Thứ Hai, 9 tháng 3, 2009

NHỮNG CON NGƯỜI KHÔNG LÀM TÔI THẤT VỌNG




Tôi luôn luôn có một niềm tin mãnh liệt vào những nhân vật của mình. Tin vào phẩm giá của họ, tin vào những điều họ kể, tin ngay từ lần tiếp cận đầu tiên cho đến khi đặt một dấu chấm cuối bài viết. Và, chưa bao giờ họ làm tôi thất vọng, dù thời gian trôi qua với bao nhiêu vật đổi sao dời. Ít ra là đến giờ phút nầy, khi tôi ngoái nhìn lại họ.

Cách nay gần mười năm, khi bút ký Hồ Sơ Một Vết Thương đăng trên báo Văn Nghệ, chị Dạ Ngân gởi mail cho tôi nói, có một nữ sinh viên du học bên Anh, cô về Hà Nội nghỉ hè và tình cờ đọc báo, cô đã mang đến tòa soạn gởi cho nhân vật 5 triệu đồng và xin được giấu tên. Nhân vật trong Hồ Sơ Một Vết Thương là chị Bảy Lòng, hồi chiến tranh, chị bị một vết thương oan nghiệt nên không thể lấy chồng. Hoà bình, chị xin một đứa con nuôi. Khi tôi tìm đến chị thì đứa con ấy – cháu Bình Đẳng – đang là sinh viên năm cuối đại học sư phạm Cần Thơ. Chị sống một mình trong căn chòi rách nát bên bờ sông Tân Lộc, đất đã bán hết, bộ cột nhà cũng đã bán, cái thẻ thương binh cũng đã cầm để gởi tiền học phí cho con. Ngày ngày chị làm bánh bò, đội trên đầu lội bộ gần năm cây số ra chợ ngồi bán. Vậy mà khi ngồi tiếp tôi, chị luôn nhắc đến con với một nụ cười hạnh phúc, mắt nhìn xăm xăm về phía bến sông: “Nó nói hôm nay nó về mà sao giờ nầy chưa thấy”.

Sau nghĩa cử của cô nữ sinh Hà Nội, tôi gởi tờ báo cho chú Ba Thám, bí thư tỉnh ủy. Mấy hôm sau ông gọi điện cho tôi: “Chú đã làm việc với hiệp hội chế biến thủy sản và công ty phát triển nhà, họ rất nhiệt tình”. Khoảng một tháng sau, ngôi nhà chị Bảy được khởi công tại trung tâm thành phố Cà Mau. Không phải nhà tình nghĩa mà còn hơn cả nhà tình nghĩa. Nếu tính trị giá cả nhà và đất cũng lên đến vài trăm triệu đồng. Bạn đọc kéo đến, mỗi người góp vô một ít, người vài ba triệu đồng, người cho cái bếp gas, người cho chiếc giường, cái tủ, bộ salon . . . cuối cùng là anh Huỳnh Khánh, giám đốc Sở Văn hóa thông tin nhận chị vào làm tạp vụ trong công viên, gần ngôi nhà chị. Hôm ấy, cháu Bình Đẳng kể với tôi: “Ở trường, ngoài giờ học con xin làm bảo vệ, vừa có lương, vừa có chỗ ở, khỏi phải thuê. Có thằng bạn cứ nghĩ con keo kiệt, ham tiền, một hôm gặp con, nó vừa khóc vừa nói, đêm qua nghe đài phát thanh đọc bút ký Hồ Sơ Một Vết Thương viết về mẹ mầy, tao mới hiểu, không ngời cuộc đời mầy khổ như vậy”.

Cháu Đẳng ra trường, về làm biên tập viên báo Đất Mũi, giờ đã có vợ con. Một hôm, Đẳng gọi điện báo tin: “Cậu ơi, mẹ con mất rồi !”.Thì ra chị Bảy Lòng bị ung thư, chị âm thầm đi chữa trị suốt mấy năm mà không cho ai hay biết. Lúc bình thường, ít khi tôi tới lui thăm chị, thậm chí nhiều năm liền tôi không tới, bởi tôi không nghĩ rằng mình đã đem lại cho chị sự đổi đời. Khi được tin chị mất, sau giây phút ngậm ngùi, tôi chợt nghĩ, trong hành trang của chị mang đi, có nỗi ấm áp tình người.

