Thứ Tư, 25 tháng 6, 2008

ĐỜI CHỢ - CHỢ ĐỜI





Khi tôi từ giả ra về, chị Ba Hường ngập ngừng nói :“Ngày mai, tôi muốn nhờ chú đi chụp giùm tôi mấy tấm hình đám cưới”. Tôi hỏi đám cưới ai, chị nói đám cưới con trai của anh Tư. Anh Tư, chồng chị, đã bỏ chị ra đi hơn bốn tháng nay. Giờ tổ chức đám cưới cho con cũng không mời chị. Chỉ có tấm thiệp lạnh lùng của chú rể “mời cô” đến dự tiệc tại tư gia, cách nhà chị chừng hơn cây số. Chú rể ấy, ngày xưa cũng đã từng đập phá nhà chị, hành hung chị giữa chợ khi chị làm vợ bé anh Tư. Nhưng mọi chuyện đã qua, vợ anh Tư cũng đã qua đời. Cả cái phường Linh Trung nầy ai cũng biết chuyện ấy, ai cũng xem chị với anh Tư như vợ như chồng chính thức hơn chục năm qua. Chị nghĩ, lẽ ra trong ngày cưới của con trai anh Tư, chị phải đứng vào vị trí chủ hôn để làm hết trách nhiệm của một người mẹ kế. Nhưng anh Tư đã không để cho chị làm việc đó. Nhưng may thay, bên nhà gái mời chị đi đưa dâu. Chị nhớ ngày xưa, ba người là bạn bè thân thiết. Rồi cuộc đời đẩy đưa, chị trở thành vợ anh Tư, hạnh phúc có, đắng cay có, tủi nhục có, và cuối cùng là tan vỡ. Chị cũng không ngờ hôm nay hai người kia lại trở thành thông gia. Có một điều gì đó trong sâu thẳm của tình bạn, tình yêu thôi thúc chị không thể đứng ngoài cuộc trong ngày vui của hai đứa trẻ.

Tôi mang máy ảnh theo chị bước vào nhà gái trong lúc đang cử hành hôn lễ. Chị cười tươi đến đứng cạnh anh Tư. Rồi chị theo đoàn đưa dâu sang nhà trai, cũng đứng cạnh anh Tư, chị mở hộp nữ trang ra, lấy từng món đeo cho cô dâu. Nhưng đằng sau cái niềm nở, ân cần như người mẹ ấy, tôi hiểu chị đang nuốt vào lòng từng giọt đắng cay. Sau phần tặng quà cho cô dâu và chú rể, theo yêu cầu của chị, tôi cầm cái hộp đựng hai chiếc nhẫn cưới bước đến trao cho anh Tư và nói: “ Nhân ngày vui của hai cháu, em có món quà nhỏ xin tặng cho anh chị”. Anh Tư miễn cưỡng cầm lấy và ngạc nhiên không hiểu chuyện gì. Nhưng tôi hiểu chị Hường khát khao chiếc nhẫn cưới dù tuổi chị sắp xỉ sáu mươi, ba đời chồng nhưng chưa một lần đám cưới.

Sáng hôm sau chị gọi điện cho tôi, chị nói suốt đêm qua chị không ngủ được, đời sao phủ phàng với chị quá. Rồi chị hỏi: “Liệu anh Tư có quay về với chị không em ?” . “Chắc ảnh sẽ về thôi”, “Sao em biết ?”, “Vì em tin ở lòng tốt của chị sẽ kéo ảnh quay về”. “Ừ, chị cũng hy vọng anh Tư suy nghĩ lại”.

Mấy ngày sau, chị rủ tôi đi thăm trung tâm nhân đạo Quê Hương ở Dĩ An, chị nói, mỗi lần đi làm từ thiện, chị thấy như vơi bớt nỗi buồn. Hôm ấy, chị nấu hơn hai trăm tô phở bò mang lên cho trẻ mồ côi. Nhìn những đứa trẻ ăn uống ngon lành, bổng dưng chị nói, tuổi thơ của đời chị, tuổi thơ của tám đứa con của chị, làm gì được ăn một tô phở bò ngon như vậy, dù là đời cha mẹ chị và đời chị đều đi bán thịt bò. Rồi chị kể, năm chị mang thai đứa con thứ ba thì hai đứa con đầu bệnh nặng, người ta gọi là đau ban khỉ, nhà không còn một đồng xu dính túi. Chị ẳm con đến nhà người chị họ mượn tiền. Cạnh nhà người chị có một tủ kem chuối, hai đứa bé khóc thét đòi ăn. Không nở để con nhịn thèm, chị mua hai cây kem rồi nói: “Không có tiền lẻ, chút xíu tôi trở ra trả”. Nói vậy rồi chị vào nhà, không ngờ người chị họ không cho mượn tiền. Chị đành bấm bụng ẳm con trốn nợ. Dù chỉ là hai cây kem, nhưng gần bốn chục năm qua, với chị Hường, đó là món nợ mà chị không thể nào trả nổi.

