Về Cà Mau, nhân một bữa nhậu thịt rắn, tình cờ được nghe những câu chuyện nửa thực nửa hư, đầy chất huyền thọai về những ông thầy rắn hổ chuyên hành hiệp chữa bệnh cứu người. Mặc dù là những câu chuyện mang màu sắc huyền bí nhưng lại là những con người thật, có tên tuổi và địa chỉ hẳn hoi nên tôi quyết định làm một cuộc hành trình tìm kiếm những ông thầy ấy xem hư thực ra sao.
Trước tiên là câu chuyện về ông Bảy Còi, ở ấp Nhà Phấn, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, cách trung tâm thị xã Cà Mau gần 20 cây số. Người ta kể rằng cách nay mấy năm, có chị Thu Vân chuyên nghề bán rắn ở cầu Mới bị rắn hổ cắn, lúc đang nằm cấp cứu trong bệnh viện, các y bác sĩ bảo người nhà của chị đi rước ông Bảy Còi ra cứu chữa vì bệnh viện không có thuốc đặc trị, chỉ truyền dịch cầm hơi. Lúc ấy người nhà của chị Vân chia nhau đi tìm thầy thuốc rắn, đã rước được hai người, riêng ông Bảy Còi, ban đầu ông từ chối vì cho rằng chị Vân bị rắn cắn vào giờ thọ tử, không cứu được, nhưng người nhà nạn nhân khóc lóc van xin nên ông buộc lòng phải đi. Đến nơi, hai người đồng nghiệp tỏ ra bất lực và cầu cứu ông, ông nhìn dấu răng trên tay nạn nhân rồi lắc đầu nói: “Con rắn nầy có 23 khoang, trên lưng nó có dấu chỉa cách đầu khỏang một gang tay, thuộc lọai rắn hổ mang, cực kỳ độc, hiện giờ nó còn ở trong nhà của người mua, cách nhà chị Vân ba căn về hướng tây”. Gia đình chị Vân cho người đi mua lại con rắn ấy mang vào bệnh viện. Ôg Bảy Còi thò tay vào bao bắt ra, một con rắn giống y như lời ông mô tả. Ôg khẳn định lại một lần nữa là bệnh của chị Vân không cứu được rồi xin lỗi gia chủ ra về. Đúng 10 giờ trưa hôm ấy, chị Vân tắt thở.
Tôi nhờ Nguyễn Tiến Trình, phóng viên báo Thanh Niên thường trú ở Cà Mau chở tôi đi tìm ông Bảy Còi vì được biết mẹ của Trình, chị Tám Thẩm, từng bị rắn hổ cắn sắp chết đã được ông Bảy Còi cứu sống. Trình kể: “ Buổi tối hôm ấy mẹ em đang giặt đồ phía sau nhà thì bất thần bị rắn hổ quặp vào chân. Lúc mượn được xuồng máy chở đi thì mẹ em đang nguy kịch, người co giật và lạnh cóng, đàm trào lên cổ, mắt trắng đờ. Khi ghé nhà ông Bảy Còi thì thấy ông và mấy người hàng xóm đang ngồi nhậu như trong tư thế đợi chờ, xuồng vừa cặp bến thì nghe họ bảo: “Tới rồi kìa !”. Và họ tức tốc xuống khiêng mẹ em lên, cứu sống ngay trong đêm ấy.”
Trên đường đi tôi cứ hình dung ông Bảy Còi là một người rất khác đời, từ cách ăn mặc, tóc râu, diện mạo phải đầy huyền bí như những câu chuyện về ông. Nhưng khi đến nơi, thấy ông ngồi sửa xe gắn máy trước cửa nhà cùng hai đứa con trai, hóa ra ông cũng là một nông dân bình thường như bao nhiêu người khác. Hơn thế nữa, ông còn là một phó công an xã, khá lừng lẫy trong việc trấn áp các tệ nạn cờ bạc, đá gà ở xã Lương Thế Trân. Trên tấm vách lá nhà ông treo nhiều giấy khen, bằng khen của địa phương về thành tích chữa bệnh cứu người, nổi cộm nhất là tấm Huy chương “Vì sự nghiệp nhân đạo” của hội Chữ Thập đỏ Việt Nam. Ông cho biết, cả dòng họ bên nội ông đều làm thầy thuốc rắn, nổi tiếng từ Bến Tre đến Cà Mau. Riêng ông hành nghề từ năm 20 tuổi, đến nay đã 33 năm, bình quân mỗi năm cứu sống khỏang 30 mạng người. Trong hơn 30 năm hành nghề, ông đã từ chối ba ca mà theo ông thì đó là số mạng của những người sanh nghề tử nghiệp, trong đó có chị Vân vừa kể trên.