*

Đầu năm nay, theo chân nhóm làm phim của TFS, tôi trở lại Cà Mau thăm chị Năm Nhi, một nhân vật trong bút ký Người Mẹ Chưa Được Tôn Vinh. Những ai đã từng nuôi năm sáu đứa con học đại học mới có thể chia sẻ được nỗi nhọc nhằn của người mẹ, người cha như vợ chồng chị Nhi với anh Hoàng. Nhà chị ở kinh Tân Móc, xã Khánh Bình Đông, cách trung tâm Cà Mau gần 30 cây số. Khi năm đứa con lần lượt đến trường, chị ra Cà Mau, mượn một miếng đất của người em, dựng một căn chòi bên ao rau muống cho con cái học hành. Vợ chồng chị ở trong quê, ngày ngày đi giăng câu giăng lưới, hái rau, mót từng bó lá chuối, lá dừa, chèo xuồng ra chợ bán, mua từng quyển tập, quyển sách cho con. Năm 2001, khi tôi viết bút ký Người Mẹ Chưa Được Tôn Vinh thì đứa con trai lớn của chị đã tốt nghiệp học viện quân sự ra trường, làm sĩ quan trong quân đội, hai đứa con gái cũng vừa học xong đại học sư phạm đang tìm việc. Chị than thở rằng, người ta đòi mỗi đứa phải lo hai lượng vàng để được dạy tại Cà Mau. Thằng con trai thứ năm đang học năm thứ ba đại học công nghệ thông tin ở sài Gòn, đang cần chiếc máy tính. Định xong mùa ruộng nầy mua cho nó, nhưng lúa bị mất mùa, rớt giá, lấy đâu ra bốn trăm giạ để mua chiếc máy tính cho con, lấy đâu ra bốn lượng vàng để xin việc cho hai cô con gái.

May thay, sau khi báo phát hành, anh Thái Văn Long, Giám đốc sở Giáo dục Cà Mau gọi điện cho tôi, bảo nộp hồ sơ cô Cầm và cô Cẩm, con chị Năm Nhi. Được tin, chị mừng đến rơi nước mắt. Mấy ngày sau, chị lại khóc thêm lần nữa khi tôi báo tin có một thằng em họ của tôi tặng cho con trai chị - cháu Tô Nha - chiếc máy tính trị giá bằng bốn trăm giạ lúa. Rồi tin vui tiếp nối tin vui, ông giám đốc Công ty phát triển nhà Cà Mau gọi điện mời tôi qua chơi, ông nói: “Mầy viết giùm vợ chồng bà Năm Nhi cái đơn xin mua nền nhà trả góp, nói bả mang về xã xác nhận rồi đem ra đây, tao giải quyết cho cái nền nhà trong dự án của ngân sách, giá rẻ, trả 10 năm”.

Khi tôi lên Sài Gòn định cư thì Tô Nha cũng vừa mới ra trường, cháu làm việc cho công ty phần mềm Lạc Việt. Hai năm sau, Nha được mời sang làm chuyên gia phần mềm cho một công ty của Nhật ở Tokyo. Gởi mail về cho tôi, Nha nói cháu được cấp một căn hộ đầy đủ tiện nghi gần nơi làm việc, mỗi tháng cháu gởi về cho mẹ 1.000USD. Nếu không có gì trở ngại thì hai năm nữa, người chủ bên ấy sẽ đầu tư sang Việt Nam mở một công ty phần mềm và thuê cháu trở về làm giám đốc.

Chị Năm Nhi khóc sướt mướt khi mở cổng đón tôi. Ngôi nhà khá khang trang, một trệt, hai lầu, kiến trúc hiện đại, cách căn chòi bên ao rau muống ngày xưa chừng vài trăm mét. Chị nói thằng Út bây giờ đang học năm cuối khoa kinh tế, đại học Cần Thơ. Chị mời tôi ở lại ăn cơm, tôi từ chối vì phải đi gấp. Khi tôi ra xe, chị chạy theo, tay cầm con cá lóc, chị nói ăn lấy thảo, cá trong quê vừa mới tát đìa. Tôi nhớ, lúc tôi còn ở Cà Mau, lần nào anh chị từ quê ra cũng mang đến cho tôi, khi vài con cá lóc, cá trê, khi vài con cá thác lác, có khi là keo mắm sặc, mắm rô. . . những món quà đơn sơ, bình dị, chân quê mà làm tôi cứ mãi ngậm ngùi khi nhớ lại.

