Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2009

THƯƠNG NHỚ CHIỀU XƯA




Bài đăng trên báo Xuân Người Lao Động


Tết năm ngoái không về quê, tối Ba Mươi, tôi chạy xe đi dạo một vòng Sài Gòn. Lạ, đêm Ba Mươi Tết của Sài Gòn vắng lặng khác thường. Đường phố thưa người, nhà nhà khóa cửa. Hóa ra Sài Gòn không phải của người Sài Gòn. Người Sài Gòn ai cũng có một miền quê. Bởi thế, ngày Ba Mươi Tết là ngày của những đoàn xe chen nhau từ Sài Gòn đi về mọi nẻo đường đất nước. Tôi lang thang trên đường Lê Hồng Phong rồi rẽ vào một con hẻm, ghé vào nhà anh Hai Bạch, người anh bà con bên ngoại, gốc Cà Mau. Anh Hai Bạch lấy khô trâu ra nướng, hai anh em ngồi uống bia cho đến giao thừa. Mùi khô trâu bốc lên giữa Sài Gòn trong đêm Ba Mươi Tết cứ làm cho hai anh em tôi chìm sâu vào một vùng tuổi thơ trong ký ức. Mùi rạ, mùi rơm, mùi khói đốt đồng, mùi khói un trâu, mùi cá lóc nướng trui quyện trong từng cơn gió bấc.

Năm 1966, trước khi Ba tôi mất một năm, lúc ấy tôi còn là thằng bé chưa biết gì, đầu hớt cua, người hôi trâu khét nắng. Hôm ấy Ba tôi từ chiến trường về, sau một cuộc giao tranh, ông mang về một đùm thịt trâu chừng năm bảy ký, ông nói con trâu Pháo của bác Tư Vạn chết vì mấy viên đạn súng trường xuyên qua bụng, không biết của phe địch hay phe ta. Hồi ấy, xứ tôi có một tập quán rất lạ, hễ trâu chết thì chủ trâu xẻ thịt cho cả xóm cả làng, không bán dù gia chủ rất nghèo. Ba tôi bảo mẹ tôi lấy một ít thịt trâu đem luộc, chấm cơm mẻ ăn, phần còn lại để ông làm khô, dành Tết uống trà. Ba tôi không uống rượu, vả lại hồi chiến tranh, không ai dám uống rượu say, phòng khi bất trắc nên Ba tôi thường làm các loại khô để uống trà. Ông xẻ thịt trâu ra từng lát mỏng, ướp xì dầu, đường, tỏi, ớt rồi lấy dây lạc xỏ từng miếng đem phơi tòng teng trên cây so đũa sau nhà. Một lát sau, nghe tiếng quạ kêu cụt cụt, Ba tôi xách cái nạng giàn thun chạy ra thì một bầy quạ đen bay vút lên trời, mỗi con mang theo một miếng thịt trâu lòng thòng như thách thức, những con không đớp được mồi thì kêu quạ quạ rồi rượt đuổi đồng loại để tranh ăn. Ba tôi đứng nhìn theo mà chửi lầm bầm trong tiếc ngẩn tiếc ngơ. Mấy hôm sau, đến chiều Ba Mươi Tết, Mẹ tôi ngồi gói bánh ích, Ba tôi đi lẩn quẩn trong nhà như suy tính một điều gì. Rồi bất giác, ông xách cái thùng thiếc – cái thùng dâu lửa con sò 20 lít mà người ta hay dùng làm thùng gánh nước – ra đồng và bảo tôi đi theo. Ông nói mình đi bắt cá cạn về ăn Tết. Trên cánh đồng chỗ cạn chỗ sâu, chỗ khô, chỗ còn xăm xắp nước, lúa đang vào mùa chín rộ, một màu vàng rực mênh mông. Ba tôi đứng chắp tay sau lưng như chiêm nghiệm, có một giác quan thứ sáu báo hiệu cho ông biết rằng, trong những đàn cá mắc cạn vì mê ăn nên không kịp xuống đìa sau trận mưa rước cá cuối năm, chỗ nào có nhiều cá trê vàng đang ẩn náu. Như xác định được mục tiêu, ông ra hiệu cho tôi lội băng xuống một cái bàu cạn giữa đất chú Bảy Nhiều. Đúng là ông có giác quan thứ sáu, một cái vũng xăm xắp nước chừng vài trăm mét vuông, cá trê ăn móng nghe chốc chốc. Nghe có tiếng người, chúng chui vào nằm im trong gốc lúa sập. Ba tôi dùng hai bàn tay úp nhẹ lên gốc lúa, rồi từ từ ông moi ra từng con cá trê vàng mập ú, lớn hơn cổ tay. Cứ mỗi gốc lúa như vậy, ông bắt được vài ba con. Đến khi mặt trời ngã màu vàng yếu ớt trên đồng, thùng cá cũng sắp đầy, ông bảo thôi mình về, bắt một hồi nữa làm sao xách nổi.

