Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

TRUYỆN VIẾT TỪ ÂM PHỦ


(Đăng trên báo Văn nghệ minh Hải ( 1987 ), tạp chí Văn TPHCM , báo Đoàn kết của Hội người Việt ở Paris – năm 1988 )

Phi mở hộc tủ lấy chồng bản thảo văn xuôi ra chuẩn bị biên tập cho tờ báo Tết. Cùng lúc ấy anh phát hiện có một người khách đang lấp ló ngoài cổng. Thoạt đầu, Phi hơi giật mình chú ý cách ăn mặc và diện mạo kỳ quái của người khách : anh ta mặc bộ đồ đỏ có những viền trắng, bên hông đeo gươm và nai nịt gọn gàng giống như vị thủ lĩnh của nhóm đạo tì đưa đám ma. Đầu anh đội chiếc mũ vuông cũng màu đỏ. Nét mặt đanh đá dữ tợn, và chòm râu cánh én uốn cong trông càng dữ tợn hơn. Anh ta cầm cuộn giấy trong tay và hăm hở bước vào từng bước dài, đều đặn. Phi nghi anh mắc bệnh tâm thần nên không muốn tiếp, anh giả vờ không chú ý và cuối xuống chồng bản thảo.

- Chào ông ! – Người khách nghiêng mình, ngã nón trước mặt Phi.

- Anh cần gì ? – Phi hỏi, mặt vẫn cuối xuống chồng bản thảo.

- Xin lỗi anh làm gì ở đây ? – Người khách hỏi.

- Thường trực biên tập.

- Tức là nhà văn ?

- Phải. Chức danh là thư ký tòa soạn.

- Xin lỗi ! Ở dưới âm phủ không có loại nhà văn và thư ký tòa soạn nào mất lịch sự như anh vậy.

Phi ngơ ngác nhìn người khách :

- Ông … ông là ai ?

- Tôi vừa được đầu thai lên làm nhà văn.

Phi thở phào và kéo ghế mời khách.

- À ! Vậy mà tôi tưởng… mời anh ngồi !

Người khách cuối xuống nhìn trang phục của mình rồi như hiểu ý Phi. Anh ta thanh minh:

- Mới lên khỏi mặt đất, tôi vọt lai đây liền vi sợ không kịp nộp bài cho báo Tết nên chưa kịp mua quần áo khác.

- Anh đến đây bằng phương tiện gì ? Phi hỏi thân mật.

- Xe Honda ôm. Mời anh hút thuốc.

Người khách lấy ra hai điếu xì gà to bằng ngón tay cái rồi đốt cho Phi một điếu…

- Anh có mang bài lên nữa à ?

- Có chớ, đây, bài trúng giải nhất trong cuộc thi đầu thai làm nhà văn. Mời anh xem và đăng cho tôi trong số Tết.

Người khách trao cho Phi tờ bản thảo dài chừng hai thước, bề ngang hơn một gang tay, viết hai mặt bằng mực tàu.

- Anh thông cảm, vì ở dưới tôi quen trình bày theo kiểu viết sớ.

- Không sao. Nhưng mai mốt phải viết theo kiểu trên này.

Nói rồi Phi mở ra đọc. Nhưng Phi lấy làm ngạc nhiên ngay dòng đầu tiên trên bản thảo :

TRUYỆN VIẾT TỪ ÂM PHỦ của CHOTHANHU

- Anh thuộc quốc tịch nào ? – Phi hỏi

Người khách trả lời thản nhiên :

- Việt Nam chính thống

- Vậy sao anh lấy bút hiệu CHOTHANHU ?

- Thế anh có biết PHAHASA là gì không ?

- PHAHASA là Phát hành sách viết tắt. Còn anh ?

- Cũng thế !

- Thế là sao ?

- CHOTHANHU là tên của một trường phái viết tắt.

- Tôi chưa hiểu.

- Thì CHỐNG-THAM-NHŨNG, Thế mà cũng làm nhà văn !

- À thì ra vậy. Ở dưới các anh cũng chống tham nhũng nữa à ?

- Không. Diêm đế phân công tụi tôi lên đây để giúp các anh chống tham nhũng. Hay nói cách khác, vì bất bình trước tham nhũng mà Diêm đế cho chúng tôi đội mồ sống dậy.

- Có lý. Thế truyện này anh viết gì ?

- Đọc đi thì biết !

Và Phi bắt đầu đọc :

“Cụ Tuấn năm nay gần tám trăm tuổi, nhưng trông cụ vẫn còn rất sỏi với phong độ của một vị tướng. Cụ có một thói quen mà các cụ cùng tuổi ít ai có được : Sáng dậy sớm vợt mấy đường gươm tập thể dục rồi cưỡi ngựa ra căntin uống ly sâm nóng. Phải chăng nhờ vậy mà cụ vẫn cường tráng so với cụ Trọng, cụ Hãn, cụ Ly…

Sáng nay từ căntin về, cụ thấy trong quầy sách ở ngã ba đường có treo mấy tờ báo, mừng quá, cụ giật dây cương ngựa và phóng xuống mua, tất cả bốn tờ báo cụ mua hết.

Cụ nói với cô chủ quán :

- Tôi không hay có báo nên không mang tiền theo, chiều tôi trả.

Cô chủ quán hiền từ đáp :

- Dạ, vâng ! Thưa cụ không có sao ạ ! Cháu biết cụ mê đọc báo nhưng dạo này hiếm quá. Thỉnh thoảng mới có vài người từ trần xuống mang theo vài tờ nhưng họ bán đắt gấp năm gấp bảy lần giá bìa cụ ạ.

- Phải thôi, mới xuống chưa làm gì ra tiền thì phải bán giá cao chớ sao. Khi nào có, cô đừng treo trên quầy mà hãy giữ cho tôi nhé!

- Vâng, con sẽ dành riêng cho cụ.

Cụ Tuấn vội vã phi ngựa về nhà và mang chiếc võng ra mắc dưới gốc cây bàng nằm đọc say mê. Đọc đến tờ thứ hai cụ bỗng giật mình khi gặp bài “HỊCH TƯỚNG SĨ TÂN TRANG” – của Trần Quốc Tức đăng ở trang cuối. Cụ rủa thầm trong bụng : Mẹ kiếp, tụi này giở trò gì đây, “TÂN TRANG”? Có nghĩa là “làm mới”, tao hiểu rồi, còn Trần Quốc Tức là thằng hậu sinh nào ? Để coi chúng nó tân trang thế nào đây ?

Và cụ đọc :

Ta cùng các ngươi sinh ra giữa thời quá độ, lớn lên gặp cảnh tham ô, ngó thấy bọn cơ hội ăn nhậu nghênh ngang trong nhà hàng, uốn tấc lưỡi cú dều mà lên giọng dạy đời, đem tấm thân đầy tớ mà bắt nạt chủ, lợi dụng chức vụ để xây nhà lầu, mua xe hơi, máy lạnh cho thỏa lòng tham khôn cùng, giả hiệu đảng viên để thu vén bạc vàng của kho có hạn. Thật chẳng khác nào ném thịt cho hổ đói, giữ sao cho khỏi tai họa về sau !

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm viết báo mà điện cúp, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận chưa viết được bài phóng sự điều tra để vạch mặt bọn ô dù. Dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác nầy gói trong da ngựa ta cũng cam lòng..

Thuở các ngươi còn nằm hầm ngủ đất để nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm, quan thấp thì ta thăng chức, lương ít thì ta cp bng, đi thủy thì ta cho xuồng, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc trận mạc thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà thì cùng nhau vui cười. So với Công Kiên đãi kẻ tì tướng, Ngộ Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì?

Nay các ngươi ngồi ngó chủ đói rách mà không biết lo, thấy chủ nhục mà không biết thẹn; nhìn chủ bị ức hiếp mà không biết tức, nghe nhạc thái thường đãi yến bọn móc ngoặc mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh tennít làm tiêu khiển, hoặc quên bỏ vợ con ở vườn ruộng để quyến luyến với nhân tình, hoặc ham làm giàu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon hoặc mê thuốc cán. Nếu lỡ có thanh tra hoặc báo chí nhào vô thì cựa gà trống không thể chọi với bút inốc, mẹo tennít không thể dùng làm mưu lược chạy tôi tham ô, mười ả tình nhân cũng chỉ làm bận bịu cho việc chạy trốn, tiền của nhiều nhưng không mua được một tòa soạn báo ? Súng săn tuy “xịn” nhưng không địch nổi bọn nhà báo cứng đầu; chén rượu ngon không làm cho thanh tra say chết… Lúc bấy giờ ô dù bị thủng, các ngươi bị bắt, đau xót biết chừng nào, chẳng những vốn liếng của cơ quan không còn mà bổng lộc của các ngươi cũng bị xung vào công qũy, chẳng những vợ bé các ngươi xấc bất xang bang mà vợ lớn các ngươi cũng buồn cũng khổ; chẳng những tấm thân các ngươi kiếp này chịu tù tội mà đến trăm năm sau, tiếng dơ không rửa, tiếng xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi không khỏi mang tai tiếng là tham ô hối lộ, lúc bấy giờ dẫu các ngươi muốn vui chơi phỏng có được không ?

