Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008

CHIẾU CÀ MAU




Quê ngoại tôi ở làng chiếu Tân Thành, bên bờ sông Cái Nhúc, vùng ngoại ô thành phố Cà Mau. Mẹ tôi, chị tôi, mấy dì tôi, nói chung là cả dòng họ bên ngoại tôi đều là thợ dệt. Vì vậy mà hai tiếng quê hương đối với tôi cũng đồng nghĩa với không khí và hình ảnh của một làng nghề. Tôi xa quê gần hai chục năm, thời gian và cát bụi thành thị đã làm cho hình ảnh xóm làng chìm dần trong ký ức, vải drap và nệm muosse đã làm cho tôi quên đi manh chiếu quê nghèo.

Thế rồi một buổi sáng tình cờ, chị Năm Niêm - Giám đốc Sở Thương mại Cà Mau - gặp tôi trong quán cà phê, chị nói : Hôm nay trong Hội chợ có tổ chức cuộc thi dệt chiếu, bốn mươi thợ dệt từ các làng chiếu được tuyển về, vui lắm, vào chơi ! Tôi vội vã đi ngay và bỗng thấy lòng nôn nao như đi tìm lại một cái gì thân thiết.

Làng chiếu đây rồi ! Hai mươi khung dệt được xếp theo từng hàng dưới những mái lều trong Hội chợ. Bốn mươi thợ dệt cùng hàng trăm cổ động viên từ các làng chiếu Tân Thành, Tân Lộc, Tân Duyệt, Tân Hưng, Cả Giữa đã tạo nên hương sắc độc đáo của một làng nghề không lẫn vào đâu được giữa chốn Hội chợ phồn hoa.

Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm.

Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.

Chiếu nầy tôi chẳng bán đâu.

Tìm cô không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm.

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào bên bờ kinh Ngã Bảy sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra . . . chào !

Có lẽ trong chúng ta – người dân Nam bộ – không ai không biết đến bài ca Tình anh bán chiếu nổi tiếng của Viễn Châu qua giọng ca của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Bài ca ấy đã góp phần tôn vinh và tạo nên ấn tượng sâu sắc, đậm đà cho nghề dệt chiếu – chiếu Cà Mau !

Con người Việt Nam, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời đã được nằm trên manh chiếu nhỏ. Khi trưởng thành, đến ngày cưới, lòng nôn nao đi chọn đôi chiếu Tân hôn. Và đến khi lìa đời, thân xác cũng được tẩm liệm bằng đôi chiếu mới. Nghĩa là suốt cuộc đời gắn liền với chiếu, nhưng lại có mấy ai hiểu được cái nắng mưa, cực nhọc của người thợ dệt tảo tần làm ra đôi chiếu.

Tôi tìm đến làng chiếu Tân Thành trong Hội chợ để tìm lại kỷ niệm của quê nhà, gặp chị Bé và chị Dung, nhắc lại một hồi lâu mới nhận ra nhau. Chị Bé nói làng chiếu Tân Thành bây giờ không còn nhộn nhịp như xưa, bởi vì chiếu đang từng ngày rớt giá. Gia đình chị mỗi năm chỉ dệt vài trăm đôi, chủ yếu là chiếu lảy chữ và chiếu hoa theo đơn đặt hàng. Tôi nhớ ngày xưa, vào mùa chiếu đông ken, nhà nhà chẻ lác, người người chẻ lác, lác trắng, lác nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng phơi đầy hai bên bờ sông Cái Nhúc. Đó là thời điểm nông nhàn sau vụ cấy lúa mùa, tức từ tháng tám đến tháng mười âm lịch, cả xóm đổ xô ra đồng phát lác. Từng bó lát được chở về dựng đầy sân, già trẻ xúm nhau kẻ tề bông, người phân cỡ.Sau khi chẻ lát xong, người thợ dệt bắt đầu quay sang xé dây bố. Vỏ cây bố được bóc ra và cạo bỏ phần da sần sùi, giữ lại phần tơ mỏng, đem phơi khô và dùng móng tay xé ra từng sợi nhỏ li ti, sau đó dùng hai bàn tay se lại thành từng cuộn chỉ, gọi là chắp trân. Sợi trân được vòng qua một ống tre khoảng ba tấc treo trên trần nhà, gọi là ống bã. Người thợ chấp nối từng sợi bố rồi se lại trong lòng hai bàn tay thành dây trân. Mỗi lần rút dây trân qua ống bã, một âm thanh từ ống tre phát ra như tiếng đàn gáo. Cái âm thanh ấy đã từng ru tôi vào giấc ngủ khi mẹ tôi ngồi chấp trân giữa ban đêm.