Có người cho rằng tôi đã làm thay đổi số phận những nhân vật của mình. Tôi không từ chối lời nhận xét đó, nhưng, điều đó chỉ có thể đúng một phần, một phần rất nhỏ. Bởi cái lớn hơn là ở mỗi nhân vật, tôi đã tìm thấy ở họ những phẩm giá cao đẹp, đó là nghị lực sống và nhân cách sống. Chính cái phẩm giá ấy đã tạo nên cảm xúc cho người cầm bút và làm lay động tình cảm của cộng đồng - những người tốt bụng. Một chị Thiện trong Đồng Cỏ Chát, với người chồng hư đốn, tệ bạc đến như thế mà chị vẫn bao dung, để rồi chuốc lấy thêm cái hậu quả đau đớn đến tận cùng. Trong cảnh trắng tay, phải sinh đẻ dọc đường, được nhân viên trạm y tế thương tình giúp đỡ, vậy mà khi mẹ tròn con vuông, lúc từ giã ra về, chị gởi lại một nửa ghe than đước để đền ơn đáp nghĩa. Khi về đến nhà thì người chồng đã bán đất cho anh hàng xóm, lẽ ra, chị đi kiện để đòi lại đất vì người chồng sang bán bất hợp pháp, nhưng chị chỉ kiện để xin chuộc lại bằng số tiền mà người hàng xóm đã trả cho chồng, chị nói : “ Láng giềng với nhau, làm vậy coi sao được !”. Anh thẩm phán, chủ tọa phiên tòa kể lại với tôi câu chuyện ấy, câu chuyện về cái đạo làm người của chị. Và cũng chính từ chi tiết nhỏ ấy đã thôi thúc tôi tìm đến chị, để có câu chuyện Đồng Cỏ Chát.

Một năm trước, khi kể lại câu chuyện anh tiều phu Nguyễn Tấn Bông nuôi 11 đứa trẻ mồ côi trên Núi Cấm, có hai điều cứ làm tôi ray rứt: Thứ nhất, liệu anh Bông có lấy vợ được không, có người phụ nữ nào dám lấy người chồng có 11 đứa con ? Thứ hai, sống trên chót vót đỉnh Mồ Côi heo hút, làm sao để cho những đứa trẻ ấy được học hành ? May thay, những người tốt bụng khắp nơi đã chung tay cùng anh Bông lo chuyện học hành cho đám trẻ. Các tổ chức, cá nhân lần lượt mang tiền đến giúp, anh Bông đã làm xong con đường lên đỉnh núi để hàng ngày đưa các con đi học. Rồi một Việt kiều Mỹ đã gởi về hơn 40 ngàn USD để xây ngôi nhà khang trang dưới chân Núi Cấm. Ở đó, các cháu có đủ điều kiện để học đến lớp 12. Còn chuyện anh Bông ? Thật khó tin khi anh cho tôi xem hơn chục lá thư tình từ các nơi gởi về, có những lá thư gởi về từ hơn nửa vòng trái đất. Có những lời tỏ tình kín đáo, có những lời như không cần kín đáo: Em sẵn sàng làm vợ anh để cùng anh nuôi dưỡng các con . . . Hỏi anh Bông tính sao ? Anh chỉ cười trừ. Có một chị từ Đồng Tháp tìm lên Đỉnh Mồ Côi, ở đó hai ngày, cùng anh Bông đi làm rẫy, làm đường, đốn củi, nấu cơm. Nhưng anh thất vọng khi thấy chị nầy chỉ quan tâm đến anh mà thờ ơ, lạnh lùng với đám trẻ. Anh bảo thôi, dù cho họ có thương con mình chăng nữa thì cũng không thể thương hết lòng hết dạ như mình, chưa kể đến sau nầy khi có con chung thì hậu quả tình cảm sẽ ra sao ? Không khéo sẽ đỗ vỡ hết, tan đàn lạc nghé hết.

