Thứ Tư, 9 tháng 7, 2008

NHỮNG NGƯỜI LƯƠNG THIỆN





Tôi cũng muốn hỏi lại các anh, các anh đã làm người lương thiện với một cái nghề lương thiện – dù cái nghề xe ba gác là sự lựa chọn cuối cùng. Nhưng giả sử như cái nghề ấy mai đây bị xem là phạm pháp, liệu các anh có tiếp tục làm người lương thiện nữa không, đời con các anh có trở thành người lương thiện được không. Nhưng tôi đã không hỏi vì sợ các anh đau lòng !


Chúng tôi rủ nhau vô nhà anh Ba Lộc nhậu. Tôi với anh Cảnh ngồi trên xe ba gác của anh Lộc. Ba Đen chạy chiếc ba gác theo sau. Đi qua khu công nghiệp Tân Bình, anh Lộc nói chổ nầy, mười sáu năm trước là cánh đồng lúa, căn chòi của anh, bây giờ là nhà máy chế biến hải sản Thiên Tuế. Tất cả đã thay đổi đến không ngờ, cũng như anh đã không ngờ rằng mình đã thành cư dân chính thức của đất Sài Gòn, có hộ khẩu, nhà có số, đường có tên, không còn mặc cảm với cụm từ mà trước đây người ta dùng để ám chỉ dân nhập cư: “Nhà không số, đường không tên, điện tự kéo, nước tự bơm”.

Rượi vào lời ra, Ba Lộc nói, Sài Gòn có hàng triệu dân nhập cư, trong đó có hàng chục ngàn dân chạy xe ba gác. Tất cả có chung một mục tiêu là mưu sinh nhưng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. “Nhưng dù cho hoàn cảnh nào đi nữa – Ba Lộc nói – tôi dám bảo đảm với chú hầu hết dân ba gác là dân lương thiện, tôi cam đoan với tư cách của một người có thâm niên mười sáu năm hành nghề ba gác”. Thấy anh ăn nói có vẻ bài bản, nghiêm túc, tôi hỏi trước kia anh làm nghề gì. Ba Lộc chưa kịp trả lời thì anh Cảnh nói thay: “Giáo viên dạy tóan cấp hai đó, đừng tưởng bở”.

Đang sôi nổi, giọng Ba Lộc chuyển sang trầm ngâm: “Nếu trên đời nầy, ai cũng được quyền lựa chọn cho mình cái nghề để sống thì chắc sẽ không ai chọn nghề chạy xe ba gác đâu chú ạ, cũng như vợ chồng tôi đã từng lựa chọn nghề giáo rồi, bổng dưng cái nghề ba gác nó vận vào đời mình, rồi trở thành dân nhập cư bất đắc dĩ . . .”

Hai mươi năm trước, tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm Tây Nguyên, Ba Lộc kết hôn với chị Thúy, một đồng nghiệp vừa là đồng hương ở Phù Cát, Bình Định. Hai vợ chồng trẻ tình nguyện về dạy ở Iah’Lop, Chư Sê, một trường học giữa núi rừng Kon Tum heo hút. Rồi thằng bé ra đời, chính cái căn bệnh ngặt nghèo của nó đã làm nên ngã rẽ của đời anh. Thằng bé lớn lên trong sự còi cọc, xác xơ, nằm khóc suốt ngày đêm. Thầy lang nói nó đau ban khỉ. Vợ chồng anh bồng nó về quê, bác sĩ bảo đem nó vô Sài Gòn. Ở Sài Gòn, bác sĩ nói nó bị suy dinh dưỡng nặng, phải điều trị thời gian dài, rất tốn kém.

Nghe nói đến câu thời gian dài, tốn kém, Ba Lộc bủn rủn tay chân. Cả tài sản của vợ chồng anh vỏn vẹn có hai chỉ vàng với vài trăm ngàn dính túi. Liệu sẽ điều trị cho thằng bé được bao lâu ? Suy đi tính lại, thay vì bán hai chỉ vàng làm chi phí chữa bệnh cho con, Ba Lộc cầm hết số tiền ấy đi mua chiếc xe ba gác đạp với hy vọng chiếc xe sẽ làm ra tiền cho anh cầm cự với thời gian. Phải nói, dân ba gác chơi với nhau rất chí tình. Hiểu được hòan cảnh của anh, đồng nghiệp chẳng những không tranh giành bến bãi mà còn giúp anh đậu tài, nhường tài để anh có đủ tiền xoay sở. Một hôm, ông Năm Tiếu, một đồng nghiệp rủ Ba Lộc về nhà chơi và chỉ miếng đất sau hè: “Tao cho mầy mượn chổ nầy cất chòi ở tạm, khỏi thuê nhà trọ tốn tiền”. Ông Năm Của, một đồng nghiệp khác nói: “Mầy sang sau hè nhà tao chặt cây bạch đàn về cất, khỏi mua”. Chiều hôm ấy, anh em ba gác xúm nhau giúp Ba Lộc dựng lên cái sườn chòi 15 mét vuông. Hôm sau, trên đường chạy xe, anh luợm nào bao nilon, áo mưa cũ mang về giặt sạch, vá lại lợp lên thành một căn chòi che mưa che nắng. Hồi ấy, những khách hàng của Ba Lộc phần đông là những nông dân từ Củ Chi, Trảng Bàng, Gò Dầu hàng ngày chở nông sản và hàng đan đát xuống An Sương, từ đó Ba Lộc bắt mối chở hàng ra Chợ Lớn. Thấy anh phu ba gác thật thà, dễ mến, thấu hiểu được hoàn cảnh của anh, nhiều bà chị, bà mẹ đã xem anh như người của gia đình, mỗi chuyến hàng họ mang xuống cho anh một ít quà vặt, đồ dùng, từ tấm lá chầm, cây tầm vông, cái thúng, cái rổ, nải chuối, trái dưa . . . khách hàng nầy giới thiệu cho anh thêm khách hàng khác, nhờ thế mà anh quần quật suốt ngày.