Nay ta bảo thật các ngươi, nên nhớ câu : “đặt mồi lửa dưới đống củi” làm nguy cơ, nên lấy điều “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” làm răn sợ; hoặc tâm đắc câu “lấy dân làm gốc” mà hưởng ứng “những việc cần làm ngay”, xem lại cách làm ăn cho có hiệu quả, khiến cho người người áo ấm cơm no, trẻ con có đủ trường để học. Như vậy tài sản của Nhà nước không bị thất thoát mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ, chẳng những nhân dân được áo ấm cơm no mà vợ con các ngươi cũng không bị xóm giềng mai mỉa, chẳng những ngày 30 –0 4 sẽ được muôn đời tế lễ mà các anh hùng, liệt sĩ cũng được thờ cúng quanh năm; chẳng những chức vụ các ngươi không bị mai một mà tên họ các ngươi cũng được báo chí bơm lên. Lúc bấy giờ dẫu các ngươi không muốn vui chơi phỏng có được không ?

Nay mai, ta sẽ chọn các bài “Những việc cần làm ngay” in trên báoNhân Dân hợp lại xuất bản thành một quyển gọi là “Nói thẳng nói thật”. Nếu các ngươi mua quyển sách này về đọc và làm theo lời sách dạy bảo thì trọn đời là tớ chủ; nhược bằng khinh bỏ sách này, làm trái lời sách dạy thì trọn đời là nghịch thù.

Vì sao vậy ? Bọn tham nhũng đối với ta là kẻ thù không đội trời chung, các người khinh rẻ sách này tức là các người đồng tình với tham nhũng, là những tên đầy tớ thiếu trung thành, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở nào nữa.Nay ta TÂN TRANG bài hịch này để các ngươi biết được bụng ta.

Đọc xong người cụ Tuấn rung bắn lên vì giận dữ, cụ xé toạc tờ báo làm đôi ném đi rồi rời khỏi võng, miệng cụ la như thét :

- Đồ hậu sinh bát nháo! Ai mượn chúng mày TÂN TRANG kiểu này ? Thế là thế nào ?

Cụ vào nhà khoác áo mão cân đai, nai nịch gọn gàng rồi nhảy lên lưng ngựa, giật cương phi như gió để đến nhà cụ Nguyễn Trãi nhờ cụ Trãi giải quyết chuyện này.

Đi một đoạn cụ giật mình vì đã xé tờ báo và quên mang theo, cụ quay ngựa lại, đến gốc cây bàng lúc nãy, cụ xuống nhặt tờ báo cho vào túi rồi lên ngựa phi tiếp. Con bạch mã chạy như bay qua một cánh rừng thông trùng điệp rồi nặng nhọc phóng từng bước lên ngọn đồi với độ dốc khá cao.

Lúc ấy đã gần chín giờ sáng, mặt trời đã lộ nguyên hình trên đỉnh núi, những màng sáng đã xuyên qua rừng thông chỉ còn lại chút màn sương mờ nhạt. Thế mà cụ Nguyễn Trãi vẫn còn ngồi bên lò sưởi, cụ bẻ những cành thông khô đặt lên bếp rồi đưa hai tay lật qua lật lại trên ngọn lửa một cách đều đặn như nướng bánh phồng. Xong, cụ lại xoa hai bàn tay lên má, lên thái dương và qua gáy, vai cụ run run.

Nghe tiếng vó ngựa, cụ ngẩng lên. Con ngựa dừng lại, cụ nhận ra ngay cụ Trần Quốc Tuấn, liền đứng phắt dậy chào :

- Kính chào Trần tướng quân, có điều chi khẩn cấp mà tướng quân đến đây sớm vậy ?

Cụ Tuấn vừa nói vừa lấy tờ báo ra đặt lên mặt đất ráp lại :

- Đại thi nhân trông coi về chuyện chữ nghĩa với văn chương cho Diêm Đế nên tôi có việc này cần bàn luận. Tụi hậu sinh bát nháo ở trần gian đã lấy bài hịch của tôi tân trang lại và lấy tên Trần Quốc Tức. Đại thi nhân thử nghĩ coi có tha thứ cho hành động ấy được chăng ? Bài hịch của tôi viết để kêu gọi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên trên bảy trăm năm về trước, giờ chúng muốn in lại thì in, in không được thì thôi chứ mắc mớ gì mà phải tân trang lại, chẳng lẽ chúng bất tài đến nỗi không viết được một bài hịch khác. Tôi sẽ trình lên Diêm đế ra lệnh mời thằng Tức xuống đây, Đại thi nhân xem coi xử phạt nó cách nào, tội này dường như mười hai cửa ngục của ta chưa có. Và sau vụ nầy có nên lập ra luật bản quyền chăng ?

Xem xong bài Hịch tướng sĩ tân trang, cụ Nguyễn Trãi vẫn bình thản pha trà và mang thuốc lào ra mời cụ Tuấn. Xong cụ vào trong mở tủ lấy một tờ báo ra đưa cho cụ Tuấn xem và nói:

- Có gì đâu mà tướng quân đòi bắt tội. Tướng quân xem đây, bài CÁO BÌNH NGÔ của tôi, chúng cũng đã tân trang thành “ĐẠI CÁO BÁO CHÍ”. Có sao đâu.

Thoáng một chút ngạc nhiên, cụ Tuấn kéo một hơi thuốc lào rồi chăm chú xem bài “ĐẠI CÁO BÁO CHÍ”

Từng nghe :

Việc viết báo cốt ở phóng viên

Ban biên tập trước lo tiền gạo.

Như nước Đại Việt ta trước

Vốn sống nghề làm báo đã lâu

Báo ngành, báo Đảng đã chia

Tôn chỉ mỗi tờ mỗi khác

Mấy mươi năm nói suông, nói một chiều thấy rằng không ai đọc

Dù bất bình nhưng bị kềm kẹp biết nói sao

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song tờ báo ngày nào cũng có

Trong phòng tư liệu

Báo cũ còn lưu

Tức vì :

Kẻ nhân danh làm điều thiện lại gây chuyện phiền hà.

Để trong nước lòng dân oán hận

Bịt mồm báo chí cưỡng bức văn chương

Lường gạt chủ mua tôm xuất khẩu.

Đổi lấy TOYOTA, CORONA, CUB chạy ngời ngời

Không tiền trả nợ

Mặc chủ la trời

Dối Đảng lừa Dân kế gian đủ muôn nghìn khóe

Cậy quyền đầy tớ ức hiếp chủ như không

Phá rừng làm rẫy nuôi tôm

Đủ điều bại hoại nghĩa nhân chẳng còn trời đất

Thu nhà trái phép ở cho sướng tấm thân

Lợi dụng chức quyền, ăn cắp vật tư xây biệt thự

Đủ thứ công trình giả tạo,

Chỗ cơ quan nhà cửa nguy nga

Chốn hương thôn trường học chẳng ra gì

Già trẻ lắc lẻo ôm cầu khỉ

Thần dân oán giận

Nhưng sợ chẳng dám la

Ta đây :

Vốn mang danh ký giả

Đã im lặng lâu rồi

Bọn cơ tham nhũng há đội trời chung

Quân hối lộ thề không cùng sống

Nhức óc đau lòng chốc đã mười năm lẻ

Ăn cơm tập thể ngủ ba đứa một mùng

Tranh thủ thời gian nghiền ngẫm các chủ trương chính sách

Nghiệm sau suy trước, xét cùng mọi lẽ hưng vong

Nuôi chí phục thù ngày đêm trăn trở

Đương lúc phóng viên yếu vía

Chính khí tiêu cực càng hăng

Ngặt vì :

Nhân tài như lá mùa thu

Tuấn kiệt như sao buổi sớm

Giấy má hãy còn thiếu thốn

Cấp trên chưa chịu phất cờ

Lòng cứu lê dân, chỉ háo hức mà tiền nong chẳng có

Xe chờ hiền giả, lòng thiết tha mà bên tả để không

Kinh phí khô khan lương cạn mấy tuần

Nhuận bút còn không có trả

Bởi trời muốn thử ta để trao nhiệm vụ

Nên ta càng cố chí vượt gian nan

Nêu nhiệm vụ chống tiêu cực hàng đầu

Hội nghị khắp bốn phương dân viết báo

Thết nhau bằng rượu đế

Thế nói thẳng, nói ngay

Các binh chủng bắt tay

Hợp đồng tác chiến

Dùng nội tuyến lấy tư liệu chứng từ

Lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục

Lấy yếu chống mạnh, hay đánh bất ngờ

Rốt cuộc :

Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo

Để cho :

Xã tắc từ đây bền vững

Giang sơn từ đây đổi mới

Càn khôn đã bỉ rồi lại thái

Trời trăng đã mờ rồi lại trong

Đễ rửa nỗi nghìn thu hổ thẹn

Xa gần bá cáo

Ai ấy đều hay

Xem xong, cụ Tuấn thở phào nhẹ nhõm và hỏi :

- Nghĩa là Đại thi nhân đồng tình với chúng ?

- Vâng, theo tôi chúng rõ là hậu sinh khả qúy chứ không phải là hậu sinh bát nháo như tướng quân nghĩ. Bởi chúng biết tân trang những di sản của cha ông cho phù hợp với hoàn cảnh trên ấy bây giờ. Như vậy tướng quân phải thừa nhận rằng bài hịch của tướng quân để lại vẫn có giá trị cho hậu thế hôm nay. Vậy thì tướng quân nên mừng chớ sao lại giận ?