Nhiều khi tôi tự hỏi, tại sao mình may mắn để có được những nhân vật tuyệt vời như vậy ? Một anh Ba Bình với 18 năm ngồi sửa xe đạp giữa thành phố Vũng Tàu để nuôi con ăn học, vậy mà khi bài đăng lên báo, con gái Út của anh nhận được học bổng của một công ty bảo hiểm nước ngoài, anh gọi điện bảo tôi: “Tôi muốn nhường suất học bổng nầy cho người khác, kém may mắn hơn tôi”. Một bà cụ từng đêm ngồi trước nhà sách Sài Gòn bán từng chiếc bánh chuối nướng để nuôi hai đứa con trai, một khùng, một xơ gan. Mỗi tối như vậy bà kiếm lời năm bảy chục ngàn, nhưng phải mất ba chục ngàn xe ôm đi về Bình Thạnh. Nhiều lần tôi đến đón bà về, nhưng lần nào bà cũng từ chối chỉ vì một lý do duy nhất: “Tội nghiệp chú xe ôm, đêm nào mưa gió gì chú cũng chờ tôi, gần tới giờ tôi về thì ai kêu chú cũng từ chối, giá bao niêu chú cũng từ chối”. Tôi nghĩ, không một nhà văn nào có thể bịa ra cái chi tiết đó, cũng không tưởng tượng nổi cái phẩm giá tuyệt vời ấy lại ẩn náu ở một con người bình dị, nhỏ nhoi đang mưu sinh ở chốn vỉa hè. Đã hơn hai tháng qua từ khi tôi kể câu chuyện của bà trên báo, đến bây giờ, khách qua đường vẫn còn ghé cho tiền. Bà khoe với tôi, mới đây có một người mang đến 200USD, nói là tiền của ca sĩ La Sương Sương bên Mỹ, cô ấy qua đời, còn để lại số tiền làm từ thiện. Ông chủ tịch phường nơi bà ở cũng vừa mời lên, cho sáu triệu đồng. Một lần khác tôi ghé thăm, bà nói: “ Tôi nghe người ta nói chú viết bài về tôi, phải tốn rất nhiều tiền người ta mới cho đăng lên báo. Tôi trông gặp chú để hỏi, nếu vậy thì tôi xin được góp vô một ít, không lẽ chú giúp tôi mà chú phải tốn tiền”. Tôi kềm chế để khỏi bật cười trước sự ngây ngô của bà: “ Không đâu dì ơi, chẳng những cháu không tốn tiền mà còn được trả tiền công”. “Ừ, nếu vậy thì tôi không áy náy lương tâm”. Tôi nghĩ số tiền mà bạn đọc cho bà không phải là đồng tiền bố thí mà đó chính là phần thưởng, và bà xứng đáng được thưởng bởi chính cái phẩm giá của bà.

Không hiểu sao, mỗi lần đối diện với những nhân vật của mình, tôi chợt nhớ đến vở cải lương Tần Nương Thất của soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng. Người cha muốn cưới cô vũ nữ cho con trai, nhưng con trai ông chê cô ấy dốt, ông già ôn tồn nói: “Nhân cách không phải là sở hữu độc quyền của những người nhiều chữ nghĩa đâu con !”

Dường như lời khuyên ấy đã giúp tôi một niềm tin mãnh liệt vào nhân vật của mình.

15 nhận xét:

tran anh tuan nói...

mừng cho những chị Bảy Lòng, chị Năm Nhi, anh Bông và đỉnh Mồ Côi, chị Thiện, anh Ba Bình, bà lão bán bánh tráng nướng.. mừng cho những câu chuyện, nhân vật bước ra từ chính trang viết của anh Danh đi thẳng tới lòng người.

Phương Nguyên nói...

:-)) đọc rồi đọc lại vẫn xúc động, mà dạo này anh Danh bận nên ít post bài ghê hén.

Huong nói...

:-)) cũng tính viết như chị PN

voquang nói...

Cảm ơn anh đã đem đến sự no ấm, cảm thông cho những người nghèo đáng thương. Không làm việc cho cả nước được thì ta làm cho một vài người nào đó được sống tốt cũng là có ý nghĩa anh nhỉ!

Việt Bách Blog nói...

Cháu có giới thiệu anh Tô Nha bài chú đăng trên báo xuân Thời Báo Kinh Tế SG nhưng chưa được. Nay chú post bài này để cháu xin phép gửi đường link. Một lần nữa xin cám ơn chú rất nhiều.

Lâm Nhất Hổ nói...

Cảm ơn chú vì những đóng góp thầm lặng cho mọi người! :)

MAP M nói...

