Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2008

THƯ VIẾT TỪ ĐẤT MŨI





Kính tặng bạn bè xưa

Chị Dạ Ngân !

Có lẽ chị và anh Nguyễn Quang Thân rất hài lòng về chuyến đi thăm Đất Mũi vừa qua, nơi mà nhiều nhà văn, nhà thơ ở Thủ đô hãy còn chờ cơ hội.

Nhưng thật ra, tôi nghĩ rằng với một chuyến đi mang tính cưởi ngựa xem hoa như thế, dù có thõa mãn đến đâu đi nữa thì tất cả cũng chỉ là cái cãm giác lạ trước một vùng đất lạ mà thôi.

Hôm đưa anh chị đi, tôi có một dự định nhưng lại không làm được dù rất đơn giản, có nghĩa là tổ chức ở trong rừng một đêm để đốt lửa, để nhậu và để nghe mấy ông già Năm Căn kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Sẽ có biết bao câu chuyện kỳ thú về rừng đước Cà Mau từ thời khẩn hoang lập ấp cho đến hai cuộc chiến tranh.

Chị còn nhớ buổi sáng từ trong xóm Mũi đi ra biển, chiếc võ lãi bị mắc cạn ở bãi bồi, chị đốt lửa nấu cơm, tôi với anh Thân ngồi uống trà, anh Thân cứ xuýt xoa với khu rừng mấm bạt ngàn trãi dài ra biển như mái nhà từ thấp đến cao. Tôi chỉ giải thích với anh Thân về hệ sinh thái của rừng ngập mặn, có nghĩa là cây mấm đi tiên phong để giữ lấy đất phù sa cho Mũi Cà Mau mỗi năm bồi thêm vài trăm mét, song, rừng mấm còn có cái phần đời mà tôi sẽ kể cùng chị trong câu chuyện sau đây.

Có lẽ chị còn nhớ con sông Cửa Lớn mà chúng ta đã đi qua. Đó là một trong một trăm con sông lớn của thế giới, sở dĩ tôi biết được điều đó là vì năm 1991, đoàn tàu Calipso trong chương trình đi nghiên cứu một trăm dòng sông lớn nhất trên thế giới, họ đã dừng lại ở cảng Năm Căn để nghiên cứu con sông Cửa Lớn. Tất nhiên tôi không thể hiểu họ nghiên cứu những gì về con sông nầy. Riêng trong sự hiểu biết của tôi mà tôi muốn kể với chị rằng, đây là một dòng sông rất lạ, nó bắt đầu từ biển rồi lại về với biển, nghĩa là từ cửa Bồ Đề ở biển Đông đổ về cửa Ông Trang ở biển Tây. Dòng sông nầy cắt khu rừng ngập mặn Năm Căn ra làm hai mảng, một mảng giáp với đất liền, một mảng giáp với biển Đông và biển Tây như một hòn đảo gồm ba xã Đất Mũi, Viên An và Rạch Gốc.

Trong chiến tranh, hòn đảo ấy lại là vùng căn cứ, là cái bến cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên biển, để từ cái bến ấy vũ khí được chuyển đi khắp các chiến trường. Biết được điều ấy, quân đội Mỹ mở một chiến dịch gọi là Hạm đội nhỏ trên sông, cứ năm phút có một chiếc tiểu pháo hạm chạy qua dòng sông Cửa Lớn để phong toả khu rừng cho quân và đân ta chết dần trong đói khát. Dĩ nhiên là không bao lâu, hòn đảo đã hết nước ngọt và lương thực dự trữ. Bao nhiêu chuyến tiếp lương vượt sông Cửa Lớn đều bị tàu giặc bắn chìm. Người Mỹ đã không ngờ rằng, trong vòng phong toả của họ, người ta đã luộc trái mấm ăn thay cơm và dùng phương pháp nấu rượu để cất nước mặn thành nước ngọt mà uống. Kết quả của chiến dịch Hạm đội nhỏ trên sông là hàng trăm xác tàu Mỹ chìm dưới đáy sông Cửa Lớn.

