Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

ÔNG KẸO KÉO



ĐẮC DANH - TRẦN THÔI

Nhớ lại chuyện cũ, có khi chị Băng cười một mình. Cuộc đời có những ngã rẽ không ngờ. Tình yêu, hôn nhân cũng thế, cũng đến bất ngờ như một cơ duyên. Mười tám năm trước, cô thợ gặt Lương Thị Ngọc Băng từ Mỏ Cày – Bến Tre sang Trà Vinh gặt lúa mướn. Ba mươi tuổi đời mà không dám lấy chồng, phần vì mặc cảm con nhà nghèo, phần vì phải nuôi cha mẹ, thôi thì ở vậy cho xong. Nhưng rồi trong đoàn thợ gặt ấy, chị gặp anh Tấn, cùng quê, cùng cảnh ngộ như câu hát của người xưa:

Ví dầu nhà dột cột xiêu

Muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn.

Anh Tấn tâm sự với chị, cái tâm sự của hai người sao mà giống nhau như đúc: Nghèo quá không dám lập gia đình, phải nuôi cha nuôi mẹ, liệu cưới vợ về rồi có nuôi nổi hay không.

Sau mùa gặt ấy, họ nên vợ nên chồng.

Và rồi, họ từ giã cái nghề gặt mướn cũng là một lối rẽ bất ngờ: Một người bạn nghèo được xuất cảnh đã truyền nghề làm kẹo kéo lại cho anh Tấn, tặng luôn chiếc xe đạp với giàn nhạc lưu động và một cây mai, cây mai cỏn con chỉ bằng chiết đũa, nhưng người bạn đã căn dặn: “Tôi rất cưng nó, ông cố chăm sóc, đừng để cho nó chết”.

Mười tám năm, vợ chồng anh Tấn không nhớ nổi mình đã qua bao nhiêu căn nhà trọ, nhưng đi đâu, anh Tấn cũng dời cây mai đi theo, chăm sóc và tạo dáng dần dần cho nó. Bây giờ, cây mai đã cao hơn anh và đã mười mấy lần trổ bông đón tết. Mười tám năm rong ruỗi khắp các phố chợ, đường làng với chiếc xe kẹo kéo, thuở ấy, bé Trâm còn nằm trong bụng mẹ, bây giờ nó sắp vào đại học, bé Bảo còn một năm nữa là hết cấp ba. Trong cảnh rày đây mai đó, cứ mỗi lần đổi nhà trọ thì hai đứa nhỏ phải chuyển trường. Chị Băng nói không thể nhớ hết hai đứa nhỏ chuyển trường bao nhiêu lần, có khi chuyển vào đầu năm học, có khi phải chuyển giữa học kỳ, nhiêu khê lắm, nhưng được cái trường nào cũng thương, thương cái cảnh cha mẹ không nhà, thương người cha tảo tần với chiếc xe kẹo kéo mà mà học bạ của hai đứa con thì luôn luôn xuất sắc.

Như một thói quen, mỗi sáng, trước khi ra đường làm “ông kẹo kéo”, anh Tấn pha một bình trà đậm ngồi nhắm nháp và nhìn ngắm cây mai, anh nói, lúc ấy anh chìm trong một trạng thái lân lân đầy thi vị. Nghèo, nghèo đến mức không nhà không cửa, nhưng có được cây mai như anh thì không phải ai cũng có, có được hai đứa con nổi tiếng học giỏi như con anh thì không phải ai cũng có. Hồi trước, mỗi tối anh Tấn hay ngồi bên chai rượu đế để chiêm nghiệm cái nghèo cái khổ, để oán trách thân phận mình. Nhưng rồi khi hai đứa trẻ lớn lên, thỉnh thoảng trên đường đi bán kẹo, nghe người ta đồn rằng ông kẹo kéo có hai đứa con vừa ngoan vừa học giỏi, anh lấy đó làm niềm tự hào rồi âm thầm bỏ rượu, bỏ thuốc lá, bỏ luôn cả cái mặc cảm nhà nghèo.

