Thứ Năm, 15 tháng 1, 2009

TRỞ LẠI ĐỈNH MỒ CÔI




Ca sĩ nghiệp dư Minh Triển vừa trở lại Đỉnh Mồ Côi

Kể xong câu chuyện Cổ Tích Trên Đỉnh Mồ Côi, tôi vẫn còn ray rứt trước hai câu hỏi không tìm ra lời đáp: Thứ nhất, liệu anh Bông có lấy vợ được không ở cái tuổi bốn lăm ? Người phụ nữ, dù có rộng lượng đến đâu cũng không thể ưng một người chồng đang nuôi 11 đứa con nheo nhóc. Thứ hai, chuyện học hành của 11 đứa trẻ ấy rồi sẽ ra sao giữa đỉnh núi cao hoang vu, heo hút, đường đến trường quanh co, năm ba cây số, dốc núi dựng đứng, trập trùng ? Tôi đã gởi vào đoạn kết câu chuyện một nỗi lo cùng với một niềm tin mong manh, rằng : “ Khi bà Tiên qua đời, liệu anh tiều phu có lo cho những thiên thần bé nhỏ ấy học hành đỗ đạt hay không ? Những câu chuyện cổ tích bao giờ cũng đi đến một kết thúc có hậu. Nhưng dân gian thường hay lý giải sự bế tắt bằng những phép màu. Và tôi hy vọng trong câu chuyện nầy, sẽ có một phép màu nào đó đến với anh Bông. Phép màu ấy chính là cái tâm, là lòng nhân ái đang ẩn chứa đâu đây, trên cõi đời nầy”.

Và, cái phép màu ấy đã đến với anh Bông và những đứa trẻ mồ côi sau khi câu chuyện được kể trên Sài Gòn Tiếp Thị.

Một buổi tối, Dì Ba gọi điện cho tôi, nói như nữa đùa nửa thật: “Con biết không, mấy ngày qua có nhiều cô từ miền Trung đến miền Tây, rồi cả bên Mỹ gọi điện cho thằng Bông để chia sẻ, bày tỏ tình cảm, nhã ý muốn lên đây làm mẹ của mấy đứa nhỏ, giờ con tính sao ?”

Gần một năm sau tôi trở lại Đỉnh Mồ Côi thì Câu Chuyện Cổ Tích đã có nhiều thay đổi đến không ngờ. Con đường lên đỉnh núi đã được tráng xi măng để xe gắn máy dễ dàng lên xuống, anh Bông cho biết, ngay tuần đầu sau khi câu chuyện được lên báo, nhiều tổ chức, cá nhân đã mang tiền lên giúp sức, kẽ ít người nhiều, trước hết là giúp anh làm con đường bê tông để giảm bớt nỗi nhọc nhằn khi lên xuống núi. Mới đây, một nhóm thanh niên gọi là nhóm chim gồm 36 người do dược sĩ Trần Anh Tuấn dẫn đầu từ Đòng Nai lên chơi , chở lên ba tấm nệm Kim Đan, mấy thùng đồ chơi trẻ em và 14 triệu đồng tặng cho đám trẻ.Có một câu chuyện rất cảm động mà dì Ba nói rằng dì sẽ giữ bí mật cho đến khi nào tôi trở lại để dì dành cho tôi một sự ngạc nhiên. Hôm ấy, có một chàng trai tên là Minh Triển từ Mỹ trở về, một thân một mình trèo lên đỉnh núi, khi tới nơi, anh ôm những đứa trẻ vào lòng rồi bật khóc. Anh nói, đọc câu chuyện trên mạng tưởng người ta hư cấu, không ngờ sự thật là như vậy. Minh Triển cũng không nói gì thêm, trước khi ra về, anh gởi cho dì Ba 300USD cùng với lời hứa sẽ tìm cách giúp dì với anh Bông lo cho mấy đứa nhỏ học hành. Mấy tuần sau, Triển gọi điện qua nói với dì Ba: “Con xin phép được làm con nuôi của má, làm em của anh Bông, làm chú của 11 đứa trẻ để con được góp sức chăm lo cho tụi nó”. Thì ra, trong chuyến đến thăm lần ấy, Triển đã khảo sát dưới chân núi Cấm có trường học dạy từ lớp một đến lớp 12. Anh đề nghị anh Bông xuống chân núi mua đất xây nhà cho các cháu có chỗ ở gần trường để học hành, công việc tiến hành tới đâu Triển gởi tiền về tới đó. Đến nay, ngôi nhà đã được hoàn tất, chiều ngang 9 mét, chiều dài 20 mét, một trệt một lầu, phía sau có 1.000 mét vuông đất vườn. Anh Bông cho biết, Triển gởi về tổng cộng 45.000USD. Ngôi nhà 360 mét vuông, mỗi đứa một phòng ngủ riêng, đó là ý tưởng của Minh Triển vừa tập cho các cháu sinh hoạt độc lập, vừa dự phòng khi chúng lớn lên có đủ không gian để sinh hoạt cá nhân.

