Thứ Năm, 1 tháng 1, 2009

MỘT NHÀ BÁO - MỘT ĐỜI NGƯỜI




Nhà báo Trần Tấn Quốc đọc diễn văn khai mạc giải Thanh Tâm năm 1958







Ngày 25-9-1914, bên bờ sông Đình Trung, làng Mỹ Trà đã sinh ra một nhà báo nổi danh, một ký giả kịch trường gắn liền với sự phát triển của sân khấu cải lương Nam bộ. Đó là nhà báo Trần Tấn Quốc.

Trần Tấn Quốc tên thật là Trần Chí Thành, con cụ Trần Tấn Hưng, một nhà Nho, một thầy thuốc Đông y, đồng thời cũng là nhà yêu nước nổi tiếng ở Cao Lãnh, cùng thời với Lưu Quang Bật, Lê Văn Sao, Nguyễn Quang Diêu.

Thời niên thiếu, từ khi còn là học sinh tiểu học ở Cao Lãnh, Trần Tấn Quốc đã có ước vọng trở thành nhà báo trong tương lai. Ông từng ngưỡng mộ và thán phục nghĩa khí và tài năng làm báo của Nguyễn An Ninh và Diệp Văn Kỳ. Nhưng ước vọng ấy tưởng sẽ không thành vì vừa học xong tiểu học, năm 17 tuổi, ông bị kết án 4 năm tù và bị đày ra Côn Đảo vì tham gia rải truyền đơn chống Pháp. Thay vì bốn năm lên sài Gòn tiếp tục học lấy bằng Thành Chung để đi làm báo thì Trần Tấn Quốc lại ngồi tù Côn Đảo.

Được phóng thích trước thời hạn một năm, nhưng khi ra tù, viên chủ quận Cao Lãnh Lê Văn Giáp bắt ông phải ra đình Thần làng Hòa An để thề với thánh thần rằng từ nay không được làm mất an ninh trật tự, phải tuân hành phép quan luật nước. Và trong một năm án treo ấy, mỗi tuần Trần Tấn Quốc phải lên trình diện với hương quản và mỗi tháng phải lên trình diện với chủ quận một lần.

Một hôm, Trần Tấn Quốc đi xem lễ “14 Juillet”, thấy người Pháp bày những trò chơi làm nhục đồng bào mình như: cạp chảo, đập tĩn, leo cột thoa mỡ bò . . . để lấy tiền, ông nổi máu viết một bài báo gởi lên Sài Gòn để tố cáo “ những trò chơi hạ thấp phẩm cách con người, làm tổn thương truyền thống oai hùng của một dân tộc”. Sau bài báo ấy, viên chủ quận nổi trận lôi đình, ra tuyên bố từ nay cấm Trần Tấn Quốc đến chợ, cấm ra khỏi làng bất cứ lý do gì, và mỗi ngày phải đến trụ sở xã Hòa An ký tên vào sổ hiện diện. Quyết định ấy được gởi cho tất cả cò bót và làng xã để thi hành.

Một đêm tối trời, Trần Tấn Quốc bỏ xứ trốn lên Sài Gòn làm báo. Đêm ấy, mẹ ông và người em của ông dùng chiếc xuồng ba lá, bơi theo con nước ròng, vượt sông Tiền chở ông qua Sa Đéc, để từ đó, ông lên chuyến xe đò sớm nhất đi Sài Gòn.

Một chàng trai 22 tuổi, mới học hết lớp Năm trường làng dám bỏ quê lên Sài Gòn làm báo. Đó là một thử thách lớn lao với Trần Tấn Quốc. Một thử thách mà ông nghĩ rằng không thể nào vượt qua được: đối với một phóng viên lúc bấy giờ, mọi thứ quan hệ để thu thập thông tin thời sự từ cò bót, quan thuế, nhà thương, pháp đình, bộ máy chính quyền, các văn bản tài liệu . . . đều dùng tiếng Pháp, trong khi ông chỉ là một học sinh tiểu học quê mùa, thất cơ lỡ vận. Trần Tấn Quốc đứng trước hai ngõ cụt: Trở về thì chắc chắn bị tù, mà ở lại thì lấy gì để sống ?

