Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2008

PHỎNG VẤN 21 THÁNG 6




Võ Đắc Danh:

Không thể nào không viết

Tôi không dám tự cho rằng mình là một người tử tế, nhưng để không đầu hàng, không thỏa hiệp, tôi phải chịu một áp lực khác, lớn hơn, đó là lòng tin của bạn đọc, của đồng nghiệp, nhất là những người cầm bút thuộc thế hệ đàn em, trong đó có những đứa vì quý mến tôi mà đi theo nghề báo

Phong Điệp thực hiện

· Xin trích một đoạn trong bài kí Đất của mẹ, anh mới viết: “Hồi trước, anh từng nói với tôi, “Chỗ anh em cùng họ với nhau, lúc nào tôi cũng coi chú như em ruột. Khi nào chú cảm thấy nhớ quê thì cứ mua vé bay về chơi, mọi thứ tôi lo hết”. Mặc dù tôi chưa lần nào ngẩu hứng về quê như lời anh căn dặn, nhưng tôi vẫn ghi nhớ trong thâm tâm đó là một ân tình.Thế rồi một hôm anh gọi điện cho tôi, nhờ tôi can thiệp với một tờ báo đang “tấn công” anh về chuyện đất đai. Anh nói: “Tôi biết, tác giả của những bài báo ấy dù gì cũng là đàn em của chú, chú nói giúp tôi một tiếng, tôi mang ơn !”Tôi biết tôi từ chối giúp anh trong lúc ấy, có thể là một sự phũ phàng. Nhưng nếu tôi buông một câu nói với người bạn đồng nghiệp của tôi để can thiệp giúp anh thì với mẹ Giàu, không chỉ là sự phũ phàng mà còn là điều ác. Tôi muốn anh hiểu được điều ấy mà chia sẻ với tôi, đừng trách, đừng giận tôi, bởi tôi không thể vì anh mà quay lưng lại với mẹ Nguyễn Thị Giàu, một người mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ.”

Có thể nói, người làm báo là người phải biết đương đầu với mọi áp lực. Xin hỏi, anh có thường xuyên lâm vào những tình huống khó xử như vậy không? Có khi nào anh phải chịu “đầu hàng” hay thoả hiệp?

-Có thể nói ĐẤT CỦA MẸ là một trong nhiều tình huống khó xử mà tôi đã trải qua. Cách đây hai mươi năm, tôi đã gặp một trường hợp tương tự như thế. Đó là anh Sáu Kiên, một quan chức, một nhân vật phản diện trong bút ký NƠI ẤY BÂY GIỜ lại là một người anh bà con trong dòng họ bên ngoại tôi, nhưng tôi cũng phải xử sự một cách sòng phẳng trên trang viết của mình. Tôi không dám tự cho rằng mình là một người tử tế, nhưng để không đầu hàng, không thỏa hiệp, tôi phải chịu một áp lực khác, lớn hơn, đó là lòng tin của bạn đọc, của đồng nghiệp, nhất là những người cầm bút thuộc thế hệ đàn em, trong đó có những đứa vì quý mến tôi mà đi theo nghề báo.

· Vậy tiêu chí viết và sống của anh là gì?

· Một câu hỏi ngắn nhưng hàm ý quá mênh mông, thật khó trả lời. Tôi nhớ có lần, đang lúc lao vào những vấn đề phức tạp, thậm chí có thể nguy hiểm đến bản thân. Bất chợt mẹ tôi nói một câu: “Làm gì thì làm, nguy hiểm mẹ không sợ. Nhưng nhớ không được viết sai dù một câu, một chữ. Viết sai, nếu không nguy hiểm cho mình thì cũng nguy hiểm cho người khác.” Mẹ tôi không phải là người nhiều chữ nghĩa, nhưng lời dạy của bà chính là cái chân lý bất di bất dịch đối với tôi trong cả một cuộc đời cầm bút. Một lần khác, một nhóm bà con nông dân kéo đến nhà tôi nhờ can thiệp chuyện oan ức. Tôi tiếp khách trên lầu nhưng không ngờ mẹ tôi ngồi dưới cầu thang để theo dõi thái độ của tôi. Khi khách ra về, mẹ tôi vui vẻ nói: “Người ta khổ đau mới tìm tới mình, không giúp được gì cho người ta thì ít ra cũng phải có một thái độ chia sẻ như vậy để cho người ta vui, con ạ !”. Đó là bài học thứ hai của tôi trong tác nghiệp. Ngoài ra thì tôi chỉ là một công dân bình thường, thậm chí rất bình thường.

