GẶP LẠI CHÉN THẤT HIỀN
Chúng tôi đến lò gốm Hùynh Nguyên ở gần ngã ba Lò Chén, thuộc phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một vào buổi chiều, trời đang lắc rắc đổ mưa. Mấy chị công nhân hối hả bê từng kệ chén thô đang phơi trên mái ngói – những mái ngói âm dương cổ kính nằm ẩn mình trong vườn cây phía sau dãy phố ồn ào. Ông chủ lò Hùynh Sẻn trạc tuổi sáu mươi, mặc quần cụt, ở trần, người đen sạm. Tôi nói chủ lò sao mà bụi hơn cả công nhân, anh nói ở đây tất cả cùng lao động, trong giờ làm không thể phân biệt ai là chủ ai là thợ, không riêng gì anh mà lò nào cũng vậy, cái nghề nầy chủ yếu lấy công làm lời. Từ đời nầy sang đời khác, ông bà cha mẹ để lại cho cháu con cái lò cũng như để lại số vốn, lớn lên là bắt đầu vọc đất, rồi thành thợ, cứ thế mà sống. Anh Sẻn cho biết, anh là người Phước Kiến, ông nội anh ngày xưa từ bên Tàu sang đây làm thợ, đến đời cha anh, được kiến họ giúp vốn để xây nên lò chén Hùynh Nguyên từ thập niên 30, tính ra đã trên 70 năm.
Chúng tôi bước vào bên trong, gặp anh Cường, cũng đang mặc quần cụt, ở trần, thoăn thoắt đôi tay bên chiếc bàn xoay. Anh bốc từng cục đất ném vào khuôn quay rồi dùng một cái que gạt ngang miệng khuôn, chỉ trong vài mươi giây thì một cái chén thô ra đời. Tôi hỏi mỗi ngày làm được bao nhiêu cái chén thô như thế, anh nói khỏang 1500 cái. Hỏi thu nhập, anh nói mỗi cái 25 đồng. Tôi nhẫm tính chưa được 50 ngàn đồng. Thợ chính có thâm niên trên 40 năm tuổi nghề như anh mà cỡ đó thì thợ phụ như dán đề can, tráng men, nhồi đất . . . thì thu nhập bình quân mỗi ngày khỏang 25 đến 30 ngàn đồng.
Nhìn vào kho thành phẩm, tôi giật mình khi nhận ra ở đây vẫn còn sản xuất lọai chén thất hiền, tức lọai chén đá màu trắng có in hình bảy ông tiên màu xanh quanh miệng. Tôi hỏi anh Sẻn, bây giờ chén mê ca, chén sứ Trung Quốc tràn ngập thị trường, giá rẻ mạt, tôi đâu còn thấy ai dùng lọai chén nầy nữa. Anh Sẻn nhìn tôi cười như mỉa mai: “ Người ta mua về để đập bỏ”. Thấy tôi ngạc nhiên, anh giải thích: “ Nói chơi vậy thôi, tôi có hai nguồn tiêu thụ, thứ nhất là ngòai Huế họ mua về để đập ra lấy miển trang trí chùa chiềng, nguồn thứ hai là dân nghèo, dân vùng sâu vùng xa ở miền trung và miền tây họ vẫn còn xài. Một chục chén Trung Quốc rẻ lắm cũng năm bảy chục ngàn, tôi bán chỉ sáu ngàn, rẻ gấp mười lần. Khi nào đất nước nầy hết người nghèo thì chén của tôi mới ế”. Ngừng một lát, anh Sẻn nói giọng ngậm ngùi: “ Mình nghĩ vậy nhưng cuối cùng không phải vậy, người nghèo vẫn còn cần chén của tôi nhưng tôi lại phụ lòng họ, không sản xuất nữa, sắp bị giải tỏa rồi, chuyện nầy chắc các anh đã biết”.
Tôi biết, nhưng không muốn nhắc lại chuyện ấy trong lúc nầy. Họa sĩ Nguyễn Anh Kiệt - nhà sưu tập đồ gốm cổ, bạn đồng hành với tôi, người gốc Bến Tre - lại nghĩ sang chuyện khác, anh nói ở xứ dừa quê anh ngày xưa, trước khi có làng gốm Bình Dương thì cái chén, cái tô, cây muỗng ăn cơm được làm từ chiếc gáo dừa. Tôi lại nhớ, chính cái chén thất hiền nầy, hồi tôi còn nhỏ, mỗi khi bị cảm cúm, nhức đầu, ba tôi lấy cái chén ra, cầm cây dao khỏ nhẹ vào khu, một miếng miểng rới xuống, có lớp thủy tinh bên ngòai bén ngót, đó là cái dụng cụ y tế thay cho lưỡi lam, ba tôi cầm nó cắt nhẹ vào các huyệt trên trán, trên lưng tôi, nặn ra những giọt máu bầm. Sau đó tôi được ba tôi thoa lên những vết cắt ấy một tí dầu cù là massu rồi trùm mền lại. Vài giờ sau là hết bệnh.
Vậy ra, cái chén thất hiền không chỉ có công dụng cho bửa ăn của người nghèo.
Một chục sáu ngàn đồng, có nghĩa là một cái chén sáu trăm đồng, nghĩa là chưa được một điếu thuốc con mèo, cho nên ông chủ lò Hùynh Sẻn chỉ hút thuốc Hòa Bình, còn anh thợ Cường thì hút thuốc Trị An. Anh Sẻn nói một cái chén sáu trăm đồng cũng không dễ ăn đâu, nó phải đi qua gần mười công đọan. Đất mua về phải đem phơi nắng cho rỏ phèn, sau đó phải ngâm qua hai lần trong hai hồ nước, quậy đi khuấy lại nhiều lần, rồi lọc bỏ phần xác, lấy phần nhựa, sau đó đem ra nhồi cho thật nhuyễn mới qua tay người thợ xoay ra chén thô. Sau khi phơi khô, nhúng qua một lớp men lót, men lót làm bằng bột đá Long Xuyên pha với bột đá vôi, mà hai lọai nầy cũng phải xay cho thật mịn, lọc lấy phần tinh bột để phủ lên chén, sau khi nung sẽ cho ra màu men trắng. Sau khi nhúng vào lớp men nầy, phơi khô, người thợ mới dán lên nó lớp đề can hình bảy ông tiên màu xanh. Mà đề can cũng tự chế bằng cobal pha với mạch nha và tro trấu, quậy thật nhuyễn rồi cho lên khung lụa, kéo lên giấy mỏng. Người thợ dùng tấm giấy ấy nhúng vào chậu nước rồi dán lên chén, dùng bàn chải chà thật đều, gở tấm giấy ra, hình bảy ông tiên ở lại. Sau khi chén khô, nhúng vào một lớp men bóng. Men nầy được chế từ một lọai cát địa phương, ngâm lâu ngày cho rả ra, quậy đều, lọc lấy phần nhựa, khi phủ lên chén cho ra màu xám, nhưng khi phơi khô, nó thành màu trắng đục, khi cho vào lò nung trên 1.000 độ, nó sẽ biến thành lớp thủy tinh bóng và trong, hình bảy ông tiên hiện ra.
