Thứ Năm, 5 tháng 2, 2009

MÙA SA MƯA





Hai năm trước, trong chuyến đi chơi Củ Chi, chúng tôi ghé vào một nhà hàng ven sông, bất chợt nhìn vô thực đơn thấy có món rau luộc chấm kho quẹt. Giựt mình gọi thử. Trời ạ ! Nó giống y chang như ngày xưa. Một dĩa rau luộc gồm năm sáu thứ rau đồng, một cái ui đất kho sền sệt nước mắm và tép mỡ. Không còn nghi ngờ gì nữa, hẳn người chủ quán nầy có liên quan ít nhiều đến ký ức của một thời nghèo khó, giờ đem ra bày bán cho dân nhập cư.

Ở quê tôi, vùng bán đảo Cà Mau, vào mùa nước mặn, cá đồng rút về miệt Sông Hậu, Sông Tiền, nhường chỗ cho các loài cá biển. Đến mùa sa mưa, nước phèn đổ xuống các dòng sông, cá biển trở về với biển, cá đồng từ Sông Hậu, Sông Tiền theo nước đục từ đầu nguồn bắt đầu quay trở lại để đẻ trứng, sinh con. Trong cái khúc giao mùa từ hạn sang mưa, từ mặn sang ngọt ấy, khoảng thời gian gần hai tháng, tất cả các dòng sông đều lững lờ một dòng nước phèn trong vắt, nhìn thấy tận đáy, vắng bóng cá tôm. Nếu như cái tiết giao mùa từ ngọt sang mặn, cá đồng chạy từng đàn, chồng chất lên nhau, bắt ăn không hết, phải làm mắm làm khô thì mùa sa mưa, ngược lại, không tìm đâu ra cá. Âu cũng là luật bù trừ. Những ngày tháng ấy, dân xứ tôi hay nói đùa là ăn cơm cục chấm cơm rời. Nhưng bù lại, mùa sa mưa cũng là mùa của nấm rơm, nấm phân trâu và rau đồng. Bây giờ, bạn có thể biết nhiều loại nấm, nhưng chắc rằng chẳng mấy ai thưởng thức được cái vị đậm đà của nấm phân trâu. Xứ tôi, mùa hạn, trâu ăn cỏ đầy đồng, phân trâu cũng đầy đồng. Thông thường thì chẳng ai thèm để ý, trừ khi người ta lấy một ít phân khô để đốt lửa nấu cháo heo hoặc dự trữ một ít để mùa mưa bón cho dây mướp dây bầu. Phân trâu không có mùi hôi mà ngược lại, nó thơm thơm mùi rạ, mùi rơm, mùi cỏ úa. Chỉ sau một trận mưa sòng, sáng ra là cả một cánh đồng rực lên một rừng nấm trắng từ những đám phân trâu. Phải hái nó trước khi mặt trời mọc để giữ những chiếc nấm non tơ, mập ú, tròn trịa như chiếc dù con con trước khi chúng bung ra hình chiếc lọng. Nấm phân trâu xào mỡ, vừa ngọt, vừa béo, vừa thơm, chỉ có thể so với nấm tràm, nấm mối và nấm bào ngư. Nhưng nấm phân trâu bạo phát bạo tàn, chỉ rực lên một hai đêm rồi hết. Nấm rơm tự nhiên cũng thế, chỉ sau vài cơn mưa, hái được vài lần, khi lớp rơm bên ngoài nhão ướt thì cây rơm phủ lên toàn nấm dại.

Sau vài trận mưa sòng, cánh đồng trở thành vương quốc của các loài rau. Chẳng biết từ khi nào, trong hành trình khẩn hoang, cha ông ta với sự kiểm nghiệm bằng vị giác đã phân định đâu là rau, đâu là cỏ để cháu con thừa hưởng sự phong phú của rau đồng: rau muống, rau đắng, rau má, rau diệu, rau trai, rau ngổ, cải trời, nhãn lồng, đọt choại . . . Tất cả những thứ ấy gom lại thành một nồi canh, gọi là canh rau tập tàng. Nồi canh rau tập tàng cho vào một con mắm, tạo nên cái hương thơm nồng, cái vị mằn mặn, ngòn ngọt, đậm đà khó tả, khó quên. Mùa sa mưa ở quê tôi lấy món rau tập tàng làm thức ăn chính. Hoặc nấu canh nêm mắm, hoặc luộc chấm mắm kho. Hết mắm hoặc ngán mắm thì kho nước mắm cho sôi lên, sắc xuống sền sệt, nêm đường, bột ngọt, tiêu, củ hành, sang trọng hơn chút nữa là tép mỡ, cứ thế mà cầm cự cho đến khi cá đồng xuất hiện, đầu tiên là cá ròng ròng, cá rô thóc, chúng bị tấn công cho đến lớn dần.

