Thứ Hai, 1 tháng 12, 2008

HỒ SƠ MỘT ĐÁM CƯỚI





Thằng Lý nhờ tôi đại diện cho họ nhà trai để về Chợ Mới tổ chức đám cưới cho nó. Nó nói, toàn bộ chi phí, lễ vật cha mẹ vợ nó lo hết rồi, chỉ cần tôi có mặt với tư cách đại diện nhà trai. Tưởng gì chớ cái chuyện như vậy ai làm chẳng được. Nó nói vậy mà cha ruột nó lại không làm được. Ban đầu ổng hứa sẽ lên, nhưng gần tới ngày đám, nó gọi điện thì ổng cúp máy.

Ba thằng Lý là anh Tư Luận, con của bác Ba tôi. Tuy là anh em con chú con bác, nhưng có một thời chúng tôi coi nhau như anh em ruột. Thời chiến tranh ly loạn, chúng tôi chia nhau từng nỗi buồn, niềm vui, nhà ai có chuyện thì vượt sông, băng đồng đến thăm nhau, có xuồng thì chèo xuồng, không có xuồng thì lội bộ hàng chục cây số băng qua cánh đồng chó ngáp.

Sau chiến tranh, mỗi người đi một nẻo. Tôi xuống Cà Mau, anh Luận lên Sóc Trăng. Khỏang cách không gian, thời gian cùng với cuộc mưu sinh khó học cũng đã làm nên khỏang cách giữa con người. Mười năm sau tôi tìm thăm bác Ba tôi ở Sông Phụng, Kế Sách thì anh Luận đang làm chủ tịch xã. Thế rồi hai năm sau, đùng một cái, tôi nhận được tin anh bỏ trốn, dẫn theo chị Hằng, y sĩ mới ra trường về làm trưởng trạm y tế xã. Anh Luận có ba đứa con, thằng Lý năm tuổi, thằng Trí ba tuổi, bé Nguyên ba tháng. Được tin chồng theo vợ bé, chị Loan, vợ anh ẵm bé Nguyên đến bỏ trên bàn ủy ban xã như mắc đền một món nợ rồi chị ra đi, lên Sài Gòn lấy chồng khác. Anh Trung, em kế anh Luận đến ẵm bé Nguyên về nuôi ở Vũng Thơm, thằng Lý, thằng Trí ở lại Sông Phụng với bác Ba tôi.

Mấy năm sau tôi được tin, anh Luận dẫn chị Hằng về Long Khánh mua xe tải làm ăn nhưng thất bại, bán xe về Chủ Chí, gần đồng cho ngáp mua đất nuôi tôm, chị Hằng mở phòng mạch. Tôi ghé thăm, anh Luận bơi xuồng đưa tôi đi xem vuông tôm, anh nói thao thao bất tuyệt về một chiến lược phát triển kinh tế gia đình bằng nghề nuôi tôm sú. Tôi định hỏi thăm ba đứa nhỏ, nhưng sợ anh ngại nên thôi. Sau đó tôi lên Sóc Trăng thăm bác Ba. Ông sống chật vật với đồng lương hưu nhưng phải gồng thêm hai đứa cháu nội, ngày ngày đưa đón nó đi học, có hôm trời mưa, đường trơn, đường đứt, lầy lội, ông phải vừa dắt thằng Lý, vừa cõng thằng Trí trên lưng. Vợ chồng anh Trung ở Vũng Thơm, không đất, không nghề, không vốn, sống trong căn chòi rách nát dưới bờ tre, chồng đi bán cà rem, vợ đi giũ rơm mót từng hạt lúa để nuôi ba đứa con, phải gánh thêm bé Nguyên con anh Luận.