Sáu năm sau, Ba Lộc lên đời bằng chiếc xe ba gác máy, thằng con lớn khỏe mạnh, thêm một đứa con gái chào đời, anh chuyển chiếc xe ba gác đạp cho vợ đi bán ốc, trứng vịt lộn, gỏi vịt và các món nhậu bình dân. Hai vợ chồng thay phiên nhau: anh đi từ hừng đông đến chiều, chị đi từ chiều đến hai ba giờ sáng. Khi cái chòi của anh bị giải tỏa đề làm khu công nghiệp Tân Bình thì Ba Lộc đã tích lũy được mấy cây vàng để mua cái nền hơn trăm mét vuông trong khu dân cư tự phát ở Bình Hưng Hòa.

Mười sáu năm nhìn lại như một giấc mơ, thằng bé suy dinh dưỡng ngày nào bây giờ chuẩn bị vào đại học, đứa con gái mà anh đưa mẹ nó đi sanh và đón về trên xe ba gác ấy, giờ học hết cấp hai, một ngôi nhà cấp bốn, có cả tivi, tủ lạnh, xe gắn máy . . . Ba Lộc nhìn chiếc ba gác trước sân mà ánh mắt anh cứ đăm chiêu như nhìn thấu cả đời mình: “Có lẽ nào tôi phải chia tay với nó, có lẽ nào vợ tôi phải chia tay với chiếc xe đẩy hàng rong. . .”

“Dù sao anh cũng còn đỡ hơn tôi ! Tôi còn nợ cái nền nhà chưa trả hết”

Khác với anh Lộc, anh Cảnh là dân cố cựu ở Sài Gòn. Sau năm 1975, anh theo gia đình đi kinh tế mới ở Rừng Lá. Mười năm sau anh trở về với kẻ trắng tay. Cuộc đời anh được làm lại bằng cách thuê chiếc xích lô đạp kiếm sống qua ngày, đêm cũng ngủ trên xích lô. Mười năm sau nữa, anh dành dụm đủ tiền để mua chiếc xích lô và cưới cô thợ may ở Bình Hưng Hòa, sống trong nhà trọ, lúc bấy giờ, không ai ra lệnh cấm xích lô nhưng càng ngày càng xuất hiện nhiều con đường treo bảng cấm xích lô. Cảnh không còn đường sống sau khi bán chiếc xe chỉ có 180 ngàn đồng. Năm sau, anh đánh bạo vay tám triệu đồng mua chiếc xe ba gác. Thấy anh thiệt thà, chí thú làm ăn, ông Năm Bích, một đồng nghiệp trong xóm nhượng lại cho anh cái nền 40 mét vuông trả góp trong ba năm, cái nền nằm giữa hai căn nhà cấp bốn, Cảnh mua đòn tay gát qua hai bên, che phía trước, phía sau, vậy là thành một căn nhà. Ngày ngày chạy xe ba gác, anh ghé qua các công trình xây dựng xin vật liệu phế thảy, chẳng bao lâu, bạn bè đồng nghiệp kéo đến giúp anh, xây lên ngôi nhà mới. Tủ, bàn, ghế trong nhà, Cảnh mua chịu của các chủ vựa rồi chở hàng trừ nợ dần. Dù trả chưa hết nợ, nhưng căn nhà của Cảnh xem ra cũng khá đầy đủ tiện nghi. “Nợ nần chưa trả hết - Cảnh nói – ba đứa con, một đứa đã bỏ học rồi, còn hai đứa không biết sẽ học được tới đâu nếu tôi phải chia tay với xe ba gác”

“Dù sao anh cũng đỡ hơn tôi !”