Anh Sẻn cho biết, khi khởi thủy lò chén ở đây, người Phước Kiến làm các lọai tô chén màu da lươn, giống như màu lu khạp, tức làm men bằng đá ong trộn với tro trấu và đất bùn, sau nầy phát hiện ra lọai men đục làm từ đá Long Xuyên và đá vôi Kiên Lương kết hợp với men bóng làm từ cát Bình Chuẩn, những năm đầu của thế kỷ 20 mới cho ra đời lọai chén tô màu trắng. Sau đó, một số nghệ nhân đã tìm thấy các lọai quặng oxyt trong núi đá ở địa phương để làm màu trang trí, bước tiến nầy đã cho ra đời các lọai tô, thố, dĩa mang nhãn hiệu con gà, nổi tiếng khắp các làng quê nam bộ. Nhưng ai là người sáng chế ra hình con gà gáy bên cạnh cây chuối – biểu tượng cho anh hùng và mỹ nhân – cho đến bây giờ vẫn chưa có lời giải đáp. Còn nguồn gốc của chén bát tiên, chén thất hiền, theo anh Kiệt thì vào năm 1960, ông Hòa Phát là người đầu tiên nhập đề can từ Nhật Bản. Đến khi kỹ thuật in lụa ở Việt Nam ra đời thì các chủ lò chén tự in theo mẩu mã ấy cho đến bây giờ.
ĐI TÌM TÔNG TÍCH GỐM BÌNH DƯƠNG
Chiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về
Đưa về chợ Thủ bán hủ bán ve
Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu.
Họa sĩ Nguyễn Anh Kiệt vừa lật sổ tay đọc cho tôi ghi mấy câu ca dao trên và giải thích, rằng đó chính là dấu ấn của một làng gốm cổ Bình Dương. Tại sao lại “mượn ngựa ông Đô” ? Theo anh Kiệt thì ông Đô là một người giàu có trong làng, là chủ của nhiều chiếc xe thổ mộ. Song, đó cũng chỉ là một giả thuyết của những người lớn tuổi ở Bình Dương. Còn chợ Thủ, theo nhà nghiên cứu Hùynh Ngọc Trảng thì đó là một cái chợ nhóm gần một cái đồn canh và thu thuế thời nhà Nguyễn. Ngày xưa đồn được gọi là thủ nên mới có các địa danh tương tự như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Thừa . . . Theo dân gian thì vùng nầy ngày xưa là rừng dầu, có một hình ảnh gây ấn tượng cho người qua đường là một cây dầu to ngã xuống bờ sông gần chổ đồn canh, người ta lấy đó làm một địa chỉ, tức là ở thủ, có một cây dầu ngã, dần dà gọi tắt là Thủ Dầu Một. Nhưng theo Từ điển bách khoa tòan thư mở thì lại có một cách giải thích khác: “ Trong thế kỷ 17-18, vùng Bình Dương-Lái Thiêu là nơi định cư của nhiều dân triều Minh chạy trốn triều Thanh, phần đông làm nghề gốm. Họ gọi vùng đất nầy là Thụ Dầu Mục, theo âm Hán Việt là Thù du mộc vì vùng nầy có mọc nhiều cây có tên địa phương là thù du mộc, tức hai lòai thực vật, một cây ngắn ngày là bụp giấm và cây thầu dầu, cùng có tên gọi là cây Thù Du. Đây là nguyên nhân có từ Thủ Dầu Một. Tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập tháng 12 năm 1899 từ Sở Tham biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa. Tháng 10 năm 1956 chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia tỉnh Thủ Dầu Một thành các tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long. Năm 1976, chính quyền mới hợp nhất hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước thành tỉnh Sông Bé, đến năm 1996 lại tách ra thành hai tỉnh như cũ”.
Chúng tôi không cố ý bàn bạc, tranh cãi về nguồn gốc của các địa danh cũng như những đổi thay về địa giới hành chánh. Nhưng theo Từ điển bách khoa tòan thư mở cho rằng “Trong thế kỷ 17-18, vùng Bình Dương-Lái Thiêu là nơi định cư của nhiều dân triều Minh chạy trốn triều Thanh, phần đông làm nghề gốm” thì có lẽ cũng cần tham khảo lại. Bởi theo sử liệu đã thành văn thì năm 1679, khi ba ngàn quân của Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên – tức người nhà Minh không đầu phục nhà Thanh – đã vượt biển sang nước ta, được Chúa Nguyễn giao cho Dương Ngạn Địch khai phá đất Mỹ Tho và Trần Thượng Xuyên khai phá đất Đồng Nai, và từ đó cho đến sau cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thì Trần Thượng Xuyên chỉ định cư và phát triển vùng Cù Lao Phố. Thế hệ ấy được gọi là Người-Minh-Hương, khác với các thế hệ người Hoa có mặt trên đất Nam bộ sau nầy.
*
Sau gần một tuần lang thang trong các làng gốm cổ trên đất Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Tân Phước Khánh, tôi như lạc vào cái mớ bòng bong, không biết làm cách nào để tìm ra cội nguồn của gốm. Cuối cùng chợt nhớ ra một người có thể giúp mình, đó là nhà nghiên cứu Hùynh Ngọc Trảng. May thay, ông Trảng đang làm chủ biên một công trình nghiên cứu về gốm Bình Dương với sự cộng tác của họa sĩ Nguyễn Anh Kiệt – một nhà sưu tập đồ gốm cổ, hội viên câu lạc bộ cổ vật của Unesco Việt Nam – và ông Lý Thân, 74 tuổi, người Việt gốc Hoa, là cháu nội của ông Lý Lược Tam, một Ban trưởng Triều Châu ở Lái Thiêu. Nhưng ông Lý Thân đã về định cư ở An Giang, không có địa chỉ liên lạc. Mặc dù công trình nghiên cứu của ba vị nầy đang trong giai đọan manh nha và lịch sử gốm Bình Dương vẫn còn là dấu hỏi, nhưng ông Hùynh Ngọc Trảng có thể đặt ra mấy vấn đề để tự mình giải đáp: Thứ nhất, có giả thuyết cho rằng gốm Bình Dương có xuất xứ từ cánh hậu duệ của Trần Thượng Xuyên. Theo ông Trảng thì chưa có cơ sở để chứng minh, bởi những mãnh vụn của đồ gốm mà ông tìm thấy ở Cù Lao Phố hầu hết là đồ đất nung có xuất xứ từ làng gốm Phổ Khánh, Quảng Ngãi, nghĩa là không có dấu vết của gốm Tàu. Giả thuyết thứ hai, có người cho rằng gốm Bình Dương có xuất xứ từ gốm Cây Mai. Nhưng theo ông Trảng thì gốm Cây Mai thuộc trường phái “công nghệ miếu vũ” của người Quảng Đông, chủ yếu sản xuất đồ trang trí chùa chiềng và nội thất, trong khi gốm Bình Dương có ba trường phái Phước Kiến, Triều Châu và quảng Đông mà trong đó, trường phái Phước Kiến có lâu đời nhất và mạnh nhất. Cũng theo ông Trảng, khi các làng gốm ở chợ Lớn và Cây Mai bị đô thị hóa, một số chủ lò có thể chạy lên Thủ Đức, Lái Thiêu nhưng vẫn với tư cách nhập cư vào một làng gốm lâu đời.