Tháng chạp, lúa vô bồ xong là đến mùa dệt chiếu. Ngoài những loại chiếu trung bình dệt bán cho thương lái gọi là chiếu hàng, thợ dệt quê tôi nổi tiếng làm chiếu cao cấp gọi là chiếu đặt, tức là dệt theo đơn đặt hàng của khách. Đó là những đôi chiếu màu, chiếu bông, lảy hình con bướm, con nai, hoặc lảy chữ Tân hôn, Trăm năm hạnh phúc, Chúc mừng năm mới . . . Những đôi chiếu ấy được tuyển lựa từng sợi lác rất công phu, dệt thật đều, thật mịn để đôi chiếu như một bức tranh lộng lẫy, mượt mà.

Dệt chiếu để bán xong, mỗi nhà còn dệt cho mình những đôi chiếu đẹp để dành trải ra tiếp khách hoặc làm quà tặng cho bà con ở phương xa. Ngày giỗ, ngày tết, khách ngồi quây quần trên chiếc chiếu bông quanh mâm rượu mâm trà. Chiếu cũ thì dùng để trải dưới ghe, dưới xuồng mỗi khi có việc đi xa.

Mẹ tôi năm nay đã ngoài tám mươi tuổi, đã bỏ nghề chiếu gần hai mươi năm, đã rời làng quê ra chợ, đã ngủ bằng nệm mousse. Nhưng ngày đám cưới của thằng em tôi ở Sài gòn, bà vẫn lặn lội về Tân Thành đặt làm một đôi chiếu bông để làm quà mang lên tặng nó. Dường như đó là một thói quen của người thợ dệt.

Tôi gặp chị Năm Nga, một cổ động viên của làng chiếu Tân Lộc, ngồi uống cà phê trong Hội chợ, chị kể với tôi rằng ở quê chị hồi xưa có cô Sáu Liên đẹp nổi tiếng mà cũng là thợ dệt nổi tiếng. Thông thường thì chiếu lảy chữ mỗi cặp thợ dệt mỗi ngày chỉ một chiếc, nhưng hai chị em cô Sáu Liên dệt mỗi ngày đến hai chiếc. Sáu Liên có người yêu sắp cưới tên anh Thành. Năm ấy cô dệt đôi chiếu Tân hôn, một chiếc lảy chữ Liên-Thành và một chiếc lảy chữ Hạnh phúc. Đám cưới chưa kịp tổ chức thì anh Thành đi tập kết, cô Liên đành phải xếp đôi chiếu Tân hôn lại để đợi chờ. Sau đồng khởi, cô Liên tham gia kháng chiến rồi hy sinh, ngày lễ truy điệu của cô, đôi chiếu Tân hôn được đem ra làm đôi chiếu liệm để đưa cô về với đất. Lúc mở đôi chiếu ấy ra, cả làng chiếu Tân Lộc và đồng đội của cô không ai cầm được nước mắt.

Chiếu đã gắn bó với con người như thế ! Tôi lấy làm lạ là trong cuộc thi dệt chiếu, Ban tổ chức không gọi các thí sinh bằng thợ dệt mà gọi họ là nghệ nhân. Cũng phải thôi, mỗi chiếc chiếu là một bức tranh với những đường nét và màu sắc rất điêu luyện. Tất nhiên, cuộc thi nào cũng có giải nhất, giải nhì, giải ba và giải khuyến khích. Nhưng với cặp mắt thường, khó mà phân biệt được khoảng cách của các giải thưởng ấy ra sao.

Đêm trao giải mới xúc động làm sao, có lẽ đây là lần đầu tiên sau những trăm năm với bao nhiêu thế hệ làm nghề, người thợ dệt chiếu mới được bước lên sân khấu, nghề chiếu Cà Mau mới được tôn vinh. Tôi nhìn họ, từ bé Huyền Trân 11 tuổi đến bà cụ Lê Thị Sáu 68 tuổi, và cả chị Thi bụng đang mang bầu, tất cả trong áo vải quần thô, trong đôi dép nhựa đứt quai, những bàn tay chai sạn, những mái tóc vàng hoe và những gương mặt nám đen vì nắng gió, vì nước mặn đồng chua. . . Vậy mà, chính họ đã làm nên CHIẾU CÀ MAU nổi tiếng.

Chị Năm Niêm khẳng định với tôi một cách tự tin và tự hào rằng với tay nghề của những nghệ nhân hôm nay, chiếu Cà Mau vẫn sẽ tồn tại và phát triển cùng với nền văn minh hiện đại. Dù cho công nghiệp hiện đại phát triển đến đâu đi nữa thì hàng thủ công mỹ nghệ vẫn có vị trí riêng của nó. Chị nói, người Pháp đã đưa các cô gái Chăm vào dệt lụa trong khách sạn Victoria ở Cần Thơ thì không lý do gì chúng ta không quy hoạch các làng chiếu Cà Mau gắn liền với các khu du lịch sinh thái ở rừng đước rừng tràm, để từ những địa chỉ nầy, chiếu Cà Mau sẽ trở thành quà lưu niệm cho khách du lịch thập phương.

