Bà quả phụ Trần Tố Linh, vợ của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, năm nay đã hơn tám mươi tuổi nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn, gương mặt và nụ cười đầy phúc hậu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mặt tiền đường Võ Thị Sáu, trong tiếng xe cộ ồn ào và tiếng còi inh ỏi liên tục của những đoàn xe tải nối đuôi nhau trước ngã tư đèn đỏ nhưng vẫn không làm át đi giọng nói rành mạch và khoẻ khoắn của bà trong câu chuyện kể về chiếc áo bà ba.
Bà vốn là Việt kiều Campuchia nhưng được sinh ra, lớn lên và sống nhiều năm bên bờ tây sông Hậu. Dù bà không kể về thời con gái của mình nhưng bức ảnh bà chụp hồi năm mười tám tuổi đã chứng minh cho một vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà và quý phái chẳng thua kém gì một nàng hoa hậu. Bà kể rằng, nhạc sĩ Trần Kiết Tường ngày xưa cũng rất hào hoa, phong nhã. Vào khoảng đầu năm 1940, sau khi đậu tú tài Pháp, ông sang Campuchia dạy Pháp văn ở một trường tư thục. Lúc bấy giờ bà cũng đang học may ở Nông-Pênh. Trai tài gái sắc gặp nhau và yêu nhau trên đất khách. Sau Cách mạng tháng Tám, ông Tường nói với bà rằng chúng ta cần phải làm một việc gì đó cho quê hương, bà cũng cảm thấy điều đó đúng. Vậy là đôi tình nhân trẻ dắt nhau xuống tàu, xuôi theo dòng sông Hậu về quê tham gia kháng chiến.
Bà Linh nói rằng chẳng hiểu sao hồi ấy bà chỉ thích mặc áo bà ba, ngay cả khi làm lễ cưới với nhạc sĩ Trần Kiết Tường, bà cũng chọn chiếc áo bà ba làm áo cưới.
Hồi ấy, khoảng giữa đầu thế kỷ hai mươi, chiếc áo bà ba đã thịnh hành ở nam bộ cả thành thị lẫn nông thôn, cả nam giới và nữ giới. Theo bà Tố Linh thì nó có mặt ở miền Nam từ cuối thế kỷ mười chín, do những thuyền viên người Bà Ba ở Mã Lai du nhập vào. Ban đầu, nó chỉ được dùng trong lao động, sau đó được các thợ may ở Sài Gòn lục tỉnh cải tiến dần để trở thành một thứ trang phục sang trọng, làm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ miền Nam.
Hồi ấy, hầu như tất cả những người con gái Nam bộ đều biết may áo bà ba để tự may áo cho mình. Không có máy thì họ may bằng kim tay. Những người mẹ có con trai đến tuổi lấy vợ, trong các đám tiệc, các bà thường hay để ý đến những cô gái có mặt, vì những cô gái ấy luôn luôn mặc chiếc áo bà ba đẹp nhất do chính tay mình may, để xem từng đường kim mối chỉ, từng đường ráp có mịn màng, khéo léo hay không. Bởi đó chính là tiêu chuẩn đầu tiên để lựa chọn một cô dâu, là chữ công trong bốn đức tính truyền thống của người con gái. Tuy nhiên, theo bà Tố Linh, mặc dù thời bấy giờ cô gái nào cũng có thể tự may được áo bà ba, nhưng để may được một chiếc áo đẹp, vừa tạo được cái duyên ngầm, vừa kín đáo lại vừa làm nổi bật lên những đường nét thanh tú trên cơ thể người con gái là chuyện không phải dễ dàng, không phải ai cũng làm được dù là thợ may chuyên nghiệp. Bản thân bà dù được học may ở Nông-Pênh bốn tháng nhưng chỉ học may đồ Tây nên chẳng áp dụng được một chút kinh nghiệm nào trong việc may áo bà ba. Nhưng có lẽ nhờ vào sự đam mê và dày công nghiên cứu, khi theo chồng vào chiến khu, bà đã may được nhiều chiếc áo đẹp cho chị em đồng đội. Người ta nói chiếc áo bà may đã làm cho người mập trở nên thon và người ốm trở nên tròn. Thế là chẳng bao lâu, bà được nhiều người mến mộ. Khi đến bất cứ nơi đâu thì trước tiên bà là người mặc áo bà ba đẹp nhất, và khi ở lại thì bà là người làm đẹp cho phụ nữ trong vùng với chiếc áo bà ba.
