Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

CUỘC ĐỜI BI KỊCH CỦA CHỊ LÝ




Đón xem tập phim MẸ CON CHỊ LÝ trong chương trình VLSP phát sóng vào lúc 21 giờ, thứ hai,13-4 và phát lại lúc 9 giờ 50, thứ năm, 16-4 trên VTV9


Năm 1990, bé Thuyết chào đời, tôi sung sướng vì được làm mẹ thì anh tỏ ra thất vọng, anh nói thẳng: “Tôi không thích con gái !”. Anh giục tôi sinh đứa thứ hai. Năm 1993, bé Linh chào đời, anh lại thất vọng lần nữa. Hai năm sau, bé Trang chào đời. Sóng gió cuộc đời tôi bắt đầu từ đó . . .

Chị Lý cúi đầu im lặng, hai hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt xanh xao của một bệnh nhân ung thư vừa thoát chết.

Người ta nói bi kịch xuất phát từ những sai lầm trong quan niệm sống. Trong trường hợp nầy, chị Lý là nạn nhân của ý thức trọng nam khinh nữ của chồng chị và cả gia đình chồng, chị bị xem như kẻ tội đồ khi sinh đứa con gái thứ ba. Hai năm sau, anh Dong, chồng chị dẫn về nhà một người phụ nữ ẵm đứa con trai, anh công khai giới thiệu “đây là cháu nội đích tôn của bố mẹ”.

Bi kịch đến thế cũng chưa phải là tận cùng với chị. Năm 1998, bé Thuyết ngã bệnh và lìa đời khi đang học lớp hai, cả nhà không ai hiểu nó chết vì bệnh gì. Có người nói nó không chịu nỗi cú sốc vì nhìn thấy mẹ bị cha hành hạ triền miên, mấy ông thầy lang ở làng Tiên Du – Phú Thọ - thì kẻ nói vầy người nói khác. Đau đớn tột cùng, lại bị cái đói, cái nghèo đe dọa quanh năm, chị Lý dắt bé Linh và bé Trang về gởi nhờ cha mẹ ruột rồi lên xe lửa vào Sài Gòn tìm lối thoát trong niềm hy vọng mong manh bằng công việc nấu cơm, quét dọn nhà cửa cho một người đồng hương với thu nhập ba trăm ngàn đồng mỗi tháng. Một năm sau, chị tìm được việc làm ở một hãng giày da. Lương tháng tám trăm ngàn chỉ là số tiền lẻ so với nhiều người nhưng với chị, đó là nguồn thu nhập chưa bao giờ dám hy vọng trong những năm tháng sống ở quê nhà, cuốc bẩm cày sâu trên bảy trăm mét vuông đất, hết mùa lúa đến mùa khoai mà vẫn không đủ nuôi sống gia đình. Tám trăm ngàn, người ta có thể xài trong chốc lát, nhưng với chị, nào tiền trọ, tiền cơm, chắt chiu gởi về quê cho hai đứa con ăn học. Vậy mà năm năm sau, chị tích lũy hơn hai lượng vàng. Nhưng rồi một tin sét đánh: bé Linh và bé Trang bệnh nặng, đang nằm cấp cứu ở bệnh viện nhi Hà Nội. Buồn, đau, nhưng chị nghĩ cũng may mắn là mình có tiền để chữa bệnh cho con. Cả hai đứa bé đều bị đau lá lách, phải phẩu thuật, truyền máu. Bao nhiêu năm dành dụm với niền hy vọng đổi đời, giờ tay trắng. Nhưng, thà tay trắng còn hơn . . . chị đã không cứu được bé Trang vì bệnh của nó quá ngặt nghèo. . .

Chôn cất con xong, chị ra Tòa ký đơn ly dị, tạm gởi bé Linh cho ngoại rồi trở vào Sài Gòn làm lại một cuộc mưu sinh. Người ta nói “họa vô đơn chí” phải chăng chính là cảnh ngộ của chị bây giờ ? Nỗi đau còn đang giằn xé tận tâm can, giữa xứ lạ quê người với hai bàn tay trắng thì chị phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Nhập viện trong cảnh không tiền, bệnh viện lại quá tải, chị chọn một góc hành lang làm nơi tá túc. Bọc nilon, lon bia, ve chai là nguồn sống qua ngày. “Nếu không có bác sĩ Hạnh thương tình giúp đỡ thì không biết số phận tôi sẽ ra sao – chị nói – ngoài việc vận động các đồng nghiệp cho tiền, bác sĩ Hạnh giới thiệu tôi với các nhà sư, các đoàn công tác từ thiện đến đây cứu trợ bệnh nhân nghèo. Nhờ vậy mà tôi thoát chết”.