Một hôm, bác Ba tôi tìm đến nhà tôi, ông vừa khóc vừa kể, vợ chồng anh Luận bắt thằng Lý, thằng Trí về giữ vuông tôm, nói là đem về nuôi nhưng thực chất cư xử còn tệ hơn kẻ ăn người ở. Được mấy năm, tôm chết, không muốn cho nó ở nữa nên vu khống nó ăn cắp tiền. Giờ hai anh em nó lang thang không biết trôi dạt về đâu. Mấy năm sau tôi lên Sóc Trăng, thấy anh Trung càng nghèo hơn trước, nhà cửa rách nát, che bằng đủ thứ vật liệu tự kiếm dược, kể cả bọc nilon, nhưng bé Nguyên vẫn tiếp tục học đến lớp 12. Bác Ba tôi thì già yếu, mắt mù lòa, thằng Trí thì đã tìm về, đang làm thợ cho một tiệm sắt ở Sông Phụng, nghe nói thằng Lý đi làm cho một hãng giầy ở Sài Gòn. Một hôm, bất ngờ anh Luận đến nhà tôi, anh vẫn thao thao về chiến lược phát triển kinh tế gia đình bằng nghề nuôi tôm sú. Tôi kể sơ qua về hoàn cảnh anh Trung, anh Luận gạt ngang nói, cái thằng ấy lêu têu không biết làm ăn. Tôi nói dù sao anh Trung cũng nuôi bé Nguyên đến 18 năm, cho nó ăn học nên người. Anh Trung bây giờ đang cần một chiếc xe gắn máy để chạy xe ôm, xe Trung Quốc bây giờ chỉ có 8 triệu, anh Trung chỉ cần 4 triệu mua trả góp. Anh Luận nói: “Tưởng nhiều chớ 4 triệu thì anh chi ngay, chi một cách công khai mà không cần giấu chị Hằng”. Nghe anh nói quyết liệt, tôi cũng tin, nhưng cuối cùng thì chẳng có gì.

Bé Nguyên bây giờ đã lấy chồng, cả hai đều có việc làm ổn định tại Vũng Thơm. Thằng Trí cưới vợ được hơn một năm, vợ nó mở tiệm uốn tóc, nó vẫn làm công cho tiệm sắt ở Sông Phụng. Thằng Lý cũng vừa cưới vợ mấy hôm nay. Anh Luận thì bị chị Hằng đuổi ra khỏi nhà, đang sống lang thang với bà con bên nội tôi ở Chủ Chí. Cách nay mấy hôm, chị Út, con bác Hai tôi gọi điện nói mầy có cách nào cứu anh Luận mầy không, nó nằm ở nhà tao khóc suốt ngày, cứ đòi tự tử. Tôi nghĩ, có thể đó là một trong những lý do mà anh từ chối đi dự đám cưới của con anh. Sở dĩ tôi nói một trong những lý do là vì đám cưới bé Nguyên anh cũng không về dự, dù lúc ấy anh chưa bị vợ đuổi đi. Và cả đám cưới của thằng Trí, anh cũng chỉ đến để chứng kiến chớ chẳng có trách nhiệm gì. Ngay cả đám tang của bác Ba tôi, anh cũng chỉ góp vài trăm ngàn như một số tiền đi điếu.

Đám cưới thằng Lý diễn ra thật đẹp, đúng lễ nghi của một gia đình có truyền thống Phật giáo Hòa Hảo ở Cù Lao Giêng. Chúng tôi áy náy vì phải nói dối với họ hàng nhà gái rằng cha của Lý bị tai biến, nằm liệt giường nên không đi được. Cha vợ của Lý, anh Út Nhánh là một nông dân thật thà, chất phác nhưng lại sáng suốt trong mưu sinh và cả chuyện đối nhân xử thế. Từ Cù Lao Giêng, anh thu mua xoài non của chủ vười tỉa thưa rồi làm dưa chở lên Sài Gòn bỏ mối cho các nhà hàng. Anh nói, những năm đầu do không quen biết, giao dịch kém nên mỗi ngày tiêu thụ năm ba chục ký. Từ khi có thằng Lý vào tiếp một tay, số lượng tiêu thụ cứ tăng dần, nhưng không ngờ tình cảm của nó với con bé Thảo Nhi cũng tăng dần. “Ban đầu cũng lo lắm chớ, gã con cho một đứa không cha không mẹ, không rõ nguồn gốc, ai mà không lo. Nhưng rồi tôi thấy nó thật thà, kể hết đầu đuôi câu chuyện gia đình, không giấu giấm dù là những chuyện rất đau lòng, tôi cảm thấy thương, thương như con ruột. Nó lại là đứa biết cần cù, chịu khó, chí thú làm ăn, minh bạch từng đồng từng cắc . . . kể ra con mình cũng có phước”.