Mười hai tuổi, một buổi đến trường, một buổi gánh thịt bò ra chợ. Mười sáu tuổi, chị đã sa vào cạm bẫy ái tình. Chỉ vì một lời hứa thoát nghèo, chỉ vì giấc mơ thoát khỏi căn nhà ổ chuột lầy lội, nheo nhóc bảy tám chị em, trong một phút ngây thơ, chị đã trao thân cho người đàn ông goá vợ. Một ngả rẽ không thể tượng tượng được trong đời một cô nữ sinh trung học, xinh xắn, dịu dàng lại trở thành kế mẫu của con chồng. Khi hiểu ra thì mọi chuyện đã rồi, đành ngậm đắng nuốt cay. Chồng chị không mẹ, không cha, không nhà, không cửa. Ngày ngày chị tần tảo với gánh thịt bò, vừa nuôi con chồng, vừa nuôi chồng trốn lính. Hai năm sau, anh bị bắt lính, chị phải vay nợ chạy lo cho anh được giữ lại căn cứ hải quân ở Nhà Bè. Những đứa con lần lượt ra đời trong cảnh nghèo túng, ở nhà thuê, nhưng anh chồng thì lại lao vào con đường ăn chơi sa đọa. Mười sáu năm lấy chồng, giật mình nhìn lại mình đã tám đứa con nhưng chưa có một ngày hạnh phúc. Sáng đầu chợ, chiều cuối chợ, đêm về nằm lăn giữa đàn con nheo nhóc dưới sàn nhà bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Nhưng, như thế cũng chưa phải là nỗi khổ đau tận cùng của chị. “Mười mấy năm làm vợ – chị nói – cuộc sống đã biến chị thành người đàn bà lãnh cảm trong chuyện vợ chồng. Cực nhọc,lo toan chất chồng trước cuộc mưu sinh đầy bế tắt, đêm về thì con cái vây quanh. Ông chồng thì càng ngày càng lún sâu vào con đường trụy lạc, mắc bệnh xã hội, ghẻ lở đầy người, tóc tai xơ xác. Chị càng né tránh thì ảnh càng nổi cơn ghen. Không chịu nổi những trận bạo dâm cuồng loạn, những trận đánh đập dã man, chị đành phải đâm đơn ra toà ly dị. Hôm ấy, sau khi tòa tuyên án, chị thuê hai chiếc xích lô chở tám đứa con về nhà mẹ ruột. Người mệt vì đói, mệt vì khổ, đau đớn, rã rời vì những vết thương còn hằn sâu sau những trận đòn. Chị nằm gục đầu trên bộ ván. Mẹ chị dùng nước nóng lau rửa những vết thương, nấu cháo cho chị ăn. Và, hai mẹ con ngồi khóc.”

Sáng dậy, chị ra chợ mua tô phở hai mươi xu, xin nhiều nước súp rồi mang về trộn với cơm nguội, múc ra tám chén chia cho tám đứa con. Sau đó chị đạp xe lên chợ Bà Chiểu, tìm người quen bảo lãnh để mua chịu vài ký thịt bò mang về chợ Trương Minh Giản, tìm một chổ trống ngồi bán. Ngày sau trả nợ cho ngày trước, chắt mót từng đồng, rồi buôn bán lớn dần lên, tìm mối lái, mua bò mổ thịt, phân phối cho tiểu thương các chợ. Nhưng thời kỳ ngăn sông cấm chợ, việc giết mổ trâu bò bị xem là tội buôn lậu, tội phá hoại sức kéo, phải trốn trui trốn nhuỗi, bị bắt, bị tịch thu, chị không nhớ nỗi mình phải bao phen làm lại từ đầu. Nhưng, cái vốn lớn lao mà chị tích lũy được là chữ tín trên thương trường, từ tay nghề pha lóc thịt cho đến các mối quan hệ với thương lái, với các chợ đầu mối và giới tiểu thương. Khi kinh tế mở cửa, chị ra Linh Trung mua một khu đất rộng trong vườn cao su, dựng lên một căn chòi để từ đó, lưu giữ đàn bò mua từ biên giới về để vỗ béo rồi đưa vào nhà máy Vissan gia công, phân phối thịt cho các chợ đầu mối. Công việc làm ăn đang lên thì đùng một cái, chị bị giựt nợ. Hôm ấy, cũng như những chuyến đi thường lệ, chị sang biên giới Campuchia, khi đàn bò từ bên kia lùa sang, chị giao tiền cho thương lái, vài ngày sau tàu của họ chở bò cặp bến sông Sài Gòn. Nhưng lần nầy, chị chờ mãi, chờ mãi trong vô vọng. Tất cả vốn liếng tích lũy mấy năm trời, hàng trăm triệu đồng tiền vay bạc hỏi đã ra đi không trở lại.