Bạn tôi – anh Lâm Việt Bắc – một dũng sĩ săn tàu cấp ưu tú đã từng đánh chìm hằng chục chiếc. Trận cuối cùng ngày 17 tháng 3 năm 1971, anh đã bắn chìm bốn chiếc cùng với 37 lính Mỹ tại vàm Bà Thanh, năm ấy Lâm Việt Bắc mới 17 tuổi. Do bị nhiều vết thương nặng và do bắn vượt cơ số của loại súng B40 nên anh bất tỉnh, khi đồng đội chuẩn bị làm lễ truy điệu cho anh thì mới phát hiện anh còn sống.

Chẳng biết ai là người nghĩ ra việc ăn trái mấm thay cơm, chỉ biết rằng trong lúc khắc nghiệt ấy, không có trái mấm thì con người ở đây sẽ chết dần trong đói khát. Trái mấm có vị đắng, chát. Muốn ăn được phải luộc đi luộc lại năm bảy lần rồi sau đó đem nấu với đường như một loại chè đậu , phải ăn như một thứ cực hình cho nên trong đời sống bình thường chẳng bao giờ người ta xem trái mấm là một thứ nguyên liệu để chế biến thức ăn.

Chiến tranh kết thúc, cộc sống sang trang với với bao nhiêu thứ bộn bề của cơm, áo, gạo, tiền và chính trị.

Là một thương binh 2/4, bị mất tròng mắt phải, một vết thương chạm bên trái cột sống và hàng chục vết thương khác trên người, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương ấy kéo về nhắc lại cuộc chiến tranh. Nhưng chính lúc ấy, Lâm Việt Bắc lại thấy mình mắc nợ với rừng, với những đồng đội đã nằm lại rừng vĩnh viễn. Lẽ ra anh bằng lòng với công việc của một trưởng phòng tài vụ ở sở Thương binh, bằng lòng với vợ đẹp con ngoan trong một gia đình hạnh phúc. Thế nhưng anh thường hay vô cớ bỏ nhà đi, lang thang về rừng ngập mặn, tìm thăm mộ đồng đội trong rừng, thăm lại những bà mẹ Năm Căn đã từng nuôi anh bằng trái mấm thay cơm.

Có lần, anh trở lại sông Cửa Lớn đúng mùa phóng lao cá dứa. Mùa nầy diễn ra hằng năm vào tháng tám đến tháng mười âm lịch, khi trái mấm rụng đầy sông. Từ các sông rạch nhỏ trong rừng, trái mắm đổ về sông Cửa Lớn, con sông Cửa Lớn có nhiệm vụ đưa chúng ra bãi bồi để chúng làm người lính tiên phong đi mở đất. Chính vì lẽ ấy mà vào mùa nầy, cá dứa từ biển Đông kéo vào cửa Bồ Đề rồi hội tụ trên sông Cửa Lớn để tha hồ ăn trái mấm. Trong trái mấm có chất Alcaloid nên khi ăn no , cá dứa ngủ mê nằm phơi bụng lờ đờ trên mặt nước. Người thợ săn tay cầm lao, tay lách nhẹ máy chèo xuôi êm theo dòng nước, mỗi khi thấy bụng cá dứa là ngọn lao vút đi, người thợ săn chỉ giữ lại sợi dây, cán lao bằng tre lắc lư trên mặt nước. Thế là một con cá đứa to chừng năm bảy ký được vớt lên.

Chuyện ăn trái mấm thay cơm thời đánh Mỹ, chuyện săn cá dứa vào mùa trái mấm trên sông Cửa Lớn đã nãy sinh ý tưởng trong Lâm Việt Bắc một công trình nghiên cứu khoa học về cây mấm. Nhưng tiếc thay, anh lại thiếu tất cả, thiếu bằng cấp, thiếu kiến thức khoa học, thiếu tiền, thiếu sức khoẻ. Anh chẳng có gì ngoài cái giấy chứng nhận thương binh, có nghĩa là chứng nhận một tấm thân không còn nguyên vẹn, một kế toán tài vụ trình độ học vấn chưa hết lớp 11 ban đêm.