May thay, có một người tốt cưu mang ông, đó là giáo sư Đinh Nho Hàng, một thầy giáo dạy Pháp văn ở một trường tư thục.

Trần Tấn Quốc vừa học tiếng Pháp, vừa tập tành làm báo. Ở gần nhà giáo sư Hàng có một nhân viên cảnh sát điều tra, Trần Tấn Quốc làm quen và đi theo những lúc anh ta thi hành công vụ. Ba tháng sau, ông viết được một thiên phóng sự “Bọn móc túi ở Sài Gòn” rồi tự mang đến bán cho ông Nguyễn Phan Long, chủ nhiệm tờ nhật báo Việt Nam, tại số 276 Lagrandìere ( tức đường Lý Tự Trong bây giờ ). Phóng sự ấy được đăng bảy kỳ trên báo Việt nam, Trần Tấn Quốc được trả nhuận bút 20 đồng và được nhận vào làm phóng viên chính thức với mức lương 30 đồng mỗi tháng. Đó là tháng 6 năm 1936, Trần Tấn Quốc vừa tròn 22 tuổi.

Được sự giúp đỡ tận tâm của các bậc nhà báo đàn anh như Nguyễn Phan Long, Nam Đình, Đào Trinh Nhất, Trương Lập Tạo, Hòang Tâm . . . Trần Tấn Quốc say sưa vừa làm vừa học. Ba năm sau, ông đã hòan tất chương trình nghiệp vụ báo chí hệ hàm thụ của trường Universelle ở Paris. Chính trường học nầy đã giúp cho Trần Tấn Quốc một quan niệm rõ rệt về nghề viết báo và trách nhiệm nặng nề của một nhà báo.

Chẳng bao lâu, ông đã trở thành một nhà báo lừng danh giữa đất Sài Gòn.

Con đường mang tên Nam Quốc Cang ở quận Một ngày nay chính là bút danh của ba người đồng nghiệp đã đi vào lịch sử báo chí miền Nam: Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Lê Trung Cang ( sau nầy trở thành bút danh của Nguyễn Văn Sinh – một nhà báo đã bị người Pháp ám sát ), những bậc thầy đà từng làm nên các tờ báo: Điển Tín, Tin Điển, Tin Mới, Dư Luận, Việt Thanh, Đuốc Nhà Nam. Ngoài ra, Trần Tấn Quốc còn làm chủ bút và chủ nhiệm các tờ Thần Chung, Công Nhân, Tiếng Dội, Lẽ Sống, Buổi Sáng, Tiếng Dội Miền Nam, Dân Quyền . . .

Trải qua 40 năm làm báo, Trần Tấn Quốc ( với các bút danh: Chí Thành, Trần Chí Thành, Trần Tấn Quốc, Cao Trần Lãnh, Thanh Tâm, Trần Tích Lương, Trần Tử Văn, Thanh Huyền, Anh Thành, Chàng Ba, Nghệ sĩ mù, Cô Hạnh ) đã trải qua bảy chế độ chính trị khác nhau, rất nhiều lần bị đàn áp với nhiều hình thức, nhiều thủ đoạn nhưng ông vẫn tồn tại một cách đàng hoàng và không gia nhập một đảng phái chính trị nào, bởi ông cho rằng, báo chí đối với ông chính là một Đạo.

Năm 1961, nhật báo Tiếng Dội của ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm rút giấy phép “vì lý do chính trị”, ông phải mượn giấy phép của các tờ báo khác để làm. Quá mệt mỏi, ông cuốn gói về quê. Nhưng bảy ngày sau, chính ông Ngô Đình Diệm gởi công điện xuống bảo Trung tá tỉnh trưởng Kiến Phong Đinh Văn Phát tìm cho được Trần Tấn Quốc để mời về Sài Gòn gấp.