· Tính thời điểm bây giờ, anh có nhớ mình đã viết bao nhiêu bút kí?

· Tôi là người viết chậm, hai mươi lăm năm cầm bút, trừ những thể loại khác thì bút ký của tôi chưa đến con số một trăm. Nhưng tôi không quan tâm đến số lượng mà chỉ lao vào những nhân vật mà mình cảm thấy không thể nào không viết được.

· Hàng ngày, tiếp cận với nhiều người, nhiều thành phần xã hội, nhưng để một trong số họ trở thành nhân vật cho bài bút ký của mình thì cách anh phát hiện ra họ là… ?

· Câu nầy đã có nhiều đồng nghiệp hỏi tôi, và đôi khi tôi cũng tự hỏi mình như thế. Giờ nếu ngồi nghiệm lại từng nhân vật thì thấy rằng mỗi nhân vật đến với tôi một cách khác nhau, một hoàn cảnh khác nhau, thậm chí rất ngẫu nhiên, có khi trong một tiệc nhậu vô tình nghe ai đó kể, có khi trên một chuyến đò hay một chuyến xe . . . Nhưng nói chung là tôi với các nhân vật của tôi gặp nhau ở một tầng sóng nào đó chăng ? Một số phận đang phát ra một tầng số cần được chia sẻ, mình phát ra một tầng số sẵn sàng chia sẽ. Thế là hai bên gặp nhau.Tôi nghĩ dường như là như vậy.

· Mỗi bút kí của anh là một nhân vật, mỗi nhân vật là một số phận. Và khi đã trở thành nhân vật của một tác phẩm văn học thì không thể nói nhân vật nào quan trong hơn nhân vật nào. Tuy nhiên tôi vẫn muốn hỏi: nhân vật nào khiến anh bị ám ảnh nhất?

· Những con người khát khao sự tử tế, khát khao được sống đàng hoàng tử tế nhưng bị xã hội đấy họ vào bước đường cùng.

· Đã có khi nào anh bị bất lực trước nhân vật của mình?

· Đây là một vấn đề có liên quan đến quá trình nhận thức về công việc. Hồi trước, khi mới vào nghề, tôi quan niệm rằng ngòi bút của mình có vai trò “cứu nhơn độ thế” khi nó làm đổi đời một vài số phận. Từ đó tôi say sưa đi tìm kiếm những số phận hẳm hiu để mong làm cho họ đổi đời. Nhưng càng về sau thì tôi càng nhận ra rằng đó chỉ là điều hoang tưởng. Và tôi đã bất lực trước những nhân vật của mình, không cứu rỗi được cuộc đời họ. Nhiều khi tôi muốn bỏ nghề, nhưng khổ nỗi cái nghiệp nó không chịu bỏ tôi. Cuối cùng thì tôi nghiệm ra một chân lý khác, ngòi bút không phải “cứu nhơn độ thế” mà là phản ánh hiện thực, nó làm cho người ta “yêu mến Thạch Sanh” và “căm ghét Lý Thông”, thậm chí, nó có thể cảnh báo rằng, trong đàn con của Mẹ Âu Cơ của chúng ta bây giờ Thạch Sanh thì quá hiếm hoi mà bọn Lý Thông thì hàng đàn hàng đống.

· Hàng loạt các bút kí của anh được mua bản quyền và chuyển thể kịch bản phim tài liệu, phim truyền hình như: Đồng cỏ chát, Thà đui mà giữ đạo nhà, Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Chuyện cũ, Gã khùng , Nỗi niềm sinh tử bên rìa công thổ quốc gia, Đứa con nuôi, Đất lên, tình người xuống Nữ hoàng áo bà ba, Chị Phượng, Ông Kỳ Phùng, Thế giới người điên, Bần nông lên ngôi vua, Bà chúa vỉa hèVõ Đắc Danh cũng đã trở thành một tác giả có thương hiệu. Tuy nhiêu, liệu còn có điều gì anh thấy vẫn chưa hài lòng chính mình?

