về đến nhà là nằm vùi, mặt mày xanh mét, có chiếc xe đạp cũng đỡ cho nó.

Trong ngôi nhà lá rách nát giữa khu vườn tạp, mồ mả vây quanh, hai vợ chồng già. Người chồng bị mù nằm trên ván, bà vợ đi bán vé số mới về. Đó là cha mẹ của cháu Lê Thị Hoàng Oanh, học sinh lớp 10 trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngôi trường nổi tiếng của Vĩnh Long. Nhà rách nát, nhìn đâu cũng thấy màu khói bám vì nấu nướng bằng củi tạp – một mức sinh hoạt mà hiện nay tưởng như không còn tồn tại – và, một sự tồn tại đến không ngờ nữa là nguồn nước sinh hoạt được lấy từ con mương nhỏ sau hè, một con mương được chắn hai đầu bằng bờ đất và hai đầu bên kia là nước thải của các nhà vệ sinh trong xóm.Hỏi sao không gắn đồng hồ nước, chị Ánh, mẹ cháu Oanh nói, có đăng ký nhưng chi phí hơn hai triệu đồng, gia đình không có khả năng.

Lê Thị Hoàng Oanh tan học về, cô bé xuất hiện làm tôi ngỡ ngàng: trắng tinh,xinh đẹp, hồn nhiên trong chiếc áo dài màu trắng. Nhà thơ Đỗ Trung Quân không cầm được nước mắt khi nghĩ rằng bao nhiêu năm rồi Oanh phải tắm giặt với một nguồn nước mà những cô gái cùng trang lứa với cháu chưa chắc gì đã dám rửa tay. Sau khi trao quà của chương trình, Quân móc bóp lấy ra ít tiền đưa cho cháu: “Chú đọc kịch bản, thấy cháu chưa bao giờ biết ăn hủ tíu, thậm chí ăn xôi mà cũng không dám ăn xôi mặn, chỉ dám ăn xôi ngọt mỗi gói một ngàn. Bây giờ chú có một đề nghị: Chiều nay cháu đi chợ mua thịt cá về làm một bữa cơm đãi ba mẹ cháu thay chú, phần còn lại chú thưởng cho tinh thần hiếu học của cháu bằng những tô hủ tíu, những gói xôi mặn . . .” Cô bé lại cười rất hồn nhiên.

Mỗi nhân vật là một số phận, nhưng trong mỗi số phận ấy toát lên một câu chuyện của ý chí, của nghị lực, của lòng nhân ái làm lay động tấm lòng người đi kể chuyện – những tác giả kịch bản, những đạo diễn, những quay phim. Đạo diễn Trần Quế Ngọc khi đi quay bộ phim “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” ở Đồng Xoài, nhìn cảnh ông ngoại chăm sóc đứa cháu bại liệt từ thuở lên bốn cho đến khi cháu học lớp 11, hàng ngày ông đưa đón cháu lên xuống chiếc xe lăn, chị đã khóc và vét đến đồng bạc cuối cùng của mình để trao cho nhân vật. Cũng như tác giả kịch bản Mai Hân, khi đi viết về chị Tùng ở Bình Chánh, một người mẹ bán cá, vừa mang bệnh ung thư nhưng phải cam chịu để nuôi ba đứa con ăn học. Chị Mai Hân vừa vận động bạn bè góp tiền cho chị Tùng, vừa xuất tiền túi ra cho chị, và, trong một buổi chiều chạng vạng, chị đã mua hết phần cá còn lại của chị Tùng để sáng hôm sau chị yên tâm nhập viện . . .

Những câu chuyện của các nhân vật với những người làm phim cứ thế hòa quyện, gắn chặt vào nhau, chia sẻ cùng nhau những bài học làm người, biết yêu thương và vượt lên số phận.

13 nhận xét:

hienpooh nói...

em đã mượn mấy cái đĩa VLSP, tối nay sẽ xem ngay. Tin rằng chương trình của anh sẽ thành công :)

MAP M nói...