Ngay sau vài trận mưa đầu tiên, đất ruộng bắt đầu xôm xốp, chúng tôi xách cái thùng thiếc với cây dao phay ra đồng, xới nhẹ ven bờ mẫu, nghe tiếng sột soạt là bới lên, lượm một vài con ốc. Gọi đó là ốc đầu mùa. Ốc đầu mùa không nhiều so với khi đồng ngập nước, nhưng sạch và ngon, bụng dạ trắng phau, không nhớt, không rong, không đất, thịt thơm giòn, tinh khiết. Nhưng khổ nỗi đi kiếm cả ngày không đủ một bữa ăn.

Sa mưa cũng là mùa soi ếch. Nước ngập đất nẻ, ngập đìa. Ban đêm, ếch từ các hang cùng ngõ hẻm chui lên, ếch đực ếch cái gọi nhau quệt quệt vang cả các cánh đồng. Đó là mùa yêu đương, mùa giao phối để sinh con đẻ cái. Đèn soi ếch cũng đỏ đồng như ngày hội. Ba tôi ngày xưa rất nổi tiếng với biệt tài soi ếch. Không phải như người ta xách đèn đi tìm theo tiếng ếch, ông tắt đèn, ngồi im một chỗ, miệng kêu quệt quệt y chang như tiếng ếch. Loài ếch tưởng bạn tình nên cứ mon men nhảy tới, vừa nhảy vừa kêu. Khi chúng tới gần, ông bật đèn khí đá sáng lên, thộp đầu từng con bỏ vô bao, không con nào chạy thóat.

Bây giờ, ếch đã được nuôi công nghiệp, ốc lác lẫn lộn với ốc bươu vàng, rau tập tàng được thay bằng rau thập cẩm. Cũng không phải rau mà là bắp cải, đậu bắp, bầu non luộc chấm với nước mắm kho đường thay cho mẻ kho quẹt trong thực đơn của các nhà hàng. Biết là không giống, không thể nào giống được, và sẽ vô cùng phi lý khi ngồi trong phòng lạnh được phục vụ bởi những cô gái chân dài, váy ngắn mà đòi cho được món rau tập tàng với mẻ kho quẹt giống hệt như ngày xưa.

22 nhận xét:

Hến nói...

Nhờ đọc entry này, cháu mới biết nấm phân trâu chú ạ!

ha hong nói...

Anh chị Trùm làm một chuyến du Xuân hết ý luôn. Giờ nhắc mắm kho quẹt làm nhớ má thấy mồ. Còn món gì hấp dẩn kể cho em nghe với nha.

Minh Man nói...

Giờ, món rau luộc quết kho quẹt đã được đưa vào hàng đặc sản ở các quán nhậu sài thành. Mà chưa hẳn quán nào đã làm ra "hồn quê" món ni đâu nha bác Danh.
Bác đã thử món canh thụt của người Quảng chưa? Cũng rau ở biền + đọt mây rừng + cá đồng ..... ăn sao mà nghiền.
Hì hì. Nuôi ếch công nghiệp (Giống Thái) - Cho Ếch sinh sản còn phải tạo mưa (nhân tạo) rồi thì sấm chớp (cũng toàn đồ đểu). Chỉ có lội xuống bùn mới còn những món ngày xưa của bác không bị lai.

Huong nói...

biết là không bằng, không giống nên người ta phải bù lại bằng mấy cô chưn dài váy ngắn đóa :-))

Phương Nguyên nói...

Nghe anh Danh tả mà thèm. Tui ở quê nè mà muốn kiếm ốc bươu thiệt ăn còn hong có, toàn là ốc lai ốc bươu vàng, rau cũng là rau trồng, kiếm rau tập tàng đỏ con mắt. Ở quê vừa nghèo khổ vừa thiệt thòi hơn ở thành mà món quê cũng không còn mà ăn nữa mới là khổ thiệt!

Chuột Cống nói...

Em thì thấy ngồi phòng lạnh ăn đậu bắp luộc chấm nước mắm hòn có tí ớt xắt nhỏ, ngắm các em chân dài váy ngắn cũng có cái thú...tính riêng của nó!

nguoigia_online nói...

Nghe nhớ quê quá cha nội ơi! Mắc đền tui đi, ông với bà Trùm Sò áh!Huhuhu

BS Hồ Hải nói...

Đọc bài này của VĐD làm tớ nhớ những ngày đi Năm Căn chỉ đạo tuyến thời cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, khỏang 4h chiều là phải ngồi trong mùng nói chuyện.

Vũ Vũ nói...