Tại Dinh Tổng thống, Ngô Đình Diệm nói với Trần Tấn Quốc: “Tôi mến ông là một nhà báo có tài, tôi quý ông là một cây bút có tiết tháo . . .” . Sau cuộc đàm đạo ấy, đến tháng 5/1961, Trần Tấn Quốc được cấp giấy phép xuất bản tờ nhật báo Tiếng Dội Miền Nam, ông đặt tòa soạn tại tư gia số 216 Gia Long.

Sau vụ đảo chánh Ngô Đình Diệm, Trần Tấn Quốc đổi tên Tiếng Dội Miền Nam thành Dân Quyền, đến ngày 3/7/1965 lại bị chính quyền Nguyễn Cao Kỳ thu hồi giấy phép. Lại buồn chán, ông bán nhà về Cao Lãnh hết hai năm. Cuối năm 1967, Nguyễn Văn Lộc lên làm Thủ tướng, Trần Tấn Quốc được mời lên làm cố vấn về báo chí cho Chính phủ. Sau tết Mậu Thân, ông nghỉ làm cố vấn để tiếp tục làm báo.

Năm 1969, Trần Tấn Quốc ra tờ nhật báo Đuốc Nhà Nam, đối lập chân chính với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Có thể nói đây là tờ báo cực kỳ tử tế và bán chạy nhất ở miền Nam thời kỳ nầy, bị chính quyền tịch thu hai lần vì lý do “dùng luận điệu có lợi cho cộng sản” và “xúi giục người khác xâm phạm an ninh quốc nội”.

Ngày 4/8/1972, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sắc luật 007, buộc mỗi tờ nhật báo phải ký quỹ tại Tổng nha ngân khố 20 triệu đồng ( bằng 500 lượng vàng ). Ngày 3/9/1972, Trần Tấn Quốc ra số báo cuối cùng, trên số báo nầy, ông nói lời tạm biệt với bạn đọc, tuyên bố tự ý đình bản và công kích gay gắt sắc luật 007.

Đầu năm 1973, ông trở lại cộng tác với tờ Điện Tín của Hồng Sơn Đông. Sự có mặt của Trần Tấn Quốc đã làm cho tờ Điện Tín tăng số phát hành đến không ngờ. Điều nầy chứng tỏ uy tín của ông trong lòng độc giả.

Ngày 10/10/1974, người ta thấy Trần Tấn Quốc đi đầu trong đoàn KÝ GIẢ ĂN MÀY, một sự kiện làm chấn động dư luận quốc tế và đi vào lịch sử báo chí Việt Nam. Hai ngày sau, trên báo Điện Tín có bài của ông dưới nhan đề: Lỡ khóc, lỡ cười cho chế độ.

Hoạt động dưới nhiều chế độ chính trị khác nhau, Trần Tấn Quốc không theo một đảng phái chính trị nào, có lẽ chính vì vậy mà ông giữ được khí phách của một nhà báo luôn đứng về phía nhân dân, bản lĩnh và sắc sảo trong lĩnh vực chính trị xã hội, Trần Tấn Quốc còn là một nhà báo có tầm cỡ trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là người có sáng kiến mở ra trang kịch trường trên các báo thời ấy, đây là trang báo ăn khách nhất, và là cầu nối giữa công chúng yêu nghệ thuật sân khấu với diễn viên và những người hoạt động sân khấu. Chính trang kịch trường của ông đã khẳng định danh xưng nghệ sĩ, thay cho những từ ngữ mang tính chất khinh miệt như : xướng ca vô loại, thằng kép, con đào, thằng đờn của thời kỳ ấy. Chính trang kịch trường của ông đã góp phần làm trong sạch môi trường sân khấu khi phê phán những cái xấu, tôn vinh cái đẹp, xóa đi những khoảng cách không cần thiết giữa công chúng và nghệ sĩ.