Vậy mà, chị Ngân ạ ! Con người ấy rất lạ lùng và kỳ diệu, kỳ diệu đến không thể nào hiểu nổi. Có lần anh ngồi trò chuyện với Tiến sĩ Trần Đy, tổng cục phó Tổng cục Địa chất về tiềm năng khoáng sản ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, bất giác, ông Trần Đy hỏi : “ Anh Bắc tốt nghiệp ngành mỏ năm nào nhỉ ?” Anh Bắc lắc đầu trả lời rằng “ tôi không có học”. Ông Trần Đy không tin, ông cho rằng qua cách nói chuyện, cách dùng từ khoa học chứng tỏ Lâm Việt Bắc là một nhà địa chất có nhiều kinh nghiệm.

Nhưng ở đời, cái bằng cấp trước hết lại là thước đo gía trị của kiến thức. Nếu không có nó nằm trong bộ hồ sơ xin việc thì đương nhiên anh bị xếp vào loại lao động phổ thông.

Năm 1980, Lâm Việt Bắc lập dự án nghiên cứu việc sử dụng bột lá mấm làm chất dinh dưởng bổ sung cho thành phần thức ăn trong chăn nuôi công nghiệp. Anh mang đến Uy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh để đăng ký đề tài. Tất nhiên là anh bị từ chối vì thủ tục không hợp lệ, có nghĩa là anh không có bằng cấp chuyên môn. Ngoài cái lẽ ấy, người ta tình nghi Lâm Việt Bắc bị mắc bệnh tâm thần, kiểu tâm thần của những thương binh loại nặng, hay mơ mộng đến những điều có liên quan đến chiến tranh. Người ta chế giễu anh vì cây mấm có còn lạ gì ở cái xứ nầy, nó chỉ là một loài cây vô dụng, chỉ để làm chất đốt.

Ai cũng biết, rừng ngập mặn Năm Căn được xếp vào loại lớn nhất Đông Nam Á và đứng hàng thứ hai trên thế giới sau rừng Amazon Nam Mỹ. Vì vậy mà ngay sau hoà bình nó lập tức trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học lâm sinh. Tất nhiên là khoảng kinh phí nhà nước đầu tư cho các công trình ngiên cứu khoa học về khu rừng nầy không nhỏ.

Năm 1983, tôi có dịp tham dự một Hội nghị khoa học cấp Quốc gia về rừng ngập mặn Năm Căn tổ chức tại sở Lâm nghiệp Minh Hải. Tại Hội nghị nầy, Dự án điều chế rừng ngập mặn Năm Căn được xem là nội dung chủ yếu, đây là một công trình đầy tốn kém của nhiều nhà khoa học có tầm cở trong nước được tiến hành trong nhiều năm. Cơ sở khoa học của dự án nầy được khẳn định là : Trong quy luật diễn thế của rừng ngập mặn, sự xuất hiện đầu tiên là cây mấm. Mấm có vai trò lấn biển để ổn định đất và khi đất được ổn định thì rừng đước hình thành. Nhưng từ thế hệ rừng mấm sang thế hệ rừng đước phải mất ba mươi năm mà sự tồn tại của rừng mấm trong ba mươi năm ấy không mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, cần phải có sự tác động của con người để rút ngắn diễn thế tự nhiên. Như vậy, điều chế rừng ngập mặn, nói cho dễ hiểu là phá rừng mấm để trồng đước.