Cảm ơn bác Danh vì những bài viết! Cháu hiểu thêm về con người và đất phương Nam.

Thu Nhân nói...

Hôm trước, chị sui đãi cơm trưa ở quán Hương Xưa, cũng có rau thập cẩm luộc chấm hột vịt luộc dầm nước mắm mặn. Món bình dân ở trong nhà hàng máy lạnh thì dẫu có tiện nghi cũng thấy kì kì, sao sao.

Thu Nhân nói...

Nhắc nấm phân trâu. chị có nghe má chị kể, hồi về làm dâu nhà nội, má có ăn vài lần. Nhưng cô học trò trường Áo Tím hồi đó sợ chết đi được!Thà ăn kho quẹt!

wizard nói...

He.he. Lâu lắm rồi mới nghe nhắc lại món nấm mối! Em chưa thử món nấm phân trâu nhưng nấm mối và nấm rơm thì hơi bị nhiều. Cái thú hái nấm mối còn căng hơn nấm phân trâu nữa. Chỉ sau 1 ngày đã tàn lụi. Thông thường là sau 1 cơn mưa rào... Những con cá đồng vừa bắt lên quăng vô nước trui trong đám rơm khô chỉ cần cạo sơ cho vào miệng kèm với đám rau bên biềng. K say k về anh nhé!

NDHH nói...

Tía Má ơi! bác Nông Dân này làm con nhớ nhà Tía Má quá xá quà xa

Ông Hội Đồng nói...

Kho quẹt với tôm khô + tép mỡ là ăn hết sảy.Lâu lâu ăn mấy món đồng quê thấy ngon làm sao chú ơi!Nấm phân trâu cháu chưa nghe tới.

caonguyenbui nói...

Mấy năm trước dắt học trò đi thi Olympic 30/4 ở trường Lê Hồng Phong. Thằng bạn thân thời trung học mời đi ăn trưa ở cái quán gì ...xưa (hông nhớ!)trên đường Cao Thắng. Mèn ơi, cũng ăn cá kho tộ, canh hến nấu với khế...., mà ở trong phòng máy lạnh. Kì thấy mồ đi, nghe hắn nói cá SG dễ bắt hơn dưới quê mà cười muốn văng cơm ra khỏi miệng....

NGUYEN X nói...

Đọc blog của chú cháu thấy được tuổi thơ thật đẹp trên những cánh đồng. Cháu lạ nhất là "Nấm Phân Trâu". Cháu đã lớn lên bên dòng sông đầy phù sa ở miền Tây Nam Bộ. Nhưng cháu vô tâm không để ý đến những điều giản đơn và quý giá này. Cảm ơn chú!.

dat t nói...

@ a. Danh .Anh nhắc làm gì mấy món ăn hồi xửa hồi xưa để tui vừa đọc vừa thèm vừa nhớ...hichic... Mà hình như mấy món ăn miệt vườn nếu thiếu cái không gian gắn bó thì cũng mất đi rất nhiều cái hương vị đậm đà tình quê.

MAP M nói...

Đọc xong cái entry này , em mún mần ngay mắm kho quẹt xơi cơm nóng ( không có phòng máy lạnh à nghen ! ) mờ chực nhớ ra nay Nguyên Tiêu ăn chay , thôi để làm xì dầu kho quẹt đỡ ! Hic !

Cẩm Minh nói...

Không biết ở đâu có không chứ nhà tui ở quê hồi xưa còn ăn nước mắm kho quẹt với cháo trắng nữa đó, nhắc lại nghe thèm quá!!!Tui làm món nước mắm kho quẹt cũng hết sẩy à nghen!!!

Flamenco nói...

đọc nghe đã thiệt anh à
hôm nào cảm hứng cũng làm một bài về cái vụ bắt ốc mùa khô. Em cũng một thời lăn lộn khu Bốn Xã, Bình Chánh

Cuong nhabaotudo nói...

Thời công nghiệp hóa vô tình đang thủ tiêu bao nhiêu món ăn ngon, dân dã như món này.
Quê tôi, vùng đồng bằng sông Hồng có món tép Nhân kho tương bắc (làm bằng hạt đậu nành, lên men tự nhiên) rất bổ và đậm đà nhưng làng tôi hiện chỉ còn một người biết làm món tương này, bà đã hơn 70 tuổi. Bao giờ bà đi là thôi luôn!.

vu duc nói...

Nếu có dịp ghé chợ Vĩnh Long, anh ghé nhà hàng nổi kêu mói rau kho quẹt ngon lắm. Còn quê mình thì không còn phải bàn. Chỉ tiếc những hương đồng cỏ nội ngày càng vơi vì đô thị hóa.