· Tôi không thích lạm dụng hai chữ “thương hiệu” cho ngòi bút. Thật tình mà nói, nếu cho rằng mình chưa phải là cây bút có uy tín thì có thể bị xem là “khiêm tốn dỏm”. Nhưng sống thật lòng với công việc mới thấy rằng làm cái nghiệp nầy niềm vui và nỗi khổ ngang nhau. Viết xong một bút ký, thấy nhẹ người, thấy thanh thản lương tâm vì mình đã nói thay được cái nỗi đau của đồng loại. Được ông Nguyễn Trí Huân hay ông Trương Vĩnh Tuấn đăng lên báo, được bạn đọc gởi mail, nhắn tin, gọi điện chia sẻ vài câu, mình cảm thấy sướng được ba ngày, cũng có khi năm ngày ( riêng ĐẤT CỦA MẸ thì hai tuần ). Sau đó thì hụt hẫng, trống vắng, thấy sự sống của mình vô nghĩa, mọi trang viết đã qua đều vô nghĩa. Lại lang thang đi nhậu, đi tìm cái mới hơn mà viết, rồi lại thấy thanh thản khi viết xong, lại thấy sướng khi đăng lên báo, rồi lại thấy chán, thấy mình vô nghĩa . . . Lại khát khao. Cứ thế mà sống, mà viết. Tôi chưa bao giờ hài lòng với cái đống đồ cũ của mình, thậm chí cảm thấy mắc cỡ không dám đọc lại.

· Sự sống của mình vô nghĩa, mọi trang viết đã qua đều vô nghĩa” và cảm giác “mắc cỡ không dám đọc lại” những bài viết của mình. Những gì anh vừa nói khiến tôi ngạc nhiên. Anh - dường như đang giận chính mình. Vì sao vậy?

· Cũng có thể là tôi đang giận chính mình. Nhưng nói chính xác hơn là tôi luôn dằn vặt một mặc cảm tội lỗi với những nhân vật của tôi. Sau mỗi một bút ký, tên tuổi tôi ít nhiều được đánh bóng thêm, còn những nhân vật của tôi thì tiếp tục đắm chìm trong tiếng kêu oan vô vọng. Nhiều khi tôi tự hỏi, có phải mình đã làm sang cho mình bằng những thân phận thấp hèn của họ chăng ? Tôi cảm thấy đau lòng, thậm chí thấy ê chề, nhục nhã. Nhưng rồi sau đó gặp một thân phận khác, tôi lại dằn vặt muốn tiếp tục sẻ chia, muốn nói thay họ những điều mà họ không nói được. Cứ thế mà tôi cứ sống trong cái vòng lẩn quẩn buồn vui, cay đắng của cuộc đời, không thể tự tìm cho mình lối thoát nào khác.

· Tôi tin sẽ nhiều người cảm thấy bất ngờ khi biết thông tin này: Võ Đắc Danh – hiện nay - là nhà báo “không thẻ”. Tất nhiên “quyền năng” của nhà báo không sinh ra từ một tấm thẻ vô tri vô giác, mà xuất phát từ chính trái tim, từ khối óc, và từ tài năng của anh ta. Anh có thể nói một chút về chuyện nhà báo có thẻ và không thẻ của mình?

· Chuyện lâu rồi, kể lại thì quá dài dòng. Đại khái là tôi bị Bộ VHTT thu hồi thẻ nhà báo vì bài văn phiếm luận “Kính thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo” đăng trên Văn Nghệ Trẻ hồi cuối năm 2002. Phải thừa nhận rằng bài viết nặng nề quá, hơi “hỗn” khi phê phán những công trình lớn của Nhà nước như hệ thống nhà máy đường, hệ thống cảng cá, hệ thống ngọt hóa bán đảo Cà Mau . . . Đã sáu năm qua, những dự án mà chúng ta phê phán ấy đã sập tiệm, phá hoại của ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng chẳng thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm trước nhân dân. Lẽ ra nếu chơi đúng luật, chơi sòng phẳng thì họ phải thừa nhận rằng tôi viết đúng và trả lại cái thẻ nhà báo cho tôi. Nói chung là mọi thứ đều bị nhận “chìm xuồng”. Tôi bị mất thẻ nhưng không mất trái tim của người làm báo.

· Chúng ta – xét cho cùng ai cũng mang trong mình gốc gác nông dân. Nhưng hiểu được người nông dân thì không phải ai cũng hiểu, nhất là khi nông thôn của chúng ta đang chuyển biến từng ngày từng giờ mà bản thân chúng ta nếu không “ba cùng” với người nông dân thì sẽ thật khó có thể hiểu được họ. Còn anh lại tự nhận mình chỉ là người nông dân cầm bút viết về người nông dân. Xin hỏi có khi nào “anh nông dân Võ Đắc Danh” thấy mình lạc hậu với chính những người nông dân ở miền tây quê anh ?