Trong thời gian nầy, Lâm Việt Bắc đã bán gần hết tài sản của gia đình và đồ trang sức của vợ để đi tìm các thông số kỷ thuật có liên quan đến giá trị của cây mấm. Kết quả phân tích của Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã làm cho anh bất ngờ sung sướng đến ngất đi : Bột lá mấm có chứa 23 thành phần dinh dưỡng và hoàn toàn không có độc tố, đặc biệt trong đó có Caroten và Protein chiếm hàm lượng rất cao. Giải thích hiện tượng nầy, Lâm Việt Bắc khẳn định : Trong quy luật diễn thế của rừng ngập mặn, sự xuất hiện đầu tiên là cây mấm. Với vai trò ổn định đất, mấm mọc theo triền sông và ven biển. Chính ở môi trường nầy, cây mấm có điều kiện để hấp thụ các khóang chất trong nước biển và phù sa trẻ.

Để hoàn tất công trình nghiên cứu, Lâm Việt Bắc về Năm Căn dựng lên dãy nhà ven rừng mấm bên bờ sông Rạch Rốc để làm cơ sở sản xuất thử ngiệm. Nhưng mọi thứ đều cần phải có tiền, anh sang căn cứ Hải quân ngụy đào bới sắt vụn, vỏ đạn, túi nilon chở lên thành phố Hồ Chí Minh đổi lấy thiết bị máy móc. Chính trong những chuyến đi nầy anh đã mò mẫm đến Viện Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, gặp Giáo sư Tiến sĩ Trần Thế Thông, viện trưởng và Kỹ sư Đinh Huỳnh, chủ nhiệm bộ môn thức ăn và dinh dưỡng gia súc để nhờ họ đỡ đầu cho công trình nghiên cứu.

Tháng 12 năm 1986, Giáo sư Tiến sĩ Trần Thế Thông dẫn một đoàn cán bộ chuyên môn về Cà Mau để khảo sát rừng mấm và tổ chức một Hội nghị khoa học về cây mấm. Ông nói : Từ kết quả phân tích các thành phần hoá học của bột lá mấm đến kết quả của quá trình thử nghiệm trên chăn nuôi đã cho phép chúng ta đi đến kết luận rằng, bột lá mấm đã rút ngắn được thời gian chăn nuôi gia súc gia cầm, tăng chất lượng thịt mỡ và đặc biệt là giảm tối đa các dịch bệnh. Theo tôi, công trình nghiên cứu của Lâm Việt Bắc có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước ta, đồng thời đây là một công trình khoa học có tầm cở Đông Nam Á, nếu tôi không nói rằng có tầm cở quốc tế.Vì sao vậy ? Xin thưa rằng, bột lá mấm có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn bột cỏ Medicaro và Sativa ở Châu Au, cao hơn cây Bình linh ở Malaisia và Philippin, đặc biệt là nó không có độc tố, lại mọc thành rừng tự nhiên, trong khi đó hầu hết các loại bột cỏ trên thế giới đều phải đầu tư đất đai và chi phí trồng trọt nhưng chúng lại chứa một hàm lượng độc tố nhất định. Vì vậy mà bột cỏ trong chăn nuôi công nghiệp trên thế giới hiện nay vẫn còn là một vấn đề nan giải. Đối với công trình nầy, tôi biết trong thời gian qua Lâm Việt Bắc gặp không ít khó khăn . . . nhưng thôi, cái gì đã qua hãy để cho nó trôi qua, chúng ta hãy hướng tới những gì cao đẹp của một nền khoa học chân chính. Mà một nền khoa học chân chính thì không phân biệt đối xử.

Nhưng ở đời, cái gì đã bị từ chối thì đừng mong bắt người ta dễ dàng thừa nhận, có chăng là sự miễn cưỡng. Xí nghiệp sản xuất bột lá mấm cuối cùng cũng ra đời bên bờ sông Cái Lớn do Lâm Việt Bắc làm giám đốc. Cái ngày khánh thành thật buồn tẻ làm sao. Anh mời không sót ai, nhưng đến dự chỉ có mấy nhà báo và mấy anh em văn nghệ sĩ. Sau buổi lễ khánh thành, nhà máy lại nằm chờ . . . dầu dể sản xuất. Chờ mãi cho đến khi nó hóa thành đống sắt vụn bên bờ sông. Mỗi lần có ai nhắc đến, người ta đổ thừa cho . . . cơ chế bao cấp. Vậy là huề.