Chị nói với anh Tư: “Tôi giao khu đất nầy lại cho anh trông coi, tôi đi”. Anh Tư ngạc nhiên hỏi: “Chị đi đâu ?”. “Đi Uc, trốn nợ”. “Tôi sẽ giữ gìn cho chị, đi đâu rồi cũng phải quay về, chị đừng bỏ tôi !”. Chị hiểu anh Tư yêu chị nhưng không dám nói ra vì anh đã có vợ có con. Anh Tư vốn là một nông dân thật thà chất phác. Nhiều lúc nhìn anh điều khiển đôi bò cày xới từng luống rẩy, chị thầm nghĩ, giá ngày xưa chị gặp một người chồng chân chất như anh, biết đâu cuộc đời chị sẽ bình yên, hạnh phúc chốn thôn trang, không phải bôn ba, nghiệt ngã giữa chợ đời. Khi về đây, chị quen với anh Tư, anh Quý – giờ là sui gia với anh Tư – ba người trở thành bạn bè thân thiết, các anh đã giúp đỡ chị canh giữ đàn bò giữa vùng đất hoang vu, phức tạp mà nếu không có sự che chở của các anh, chị không thể đương đầu nổi với những hiểm hoạ luôn rình rập.

Bây giờ, khi chị nói tiếng ra đi, ánh mắt anh Tư đượm lên một nỗi u buồn, tuyệt vọng với bao nhiêu tình cảm dồn nén từ bấy lâu nay. Thôi thì cho nhau một lần, một lần rồi có thể không có ngày gặp lại. Anh Tư đưa chị từ khách sạn về nhà, chị ngượng nghịu không dám nhìn con. Và, chị phát hiện ra chiếc áo bà ba của chị bị cháy một vòng tròn bởi trong cơn xúc động, anh Tư đã vô tình ném nó lên tàn thuốc lá.

Mười sáu năm dâu bể, chị vẫn còn giữ chiếc áo ấy như một báu vật của tình trường.

Sang Uc, người em gái của chị đã sắp xếp cho chị một cuộc hôn nhân. Chị từ chối vì không có tình yêu. Người em quát: “Tám đứa con rồi, danh giá gì, yêu đương gì ? Vấn đề là được định cư, được bảo lãnh cho mấy đứa nhỏ sang đây để thoát cảnh đói nghèo”. Chị chấp nhận, bởi đó là cách lựa chọn cuối cùng. Nhưng kết hôn rồi, chị vẫn như người vô hồn vô cảm trong quan hệ với chồng. Người chồng tốt bụng ấy cùng chị chạy lo thủ tục bảo lãnh con, nhưng gặp rắc rối vì con chị quá đông. Một hôm anh nói: “Sống ở đây mà tâm hồn em cứ để ở quê nhà thì khổ cả hai, thôi thì em về với con đi, khi nào làm được thủ tục bảo lãnh cho con thì quay lại, và lúc ấy, nếu em cảm thấy yêu anh thì mình làm đám cưới”.

Chị về nước, anh Tư đưa chị đến thăm căn chòi cũ. Hoang vắng, xác xơ, buồn thảm, cỏ che kín lối đi, dưới chân cỏ quấn đầy da rắn lột. Trên vách chòi còn treo chiếc áo mưa. Anh Tư đạp cỏ xếp thành tấm thảm, chị lấy chiếc áo mưa lau sạch bụi trải lên. Đêm ấy, anh Tư ngồi quạt muỗi cho chị bằng nón lá. Nhưng với chị, có lẽ đó là đêm hạnh phúc nhất đời mình. Chị quên hết tất cả mọi khổ đau của hơn hai chục năm qua và không cần biết mọi khổ đau đang đón chờ phía trước. Nếu tạo hóa ban cho mỗi đời người có một đêm hạnh phúc thì đêm của chị là đây.