Hy vọng sau chương trình của anh Danh , người ta sẽ hình thành một cái qũy VLSP , chỉ để giúp cho những nhân vật đã nằm trong chương trình ...
Đưa người ta một quãng đường khác với đưa người qua sông hén anh Danh ...
Một đằng là buồn , một đằng là mang lại chút ánh sáng le lói tuy không phải ở cuối đường hầm ...
Để người ta tin , không có sự vươn lên nào không được cuộc sống ghi nhận ...
Và còn êể nhiều người phải biết giựt mình , mắc cở !
anh Đừng nghỉ nhậu , bớt thôi ...

Phương Nguyên nói...

Mới nghe giới thiệu thôi mà xúc động quá, xem trên tivi chắc khóc luôn....
Anh Danh, rồi bé Hoàng Oanh vẫn phải tiếp tục xài nguồn nước đó sao, thương bé quá.

Huong nói...

ủa sao có người (trên kia) mượn được dia VLSP coi vậy? cho em mượn với được không ?
ừa, người nghèo nhiều lắm, thảm lắm, nhưng nghèo mà có lòng vươn lên, sống trong sạch mới quý..

Lâm Nhất Hổ nói...

Cám ơn anh vì đã xây dựng nên một chương trình cảm động thế này. Người nghèo nước mình cần lắm những chia sẻ trong cuộc sống. :)

tri p nói...

Tôi rất muốn góp sức giúp người nghèo khổ vượt qua nghịch cảnh, nhưng thấy khó vì những mảnh đời như vậy nhiều quá! Nghĩ ra được tiêu chí giúp sức cho những người giàu nghị lực, cố gắng vượt lên số phận nghiệt ngã thật quá hay, hy vọng sẽ được góp sức mọn cùng các anh chị.

Chiêu anh nói...

đau lòng ...mà biết đau bao nhiêu cho đủ đây anh ...còn quá nhiều mảnh đời cơ cực

bathai_longan nói...

Còn rất nhiều và rất nhiều những mảnh đời cơ cực trong xã hội mình rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng,phải đi và đi rất nhiều nơi trên mọi miền đất nước,mới thấy rằng việc làm của mình chỉ là một cơn mưa đầu mùa nhỏ nhoi trong một cánh đồng bao la.

NGUYEN X nói...

Cảm ơn chú vì những tình cảm đầy yêu thương. Trong cuộc sống có đôi lúc cháu thấy mệt mỏi và buồn vì những chuyện không đâu. Đọc những số phận trong những bài phóng sự của chú, cháu tin trên đời con có nhiều người tốt. Cháu sẽ luôn cố gắng để sống thật mạnh mẽ và giúp đỡ mọi người chung quang bằng khả năng của mình. Cảm ơn chú và chương trình đã chấp cánh cho những ước mơ bay thật cao, thật xa...Chúc chú sức khỏe và may mắn chú nhé!.

TÔI YÊU VIỆT NAM nói...

Cần lắm cần lắm những tấm lòng này !!!

Thu Nhân nói...

@Blast:Chuyện quyên góp máy vi tính đó, chị nghĩ : Máy cũ dễ hư, mà hư thì có khi máy đời cũ ít khi kiếm được linh kiện để thay. Nên chăng ta làm thế này: mở một quỹ, bè bạn xa gần góp vô, rồi mình mua máy mới với cấu hình đơn giản, phục vụ cho việc học trước mắt của các em. Danh thấy sao?

Vũ Vũ nói...

Máy cũ bây giờ cũng tốt lắm ạ. Với lại việc trao máy cũ cháu thấy có nhiều lợi ích hơn. Chỉ sợ tiền điện tăng cao sẽ tạo thêm khó khăn

Gol Fi Toc' Xu` nói...

Cam dong qua chu ah. Mong co nhieu nha hao tam cung nhu chinh phu de mat toi nhung con nguoi cung kho nay!