Về nhà, tôi lấy cục xà bông Cô Ba với cái bàn chải xơ dừa ra bờ ao, tắm gội, kỳ cọ, chà xát cho người trôi hết đất bùn rồi mặc bộ đồ mới, mang dép mới vô nhà thì mâm cơm đón rước ông bà tổ tiên cũng đã dọn ra. Cá trê vàng nấu canh bắp cải, cá trê vàng kho tiêu, cá trê vàng nướng dầm nước mắm gừng. Bữa cơm chiều Ba Mươi Tết chỉ có vậy mà đầm ấm, mà nhớ đời.

Hai mươi năm sau, tuy đã dấn thân vào chốn thị thành nhưng cái nghề bắt cá đồng đối với tôi vẫn được xem là một thứ tài vặt để lấy lòng cô bác nông dân và mấy cô thôn nữ. Dặm cù bắt chuột, đặt trúm, giăng lưới, cắm câu . . . hoặc nấu những món ăn dân dã, đồng quê đã cho tôi một cái tên để bà con gọi là anh nông dân cầm bút. Cũng chính vì cái tài vặt ấy mà tôi đã dính chân với một cô gái ở ven rừng U Minh hạ. Câu chuyện bắt đầu từ việc đi câu những con cá rô thóc, hái những cọng rau đồng khi trời mới sa mưa, đến khi lúa trổ đòng đòng, rủ nhau bơi xuồng ra đồng giăng lưới. Từ cánh đồng lạ trở thành cánh đồng quen, quen đến như trở thành một chốn phải quay về. Và năm ấy, bất chợt tôi băng đồng lội về vào một chiều Ba Mươi Tết. Nhìn cái cảnh năm sáu chị em vừa mới mồ côi mẹ, tôi chợt nhớ ai đó từng đọc mấy câu thơ:

Tết nầy mặc áo bông

Ăn bánh tét bánh phồng

Không còn đâu nữa mẹ xoa mái đầu

Tết đến, nhà xiêu vẹo, mấy chị em ngồi chụm vào nhau, cặm cụi, lần mò gói từng đòn bánh tét một cách khó nhọc. Nhìn ra đồng, lúa đang mùa chín rộ, tôi chợt nhớ buổi chiều Ba Mươi của hai mươi năm trước với Ba tôi, với thùng cá trê vàng. Tôi định trổ tài nhưng ngặt nỗi nước hãy còn ngập dưới chân lúa mênh mông. Từ ngoài đồng xa, có những con mương chi chít dẫn vào vườn. Những con mương ấy gợi cho tôi nghĩ ra cách làm hầm bắt cá. Tôi bơi xuồng chở cái khạp da bò ra ruộng, đặt dưới con mương, lấy đất bùn đắp ngang miệng hầm, vuốt cho thật láng để đón lũ cá trên đồng ruộng đang tìm đường về chốn ao đìa. Cứ vài phút, một con cá lóc, cá rô đi qua, gặp vật cản, chúng nhảy tưng lên và rơi vào cái khạp. Người ta gọi đó là cá nhảy hầm.

Chiều, mặt trời sắp lặn, tôi chở đầy một khoang xuồng cá vô nhà. Mấy chị em trố mắt phục tài sát cá của cái anh chàng dân chợ.

Đêm giao thừa ở bìa rừng U Minh hạ im lặng trôi qua sau một vài tràng pháo chuột. Hai đứa chúng tôi ngồi dưới gốc cây vú sữa già thức canh nồi bánh tét. Một bình trà đậm, một dĩa mứt dừa do cô ấy tự làm từ lúc ban chiều, một gói thuốc gò vấn bằng giấy báo. Bên cạnh có một chiếc võng đan bằng dây chuối mắc qua cành vú sữa. Ban đầu chúng tôi nhường nhau. Rồi hai đứa nằm chung tự lúc nào không biết. Chỉ có vậy thôi. Vậy mà hạnh phúc, vậy mà bình yên, vậy mà ngọt ngào.

Giữa cuộc sống bon chen, một vài ký ức bình dị đôi khi trở thành niềm khát vọng.

19 nhận xét:

Thủy Cúc nói...

hihihi, hahaha
Đang tính còm thật lãng mạn , nhưng đọc cái còm trên của bạn NĐ thấy mình cũng đồng cảm đây.
Bi giờ 2 người còn nằm võng nữa không vậy?

Ngô Đồng nói...

Một vài ký ức bình dị mà cũng MƯU SINH được!
bố ăn dầy quá!

Phương Nguyên nói...

He he, khoái nhứt cái khúc nằm chung đó nghen. Cái võng đó mà còn đem bán đấu giá kiếm bộn à nha. Ký ức của anh Danh càng ngày sẽ càng bán đắt đó, vì bi giờ làm gì còn cá cho ai đó "sát" nữa.
Giống Hương, tui cũng cám ơn anh cho đọc cọp, mà đọc trước nữa chớ.

vanhoasahuynh nói...

ĐÂY MỚI LÀ KHỞI ĐẦU, NGHE ĐÂU TẾT NÀY ANH CÓ VÀI CHỤC CÁI KÝ ỨC NÀY...
NÓI NHỮNG LỜI DỄ THƯƠNG ĐỂ KIẾM TIỀN TIÊU TẾT THÌ QUÁ ĐƯỢC ĐÚNG KHÔNG ANH?!