- Nhưng sao chúng không viết cái mới mà phải tân trang những di sản của ta ?

- Viết đặng mất cái đầu !

- À, thì ra là như vậy. Nhưng theo Đại thi nhân thì hai bài này chúng tân trang lại có hay lắm không ?

- Hay chớ sao không. Tụi nó bây giờ tân trang rất siêu đẳng. Thứ xe cộ và đàn bà hư hỏng mà chúng còn tân trang được huống chi chuyện chữ nghĩa với văn chương.

- Nhưng chữ nghĩa chúng tân trang trong bài hịch có nhiều chỗ tôi không hiểu.

- Tướng quân không hiểu chỗ nào ?

- Thí dụ như “thời loạn lạc” của tôi chúng sửa lại là “thời quá độ” nghĩa là sao ?

- À, nghĩa là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội đó mà. Thời kỳ này phức tạp lắm !

- Còn chỗ này – Cụ Tuấn đọc lại tờ báo – Để tôi xem đâu rồi… Đây, chỗ này nguyên văn của tôi là “đem tấm thân dê chó mà bắt nạt tễ phụ” chúng sửa lại là “đem tấm thân đầy tớ mà bắt nạt chủ” nghĩa là sao ? Tớ làm sao dám bắt nạt chủ ? Vô lý !

- Bởi vì thế này, cái thời của mình thì tớ là dân, chủ là quan. Còn trên ấy bây giờ đổi lại, tớ là quan, là cán bộ đảng viên, còn dân là chủ.

- Sướng vậy ?

- Sướng gì, bởi vậy nên mới có chuyện “đem tấm thân đầy tớ mà bắt nạt chủ”. Chỗ này trùng hợp với câu “cậy quyền đầy tớ ức hiếp chủ như không” mà chúng đã tân trang trong bài ĐẠI CÁO. Cho nên tướng quân phải hiểu cái ngược đời ở thế gian hiện nay là tớ có quyền hơn chủ.

- Hèn chi…

Cụ Tuấn nhìn cụ Trãi và nghe giải thích mà ánh mắt cụ như bị thôi miên.

Trưa hôm ấy cụ ra về bình thản, con ngựa cũng thong dong xuống đồi và lướt nhẹ qua rừng thông. Cụ Tuấn nhịp đùi ung dung trên lưng con bạch mã, cụ ngắm nhìn say mê cánh rừng già chìm trong buổi trưa thật bình yên giữa miền âm cảnh. Về đến gốc cây bàng, cụ lên võng nằm đọc tiếp hai tờ báo còn lại và ngủ thiếp đi tự lúc nào không biết.

… Đọc xong, Phi cuộn tròn bản thảo lại và trao cho tác giả :

- Tôi không dám in truyện này, anh thông cảm !

Người kia nhìn Phi, tròn đôi mắt :

- Thì ra anh là một nhà văn nhu nhược, anh hãy về chầu Diêm đế, để công việc tòa soạn này lại cho tôi !

Dứt lời, anh ta tuốt gươm ra khỏi vỏ, Phi hốt hoảng chui xuống gầm bàn và la trối chết : CHOTHANHU ! CHOTHANHU ! CHOTHANHU…

- Anh ! Tỉnh dậy ! Tỉnh dậy, anh !

Nghe tiếng gọi của vợ, Phi giật mình thức giấc. Thì ra anh vừa trải qua một giấc mơ, có lẽ anh quá lo cho tờ báo Tết.

Cà Mau, tháng 11 năm 1987

-->đọc tiếp...

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

NGƯỜI CHỒNG ĐI BIỂN



VÕ ĐẮC DANH

Tôi biết Phượng cách đây hơn ba năm trong một lần ghé mua xôi trên đường Nguyễn Thành Ý, phía cổng sau trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Thấy con bé trạc tuổi con mình, gương mặt hiền lành, lam lũ, tôi hỏi con còn đi học không ? Dạ còn. Lớp mấy ? Dạ lớp bảy. Tôi yên tâm mà nghĩ rằng, chắc là nó học buổi chiều, đi bán xôi buổi sáng. Biết rằng giữa cuộc sống nầy, những đứa trẻ vừa học vừa dãi dầu mưa nắng để mưu sinh không phải ít, nhưng cái gương mặt vừa xinh xinh phúc hậu, vừa sạm đen của bé Phượng đã gieo trong tôi một hình ảnh đẹp của con nhà nghèo.
Hơn ba năm sau, tình cờ tôi trở lại mua xôi. Con còn đi học không ? Dạ con nghỉ học rồi chú. Sao vậy ? Dạ nhà con nghèo lắm chú ơi, con phải giúp ba con nuôi ba đứa em đi học ở ngoài quê. Quê con ở đâu ? Dạ ở Mũi Né, Phan Thiết. Rồi Phượng kể, ba mẹ cháu chia tay, mẹ đi lấy chồng khác, một mình ba nuôi bốn đứa con nheo nhóc bằng chiếc thuyền thúng đi câu mực, bữa có bữa không. Đó là lý do buộc Phượng phải nghỉ học vào Sài Gòn bán xôi với nội, hàng tháng gởi tiền về cho ba đứa em đi học.
Lần theo địa chỉ Phượng cho một cách mập mờ, tôi tìm ra Mũi Né: nhà thờ Tin lành, quán cà phê . . . đường Huỳnh Thúc Kháng, hỏi tên anh Cu Li. Bên một động cát trắng với chằng chịt những đám xương rồng, những mái nhà con con chơ vơ trong nắng nóng. Một tốp học sinh liêu xiêu trên đường cát, tôi hỏi: Cháu ơi có biết nhà anh Cu Li ở đâu không. Một con bé bật cười: Kia kìa, nhà ba con đó chú. Con là em của Phượng ? Dạ đúng rồi.
Tên thật của anh là Phan Văn Hải, Cu Li là cái tên gắn liền với công việc mưu sinh ở những vựa cá vựa tôm từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành. Năm 19 tuổi, trong lúc đang làm thuê cho một vựa cá phân, Hải quen với một cô gái cùng cảnh ngộ. Sự đồng cảm của hai kẻ làm thuê đã mang đến một tình yêu và thành vợ thành chồng. Hải phát hoang một lõm rừng chồi bên động cát gần ven biển, dựng lên một túp lều hạnh phúc. Mười bốn năm chung sống, bốn đứa con gái lần lượt chào đời. Từ giã kiếp làm thuê, Hải học được cái nghề câu mực và mua được chiếc thuyền thúng để ra khơi. Cứ 9 giờ đêm, Hải theo đoàn người câu mực lên ghe, cách bờ biển chừng ba mươi hải lý, mỗi người bám một chiếc thuyền thúng cho đến xế chiều. Cái nghề “bà cậu”, có hôm kiếm cả triệu đồng, có hôm lại chẳng có đồng nào, phải nợ chủ ghe tiền chi phí.
Người ta nói phần lớn những người đàn ông đi biển thì vợ ngoại tình, bởi những chuyến hải hành của họ chẳng có thời gian để cùng vợ chia sẻ buồn vui. Hải cũng nghe râm rang những tiếng vào lời ra về người vợ của mình, nhưng anh không tin và cho rằng miệng đời thường như thế. Nhưng rồi một đêm nọ, chiếc ghe vừa ra giữa chừng khơi thì biển động, phải quay vào. Trong tiếng gió thét gào, trong bóng đêm chập choạng, Hải lọ mọ về nhà thì hỡi ơi, trên chiếc giường ấy, ngay chỗ nằm của mình đã có người đàn ông khác.
Thôi thì chia tay. Tài sản chẳng có gì để chia ngoài túp lều rách nát. Người vợ ra đi. Con cái được quyền lựa chọn theo mẹ hay theo cha. Nhưng cả bốn đứa chẳng đứa nào theo mẹ, kể cả bé Kiều Xuân, lúc ấy mới vừa lên ba tuổi nhưng cũng kiên quyết ở lại với ba. Hải tiếp tục cái nghề câu mực ngoài khơi. Nhưng phải vật lộn thêm với những cơn sóng dữ trong lòng. Chín giờ tối ra đi, nhìn bốn đứa con trong túp lều trống vắng, lòng anh nơm nớp nỗi lo. Ra đến biển, nhiều lúc phải đương đầu cùng sóng gió, có khi sóng đánh úp thuyền. Những lúc ấy càng nhớ đến con, xót xa đến trào nước mắt.
Tôi hỏi bây giờ tính sao, Hải lắc đầu chừng như bất lực. Biển càng ngày càng cạn kiệt, có những chuyến đi rồi trở về với hai bàn tay trắng. Ở cái xứ xương rồng cát trắng nầy, muốn tìm việc làm thuê cũng không phải dễ. Hai năm trước, một cơn lốc đi qua, túp lều bật gốc, mấy cha con phải dọn về ở tạm trong căn nhà của đứa em. Nghĩ đời mình thất học mới ra nông nỗi nầy, giờ phải kiên quyết cho con ăn học, nhưng lực bất tòng tâm. Ngày bé Phượng quyết định vào Sài Gòn bán xôi để nuôi em ăn học, Hải nghe đau xé trong lòng, thấy mình có tội với con, nhưng cũng chẳng biết làm cách nào khác được. Mà thật ra, cũng nhờ đồng tiền mưa nắng của Phượng nên ba đứa nhỏ được tiếp tục đến trường. Bé Hằng năm nay hết lớp 9, nghỉ hè nó có thể tìm việc phụ bán cà phê, mỗi tháng kiếm năm bảy trăm ngàn để lên lớp 10 có tiền mua áo dài, sách vở. Hải hy vọng bé Phụng, bé Xuân vài năm sau cũng thế, nghĩa là phải biết tự tạo cho mình một con đường để đến trường.
Trở lại Sài Gòn, tôi tìm đến nhà dì Thảo – mẹ của Hải – trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Khi tôi vào thì bé Phượng phải bước ra đường vì nhà không đủ chỗ ngồi. Bảy mét vuông, một phần dành làm bếp nấu xôi, một phần nhà vệ sinh và một chỗ đặt chiếc cầu thang bước lên gác xép. Nhưng đó lại là nơi ăn chốn ở của Phượng, của bà nội, của người cô và đứa con trai. Chị Trang, cô của Phượng nói: “Em với mẹ làm nghề bán xôi mấy chục năm rồi, khi Phượng vào Sài Gòn, em nhường chiếc xe xôi lại cho nó, em đi phụ bán quán với một người bạn”.
Hai bà cháu hai chiếc xe xôi, dì Thảo đứng bên lề đường Trần Doãn Khanh, trước cổng trường Trần Văn Ơn, Phượng đứng phía sau trường Đinh Tiên Hoàng. Dậy sớm, thức khuya, dầm mưa, dãi nắng, đứng rã đôi chân, hai bà cháu mỗi ngày kiếm được hơn trăm ngàn.Dì Thảo nói: “Thu nhập như vậy sống ở đất Sài Gòn đã chật vật rồi. Hàng tháng phải gởi về quê tiếp thằng Hải nuôi ba đứa con của nó, lại thêm thằng em của nó đang bị xơ gan, không biết sống chết ngày nào. Đời người lớn khổ đã đành, nhưng chẳng lẽ để cho đời con, đời cháu cứ lặp lại đời mình . . .”
Tôi bảo Phượng nên đăng ký học bổ túc văn hóa ban đêm, tôi sẽ cố gắng giúp cháu một phần chi phí. Phượng gật đầu, đôi mắt sáng lên như tìm thấy một niềm hy vọng ở tương lai. Dì Thảo cũng mừng vui: “Nghe lời chú đi con, biết đâu sau nầy con sẽ đổi đời”.
Phượng lại gật đầu. Cái gật đầu của Phượng lần nầy đã làm cho tôi cảm thấy nhẹ lòng đi.
-->đọc tiếp...