Tôi hỏi vì sao ông biết con rắn cắn chị Vân có 23 khoang và một vết chỉa trên lưng, cách đầu một gang tay ? Bảy Còi nói rằng đó là do Tổ nghiệp báo trước. Ông giải thích: thông thường, bất kỳ ca bệnh nào Tổ nghiệp cũng báo mộng trước ba ngày để mình không nên đi xa. Ngay cả những ca không cứu được, Tổ cũng báo trước để mình từ chối, sợ mất uy tín nghề nghiệp. Nói về ca bệnh của chị Tám Thẩm, mẹ của Tiến Trình, ông cho rằng đó là một trường hợp đặc biệt trong cuộc đời hành hiệp của ông.
-Xin lỗi nhà báo – ông nói – mình là cán bộ, đảng viên, lại là cán bộ ngành công an mà nói chuyện duy tâm nghe kỳ quá. Hôm ấy Tổ báo mộng rằng có một ca bệnh nặng. Thông thường thì Tổ cho hay có cứu được hoặc không. Nhưng lần nầy ông bảo mình hãy cố gắng, vì nếu như nạn nhân nầy có tích đức của cha ông thì sẽ qua khỏi, bằng không thì sẽ không cứu được. Tôi rất băn khoăn nên tối hôm ấy tôi làm con gà cúng Tổ và mời mấy ông già hàng xóm qua nhậu để giải bày, vì nếu lỡ không cứu được thì cũng có người lớn tuổi cảm thông, chia sẻ với mình. Chúng tôi vừa nhậu lai rai vừa chờ bệnh nhân tới. Khi thấy cặp mắt của chị Tám trắng đục, đàm lên cứng cổ thì tôi nghĩ hết cách rồi. Đổ hết bốn liều thuốc cũng không ăn thua, xài hết bốn chữ bùa cũng không ăn thua. Tôi mệt lã người như bất lực, bèn lên giường nằm nhắm mắt lại, cố nhớ chữ bùa cuối cùng mà cha tôi truyền lại trong cơn hấp hối, nét nhớ nét quên. Tôi ngồi bật dậy, cố họa theo những gì trong trí nhớ. Nhưng không ngờ khi vừa đổ xong, đàm xuống một cái ọt đến nổi ai cũng nghe được. Lúc ấy đã hơn hai giờ sáng, tôi gần như kiệt sức.
Nhìn căn nhà của Bảy Còi trống trơ vách lá, tôi hỏi hình như ai làm thầy rắn hổ cũng nghèo ? Ông nói “không nghèo sao được, xài tòan thuốc quý hiếm mà đã theo nghiệp tổ thì cứu nhơn không được lấy tiền. Ngày xưa cha tôi giỏi đến nổi các ông chủ tiệm thuốc bắc mời ra xem mạch kê toa, vừa hưởng lương vừa hưởng hoa hồng, nhưng ông kiên quyết từ chối. Bây giờ tôi truyền nghề lại cho con tôi cũng thế. Đã theo nghiệp tổ thì phải luôn tu tâm dưỡng tánh, không được vụ lợi,dù có nghèo đến cạp đất ăn cũng phải xem việc cứu người là bổn phận của mình”.
Nhà văn Sơn Nam nói rằng, ngay từ buổi bình minh của lịch sử khẩn hoang miền Nam, dường như tạo hóa đã ban cho mỗi làng xã một bà mụ vườn, một ông thầy lang và một ông thầy rắn hổ để cứu nhơn độ thế. Sự phân bổ nầy không theo địa giới hành chánh mà theo khỏang cách không gian tương ứng với thời gian chuyển bệnh bằng phương tiện xuồng chèo một cách an tòan. Ví dụ như khi bị rắn cắn thì phải tìm thầy gần nhất để cứu kịp trong thời gian một tiếng rưởi đồng hồ.