12 nhận xét:

Ms Thỏ nói...

Tem 1 cái cho cái người đang cm chưa 1 lần được biết mặt mũi Cà Mau, chỉ biết qua những trang viết đầy bé tắc, dồn ứ của NNT.
Hôm nay, biết ở một cái nhìn khác
Dễ chịu...

Thạch lão gia nói...

Vậy mớihiểu TÌNH ANH BÁN CHIẾU!cám ơn 2 nhà!

MAP M nói...

Anh Danh ! đọc entry này để hểiu thêm :Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu ...
Và đọc để cùng nuôi một hy vọng cho một làng nghề không mất đi ...

Huong nói...

Đúng là cách đây chừng 10-15 năm thì nhà mình có đủ thứ chiếu, chiếu ăn, chiếu ngủ,... hàng chục chiếc, bây giờ nhìn quanh chẳng có cái nào làm sao mà làng nghề thịnh được !

Cẩm Minh nói...

Hồi nhỏ không hiểu nhiều nhưng tôi đặc biệt thích bài vọng cổ Tình anh bán chiếu.Đọc bài của anh Danh lại làm tôi hiểu và yêu bài này hơn đó!

tran anh tuan nói...

Bữa trước em cũng vô được làng chiếu Tân Thạnh, đi ngay lúc trưa thấy loe hoe vài chổ phơi lát xanh đỏ. Bà Ngoại bạn cũng là thợ dệt nhưng cũng thôi không dệt nữa rồi! Chiếc chiếu gắn với con người dài dẫu vậy mà giờ đọc entry này em mới thấm ra. Đa tạ anh Danh Cà Mau.

Ti Co Nuong nói...

Cám ơn anh Danh, bài viết hay quá ! Tôi rất thích đọc các entry kiểu nầy của anh như bài về "cá rô", "tả căn bếp".... đậm chất Cà Mau, cứ mỗi lần như thế trong tôi lại có một tiếng nói thôi thúc "phải đi thăm Cà Mau", dải đất mũi nhọn của quê hương mà trong đời, tôi chưa một lần đến thăm, thiệt là tệ quá!
Có lần về Ðà nẵng thăm bà con trong chuyến về thăm quê nhà, tôi dược ngủ một giấc trưa hè trên chiếc chiếu đẹp, dệt mịn, trải trên sàn gạch bông,sau một tuần ở hotel gần đó. Thức dậy, nhìn ra khoảng sân vườn trước măt có lu nước và cái gáo, có cây khế, cây mãng cầu xum xuê gần đấy, không gian yên tịch, tôi giật mình nhận ra mình vừa đươc hưởng một giấc ngủ tuyệt vời, ở một nơi tuyệt vời!
Anh nói đúng "chiếu đã gắn bó với con người như thế" đặc biệt (có lẽ)là người VN? Mẹ tôi vẫn ngủ chiếu gần 50 năm nay tuy sống ở SG.

Minh Man nói...

Hì. Anh Danh nè, bây giờ có nghệ sỹ Út Trà Vinh ca bài TABC cũng rất hay, chất giọng cũng giống UTO(không biết có phải học trò của UTO không nữa).
Bây giờ trên Tây nguyên cũng còn dùng chiếu để trãi trong các bửa ăn anh à, nhưng đa phần đã thay lác bằng chiếu ny lông.

Minh Man nói...

@ThuNH...: Việt Nam đã có chiếu 2-3-4 mãnh từ lâu rồi bạn à.

Thu Nhân nói...

Chiếu lác có nhược điểm là cọng lác rất dễ bị ẩm mốc và khó xếp cho gọn gàng. Vì thế, nếu có biện pháp xử lí sao cho cọng lác luôn khô ráo và cắt ráp thành hai hoặc ba mảnh như chiếu TQ thì chắc không đến nỗi mai một làng nghề Chiếu Cà Mau. Chuyện lảy bông, lảy chữ đối với loại chiếu hai ba mảnh có lẽ như dệt chiếu khổ hẹp mà thôi, chắc không khó đối với các nghệ nhân. Ông Danh có thể gợi ý với Chị Năm Niêm không nhỉ? Biết đâu đấy! Tôi đang hình dung một chiếc chiếu khổ 1,6 bông và chữ kết hợp hài hòa thành ba dòng theo chiều dài, cắt ra, rồi ráp lại để có thể xếp gọn gàng, mang từ cà Mau lên Sài Gòn!

caonguyenbui nói...

Quê em có chiếu Định Yên đó. Còn em cũng từng làm thợ dệt, mà em chỉ biết dệt vải trên máy dệt kiếm của Nhật thôi...

Lucky Luke nói...

Quê nội tôi ở Tân Duyệt Đầm Dơi, cũng làng chiếu thời xưa , nay đã mai một. Đọc 'Chiếu Cà Mau' bùi ngùi nhớ quê ...