ÔNG KẸO KÉO



ĐẮC DANH - TRẦN THÔI

Nhớ lại chuyện cũ, có khi chị Băng cười một mình. Cuộc đời có những ngã rẽ không ngờ. Tình yêu, hôn nhân cũng thế, cũng đến bất ngờ như một cơ duyên. Mười tám năm trước, cô thợ gặt Lương Thị Ngọc Băng từ Mỏ Cày – Bến Tre sang Trà Vinh gặt lúa mướn. Ba mươi tuổi đời mà không dám lấy chồng, phần vì mặc cảm con nhà nghèo, phần vì phải nuôi cha mẹ, thôi thì ở vậy cho xong. Nhưng rồi trong đoàn thợ gặt ấy, chị gặp anh Tấn, cùng quê, cùng cảnh ngộ như câu hát của người xưa:

Ví dầu nhà dột cột xiêu

Muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn.

Anh Tấn tâm sự với chị, cái tâm sự của hai người sao mà giống nhau như đúc: Nghèo quá không dám lập gia đình, phải nuôi cha nuôi mẹ, liệu cưới vợ về rồi có nuôi nổi hay không.

Sau mùa gặt ấy, họ nên vợ nên chồng.

Và rồi, họ từ giã cái nghề gặt mướn cũng là một lối rẽ bất ngờ: Một người bạn nghèo được xuất cảnh đã truyền nghề làm kẹo kéo lại cho anh Tấn, tặng luôn chiếc xe đạp với giàn nhạc lưu động và một cây mai, cây mai cỏn con chỉ bằng chiết đũa, nhưng người bạn đã căn dặn: “Tôi rất cưng nó, ông cố chăm sóc, đừng để cho nó chết”.

Mười tám năm, vợ chồng anh Tấn không nhớ nổi mình đã qua bao nhiêu căn nhà trọ, nhưng đi đâu, anh Tấn cũng dời cây mai đi theo, chăm sóc và tạo dáng dần dần cho nó. Bây giờ, cây mai đã cao hơn anh và đã mười mấy lần trổ bông đón tết. Mười tám năm rong ruỗi khắp các phố chợ, đường làng với chiếc xe kẹo kéo, thuở ấy, bé Trâm còn nằm trong bụng mẹ, bây giờ nó sắp vào đại học, bé Bảo còn một năm nữa là hết cấp ba. Trong cảnh rày đây mai đó, cứ mỗi lần đổi nhà trọ thì hai đứa nhỏ phải chuyển trường. Chị Băng nói không thể nhớ hết hai đứa nhỏ chuyển trường bao nhiêu lần, có khi chuyển vào đầu năm học, có khi phải chuyển giữa học kỳ, nhiêu khê lắm, nhưng được cái trường nào cũng thương, thương cái cảnh cha mẹ không nhà, thương người cha tảo tần với chiếc xe kẹo kéo mà mà học bạ của hai đứa con thì luôn luôn xuất sắc.

Như một thói quen, mỗi sáng, trước khi ra đường làm “ông kẹo kéo”, anh Tấn pha một bình trà đậm ngồi nhắm nháp và nhìn ngắm cây mai, anh nói, lúc ấy anh chìm trong một trạng thái lân lân đầy thi vị. Nghèo, nghèo đến mức không nhà không cửa, nhưng có được cây mai như anh thì không phải ai cũng có, có được hai đứa con nổi tiếng học giỏi như con anh thì không phải ai cũng có. Hồi trước, mỗi tối anh Tấn hay ngồi bên chai rượu đế để chiêm nghiệm cái nghèo cái khổ, để oán trách thân phận mình. Nhưng rồi khi hai đứa trẻ lớn lên, thỉnh thoảng trên đường đi bán kẹo, nghe người ta đồn rằng ông kẹo kéo có hai đứa con vừa ngoan vừa học giỏi, anh lấy đó làm niềm tự hào rồi âm thầm bỏ rượu, bỏ thuốc lá, bỏ luôn cả cái mặc cảm nhà nghèo.

Mỗi ngày, không thể tính được chiều dài của cuộc hành trình, nhưng thu nhập thì giới hạn ở con số không vượt qua năm chục ngàn đồng, số tiền ấy phải trang trải cho bốn miệng ăn và chi phí học hành của hai đứa nhỏ, nhiều lúc tưởng như không thể vượt qua. Thấu hiểu và ray rứt trước nỗi nhọc nhằn lo toan của cha mẹ, bé Trâm đòi đi phụ bán cà phê để kiếm thêm tiền, anh Tấn sợ con gái sa vào cạm bẫy nên cương quyết không cho. Hai năm trước, bé Bảo về quê ngoại ăn tết rồi ở luôn dưới Mỏ Cày. Anh Tấn phải đi bắt con về học tiếp. Anh hỏi tại sao bỏ học, Bảo chỉ khóc mà không nói. Rồi một hôm Bảo tâm sự với chị Băng rằng, nó muốn đi cho gia đình bớt một miệng ăn, vừa bắt ốc, mò cua kiếm tiền giúp mẹ cha lo cho chị Trâm học hành tới nơi tới chốn.

Hồi năm lớp sáu, Bảo bị bứu máu, một khối u thật to bên má phải. Anh Tấn nói nghèo mắc cái eo, đã trị xong ai dè giờ nó tái phát. Gò má sưng to, đau nhức.Trong bước đường cùng, anh nghĩ tới chuyện bán cây mai để chữa bệnh cho con. Chị Băng im lặng, khóc thầm khi nghĩ rằng cây mai là nguồn vui, là thói quen nhìn ngắm mỗi sáng của chồng, là quà tặng của người bạn đi xa, là công lao di dời, chăm sóc mười tám năm, là chứng nhân của một cuộc hành trình gian khó . . . chị không đủ can đảm nghỉ đến hình ảnh mỗi sáng, trước khi lên đường làm ông kẹo kéo, anh Tấn pha trà ngồi nhâm nhi nhìn ra sân mà không có cây mai.

Thấu hiểu tâm sự của chị, vợ chồng anh Giảng – người chủ ngôi nhà – bỏ tiền ra mua mà không bứng nó đi, anh Giảng nói: “Tôi để lại cho anh nhìn ngắm, chăm sóc, khi nào anh có tiền thì tôi cho chuộc lại, không tính lời”. Trong lúc vợ chồng, con cái dắt díu nhau đi tìm nhà trọ thì anh Giảng đã ra tay, cho thuê nguyên ngôi nhà, có cả sân vườn, tiện nghi sinh hoạt mà chỉ lấy tượng trưng mỗi tháng hai trăm ngàn, trong khi anh Giảng chỉ là một nhà giáo nghèo, vợ tần tảo bán buôn, lại phải nuôi hai đứa con ăn học. Hồi anh Giảng mua cái tivi mới, anh bảo vợ mang cái tivi cũ đến cho vợ chồng anh Tấn xem thời sự, xem cải lương cho đỡ buồn. Khi anh Giảng mua được cái máy vi tính mới, anh lại bảo vợ mang cái máy tính cũ đến cho bé Trâm và bé Bảo học hành. Người đâu mà tốt như chiêm bao. Hai lần anh Tấn đi mua xe đạp cho con, ông chủ tiệm chỉ lấy nửa giá tiền, ông nói giúp cho ông kẹo kéo một phần, thưởng cho hai đứa nhỏ học giỏi một phần. Anh Tấn kể cho con nghe rồi nói, phải sống tử tế để không phụ lòng những người đã giúp mình. Nếu không có hai đứa con học giỏi, ngoan ngoãn thì cái nghèo của cha mẹ chỉ làm cho người ta thương hại mà thôi.