“Vợ anh mang một chứng bệnh trầm kha, đã bao nhiêu năm rồi không gần gũi được, và cũng không biết sống chết ngày nào. Nếu không lấy được em thì anh cũng phải lấy người khác. Nhưng, anh không thể sống thiếu em !”

Anh Tư bán được một lô đất, kẻ có vốn, người có nghề nghiệp, có thị trường, hai người dựa vào nhau gây dựng lại đường dây mua bán thịt bò. Một hôm, nửa đêm khuya khoắt, anh Tư chạy đến tìm chị trong trạng thái hốt hoảng, hai bàn tay anh đầy vết máu: “Bả đâm anh, anh đỡ, mũi kéo xốc vào bàn tay”. Chị lấy nước nóng lau tay cho anh Tư, rồi dùng miệng hút từng giọt máu ứ, máu bầm. Rồi chị khóc, chị nghĩ, cái thân làm bé thì mình sẵn sàng chịu khổ, nhưng không ngờ tai họa lại trút vào anh. Chị nói tiếng chia tay, nhưng anh Tư bảo không sao, chị Tư nói nếu chị muốn sống yên ổn với anh Tư thì mỗi tháng phải cung cấp cho chị Tư một triệu đồng. Anh Tư thương lượng, cô Hường nghèo lắm, phải nuôi tám đứa con, lấy của nó sáu trăm ngàn thôi, chị Tư đã đồng ý.

Chị Hường nói, đã chấp nhận làm bé thì chấp nhận mọi điều kiện của vợ lớn, chị không chỉ đồng ý một triệu đồng mà còn gánh thêm một phần trách nhiệm, tận tâm chăm sóc thuốc men khi chị Tư nằm viện. Nhưng, cái sự đời, cái giá của người vợ bé không dễ dàng như chị tưởng. Đến một ngày, không còn chịu nổi tủi nhục vì những trận đòn diễn ra giữa chợ, những trận đập phá nhà cửa, chị lên Tịnh xá Ngọc Hạnh xin xuống tóc quy y. Sau khi nghe chị kể rõ ngọn ngành, nhà sư bảo chị: “ Nếu cô đi tu mà bỏ lại phía sau tám đứa con khốn khổ thì chỉ thêm tội mà thôi. Hãy quay về với trần đời, chấp nhận khổ hạnh để làm tròn bổn phận của người mẹ, nếu có điều kiện thì giúp đỡ người nghèo khổ, Đức Phật sẽ chứng giám cho cô”.

Chị quỳ xuống tạ ơn và cho nhà sư cắt một mớ tóc tượng trưng rồi lau nước mắt ra về. Chị cảm thấy hối hận vì trong giây phút yếu lòng mình đã tìm sự giải thoát mà quên cả đàn con. Gần ba chục năm qua, chị đã trải qua bao cay đắng thăng trầm, bao lần gục ngã, chị gượng dậy cũng vì một động lực duy nhất là tám đứa con, cũng vì để cho con chị được sống tốt, được học hành tử tế. Nhà sư đã nói đúng, nếu đi tu mà bỏ lại phía sau tám đứa con khốn khổ thì chỉ thêm tội mà thôi !

*

Cuộc tình “Già nhân nghĩa, non vợ chồng” giữa chị với anh Tư kể như kết thúc, công việc kinh doanh thị bò của chị cũng được kết thúc khi khu đất của chị lọt vào dự án khu chế xuất Linh Trung. Trong lúc bế tắt chưa biết đời mình sẽ đi về đâu thì chị nhận được giấy mời lên quản lý dự án nhận tiền đền bù 240 triệu đđồng. Một khu đđất vườn cao su hoang phế, hồi ấy chị mua chỉ có sáu chỉ vàng, thật ra là mua để làm nơi lưu giữ đàn bò, diện tích bao nhiêu chị cũng không hề biết. Cầm số tiền khá lớn trên tay, chị đi mua đất. Nghĩ mình con đông, bây giờ mua đất để xây nhà trọ, sau nầy con cái lớn khôn, ít ra mỗi đứa cũng có một cái nền nhà. Nhưng nhà trọ xây chưa xong thì có người đến hỏi mua lại đất với giá cao hơn, thậm chí cao gấp mấy chục lần, chị lại bán đất, rồi đi mua lại đất.