Có lẽ đó là một ấn tượng khắc sâu trong lòng nhạc sĩ Trần Kiết Tường để rồi những năm sau ngày đi tập kết, một trong những bản nhạc đầu tiên của ông viết giữa lòng thủ đô Hà Nội là bài Chiếc áo bà ba.
Trời thanh thanh nắng trưa êm đềm. Hồ Gươm vui sắc hoa xinh thắm.ngời ánh nắng áo tím áo xanh. Thoáng qua, thoáng qua, thoáng qua kìa áo bà ba. Tôi nhớ ai bên dòng nước xanh. Người áo trắng đi bên hàng dừa. Người yêu tôi mong chờ. . . Còn trông theo phất phơ chiếc áo. Nhìn chéo áo tôi nhớ thương ai. Nhớ thương, nhớ thương, nhớ thương người ở miền Nam.
Năm 1957, một đêm mưa bên bờ tây sông Hậu, trong vùng kềm của ấp chiến lược, trong nỗi nhớ chồng day dứt của người vợ trẻ bên hai đứa con thơ. Bà Trần Tố Linh mở chiếc radio nghe lén chương trình văn nghệ của đài Tiếng nói Việt Nam. Bất giác, chiếc radio phát ra bản nhạc Chiếc áo bà ba của nhạc sĩ Trần Kiết Tường – chồng bà – Bài hát với từng chữ, từng lời, từng âm điệu thiết tha đã làm cho lòng bà xôn xao, như nửa mê nửa tỉnh, như ông đang thì thầm tâm sự rằng ông đang khắc khoải từng phút từng giờ với hình bóng quê hương, với người vợ trẻ trong chiếc áo bà ba dịu dàng, phất phơ soi bên dòng sông Hậu.
Trong đêm mưa ấy, bà Linh đã thao thức trắng đêm để đi đến một quyết định táo bạo là: Tìm đường vượt tuyến ra miền Bắc để được đoàn tựu với chồng.
Suy đi tính lại, bà biết rằng không thể vượt qua vĩ tuyến 17 bằng bất cứ con đường nào dù công khai hay bí mật. Vốn là Việt Kiều campuchia, cho nên, bằng một con đường thân nhân, bà đi thẳng qua Nông-Pênh với ý định từ đó sẽ băng rừng vượt núi sang Lào để đi vòng qua Nghệ An. Năm ấy bà chưa đầy ba mươi tuổi, lại phải tay xách nách mang hai đứa con, một bé gái lên sáu và một bé trai mới lên bốn tuổi.
Gần một năm trời ở Nông-Pênh, bà phải bươn chải để nuôi con, nuôi mình và nuôi niềm hy vọng. Có một điều bà không thể ngờ rằng những ngày tháng ở đây, bà được gặp thêm mười hai người phụ nữ cùng cảnh ngộ với bà. Đó là những người phụ nữ miền Tây bị chính quyền Sài Gòn đàn áp, buộc phải ký tên ly dị với người chồng tập kết, họ đã trốn sang campuchia để tìm đường ra Bắc, trong đó có bà Dương Thanh Cầm dẫn theo đứa con gái lên năm tuổi ( tức chị Nguyễn Thế Thanh, phó giám đốc sở VHTT TP HCM bây giờ ).
Mười ba người chinh phụ ấy hợp lại và kiên quyết vượt rừng Lào. Nhưng con đường trên đất nước Lào là con đường đầy hiểm trở: Núi cao, rừng sâu, thác dữ, thú dữ, muỗi vắt như mưa. Nhưng họ vẫn cứ đi mà không hề nao núng. Sau mười ngày bằng rừng, họ đi lạc vào một khu vực cấm của quân đội Lào nên đành quay trở lại đất Campuchia.
Trong lúc đang tuyệt vọng thì vận may lại đến : Năm 1958, chính phủ Hoàng gia Campuchia ký Hiệp định ban giao với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Bà cùng với các chị em kéo đến sứ quán của ta ở Nông-Pênh để trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng. Thế là, trên chuyến phi cơ đầu tiên mở đường bay từ Nông-Pênh sang Hà Nội đã chở nặng nỗi nhớ chồng của mười ba người phụ nữ miền Nam.