-->đọc tiếp...

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

NGƯỜI ĐÀN ÔNG VƯỢT DỐC



(Đón xem tập phim GÀ TRỐNG NUÔI CON phát sóng vào 21 giờ, thứ hai, 27-4 trên VTV9)
Võ Đắc Danh
Tôi quen với Ba Đen từ hôm đi viết câu chuyện Những Người Lương Thiện, tức những người sống lương thiện bằng cái nghề chạy xe ba-gác đang nơm nớp lo trước cái lệnh cấm hành nghề. Trong những người tôi gặp, Ba Đen để lại trong tôi một ấn tượng mạnh hơn bởi anh không nhà không cửa, vợ chết, phải nuôi ba đứa con ăn học. Tuổi 55 nhưng đứa con út của anh chỉ mới học lớp ba, hai đứa lớn thì mới lên lớp sáu. Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu cái tuổi đười cỡ đó, anh còn đủ sức để bươn chải cho ba đứa nhỏ học hành đến nơi đến chốn hay không ? Và nếu phải cấm xe ba-gác thì anh sẽ nuôi con bằng cách nào ?
Một hôm, lang thang trong Bình Hưng Hòa, tình cờ gặp lại anh đang đậu tài dưới một góc cây gần khu công nghiệp Tân Bình. Chợt nghĩ gần đến ngày nhập học, tôi hỏi anh đã chuẩn bị gì cho mấy đứa nhỏ chưa ? Anh lắc đầu cười, nói mấy ngày nay chạy xe ế quá. Tôi bảo anh về chở ba đứa nhỏ đi nhà sách chơi, tôi sẽ tặng cho mỗi cháu một bộ sách giáo khoa và vài chục quyển tập. Anh vừa mừng, vừa tỏ ra áy ngại, nhưng không cải được lời đề nghị của tôi nên đành chạy xe về.
Bé Hồng Ngọc, 12 tuổi; Tuấn Hải, 11 tuổi; Hồng Trang, 8 tuổi. Cả ba đứa đều sinh ra, lớn lên giữa đất Sài Gòn mà ra đường ngơ ngác như những đứa trẻ nhà quê, mà thật ra, chúng đi dạo phố bằng xe ba-gác cũng là một hiện tượng lạ mà tôi chưa từng thấy ở Sài Gòn. Ba Đen nói, ít khi nào anh đưa chúng ra đường, trừ khi về thăm ngoại hoặc đi chùa viếng mẹ. Mua sách xong, anh nói sẵn đây anh đưa chúng đi chùa thăm mẹ luôn, lâu lắm rồi chúng nó không được đi. Tôi theo anh đến chùa Long Hưng trên đường Lạc Long Quân, Ba Đen thắp nhang khấn vái: “Xin báo cáo với bà, hôm nay tôi vừa mua tập vỡ, sách giáo khoa chuẩn bị cho con nhập học, thuận đường tôi đưa chúng đến thăm bà, mong bà phù hộ cho cha con tôi mạnh khỏe, phù hộ cho con mình học giỏi, tôi hứa sẽ nuôi cho chúng ăn học đàng hoàng để bà được yên lòng nơi chín suối”. Hai đứa lớn tỏ ra ngậm ngùi khi nhìn bức hình mẹ nó dán trên hũ hài cốt, còn đứa nhỏ thì ngơ ngơ, ngác ngác như chẳng biết gì, bởi mẹ nó qua đời khi nó mới tròn 17 tháng.
Gần đến rằm tháng Tám, hai bên đường rực rỡ lồng đèn và bánh Trung thu. Ba đứa trẻ nhìn mãi mê như không chớp mắt. Tôi chợt nhớ trên vách nhà trọ của Ba Đen, bên cạnh tấm hình người vợ quá cố của anh là hai chiếc lồng đèn làm bằng khung trúc dán giấy kính màu, đơn sơ, thô kệch, bụi bám, nhện giăng, một di vật của tình mẫu tử.
Ba Đen nói anh rời quê Vĩnh Châu – Sóc Trăng – lên Sài Gòn từ năm 30 tuổi. Lý do ? Kiếm việc làm mướn với ước mơ thoát cảnh đói nghèo giữa cái giồng cát nghèo quanh năm nắng gió. Ban đầu anh đi làm bốc xếp, hai năm sau, ông dượng rễ đứng ra bảo lãnh cho anh thuê chiếc xích-lô. Ngày chở khách, đêm ngủ trên xích-lô dưới gốc cây ven đường. Nhờ có sức khỏe, siêng năng, biết dành dụm, chẳng bao lâu Ba Đen mua được chiếc xích-lô và cưới vợ. Vợ anh - chị Xuân Hồng – bán bánh mì trên đường Lý Thường Kiệt, gần chỗ anh đâu xe ngủ qua đêm. Ba Đen kể, mến cô gái ấy nhưng chẳng biết nói gì để tỏ tình, mỗi tối đến mua ổ bánh mì, liếc liếc, cười cười rồi đi. Một hôm, cô ấy nhờ anh đến lò lấy bánh, anh mừng quýnh lên như trẻ được cho quà, một hôm khác cô lại nhờ anh đi lấy chả lụa. Thế là mến nhau, yêu nhau rồi thành vợ thành chồng. Nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười với anh. Đứa con gái út ra đời hơn một năm thì chị phát bệnh ung thư và chết trong đớn đau, nghèo khó.
Tôi cố hình dung cái gia cảnh của một người đàn ông tha phương cầu thực giữa Sài Gòn, mang nỗi buồn mất vợ, nuôi ba đứa con nheo nhóc trong căn phòng trọ tồi tàn bằng cái nghề chạy xe ba-gác, một đứa năm tuổi, một đứa bốn tuổi và một đứa mới mười bảy tháng. Tôi hỏi Ba Đen làm sao anh vượt qua được, anh cười: “Mình cũng không biết nữa, nhưng cuối cùng rồi cũng qua. Lúc ấy hai đứa lớn đi mẫu giáo, đứa nhỏ không chịu ở với ai, buộc lòng tôi phải chở theo xe ba-gác. Lúc đậu tài thì thả nó ngồi trong xe, đem đồ chơi theo cho nó. Lúc chở hàng thì để nó ngồi trên bắp đùi, mặt nó quay ra phía sau, hai tay nó câu eo ếch tôi như con khỉ đeo lưng mẹ. Tôi chở theo như vậy hơn một năm, cho đến ngày nó đi mẫu giáo”.
Phòng trọ chừng mười mét vuông, tiền thuê mỗi tháng ba trăm ngàn, nhưng Ba Đen nói, tháng nào có tiền thì trả, không tiền thì thôi, sự giúp đỡ của gia đình bà chủ nhà còn lớn lao hơn nhiều so với tiền trọ. Dì Tư Dữ luôn xem anh như con và xem con anh như cháu nội. Thỉnh thoảng bà sai anh làm vài chuyện lặt vặt rồi cho anh năm bảy chục ngàn. Hôm nào anh bận chở hàng đến trưa không về được thì gọi điện về cho chị Út, con Dì Tư để chị nấu cơm cho ba đứa nhỏ. Chị Út có hai đứa con gái, bé Huy đang là sinh viên và bé Ty đang học lớp mười. Cả hai đứa thay phiên nhau dạy kèm, kiểm tra bài vỡ cho con anh. Ba Đen nói: “Hai đứa nó nghiêm khắc như cô giáo, tụi nhỏ sợ lắm. Thấy nó dạy cực khổ, tôi cho tiền nó không lấy. Tôi nói thay vì nó đi học thêm thì chú cũng phải trả tiền, nó nói tụi cháu dạy giùm để chú không phải tốn tiền cho tụi nó đi học thêm”
Cách nay mấy hôm, cả ba đứa đều bị sốt xuất huyết, hai đứa nhỏ qua khỏi, nhưng bé Ngọc lên cơn mê sảng trong khi Ba Đen không có nhà. Chị Út tức tốc đưa cháu đi cấp cứu. Bác sĩ nói may là còn cứu kịp, nếu chậm vài giờ nữa thì cháu sẽ tử vong. “Tốn hết hai triệu rưỡi – Ba Đen kể - tôi phải bán chiếc xe sáu triệu đồng, may mà còn được ba triệu rưỡi, mua lại chiếc xe khác.
“Có đứt ruột mới thương người ruột đứt – Dì Tư tâm sự - con người ta sinh ra có ai lựa chọn sự nghèo khổ, chẳng qua là số phận. Tôi cũng đã từng chịu khổ nên thấy cái cảnh gà trống nuôi con của nó mà thương, giúp được cái gì hay cái nấy, tôi cũng nói với con cháu tôi như vậy, sống phải biết thương người”. Chị Út nói: “Mình đủ vợ đủ chồng, nuôi hai đứa con ăn học mà còn thấy đuối, huống chi Ba Đen. Mà chạy xe đâu phải ngày nào cũng có tiền. Nhiều khi đi ngang qua khu công nghiệp Tân Bình, trời nắng chang chang, thấy ảnh ngồi cú rũ dưới gốc cây với chiếc xe ế khách, rồi nghĩ đến ba đứa nhỏ nheo nhóc ở nhà mà muốn rơi nước mắt. Tôi hay đem chuyện cực khổ của ảnh ra kể cho mấy đứa nó nghe để nhắc nhở, dạy dỗ. Dường như tụi nó cũng biết nghe nên đứa nào cũng ngoan, chăm học”.
Tôi hỏi Ba Đen, anh có kiên quyết cho các cháu học hành đến nơi đến chốn hay không, anh nói như không dám tự tin cho lắm: “ Có nhiều lúc tôi định cho con Ngọc học hết lớp chín rồi đi học nghề để tiếp tôi lo cho hai đứa nhỏ, nhưng nhìn thấy chị Út, cũng nhà nghèo, chồng làm công nhân, vợ bán nước sâm nhưng cho bé Huy và bé Ty học tới cùng. Bé Huy, bé Ty vừa dạy kèm con tôi, vừa động viên tôi: Chú không được để cho tụi nó bỏ học giữa chừng, sau nầy khổ lắm ! Tôi sẽ cố gắng anh ạ. Nhưng ngựa chạy đường dài. Nếu tôi còn đủ sức để chạy xe và nếu cái nghề chạy xe ba-gác không bị cấm . . .”
Thôi thì cầu nguyện, tôi chỉ biết cầu nguyện cho anh. Không phải cầu nguyện ở ông bụt, bà tiên hay đấng tối cao nào mà chỉ xin cầu nguyện ở lòng nhân ái của cộng đồng.