Anh Năm Rí, trưởng công an huyện U Minh dẫn tôi đến nhà ông Sáu Thuận, 67 tuổi, chuyên trị vùng Nguyễn Phích, Biện Nhị, Khánh Lâm suốt 47 năm qua. Cũng như Bảy Còi, ông Sáu Thuận là một nông dân hiền lành, chất phác, nói năng từ tốn từng câu. Khi khách đến, các con ông cúi đầu chào hỏi, pha trà rồi rút lui làm cho chúng tôi thầm nể phục một gia đình có gia phong nề nếp. Ông sáu Thuận cho biết, cha ông là Phạm Văn Cử, một thầy thuốc rắn nổi tiếng ở vùng nầy. Ông Cử lại là học trò của hai ông Tư Lục và Tám Rớt, hai bậc thầy thuộc hàng cao thủ với nhiều huyền thọai còn truyền lại ở U Minh. Ông Thuận kể rằng Tư Lục ngày xưa xây nò bắt cá khắp các kinh rạch trong vùng nhưng chẳng ai dám trộm cá vì mỗi cái nò ông sai khiến bốn con rắn hổ mây ngày đêm canh giữ. Năm 1945, Tư Lục bị ông H. một cán bộ huyện bắt giam một tuần vì cho rằng ông hành nghề mê tín di đoan. Khi Tư Lục được trả tự do mấy ngày thì ông H. bị rắn cắn, gia đình rước hai ba ông thầy đến chữa nhưng không khỏi, rước Tư Lục thì ông từ chối. Đến khi người ta đóng hòm chuẩn bị liệm ông H. thì Tư Lục tới, ông cầm nhan họa một chữ gì đó lên chỗ vết răng rắn trên chân ông H. và thổi một cái phù, vài phút sau đàm xuống một cái ọt, ông H. sống lại trong sự kinh hãi của dân làng, cuối cùng ông H. đem cái hòm ra đốt bỏ.
Về phần người cha của mình, ông Sáu Thuận cho biết, năm 1960, ông Cử chữa một ca bệnh không thành, ông tuyên bố bỏ nghề và truyền lại cho ông Thuận, bởi vì theo nguyên tắc của nghiệp Tổ, trước mỗi bệnh nhân đều được Tổ báo mộng trước ba ngày, hoặc là từ chối, hoặc là chữa khỏi. Ông Cử nhận chữa nhưng bệnh nhân tử vong, ông cho rằng Tổ không còn độ ông nữa, đành phải giao lại cho con. Trong 47 năm qua, ông Thuận đã cứu chữa cho hàng ngàn người nhưng ông chưa hề nhận của ai một đồng xu, trừ những trường hợp người ta mang gà vịt đến cúng tổ, ông nhận nhưng cũng mời hàng xóm đến nhậu để chung vui, mừng cho bệnh nhân thóat nạn. Ông nói trong 47 năm hành hiệp, ông đã từ chối ba ca theo lệnh tổ, cả ba người ấy đều hành nghề mua bán rắn nên không cứu được. Khi được hỏi về phương pháp điều trị, ông Sáu Thuận bình thản nói:
-Có chú Năm đây là trưởng công an huyện, tôi cũng xin nói thật chẳng giấu giếm điều gì. Cái nghề nầy có sự kết hợp giữa âm dương, giữa duy tâm và duy vật. Ngày xưa tôi trị thuốc là chính, bùa ngãi là phụ. Nhưng sau năm 75, thuốc bắc khan hiếm, thuốc giả tràn ngập thị trường, tôi lên Châu Đốc tìm học cách chữa theo phương pháp duy tâm của một ông thầy Ấn Độ.
Ông Sáu Thuận dẫn chúng tôi sang một gian nhà nhỏ bên cạnh, cửa đóng kín, trong đó có hai bàn thờ trùm vải đỏ, mỗi bàn thờ có một lư hương. Ông nói đây là cái am thờ 12 vị Tổ Lèo. Hàng năm ông cúng Tổ vào ngày mồng ba tháng giêng và mồng năm tháng năm âm lịch.
Anh Năm Rí là người quen biết rất nhiều thầy rắn hổ ở U Minh, kể cả những giai thọai ly kỳ về những ông thầy đã chết. Khi tôi hỏi những chuyện huyền bí về các thầy rắn hổ, như ông sáu Thuận chẳng hạn, Năm Rí cũng trả lời rất thật thà: “ Đúng là khó hiểu, nhưng rõ ràng là họ chỉ làm phước, không lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi”.
