Ông Lê Văn Khôi và cháu ngoại Nguyễn Lê Hoài Trung, nhân vật trong phim TÔI ƠI ĐỪNG TUYỆT VỌNG.Chủ biên: Võ Đắc Danh. Kịch bản: Khải Đơn, Biên tập & lời bình: Võ Đắc Dự, Đạo diễn: Trần Quế Ngọc, Quay phim: Nguyễn Văn Bách,Dựng phim Lê Minh Bảo, Đọc lời bình: Thy Mai, Dẫn chương trình:Đỗ Trung Quân.
VƯỢT LÊN SỐ PHẬN là chủ đề của một chuyên mục ký sự nhân vật đăng vào thứ hai hàng tuần trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, đồng thời cũng là chương trình truyền hình phát vào 21 giờ tối thứ hai hàng tuần trên VTV9 – dự kiến vào đầu tháng ba sắp tới.
Đây không phải là một chương trình truyền hình từ thiện xã hội được thiết kế theo một format mà chúng ta đã từng xem. Cũng là những con người thật việc thật, nhưng mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật ngồn ngộn chất liệu đời sống là một hình tượng nghệ thuật được chuyển tải bằng ngôn ngữ của phim tài liệu bởi những nhà văn, nhà báo, đạo diễn và những nhà quay phim chuyên nghiệp.
VƯỢT LÊN SỐ PHẬN cũng không nhằm kể lể sự nghèo khổ của mỗi nhân vật để kêu gọi lòng thương hại của cộng đồng. Mỗi bộ phim là một tác phẩm nghệ thuật nhằm tôn vinh những tình cảm, phẩm chất, lòng nhân ái, bản lĩnh, nghị lực và ý chí vượt khó của những con người thiếu may mắn. Nhưng ở họ có rất nhiều điều đáng để chúng ta học tập.
Khi xây dựng ý tưởng cho chương trình nầy, chúng tôi liên tưởng đến một hình ảnh quen thuộc ở vùng bán đảo Cà Mau, một vùng đất có hệ sinh thái rất đặc biệt là mỗi năm có hai mùa mặn ngọt, hệ thống sông ngòi chằng chịt, phương tiện đi lại chủ yếu bằng xuồng ghe. Khi đến mùa nước mặn, các nhánh sông đều được ngăn lại để giữ ngọt cho đất trồng lúa, người ta gọi là đắp đập. Chính vì vậy mà nỗi ám ảnh lớn nhất của người đi đường là kéo xuồng qua đập. Sức yếu, thế cô, xuồng chở nặng, gặp con đập thì đành phải ngồi chờ, cầu may có ai đó qua đường để giúp họ một tay, nếu không có người giúp thì đành chịu, không cách nào để ra sông lớn.
Người nghèo trên đất nước ta chiếm một tỷ lệ khá cao. Nhưng, không phải ai cũng nhận thức được thân phận mình, không phải ai cũng có ý chí vượt ra sông lớn. Và, không phải ai có ý chí cũng đều có đủ nghị lực, đủ điều kiện để vượt ra sông lớn.
Một chị Tùng ở Bình Chánh, sống nghề bán cá và gia công bó chổi lông gà để nuôi ba đứa con ăn học. Chẳng may mắc bệnh ung thư, chính quyền địa phương giúp chị sáu triệu đồng chữa bệnh. Khi vào viện nhận lịch mổ, chị đứng trước sự lựa chọn: căn nhà sắp sập, nếu cứu được mình mà nửa đêm nhà sập, con chết thì mình sống với ai ? Cuối cùng chị trốn viện để đem tiền về sửa lại căn nhà. Một ông Khôi ở Bình Phước nuôi đứa cháu ngoại vừa mồ côi, vừa bệnh tật. Hàng ngày, ông đẩy xe lăn đưa cháu đến trường. Khi bé Trung học đến cấp ba, phải ra Đồng Xoài thuê nhà trọ, ông bỏ quê ra ở cùng với cháu. Đáp lại tình thương của ông, Trung luôn là học sinh xuất sắc, ngược lại, ông luôn xem Trung là niềm tự hào của mình . . .
Mỗi gia đình, mỗi cuộc đời có một số phận khác nhau. Và cứ mỗi một câu chuyện như thế, chúng tôi đã học ở nhân vật của mình một bài học làm người. Khi tiếp cận với họ, chúng tôi luôn tự hỏi: Nếu chẳng may mình rơi vào những hoàn cảnh như vậy, liệu mình có đủ nghị lực và phẩm giá để sống một cách tử tế như họ không ? Và, chúng tôi muốn chuyển những câu hỏi đầy trăn trở ấy đến các bạn qua mỗi trang viết, mỗi bộ phim ngắn mà chúng tôi đang thực hiện. Chúng tôi giúp họ và kêu gọi các nhà hảo tâm giúp họ, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng đôi khi tôi nghĩ khác, không phải chúng ta giúp họ mà là chúng ta trả tiền học phí cho những bài học vô giá về số phận, về lòng nhân ái, về nghị lực, về phẩm giá . . . nói chung là những bài học làm người.
24 nhận xét:
Một lời dịu êm động viên quên đi cái nghèo
Sẻ chia, giúp đỡ. Hy vọng đây không chỉ là nghĩa cử của vài trường hợp.
Đón xem và đồng hành với chương trình ký sự nhân vật. Chúc chương trình thành công.
Sống trong đời sống , cần có một tấm lòng ...