Năm 1958, sau tám năm mở ra trang kịch trường trên các báo, Trần Tấn Quốc sáng lập giải triển vọng Thanh Tâm nhằm phát hiện và tôn vinh tài năng trẻ trên sân khấu cải lương. Thanh Tâm chính là bút danh của ông và phần thưởng nầy cũng từ đồng tiền của ông chắt chiu bằng nghề báo. Hội đồng tuyển chọn gồm những nghệ sĩ , soạn giả nổi tiếng như: Phùng Há, Bảy Nhiêu, Duy Lân, Kiên Giang, Hà Triều, Viễn Châu, Điêu Huyền và các ký giả: Trần Tấn Quốc, Ngọc Linh, Nguyễn Ang Ca, Lê Hiền, Phong Vân, Bạch Tùng Hương cùng các luật sư, chính khách, nhân sĩ và khán giả.

Nghệ sĩ đầu tiên chiếm huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1958 là Thanh Nga, tiếp theo là Ngọc Giàu, Lan Chi, Bích Sơn, Hùng Minh, Bạch Tuyết, Diệp Lang, Thanh Sang, Lệ Thủy, Phượng Liên.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, giải Thanh Tâm vẫn còn giá trị và những nghệ sĩ được tôn vinh ấy càng ngày càng sáng giá, càng được công chúng ngưỡng mộ.

Có thể nói, Trần Tấn Quốc là một nhà báo hành trình cùng với sự phát triển của sân khấu cải lương Nam bộ. Năm 1975, khi ông về quê bên sông Đình Trung, Mỹ Trà, Cao Lãnh, sọan giả Viễn Châu gởi tặng ông hai câu đối bằng tất cả tấm lòng:

- Công nhân, Tiếng dội, Buổi sáng, Đuốc Nhà Nam, giải Thanh Tâm gắng sức vun bồi, duyên bút mực, nghiệp báo chương, xếp lại hành trang, đất Cao Lãnh bao dài bao nuối tiếc . . .

- Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Lê Thị Phỉ, làng ca kịch góp công tô điểm nợ phấn son, tình sân khấu, tàn rồi mộng ước, sông Đình Trung mấy khúc mấy u sầu . . .

Một con người tài hoa nên cũng rất đào hoa nên đường tình của ông cũng lắm nỗi buồn. Năm 17 tuổi, khi đang là tù nhân Côn Đảo thì mối tình đầu của ông lại là một tiểu thư, con của viên giám thị nhà tù – cô Xuân Hoa, con gái ông Quản Thiên – hai người đã từng hẹn hò nhau trên suối Đá Mòn. Nhưng rồi cô gái ấy về đất liền trước khi ông mãn án. Ông đã lặng lẽ xuống bến tiễn đưa khi con tàu nhổ neo và cũng lặng lẽ ở lại chờ mong với thân phận một người tù.

Mối tình thứ hai là bà Bảy Tới, lúc bấy giờ Trần Tấn Quốc đã thành danh nhưng lại bị phụ mẫu cô Bảy Tới từ chối ông vì cái nghề “viết nhựt trình”. Người phụ nữ ấy chính là mẹ của nữ ký giả Kim Mai, phóng viên báo Buổi sáng. Mối tình thứ ba là cô Ba Liên, một chủ tiệm vải lớn ở chợ Thái Bình. Người thứ tư là bà Lê Thị Tuất, mẹ của nghệ sĩ Kiều Mai Lý.Người thứ năm là nghệ sĩ Thanh Loan, diễn viên chính của đoàn Việt kịch Năm Châu, rồi đoàn Thanh Minh-Thanh Nga. Hai người sống với nhau được 10 năm thì chia tay, nghệ sĩ Thanh Loan vào chiến khu, sau năm 1975, bà trở thành đại biểu Quốc hội khóa 6. bà mất năm 1982, thọ 65 tuổi. Người vợ cuối cùng của Trần Tấn Quốc là Thu Tâm, là một đồng hương, từng làm nhân viên cho ông ở báo Tiếng Dội, nhỏ hơn ông 19 tuổi. Hai người sống với nhau được 10 năm thì bà Tâm qua đời vì bạo bệnh, để lại cho ông người con trai tên là Trần Thế Vinh.