Theo anh Năm Rí thì thầy rắn hổ có hai lọai thầy: thầy chữa bệnh và thầy bắt rắn. Thầy bắt rắn thường kiêm luôn nghề chữa bệnh, nhưng cuối đời hầu như tất cả đều chết vì rắn cắn. Còn thầy chữa bệnh tuy vẫn có tài bắt rắn nhưng dường như để tránh hậu quả sanh nghề tử nghiệp, họ không lấy việc săn bắt rắn để mưu sinh.
Anh Sáu Nguyên, một thầy rắn hổ còn khá trẻ ở Rạch Dinh, con trai thầy Tư Biên một thời nổi tiếng ở U Minh cho biết, cha anh dạy nghề cho anh nhưng cấm anh bắt rắn, mặc dù rắn hổ gặp anh phải cúi đầu. Có lần Sáu Nguyên đi tàu đò ra Cà Mau, dọc đường, bao rắn của một hành khách bị sút dây, những con rắn hổ bò ra, phùng mang làm cho hành khách trên tàu hốt hỏang đổ dồn về phía sau. Thấy tàu sắp chìm, Sáu Nguyên ra hiệu cho bà con bình tĩnh rồi bước tới bao rắn, những con rắn đang hung hãn bỗng dưng cúi đầu nằm co lại. Sáu Nguyên bắt từng con bỏ vô bao rồi cột miệng trả lại sự an tòan.
Ở U Minh hầu như ai cũng biết câu chuyện thầy Năm Ngọc có tài đến mức điều khiển rắn đi cắn người khác. Nhưng chính Sáu Nguyên là người xác nhận câu chuyện ấy vì Năm Ngọc là thầy của cha anh. Sáu Nguyên nói Năm Ngọc nổi tiếng cả hai lĩnh vực chữa bệnh rắn cắn và bắt rắn. Hàng năm, sau ngày cúng tổ ( Mồng 5 tháng 5 âm lịch ), Năm Ngọc cho hay năm nay ông tiếp bao nhiêu bệnh nhân và chữa được mấy người, còn mấy người tử nạn. Trong nghề bắt rắn, Năm Ngọc không cần đào hang mà chỉ cần vỗ nhẹ vào miệng hang thì lập tức rắn hổ bò ra nộp mạng cho ông. Hồi nhỏ, Sáu Nguyên từng theo làm học trò Năm Ngọc nhưng cha anh không cho vì hai lẽ: thứ nhất là cấm anh không được bắt rắn để mưu sinh, thứ hai, năm Ngọc từng mang tai tiếng dùng nghề nghiệp để hại người. Sáu Nguyên kể, hồi năm 1970, Năm Ngọc đã làm một chuyện để đời cho đến bây giờ: Ông bị kẻ trộm lấy hai con cá ngát, tức giận ông tuyên bố: “Thằng nào ăn cá của tao phải trả lại con heo”. Mấy hôm sau anh M. ở đầu kinh bị rắn hổ cắn. Hai người học trò của Năm Ngọc chữa không được, bèn rước Năm Ngọc đến cầu cứu. Năm Ngọc bảo phải vái con heo và phải trả lễ đúng ba ngày sau khi hết bệnh. Gia đình nạn nhân làm theo. Khi M tĩnh dậy, Năm Ngọc ra lệnh: “Mầy phải quỳ xuống thề độc là từ nay về sau không được ăn cắp trái cà trái ớt, con cá cọng rau của ai thì tao mới bảo đảm sinh mạng cho mầy”. M. quỳ xuống, mặt không còn chút máu. Ba ngày sau anh đi mua con heo mang qua cúng tổ tại nhà Năm Ngọc. Ông Tư Biên – cha của Sáu Nguyên – lấy làm thắc mắc bèn bỏ mấy ngày ra điều tra xem anh M có lấy trộm cá của Năm Ngọc hay không. Cuối cùng, một người ở kinh Hàng Gòn xác nhận có mua của M một con cá ngát nặng hơn hai kg và thấy M mang về một con.
Từ đó cả vùng U Minh không ai dám làm mất lòng ông Năm Ngọc. Về già, ông bị tâm thần và chết thảm hại trong ngôi miếu hoang.