Minh Triển là ai ? Tôi gởi lại địa chỉ mail cho anh Bông với hy vọng sẽ liên lạc với con người khá bí ẩn nầy.

Anh Bông lấy ra cho chúng tôi xem hơn mười lá thư của các chị, các cô gởi về, không chỉ từ mọi miền đất nước mà cả những lá thư cách nửa vòng trái đất. Mỗi người kể một hoàn cảnh, một tâm sự khác nhau. Nhưng thật đáng trân trọng vì hầu hết những lá thư đều bày tỏ lòng trân trọng với anh Bông. Ai cũng muốn chung vai gánh vác với anh một phần trách nhiệm. Một chị ở Hà Nội tâm sự rằng, chị lấy chồng gần năm năm nhưng không có khả năng sinh con, bị chồng bỏ đi lấy vợ khác, chị sống trong những ngày tuyệt vọng thì tình cờ đọc được câu chuyện về anh, bỗng dưng chị khát khao muốn được làm mẹ của những đứa con anh, được bồng ẵm, được chăm sóc chúng như con ruột của mình. Một chị ở Cali thì đặt thẳng vấn đề kết hôn với anh và bảo lãnh cho những đứa con anh du học. Tôi hỏi Bông tính sao, anh cười hiền: “Mình chẳng biết tính sao cả, đã thề sống độc thân để nuôi tụi nó rồi, giờ lấy vợ, liệu người ta có thương tụi nó bằng mình không, nói thì nói vậy chớ chạm vào thực tế mới biết, không khéo sẽ đỗ vỡ hết, sẽ nát bét hết . . .”

*

Mấy ngày sau, tình cớ tôi nhận được mail của Minh Triển, anh tâm sự khá dài. Ngoài những điều như dì Ba và anh Bông kể, Triển còn cho biết tuổi thơ của anh ở Trà Vinh đã trải qua những tháng ngày cơ cực, mồ côi cha từ bé, phải nghỉ học sớm để mưu sinh. Năm 13 tuổi, Triển theo một chuyến tàu đánh cá ra khơi và không ngờ rằng minh đặt chân lên đất Mỹ. Tuổi thơ lưu lạc, khao khát tình thương. Khi lên tới Đỉnh Mồ Côi, Triển như thấy bóng dáng thân phận mình qua từng đứa trẻ. Về Mỹ, anh quyết định gom đến đồng bạc cuối cùng của mình dành dụm bao nhiêu năm để làm một điều gì đó nhằm giảm bớt nỗi bất hạnh cho những đứa trẻ ấy, Triển cảm thấy như được bù đắp cho những mất mác của chính tuổi thơ mình.

Đầu năm nay, Triển về nước, anh rủ tôi cùng anh trở lại Đỉnh Mồ Côi. Khi anh vừa bước vào nhà, những đứa trẻ đồng thanh reo mừng “ba Triển !”. Triển ôm hôn từng đứa, hỏi thăm từng đứa như một người cha đi xa vừa gặp lại những đứa con ruột thịt của mình. Triển cho biết, với một ngôi nhà như thế chỉ mới là điều kiện cần cho chúng, còn điều kiện đủ để chúng học hành đến nơi đến chốn là cả một vấn đề, một chặng đường dài mà anh phải tính, phải lo. Hiện tại, anh đã lập Hội từ thiện ở Cali và vận động được một ít tiền. Trong chuyến về nầy, anh sẽ xây dựng một lộ trình chi tiêu vừa hợp lý, vừa minh bạch để mang về bên ấy trình cho Hội. Hy vọng rằng – Triển nói – những đứa con của em sẽ được học hành tử tế.

15 nhận xét:

Cai Bua D nói...

Xa hoi con nhieu nguoi tot qua,xin nghieng minh kinh phuc!Hi vong nhung nguoi tot se co cuoc song tot dep..

Ka nói...

Khi cổ tích có thật thì vẫn khiến người khác phải chảy nước mắt vì nhiều nỗi.

Phương Nguyên nói...

Hay quá hay quá là hay xin tặng cho tràng pháo tay là lá la
Đúng là như cổ tích, quả là ngòi bút anh có sức mạnh vô biên (không phải ngòi bút của ai cũng được zị đâu!)
Mừng cho anh Bông và bầy con của ảnh. Giờ chúng có thêm người mẹ nữa là hoàn hảo.

MAP M nói...

Đời nay cổ tích vẫn còn a?
Phải nhờ nhân thế viết lại đa
Chon von chót núi cùng thâm ấy
Sáng rỡ lòng người tựa núi Ba
Không cần thêm cân mứt , gói kẹo . Câu chuyện này ngọt ngào ngày xuân lắm rồi anh Danh ơi! Cảm ơn anh!

Lái heo nói...