====

Comments(3 total) Post a Comment

Gol F…
Offline IM
Đọc chuyện nào của anh cũng rơi nước mắt!
Friday April 24, 2009 - 09:43am (ICT)

Chiêu…
Offline
hông biết tới họ thì thôi ..biết thì phải làm cái gì đó chứ anh ...nhìn thấy vậy sao chịu nổi ..
Friday April 24, 2009 - 12:10pm (ICT)

Tường…
Offline IM
Tổng Giám Đốc SIC Nguyễn Thành Long đã đồng ý tặng anh Ba Đen chiếc xe ba gác máy "trong luồng" trị giá 51 triệu! Đã chuyển tiền rối đó, anh làm tiếp đi nghen. Hy vọng đời anh Ba Đen sẽ hết đen
Wednesday May 13, 2009 - 04:50pm (ICT)
-->đọc tiếp...

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

NGƯỜI SÀI GÒN BẤT ĐẮC DĨ




Năm 2003 tôi đang làm đại diện cho báo Người Lao Động ở miền Tây thì bất ngờ phát hiện mình bị viêm gan siêu vi C khi xét nghiệm. Tôi gọi điện báo tin cho chị Hằng Nga, Tổng biên tập đang họp Quốc hội ở Hà Nội. Chị Nga hốt hoảng: “Em lên ngay Sài Gòn để điều trị, cứ bỏ hết mọi việc ở văn phòng, chị về sẽ tính sau”.

Đó là lý do để tôi trở thành người Sài Gòn bất đắc dĩ, không hề tính trước, cũng không hề mong muốn.

Năm 1997, một lần có việc phải lên Sài Gòn, tình cờ một anh bạn rủ đi nhậu. Anh chở tôi trên xe gắn máy từ Sương Nguyệt Ánh đi theo đường Cách Mạng Tháng Tám, gần Tết, người chen chúc nhau, giành nhau từng tấc đường. Lúc ấy tôi nghĩ bụng, tại sao phải sống ở đất Sài Gòn ? Sống mà ra đường phải giành nhau từng tấc. Tôi cũng đã thề trong bụng rằng, không có lý do gì phải chen chân lên cái đất nầy !

Đêm đầu tiên chở hai đứa con gái lên lầu 33 uống cà phê cho chúng nhìn toàn cảnh Sài Gòn. Đứa nhỏ - lúc ấy học lớp ba - hứng thú giơ hai tay lên, hét: “Trời ơi ! Con không ngờ bỗng dưng mình được làm người-Sài-Gòn.” Còn đứa lớn - học lớp mười một – thì rơm rớm nước mắt: “Về quê đi cha ơi ! Sài Gòn mênh mông quá, mình không chen vô nổi đâu !”

Nhưng rồi mọi chuyện cũng trôi qua một cách bình thường, chẳng có gì phải gọi là bon chen, chẳng có gì phải gọi là hội nhập. Chỉ có nỗi khốn đốn mà tôi cho là khốn đốn đến tận cùng, đó là nạn kẹt xe. Khi dừng lại dưới nắng trưa gay gắt, giữa nghìn trùng xe cộ, nghìn trùng ống khói xe thổi thốc vào người, vào mắt, vào mũi, cay xé, nặc nồng đến ngộp thở, đến trào nước mắt. Đó là lúc tôi quay về ký ức, thèm khát một khoảng trời cao đất rộng, sông nước mênh mông, cây cỏ bạt ngàn, gió lồng lộng một mùi tinh khiết, mùi của đất đai, rơm rạ, của khói đốt đồng. Rồi giựt mình ngoảnh lại cuộc hành trình của hơn nửa đời người, từ làng quê ra thị trấn, từ thị trấn ra đô thị nhỏ, từ đô thị nhỏ đến đô thị lớn. Ngồi viết bản khai nhân khẩu để chính thức nhập cư vào đất Sài Gòn, tôi chợt ngậm ngùi khi trả lời những câu hỏi về những chỗ ở đã qua: Từ năm . . . đến năm . . . ở đâu ? Làm nghề gì ? Xin thưa, làm sao mà kể hết những cánh đồng, những làng quê mà tôi đã đi qua trong khói lửa chiến tranh. Làm sao mà kể hết những cái nghề mưu sinh từ thuở ấu thơ đến thời niên thiếu: Bắt ốc, hái rau, giăng lưới, cắm câu, mò tôm, mò cá, cuốc đất, cày ruộng, giữ trâu, cấy lúa, gặt lúa, tát nước, làm cỏ, be bờ . . . Làm sao nhớ hết địa chỉ nhà trọ của một thời mà hai kiếp nông dân với thư sinh đè nặng một kiếp người.

Có một đêm tôi giật mình thức giấc thấy mình nằm trong mấy tấm lá chầm, ngoài trời mưa to gió lớn, mưa xuyên qua mái nhà rớt lên những tấm lá chầm nghe lộp bộp. Mẹ tôi vẫn ngồi chấp trân bên ngọn đèn dầu lập lòa trong gió, tiếng ống bả kêu o o như một khúc nhạc buồn.

Hồi ấy, có lẽ người ta chưa có sáng kiến để chế ra chiếc xa quay như bây giờ mà phải dùng hai bàn tay xe từng sợi bố, gọi là chấp trân. Sợi bố được vòng qua một ống tre treo lên mái nhà, ống tre ấy gọi là ông bả, sợi bố đi vòng qua ông tre tạo nên một âm thanh buồn như tiếng nhạc. Năm tháng đi qua, ống tre mòn khuyết tạo thành những vòng tròn, đường khuyết càng sâu thì khi sợi bố đi qua cái âm thanh ấy càng to và càng ngân nga, buồn da diết. Để có đủ trân cho một đôi chiếu, mẹ tôi phải xe hàng trăm mét dây bố, và mỗi năm mẹ tôi dệt hàng trăm đôi chiếu, có nghĩa là hai bàn tay mẹ tôi phải xe hàng chục vạn lần để có hàng vạn mét dây. Và một đời dệt chiếu, xe từng sợi bố, chẻ từng cọng lác, đời mẹ tôi còn lại chiếc lưng còng, những lưỡi dao cau mòn khuyết, những chiếc ống bả mòn khuyết và những khung dệt cũng mòn khuyết. Nhưng cái âm thanh buồn toát ra từ chiếc ống bả cứ bôn ba theo cuộc đời tôi như một bản trường ca.

Năm tôi lên bảy tuổi, đó là một buổi sáng tháng 5 năm 1967, sau một cuộc giao chiến ở một vùng ven trên đồng Phong Thạnh, khi tiếng súng vừa dứt, cũng như thường lệ, mẹ tôi đi thăm từng nhà trong xóm xem ai còn ai mất. Nhưng rồi bất ngờ, chúng tôi nhìn thấy mẹ tôi ngồi gục trên bờ đám mạ giữa đồng. Trên đường chúng tôi chạy ra, có những xác người vừa tử chiến nằm giữa lối đi. Một người đàn ông đi qua, giúp mẹ tôi khiêng ba tôi đặt lên bờ mẫu. Ba tôi bị một viên đạn súng trường xuyên qua cổ và hai mươi viên carbin lia trên ngực áo.