Câu kết đúng quá anh ạ. Em cứ băn khoăn, nếu mình gặp cảnh ấy, mình sẽ thế nào?
Một việc làm rất có ý nghĩa. Xin chúc mừng anh. Mong chương trình càng ngày càng lớn mạnh và chúc anh nhiều may mắn.
Chúc mừng bác ra chương trình mới! Nhưng, có vẻ từ "vượt lên" giống bắt chước của người khác wá, trong khi ý tưởng của chương trình thiên về nghệ thuật hơn, hay hơn.
Ý tưởng rất hay anh Danh ơi. Đúng là có nhiều lúc tui nghĩ đời mình bình thường, gặp nhiều thuận lợi cuộc sống mình tương đối dễ dàng. Nếu chẳng may gặp nghịch cảnh như những nhân vật "vượt qua số phận" thì liệu mình có làm được như họ hay không. Tự hỏi như vậy để nhắc nhở mình.
Mong chờ xem chương trình nhiều ý nghĩa này.
Chiều nay nói chuyện với Trùm, nghe Trùm kể về chương trình này mà háo hức mong chờ quá. Tôi cũng gặp khá nhiều trường hợp, và tôi cũng thường tự hỏi nếu như...!!!
Nhưng đôi khi tôi nghĩ khác, không phải chúng ta giúp họ mà là chúng ta trả tiền học phí cho những bài học vô giá về số phận, về lòng nhân ái, về nghị lực, về phẩm giá . . . nói chung là những bài học làm người
Đúng vậy đó anh à.
cảm ơn anh :)
Mong chương trình lớn mạnh và sống dai!
Anh Danh ạ, chẳng han gợi ý của bạn "dat t" ở COMMENTS trên em thấy cũng hay! "SỐNG TRONG ĐỜI SỐNG".........
Vậy tại sao không đặt tên chương trình là "Bài học về phẩm giá làm người" hả Anh Danh ?
Biết đâu có nhiều bác nhột mà suy nghĩ lại , không hại nước hại dân nữa !
Em nhứt định coi , nhứt định góp ý !
Tác giả kịch bản Khải Đơn có phải là blogger ÔKCS không bác? Chúc bác và những cộng sự có một chương trình thành công!
Hi bác Danh, hay quá giá mình ở vn để được xem chương trình bổ ích này , mong nó là nguồn cổ vũ mọi người vươn lên, nói thật tôi lớn tuổi mà vẫn cắp sách đến trường, nhiều lúc mệt mỏi cũng nản chí lắm. nhưng đọc những chyện của bác cảm thấy được động viên nhiều lắm.
Em rất ủng hộ chương trình, nhưng em sẽ liên hệ như thế nào vì em không muốn lên hệ qua báo nhà nước ...
Anh ơi, mình biết có gia đình số phận của ai đó khó khăn thì có thể giới thiệu lên cho các Anh làm chương trình được không ạh? nếu được thì bằng cách nào ạh? Em cảm ơn nhé
y nghia cua ct ra hay day a a. mong se dc khan gia don nhan neu nhu kb biet dua vao nhung chi tiet that, thay vi dua su gia doi hong gay su thg hai cho nguoi xem
Hình như ở trong Nam cũng có 1 chương trình là Vượt lên chính mình? Tên Vượt lên số phận e rằng cũng gần như thế. Nếu như bác nói là chương trình này nhằm "tôn vinh những tình cảm, phẩm chất, lòng nhân ái, bản lĩnh, nghị lực và ý chí vượt khó của những con người thiếu may mắn. Nhưng ở họ có rất nhiều điều đáng để chúng ta học tập" thì HS nghĩ có khi tên khác sẽ hay hơn. Những người có lòng giúp đỡ không chỉ là chia sẻ, là cho đi, mà có khi là đang nhận ấy chứ.
Chương trình VLCM thì HS có xem vài lần trên net, thấy không thích lắm cái cách người nghèo phải làm gì đó bở hơi tai trước khi được xóa nợ, được cấp vốn. Người xem thì biết thế nào cuối chương trình họ cũng được nhận đâu tầm 18-20tr gì đấy, nhưng người chơi thì không, nên mỗi lần họ làm gì đấy không kịp thời gian thì họ buồn hiu, mặt mày xanh lét, nhìn thương lắm.
Đây sẽ là một chương trình có rất nhiều ý nghĩa. Cũng như cô giáo cháu, cháu mong chương trình được lớn mạnh. Đất nước mình vẫn còn nhiều cảnh đời gian khó. Cảm ơn chú và mọi người!.
Đổi tên đi bố ơi! nghe giống gameshow "Vượt lên chính mình" quá!
Nếu con là bố và là...tổng biên tập SGTT, con sẽ đặt tên chương trình này là" Không chùn bước", đồng thời con sẽ gả con gái cho tác giả cái còm men này!
Coi có chân nào trong đoàn mần phim cho em theo một chân, học lóm nghề coi, đại ca!
Tôi cũng đồng ý với các bạn ở trên về tên CHương trình. Tên này rất không hay so với CT, và hình như nó còn sai nữa. Tôi nhớ ai đó đã phân tích một bài lớn đại ý nếu đã thừa nhận hai chữ "số phận" thì không thể "vượt lên" được . Tuy nhiên, chê thì dễ, mà nghĩ ra cái tên gì cho hay để đề nghị thì tạm thời tôi chưa nghĩ ra được, hic
Đăng nhận xét