Nghe Ba Đen nói, tôi quay sang thấy anh ngồi cúi đầu như tuyệt vọng. Đúng là anh đang đứng bên bờ vực thẳm. Hai mươi năm trước, cái nghèo đã đẩy Ba Đen từ Sóc Trăng lang thang lên Sài Gòn kiếm sống. Cũng giống như anh Cảnh, ban đầu anh thuê xích lô đạp, ngày chở khách, đêm ngủ trên xích lô, dành dụm một thời gian, Ba Đen cũng mua được xích lô và cưới vợ. Vài năm sau, vợ chồng dành dụm, vay thêm bạc mười phân để mua xe ba gác, vợ anh đẩy xe đi bán bánh mì. Cuộc mưu sinh chưa cân sức với ba đứa con lần lượt ra đời thì vợ anh chết thê thảm vì bệnh ung thư. Trong căn phòng trọ tồi tàng chưa được chín mét vuông giữa ao tù nước đọng trong xóm nghèo Bình Hưng Hòa, Ba Đen phải gồng mình chống đỡ bằng vai trò của cả người cha lẫn người mẹ để ba đứa con anh ngày ngày được cấp sách đến trường. Một đứa lên bảy, một đứa mười một, đứa lớn nhất mới mười hai tuổi, nghĩa là chúng chưa thể tự lo cho bản thân mình.

“Mai một cấm xe ba gác rồi, tôi không có hộ khẩu ở Sài Gòn, liệu có được hưởng chính sách gì không ?”

Ba Đen hỏi tôi. Nhưng làm sao tôi trả lời anh được. Tôi cũng muốn hỏi lại các anh, các anh đã làm người lương thiện với một cái nghề lương thiện – dù cái nghề xe ba gác là sự lựa chọn cuối cùng. Nhưng giả sử như cái nghề ấy mai đây bị xem là phạm pháp, liệu các anh có tiếp tục làm người lương thiện nữa không, đời con các anh có trở thành người lương thiện được không. Nhưng tôi đã không hỏi vì sợ các anh đau lòng !


16 nhận xét:

BANTEN nói...

Xin chào anh Võ Đắc Danh!
"Nếu trên đời này, ai cũng được quyền lựa chọn cho mình cái nghề để sống thì..."
Phải chi... đừng có phải chi... ha anh!
Chúc anh vui và luôn viết nữa về cái "đau lòng" !

closed nói...

Ước gì được đi nhiều, nghe nhiều như anh ! Ôi những mảnh đời...

Double L nói...

Vâng, những con người lương thiện ấy không biết ngày mai có còn được làm người lương thiện không, khi mà những chính sách, những luật lệ được làm ra bởi nhưng con người ngồi trong phòng máy lạnh.
Hơn ba mươi năm sau cuộc chiến, dân nghèo vẫn chỉ ở bên lề sự phát triển của cái gọi là "nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN"

Enola Gay Gay nói...

Sáng nay thấy bài của anh trên SGTT! Hôm rồi tình cờ cũng đọc bài của anh về Nhà thương điên BH. Hôm nào nhậu hay cafe chủ đề "tâm thần" nhé anh?

Huong nói...

Mới cách đây mấy ngày, thấy công an thổi cái xe ba gác máy chở đầy chuối xanh. Mặt công an thì lạnh như tiền, mặt người đàn ông lái xe ba gác thì tràn đầy khổ ai tủi nhục, ...em cũng có suy nghĩ vậy: bao kẻ làm bậy mà vẫn nhởn nhơ, những người kiếm vài chục ngàn đồng bằng cách lương thiện sao lại bị đối xử như vậy?

Nguyen Anh N nói...

Ôi những cảnh đời! đâu rồi "của dân, do dân và vì dân"

Tran N nói...

Một nhà nước vô cảm, 5 triệu/xe, nhà nước không cần tính nó nuôi đủ bao nhiêu người trong bao nhiêu tháng so với xe ba gác máy, xe đẩy tay. Một nhà nước đang bất chấp cuộc sống của người dân của mình, sẵn sàng bán rẽ dân tộc mình cho ngooại bang, không biết ngoại bang đút vào họng nhà nước VN bao nhiêu mà nhà nước VN ra một quyết định tàn độc như vậy

Chuyện Thường Ngày nói...

Mot cau hoi dat ra la ho lam an luong thien ma vi pham phap luat??? ai bao ve ho???

Chuyện Thường Ngày nói...

Dau lam anh oi, nhung nguoi ban hang rong cung vay? De ho lam an luong thien hay day ho vao con duong ban cung...

Nông Thị Nở nói...

Chân lý giản đơn; đó là VN ko thể một ngày còn có Vua.. Cách mạng T8 xoá bỏ nền Quân chủ Chuyên chế, thế thì đừng tạo ra một nền chuyên chế khác, bác nhỉ???

Nông Thị Nở nói...

Có phải Bác là nhà báo ko??? Em tò mò muốn biết thôi mà.

AnhbaSG - Blog mới nói...

rằng hay thì thật là hay
nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào

Đểu nói...

Đọc mà thấy xót xa....Nhưng mình nói ai nghe hả bác. Bác là nhà báo, bác nói cũng chỉ để mọi người thông cảm trong bất lực. Người cần nghe lại không nghe hoặc giả điếc làm ngơ...Giờ thấy dân nghèo sắp sửa trở thành 1 thứ rác thải của xã hội (Chỉ muốn vất đi mà không tái chế)

Kim Thanh nói...

Chẳng hổ danh VÕ ĐẮC DANH!

RMIT nói...

ai cho tui làm người lương thiện ? Hic !

Vũ Vũ nói...

Đúng, ai cho họ lương thiện? Cụ Nam Cao sống lại cũng khóc tu tu mất