Nói về ông Tám Rớt, thầy của cha mình, Sáu Nguyên kể: Tám Rớt là một người lang bạt không nhà, một thân một mình với chiếc xuồng và cái thùng đựng rắn. Ông thường tá túc ở nhà của những học trò ruột của mình, mà chủ yếu là nhà Tư Biên – tức cha của Sáu Nguyên. Thuở ấy, Sáu Nguyên mới 15 tuổi. Một hôm, Tám Rớt và Tư Biên đang ngồi uống trà, bổng Tám Rớt gọi Sáu Nguyên đến bảo anh đi rửa thùng rắn hổ. Sáu Nguyên chết điếng người khi nhìn thấy trong thùng hàng trăm con rắn đang phùng mang trong tư thế tấn công. Tám Rớt bảo anh cứ bắt hết rắn thả ra sân rồi múc nước rửa thùng. Đang muốn học nghề và biết ông thầy đang thử thách lòng dũng cảm của mình, Sáu Nguyên đánh liều làm theo. Nhưng anh ngạc nhiên khi Tám Rớt ho một tiếng thì những con rắn hổ đang phùng mang ấy bổng cúi đầu ngoan ngõan. Khi anh bắt chúng thả ra sân, những con rắn lại phùng mang và bò đi tứ phía, Tám Rớt lại ho một tiếng, chúng liền mọp xuống, co mình nằm khoanh một chỗ. Cứ thế, Sáu Nguyên hốt sạch hàng trăm con rắn trong thùng thả ra sân, rửa thùng xong, anh lại hốt chúng bỏ vào. Những con rắn cứ hiền lành như dây chuối.
Như để chứng tỏ tài nghệ của mình, chiều chiều Tám Rớt thường bắt con rắn hổ quấn lên cổ và dẫn Sáu Nguyên đi chơi trong xóm. Lúc trà dư tửu hậu, ông bảo con rắn bò lên mình bất cứ người nào mà ông muốn. Rồi có một ngày, Tám Rớt bơi xuồng về nhà Tư Biên trong tư thế rã rời, mặt mày tái nhợt. Biết chuyện gì đã xảy ra, Tư Biên thắp nhang lên bàn thờ Tổ và bảo Sáu Nguyên đi rước thêm một ông thầy trong xóm nhưng Tám Rớt bảo: “ Khỏi chữa, hết thời rồi ! Chính nó, chính con rắn chúa trong miễu mà tôi từng sợ nhất nhưng vẫn không thóat khỏi nó”.
Sáu Nguyên tổng kết rằng hầu hết những người sống bằng nghề bắt rắn và mua bán rắn khi về già tâm trí không bình thường, kẻ thì nát rượu, người thì lảm nhảm như điên, và cuối cùng đa số họ chết vì rắn hổ chúa.
Tôi gặp thầy Ba Ớt ở ấp 4 xã Khánh Lâm, tuy mới 50 tuổi nhưng trông anh già khọm, giọng nói khàn khàn, người lúc nào cũng ngà ngà say. Ba Ớt cho biết, lúc đi bộ đội ở biên giới Tây Nam, anh học nghề bắt rắn của một ông lão người Chăm, khi xuất ngũ về quê, anh sống bằng nghề bắt rắn cho đến bây giờ. Vào những năm 80, rừng U Minh còn mù mịt, Ba Ớt bắt một ngày hàng trăm ký rắn. Hỏi có bí quyết gì, Ba Ớt nói anh không có khả năng vỗ miệng hang cho rắn bò ra như Năm Ngọc và Tám Rớt, chỉ có điều rắn hổ gặp anh là phải cúi đầu nằm im một chỗ. Anh chìa hai bàn tay cho chúng tôi xem, hai bàn tay sần sùi như da cóc, anh nói đã bị rắn hổ cắn hơn mười lần nhưng chẳng ăn thua gì. Hỏi khi bị rắn cắn thì chữa bằng cách nào, Ba Ớt nói: “ Nếu là rắn hổ mây thì hái đọt mây nhai với phèn chua, nuốt nước, lấy xác đắp lên vết cắn. Còn rắn hổ đất thì quay lưng lại, bước đúng bảy bước, lấy bất kỳ cỏ gì có thể lấy được, cũng nhai, nuốt nước, lấy xác đắp lên, nhưng phải nút máu bầm chỗ vết cắn”. Ngừng một lát, Ba Ớt nói tiếp: “ Nói gì thì nói nhưng tại mình chưa tới số thôi, trước sau gì tôi cũng gặp con rắn chúa. Sanh nghề tử nghiệp mà !”