Cầu mong những tốt lành sẽ đến với những đứa trẻ

bachaibubu nói...

Thật cảm động trước những tấm lòng vàng, chắc chắn đây sẻ là mùa xuân thật đẹp cho tất cả mọi người trên đỉnh mồ côi, cám ơn anh Danh.

vanhoasahuynh nói...

Ở đây không thể nói công trạng mà chỉ có tình thương!
Anh thật tuyệt vời, rượu ngon vẫn dành cho anh!

May N nói...

Trên đỉnh Mồ côi có chuyện cổ tích, một hôm gặp người viết cổ tích (là anh Danh nà) lại làm thêm nhiều cổ tích khác. Cuộc sống của không ít hòang tử, công chúa trong câu chuyện đã bớt nhọc nhằn.
Anh Danh ơi để em góp ý với anh Bông nghen, cứ cho mấy cô ứng cử viên làm mẹ tụi trẻ, lên chơi, sống và chăm sóc tụi nó một thời gian coi có chịu đựng nổi không, có thương yêu tụi nó được như đã nghĩ không, rồi tính sau.
Nghe cái này cũng hơi "Tây" hén, nhưng em không nói sống thử đâu nghen, chỉ là đến chơi, ở lại thăm và tìm hiểu thôi.....
Nếu mà dùng được thì coi như một giải pháp khả thi vậy, chứ gà trống nuôi mười mấy đứa con thì cũng không phải dễ dàng.

Mùa đông khó quên nói...

đúng là chuyện cổ tích! cám ơn anh đã kể câu chuyện cổ tích này, giữ lửa cho niềm tin vào những chuyện nhân ái tốt đẹp trên đời này

Thu Nhân nói...

Mừng quá cho 11 đứa trẻ.
Mừng quá cho anh Bông có thêm điều kiện để hoàn thành ước nguyện của mình.
Mừng quá vì còn rất nhiều người có lòng.
Mừng quá vì VĐD đã làm nên chuyện diệu kì. Nhưng mà, đừng uống rượu nhiều quá nghe!

[deleted] nói...

chuyện nào cũng kết thúc có hậu thế này thì tốt, bác nhỉ

Song Thu nói...

Cũng Có một sinh viên trường CĐSKĐA.TPHCM -từ năm ngóai-có làm film về câu chuyện TRÊN ĐỈNH MỒ CÔI-(mà blog em có giới thiệu trong phần NHẬT KÝ XEM FILM), Film này hiện do nhà trường ấy giữ bản quyền.
Lần chiếu Film ấy, Báo CATPHCM cũng có đại diện tham dự và có hỗ trợ tạm thời trước cho anh Bông - cũng như một số trường hợp khác-một số tiền mặt, hình như mỗi suất gồm mười triệu đồng, để phụ giải quyết khó khăn trước mắt.
Em nhớ lúc ấy Thầy Phạm Thùy Nhân có gợi ý một số vấn đề về hòan thiện các thủ tục pháp lý.v.v..để danh chính ngôn thuận lo liệu cho các cháu mồ côi sau này, tránh những rắc rối nếu có thể có.(Vì phần lớn các cháu đều bị bỏ rơi hoặc đem cho từ lúc bé xíu - sau này nhờ bàn tay chăm sóc của cha nuôi và bà nội nuôi, các cháu bụ bẩm, dễ thương , hiếu động lắm !)
Qua bài báo của anh ,cũng như qua sự vận động của anh, mừng cho anh Bông có được vị mạnh thường quân là anh Minh Triển và một số vị khác, và anh Bông cũng đã có nhiều cô gái thương yêu và để ý muốn kết tóc se duyên.
Xin Chúc mừng và luôn mong mỏi người mang cho hạnh phúc cũng sẽ nhận được hạnh phúc , mặc dù với bầy con 11 đứa dễ thương xinh xắn, anh Bông -(cả bà nội và chú Triển) đã rất hạnh phúc rồi....
Nếu việc chăm sóc cho chúng sau này trở nên người hữu dụng có thêm bàn tay của Mẹ hiền, thì đây quả là một mái nhà hạnh phúc đặc biệt đó ....

Song Thu nói...

Và xin chúc mừng anh Danh-chắc anh cũng thấy hạnh phúc lây he ? he he ( làm cha đỡ ...cái đầu mừ ?)

BS Hồ Hải nói...

Cảm ơn tấm lòng chân chất của Võ Đắc Danh. Đất nước mình còn lắm sự lệch pha trong cuộc sống, làm được điều tốt như thế này là quí lắm lắm.

NGUYEN X nói...

Cảm ơn chú đã cho cháu biết được trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều người tốt. Chú đã giống như là ông Bụt của các bé ấy...Cháu nghĩ từ nay mình sẽ lam nhiều thứ hơn. Nếu như có điều kiện, khi đi công tác cháu sẽ ghé thăm các em.