Lâm Việt Bắc bỏ rừng về nhà nằm đọc sách, thĩnh thoãng anh lại vô cớ bỏ nhà đi.

Một hôm, anh gọi tôi ra quán cà phê và hỏi nhỏ : “ Mấy ngày nay mầy có nghe tin về cơn sốt đào vàng ở Cạnh Đền không ?” Tôi nói : “ Tưởng chuyện gì chớ chuyện đó rùm beng hổm rày ai mà chẳng nghe”. Lâm Việt Bắc nói : “Tao mới đi bên ấy về. Người ta nói rằng vàng ấy là của vua Gia Long, hoàn toàn không đúng. Tao phát hiện ở độ sâu chừng một mét đến một mét rưởi có những kho chứa đá quặng khổng lồ, bên cạnh đó là dụng cụ luyện vàng của Vương Quốc Phù Nam. Căn cứ vào khả năng vận chuyển thời đó thì đá quặng nầy họ chỉ khai thác ở những vùng lân cận mà thôi”. Tôi hỏi: “Tại sao anh biết đó là đá quặng?” Anh khẳn định: “Nhìn bằng mắt thường cũng đủ biết, nhưng tao đã mang ra Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt phân tích rồi, hàm lượng bốn phần ngàn”. Cuối cùng anh đề nghị : “ Tao muốn tụi bây giúp tao một chuyện. Mầy, thằng Tín, thằng Dự tổ chức cho tao đi khảo sát vùng Bảy núi An Giang và một số hòn đảo ở Kiên Giang, tụi mình lấy danh là đoàn cán bộ sáng tác đi thực tế để nhờ các Hội Văn nghệ bên đó dẫn đi. Như vậy vừa đạt được mục đích, vừa giử được bí mật. Sau khi khảo sát xong, tao sẽ lập dự án khai thác và trình lên ông Kiệt, trận nầy phải làm cho thay đổi nền kinh tế đất nước mới được”.

Chúng tôi gom hết tiền nhà, ứng thêm tiền lương, mượn thêm của bạn bè, mỗi thằng mua một cây búa thầu, một cây xà beng giấu trong hành lý rồi phóng lên xe đò làm một chuyến đi với niềm hy vọng làm đổi thay nền kinh tế đất nước.

Qua An Giang, chúng tôi rủ nhà điêu khắc Trần Thanh Phong cùng đi. Vì anh Phong là bạn bè chí cốt nên chúng tôi nói rõ mục đích của chuyến đi và dặn anh rằng, nếu có ai hỏi vì sao chúng tôi lượm nhiều đá thì anh Phong sẽ giải thích rằng anh chọn mẫu đá để làm tượng.

Chúng tôi đi gần một tháng trời, từ những dãy núi trong đất liền đến các hòn đảo ngoài khơi. Anh Bắc đi trước, chúng tôi mỗi thằng một cái giỏ đệm theo sau. Anh bảo đục đâu thì chúng tôi đục đó, anh đưa cái gì thì chúng tôi lấy cái nấy cho vào giỏ đệm, chẳng biết đó là loại đá gì , nặng cở nào cũng phải vác. Có lần, tôi thấy anh Bắc đang đứng trầm ngâm như chiêm nghiệm một điều gì dưới chân Hòn Đất ở Kiên Giang, bất giác anh bảo tôi: “ Mầy tốc đám cỏ tranh trước mặt và đục hòn đá chổ đó lên xem”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại; “ Làm sao anh biết dưới đám cỏ tranh nầy có hòn đá ?” Anh bảo: “ Thì cứ làm đi rồi biết”. Tôi đến tốc đám cỏ tranh, quả nhiên là ở dưới có một hòn đá to nằm hơi nhô lên mặt đất.Tôi liền lấy xà beng đục vào một cái, hòn đá vỡ ra, trong đá rực lên những tia kim loại màu vàng lấp lánh.