· Chắc chắn là không. Nếu trở lại làm ruộng, tôi sẽ được tuyên dương “Nông dân sản xuất giỏi” vì tôi đã tiếp cận với khoa học kỹ thuật nhiều hơn. Nhưng có một điều, nếu trở lại làm kiếp nông dân thì tôi sẽ đau khổ nhiều hơn, bởi người ta chỉ khổ đau khi nhận thức được thân phận của mình. Đó là sự tụt hậu, sự thua thiệt, bị phản bội, bị bỏ rơi, bị ngược đãi . . .

· Từng viết hàng trăm bài bút kí, đăng tải hầu khắp các báo lớn từ Nam chí Bắc, nhắc đến Võ Đắc Danh là bạn đọc nhớ đến hàng loạt các bài bút kí gây chấn động; xin hỏi: tự bản thân mình – anh thấy viết bút kí dễ hay khó?

· Với tôi là luôn luôn khó, mỗi bài viết có cái khó khác nhau. Bởi lẻ mỗi nhân vật là một số phận, một hoàn cảnh khác nhau. Khi tiếp cận, mình phải gần gủi, thương yêu họ như thương chính bản thân mình, nhiều khi phải tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ mới cảm nhận hết nỗi đau. Nhân vật của truyện thì đi ra từ trang viết, nhân vật của ký thì ngược lại, từ cuộc đời thực bước vào trang viết, họ đang hiện hữu giữa đời, chỉ cần sơ sẩy một chi tiết cũng có thể gây phiền phức, nhân vật chính diện có thể mất lòng tin về sự trung thực của chúng ta, còn nhân vật phản diện thì có thể kiện chúng ta ra tòa theo luật. Nhưng cái khó lớn nhất là phải trang bị cho mình cái bản lĩnh để không biết sợ, để dám nhìn thẳng vào sự thật, dám gọi đúng tên của từng sự việc, cả điều thiện lẩn điều ác.

· Anh của 25 năm trước khác với anh của ngày hôm nay ở điểm nào?

· Tôi sẽ không hỏi anh/Vì sao rượu xé môi non lòng sầu hiu hắt/Sao đốt đời mình bằng khói thuốc cuồng điên/Anh bây giờ như nắng xế phủ ngoài hiên/Sẽ rơi rụng phía nào ai biết được !”

Đó là những câu thơ của một người bạn gái làm tặng tôi 25 năm trước. Gần đúng như vậy.Bây giờ thì mọi thứ đã khác, một người chồng, một người cha có trách nhiệm. Một người “nông dân cầm bút” luôn đau với nỗi đau của người nông dân.

· Bền bỉ với nghề báo chừng ấy năm, nếm trải đủ những cay đắng, nhọc nhằn; anh có tâm nguyện gì cho riêng mình?

· Với đời sống cá nhân, tôi cũng chỉ là một công dân bình thường như bao công dân bình thường khác. Còn với nghề, tôi xem nó là một cái đạo và sẵn sàng tử vì đạo. Một nhà sư - một vị Thượng tọa của một ngôi chùa lớn ở Sài Gòn - đã tâm sự với tôi rằng mục tiêu phấn đấu của ông ta là để làm một con người bình dị nhất. Tôi nghĩ điều đó rất khó nhưng cũng rất đáng phải làm. Tôi từng nói với con tôi rằng “ cha cố gắng sống tử tế để đời con sống một cách tử tế mà không cần cố gắng.” Con tôi hồn nhiên hỏi: “Tại sao sống tử tế mà phải cố gắng ?” Tất nhiên là tôi phải tốn công giải thích, nhưng tôi rất vui vì con tôi đã hồn nhiên hỏi lại tôi câu ấy. Có nghĩa là nó đã biết sống tử tế như cái sự tự nhiên mà không cần cố gắng.

( Văn Nghệ Trẻ, 22 tháng 6 năm 2008 )

2 nhận xét:

anhkiet l nói...

Bưng sáu xã và Đất của mẹ đã lê x cà phê http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=15979

Muối nói...

Cầu chúc ước nguyện của bạn ,của chúng ta sẽ thành sự thật “ để đời con sống một cách tử tế mà không cần cố gắng.”