Thứ Năm, 19 tháng 6, 2008

ĐẤT VÀ MÁU




Ấp 4, xã Đông Thạnh, Hóc Môn. Chiều chủ nhật, sau cơn mưa, con đường đá xô bồ dẫn vào một xóm nghèo nhầy nhụa nước. Bên cạnh những đống đá lổm chổm, màu máu của một người vừa chết còn bầm tím dưới đám cỏ xanh. Chết vì một vụ tranh chấp đất !

Hai hôm trước, tức chiều thứ sáu, tại đây đã xảy ra một vụ giết người mang rợ: ông Tư Bạc, một ông già 82 tuổi đã dùng phản chém đứt đầu một người phụ nữ – cô giáo Kiều Ngọc Dung. Câu chuyện vẫn còn nóng hổi, còn gieo kinh hòang cho những người trong xóm. Không ai trả lời được câu hỏi của tôi, rằng một ông già 82 tuổi thì lấy đâu ra sức mạnh để để chém một nhát phản đến tàn khốc như thế ? Người ta cứ nhìn nhau. Tôi tự tìm ra một giả thuyết: sức mạnh ấy từ đất chăng ? Tôi hỏi đất nầy giá bao nhiêu một mét vuông ? Một thanh niên trả lời: “Một triệu rưỡi”. Tôi nhẩm tính, như vậy trị giá lô đất trên 2,5 tỷ đồng. Một bà cụ nói: “ Giá đến hai mạng người, một vào tù, một đang làm đám tang”.

Có lẽ cái lý của bà cụ là sâu sắc nhất.

Theo hồ sơ địa chính và lời kể của những cụ già trong xóm thì đất nầy có một nguồn gốc khá rõ ràng: Cuối thế kỷ 19, ông Kiều Văn Kề đến đây khẩn hoang với một diện tích khá lớn, qua nhiều đời, đất ông Kề đã chia đều cho con cháu, nay đã có chủ quyền, thành một dãy nhà trên một con đường thuộc khu phố 8. Riêng phần đất bên kia đường có diện tích 8 ngàn mét vuông ông Kề chia cho người con trai là Kiều Văn Chịnh, bằng khóan do chính quyền thời Pháp thuộc cấp cho ông Chịnh ghi ngày 26/5/1906. ông Chịnh chia đều cho hai người con trai là Kiều Văn Bổn và Kiều Văn Thiện, đến đời sau, ông ông Bổn chia lại cho con là Kiều Văn Lập, ông Lập chia lại cho hai người con, trong đó có chị Kiều Ngọc Dung thừa hưởng 1724 mét vuông. Trên phần đất của chị Dung có vài mươi ngôi mộ, trong đó có mộ của anh em và hai cụ thân sinh của ông Lê Văn Bạc, một người hàng xóm ở phía sau hậu đất chị Dung.

Lối xóm kể rằng ngày xưa hai gia đình ông Lập và ông Bạc rất thân. Ong Lập đã dùng một phần đất ấy để làm thổ mộ cho những ai có nhu cầu. Theo tập tục ở đây, muốn xin đất để chôn cất người thân thì mang khai trầu rượu đến xin phép người chủ đất. Ong Tư Bạc đã bốn lần mang khai trầu rượu đến nhà ông Hai Lập để xin được chôn cất cha, mẹ, anh, em ruột của mình.

Thế rồi không hiểu vì sao, năm 2003, khi ông Hai Lập qua đời, ông Tư Bạc lại lập hồ sơ xin đăng ký quyền sử dụng đất trên phần đất ấy, phần đất mà ông Hai Lập đã chia cho chị Dung. Hai bên xảy ra tranh chấp, xã Đông Thạnh rút lại hồ sơ đăng ký của ông Tư Bạc.

Anh Bảy Dưỡng, em trai chị Dung kể rằng, hồi ông Hai Lập còn sống, có lần ông Tư Bạc đào đất làm một con đường từ lộ đi tắt vào nhà ông. Anh Dưỡng thấy chuyện không bình thường nên báo tin cho cha, nhưng ông Hai Lập nói: “Cứ để cho ông ấy làm đường đi cho tiện, chòm xóm mà !”. Thế rồi thôi. Trong khi chị Dung lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới hay ông Tư Bạc cũng đã làm như chị. Cuộc tranh chấp đang chờ giải quyết thì bất ngờ ông Tư Bạc chở đá về để làm đường, ngay trên con đường đất mà trước đây ông Hai Lập đã làm ngơ. Được tin, chị Dung bảo đứa con trai chở chị đến định nói phải nói quấy với ông Tư Bạc. Lúc ấy đã 4 giờ chiều, ông Tư Bạc đang lui cui dọn cỏ bên cạnh những đống đá vừa mới đổ xuống. Chị Dung vừa xuống xe vừa nói: “Bác Tư ơi đất . . .” thì bất ngờ cây phảng trên tay ông Tư Bạc vung lên, bổ thẳng xuống người chị, nhác phản chém thẳng từ cổ xuống một đường dài xuyên qua vai trái, đầu chị Dung lặc lìa, chỉ còn dính với phần thịt của một bên vai . . .

Tôi đến chổ hiện trường vào chiều chủ nhật, 15-7-2007, sau hai ngày xảy ra vụ án. Làng xóm lặng im trong nỗi kinh hòang. Một người đang ở nhà giam, một người đang trong cổ áo quan, chuẩn bị đưa vào lòng đất. Còn lại chơ vơ một khu đất, khu đất với nhiều dấu hỏi mà chưa được trả lời, nó được trị giá tiền tỷ hay trị giá hai mạng người ? Đất vẫn là đất, nhưng nó sẽ nói bao điều về tình người với thế hệ mai sau.

1 nhận xét:

Hạ T nói...

sai lỗi chính tả quá cha !