Ngược lại với ý kiến của ông Hùynh Ngọc Trảng, ông Nguyễn Anh Kiệt cho rằng trong dòng người Quảng Đông cùng với Trần Thượng Xuyên đến xây dựng Nông Nại Đại Phố ( tức Cù Lao Phố ), tại đây đã có những lò gốm hình thành. Sau cuộc khởi nghĩa tây Sơn, do sự trả thù của Nguyễn Nhạc, Nông Nại Đại Phố bị đốt sạch, cánh hậu duệ của Trần Thượng Xuyên kéo vào Sài Gòn-Chợ Lớn, xây dựng làng gốm Cây Mai. Một thời gian sau bị đô thị hóa, nhóm thợ nầy kéo lên Biên Hòa, lập nên làng gốm Tân Vạn cho đến bây giờ. Trong số nầy chỉ có mỗi ông Trần Lâm là hậu duệ đời thứ bảy của Trần Thượng Xuyên lên Thủ Dầu Một gia nhập với làng gốm Bình Dương.
Song, cũng theo ông Kiệt, những nhận định trên đây cũng chỉ là những suy đóan dựa trên cốt men, phong cách của những hiện vật qua nhiều thời kỳ và những câu chuyện truyền miệng của nhiều thế hệ. Thực tế vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào chính xác về cuộc hành trình của những làng gốm người Hoa trên vùng đất Nam bộ nầy. Tuy nhiên, điều có thể khẳng định được rằng gốm Bình Dương không phải do người nhà Minh xây dựng từ thế kỷ 17 như trong Từ điển Bách khoa tòan thư mở đã ghi.
TÌM THẤY ĐẤT CAO LANH VÀ ĐÁ ONG
Tôi vào Google với hy vọng tìm được một tài liệu về lịch sử gốm Bình Dương, nhưng rồi vô vọng. Có đến hàng chục bài viết, nhưng tất cả chỉ là chuyện cởi ngựa xem hoa. Có lẽ cũng như tôi, các nhà báo khi đến các lò gốm đều nhận được những thông tin giống nhau rằng: “Tôi là đời thưa ba, lò nầy do ông nội tôi để lại”. Vậy là chấm hết. Thậm chí có nhiều chủ lò còn không biết tên ông nội của mình. Hỏi lò được xây dựng từ năm nào, những thăng trầm dâu bể ra sao ? Đành chịu. Một hôm, tôi vào trang veb của báo Bình Dương, săn một hồi tìm thấy bài viết của tác giả Quảng Điền dưới nhan đề: “Những bước thăng trầm của một lò gốm cổ”. Mừng hơn buồn ngủ gặp chiếu manh. Nhưng lại thất vọng. Mặc dù lò lu Đại Hưng là lò gốm đầu tiên và duy nhất ở Bình Dương được công nhận là di tích lịch sử văn hóa nhưng lai lịch của nó chỉ được xác định một cách chung chung: Qua lời truyền của các cụ cao niên, ông Tám Giang nhẩm tính lò lu đã tồn tại được khoảng 150 năm, trải qua 6 đời chủ. Ông chủ sáng lập nên lò lu nầy là một người Hoa, có tên là chú Ngâu, ông là người Quảng Đông- Trung Quốc. Khi đó, hàng làm ra chủ yếu là các loại lu, khạp, hũ… Đến khi ông Ngâu chết lò được sang lại cho ông Tư Ty ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Khi ơng Tư Ty chết, lòđược sang lại cho một người Hoa khác có tên là Lâm, nghe đâu người quản lý lò cho ông Lầm cũng là một người Hoa. Vào thời ấy, nguyên liệu chính làm ra các sản phẩm lu, khạp, hũ… thường được lấy từ 3 - 4 loại đất như: đất đen, đất cát, đất lá bài và bùn dưới sông Sài Gòn trộn lẫn với nhau, cho vô hầm xay sẵn rồi đạp cho thật nhuyễn. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe bò. Thành phẩm làm ra được các thương lái ở Sài Gòn mua lại rồi vận chuyển bằng ghe, cung cấp cho các tỉnh miền Tây Nam bộ và vùng phụ cận.
Những ngày tiếp theo, tôi với anh Kiệt kết với nhau làm những chuyến đi lang thang vào các làng gốm Bình Dương. Ngồi sau lưng tôi, anh Kiệt luôn luôn đưa ra những nhận định như để tự tìm những câu trả lời cho câu hỏi của chính mình. Theo anh, từ những năm đầu của thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, lịch sử Trung Quốc có nhiều biến động. Các dòng di dân của người Hoa đến vùng đất Nam bộ nầy có một ý nghĩa rất lớn – dù là ngẫu nhiên – đối với công cuộc khẩn hoang miền Nam. Đó là những người thợ thủ công và giới tiểu thương, họ đã làm nên vai trò hậu cần cho nền nông nghiệp. Thuở ấy, người Quảng Ngãi vào Biên Hòa lập nên làng gốm Bửu Long nhưng cũng chỉ sản xuất các lọai dụng cụ gia đình bằng đất nung như cà ràng dùng để đốt lò và vài lọai nồi đất dùng để nấu cơm, nấu canh và kho cá, người nghèo chưa biết xài các lọai gốm tráng men, ông cha ta còn phải đựng cơm đựng canh bằng chiếc gáo dừa.