Trần Tấn Quốc từ trần ngày 28/4/1987, hỏa táng tại lò thiêu Tân Xuân bằng 15 lít dầu lửa và 3 thước củi xoài của quê nhà.

Ra đi lặng lẽ, âm thầm từ Cao Lãnh và trở về với Cao Lãnh cũng lặng lẽ âm thầm.

Có thể nói, bốn mươi năm làm báo, Trần Tấn Quốc đã để lại cho đồng nghiệp, cho văn nghệ sĩ Sài Gòn một tấm gương sáng, một nhân cách, một tấm lòng và một tính khí nghề nghiệp cao lớn. Những lời tự sự của ông cũng chính là những lời dạy xứng đáng cho những thế hệ làm báo tiếp theo: “ Người làm báo binh vực cho lẽ phải và công bằng một cách hăng say với tinh thần hiệp sĩ, không cần ai kêu gọi, không màng việc oán trả ơn đền. Nơi nào có tiếng thì thầm than thở của dân là có tai của nhà báo ghé vào, nơi nào có sự lộng quyền ỷ thế, là có mắt của nhà báo ngó tới. Nghề làm báo cao cả như vậy, lý tưởng cao sâu của người cầm bút như vậy, há chẳng đáng gọi là một đạo sao ?”

17 nhận xét:

♥Calla♥ nói...

Buồn...

bến TamSa nói...

Nhà báo này có 1 phóng sự về chiến sự Sài Gòn sau ngày 23/9/1945, giờ đây trở thành một tư liệu quý cho tất cả những ai muốn tìm hiểu sử kháng chiến Nam bộ. Tập phóng sự nhiều kỳ này sau in thành sách, em có, đã đọc, mà giờ quên tên rồi. híc.

MAP M nói...

Một nhà báo -nhà bút ký viết về một nhà báo thế hệ đi trước trong ngày đầu năm năm mới để nhớ 95 năm trước nhà báo thế hệ trước đó ra đời ở một miền quê Nam bộ nổi tiếng :1914-Cao Lãnh-TRần Tấn Quốc , đầy một chữ Tình …
Đạo làm Báo , Đạo làm Thầy …suy cho cùng đạo nào cũng có căn duyên từ một Đạo làm Người … Song ngày nay người vô thần thì ít chớ kẻ vỗ ngực xưng tên “vô đạo” thì nhiều .Ấy vậy , mà những kẻ ấy lại được thời thế cho ngồi ở một cái chỗ cao giọng “giảng Đạo” cho thiên hạ mới là ghia chớ anh Danh : Ta phải biết , quốc gia lâm nguy , thất phu hữu…biến . Há chẳng phải trong 36 kế thì tẩu vi thượng sách ? Há chẳng phải trong nhiều chước tẩu thì dĩ đào vi tẩu là nâm bờ wan? Há chẳng phải đời đã chỉ ra cứ lấy chiêu mà chọi nhau thì ắt từ thương cho tới tử , chi bằng hay nhứt là vô chiêu thắng hữu chiêu ? Vì vậy , cứ lấy chiện trong thiên hạ mà lựng bàn thì thời nay vô đạo thắng hữu đạo là chiện ắt có và đủ …
Thiên hạ mừng mà nói : Vô đạo vô vi vô tá lả . Âm công âm đức nát âm binh …tới cái thời mà một cao thủ võ lâm truyền kỳ lên cùng chủ trì công đạo giang hồ thì nói như Độc cô cầu bại đại hiệp đã ôm mối tích mịch trước khi hóa rằng : Nếu biết thời nay hay vậy thì ta đâu đến nỗi ôm hận mà hóa thía này…sống đến ngày nay , thấy mấy thằng bay học cái bài vô chiêu thắng hữu chiêu của ta còn hay hơn ta gấp triệu lần thì ta không cầu mà cũng bại …than ôi , hỷ sự dường này sao ta hok bít mà …chẩu a!
Thôi năm mới 2009 , chào anh với lời chúc An Lành !