Một lần khác, đang lội ngoài Bãi Chén ở Hòn Tre, bổng dưng Lâm Việt Bắc bảo tôi hốt mớ cát đen cho vào bọc, tôi làm theo trong khi anh Nguyễn Trọng Tín và Võ Đắc Dự cười bảo: “ Loại nầy ở xứ mình thiếu cha gì, lấy làm chi cho nặng”. Anh Bắc nói: “ Tao bảo lấy thì lấy đi, tụi bây biết con khỉ khô gì mà cải”. Mãi đến sau nầy khi ra Hà Nội tôi mới hiểu bọc cát ấy là gì . . .

Về Cà Mau được mười hôm thì Lâm Việt Bắc gọi tôi đến bảo : “ Mầy dẫn tao đi Hà Nội gặp ông Võ Văn Kiệt . . .”

Tôi không nói câu nào cả vì biết rằng đó là mệnh lệnh.

Lên tới Sài Gòn, để anh Bắc ở khách sạn, tôi đến toà soạn báo Tuổi Trẻ tìm anh Nguyễn Đông Thức để hỏi thăm địa chỉ nhà ông Trần Bạch Đằng, anh Thức vừa chỉ vừa căn dặn : “ Nhà ông ấy ở 14 Phan Kế Bính, nhưng mà ông đừng khai rằng tôi cho địa chỉ nghen, cha nội đó khó dữ lắm, lỡ ông quấy rầy ổng ổng chửi nát ông nát cha tôi hết”

Bảy giờ tối, tôi đứng thập thò ngoài cổng 14 Phan Kế Bính, sờ tay vào công tắc chuông mấy lần nhưng không dám bấm. Cuối cùng, tôi phải ra quán ngồi uống hai chai bia mới có thêm can đảm.

Bây giờ thì tôi không hiểu rằng do hai chai bia hay do ông Trần Bạch Đằng dễ tính, ông ngồi say mê nghe tôi kể về Lâm Việt Bắc. Cuối cùng ông kết luận: “ Chuyện cũng không có gì ghê gớm, bởi trên thế giới nầy có tới sáu mươi phần trăm mỏ vàng do các nhà địa chất nghiệp dư tìm ra, hai mươi phần trăm do chó tìm, các nhà khoa học chỉ tìm được có hai mươi phần trăm thôi. Vấn đề là chúng ta xử lý vụ nầy như thế nào. Ngày mai mầy dẫn Lâm Việt Bắc lại đây cho tao biết mặt một cái rồi tụi bây đi ngay ra Hà Nội gặp anh Tám Kiệt vì chuyện nầy chỉ có anh Tám mới giải quyết được, tao sẽ gọi điện ra báo cho ảnh hay trước”

Hôm sau, sau khi mua vé tàu hỏa xong, tôi đưa Lâm Việt Bắc đến trình diện ông Trần Bạch Đằng, ông gìa nhìn Lâm Việt Bắc rất lâu rồi lặng người đi vì xúc động, ông vỗ vai anh và hỏi: “ Sức khoẻ thế nào ?”

Về khách sạn chuẩn bị hành lý lên tàu tôi mới hay rằng không còn đủ tiền để ăn uống dọc đường. Giữa đất Sài Gòn biết vay mượn của ai ? Đang xúc mồ hôi hột lại gặp quế nhơn : nghệ sĩ Lâm Quang Tèo xất hiện, lúc nầy hắn đang là sinh viên khoa đạo diễn sân khấu, hắn đi học bằng xe du lịch nhưng trong túi thì không bao giờ có tiền. Khi tôi ra lệnh cho hắn phải kiếm thêm tiền cho chúng tôi đi Hà Nội, hắn cười như điên và chửi thề một tiếng: “ Đ.m. Đi lo chuyện làm giàu cho đất nước mà không có đủ lộ phí là sao? Thôi được rồi, đợi tao mười lăm phút, tao mang tiền tới rồi đưa tụi bây ra ga luôn”. Đúng mười lăm phút sau hắn quay lại, ném một cọc tiền lên giừơng: “Nè mấy cha ! Con bồ mới tặng cái quần gin chưa mặc giờ phải đem bán. Ra Hà Nội nhớ báo cáo chuyện nầy với ông Kiệt để mai mốt đào được mỏ vàng rồi tính tóan lại với tao”