Sau khi gom xác những người tử trận – tất cả mười một người – xuống một chiếc ghe để đưa đi làm lễ truy điệu, mẹ tôi trở về mang hết mấy chục đôi chiếu xuống xuồng, những đôi chiếu vừa dệt xong còn thơm mùi lác mới. Không ai bảo, nhưng tôi biết mẹ tôi muốn dành những đôi chiếu ấy cho cả những người đồng đội của ba tôi. Hôm ấy trời mưa, mưa tối trời tối đất. Tôi ngồi trùm cao su trước mũi xuồng, mẹ tôi còng lưng chèo trong mưa gió, từng mái chèo nặng nhọc chống chọi với những cơn dông, những con sóng cuộn tròn trên dòng sông Phụng Hiệp mà điểm đến là cái nhà tang lễ để làm một cuộc chia ly đầy tang tóc sau cùng.

Cũng tháng Năm năm ấy, mẹ tôi chính thức ra đồng để thay thế cho ba tôi.

Nhà tôi có năm anh em , anh Hai tôi lúc ấy chỉ mới mười sáu tuổi, cái tuổi chưa gánh vác nổi việc nhà nhưng lại ngấp nghé trước món nợ núi sông. Hôm ấy – một năm sau khi ba tôi mất – một buổi sáng tôi đang lẽo đẽo theo mẹ ra đồng thì gặp bác Tư Nghiệp – một người bạn cùng làm việc với ba tôi trên xã – ông dừng lại, ngồi trên bờ ruộng nói với mẹ tôi những điều gì đó mà tôi linh cảm là hệ trọng. Khi tôi đến gần thì nghe mẹ tôi nói nhỏ, giọng trầm buồn: “Có người mẹ nào lại muốn con mình xông ra lằn tên mũi đạn đâu anh Tư, hơn nữa tôi cũng hy vọng nó lớn lên sẽ giúp tôi lo chuyện ruộng đồng. Nhưng chiến tranh mà, biết làm sao giữ được. Thôi thì tôi giao nó cho anh”.

Nói rồi, mẹ tôi quay đi trong nước mắt. Hôm ấy mẹ tôi bỏ công việc ngoài đồng để về xúc mấy giạ lúa chèo ra chợ bán, mua cho anh Hai tôi mấy khúc vải xanh.

Ba năm sau, vào một ngày giữa tháng giêng, tôi đang hì hục bắt cá đìa cho chú Bảy gần nhà thì một thằng bạn cùng xóm tìm đến, nó đứng trên bờ đìa ra hiệu cho tôi lên rồi nói nhỏ: “Về đi, anh Hai mầy chết rồi !”.Tôi băng qua cánh đồng rạ khô chạy về, cả nhà im lặng, những người hàng xóm đến thăm cũng im lặng trong nước mắt chảy dài. Lần nầy mẹ tôi không gào khóc như lần tiễn ba tôi, bà ngồi trơ như pho tượng, không nhìn ai, cũng không nói với ai, thỉnh thoảng đưa tay lên vuốt ngực, nước mắt nhỏ từng giọt nặng nề.

Anh Hai tôi vừa mất thì anh Ba tôi cũng đến tuổi trưởng thành. Anh là một người lao động giỏi, giỏi đến mức cả xóm đều khen. Đào đất, phát cỏ, nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa . . . anh làm suốt từ hừng đông đến mặt trời lặn mà không biết mệt. Nhưng anh làm thay mẹ tôi chưa được bao lâu thì xóm tôi trở thành vùng giao tranh ác liệt, đồn đóng gần nhà, nạn bắt lính đôn quân làm cho dân tình náo loạn.

Mẹ tôi lại xúc lúa chở ra chợ bán, mua về cho anh Ba tôi mấy khúc vải xanh.

Phía sau nhà tôi, cách vài cây số có một ngôi chùa lớn gọi là Tòa Thánh của Cao Đài Minh Chơn Đạo. Ngôi chùa bị bom Pháp đánh sập từ năm 1945, chỉ còn lại một bức tường cao, và trên bức tường cao ấy có một cây gừa cổ thụ. Những người trong xóm tôi theo Giải phóng quân đều đi về phía ấy, và mỗi lần về thăm nhà họ cũng về từ phía ấy. Tôi nhớ ba tôi cũng trông về phía ấy, mẹ tôi tiễn anh Hai tôi cũng dõi mắt về phía ấy cho đến khi anh Hai tôi khuất dạng trong lùm cây. Rồi ngày ngày, mẹ tôi cũng ra cửa sau trông về phía ấy. Từ ngày anh Hai tôi mất, mẹ tôi cố tránh cái nhìn về phía ấy. Nhưng từ ngày anh Ba tôi ra đi, mẹ tôi lại ngóng trông về phía ấy, một nửa chờ mong và một nửa đau buồn. Nhưng rồi hai năm sau, mẹ tôi không dám nhìn về phía cây gừa ấy nữa khi một người quen đến báo hung tin. Lần nầy, mẹ tôi lại ngồi như pho tượng, lại vuốt ngực với từng hơi thở nặng nề. Có nhiều đêm trở giấc, tôi giật mình thấy mẹ tôi vẫn còn ngồi đó, tay đấm nhẹ vào ngực và cố đè nén hai tiếng “Trời ơi!”

Năm tôi lên mười sáu tuổi, mẹ tôi không xúc lúa chở ra chợ bán để mua mấy khúc vải xanh như hai lần trước nữa mà bà bán hết lúa trong nhà để ra Cà Mau thuê người làm cho tôi cái giấy khai sanh giảm xuống cho tôi hai tuổi để tôi tiếp tục đến trường. “Có người mẹ nào lại muốn con mình xông ra lằn tên mũi đạn đâu anh Tư . . .”. Khi mẹ tôi gọi người hàng sáo đến đong những táo lúa cuối cùng trong bồ, tôi chợt nhớ đến câu nói ấy.

Thời đó, tôi chưa đủ trí khôn để hiểu rằng, để có được tờ khai sanh giả, để chiến tranh không phải cướp mất tôi, mẹ tôi phải ra đồng từ lúc hừng đông cho đến khi hàng xóm lên đèn, tấm thân gầy lần mò trên bờ mẫu giữa tiếng nhái bầu đồng thanh một khúc nhạc buồn trên đồng nước bao la khi trời chạng vạng. Đêm đêm, tôi ngủ bằng điệu ru của tiếng ống bả chấp trân trong căn nhà dột nát, mẹ phải che cho tôi bằng những tấm lá chầm.

Cái tờ khai sanh giả ấy đã giúp tôi vượt qua nạn bắt lính đôn quân cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Ngày hôm ấy, sau giây phút mừng vui, bỗng mẹ tôi lặng người đi, rồi run rẩy đôi tay khi đốt ba nén nhang cắm lên ba chiếc lư hương giữa bàn thờ, bà lại cố nén hai tiếng “Trời ơi” thốt ra từ trong hơi thở.

Sau chiến tranh, tờ khai sanh ấy không còn nằm trong hồ sơ pháp lý của tôi nữa, nhưng trong hành trang của cuộc đời tôi, nó vẫn là một tờ khai sanh vô giá.

*

Cách nay hai năm, tôi đã rước được mẹ tôi lên Sài Gòn. Phải khó nhọc lắm chúng tôi mới làm được việc nầy, dời một bà cụ ngoài 80 tuổi rời bỏ quê hương để làm cư dân Sài Gòn, quả là một điều không tưởng. Người trẻ thì bảo đất nước mình đâu cũng là quê hương, nhưng người già thì hay nói rằng ai nỡ rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún. Với mẹ tôi, quê hương không chỉ là nơi chôn nhau cắt rún, không chỉ là dây mướp dây bầu, không chỉ là con đường làng, đồng lúa, dòng sông mà còn cả máu xương của bao người thân ngã xuống. Tôi hiểu cái cảnh mẹ tôi ngồi cú rủ suốt ngày giữa bốn bức tường, bà không nói ra, cũng không trách chúng tôi, bởi bà biết không còn cách lựa chọn nào khác.

Hai mươi năm trước, tôi đã từ chối một cơ hội làm người Sài Gòn trong nỗi dằn vặt vì không muốn xa quê. Sau khi bút ký Nơi Ấy Bây Giờ đăng hai kỳ trên tạp chí Văn thành phố, kể lại câu chuyện về nạn cường hào ở một vùng quê, tôi suýt bị tống vô nhà giam. Nhà văn Anh Đức bảo tôi chuyển lên Sài Gòn, sẽ được cấp một căn hộ ở chung cư Đồng Khởi. Sau gần một tháng lang thang ở Sài Gòn, vừa tạm thời lánh nạn, vừa cân nhắc xem mình có thể sống được không. Một buổi sáng trời mưa lắc rắc, ngồi uống cà phê vỉa hè trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhìn dây bìm bìm phủ xanh trên hàng rào kẽm gai, tôi phát ứa nước mắt vì một nỗi nhớ nhà, rồi tự nói: “Sài Gòn không phải là đất của mình”. Vậy là nhảy lên xe đò về quê. Nhưng về tới quê hương thì lại phải đối diện với bao chuyện phiền hà. Ông bí thư Tỉnh ủy mời ông chủ tịch hội văn nghệ lên gây sức ép: “Nếu cậu giải quyết cho thằng Danh thôi việc thì tôi sẽ ký hồ sơ cho hội tiếp tục ra tờ báo, bằng không thì thôi”. Ra đi thì không nỡ, mà ở lại thì bị dập bị vùi, tôi cho đó là cái bi kịch yêu quê hương, bi kịch vì nặng nợ với nơi chôn nhau cắt rún. Năm sau, sinh con gái đầu lòng, tôi quyết định lấy cái nhau về ngâm mật ong, cho nó tan ra rồi pha rượu uống. Nghĩa là để cho con tôi không có nơi chôn nhau, để sau nầy nó không gặp phải cái bi kịch như tôi đã gặp. Và tôi yên tâm với những điều mình nghĩ.