Hẳn chúng ta còn nhớ, cái khạp, cái lu, cái tô, cái chén, cái dĩa thô kệch màu da bò da lươn, màu cứt ngựa mà cha ông ta đã dùng trong những năm cuối thế kỷ 19 đến đời chúng ta, những năm nửa sau thế kỷ 20. Xin thưa, đó là sản phẩm của người Phước Kiến sản xuất từ những lò lu lò chén tại Sò Đo, Bà Lụa, Chòm Sao, Tân Phước Khánh, Lái Thiêu. Những chiếc lò cổ kính được kết thành từng viên gạch nằm ẩn mình dưới mái ngói âm dương, từng cột khói la đà suốt hơn một thế kỷ qua để bây giờ nó được gọi là làng gốm cổ.
Anh Kiệt kể cho biết, hơn ba mươi năm trước, trong những ngày lang thang lên Bình Dương để sưu tầm đồ gốm cổ, anh đã gặp các cụ già người Phước Kiến thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, có người sinh trưởng tại Thủ Dầu Một, có người theo cha mẹ từ Trung Hoa sang khi còn tuổi thiếu niên đã kể lại với anh qua những câu chuyện truyền miệng của các bậc tiền nhân rằng, ngày xưa, khi vùng đất nầy còn hoang vu, rừng rậm, một nhóm người Phước Kiến tìm đến đây để khẩn hoang, trong đó có những nghệ nhân, những thợ gốm Trung Hoa thuần thục. Tình cờ, họ phát hiện ra những nhóm người rừng có màu da trắng tinh như bột. Khi tiếp cận mới hiểu ra rằng đó là người Châu Ro, mỗi khi đi rừng thường dùng đất cao lanh thoa lên người để chống muỗi vắt, khi đất khô bám vào thân hình, tạo thành lớp da màu trắng. Bằng cặp mắt nhà nghề, những người thợ gốm Phước Kiến xác định đất cao lanh và đất sét tại đây chính là nguồn nguyên liệu gốm. Đó chính là cội nguồn của gốm Bình Dương. Đất sét pha trộn với đất cao lanh, phơi khô, ngâm nước, quậy, lắng, lọc, nhồi, đạp, ủ để tạo thành một lọai đất từ thô trở thành tinh khiết. Từ đất tinh khiết, người nghệ nhân đặt lên bàn xoay, chỉ trong thóang chốc, đất trở thành chén, thành tô thay cho những chiếc gáo dừa. Theo anh Kiệt, sở dĩ những chén, tô, tộ, dĩa, lu, khạp có độ bóng màu vàng, màu nâu nhạt và nâu sậm mà dân nhà nghề gọi là men màu da lươn, da bò, cứt ngựa là vì, sau khi tìm ra mỏ đất, người Phước Kiến không thể không nghĩ đến một lớp men phủ lên đồ mộc trước khi cho chúng vào lò nung. Và ai đó đã tìm ra giải pháp, một sáng kiến dùng đá ong – một lọai đá đặc trưng của Bình Dương – xay mịn, lọc lấy tinh bột pha vớt đất bùn và tro trấu, đổ chúng vào nước, đánh lên tạo thành một dung dịch sền sệt rồi tưới đều lên đồ mộc, sau khi nung chín, chất dung dịch ấy trở thành men gốm, một lọai men chính thống xuất xứ từ đất Bình Dương và chỉ có ở Bình Dương cho đến bây giờ.
Không thể không nói đến một sự kiện dù không xác định được thời gian: sau những mẻ gốm đầu tiên ra đời, sau những chuyến xe bò lỉnh kỉnh chở lu, khạp, chén, tô từ Bình Dương đi Sài Gòn Chợ Lớn là những đòan ghe hối hả từ miền tây chèo lên tấp nập. Cảng Bà Lụa, cảng Lái Thiêu từ đó ra đời, những chuyến hàng gốm gắn liền với công cuộc khẩn hoang miền Nam, để những bửa tiệc tùng người chủ nhà không còn nơm nớp lo mượn chén ăn cơm, mượn ly uống rượu . . .
MỘT THỜI VÀNG SON
Ai là những người xây dựng lò gốm đầu tiên ở Bình Dương ? Câu hỏi ấy vẫn chưa tìm ra lời đáp. Theo anh Kiệt, bài báo của Quảng Điền cho rằng lò gốm Đại Hưng có niên đại 150 tuổi thì có cơ sở vì nó trùng hợp với lò gốm của ông Vương Lương, có biệt danh là ông Tía, tức địa danh Vàm Ông Tía ở Bà Lụa bây giờ. Tuy nhiên, bài báo của Quảng Điền cho rằng chủ lò Đại Hưng là Chú Ngâu, người Quảng Đông thì có lẽ cũng cần trao đổi lại vì nếu căn cứ theo trường phái vốn đã phân định trong các làng gốm của người Hoa ở Bình Dương thì những lò chén, lò lu thuộc trường phái của người Phước Kiến. Dù không có những quy ước thành văn, nhưng các cụ già ở đây cho biết các trường phái trong làng gốm Bình Dương được phân chia rất rõ như sau: Người Phước Kiến sản xuất lu, khạp, việm, chén, dĩa, tô tộ, muỗng và ché rượu cần theo phương pháp bàn xoay kết hợp với in khuôn, màu sắc đặc trưng là màu da lươn, da bò, cứt ngựa (bằng chất liệu men như đã nói ở phần 2 ), về sau, sang đầu thế kỷ 20, các lọai chén, tô, dĩa, thố của người Phước Kiến được cải tiến thêm một bước nữa là dùng lọai men bằng đá trắng thay cho đá ong để cho ra màu trắng đục, dùng cobal và các lọai oxyt để tạo hoa văn, đặc trưng nhất là hình con gà trống gáy và cây chuối, biểu tượng cho anh hùng và mỹ nhân, lọai hàng nầy một thời góp phần làm sang trọng cho nhà bếp của người nông dân ở các làng quê Nam bộ; người Triều Châu sản xuất bình bông, khai trà, bình tích, tách trà, sắn lẩu, cũng theo phương pháp xoay tay. Khác với người Phước Kiến dùng đá ong, đất bùn và tro trấu để làm men, người Triều Châu sau nầy đã tìm ra đá vôi ở Kiên Lương để tạo ra chất men gọi là men tràng thạch. Đá vôi Kiên Lương đem nung ba ngày ba đêm rã ra thành vôi, gọi là vôi Càng Long, vôi Càng Long pha với chính bột đá Kiên Lương và tro củi, quậy trong nước cho đến khi sền sệt rồi đem phủ lên đồ mộc, tức sản phẩm thô, sau đó dùng cobal và các lọai oxyt vẽ hoa văn trước khi nung để cho ra những sản phẩm mang màu sắc của hội họa như chim, cá, cảnh, long, lân, quy, phụng; người Quảng Đông sản xuất chậu kiểng, đôn ngồi, tượng trang trí và thờ cúng theo phương pháp in khuôn, cắt dán, đắp nổi giống như những tác phẩm điêu khắc. Theo ông Hùynh Ngọc Trảng thì trường phái Quảng Đông xuất hiện ở Bình Dương từ đầu thế kỷ 20, có liên quan với làng gốm Cây Mai và Biên Hòa, men màu của họ nhập từ Trung Quốc, chủ yếu là bạc dầu, một nguyên liệu chủ lực để pha chế với các lọai khóang khai thác tại địa phương.