Mỗi ngày, không thể tính được chiều dài của cuộc hành trình, nhưng thu nhập thì giới hạn ở con số không vượt qua năm chục ngàn đồng, số tiền ấy phải trang trải cho bốn miệng ăn và chi phí học hành của hai đứa nhỏ, nhiều lúc tưởng như không thể vượt qua. Thấu hiểu và ray rứt trước nỗi nhọc nhằn lo toan của cha mẹ, bé Trâm đòi đi phụ bán cà phê để kiếm thêm tiền, anh Tấn sợ con gái sa vào cạm bẫy nên cương quyết không cho. Hai năm trước, bé Bảo về quê ngoại ăn tết rồi ở luôn dưới Mỏ Cày. Anh Tấn phải đi bắt con về học tiếp. Anh hỏi tại sao bỏ học, Bảo chỉ khóc mà không nói. Rồi một hôm Bảo tâm sự với chị Băng rằng, nó muốn đi cho gia đình bớt một miệng ăn, vừa bắt ốc, mò cua kiếm tiền giúp mẹ cha lo cho chị Trâm học hành tới nơi tới chốn.

Hồi năm lớp sáu, Bảo bị bứu máu, một khối u thật to bên má phải. Anh Tấn nói nghèo mắc cái eo, đã trị xong ai dè giờ nó tái phát. Gò má sưng to, đau nhức.Trong bước đường cùng, anh nghĩ tới chuyện bán cây mai để chữa bệnh cho con. Chị Băng im lặng, khóc thầm khi nghĩ rằng cây mai là nguồn vui, là thói quen nhìn ngắm mỗi sáng của chồng, là quà tặng của người bạn đi xa, là công lao di dời, chăm sóc mười tám năm, là chứng nhân của một cuộc hành trình gian khó . . . chị không đủ can đảm nghỉ đến hình ảnh mỗi sáng, trước khi lên đường làm ông kẹo kéo, anh Tấn pha trà ngồi nhâm nhi nhìn ra sân mà không có cây mai.

Thấu hiểu tâm sự của chị, vợ chồng anh Giảng – người chủ ngôi nhà – bỏ tiền ra mua mà không bứng nó đi, anh Giảng nói: “Tôi để lại cho anh nhìn ngắm, chăm sóc, khi nào anh có tiền thì tôi cho chuộc lại, không tính lời”. Trong lúc vợ chồng, con cái dắt díu nhau đi tìm nhà trọ thì anh Giảng đã ra tay, cho thuê nguyên ngôi nhà, có cả sân vườn, tiện nghi sinh hoạt mà chỉ lấy tượng trưng mỗi tháng hai trăm ngàn, trong khi anh Giảng chỉ là một nhà giáo nghèo, vợ tần tảo bán buôn, lại phải nuôi hai đứa con ăn học. Hồi anh Giảng mua cái tivi mới, anh bảo vợ mang cái tivi cũ đến cho vợ chồng anh Tấn xem thời sự, xem cải lương cho đỡ buồn. Khi anh Giảng mua được cái máy vi tính mới, anh lại bảo vợ mang cái máy tính cũ đến cho bé Trâm và bé Bảo học hành. Người đâu mà tốt như chiêm bao. Hai lần anh Tấn đi mua xe đạp cho con, ông chủ tiệm chỉ lấy nửa giá tiền, ông nói giúp cho ông kẹo kéo một phần, thưởng cho hai đứa nhỏ học giỏi một phần. Anh Tấn kể cho con nghe rồi nói, phải sống tử tế để không phụ lòng những người đã giúp mình. Nếu không có hai đứa con học giỏi, ngoan ngoãn thì cái nghèo của cha mẹ chỉ làm cho người ta thương hại mà thôi.