Cẩm Minh nói...

Tui biết cô thôn nữ này là ai rồi! Chỉ có thể là Trùm Sò nhà ta thôi chứ nếu là ai khác thì đố mà dám đưa lên báo! Phải không anh Danh?!

Thu Nhân nói...

Ở bên kia có người kể chuyện "Sinh nhật hai đứa tui" còn bên này thì kể chuyện nằm chung võng canh bánh tét đêm 30.Đúng là đồng thanh tương ứng mà, chắc tui lại phải mượn thơ Đinh Hùng một lần nữa quá: "Sánh vai một mái lầu phong nguyệt / Hoa bướm vì em nghiêng cánh trao"
Chúc mừng nhà Trùm nghe. Mọi người chắc chắn là đều mong được đọc nhiều trang kí ức nữa đó.

Thu Nhân nói...

Đọc lần thứ hai,
Biết vì sao Danh thích cá trê kho tiêu!
Biết sao không thể bỏ thuốc mặc dù bây giờ không hút thuốc gò vấn giấy báo!

Thu Nhân nói...

Đọc lần thứ ba, thấy đây là một phiên bản khác của huyền thoại xưa : có hai người, giữa mênh mông đồng đất Cà Mau, đã tìm thấy một nửa của nhau mà xưa khi tạo ra loài người, Thượng đế đã tung hai nữa ấy ra mênh mông trời đất!

Huong nói...

cho đọc cọp tiếp mấy bài kia đi bác, năn nỉ mà. em hứa sẽ cố gắng comment một cách trang trọng nhất có thể được, hìhì.

VÕ ĐẮC DANH nói...

-Chị Ba ơi, nói theo triết lý nhà Phật thì chị mắc nợ em từ kiếp trước.
-Huơơng:Mua báo mà đọc em à !

ha hong nói...

Sinh nhật anh chị cảm động ghê. Đọc blog của hai anh chị thấy ganh tỵ wá hè. Năm mới chúc ông bà trùm hạnh phúc.

Huong nói...

hmm
hình như Ngô Đồng nói đúng :-)
nhưng cũng cảm ơn anh cho đọc cọp. báo tết mắc quá, hìhì

MAP M nói...

Anh Danh kể còn thiếu : Tui dụ được cổ nằm chung võng còn nhờ ca hai bản cải lương Tình anh bán chiếu zí lợi Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà mờ lúc đó giọng tui còn trong y như Minh Cảnh zị đóa ...
Cái võng ngày xưa chắc hok còn , nhưng anh lời được 3 người đẹp tài hoa hết biết trong nhà , còn mún gì thim nữa ...
Theo em nghen anh chị Trùm , cái bút ký này là món quà SN chung của hai người mà chị Trùm chỉ nâng như nâng tưứng hứng như hứng hoa đóa nghen !

VÕ ĐẮC DANH nói...

-Ngô Đồng: Đã đến lúc phải bán ký ức để mưu sinh thôi con ạ, ăn thế là ăn chân chính nhất, trong sạch nhất
-Thủy Cúc:Hỏi chi vậy ?
-Huong:Có thể tặng cô nương 1 tờ như không thể tặng đến 8 tờ, hehe !
-MAP M: Bơm quá làm tui mắc cỡ

SÀI GÒN ĐỆ NHẤT KHÙNG nói...

Ông Danh! Ông "dính chân" với cô thôn nữ nào mà còn dám "show" cho bàn dân thiên hạ biết nữa! Bà Trùm Sò ới, "nhéo" cho ổng bầm hông đi! Tui khoái cái từ 'dính chân" đó dễ sợ. Bán cho tui từ "dính chân" đó đi! Bao nhiêu cũng mua!

SÀI GÒN ĐỆ NHẤT KHÙNG nói...

@Ngô Đồng: kêu "bố" mà comment "hỗn" quá nha! Ông Danh ổng bán ký ức của ổng, không bán "ký ức liên hệ" với ông nọ bà kia, cũng ko mượn ký ức của người khác đem bán, mà bán có người mua là hãnh diện rùi!

van U nói...

Hen gi anh thich ca tre voi tieu. Nghe ke chuyen bat ca sao ma thay vui va de qua. Tuong tuong ma bat ham luon. Dung la mien Tay hoi xua sao ma ca loi nghenh ngang qua. Bai anh viet co bo bua khong ma sao em doc me qua chung. Chuc anh nam moi vui ve.

AQ nói...

đề nghị chia 50% nhuận bút cho người sửa cái tít đấy nhé!

Gà Công Nghiệp nói...

Hôm nào chú viết thêm về ký ức đi câu cá rô thóc, đi hái rau đồng sau mưa và cảnh hai người ra đồng giăng lưới đi chú. Con tưởng tuợng thôi mà đã thấy đẹp, lãng mạn và yên bình lắm. Có thế chú mới thấy cánh đồng lạ thành quen, quen đến nỗi ngày 30 Tết phải băng đồng lội về,...
Con rất thích những bài viết về miền Tây của người miền Tây.