Ơ Hà Nội, bà Trần Tố Linh cũng chỉ mặc duy nhất một kiểu áo bà ba. Chính hình ảnh ấy, vẻ đẹp ấy đã lý giải với mọi người xung quanh về nguồn cảm hứng sáng tạo cho bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Kiết Tường: Chiếc áo bà ba.
Có thể nói, Hà Nội lúc bấy giờ chưa ai biết đến chiếc áo bà ba, ngọai trừ một vài phụ nữ miền Nam tập kết. Nhưng những chiếc áo tự may nầy cũng chưa tạo nên ấn tượng. Cho nên, sự xuất hiện của bà Tố Linh trong chiếc áo bà ba cùng với bài hát của nhạc sĩ trần Kiết Tường đã làm cho kiểu áo bà ba trở nên sáng giá. Người ta cảm nhận ở đó một vẻ đẹp vừa bình dị, vừa sang trọng, vừa kín đáo lại vừa hấp dẫn, một sự gợi cảm ngấm ngầm từ những đường cong trên cơ thể người phụ nữ mà không thể tìm thấy ở bất kỳ kiểu áo nào.
Như một sự vô tình, bà bỗng dưng trở thành người mẫu và cũng là người thợ đầu tiên may áo bà ba trên đất Bắc. Trong căn nhà số 27, phố Phan Bội Châu nơi bà ở, đầu tiên là những người phụ nữ miền Nam quen thân đến nhờ bà may giúp, rồi tiếp đến là những khách hàng người Hà Nội. Chẳng bao lâu bà trở thành nổi tiếng. Để tạo điều kiện cho bà làm việc, Ban Thống nhất Trung ương mở một cửa hàng may mặc Sài Thành ở phố Phủ Doãn để gây quỹ nuôi những thương binh loại nặng của miền Nam và bà Linh làm nhiệm vụ chuyên cắt may áo bà ba.
Có thể nói từ đó, từ hình ảnh của chính bà và bàn tay khéo léo của bà, chiếc áo bà ba đã xuất hiện trên đường phố Hà Nội rồi tăng lên theo cấp số nhân, lan rộng đến các vùng nông thôn miền Bắc như một làn gió mới làm thay đổi hình ảnh vốn quen thuộc của chiếc áo tứ thân. Mặc dù trong bối cảnh đất nước vừa bị chia cắt, nghèo nàn và chiến tranh, không mấy ai quan tâm đến thời trang nhưng chiếc áo bà ba vẫn được tôn vinh trên đất Bắc.
Rồi tiếp theo, những đoàn phim Chung Một Dòng Sông, Vĩ Tuyến Mười Bảy Ngày Và Đêm, Chị Tư Hậu, Nổi Gió . . . đoàn Văn Công Nam Bộ cũng mời bà may trang phục áo bà ba. Những Trà Giang, Phi Nga qua chiếc áo bà ba đã làm nổi bật tính cách của người phụ nữ miền Nam. Rồi đến bà Nguyễn Thị Bình, bà Đổ Duy Liên . . . những chính khách của Chính phủ Cách mạng lâm thời đi hội nghị nước ngoài, những đoàn văn công miền Bắc giả dạng miền Nam đi biểu diễn ở nước ngoài cũng đều giao nhiệm vụ cho bà Trần Tố Linh may áo bà ba.
Sau năm 1975, về sống ở sài Gòn, bà tiếp tục mở cửa hàng may áo bà ba cho đến ngày nghỉ hưu.
Trong những tập ảnh lưu niệm của bà Trần Tố Linh, từ thời con gái cho đến ngày tiễn chồng đi tập kết, những năm tháng sống giữa thủ đô Hà Nội, những năm tháng về Nam, cùng chồng đi khắp các vùng từ thành thị đến nông thôn, bà chỉ mặc duy nhất một kiểu áo bà ba.
Ta lại nghe những lời ca của anh Trần Thanh Bình – con trai bà Tố Linh - qua giọng ca Minh Cảnh mà cứ ngỡ như những tâm sự của nhạc sĩ Trần Kiết Tường:
-Phải chăng em từ tấm áo dạng dày bình dị nầy đây, em đã giữ lại cho anh tấm tình chung thủy. Giữ cho nhau câu thề ước hẹn, đám cưới nghèo sính lễ áo bà ba . . .