Trong hơn ba trăm hiện vật mà anh Kiệt sư tầm gần ba mươi năm ở Bình Dương đã là một tiếng nói minh chứng cho một thời vàng son của gốm sứ trên vùng đất nầy. Một chiếc bình bông chiều cao 60cm, vẽ bức tranh liễu mã, gồm tám con ngựa với tám tư thế, tám màu sắc khác nhau đứng bên gốc liễụ, cạnh đó là mấy dòng chữ: “Tế tại Canh Thân mùa Xuân, Hứa Vân Mậu tác phẩm”. Anh Kiệt giải thích, tác giả bức tranh nầy là Hứa Vân Mậu, vẽ vào mùa Xuân năm 1920; một chiếc bình khác vẽ cặp rồng hướng về phía mặt trời gọi là lưỡng long chầu nhựt, ký tên là Ngô Khôi. Anh Kiệt nói, Ngô Khôi là một họa sĩ tài ba, có nét vẽ như rồng bay phụng múa, ông vẽ chầu theo đơn đặt hàng của các chủ lò, có những bức tranh vẽ độc bản, có những bức vẽ trên hàng chục cái bình mà cái nào cũng như cái nào, không phân biệt được. Thế hệ sau Ngô Khôi là ông Lào Liếm, một con người lang bạc, tài hoa nhưng ghiền áp phiện, nhiều khi không có tiền mua cọ, ông bức lông chó để vẽ nhưng các chủ lò vẫn không chê được tác phẩm của ông.
Căn cứ vào bộ sưu tập của anh Kiệt có thể nhận định rằng, làng gốm Bình Dương, ngòai những thợ thủ công, những chủ lò chuyên nghiệp còn có một lớp nghệ nhân chuyên làm hàng cao cấp, hàng độc bảng để biếu tặng hoặc để phục vụ cho các tầng lớp trung lưu của người Pháp, người Hoa thời ấy. Bên cạnh đó còn có một số mặt hàng xuất khẩu như bình bông và bình lọc nước được sản xuất với số lượng lớn, trên đó vẽ bức tranh sa mạc với con lạc đà và cây cọ theo phong cách Trung đông, ký tên hiệu lò là Vinh Phát, sản xuất vào những năm của thập niên 40. Anh Kiệt đã đến cục lưu trữ văn khố tìm chứng từ hải quan thời Pháp thuộc nhưng không tìm thấy hồ sơ nào ghi nhận hàng gốm Bình Dương xuất khẩu sang Trung đông. Nhưng tại Lái Thiêu, có một vài nguồn tin từ các cụ già cho biết rằng ông Vinh Phát làm những mặt hàng mang phong cách Trung đông ấy để bán cho một thương lái từ Campuchia, thông qua đường sông. Năm 1942, ông Vinh Phát bán lò cho ông Thành Phong để sang Campuchia làm ăn với hy vọng rằng từ Campuchia, ông sẽ trực tiếp làm ăn với khách hàng ở Trung đông, nhưng có lẽ ở đây không gặp thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, ông đã thất bại và qua đời năm 1945, sau một cơn bạo bệnh.
Theo số liệu thống kê mà anh Kiệt điều tra được thì năm 1910, Bình Dương có 42 lò gốm, rải rác từ Chánh Nghĩa, An Thạnh, Chòm Sao, Bình Chuẩn, Lái Thiêu, tập trung nhiều nhất là Chánh Nghĩa, gần cảng Bà Lụa, tạo thành địa danh ngã ba Lò Chén bây giờ với tổng số 14 lò, ít nhất là Lái Thiêu, chỉ có một lò. Đến năm 1975, Bình Dương có 117 lò, và đến năm 2000 thì con số lên đến 406 lò. Theo ông Lý Ngọc Minh – Tổng giám đốc công ty gốm Minh Long – thì thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của gốm Bình Dương là những năm cuối của thập niên 60 và đầu thập niên 70, ngòai những mặt hàng gia dụng cung cấp cho thị trường nông thôn miền Nam và Tây nguyên, các chủ lò gốm và nghệ nhân đã có những bước cải tiến mẫu mã, nhập men từ Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc để nâng cao chất lượng, chẳng những thu hút được nhu cầu của giới thượng lưu trong nước mà còn xuất khẩu ào ạt sang thị trường châu Âu.
NGHIỆP TỔ.
Tôi với anh Kiệt trở lại ngã ba Lò Chén, tìm đến nhà chị Vương Muối qua lời giới thiệu của đạo diễn Tường Phương, người gốc Bình Dương mà theo anh Phương thì chị Muối là một người khá am hiểu về lịch sử làng gốm và dòng họ Vương là một dòng họ có mặt lâu đời, đông nhất ở đây. Nhà chị Muối nằm trong con hẻm sâu, giữa bốn bề lò gốm. Chị cho biết, ông nội chị là Vương Gia từ Phước Kiến sang, cha chị là Vương Lộc, sinh năm 1917 tại Thủ Dầu Một, lò gốm của chị lấy hiệu là Vương Hòa Thượng, theo tên của người bác. Nhưng khi chị mang cái khai trà và cái thố ra cho chúng tôi xem bảo vật của dòng họ thì anh Kiệt phát hiện những hiện vật nầy lại mang hiệu lò là Phước Hiệp Hưng, chị giải thích Phước Hiệp Hưng là hiệu lò từ đời ông nội. Anh Kiệt bổng mừng rỡ như tìm được một đầu mối, rằng trong bộ sưu tập của anh cũng có một cái thố và một cái khai trà của Phước Hiệp Hưng sản xuất năm 1930. Anh Kiệt cung cấp một thông tin làm cho chị Muối phải ngạc nhiên, rằng ông nội chị Muối, tức ông Vương Gia là anh em chú bác với ông Vương Lương, còn có tên là ông Vương Tía, là người đầu tiên xây dựng lò gốm ở Bà Lụa, gọi là lò ông Tía, cho nên ở ngòai kia có cái vàm sông mang tên Vàm Ông Tía, nhưng không rõ năm nào. Ông Vương Lương có người cháu nội tên Vương Lăng, một nghệ nhân nổi tiếng trong làng gốm, cũng nổi tiếng là một người mê cải lương và đờn ca tài tử. Là người Hoa nhưng ông lại là Mạnh Thường Quân cho các nhóm đờn ca tài tử trong vùng. Mỗi năm vào dịp cúng tổ nghề gốm, ông đứng ra lo việc đờn ca và mời các đòan cải lương nổi tiếng ở Sài Gòn lên hát.
