Gần đây, trước hiện tượng bùng nổ khoai lang nướng trên nhiều đường phố Sài Gòn, đã không ít những ý kiến bàn tán khác nhau. Phàm, cái gì lạ thì dễ gây chú ý, và ai cũng muốn tỏ rõ chính kiến của mình. Cuộc sống vốn có nhiều tầng nhận thức và mỗi tầng nhận thức ấy nó phụ thuộc nhiều thứ : Nguồn gốc xuất thân, học vấn, trình độ văn hóa, vị trí xã hội, cảm xúc nhân văn . . . cho nên, trước củ khoai lang nướng xuất hiện đột ngột trên vỉa hè của nhiều tuyến đường cũng trở thành . . . vấn đề nhận thức. Anh cảnh sát giao thông, nhà quản lý đô thị, chuyên gia vệ sinh thực phẩm . . . mỗi người có một cách nhìn và đánh giá khác nhau, thậm chí có người đặt thẳng vấn đề với chính quyền là nên sắp xếp thế nầy thế nọ. Nhưng cuối cùng củ khoai lang cũng chỉ là củ khoai lang.
Tôi không tham gia tranh cải dù có rất nhiều phe hỏi ý kiến tôi để mong có thêm một sự đồng tình. Có gì đáng phải tranh cải trước củ khoai lang trong khi cuộc sống còn quá nhiều nghịch lý.
Tôi im lặng. Im lặng ngay từ cái đêm đầu tiên tình cờ rong rủi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, bất chợt nghe mùi khoai lang khét rồi giật mình nhìn hai bên đường, thấy người ta vây quanh mấy cái bếp nướng khoai lang. Già có, trẻ có, sang trọng có, bình dân có. Từ chỗ ngạc nhiên đến nghĩ suy và tìm hiểu, tôi đã ngộ ra được một điều: Sài Gòn có hơn hai triệu dân nhập cư, nghĩa là có hơn hai triệu nỗi niềm xa xứ. Và, những nỗi niềm ấy đang vây quanh những cái bếp nướng khoai lang. Tất nhiên là trong số đó có những người không có nỗi niềm gì cả.
*
Tôi sinh ra và lớn lên trên một cánh đồng có tên gọi là Đồng chó ngáp, một cánh đồng năn mênh mông nằm ở cuối nguồn con sông Phụng Hiệp. Ba tôi mất hồi năm tôi lên tám tuổi, và gót chân tôi ngấm bùn kể từ năm ấy. Tôi còn nhớ, hôm ấy cả nhà tôi kéo xuống ruộng để làm cỏ lúa. Trước khi ra đồng, mẹ tôi bắc một nồi khoai lang lên bếp , cái nồi làm bằng đất nung đen mun được đậy nắp bằng lá chuối, úp lên cái nắp xoong nhôm rồi giằn thêm hai cục gạch cho nó thật kín hơi. Thấy chúng tôi nhìn một cách thèm thuồng, mẹ tôi nói nhổ cỏ xong rồi mới được ăn. Điều kiện của mẹ tôi đặt ra lúc ấy thật hữu hiệu vô cùng. Vì để được ăn khoai mà mấy chị em tôi thi nhau làm cỏ. Khi xong việc vào nhà thì cái nồi khoai đã bốc lên mùi khét. Mọi người xót xa, tiếc rẻ vì thuở ấy nhà nghèo đến nổi mua được một ký khoai lang đâu phải là chuyện dễ dàng. Cứ tưởng khét là bỏ, ai ngờ khi ăn hết mấy củ khoai trên mặt rồi, ăn mót mấy củ khoai khét lại thấy ngon hơn, vừa bùi vừa thơm một cách lạ lùng.
Từ đó, mỗi khi mẹ tôi đi chợ về, thấy có khoai lang là tôi ăn cắp. Quơ vội mấy củ ném vào góc sàn giường. Tối tối mò ra một củ lận vào trong vạt áo, chạy một cái vèo qua cửa, đi một mạch đến cái bếp un trâu bên nhà thằng bạn rồi vùi vội củ khoai vào. Ngồi chờ đến khi mùi khét bay lên, bẻ một cây lức khều ra, gói vào mấy cọng rơm cho đỡ nóng rồi mang ra ngồi một mình trong bóng đêm trên bờ mẩu, vừa thổi vừa ăn một cách ngon lành.
Mấy năm sau đi học ngòai thị xã, mỗi sáng đến cổng trường thấy mấy bà già ngồi bán khoai lang luộc. Khoai bột trắng mỗi củ năm cắc bạc, khoai Dương Ngọc vỏ tím ruột trắng pha lớm đớm màu đỏ mỗi củ một đồng, khoai bí vỏ đỏ ruột vàng thì cắt làm đôi, một đồng nửa củ. Thấy thèm nhưng chẳng có tiền mua. Trong lớp tôi có mấy cô bạn gái con nhà nghèo, mỗi tối phải phụ gia đình ra lề đường ngồi bán khoai lang nướng. Những củ khoai bằng ngón chân cái được gọt sạch vỏ, đặt lên cái vỉ trên bếp than. Một đêm nọ lang thang ngoài phố, nghe cái mùi khoai lang ấy lòng không chịu nổi cơn thèm, đành bạo gan lấy năm cắc bạc ra mua. Nhưng ăn xong mới thấy tiếc tiền, hối hận vì nó chẳng thay thế được cái mùi thơm và vị ngọt của củ khoai lùi trong đống lửa un trâu. Lúc ấy, tôi cảm nhận được rằng, tuy cũng là củ khoai nhưng sở dĩ không ngon là vì nó thiếu đi nhiều thứ : Đó là mùi khen khét của vỏ khoai, mùi rạ, mùi rơm, mùi khói un trâu, mùi của đồng, của đất, của làng xóm quê hương, và cái vị ngon tuyệt vời của củ khoai vụn trộm.
Ba mươi năm xa quê làm kẻ thị thành, nếm đủ thứ mùi đời và cả mùi cao lương mỹ vị, tưởng sẽ không bao giờ còn nhớ củ khoai lang. Thế rồi bất chợt, một đêm giữa Sài Gòn bổng nghe cái mùi khen khét ấy, tự nhiên tôi cảm thấy mình như lạc lõng chơi vơi, thậm chí như mơ mơ hồ hồ không hiểu mình đang là ai giữa cõi đời nầy.
Mấy ngày qua cứ mỗi buổi tối, dù đi đâu, trước khi về tôi cũng chạy một vòng qua đường Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn có nhiều người bán khoai lang nướng. Người mua cứ mỗi tối lại đông thêm, đông đến nổi phải xếp hàng chờ, có người chờ không được, gởi tiền trước với lời hẹn một lúc sau quay lại lấy. Chẳng có gì lạ lùng đến nổi để người ta phải gọi là hội chứng khoai lang, cũng chẳng có gì để bàn tán xôn xao và tranh cải, bởi tôi cũng đã mua, đã ăn và đã hiểu rằng, Sài Gòn đang có hai triệu dân nhập cư, không chỉ thế, hàng triệu người khác đã định cư thì cũng là dân Việt nam đến từ mọi miền đất nước, có ai biết họ đang mua khoai lang hay mua cái sự hoài niệm của mình !
Sài Gòn, ngày 3 tháng 10 năm 2003
1 nhận xét:
ui chu cha , uoc gi tui co duoc 1 cu khoai ngay bay gio , de an cho do ghien , hic hic...
Đăng nhận xét