Đến lúc tàu chạy, hắn đứng vẫy tay mà miệng vẫn còn la vang câu ấy.

Ba ngày sau, chúng tôi có mặt tại nhà chú Sáu Dân vào buổi sáng.Ông già ra bắt tay chúng tôi trong nụ cừơi sảng khoái. “ Nghe nói tụi bây đi bằng xe lửa phải không ?” “ Dạ phải”. “ Rồi tụi bây định về bằng cái gì?” “ Dạ chắc cũng bằng xe lửa”. “Ví dụ như có máy bay thì tụi bây có chịu đi không?” Rồi ông già lại cười vang lên.

Suốt ngày hôm ấy, chú Sáu ngồi nghe Lâm Việt Bắc kể về giá trị kinh tế của rừng mấm, về nguồn lợi khoáng sản của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Cuối cùng chú quay sang nói với anh Tuấn thư ký riêng: “ Cậu làm ngay công văn gởi cho tỉnh An Giang và Kiên Giang bảo họ tạm đình chỉ việc khai thác đá xây dựng chờ ý kiến của Tổng Cục Địa chất. Sáng mai cậu đưa hai bạn nầy sang làm việc với Tổng Cục Địa chất, sau đó quay về đây gặp tôi”.

Trong bửa cơm chiều, chú Sáu nói với Lâm Việt Bắc: “ Đất nước đang kẹt tiền, gặp mầy hên quá. Tao sẽ chỉ đạo cho khai thác gấp vài mỏ để xoay sở” .

Sáng hôm sau, anh Tuấn đưa chúng tôi sang Tổng Cục Địa chất gặp Tiến sĩ Trần Đy, tổng cục phó. Sau khi nghe Lâm Việt Bắc trình bày những phát hiện về khóang sản ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, ông Trần Đy yêu cầu được xem mẫu. Đầu tiên, Lâm Việt Bắc đưa ra bọc cát đen mà anh bảo tôi lấy ở Bãi Chén, Hòn Tre. Ông Trần Đy mở ra xem rồi nói: “ Cái nầy là Titan, xuất khẩu được đấy anh ạ, nhưng họ mua rẽ lắm, một tấn chỉ có hai chục đôla, không đủ chi phí khai thác”. Lâm Việt Bắc nói : “Anh xem kỹ lại đi, trong đó Titan chỉ ít thôi, chủ yếu là Radium”. Nghe nói thế, ông Trần Đy bổng giật mình đưa mắt ra hiệu cho người trợ lý, hai người mang bọc cát đến gần cửa sổ mở ra xem. Xong họ quay lại với nét mặt rạng rỡ khác thường : “ Đúng rồi ! Radium ! Tuyệt vời anh ạ !” . Lâm Việt Bắc lấy tiếp mẫu thứ hai, mẫu đá có những tia kim loại màu vàng lấp lánh. Ông Trần Đy bổng hô to : “ Oi giời ơi ! Vàng ! Thế nầy là giàu to rồi anh ạ !” Rồi anh hỏi Lâm Việt Bắc: “Thế anh đã cho phân tích chưa ?” “ Dạ rồi anh ạ”. “Bao nhiêu?” “ Dạ bốn phần ngàn”. “Không, thế nầy thì không thể bốn phần ngàn được, hơn nhiều !”