Hóa ra đó chỉ là điều vớ vẩn.

Ngày rời quê hương, con gái tôi đã khóc ngay từ khi xe bắt đầu chuyển bánh. Và nó đã khóc suốt một năm, nó tâm nguyện rằng Sài Gòn chỉ là nơi ở tạm để rồi sẽ quay về sau khi học hành tử tế. Tôi đã hiểu ra rằng, khái niệm quê hương không phải là nơi chôn nhau cắt rún mà là những gì thân thuộc đã nuôi dưỡng tình cảm con người.

Phải chăng, chính vì lẽ ấy mà Sài Gòn với tôi, và cả với mẹ tôi vẫn chỉ là đất khách.

-->đọc tiếp...

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

CUỘC ĐỜI BI KỊCH CỦA CHỊ LÝ




Đón xem tập phim MẸ CON CHỊ LÝ trong chương trình VLSP phát sóng vào lúc 21 giờ, thứ hai,13-4 và phát lại lúc 9 giờ 50, thứ năm, 16-4 trên VTV9


Năm 1990, bé Thuyết chào đời, tôi sung sướng vì được làm mẹ thì anh tỏ ra thất vọng, anh nói thẳng: “Tôi không thích con gái !”. Anh giục tôi sinh đứa thứ hai. Năm 1993, bé Linh chào đời, anh lại thất vọng lần nữa. Hai năm sau, bé Trang chào đời. Sóng gió cuộc đời tôi bắt đầu từ đó . . .

Chị Lý cúi đầu im lặng, hai hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt xanh xao của một bệnh nhân ung thư vừa thoát chết.

Người ta nói bi kịch xuất phát từ những sai lầm trong quan niệm sống. Trong trường hợp nầy, chị Lý là nạn nhân của ý thức trọng nam khinh nữ của chồng chị và cả gia đình chồng, chị bị xem như kẻ tội đồ khi sinh đứa con gái thứ ba. Hai năm sau, anh Dong, chồng chị dẫn về nhà một người phụ nữ ẵm đứa con trai, anh công khai giới thiệu “đây là cháu nội đích tôn của bố mẹ”.

Bi kịch đến thế cũng chưa phải là tận cùng với chị. Năm 1998, bé Thuyết ngã bệnh và lìa đời khi đang học lớp hai, cả nhà không ai hiểu nó chết vì bệnh gì. Có người nói nó không chịu nỗi cú sốc vì nhìn thấy mẹ bị cha hành hạ triền miên, mấy ông thầy lang ở làng Tiên Du – Phú Thọ - thì kẻ nói vầy người nói khác. Đau đớn tột cùng, lại bị cái đói, cái nghèo đe dọa quanh năm, chị Lý dắt bé Linh và bé Trang về gởi nhờ cha mẹ ruột rồi lên xe lửa vào Sài Gòn tìm lối thoát trong niềm hy vọng mong manh bằng công việc nấu cơm, quét dọn nhà cửa cho một người đồng hương với thu nhập ba trăm ngàn đồng mỗi tháng. Một năm sau, chị tìm được việc làm ở một hãng giày da. Lương tháng tám trăm ngàn chỉ là số tiền lẻ so với nhiều người nhưng với chị, đó là nguồn thu nhập chưa bao giờ dám hy vọng trong những năm tháng sống ở quê nhà, cuốc bẩm cày sâu trên bảy trăm mét vuông đất, hết mùa lúa đến mùa khoai mà vẫn không đủ nuôi sống gia đình. Tám trăm ngàn, người ta có thể xài trong chốc lát, nhưng với chị, nào tiền trọ, tiền cơm, chắt chiu gởi về quê cho hai đứa con ăn học. Vậy mà năm năm sau, chị tích lũy hơn hai lượng vàng. Nhưng rồi một tin sét đánh: bé Linh và bé Trang bệnh nặng, đang nằm cấp cứu ở bệnh viện nhi Hà Nội. Buồn, đau, nhưng chị nghĩ cũng may mắn là mình có tiền để chữa bệnh cho con. Cả hai đứa bé đều bị đau lá lách, phải phẩu thuật, truyền máu. Bao nhiêu năm dành dụm với niền hy vọng đổi đời, giờ tay trắng. Nhưng, thà tay trắng còn hơn . . . chị đã không cứu được bé Trang vì bệnh của nó quá ngặt nghèo. . .

Chôn cất con xong, chị ra Tòa ký đơn ly dị, tạm gởi bé Linh cho ngoại rồi trở vào Sài Gòn làm lại một cuộc mưu sinh. Người ta nói “họa vô đơn chí” phải chăng chính là cảnh ngộ của chị bây giờ ? Nỗi đau còn đang giằn xé tận tâm can, giữa xứ lạ quê người với hai bàn tay trắng thì chị phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Nhập viện trong cảnh không tiền, bệnh viện lại quá tải, chị chọn một góc hành lang làm nơi tá túc. Bọc nilon, lon bia, ve chai là nguồn sống qua ngày. “Nếu không có bác sĩ Hạnh thương tình giúp đỡ thì không biết số phận tôi sẽ ra sao – chị nói – ngoài việc vận động các đồng nghiệp cho tiền, bác sĩ Hạnh giới thiệu tôi với các nhà sư, các đoàn công tác từ thiện đến đây cứu trợ bệnh nhân nghèo. Nhờ vậy mà tôi thoát chết”.

Trong lúc chị đang nằm viện thì bé Linh vào tìm chị: “Ở với ngoại thì bố không cho, bố đến nhà mắng chửi ông bà ngoại, đòi bắt con về. Nhà trường thấy con nghèo mà học giỏi nên vận động thầy cô giúp năm trăm ngàn, nhưng bố cũng lấy hết . . .”

Bé Linh lúc ấy vừa học xong học kỳ I năm lớp 6. Không thể để con bỏ học, nhưng chuyển trường giữa năm học là một việc không dễ làm. May thay, thầy Hồng, hiệu trưởng trường trung học cơ sở Phan Công Hớn nhìn học lực của bé Linh trong học bạ, hiểu hoàn cảnh chị Lý nên thầy đã sẵn lòng.

Xuất viện. Tiều tụy. Xanh xao. Lê từng bước chân nặng nhọc. Chị đắt bé Linh ra đường mà không biết đi đâu, về đâu giữa Sài Gòn mênh mông, không biết sống bằng gì khi không còn đồng xu dính túi. Lang thang khắp các nhà trọ ở Bà Điểm – Hóc Môn nhưng đều bị người ta từ chối vì không có tiền trả trước. Một bà lão qua đường chợt hỏi: “Con đi đâu mà thảm hại thế nầy”. Chị kể vắn tắt hoàn cảnh của mình. Bà lão chỉ tay về hướng bên kia đường: “Con thử đến đó hỏi nhà bà Sáu Trâm, bà ấy nhà nghèo nhưng tốt bụng, hay cưu mang những người thất cơ lỡ vận”. Từ đó, cái chái lá phía sau nhà bà Sáu Trâm trở thành nơi tá túc của hai mẹ con chị Lý. Ở, bà không lấy tiền trọ. Đói, bà nuôi cơm. Trong vườn có đủ thứ trái cây, bà bảo “mẹ con bây cứ hái mà ăn cho mau lợi sức”. Bé Linh theo giúp việc cho bà, bà nói “vô mà lo học bài”.

Chị Lý bây giờ đã có việc làm ở công ty bảo vệ Thăng Long. Bé Linh được tiếng là con ngoan, trò giỏi. Nghỉ hè, cháu đi làm thêm cho hiệu sách. Mười sáu tuổi, cái tuổi của mơ mộng, của hồn nhiên nhưng ánh mắt Linh đã hằn sâu những nét đau đời, những khát khao và nghị lực. “Con chỉ mong mẹ con sống lâu để được nhìn thấy con vào đại học”. Một ước mơ quá đỗi bình thường nhưng với Linh, đó là điều không đơn giản, và, có lẽ cháu đã đủ kiến thức để hiểu được cái điều không đơn giản ấy, cái nguy cơ tiềm ẩn của chứng bệnh ung thư mà mẹ cháu đang mang.

Bốn mươi tuổi đời, nhìn lại cái mất đi quá nhiều so với những gì mình có được, mà cái có được không biết mình sẽ gìn giữ được bao lâu, nỗi ám ảnh mình sẽ mất đi, bỏ lại đứa con gái nhỏ,yếu đuối, bơ vơ giữa cõi đời nầy nhiều khi biến thành cơn ác mộng trong chi Lý. Trong những khoảng lặng nhìn con, hoặc nghĩ tới con, cơn ác mộng ấy đã làm chị rưng nước mắt. Nhưng biết làm sao được. Số phận, chị đã từng vượt qua, từng được sự tiếp sức của bao người để vượt qua, để chiến thắng. Nhưng, liệu có vượt qua được cánh cửa của tử thần ?

HỒNG VINH

-->đọc tiếp...