“Có lẽ ông trời không cho tôi kinh doanh đất mà bắt tôi làm chủ chợ” – chị nói – Hôm ấy, tình cờ đi ngang nhà máy giầy Việt Lập ở Bình Dương, thấy có một lô đất trống, chị nghĩ, ở đây có hàng ngàn công nhân mà không có chợ. Chị hỏi mua lô đất với ý nghĩ, sẽ xây tại đây một dãy hàng quán cho các con ra đây buôn bán. Nhưng rồi từ ý tưởng xây một dãy hàng quán chuyển sang xây chợ Việt Lập. Chợ Việt Lập ra đời, thu hút hàng trăm tiểu thương, lại vướng phải cơ chế, chính sách, mâu thuẩn xảy ra, buộc phải giải tán. Nhưng, cái ý tưởng xây dựng chợ từ đó đã trở thành tâm huyết của chị Hường. Hình ảnh chị em tiểu thương cứ luôn ám ảnh chị, làm sống lại hình ảnh của cha mẹ chị, của cả cuộc đời gian lao, nhọc nhằn của chị gắn liền với những thăng trầm của đời chợ qua những chặng đường lịch sử. Là chị sáng sáng ra chợ tìm một chổ trống xin phép chị em cho để xịa thịt bò; là chị, hừng đông ra bến xe miền tây tìm mua từng ký thịt của các bà các chị nai nịt trong người thời ngăn sông cấm chợ, mua xong, tiền vừa kịp trao tay thì bị tịch thu vì “hàng lậu”; là chị, ngồi bán ở vỉa hè mà lòng nơm nớp lo sợ bởi tiếng còi của nhà chức trách . . .

Thất bại ở chợ Việt Lập, chị về Thủ Đức mua đất xây dựng chợ Linh Trung. Biến những chị em lớp nghèo thành thị trở thành tiểu thương chuyên nghiệp không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng chị Hường đã làm nên điều ấy. Trước hết là miễn thu tiền mặt bằng sáu tháng, ai thiếu vốn thì cho mượn vốn, ai không biết buôn bán thì chị dạy cho buôn bán. Ai nghèo khổ đến tận cùng hoặc khuyết tật thì miễn luôn tiền mặt bằng, cấp luôn tiền vốn, thậm chí cấp cả tiền ăn trong những tháng đầu. Hàng thực phẩm, ai bán ế chị ra mua lại. Rau cải, chị mang cho các chùa, thịt cá, chị mang cho các viện mồ côi, nhà dưỡng lão, bệnh viện tâm thần.

Trong chương trình “Người Đương Thời”, chị Hường đã dựng trên sân khấu một lớp kịch, một phiên chợ mà trong đó, chị đóng vai một người bán hàng khó tính, đanh đá, trả treo. Kết thúc lớp kịch, chị nói: “Bà con thấy chưa, nếu làm tiểu thương mà ăn nói như tôi thì chỉ còn có nước mang đồ về cho chồng con ăn chớ bán cho ai ”. Đó là câu chuyện của một lớp kịch, một trong hàng trăm tình huống mà chị Hường đã từng mang ra giảng dạy cho tiểu thương. Và, ngay trong chợ Linh Trung, không thể kể hết những câu chuyện về chị. Tôi đã gặp chị Thủy, chủ hàng thịt ở đây với một câu chuyện đầy kịch tính: Trưa hôm ấy, một cô công nhân đến quầy chị Thủy mua mười ngàn đồng thịt, chị Thủy chặt không đúng chổ mà cô công nhân đã lựa nên cô bỏ đi, Thủy nắm áo lại và tát một bạt tay. Cô gái khóc sướt mướt. Bất ngờ chị Hường bước tới. Khi biết chuyện, chị tát chị Thủy một bạt tay kèm theo mấy lời răn dạy. Chị Thủy ngồi khóc. Đến chiều, chị Hường nằm nhà ngẫm nghĩ, quầy thịt xảy ra sự cố như vậy, chắc con nhỏ ngày nay bán ế. Chị ra chợ, đúng là quầy thịt chị Thủy còn hơn chục ký, chị Hường mua hết mang về làm một nồi kho tàu, hôm sau chị mang lên làm quà cho làng cô nhi Long Thành. Từ ấy đến nay, chị Thủy không bao giờ thiếu nụ cười với khách. Tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng Yến, anh Vũ Thành Công, hai người khuyết tật đang làm chủ hai quầy kinh doanh đĩa hát, anh Công cho biết, anh bị khuyết tật bẩm sinh cả hai tay lẩn hai chân, không thể ngồi xe lăn. Buồn chán cho thân phận, nhiều lúc anh nghĩ đến tự tử nhưng cũng không thể tự mình đi mua thuốc uống. “Cô Hường đã mang lại cho tôi sự sống – anh nói – cô cho hẳn một mặt bằng với hai triệu đồng làm vốn, những tháng đầu, mỗi tháng cô cấp cho ba trăm ngàn tiền ăn, có hôm cô nấu cơm mang ra cho tôi. Sự cưu mang của cô, ân nghĩa của cô cứ làm cho tôi luôn luôn nghĩ rằng mình phải sống thế nào cho ra sống”.