Trao đổi một lúc, ông Trần Đy hỏi : “ Anh Bắc học ngành mỏ năm nào nhỉ ?”. Lâm Việt Bắc ngập ngừng nói : “ Dạ tôi không có học anh ạ”. Anh Tuấn tiếp lời: “ Anh ấy là thương binh, chỉ học hết cấp ba ban đêm thôi anh ạ, chính vì vậy mà chú Sáu rất quý”. Ông Trần Đy trố mắt nhìn Lâm Việt Bắc: “ Vậy mà nãy giờ tôi cứ tưởng anh là một nhà địa chất giàu kinh nghiệm, đặc biệt là anh dùng từ khoa học rất chính xác”. Ngẫm nghĩ một lúc, ông Trần Đy nói tiếp: “ Vậy là trong người anh có dòng từ trường sinh học”.

Chúng tôi về đến nhà thì chú Sáu đã ra đón ngoài cửa, ông nôn nóng hỏi: “ Làm việc bên ấy thế nào?” Anh Tuấn nói : “ Rất tuyệt vời chú ạ, họ đánh giá rất cao những phát hiện của anh Bắc, họ cho rằng anh thuộc loại trường sinh học”. Ông già hỏi : “ Cách xử lý của họ ra sao?”. “Dạ, họ sẽ chỉ đạo cho Liên Đoàn Địa chất 6 ở Sài Gòn làm việc với anh Bắc”. Ông già tỏ vẽ không vừa ý : “ Tại sao họ không làm việc trực tiếp mà lại giao cho Liên Đoàn 6, đi lòng vòng coi chừng hư bột hư đường hết”.

Chúng tôi về Sài Gòn gặp Liên Đoàn trưởng Liên Đoàn Địa chất 6 Nguyễn Xuân Bao. Ông tiếp chúng tôi rất lạnh nhạt. Sau khi xem công văn của phó Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng và của Tổng cục Địa chất, ông nói : “ Việc nầy lẽ ra ngay từ ban đầu các anh đến báo với chúng tôi, các anh không đến, lại đi dùi vào cơ quan quyền lực, sẽ chẳng có lợi gì cho các anh cả”. Chúng tôi bị thất vọng chẳng biết phải nói gì, đành ngồi im lặng. Ông Bao lạnh lùng nói tiếp : “ Thôi được, các anh về đi, vài hôm nữa tôi cho người xuống”.

Chị Dạ Ngân !

Tôi sẽ không kể tiếp những chuyện xảy ra sau nầy giữa chúng tôi với hai kỷ sư của Liên Đoàn Địa chất 6. Bởi một vài cá nhân không thể huyền bí hoá một nền khoa học của nước nhà. Chỉ tội cho Lâm Việt Bắc, sau cú xốc ấy anh không còn chổ nào để gởi gấm lòng tin.

Đến năm 1990, khi đất nước mở cửa, anh lên Sài Gòn làm ăn với hy vọng tìm đối tác để đầu tư cho chương trình chiếc xuất protein từ lá mấm. Nhưng rồi lực bất tòng tâm, làm ăn bị phá sản, bị vào tù vì thiếu nợ. Vợ anh cũng đã bán nhà lên Sài Gòn, giờ không biết trôi giạt nơi đâu.

Có người nói gặp anh cất chòi ở Hòn Phú Quốc, có người lại nói anh lên Tây Nguyên sống với đồng bào dân tộc.

Nhưng dù ở đâu đi nữa, tôi hy vọng rằng, nếu tình cờ đọc được những dòng nầy, anh hãy liên lạc với tôi.

Cà Mau, tháng 5 năm 2.000

( Trích từ tập bút ký NỖI NIỀM U MINH HẠ - NXB Trẻ tái bản năm 2008 )

3 nhận xét:

Peace nói...

trời ơi!

Minh Hieu nói...

Tình cờ biết blog của anh. Đọc xong nghe buồn nản thật.

Thu Nhân nói...

Những con người như anh Lâm Việt Bắc quí lắm. Nhưng làm sao có ai để thực hiện những ý tưởng của anh ấy?