Nghe anh nói, tôi nghĩ mà giật mình, mà cảm động. Một thằng vô phước từ khi lên năm tuổi, hơn hai mươi năm lưu lạc, từng chịu đựng bao đắng cay tủi nhục, vất vơ vất vưỡng nơi xó chợ đầu đường, giờ biết đem lại hạnh phúc cho người khác. Nếu anh Luận hiểu được điều nầy, anh sẽ nghĩ sao ? Tôi kể lại câu chuyện nầy, vì không thể nào không kể sau khi nghe cha vợ thằng Lý tự hào về nó, nếu có điều gì làm tổn thương anh, mong anh hãy hiểu cho.

18 nhận xét:

Huong nói...

Chuyện chồng bỏ vợ con thì có nhiều, sao lại có người mẹ đem bỏ con ở Ủy ban rồi đi lấy chồng khác vậy ta?
Chuyện không vui, nhưng cái hậu nó ấm lòng quá, khi anh kể về cậu trai vốn thiếu tình thương và chịu nhiều cay đắng mà vẫn biết đem lại hạnh phúc cho người khác - và rồi được người thương (gia đình vợ). Mừng quá !

Phương Nguyên nói...

Cha vô tình mẹ lạnh nhạt, bầy con thiệt khổ, mà may quá cũng nên người hết. Cháu Lý khổ bị bỏ bê từ năm tuổi, không được cha mẹ dạy dỗ mà như vậy thì thật đáng quý.
Vậy là anh Danh có kinh nghiệm mần sui rồi heng.

ĐỜI (LIFE) nói...

Ôi, dân miền Tây tôi cứ thế....chưa thấy có gì khác. Nhưng sao tôi vẫn cứ yêu cái chất phát đến trắng bệt ra thế? Yêu cái ruột để ngoài da, nhưng lòng chưa hẳn đã bay chút son...
Dân vùng sông nước, hay nước sông mà vẫn cứ chan chát thế ư...làm sao tôi hết yêu được cái nhàn nhạt này?!?!?

Người tình nhân dân nói...

Thì cũng tương tự chuyện Tái ông mất ngựa dzậy...

Mai Anh nói...

Mấy cái chuyện như vầy đọc đau lòng quá. Nhưng đàn ông như vậy đã thấy cũng nhiều, còn đàn bà mà có thể bỏ 3 con, nhất là một đứa trẻ mới 3 tháng tuổi để đi lấy chồng khác thì thật hiếm, không thấy chú kể tiếp hay chú cũng không có thông tin gì thêm về người mẹ đó? Nhưng dù sao câu chuyện kết thúc cũng không quá thê thảm, phải nói là gia đình này cũng còn may mắn vì 3 người con đã trưởng thành và còn là niềm tự hào của người khác, có lẽ nhờ phúc của những người đã hết lòng thương yêu cưu mang họ.Hy vọng những bi kịch gia đình thời niên thiếu sẽ cho họ nghị lực và sự sáng suốt để luôn giữ được hạnh phúc của chính gia đình nhỏ của mình.

nghia d nói...

đọc anh ...lại nghĩ...lại buồn...lại nhớ Quốc Văn Giáo Khoa thư của Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc
...

Kieu nói...

Cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm,một kết cục vẫn là có hậu.... Tất cả đều quay về đúng cái điểm vốn dĩ thuộc về họ.

nghia d nói...

một số bài trong QVGKT có được trích lại trong các sách quốc văn,việt văn ở Sài Gòn trước 1975 như Rắn đầu biếng học ,Con cò mà đi ăn đêm, Mẫn tử Khiêm ( trong Nhị Thập Tứ Hiếu ), chuyện ông Carnot, Công việc nhà nông ,Lính thú thời xưa.....Lâu lâu đọc lại vẫn thấy mới, vẫn bắt mình phài nghĩ...Nhất là khi đọc những "tấn trò đời " trên blog anh ...Kính!

MAP M nói...

Anh Danh ! Em không nghe anh kể chuyện má thằng Lý tức vợ anh Luân trong entry này? Mẹ em nói , đàn bà đàn ông tội gì cũng có thể tha trừ tội bỏ con . Đàn ông đáng giết 1 khi bỏ con thì đàn bà đáng giết tới 10 .Nên đọc entry này của anh , biết là anh Tư Luân giờ đã ngã ngựa , mẹ em cũng dạy , không đánh người ngã ngựa ,nhưng em không thể không nói một câu anh à :Đáng đời !

taolahatday nói...

hừ chồng bỏ theo gái, gái cũng bỏ con đi lấy chồng?! Ờ mà sao ai cũng lên án đàn bà thế nhỉ? Em cũng thấy nếu mẹ mà bỏ con thế thì cũng đáng lên án dưng mà sao đàn ông làm thế được mà đàn bà ko được thế nhỉ? Sao đàn bà gánh vác nhiều trách nhiệm thế nhỉ? Thiên chức chăng? Em thì nghĩ thiên chức quái gì, ai thương con thì vẫn thương con còn đừng có quá gán ghép là mẹ thế này mẹ lại thế kia, đến khi mẹ chả được thế lại quay ra trách móc. Túm quần túm áo là chỉ có bọn trẻ vô phước có cả bố lẫn mẹ đều tồi như thế. Nhưng may mắn là 3 anh chị kia biết vươn lên nếu ko thì chả biết cs sẽ thế nào. Cuộc sống muôn màu!

bac 3 phi q6 nói...

không thể tin được, câu "cha mẹ thương con như biển hồ lai láng" bị vợ chồng ông Luận phủi rớt đất ròi he? chẳng trách "quả báo nhãn tiền"!

hoang minh nói...

Chau dang nghi den canh ba Luan ve khoc loc xin cac con nhan cha de tuoi gia do hiu quanh. Luc day thi khong biet anh Ly, Tri va Nguyen phan ung the nao nhi?! Mot nguoi nhu chu Luan con dang duoc coi la cha nua khong nhi??

Dương Đặng nói...

ah, Chợ Mới quê e- những người nông dân chất phác, hiền lành, dễ thương với tấm lòng bao dung. Chúc mừng cháu anh và đồng hương của em đã tìm được bến đỗ bình yên.

Cyclo! Cyclo! nói...

Em đọc trên ngàng Nguyệt hôm qua (1/12) rồi. Chuyện đời lắm nẽo buồn vui. Vậy anh Danh mới có bút ký đều đều chớ.

[deleted] nói...

Chẹp, họ hàng nhà em cũng có cảnh mẹ dắt hai đứa con lên chợ để đấy rồi bỏ đi theo người tình

nhutsxd nói...

Cám ơn anh nhiều

Thu Nhân nói...

Theo tôi, đàn bà bỏ con đáng trách hơn. Bởi lẽ, với đàn bà, con là núm ruột của mình, sở hữu của mình. Bỏ con là tội đầu tiên không thể tha thứ. Đơn giản vậy thôi. Con muỗi cắn con mình, đập nó chết rồi còn dí cho nó nát bét ra mà chưa hả giận, thì sao lại có thể bỏ con? Lại là đứa bé còn ẳm ngữa, đỏ hỏn như vậy?
Câu nói của ông già vợ là câu nói đáng trân trọng nhất trong câu chuyện này.

nhutsxd nói...

Đất ruộng C5 đã cố hết rồi, hiện anh thiện không còn khả năng chiến đấu