Hỏi về sự huyền bí trong nghề, Ba Ớt nói rằng trước khi đi phải thắp nhang trước bàn thờ Tổ và vái: “ Xin ba mươi sáu vị lục Tổ, chúa sơn lâm, rừng, thần sơn, thần đất . . . cho tôi đi xóm”.
Chúng tôi định mang những câu chuyện đầy màu sắc huyền bí ở U Minh về đối chiếu với trại rắn Đồng Tâm – Mỹ Tho, một trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các lòai rắn độc có một không hai ở Việt Nam mà người sáng lập nó là một thầy rắn hổ nổi tiếng ở miền tây nam bộ: Đại tá, bác sĩ quân y Trần Văn Dược. Nhưng ông Tư Dược đã qua đời cách nay 17 năm, những huyền thọai về ông cũng đã kết thúc khi khoa học kỹ thuật và nhiều công trình nghiên cứu đã được ứng dụng từ trại rắn nầy.
Thượng tá Nguyễn Quang Khải, phó giám đốc trại rắn cũng kể một cách mập mờ về ông Tư Dược: “ Nghe nói ngày xưa, chú Tư được một ông thầy Ấn Độ dạy nghề điều khiển rắn và chữa rắn cắn bằng những phương pháp gia truyền, nhưng kể từ khi trở thành bác sĩ và xây dựng trại rắn nầy, ông hướng công việc chăn nuôi và chữa rắn cắn thành các đề tài khoa học, những huyền thọai lần lượt mất đi”.
Trước cổng trại rắn Đồng Tâm là một trung tâm cấp cứu và điều trị các bệnh do rắn độc. Bình quân mỗi năm tiếp nhận khỏang 500 bệnh nhân ở các vùng lân cận. Thiếu tá bác sĩ Phan Văn Phát, phó giám đốc trung tâm giải thích: Khi bị rắn độc cắn, nọc rắn theo đường máu của bệnh nhân, tác động đến thần kinh trung ương, tăng tiết đàm giải mà dân gian thường gọi là trào đờm, sau đó bệnh nhân sẽ bị cứng hàm, sụp mi mắt, trong vòng 90 phút thì tắt đường hô hấp. Những năm trước đây, tỷ lệ tử vong tại trung tâm cấp cứu rất cao vì dùng thuốc gia truyền, tác dụng chậm nên không cứu được những bệnh nhân vận chuyển đường xa. Từ năm 2001 đến nay, trại rắn Đồng Tâm kết hợp với viện Pastuer Nha Trang nghiên cứu thành công việc dùng nọc rắn hổ với máu ngựa để bào chế ra lọai vacxin tiêm trực tiếp vào mạch máu của bệnh nhân. Kết quả nầy đã giảm tối đa tỷ lệ tử vong tại trung tâm cấp cứu, nếu bệnh nhân chưa tắt thở trước khi vào cổng.Bác sĩ Phát cũng cho biết thêm, giá của mỗi liều thuốc như vậy là hai trăm ngàn đồng, mỗi bệnh nhân phải được tiêm từ 5 đến 20 liều tùy theo nọc độc của mỗi lọai rắn. Tuy nhiên, so với các phương pháp điều trị dân gian thì lọai vacxin nầy không ngăn được sự họai tử ở vết thương nên bệnh nhân phải vá da. Song, cho dù phải tốn kém thời gian và chi phí đến đâu cũng không thể so sánh với một mạng người. Chỉ có điều, vì những lý do nào đó mà lọai vacxin quý hiếm nầy chỉ cung cấp cho bệnh viện Chợ Rẫy và trại rắn Đồng Tâm thì những miền quê xa xôi vẫn chưa kết thúc những huyền thọai bí ẩn về những thầy rắn hổ.
Chúng tôi ghi lại những câu chuyện nầy một cách tự nhiên – cái tự nhiên vốn có như huyền thọai. Không cổ súy, cũng không bài bác. Biết nói thế nào được khi cuộc sống cứ luôn tồn tại những điều bí ẩn.