Chị Chín Muối cho biết, họ Vương ở Bình Dương có ba ngôi chùa thờ ông tổ nghề gốm, ngôi chùa đầu tiên ở Bà Lụa, ngôi chùa thứ hai ở Tân Phước Khánh, ngôi chùa thứ ba ở Lái Thiêu. Hàng năm họ Vương cúng tổ vào các ngày 24, 25, và 26 tháng 2 âm lịch. Những bức tượng bản gốc ông tổ nghề gốm được mang từ Trung Quốc sang từ những cuộc di dân của những thợ gốm đầu tiên, mỗi năm thỉnh đến một chùa, khiêng bằng kiệu từ chùa nầy sang chùa khác, cứ luân phiên trong ba ngôi chùa như thế. Và năm nào, chùa nào đến lượt đặt tượng ông tổ thì chùa đó cúng lớn, thuê đòan cải lương đến phục vụ cho tổ và hàng ngàn khán giả đến xem. Ngày hội của làng gốm cũng là ngày giao lưu giữa các cộng đồng dân tộc, dân trong làng tập trung quanh chùa Ông, dân các vùng lân cận, bạn hàng trên những đòan ghe dưới cảng kéo lên, cùng thắp nhang khấn vái cho thiên thời, địa lợi, nhơn hòa. Chị Muối nói hồi xưa những con đường ở Thủ Dầu Một tòan là đường đất đỏ, lò gốm xen lẫn với rừng dầu, xe ngựa, xe bò ngược xuôi tấp nập, lọc cọc, hối hả suốt ngày đêm. Cảng Bà Lụa, cảng Lái Thiêu, những đòan ghe chen nhau đến và chen nhau đi, mặt sông lúc nào cũng đầy ghe, ghe chở đầy lu khạp, chậu kiểng, chén tô, đồ trang trí nội thất và trang trí chùa chiềng.
Vô tình tôi cắt ngang câu chuyện kể của chị Muối bằng một câu hỏi: “Sau khi tháo lò rồi, chị định làm nghề gì ?” Sau giây phút lặng người đi, đầu cuối xuống như tránh cái nhìn của tôi, chị nói: “ Hồi trước người chú của tôi cưới con gái ông chủ lò Lý Lực ở gần đây, giờ còn để lại cho tôi một phần hùn bên đó. Tính ra hai lò nầy cộng lại hơn một trăm lao động. Sau khi tháo dở, lò Lý Lực trở thành mặt tiền, những cổ đông có thể chia đất ra buôn bán kiếm sống, nhưng tội cho những người lao động, không biết họ sẽ sống bằng gì”. Tôi hỏi chị sao không dời vào khu công nghiệp theo chủ trương của tỉnh. Chị Muối nói: “Tiền đâu mà di dời, cậu thấy đó, ngay cả những chủ lò sản xuất hàng xuất khẩu còn không có khả năng để vào khu công nghiệp, huống chi chúng tôi chỉ làm chén cạo mủ cao su”. Chị cho biết, ngày xưa lò Vương Hòa Thượng và lò Lý Lực chuyên sản xuất chén, tô, tộ, dĩa, thố, khai trà. Nhưng đến khi hàng bị rớt giá, thậm chí một chục chén chỉ bán được hai ngàn đồng thì chị chuyển sang sản xuất chén hứng mủ cao su, giá thành rẻ hơn nhưng mỗi chục bán được sáu bảy ngàn đồng, nhưng rồi chén cao su cũng rớt giá, giờ mỗi chục chỉ được bốn ngàn đồng, thậm chí có khi ế ẩm. Tôi hỏi về chi phí sản xuất, chị Muối đưa ra một bài tóan như sau: Một căn lò cho ra 2.000 chén một chu kỳ 15 ngày, tổng thu 800.000 đồng, trừ các chi phí như: tiền đất 200.000 đồng, tiền củi 150.000 đồng, tiền công thợ xoay và trán men 140.000 đồng, tiền gánh chén thô vào lò và gánh chén thành phẩm ra lò 120.000 đồng, tiền thợ đốt lò 30.000 đồng, tiền men 30.000 đồng, dự chi tất cả khỏang 670.000 đồng, còn lại 130.000 đồng. Lò Lý Lực có 40 căn, lấy 130.000 đồng nhân cho 40, nhân cho 2 klỳ lò mỗi tháng, chia lại cho bốn phần hùn thì mỗi tháng, một phần hùn được 2,1 triệu đồng. Nhưng hầu hết các chủ lò đều trực tiếp làm thợ, cả gia đình cùng làm với công nhân, thu nhập bình quân của mỗi lao động thêm khỏang một triệu đồng nữa. Chị Muối nói, nếu như bán hết chén thì cũng đủ nuôi sống gia đình. Biết vậy nhưng không thể làm nghề nào khác vì từ đời ông đời cha đến khai phá vùng đất nầy, nghề gốm đã trở thành nghiệp tổ, không thể bỏ được.
BỎ THÌ THƯƠNG, VƯƠNG THÌ KHỔ
Ngôi nhà anh Năm Biên, có lẽ đây là ngôi nhà cổ cuối cùng còn sót lại ở Lái Thiêu: cột gỗ, mái ngói âm dương, tường xây bằng đất. Anh Biên nói, theo lời cha anh kể lại thì ông nội anh ngày xưa dùng đất gò để ép gạch, những viên gạch không nung ấy được kết lại với nhau bằng nhựa đất. Vậy mà bức tường ấy đã tồn tại vững chắc ngót một trăm năm. Trên nóc nhà, bảng hiệu Phước Dũ Nguyên được ông nội anh cẩn bằng ốc xa cừ đã truyền lại ba đời, có lẽ đây là một trong vài bảng hiệu lò gốm còn được lưu giữ ở Bình Dương. Anh Biên cho biết, ông nội anh là Vương Phan, một người thợ in khuôn từ Phước Kiến sang làm thuê cho các lò gốm ở Chòm Sao, Hưng Định từ những năm cuối thế kỷ 19. Đến đầu thế kỷ 20, ông được kiến họ Vương giúp vốn về Lái Thiêu xây dựng lò Phước Dũ Nguyên, chuyên sản xuất lu, khạp, ché rượu cần,hủ tăng sại, chén hứng mủ cao su, về sau phát triển lên chén kiểu con rồng, tô, thố, dĩa bạc liễu, gối nằm. Anh lấy ra cho chúng tôi xem cái dĩa bạc liễu có đường kính hơn 30cm, men trắng, dưới đáy vẽ hình hai con cá đối nhau, một con màu xanh, một con màu nâu. Món thứ hai là cái gối nằm, cũng men trắng, vẽ một nhánh cây màu xanh. Anh nói đây là hai hiện vật cuối cùng còn sót lại của Phước Dũ Nguyên thời khởi nghiệp, anh đã đăng ký nộp cho bảo tàng tỉnh Bình Dương.