Nam bộ trãi qua một tiến trình phát triển rực rỡ của thời trang, nhưng chiếc áo bà ba vẫn luôn luôn tồn tại.
Chúng ta đã từng tổ chức những cuộc thi hoa hậu áo dài, thiết nghĩ cũng cần có những cuộc thi hoa hậu áo bà ba để tôn vinh một loại trang phục như nó đã từng tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
PC:Bà Tố Linh qua đời cách nay hơn sáu tháng.
15 nhận xét:
Thích nhất câu : "Người ta nói chiếc áo bà may đã làm cho người mập trở nên thon... "
Tui đi may áo bà ba đây! :)
He he, tui cũng là hoa hậu áo bà ba đây. Hồi còn ở Xì Gòn tui chưa biết mặc áo bà ba nhưng zìa wê là toàn mặc bà ba không, ai cũng kiu tui mặc bà bà đẹp. Giờ thì thua rồi, mặc hết vô, tiếc ghê!
May áo bà ba quả thật rất khó, chỉ khó thua áo dài chút xíu thôi.
Thùy Lâm ơi... Thùy Dung ơi... các thứ Thùy ơi... vào đây mà xem hoa hậu nè...
PC:Bà Tố Linh qua đời cách nay hơn sáu tháng. đây là thông tin báo chí rồi, bác vi phạm nhé.
Câu chuyện dễ thương quá, cảm động quá.
Đúng là các thứ Thùy với Thúy... vô đây mà xem hoa hậu nè...
doc xong chau cung muon may 1 chiec ao ba ba qua. " co the lam cho nguoi map tro nen om"
entry hay, áo bà ba khiến ngưòi phụ nữ trở nên rất duyên dáng, vừa kín đáo, vừa gợi cảm hic
Dong blog luon ha anh?Neu dung vay thi buon that!
Hic, tui hổng có cái áo bà ba nào hết á! Hic hic
Cảm ơn entry này của bác.
NT nhớ rằng bài của NS TKT hình như chỉ là "Áo bà ba" thôi. Còn bài "Chiếc áo bà ba" là của NS Trần Thiện Thanh, có câu "chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm, thấp thoáng con thuyền bé nhỏ mong manh...".
Sẵn dịp nhờ bác check luôn tư liệu này nghen.
Cảm ơn!.
Hôm rồi tôi có dịp (hản hữu) đến một tiệm may áo dài có tiếng ở đường Nguyễn Đình Chiểu. Thấy chị chủ tiệm may áo dài đẹp quá , tôi tính thừa thắng xông lên nhờ chỉ may mấy cái bà ba để mặc đi làm báo chơi ( sợ mặc áo dài thì thiên hạ tưởng mình stress dữ quá, đâm ... tửng). Ai dè chị ấy dứt khoát không nhận. Lý do không nhận may cũng rất ngộ: Nội may áo dài không đã nhiều khách muốn chết, nhận thêm áo bà ba nữa chắc đứt bóng.
Suy ra các chị ở SG còn mặc bà ba nhiều lắm nghen
QUên: Bài này vi phạm Thông tư 07 về quản lý blog. Thông tin này (tức chị Nguyễn Thế Thanh, phó giám đốc sở VHTT TP HCM bây giờ) rõ ràng là thông tin báo chí
EM cứ nghĩ hoài cũng nghĩ không ra sao anh tìm đâu ra 1 người hay vậy để viết 1 bài hay vậy. Cảm ơn bài viết của anh
Câu chuyện này em đã nghe cách đây thật nhiều năm, khi gặp nhạc sĩ Trần Kiết Tường để viết về bài hát của ông. Thề nhưng em lại bỏ qua. Giờ đọc bài anh viết hay quá! Cám ơn anh! Và giận mình chút chút!
Người Bắc thường ít biết về các nét văn hóa miền Nam, nhất là miền quê Nam bộ. Trước kia tôi chỉ tìm hiểu được qua Sơn Nam. Nhưng nay đã có các entry rất đặc sắc của anh. Cám ơn anh rất nhiều. Hãy viết nhiều hơn, xuất bản nhiều hơn để một miền quê đầy huyền thoại như vậy không bị lãng quên! Cám ơn những tà áo bà ba dung dị mà đày nữ tính. Mong rằng vẫn còn những con người xứng với tà áo ấy!
Đăng nhận xét