Anh Danh , hôm nay em chấp bút viết lời ngỏ cho Tập san của các em giáo sinh Đại học SG về thực tập ở Trường em . Chắc chắn sẽ có những lời này trong bài viết đó mà em mạn phép xin anh copy về :
“Nhân cách không phải là sở hữu độc quyền của những người nhiều chữ nghĩa đâu con !”
"Tôi luôn luôn có một niềm tin mãnh liệt vào những nhân vật của mình. Tin vào phẩm giá của họ, tin vào những điều họ kể, tin ngay từ lần tiếp cận đầu tiên cho đến khi đặt một dấu chấm cuối bài viết. Và, chưa bao giờ họ làm tôi thất vọng, dù thời gian trôi qua với bao nhiêu vật đổi sao dời. Ít ra là đến giờ phút nầy, khi tôi ngoái nhìn lại họ..."
Cảm ơn Anh Danh là câu nói vẫn như mọi lần , nay nói lại thấy vẫn còn chưa đủ ...

Cyclo! Cyclo! nói...

Những chuyện dời thường vô Giáo khoa thư còn hay hơn những chuyện tưởng tượng sặc mùi tuyên truyền!

BS Hồ Hải nói...

Trước tiên cảm ơn VĐD về những bài viết về than phận những con người có tính văn hóa dân tộc.
Sau, tôi muốn nói thêm về văn hóa nền dân tộc. Khác với học lực thuộc về trí thức do trường lớp dạy và cấp bằng. Tri thức thuộc về văn hóa, chỉ có đời sống sinh động dạy cho mỗi con người, và nhân cách mỗi con người cũng như cộng đồng là văn hóa nền của họ.
Có trình độ học lực cao chưa hẳn đã có trình độ văn hóa. Trình độ văn hóa của một con người qui định nhân cách của con người đó và trình độ văn hóa của một dân tộc qui định tầm vóc của dân tộc đó chứ trình độ học lực (dân trí) của một dân tộc không thể nói lên tầm vóc của một dân tộc.
Người ta thấy rằng: Một dân tộc có bị diệt vong hay không không phải vì dân tộc đó có còn cộng đồng dân tồn tại hay không mà là cộng đồng tri thức (văn hóa) của dân tộc đó có còn tồn tại hay khg. Tôi buồn lắm khi lâu nay trong tờ khai lý lịch của mỗi công dân Việt Nam người ta đã đánh đồng giữa 2 khái niệm: Trình độ học lực (trí thức) và trình độ văn hóa (tri thức) với nhau. Vì thế đã để lại bao di họa xã hội về sự đánh đồng này mà nay ai cũng thấy.
(Trích 1 đọan ngắn bài viết của tôi trên một diễn đàn)

sogno nói...

Anh Danh may mắn vì có những nhân vật tuyệt vời, còn chúng ta và những con người tuyệt vời đó lại may mắn có được anh Danh. Xin chúc anh Danh sức khỏe để tiếp tục làm người công việc của người kể chuyện - như anh vẫn thường nhận, xã hội này cần lắm những người như anh.

Bút Thép nói...

Bài này đọc trên báo Xuân KTSG, nay đọc lại vẫn thấy hay. Anh quả may mắn.

Bunny [NSMS] nói...

nhân vật của chú cháu thấy toàn những ng phi thường! có lẽ do còn nhỏ hoặc chưa va chạm,chưa nhìn thấu mọi thứ nên cháu thấy họ là những con ng vĩ đại lớn lao tróng cái xã hội chán ngắt này ~.~

Cẩm Minh nói...

Nhiều khi tôi thấy những bài báo của anh như chiếc đũa thần kỳ diệu của bà tiên, có thể làm thay đổi số phận cuả những con người. Để viết được những bài báo làm lay động lòng người như thế anh không chỉ có tài năng mà còn có cả tấm lòng....Những nhân vật và cả những mạnh thường quân làm cho người ta lạc quan tin rằng đời vẫn còn nhiều người tốt!!!

bathai_longan nói...

đọc rất hay,xã hội mà , còn nhiều và rất nhiều điều phải nói,Chúc anh khỏe

tho ngoc nói...

Vâng ! nhưng vẫn còn một gia đình (cùng anh nhậu bên chuồng heo).... gia đình đó sao rồi Anh ?