Như đã nói ở phần trên, gốm Bình Dương có ba trường phái khác nhau: trường phái Phước Kiến chuyên sản xuất hàng gia dụng, trường phái Triều Châu sản xuất hàng trang trí nội thất, trường phái Quảng Đông sản xuất hàng công nghệ miếu vũ. Nhưng theo anh Biên thì sang thập niên 80, một số công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thâm nhập thị trường Đông Âu đã tiêu thụ được các sản phẩm gốm Bình Dương như các loại chậu kiểng và đồ trang trí nội thất thì thị trường gốm Bình Dương cũng lao vào cuộc cạnh tranh, không còn phân chia trường phái như trước, nghĩa là ai tìm được đơn đặt hàng thì sản xuất, lò gốm Phước Dũ Nguyên của anh Biên cũng chuyển sang sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.
Một trăm năm, Phước Dũ Nguyên đã đi qua những thăng trầm: Ông Vương Phan qua đời, lò gốm được giao lại cho ông Vương Thuận, tức cha của anh Biên, ông Vương Thuận qua đời, lò gốm giao lại cho chú Tư của anh Biên là ông Vương Mục, ông Vương Mục sau nầy giao lại cho người em thứ Năm là ông Vương Thanh, ông Vương Thanh giao lại cho người em thứ Bảy là ông Vương Điền Sớm. Đến năm 1982, Phước Dũ Nguyên được giao lại cho anh Biên. Anh Biên là người quản lý như một công ty cổ phần, nghĩa là anh được trả lương, còn lợi nhuận thì chia đều trong dòng họ. Anh Biên năm nay đã trên 60 tuổi, cũng như nhiều thế hệ cha ông, người thợ gốm cất tiếng khóc chào đời trong lời ru của đất, vật nhìn thấy đầu tiên trong đời là đất, tập đi, tập trườn, tập bò trên đất, và, món đồ chơi đầu tiên của trẻ con là vọc đất. Cứ thế rồi thành thợ gốm tự lúc nào không biết. Đất gắn chặt với đời người, đất làm nên nhà cửa, manh áo, chén cơm.
Bây giờ, cụm từ “giải tỏa làng gốm” đến với các chủ lò như một tin sét đánh – mặc dù họ đã biết từ lâu – không đơn thuần là chuyện nghề nghiệp, chuyện mưu sinh mà còn là một nỗi đau phải chia lìa với đất. Anh Biên rầu rỉ nói: “Trong các cuộc họp dân, chúng tôi đã đặt ra mấy vấn đề, thứ nhất, khi tổ tiên chúng tôi đến đây lập nên làng gốm thì vùng đất nầy còn lắm hoang vu, chính làng gốm đã tạo nên gương mặt của phố phường, chợ búa, mới có đô thị đông đúc như bây giờ. Vậy thì buộc chúng tôi phải giải tỏa, phải di dời, phải đổi nghề để bảo vệ môi trường thì đau lòng quá. Còn vấn đề ô nhiễm môi trường, xin lấy một ví dụ: con sông Sài Gòn xưa nay rất trong lành, đầy ắp cá tôm. Nhưng mấy năm gần đây, nước thảy từ các khu công nghiệp đổ xuống, cá chết sạch, con người cũng không dám xuống tắm, không dám lấy nước xài, như vậy sẽ giải thích thế nào về nguyên nhân gây ô nhiễm. Nhưng nói thì nói vậy để tự lý giải với mình thôi chớ có tác dụng gì với nhà chức trách”.
Tôi hỏi anh Biên tại sao không dời vào khu công nghiệp hoặc chuyển sang công nghệ đốt lò ga, anh nói ai mà chẳng muốn thế, nhưng một số hộ đã bỏ ra tiền tỷ để đầu tư cho lò ga, cuối cùng phá sản vì giá thành sản phẩm quá cao, khách hàng không mua nổi. Còn chuyển vào khu công nghiệp thì cái chết đã được báo trước: Tính sơ chuyện mua đất, xây lò, xây nhà xưởng, nhà kho cũng mất vài tỷ đồng, thợ làm gốm vốn thu nhập thấp, họ không thể đi về mỗi ngày hàng chục cây số, rồi chi phí vận chuyển làm cho giá thành sản phẩm tăng, hàng sẽ không bán được. Nói tóm lại, gốm là một nghề thủ công truyền thống, từ đời nầy sang đời khác, một khu đất, một lò gốm do cha ông để lại như một nguồn vốn cố định, con cháu lớn lên cứ tiếp tục nặn đất ném vào đó rồi đốt lửa, cứ thế mà sống, không giàu nhưng sống được, không giàu nhưng không thể bỏ nghề, chẳng ai biết giá trị của đất đai, nhà xưởng là bao nhiêu, chẳng ai biết nếu xây mới một cái lò thì phải tốn bao nhiêu. Bây giờ khi bảo phải di dời, nghĩa là phải làm lại từ đầu thì mọi người mới chới với, nghĩa là phải bắt đầu bằng tiền tỷ trong khi nhìn lại cả cơ nghiệp của mình chẳng đáng là bao, có chăng là những chén bát, tay cầm, lu khạp, chậu kiểng . . . nằm ngổn ngang trong nhà kho, bán đến đâu xài đến đó. Hỏi sắp tới anh tính sao ? Anh Biên ngậm ngùi nói: “Giờ còn một số nguyên liệu, làm lây lất cho hết năm nay rồi sẽ tháo dở lò theo quy định, sau đó thì chưa biết làm gì”
NGẬM NGÙI BẾN CẢNG TRĂM NĂM
Chúng tôi gặp anh Vương Ngân Viên cùng hai người con là Vương Ngọc Trâm và Vương Chí Thuận đang làm thợ in khuôn cho lò gốm Phước Dũ Nguyên. Anh Viên cho biết, ở làng gốm Bình Dương có một quy luật thông thường là, dù người Phước Kiến, Triều Châu hay Quảng Đông, hễ từ Trung Quốc sang đây dựng lò làm chủ thì đời con đời cháu tiếp tục làm chủ, còn tổ tiên sang đây làm thợ thì đời con đời cháu cũng tiếp tục làm thợ, ngoại trừ một số thợ được kiến họ giúp vốn, mở lò mới có cơ may đổi đời làm chủ. Nhưng theo ông chủ lò Lý Toàn Hưng thì số thợ làm thuê ở các lò gốm không nhiều, bởi phần đông những người làm công đều là người của gia đình, thân tộc. Đó cũng là một đặc trưng trong quan hệ họ hàng, thân tộc của người Hoa. Khi người cha làm chủ lò thì tất cả con cháu trong gia đình, thậm chí cả dòng họ đều làm thuê, đến một thời điểm, một tiêu chuẩn nào đó thì những người làm thuê sẽ được chia cổ phần. Khi người cha sắp đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ chọn một người con tiêu biểu lên thay cha làm chủ. Cứ thế, đời nầy sang đời khác, mỗi lò gốm ở Bình Dương đều hoạt động theo hình thức cổ đông trong họ hàng thân tộc. Ví dụ như lò gốp Lý Lực có bảy cổ phần gồm bảy gia đình trong dòng họ, và gần bảy mươi lao động ở đây, phần đông là con cháu trong bảy gia đình.