Trong lúc chị đang nằm viện thì bé Linh vào tìm chị: “Ở với ngoại thì bố không cho, bố đến nhà mắng chửi ông bà ngoại, đòi bắt con về. Nhà trường thấy con nghèo mà học giỏi nên vận động thầy cô giúp năm trăm ngàn, nhưng bố cũng lấy hết . . .”

Bé Linh lúc ấy vừa học xong học kỳ I năm lớp 6. Không thể để con bỏ học, nhưng chuyển trường giữa năm học là một việc không dễ làm. May thay, thầy Hồng, hiệu trưởng trường trung học cơ sở Phan Công Hớn nhìn học lực của bé Linh trong học bạ, hiểu hoàn cảnh chị Lý nên thầy đã sẵn lòng.

Xuất viện. Tiều tụy. Xanh xao. Lê từng bước chân nặng nhọc. Chị đắt bé Linh ra đường mà không biết đi đâu, về đâu giữa Sài Gòn mênh mông, không biết sống bằng gì khi không còn đồng xu dính túi. Lang thang khắp các nhà trọ ở Bà Điểm – Hóc Môn nhưng đều bị người ta từ chối vì không có tiền trả trước. Một bà lão qua đường chợt hỏi: “Con đi đâu mà thảm hại thế nầy”. Chị kể vắn tắt hoàn cảnh của mình. Bà lão chỉ tay về hướng bên kia đường: “Con thử đến đó hỏi nhà bà Sáu Trâm, bà ấy nhà nghèo nhưng tốt bụng, hay cưu mang những người thất cơ lỡ vận”. Từ đó, cái chái lá phía sau nhà bà Sáu Trâm trở thành nơi tá túc của hai mẹ con chị Lý. Ở, bà không lấy tiền trọ. Đói, bà nuôi cơm. Trong vườn có đủ thứ trái cây, bà bảo “mẹ con bây cứ hái mà ăn cho mau lợi sức”. Bé Linh theo giúp việc cho bà, bà nói “vô mà lo học bài”.

Chị Lý bây giờ đã có việc làm ở công ty bảo vệ Thăng Long. Bé Linh được tiếng là con ngoan, trò giỏi. Nghỉ hè, cháu đi làm thêm cho hiệu sách. Mười sáu tuổi, cái tuổi của mơ mộng, của hồn nhiên nhưng ánh mắt Linh đã hằn sâu những nét đau đời, những khát khao và nghị lực. “Con chỉ mong mẹ con sống lâu để được nhìn thấy con vào đại học”. Một ước mơ quá đỗi bình thường nhưng với Linh, đó là điều không đơn giản, và, có lẽ cháu đã đủ kiến thức để hiểu được cái điều không đơn giản ấy, cái nguy cơ tiềm ẩn của chứng bệnh ung thư mà mẹ cháu đang mang.

Bốn mươi tuổi đời, nhìn lại cái mất đi quá nhiều so với những gì mình có được, mà cái có được không biết mình sẽ gìn giữ được bao lâu, nỗi ám ảnh mình sẽ mất đi, bỏ lại đứa con gái nhỏ,yếu đuối, bơ vơ giữa cõi đời nầy nhiều khi biến thành cơn ác mộng trong chi Lý. Trong những khoảng lặng nhìn con, hoặc nghĩ tới con, cơn ác mộng ấy đã làm chị rưng nước mắt. Nhưng biết làm sao được. Số phận, chị đã từng vượt qua, từng được sự tiếp sức của bao người để vượt qua, để chiến thắng. Nhưng, liệu có vượt qua được cánh cửa của tử thần ?

HỒNG VINH

1 nhận xét:

Good woman nói...

oi..cam dong qua..em biet co nhieu hoan canh rat thuong tam..ho rat muon vuon len nhung cai ngheo van bao quanh lay ho..ko loi thoat..chi 1 so it moi du kha nang va long kien tri vuot kho de mong duoc thoat canh co cuc ban han..toi nghiep nhat la nhung phu nu VN suot doi lo cho chong va con...may thay van con chut long nhan tu cua nhung nguoi tot bung... Momg rang se co nhung manh thuong quan giup do ho vuon len tu cuoc song doi ngheo