Hỏi chuyện giúp người, chuyện làm từ thiện, chị lắc đầu: “Mình giúp người ta mà kể lể thì còn ý nghĩa gì nữa”. Nhiều tiểu thương kể rằng, năm nào cũng vậy, cứ chiều ba mươi tết là chị Hường đi rảo các chợ dưa hấu quanh Thủ Đức, ai còn tồn bao nhiêu chị mua hết rồi mang lên biếu cho các chùa, các trại dưỡng lão, các viện mồ côi, nhà thương điên. Khi tôi đem chuyện ấy ra hỏi thì chị nói: “Có gì đâu, mình giúp cho bà con bán hết hàng để về quê ăn tết, chú có buôn bán mới thấu hiểu cái cảnh chiều ba mươi tết mà còn ngồi bên một đống dưa. Mình giúp họ, cũng vừa giúp cho trẻ mồ côi, người bệnh, người nghèo có dưa ăn tết”

Hỏi chuyện anh Tư, chị nói, sau những chuyện không vui ấy xảy ra khoảng một năm thì chị Tư qua đời, chị không dám đi dự đám tang nhưng cho người mang đến con heo quay và một mâm hàng mã, chị cầu mong, nơi suối vàng chị Tư sẽ cảm thông cho thân phận người phụ nữ với nhau mà đừng trách chị. Sau ngày xả tang chị Tư, anh Tư đã tìm đến chị nối lại tình xưa nghĩa cũ. Nhưng, sự đầm ấm, mặn nồng không còn được như xưa. Cũng như nhiều nơi khác, sau những cơn sốt đất, người nông dân ngoại thành bổng chốc đổi đời, sự giàu sang đã làm cho lòng người thay đổi. Anh Tư có những cuộc ra đi biền biệt, tìm nguồn vui bên những cô gái trẻ, thỉnh thoảng quay về, rồi lại ra đi. Phần chị cứ an phận làm ăn, tích cóp được ít tiền thì đi làm từ thiện, chị xem đó là nguồn vui, là sự thanh thản của tâm hồn. Hỏi chị còn dự định gì không, chị cho biết hiện nay đang có mấy dự án xây dựng chợ ở Bình Dương, lấy kinh nghiệm của chợ Linh Trung lên đó để giúp cho chị em phụ nữ nghèo trở thành tiểu thương. Đó là mục tiêu lâu dài của chị.

Tôi nhìn lên bức tường, thấy mấy dòng thư pháp: “Cánh cò cõng nắng cõng mưa. Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”. Chị nói, đó là quà sinh nhật của con gái Ut vừa tặng chị. Rồi chị khoe, tất cả những đứa con của chị đều thành đạt, khá giả, nhưng điều đáng mừng là chúng nó sống tử tế, biết thương người.

3 nhận xét:

Chuyện Thường Ngày nói...

oi, cai bac nay sao viet tham thia nhi, hinh nhu gap bac o buoi noi chuyen Oral History cua giao su Ngo Vinh Long thi phai?

Nguyen Anh N nói...

Thật xúc động khi đọc những bài ký của anh, ở cái thời buổi mà có không ít người đã quên đi chữ TÂM, chữ NHÂN, chữ NGHĨA
Kính anh

l'adventure nói...

Quản lý là quản có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý." và "Đạo lý là ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt. Nguyên lý là tạo hành lang cho người ta hành động".
co ong nao dot hon len lam lanh dao k
mot cau van vo nghia , cua ke k biet chu