Anh Vương Ngân Viên cho biết, ông nội anh từ Phước Kiến theo chân một chủ lò sang đây làm thợ in khuôn, tính đến đời con anh thì đã bốn đời làm thợ. Anh và anh Vương Biên cùng làm thợ cho lò Phước Dũ Nguyên từ khi anh mười ba tuổi, nghĩa là cách nay 43 năm, lúc ấy anh Biên 18 tuổi. Cho nên đến năm 1982, khi anh Biên được người chú giao cho làm chủ lò thì anh với anh Biên vẫn là tình nghĩa anh em cùng làm thợ với nhau, đến bây giờ vẫn không hề có khoảng cách, nếu lò gốm không bị giải tỏa thì ba cha con anh sẽ gắn bó với Phước Dũ Nguyên mà sống đến trọn đời nầy sang đời khác như một gia đình. Thế nhưng . . .
Anh lại ngập ngừng. Tôi hiểu đằng sau hai chữ “thế nhưng” ấy là một câu hỏi không chỉ cho cha con anh Viên mà là hàng ngàn người thợ gốm ở Bình Dương, vẫn chưa có lời giải đáp. Tôi cũng không dám hỏi thêm, bởi ngay cả người chủ lò như anh Biên mà còn ngậm ngùi khi tôi đã hỏi thì với anh Viên lại càng thêm chua chát.
Chưa tìm được con số thống kê rằng nếu giải tỏa 237 lò gốm ở Bình Dương thì sẽ có bao nhiêu chủ lò phá sản và bao nhiêu ngàn thợ thủ công sẽ bị thất nghiệp. Nhưng qua những lò gốm mà chúng tôi tiếp cận thì tùy theo quy mô mà mỗi lò có từ 20 đến 70 thợ thủ công, nếu lấy hai con số ấy cộng lại, chia đôi rồi nhân cho 237 thì số thợ bị thất nghiệp sẽ lên đến hơn 10.000 người.
Và, tại cảng Bà Lụa và cảng Lái Thiêu, hàng trăm chiếc ghe vận chuyển rồi sẽ về đâu khi “bến” đã bỏ “thuyền” ?
Chúng tôi ngồi uống trà trên cabin chiếc ghe chày của anh Vinh đang cặp bến cảng Bà Lụa, anh Vinh giới thiệu hai người bạn đồng nghiệp đồng hành vừa từ hai chiếc ghe bên cạnh bước qua: “ Đây là anh Khâm, anh em cô cậu với tôi, còn đây là anh Vũ, cột chèo với tôi, cũng là dân Tiền Giang, nói chung, dòng họ chúng tôi phần đông sống trên sông nước”. Trên chiếc ghe của Vinh chất đầy lu, khạp và chậu kiểng, rồi trong những lu, khạp và chậu kiểng ấy lại chứa đầy những tô, chén, dĩa, lư hương, heo đất, thổ địa, thần tài . . . Vinh cho biết chờ thêm vài món hàng nữa là anh khởi hành, ngược xuôi theo những dòng sông, con rạch xuống tận Đồng Tháp, An Giang, U Minh hạ, Mũi Cà Mau . . . đi cho đến khi nào bán hết hàng thì quay lặi, mỗi chuyến như vậy kéo dài hơn một tháng, trừ hết chi phí cũng kiếm được vài triệu đồng.Tôi hỏi anh đi ghe bao lâu rồi, Vinh nói năm nay anh 42 tuổi đời cũng là 42 tuổi nghề, nghĩa là đi ghe kể từ khi còn nằm trong bụng mẹ, nếu tính từ đời ông nội anh đến giờ thì đã hơn chục xác ghe. Khi Vinh lớn lên, điều anh nhìn thấy và cảm nhận đầu tiên là sông nước, những món đồ chơi của tuổi thơ anh cũng là những con vật được nặn ra từ các lò gốm Bình Dương, vừa là đồ chơi, vừa là những món hàng từ cảng Bà Lụa nầy theo chiếc ghe của cha mẹ anh lang thang khắp sông nước miền tây. Khi biết yêu, cô gái đầu tiên làm cho Vinh bị xao lòng là cô Thu Vân, con của ông chủ ghe cùng đến, cùng đi từ bến cảng nầy. Khi anh với Vân sắp làm đám cưới thì cha mẹ anh cũng chuẩn bị cho anh ra riêng bằng một chiếc ghe. Từ ấy đến nay đã gần hai chục năm, hai xác ghe lần lượt qua đời cùng với hai đứa con lần lượt ra đời. Nhiều lúc vợ chồng Vinh cũng khát khao có một mái nhà, được sống trên bờ như bao nhiêu người khác. Nhưng bây giờ, khi biết được cuối năm nay làng gốm Bình Dương sẽ ngưng hoạt động, anh cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi. Không còn gốm để chở, chiếc ghe của anh rồi sẽ làm gì ? Vợ chồng anh sẽ sống bằng gì ? Đó là những câu hỏi mà hàng trăm chủ ghe ở đây cứ hỏi nhau mà chưa ai tìm ra lời đáp. Thấy tôi cầm máy ảnh, Vinh bảo: “Chụp đi, chụp thật nhiều để làm kỷ niệm, bởi mai nầy khi anh trở lại, bến cảng nầy sẽ trở thành hoang vắng, những bức ảnh của anh sẽ nhắc nhở người ta về những đoàn ghe cuối cùng của một bến cảng trăm năm”.