Phương Nguyên nói...

Bài hay ghê, nói được một phần lịch sử báo chí ở miền Nam, nhất là nói về "sự tích" đường Nam Quốc Cang mà tui cứ thắc mắc hoài không biết là ông nào. Hồi nhỏ tui ở Xì Gòn, từ lúc biết chữ tới năm 75 đọc báo Sài Gòn được có mấy năm, mà lúc đó là con nít nên không biết nhiều về các ký giả Miền Nam hồi ấy, chỉ nhớ mỗi bác Sơn Nam thôi vì tui thích đọc bài của bác ấy. Cám ơn anh Danh có bài viết rất hay này.

VÕ ĐẮC DANH nói...

M.Ngọc,MAP M,PhuongNguyen: Đây là cái kịch bản phim tài liệu tui viết lâu rồi, nay lục lại post lên chơi

Thu Nhân nói...

Entry đầu năm của một nhà báo viết về một nhà báo.
Thật là nhiều ý nghĩa.
Chúc nhà báo VĐD nhiều may mắn theo đuổi ĐẠO của người làm báo.

Huong nói...

Với những người có tài, yêu nghề và có tâm với nghề, nghề nào cũng là Đạo, và chỉ có thể nói điều đó bằng chính cuộc đời làm nghề của mình.
Bài hay lắm. Và cũng có ý nghĩa trong ngày hôm nay, khi nhiều người đang hoang mang trước những ngả đường của báo chí...

vu duc nói...

Một câu chuyện, một ý muốn truyền. Cám ơn anh dù em không phải làm đạo báo.

8Fieu nói...

Hoi nho tui thich ong nay lam.Bay gio van con thich.Cam on ban gia

BôngBông nói...

Trước đây, em cứ tưởng Trần Tấn Quốc và TRần Tử Văn khác nhau.
Bây giờ biết thêm về cái tên Nam Quốc Cang nữa
Cám ơn anh :)

8Fieu nói...

Còn nhí nha nhí nhảnh như tui với bạn thì coi như chúng ta "Vĩnh viễn tuổi 17"( đó là tên vở kịch của anh Lưu Quang Vũ viết về một người họ Lý tên Tự Trọng"

nam i nói...

một bài rất hay và nhiều ý nghĩa. Thời nhiễu nhương mà nhà báo còn giữ được 'đạo' , khó thay

Mùa đông khó quên nói...

bài hay quá, cám ơn Anh.

ngoc n nói...

nỗi lòng của người viết báo

caonguyenbui nói...

Một người tài, nổi tiếng như vậy ở quê em mà em không biết. Cảm ơn anh.

Bút Thép nói...

Cảm ơn tư liệu bài viết của anh. Có thể đăng báo ko anh?

Ti Co Nuong nói...

Hoạt động dưới nhiều chế độ chính trị khác nhau, Trần Tấn Quốc không theo một đảng phái chính trị nào, có lẽ chính vì vậy mà ông giữ được khí phách của một nhà báo luôn đứng về phía nhân dân, bản lĩnh và sắc sảo trong lĩnh vực chính trị xã hội....
Xin được thêm chữ "a" sau chữ "phí" cho đủ nghĩa cả câu...
và có lẽ đây là câu có ý nghĩa nhất đọng lại trong tôi...
Cám ơn bác Danh!